Tối qua, vừa đi tập về nhận tin cô bạn kèm theo cái link, kêu cái bài mà mình đọc của ai rồi chia sẻ là Fake News. Tá hoả mình theo đường link để đọc thì mới chới với. Hoá ra ông tàu cộng là sư của ông Việt Cộng về tuyên truyền.
Có chị bạn hàng xóm Đàlạt, con gái của Cò Đào thời VNCH, gửi cho mình cái link của ông nào ở Đàlạt, đoán là nhỏ hơn mình độ vài tuổi, có lẻ khi xưa ở đường Hai Bà Trưng, gần trường Đa Nghĩa. Ông này viết rất nhiều về Đàlạt, nhất là những tấm ảnh xưa của Đàlạt mà mình chưa bao giờ thấy nên mình theo dõi ông ta.
Có hôm thấy ông ta chia sẻ bài về thần đồng toán học của Trung Cộng, có tên là An Kim Bằng, Jinpeng An được đăng trên trang cá nhân Facebook của Hoàng Đức Truật.
Đọc bài thì thấy có nhiều điểm hơi khó hiểu là dạo ấy lợi tức bình quân của người tàu hàng năm độ $300 mà bà mẹ mượn tiền của thiên hạ lên đến mấy chục ngàn Nhân Dân tệ, đẩy xe đi 50 cây số mỗi ngày bán rau để nuôi người con ăn học, đoạt giải Olympic toán học, năm 1997 nay là giáo sư toán ở đại học Bắc Kinh.
Mình chia sẻ vì nghĩ đến công lao của bà cụ nuôi mấy anh em mình khi xưa, bố thì bị 15 năm cải tạo.
Chị bạn gửi cho bài báo, đăng trên Sixthtone.com, phỏng vấn giáo sư An Kim bằng, người được kể trong câu truyện xưa. Ông ta kêu là hoàn cảnh gia đình nhân vật được kể trong bài viết ấy đều là giả tạo, tự dựng lên cả.
Bài báo đem lại cho ông ta những hệ luỵ, thiên hạ mời ông ta đi nói chuyện về cuộc đời khổ hạnh của mình khi xưa. Có người lại xin tiền ông ta để ăn học, kêu ông ta thành công thì phải giúp học sinh nghèo khó như ông ta khi xưa…. Kinh
Ông ta kể là bài báo viết bởi ông Zhang Youde, một nhà biên tập văn hoá vùng ông ta sinh sống. Khi ông ta đoạt giải Olympic toán học thì ông nhà báo này bò lại nhà. Khôi nguyên Olympic tưởng là họ hỏi về huy chương hay thi toán nhưng không ông này chỉ hỏi cha mẹ nghèo cở nào và lái câu chuyện về sự nghèo khó.
Ông thiên tài nhà báo của đảng viết bài báo, biến ông An Kim Bằng thành học sinh độc nhất của trường, không có tiền mua thức ăn tại căn tin, rồi ông bố bị ung thư ruột già.
Ông giáo sư đại học bắc kinh kêu là họ viết bố ông ta bị ung thư nhưng thực tế thì bố ông ta rất khoẻ mạnh. Từ 20 năm nay, ông ta tìm cách đính chính sự việc, có viết trên Blog cá nhân năm 2006 nhưng câu chuyện huyền thoại về ông ta và gia đình vẫn cứ tiếp tục được truyền trong dân gian.
Tương tự, chính quyền địa phương vùng quảng đông có đăng tin là một học sinh 14 tuổi, được nhận vào đại học M.I.T. nhưng đại học này đã phản bác tin đồn kia.
Tuần trước, có vợ chồng anh bạn từ San Jose xuống thăm con nên hẹn nhau ăn cơm miền Trung ngoài Bôn Sa. Ngồi nói chuyện thì câu chuyện được hướng qua vụ viết véo.
Anh ta kêu là một tội ác khi viết bậy bạ như ở Việt Nam, các báo chí viết chuyện trên trời. Điển hình, có lần mình đọc một câu chuyện tình yêu. Cặp vợ chồng yêu thương nhau, anh chồng bị tai biến nên về quê sống nhưng với dưới ngọn cờ hồng, anh chồng đã vượt qua số phận, bệnh hoạn sau ngót 3 năm trời khắc phục trị bệnh nhờ uống thuốc Nam. May mắn đến, anh ta được một đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ mời sang giảng dạy 3 năm. Mỗi ngày cô vợ từ quê, đều ra phi trường Tân Sơn Nhất làm nàng Tô Thị thời nay. Một hôm, anh chồng về phép, muốn làm ngạc nhiên nên không báo cho nhà biết. Anh vừa bước ra cổng phi trường, đã thấy cô vợ Tô Thị thời nay đang đợi. Hai vợ chồng nhìn nhau ứa nước mắt trong khi ngọn cờ hồng cách mạng tung tăng trong gió của chiều Sàigòn trước tấm bảng “đảng cộng sản Việt Nam quang vinh”.
Nhiều khi đọc báo ở Việt Nam thấy quái đản lắm. Ở Hoa Kỳ, mỗi năm giáo sư đại học phải viết một bài nghiên cứu nào đó, viết dỡ thì sẽ không được mời dạy nữa. Một anh chàng ở nhà quê Việt Nam, bị tai biến, đái ỉa cho đều được vợ lo. 3 năm được đảng giúp đỡ, khắc phục nên hết bệnh, lại được đại học ngoại quốc, qua sự giới thiệu của đảng nên được mời đi dạy. Kinh
Anh bạn nói viết như vậy là một tội ác khiến mình nhớ đến câu trả lời của ông Nixon, khi được đài truyền hình TF1 phỏng vấn về vụ Watergate khi mình còn ở Pháp. Ông ta lập lại câu nói của ngoại trưởng Pháp quốc ngày xưa, ông Talleyrand, đối thủ của ngoại trưởng Áo: “c’est pire qu’un crime, c’est une faute” khi ông ta nói về cuộc chém đầu ông Duc d'Enghien, vị con trai cuối cùng của dòng họ Bourbon. Napoleon muốn triệt hậu hoạn để không còn dòng họ vua chúa của Pháp nữa. Thật ra câu này là của ông Antoine Boulay de la Meurthe nhưng lịch sử lại gán cho ông Talleyrand hoặc Fouche.
Có vài lần mình còm trên mạng về những bài báo nói về xứ mỹ, mà theo mình tác giả bựa ra để viết kiếm tiền nhưng không được đăng nên từ đó không dám còm nữa.
Hồi nhỏ mình học những chuyện như Phù Đổng, Lê Văn TÁm, hay mấy người nào lấy dây quăng lên cảng trực thăng, hạ mấy chục chiếc trực thăng, tay không mà phá được mấy trăm chiếc xe tăng của quân thù,… được bựa ra làm dụng cụ tuyên truyền cho cuộc chiến. Tạm chấp nhận nhưng ngày nay, chúng ta vẫn huyễn hoặc người dân với những truyện bựa sẽ khiến người dân có cái nhìn lệch lạc về tương lai đời sống.
Anh bị tai biến, vợ phải nuôi ăn, tắm rữa mà nhờ niềm tin vào đảng giúp anh ta hết bệnh rồi được đi dạy đại học danh tiếng Hoa Kỳ.
Con của lãnh đạo chạy chọt để được nâng điểm từ 3.5 lên trên 30 điểm, lại còn lên mặt dạy dỗ các bạn học, nói chung giới trẻ Việt Nam là học tài thì 1 tỷ. Kinh
Mình xoá cái bài kia để khỏi làm thiên hạ tin vớ vẩn.
Chán Mớ Đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét