Trang

Viện Nghiên Cứu (Think Tank)

Dạo mình mới sang Hoa Kỳ thì khám phá có nhiều cơ quan nghiên cứ mà người Mỹ gọi là Think Tank. Thấy là lạ vì đa số là do tư nhân bảo trợ, rất độc lập với chính phủ tiểu bang hay liên bang.
Think tank được xem như một viện nghiên cứu, trung tâm hay một tổ chức chú trọng đến nghiên cứu hay vận động những vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự, kỹ thuật và văn hoá.
Các ứng cử viên lập pháp hay hành pháp, đa số đều sử dụng nghiên cứu của các Think Tank này, để làm bàn đạp cho các chương trình của họ để tranh cử. Cũng có thể các Think Tank này, được bảo trợ bởi các công ty hay tài phiệt, sử dụng các nghiên cứu để định hướng lập pháp hay thay đổi đường lối của chính phủ, có lợi cho công ty của họ. Điển hình các công ty dược phẩm, dầu hoả,…
Đa phần các dự luật do các dân biểu đệ trình để quốc hội duyệt, thường là của các công ty viết hết, chỉ để người đại biểu ký tên cho oai. Nhiều đại biểu quốc hội đệ trình các luật mà chưa bao giờ đọc nên ú ớ khi bị hỏi nhưng may có các phụ tá do các công ty phái đến, trả lời dùm.
Đó là nói đến luật của chính họ đề nghị, còn luật của đồng nghiệp đề nghị mà họ bỏ phiếu thì thua non, chả bao giờ đọc cả. Lãnh lương ngon ơ đâu $176,000/ năm trở lên.
Đa số các trung tâm này đều là những tổ chức bất vụ lợi, như ở Hoa Kỳ đều được miễn thuế. Ngoài ra cũng có những trung tâm nghiên cứu được chính phủ, công ty giúp đỡ về mặt tài chính bằng cách cố vấn hay nghiên cứu cho họ về những dự án nào đó.
Nghe nói ngày nay có trên 4,500 Think Tank trên thế giới. Kinh.
Điển hình, ở phạm vi cá nhân, một người lơ tơ mơ mua một toà nhà mà họ không biết gì hết, chỉ muốn để mở tiệm nail. Trong khi một tập đoàn đầu tư thì điều tiên quyết là mướn cố vấn chuyên nghiệp. Mấy người này lấy mấy ngàn nhưng họ đi hỏi thành phố về phát triển tương lai của khu vực. Họ cho kỹ sư đào đất để, thử nghiệm xem có bị ô nhiểm, toà nhà có được xây kiên cố theo các luật lệ xây cất về chống động đất ở Cali,…
Nhiều khi toà nhà có vấn đề nên chủ bán rẻ nên thiên hạ chụp liền rồi khi khám phá ra dưới lòng đất bị ô nhiểm vì thằng hàng xóm có bồn chứa xăng dầu bị bể nên xăng dầu thấm qua đất của họ là ngọng. Đã mua rồi thì EPA bắt họ “clean up” để bảo vệ môi trường nếu không bị phạt mấy triệu hay phá sản.
Đó là vấn đề cá nhân mà không khéo lại bị hố, phá sản cho nên ở địa vị quốc gia hay tiểu bang thì người ta lại cần đến những Think Tank nhiều hơn vì họ là người ngoại cuộc, chỉ khảo sát nghiên cứu một cách bàng quang nên khả tín hơn thằng công chức, sợ mất việc nên cứ báo cáo láo.
Những trung tâm nghiên cứu nổi tiếng, đa số được thành lập từ thế kỷ 19. Điển hình Royal United Services Institute for Defence and Security Studies (RUSI), mà người ta quen gọi tên cũ trước 2004 là Royal United Services Institution, một viện nghiên cứu Anh Quốc về quốc phòng và an ninh. Được thành lập năm 1831 do Duke Wellington, người đã đánh bại Napoleon tại Waterloo và Sir Arthur Wellesley.
Ở Hoa Kỳ thì có Carnegie Endowment for International Peace, được thành lập năm 1931 do người giàu nhất nước mỹ thời bấy giờ là ông Andrew Carnegie nhằm ngăn cản các cuộc chiến quốc tế hay Brookings được thành lập bởi ông Robert S. Brookings nhằm nghiên cứu các vấn đề của chính phủ liên bang hay viện Cato,…
Theo báo cáo của Foreign Policy research Institute’s Think Tanks and Civil Societies Program thì 10 năm qua trên thế giới có thêm 4,500 viện nghiên cứu tư nhân. Ngày nay ở Hoa Kỳ có đến 1,984 Think Tank, xem như 1/3 viện nghiên cứu trên thế giới. 400 viện này đều có mặt tại Hoa Thịnh Đốn.
Ngày nay, trong sự toàn cầu hoá, các think tank được nới rộng đến các nước khác trên thế giới. Một công ty muốn đầu tư vào một quốc gia nào đó, họ cần các cố vấn tại địa phương, song song với nhân viên toà đại sứ để giúp họ hiểu rõ vấn đề của nước sở tại như luật pháp, môi trường kinh tế…. Mình nhớ tờ Time có chụp hình con voi chuyên chở mấy két Coca Cola trong rừng vì không có đường giao thông đến các làng xa vắng đô thị ở Thái Lan. Nếu không có những nhà nghiên cứu tại địa phương thì Coca Cola, không biết đến phương tiện của người Thái Lan, chuyển vận hàng hoá kiểu này.
Dạo mình mới sang Hoa Kỳ thì có một viện nghiên cứu rất đình đám, có tên Heritage Foundation, dưới thời ông Reagan. Những đường lối, chương trình của chính phủ Reagan đều dựa theo “Mandate for Leadership” của viện nghiên cứu này, khiến viện này được xem là cơ quan có nhiều ảnh hưởng nhất trong giới bảo thủ. Mình hay mua tài liệu của viện này để đọc. Theo dõi các cách đốt tiền của chính phủ liên bang và hàng năm cho xuất bản Annual Index of Economic Freedom. Hình như ông tỷ phú Steve Forbes có chân trong viện này.
Viện này có lợi tức hàng năm là $112.7 triệu đô, miễn thuế. Đứng hạng thứ 9 ở Hoa Kỳ và thứ 17 trên thế giới.
Ở New York, có một viện khác, khá mới nhưng ngày nay rất quan trọng và có ảnh hưởng trên thế giới là tổ chức Human Right Watch, được thành lập năm 1978 để theo dõi Liên Xô có thi hành đúng theo hiệp định Helsinki mà họ đã ký kết, sau này họ tạo thêm các phân hội như Asia Watch, Africa Watch, Middle East Watch. Hàng năm hội này cho xuất bản hàng trăm bản tường trình về các vi phạm nhân quyền trên thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng tài liệu của họ để mặc cả khi thương thuyết, điều đình với các chế độ trên thế giới. Ngày nay, người ta hay chỉ trích vụ ông tỷ phú George Soros dính dán vào nội bộ của cơ quan này. Hội này có lợi tức hàng năm lên đến $59.3 triệu.
Nếu chúng ta để ý thì các viện nghiên cứu này đều là nơi đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai của Hoa Kỳ. Trong chính quyền của ông Bush Con, phó tổng thống Cheney, Bộ trưởng bộ quốc phòng Rumsfeld, bà ngoại trưởng Condi Rice đều xuất thân từ các viện nghiên cứu cả. Bà Lisa Curtis, cố vấn an ninh quốc phòng hiện nay cho ông Trump, xuất thân từ viện Heritage Foundation.
Được biết là ngày nay, các viện nghiên cứu độc lập này, được chi tiền bởi các thế lực tả hay hữu nên dần dần người ta bớt tin vào các bản phúc trình của họ. Như tình trạng ông Trump, ứng cử với chiêu bài chống lại “Establishment” kiểm soát hầu như các viện nghiên cứu tại Hoa Kỳ qua tài chánh. Ông ta nghi ngờ các chuyên gia của những viện nghiên cứu này.
Các quốc gia trên thế giới đều có các viện nghiên cứu tương tự. Mình có theo học qua mạng, một khoá của đại học Lý Quang Diệu, thì được biết Tân gia Ba có đến 8 think tank. Họ có một số người tài giỏi của đất nước họ, nghiên cứu về Tân Gia Ba sẽ làm gì vào năm 2050. Dù họ có lợi tức cá nhân hàng năm là $57,000 nhưng họ luôn luôn nghĩ đến tương lai, phải làm gì để khỏi phải vấp ngã, thục lùi. Kinh.
Khi xưa, thời Xuân Thu, khi ông Quản Trọng làm tể tướng thì nước Tề này hùng mạnh nhất. Đọc Đông Chu Liệt Quốc tàu thì mới biết là Tề Hoàn Công là một người rất giỏi, không vì thù nhỏ mà làm hư việc lớn.
Số là khi nước Tề bị bạo loạn, vua Tề Vô Tri bị giết thì công tử Củ và công tử Khương Tiểu Bạch, lánh nạn ở nước ngoài, chạy về. Ông Quản Trọng thì phò công tử Củ, anh trai còn Bão Thúc Nha thì phò người em, công tử Tiểu Bạch. Hai phe gặp nhau thì ông Quản Trọng bắn công tử Tiểu Bạch. Ông này số được làm vua không chết, chỉ trúng thắt lưng, giả chết để thoát bị giết, sau này làm vua lấy hiệu là Tề Hoàn Công.
Lên ngôi thì Tề Hoàn Công kêu nước Lỗ giết công tử Củ để trừ hậu hoạn và bắt giam ông Quản Trọng, phong Bão Thúc Nha làm thừa tướng nhưng ông thần này lại kêu không có tài, lại tiến cử ông Quản Trọng, địch thủ của mình.
Hồi nhỏ, đọc truyện tàu cho Ôn ngoại mình nghe thì không hiểu lý do ông Bão Thúc Nha lại không chịu làm thừa tướng mà lại tấn cử ông Quản Trọng. Lớn lên thì mình mới phục ông này. Ông ta nghĩ đến quyền lợi của đất nước hơn là quyền lợi riêng tư. Ông nhường chức cho ông Quản Trọng vì nghĩ ông này có tài hơn mình, dù khi xưa là đối nghịch.
Tề Hoàn Công kêu tên Quản Trọng này bắn ta, may là chưa chết, ta còn chưa xử nay còn kêu cho hắn làm thừa tướng. Bão Thúc Nha nói là vì công tử Củ sai ông ta bắn vua, còn nay nếu vua trọng dụng hắn thì sẽ lấy thiên hạ trong tay. Ông Quản Trọng này là người đầu tiên, cho phép mở các lầu xanh để thu thuế nên có dạo các tú bà thờ ông ta là tổ nhà thổ, thần Bạch Mi.
Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng là ta mê phụ nữ, có hại gì cho đất nước hay không. (Có lẻ vụ ông ta giết anh rồi lấy bà chị dâu làm vợ). Ông Quản Trọng trả lời: "Không, ham mê nữ sắc không gây tai hại gì cho quốc gia, không nghe lời khuyên của những người hiền tài mới có hại cho quốc gia và thiên hạ".
Sau này người đời sau đọc sách Quản Tử nên hay nhắc đến câu của ông:
Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc,
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.
Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn,
Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã.
Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã,
Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã.
Tạm dịch:
Kế một năm, chi bằng trồng lúa,
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây.
Kế trọn đời, chi bằng trồng người,
Trồng một, gặt một, ấy là lúa.
Trồng một, gặt mười, ấy là cây,
Trồng một, gặt trăm, ấy là người.
Lâu lắm rồi, mình có nghe nói đến Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institute of Development Studies) do các chuyên gia tại Việt Nam thành lập rồi sau đó 1, 2 năm gì đó tự giải thể. Lúc nghe tin Việt Nam có một think tank khiến mình vui mừng nhưng sau đó là Chán Mớ Đời khi nghe họ tự giải tán.
Nghe kể là viện này nghiên cứu 3 chủ đề: Chủ đề thứ nhất là chất lượng tăng trưởng kinh tế, chủ đề thứ hai là cải cách giáo dục và cải cách y tế, và thứ ba là một số vấn đề phát triển nông thôn.
Về Việt Nam thăm nhà, mình xem truyền hình thì có một ông cán bộ lớn của bộ nông nghiệp kêu là không hiểu tại sao gà mỹ bán rẻ hơn gà nuôi tại Việt Nam khiến mình ngạc nhiên. Một tên làm vườn như mình còn hiểu trong khi một vị tiến sĩ, cấp thứ trưởng của Hà Nội lại không giác ngộ cách mạng kinh tế thị trường toàn cầu.
Mình đọc báo Hà Nội, nghe cán bộ lớn kêu gọi người dân lên núi làm rẫy trồng lúa (kế 1 năm theo Quản Trọng). Gạo Cambuchia bán ra ngoại quốc giá gấp 3 gạo Việt Nam. Về Đàlạt thấy thiên hạ chặt cây mận hết như ở Trại Hầm để trồng cà phê trong khi đó thì giá cà phê khắp thế giới xuống 35%, rẻ như bèo.
Nghe nói ở Hà Giang ngày nay không còn cây, họ chặt hết trong khi kế của ông Quản Trọng là trồng 1 cây gặt 10 năm (Hà Nội trồng 1 gặt 1000 cây). Trồng người cấp tốc, không cần 100 năm thì chơi kiểu nâng điểm đưa 1 tỷ là đậu thủ khoa hay có bằng tiến sĩ. Chán Mớ Đời
Nếu Việt Nam có những viện nghiên cứu Think Tank thì họ sẽ có những chuyên gia nghiên cứu để cố vấn cho chính phủ làm quốc sách thay vì nghe những tên cán bộ, sợ mất chức nên báo cáo láo là khổ cho cả nước. Điều đáng lo hơn là hồng phúc của dân tộc khi con lãnh đạo, được nâng điểm sẽ lãnh đạo đất nước sau này. Kinh
Dạo đi làm ở New York, mình có quen một anh bác sĩ gốc Đại hàn. Ông bố là giáo sư chi đó ở đại học Cornell, được Nam Hàn mời về nước giảng dạy, đem cái “Know How” về dạy cho sinh viên Nam Hàn. Người ta thán phục sự thành công của Nam Hàn về phát triển xứ họ. Họ không biết là có một đoàn binh âm thầm ngày đêm ở Hoa Kỳ, lobby quốc hội Hoa Kỳ giúp đỡ xứ họ. Cho dân biểu vài chục nghìn để tranh cử, lại được họ hậu thuẩn ký luật viện trợ giúp Nam Hàn mấy trăm triệu. Bố anh bạn kể là về Nam Hàn, được chính phủ cho biệt thự ở, chỉ lo dạy thôi còn thì đời sống kinh tế chắc chắn khá hơn ở Hoa Kỳ.
Hai chục năm trước, có vụ ông phó tổng thống Al Gore đến chùa tàu Như Lai gây quỹ chi đó, dính dán với một tên tàu bỏ trốn về hongkong hay sao, lâu quá quên rồi. Cho thấy người Tàu cũng học hỏi người Nhật, người Nam Hàn,…để lobby quốc hội Hoa Kỳ.
Trong một buổi nói chuyện với sinh viên, một cựu đại sứ VNCH bị một sinh viên hỏi lý do tại sao ông ta không lobby quốc hội Hoa Kỳ trong thời gian tại chức. Nếu miền nam biết cách làm chính trị của Hoa Kỳ thì có thể cuộc diện chiến tranh Việt Nam đã khác.
Ngày nay, có nhiều tổ chức của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Họ biết hiểu về cách làm chính trị, thậm chí còn được huấn luyện về lobby, quản lý, đủ trò. Đó là tinh hoa của Việt Nam.
Mình có anh bạn làm to trong một công ty nổi tiếng ở Silicon Valley kể. Khi xưa anh ta đậu tú tài hạng cao và có tên trong danh sách đi du học ở Liên Xô. Mấy ông từ Hà Nội vào xoá tên học sinh miền nam, để cho con cháu họ đi. Anh chàng đậu thủ khoa năm ấy chán đời tự tử còn anh ta thì xuống thuyền vượt biên.
Công ty anh ta gửi anh ta và một nhân viên gốc Việt khác về Việt Nam điều nghiên khả năng đầu tư xây một nhà máy sản xuất ở Việt Nam, sẽ thâu dụng 5,000 nhân viên ở Việt Nam. Anh ta ngây thơ, nghĩ là đưa chương trình này ra thì cán bộ nhớn ở Hà Nội sẽ nhảy tưng tưng cảm ơn anh ta vì đem lại công ăn việc làm cho người Việt. Ai ngờ đối tác cán bộ kêu là tiền cò của ông ta đâu.
Hai ông kỹ sư mỹ gốc Mít, về khách sạn ôm nhau mà khóc cho một quê hương muôn đời nô lệ. Công ty quyết định đầu tư vào nước bên cạnh.
Chán Mớ Đời

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét