Nếu mình không lầm thì đã có viết ít nhất trên 10 bài về làm di chúc, chuẩn bị cho hậu sự khi mình bất thình lình trả nhớ về không, hay lăn đùng ra chết. Có anh bạn đọc hết những bài này mà cứ hỏi mình hoài khiến nhiều khi cũng Chán Mớ Đời lên.
Lý do là anh ta chần chừ vì thật ra, ai cũng ngại nói đến cái chết, đúng hơn là sợ chết nên cố tình hoản lại dù biết cần phải làm vụ này. Lâu lâu mình nhớ đến vụ nào thì kể thế là anh bạn lại hỏi và mình biết anh ta sẽ không làm.
Thứ nhất mình không phải chuyên gia về vụ này, thứ hai mình chỉ kể những gì mình đã làm, nghe hay biết cho nên mấy bác muốn tìm hiểu thêm thì kiếm luật sư chuyên về luật gia đình để nhờ họ tư vấn. Đừng có kiếm luật sư lo tai nạn đụng xe,… mà hỏi vì họ không rành, sẽ giao cho luật sư chuyên về ngành này để làm và lấy huê hồng thêm. Nhiều khi họ phải đọc thêm thông tin để nói chuyện, giải thích cho mình rồi tính tiền mấy tiếng đọc thêm tài liệu. Đừng bao giờ trả tiền cho người khác học hỏi thêm, bồi dưỡng trùng tu tại chức. Luật sư không bao giờ lấy rẻ.
Mình bắt đầu xem báo địa phương, nay trên mạng, quảng cáo về “estates planning” rồi đi dự miễn phí. Vào đó để học hỏi thêm nhưng đừng có kêu họ làm liền vì nhiều khi không phải luật sư chuyên về môn này hay những người không có bằng nghề luật sư nhưng có học qua về luật hay kiểu phụ tá pháp lý.
Tuần tới mình sẽ đi lại một seminar khác mà tên luật sư này đòi chém mình $12,000 để làm lại Living Trust theo hoàn cảnh của mình hiện tại. Nghe tới đó là chim dế của mình bay khắp 4 vùng chiến thuật. Sau này mình đi nghe một tên luật sư khác ở vùng mình, nghe ở câu lạc bộ đầu tư địa ốc Quận Cam. Tên này lấy $1,500 nên làm lại năm ngoái. Làm Living Trust giá trung bình là $1,000 trở lên. Luật sư mua phần mềm về làm cái này, chỉ bỏ tên họ và những điều khoản mình muốn vào rồi in cái rẹt. Mình cũng có phần mềm này nhưng làm qua luật sư thì có vẻ chỉn chu hơn, sau này con cháu không kiện cáo gì cả. Chỉ cần thị thực chữ ký là xong om.
Thật ra chỉ cần viết xuống là cũng đủ rồi, pháp luật có thể dựa trên tờ giấy để phán còn không thì toà án sẽ phán dùm cho con cháu mình tuỳ ông hay bà toà. Chắc chắn là không theo ý của mình muốn.
Sau đó mình mua sách về đọc cho rõ hơn rồi bắt đầu viết xuống những gì cần làm rồi ghi tùm lum. Khổ cái là đọc sách loại này còn chán hơn đọc lĩnh cương của đảng cộng sản Việt Nam. Hỏi vòng vòng tụi bạn xem có tên luật sư nào hay không rồi lấy hẹn đến nói chuyện với tất cả những gì mình đã viết xuống. Đa số người Mỹ mà mình quen đều làm cái này dù còn trẻ, lập gia đình xong là làm liền để lỡ lăn đùng ra chết thì ai lo cho con mình. Toà không chắc để cho ông bà nội hay ngoại nuôi mà cô nhi viện. Cuối cùng mình chọn một tên rồi lâu lâu có seminar về thừa kế lại lần mò đi học thêm rồi lại mướn luật sư sửa đổi lại và gần đây, năm ngoái mình phải làm lại hoàn toàn Living Trust với những di chúc, đủ trò cho hợp với tình trạng sức khoẻ, tài chánh, gia đình và luật thừa kế ngày nay.
Tính ra thì 15 năm qua, mình đã làm lại 3 lần vụ Estate Planning này. Lý do là cuộc đời thay đổi, con cái lớn, luật lệ thừa kế thay đổi, người mà vợ chồng mình chỉ định sẽ cai quản tài sản nếu chẳng may tụi này qua đời, trong khi mấy đứa con còn nhỏ dại nay đã đi tây phương cực lạc trước mình, thêm nhà cửa, thêm đủ trò,…
Có ông thần nào kêu là lỡ người phối ngẩu đổi tâm, lấy chồng khác thì tùm lum. Thật sự, nếu đã làm Estate Planning thì nếu phải ly dị thì dễ hơn, đỡ tốn tiền hơn là không làm cái giống gì cả. Người Mỹ hay nói: “ People don’t plan to fail but fail to plan”. Trong cuộc đời, nếu mình cứ lo nghĩ đến những gì “có thể” nhưng không chắc sẽ xẩy ra thì cuộc đời mình cũng chả đi đến đâu, cứ dậm chân tại chỗ. Lo xa khổ gần (em chế).
Điều mà mình biết chắc chắn là sẽ chết nhưng ẩn số ở đây là thời gian, khi nào. Nếu chúng ta là người có trách nhiệm thì chắc chắn phải làm giấy tờ cho mấy vụ này để con cháu sẽ không lao đao khi mình đã bị Chúa gọi về. Mình không thể nào thương lượng với Chúa, rằng cho con thêm ít thời gian nữa để lo vụ này. Chúa sẽ nói tao đã bảo thằng Sơn Đen viết cả chục lần mà mày không chịu làm, cứ lo nghĩ vớ vẩn, sợ bị vợ bỏ đi lấy chồng khác. Không có thì giờ nữa. Allez hop, đi theo tử thần. Chán Mớ Đời
Mình có một ông bạn già, cách đây 15 năm, ông ta kể là bà mẹ qua đời khiến ông ta mất đến 3 năm trời, lục lọi các giấy tờ còn lại của mẹ để làm cho xong vụ toà án chứng thực thừa kế. Cuối cùng 3 anh em, sau khi đóng thuế, được mỗi người $100,000. Bà mẹ rất giỏi, mua nhà đầu tư đủ trò, chỉ có thiếu vụ làm di chúc nên tốn tiền mệt thở với luật sư. Ông ta kêu, tao có đủ tiền nên không cần tiền bạc của mẹ tao để lại. Hai bà chị tao không biết gì hết về tài chánh nên tao phải lãnh trọn. Tao mất 3 năm trời, tốn không biết bao nhiêu thời giờ.
Mình có anh bạn cứ lâu lâu lại rên vì ông cụ còn sống, nay đã lớn tuổi mà giấy tờ di chúc chưa làm. Mấy người con thì không cần đến tiền bạc của ông bố nhưng chỉ sợ qua toà án chứng thực thừa kế (Probate Court). Mất công lại tốn tiền thậm chí anh em có thể choảng nhau như đứa này muốn lấy cái búa của bố để làm kỷ niệm nhưng người khác kêu cái kềm, bố đã nói cho em,… ông bố lại ở tiểu bang khác, mua một cái nhà ở gần nhà anh ta, nên lúc ông bố về với chúa thì phải đến toà án chứng thực thừa kế hai tiểu bang, tiểu bang ông bố ở và tiểu bang của ông bố có căn nhà mùa hè, đến thăm con cháu vì không muốn ở chung với con cháu. Thích độc lập tự do hạnh phúc.
Nhiều người rũ mình đầu tư ở tiểu bang khác cho rẻ thì mình cảm ơn vì xa xôi thêm lỡ mình trả nhớ về không, vợ con không biết thì càng khốn. Lại bay qua bay về mỗi khi ra toà Probate. Giản tiện hoá cuộc đời, thương con cháu thì thương cho trót, sang tên nhà cửa cho con cháu rồi cứ ở đâu cũng được. Anh bạn cứ réo mình, kêu nói chuyện với bố anh ta. Mình thì không muốn xen vào chuyện thiên hạ. Nói đi hỏi luật sư. Ông bố sợ chết nên nghe tới nói chuyện luật sư là áp huyết lên. Chán Mớ Đời
Mình biết trường hợp sau đây; ông chồng khi không bị tai biến, miệng nói không ai hiểu, tay cứng đơ không viết được. Đầu óc lộn xộn nên không được xem là người có tâm trí hoàn toàn nên vợ muốn bán nhà nhưng bán không được vì cần người chồng ký. Ông chồng lại bỏ giấy tờ quan trọng trong tủ sắt ngân hàng, mà bà vợ hôm đó bận đi shopping nên không ghé lại để ký, thậm chí mấy ngày sau cũng quên luôn. Nay có chìa khoá nhưng không có tên trong danh sách những người có thể mở tủ sắt nên ngọng. Phải xin toà án chứng thực thừa kế, để được toà cho phép bà vợ thay thế, ký giấy tờ tùm lum…. Lại tốn tiền mà tiền thì có nhưng không lấy được. Tài khoản ngân hàng hay chi của công ty mình là con gái, mụ vợ đều được phép ký hết. Để lỡ đụng trận thì có đừng binh nếu không thì chỉ biết kêu “mậu binh”.
Người Việt mình thì hay duy tâm nên cứ nghĩ tiền bạc của mình sau này thuộc về con cháu nên không làm gì cả nhưng khi đã ở ngoại quốc thì họ sống theo duy lý. Cái gì cũng phải theo luật pháp, ngăn nắp nên khi đụng chuyện là ngọng. Người mình làm việc nhọc nhằn để mua đất đai hay nhà cửa, cứ cho là một căn nhà đi, 1 chiếc xe hơi, 1 cái tivi, một cái nồi nấu cơm,…
Khi chết, có người đến để định giá gia tài của mình để lại vì vậy mới có những vụ Estates Sale. Mấy tên đến định giá, mở cửa để bán, không làm chùa. Họ lấy tiền rất đắt. Bán cái bộ tách được $5, họ tính một giờ ngồi đó lên mấy trăm đô thì con cháu chỉ biết ngồi khóc, nhất là họ không ngồi một mình. Nói biết vậy đem đập cha nó hết cho khoẻ nhưng chưa chắc vì nếu quăn thùng rác, toà đến xem lại phán đủ trò,…
Hàng năm, vào Giáng Sinh là mình rà lại nhà cửa, tài khoản,…để xem tài sản lên hay giảm bao nhiêu rồi ghi lại để lỡ có đi tây thì vợ con đưa giấy tờ ra để đối chiếu với người định giá tài sản. Mình định giá theo thuế đóng cho thành phố nên rẻ hơn là tên nào khơi khơi định giá vì chúng chỉ lên mạng xem nhà nào mới bán được giá bao nhiêu là tương con số ấy vào là ngọng đời trai.
Chưa kể có những người mà mình chưa bao giờ biết như con rơi cháu lọt từ đâu bò về, đòi chia gia tài hay ai đó có tờ giấy của người quá cố, ký cho họ cái nhà hay chiếc xe,… vì khi người thân qua đời, gia đình phải in trên báo, báo tin người qua đời để ai có nợ nần gì để họ lại toà để đòi nợ. In trên báo việt ngữ nhưng cũng phải in trên báo tiếng anh vì người Mỹ không đọc được báo việt ngữ. Sau đó khi toà án chứng thực thừa kế đã phán thì không ai có quyền đòi tiền chi cả. Chấm hết.
Mình gặp trường hợp như sau; một ông già, có cái nhà rồi ai mách, bảo sang tên nhà cho thằng con để ăn trợ cấp. Đùng một cái thằng con lăn ra chết, cô con dâu muốn bán lấy tiền. Ông bố chồng không chịu ra nên phải kêu mình bán rẻ 1/3 giá thị trường. Mình mua xong đến nhà gọi ông bố chồng, đưa giấy tờ sổ đỏ ra rồi kêu ông ta ở đó nhưng trả tiền nhà.
Ông chủ trước cái vườn của mình rất giàu. Ông ta xây cả ngàn căn hộ. Khi ông ta chết, mấy đứa con kêu luật sư cãi đủ trò. Thằng con đang làm trustee bị toà truất phế. Cô con gái ở New York, bán tháo mảnh vườn cho tên làm vườn với giá $60,000. Lợi tức hàng năm là gấp đôi hay gấp 3 số tiền bán tuỳ năm. Tên làm vườn hái bơ rồi bán, chồng tiền cho cô con gái. Sau đó kêu mình bán lại mà mình phải mua nhanh vì sợ hắn nói cho ai khác nghe. Mình phải chồng tiền trong vòng 48 tiếng đồng hồ cho chắc ăn vì giá trị mảnh đất gấp mấy chục lần. Chán Mớ Đời
Cho thấy là đã làm estates planning, di chúc đủ trò mà mấy đứa con tham, sẽ đánh nhau tới tận cùng bằng số. Do đó mình nên làm cho đỡ lo khi muốn an giấc nghìn thu. Tiền con cháu đánh nhau qua luật sư là tiền của mình chớ tiền của ai. Nếu mình muốn cho luật sư ăn thì vô tư.
Có cô bạn, bà mẹ bị trả nhớ về không mà lại không làm di chúc gì cả vì nghĩ mình là bất tử. Mấy anh em xúm lại kiện nhau ra toà, làm mất đi tình anh em mà lại tốn tiền, đủ trò,… cho nên chúng ta làm di chúc để giảm thiểu những rủi ro về sau, lỡ mình không chết mà ngác ngác ngơ ngơ, không ký giấy tờ được.
Chính phủ Trump mới ký luật thi hành vụ bảo lãnh người thân sang Hoa Kỳ rồi để người thân ăn trợ cấp đủ trò. Luật này có từ năm 1996 thì phải, dưới thời ông Clinton nhưng không áp dụng triệt để. Mình biết mấy trường hợp, người bảo lãnh bố mẹ sang mỹ rồi mấy tên làm trợ lý luật pháp bày trò, kêu là bị con mình bỏ rơi, không chăm sóc nữa nên xin chính phủ trợ cấp. Khi bảo lãnh người thân thì người bảo lãnh đã ký, chịu trách nhiệm tài chánh người được bảo lãnh.
Đùng một cái, chính phủ kêu người thân mình sang đây 20 năm qua, ăn trợ cấp, housing mấy chục ngàn một năm. Tiền hưu hàng tháng $950 hay 1 năm là $11,400 rồi tiền housing mỗi tháng $1,200 nữa xem như $14,400/ năm cộng lại $25,800/ năm và 20 năm qua xem như trên $500,000 là người con ngọng. Một ngày đẹp trời nào đó, thấy cái lien $500,000 vào cái nhà của mình. Không trả thì chính phủ, xiết nhà đem bán chưa kể là khai man, có thể lộn xộn với pháp luật. Bỏ sổ đỏ, căn nhà thuộc về Living Trust thì hoạ may có thể tránh được vụ xét nhà riêng.
Dân chủ hay cộng hòa đều làm kiểu này cả. Người Mỹ ngày nay ghét người di dân vì có một thiểu số lợi dụng lòng tốt của người Mỹ để kiếm tiền, ăn trợ cấp. Đi làm chui, lãnh trợ cấp. Nghe kể có bà nào có mấy tiệm Nail, có mấy căn nhà cho thuê nhưng vẫn ăn trợ cấp. Khi bị bắt thì khốn đốn. Cứ nghĩ mình khôn ngoan nhưng những gì mình gieo, vài chục năm sau, sẽ gạt hái thành quả của sự khôn ngoan của mình.
Chán Mớ Đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét