Mình trở lại Hương Cảng sau 23 năm. Dạo ấy có tên bạn, người Mỹ gốc Đài Loan, làm chung ở Nữu Ước rũ qua Trung Quốc làm việc với hắn và đầu tư ở Việt Nam.
Hắn và một tên khác người xứ Đài, nhảy vào thị trường Trung Quốc, lập công ty sản xuất bên Tàu, mở văn phòng đại diện ở Hương Cảng để xuất cảng qua Hoa Kỳ vì dạo ấy người Tàu chưa biết gì ở ngoài nên phải nhờ đám đài Loan đã giao thương với Hoa Kỳ và Âu châu.
Người đài Loan tân trang máy móc mới nên đem máy cũ bán qua Trung Quốc tương tự ngày nay người Tàu đem máy cũ qua Việt Nam để sản xuất xe hơi trong khi họ chế xe điện. Hắn muốn nhảy vào thị trường Việt Nam như bán máy móc cũ cho Việt Nam, làm y chang như ở Trung Quốc. Mình bay về Việt Nam với hắn, giới thiệu một số người quen cho hắn.
Khi rời Việt Nam thì đang ngồi đợi lên phi cơ thì máy phóng thanh kêu mình tới an ninh gấp trước khi lên phi cơ.. Mình chạy lại thì mấy tên hải quan kêu là có cái video của bên vợ gửi, họ đòi xét. Mình cầm cái video quăn vào thùng rác. Chúng đợi khi phi cơ gọi lên máy bay mới gọi mình để làm tiền. Xong om.
Chạy lại phòng đợi thì không thấy tên bạn đài Loan nữa, hắn đã lên máy bay thay vì đợi mình. Hắn nói là xứ cộng sản hay bị kiểu này. Mình quyết định ngay là không hợp tác với hắn vì chỉ có chút xíu việc mà hắn đã thủ hồn hắn. Bỏ ý định về Á châu làm ăn. Nghe nói hắn dạo này giàu nức nở. Số không giàu thì đi đâu cũng không giàu. Bôn ba không qua thời vận.
Hương Cảng là thuộc địa cũ của Anh Quốc nên xe chạy bên trái như ở Anh quốc. Xuống phi trường thì thấy có hai loại taxi: đỏ và xanh. Đỏ vào trung tâm thành phố và xanh ra ngoại ô như chạy qua Trung Quốc.
Vùng Hương Cảng có trên 200 cái đảo nhỏ, là địa điểm tàu bè đậu để chuyển hàng hoá từ xưa nên Anh quốc đã chiếm đóng và thuê 99 năm từ Trung Quốc và mới trả lại cho người Tàu hình như 10 năm về trước.
Nay họ xây cất phi trường mới rồi xây cầu dây cáp xa tít mù khơi vì lần trước mình đến phi trường nằm trong thành phố, máy bay đáp xuống thấy nhà cửa sát phi cơ.. Nhà cao tầng mọc đầy, thấy nhiều chung cư hao hao giống Sàigòn Pearl nên đoán họ mướn kts này để vẽ Sàigòn Pearl hay người Tàu đứng sau lưng cho mượn vốn. Họ xây phi trường nhân tạo trên cái đảo nhỏ. Trước khi Anh quốc rút lui, họ cho xây để rút hết tiền của hongkong bù lại nay xứ này có hệ thống hạ tầng cơ sở vững chắc. Khu này có đâu 5 triệu người mà phi trường tấp nập không như Sàigòn hay Hà Nội.
Xe vừa vào thành phố, thấy một nhóm độ 50 người đi biểu tình chống đối tàu khựa. Có dạo mình đọc cái blog của một tên mỹ ở Trung Quốc thì được biết là dân Hongkong ghét dân Trung Quốc còn hơn người Việt ghét tàu. Nói đúng hơn họ khinh dân từ Trung Quốc qua làm ăn. Đọc báo Hongkong thì được biết 20% dân số sống dưới mức nghèo quy định của chính phủ.. 30% dân chúng đã về hưu, đi đường thấy người lớn tuổi hơn mình rất nhiều. Đi chậm chậm hay có con dắt đi.
Con gái dặn ở khách sạn ở trung tâm thành phố để tham quan cho tiện. Khách sạn có tên Butterfly nên trên mấy cái gối có kẹp con bướm đủ màu. Đất chật nên phòng cũng chật như ở Âu châu, được tối giản kiểu Minimalist.
Khách sạn đưa cho cái trứng Internet để đi đường có thể sử dụng Internet như ở Nam Hàn. Ngoài ra họ cho mượn cái điện thoại cầm tay để đi đường tìm bản đồ, kiếm tiệm ăn, đi shopping hay giữ vé xem kịch, show… rất hay cho thấy ngành du lịch của họ quá phát triển.
Ở mấy ngày thì cái điện thoại của mình có số địa phương khỏi phải mua sim mua diếc gì cả lại miễn phí mà khi mình mua đồ thì khách sạn có tiền lời qua các công ty mua bán. Lại tiện nữa. Họ trang bị đồ cắm điện gián chuyển điện thế hay cái chốt điện cho mình nhưng trong tủ thấy có đồ chạc điện usb cho 5 cái máy nên không cần đồ chuyển điện thế.
Cứ tưởng tượng du khách đến Đàlạt, nhận cái điện thoại cầm tay có đủ chức năng như quán ăn, chỗ tham quan,… chỉ cần bấm là có thể gọi taxi, đặt chỗ đi tham quan, quán ăn được giới thiệu, khách sạn, chỗ đi tham quan với hướng dẫn viên du lịch…. Du khách Tây phương không có thì giờ nên chỉ cần đặt chỗ qua mấy cái app được cài trong điện thoại và trả tiền với thẻ tín dụng hay Pay Pal….
Hôm qua đi ăn thì mình mới khám phá ra mình la con gái sai. Lâu lâu thấy nó uống cà phê $5 đôla nên la nó, tưởng con nhà giàu à. Nó thèm ăn vịt Bắc kinh nhưng đợi bố mẹ sang dẫn đi ăn. Vào tiệm ăn cực kỳ sang trọng nhìn xuống biển cảng hongkong, lòng mình nức nở đến khi nhìn giá con vịt “tắt” kinh thì hai vợ chồng muốn tắt kinh theo. $120 / con. Nhớ ở Nữu Ước có tiệm bán vịt quay Bắc kinh nổi tiếng mà các nguyên thủ quốc gia hay được thị trưởng thành phố mời đến ăn, đắc nhưng không đến nổi như ở đây.
Sau đó đi xe điện ngầm qua đảo khác, đến mấy chỗ ăn bình dân, khu phố đi bộ thiên hạ ngồi ăn ngoài đường rẻ hơn. Mai bò lại đây ăn, hợp với giai cấp bẩn cố nông của mình và túi tiền. Vào một quán chè, mỗi tô nhỏ chè $6 đô. Cali rẻ chán có $3. Họ dùng cái điện thoại cầm tay để ghi những gì thực khách gọi rồi đưa cái biên lại với Mã số điện tử. Khi trả tiền, thâu ngân viên cầm máy scan cái Mã số. Nói chung là dân ở đây không đối xử thực khách tử tế như ở kampuchia. Đụng độ ba tàu mới thấy người Việt còn tử tế hơn.. Chán mớ đời.
Hôm nay ăn điểm tâm (Dim sum) ở quán nổi tiếng từ lâu của dân địa phương, cạnh khách sạn. Leo lên cầu thang. Khá đông thực khách, đa số là người cao tuổi. Mình làm ngon nói tiếng Quảng, kêu trà Pủ ỷ rồi tên phổ ký xổ 1 tràng lại khiến mình ngồi như ngỗng ị. Chả hiểu gì hết. Hắn đem cái tô trắng rồi cầm cái ấm nước đổ nước nóng vào. Mình đoán là để trụng muỗng và đũa trước khi ăn như khi xưa ở Đàlạt, đi ăn phở, hay cầm đũa và muỗng đưa cho chủ quán trụng nước sôi trước khi ăn.
Ngồi hoài không thấy người ta đẩy xe lại, thấy dân địa phương đứng dậy, đem cái phiếu đến bà đẫy xe đồ ăn rồi bưng đồ ăn về nên mình bắt chước. Tiệm nhỏ lại đông người nên bà đẩy xe đi khó khăn nên món mới ra lò là dân địa phương chạy lại dành dựt, khi xe lại thì còn loe ngoe vài thứ. Không ngon như ở Cali. Đồng chí gái đem theo khăn giấy vì xứ này không thấy để trên bàn ngoại trừ ăn ở tiệm cao cấp. Người Tàu có cái hay là họ tổ chức các phần ăn theo giá rồi mỗi lần thực khách gọi một món là họ ịn lên phần đó nên khi tính tiền rất dễ chỉ làm tính nhẩm cũng được.
Sau đó con gái dẫn đi đảo Lantau, nơi có tu viện phật giáo lâu năm trên núi. Đợi mua vé xe cáp lên núi mất gần 2 tiếng. Nếu mua trước qua mạng thì rẻ hơn 25% nhưng phải mua trước ít nhất 24 tiếng vì họ không cho mua và lấy vé cùng ngày tham quan.
Có hai loại cabin cáp, một bình thường và một có sàn nhà bằng kiếng để nhìn xuống đất. Leo lên là có màn chụp hình để họ bán với giá cắt cổ khi mình trở lại nên báo là không mua để họ không chụp. Xe cáp lên núi đến một cái làng Ngong Ping gì đó do họ mới làm trước vào tu viện và cái tượng Phật to đùng, nghe nói lớn nhất thế giới. Có 12 tượng ông tướng đại diện cho 12 con giáp: tý sữu….
Làng Ngong Ping để bán cho du khách với quán ăn, vật lưu niệm thêm mấy sân trường để người ta mục kích xem quay phim đấm đá của hongkong. Được cái là có nhà vệ sinh cho đồng chí gái và con gái.
Đồng chí gái bắt mình chụp hình cho nàng để phây búc mệt thở, leo lên 268 thang cấp để thấy ông Phật. Họ bắt chước Tử Cấm Thành do ông Nguyễn An, người Việt được nhà Lê triều cống sang tàu để thiết kế và xây dựng nhưng đây họ xây cất, bắt chước theo nhưng thấy rất rẻ tiền dù họ làm bằng đá vì tỷ lệ xích không chuẩn. Đi cho biết chớ về nghệ thuật thì không có chi là đặc biệt.
Ông Phật ngồi trên hoa sen nhưng bị gò bó, phía dưới thì có 12 cung nữ hay Phật phụ nữ dâng hoa. Mình nói với con gái vẫn đàn ông ngồi trên rồi bao nhiêu đàn bà quỳ dưới phục vụ thêm mình thấy cái tay phải ông Phật đưa lên 5 ngón, kiểu Abhaya mà theo tiếng Phạn là Không Sợ Hãi, như tay Mao Chủ Tịch chào nhân dân nên hơi phản cảm dù biết có 10 cách biểu tượng cho bàn tay Phật. Nay mình mới ngộ là ở Việt Nam các tượng Phật đều có tay phải theo kiểu Karana Mudra còn tay trái theo Varada. Đi một đàng ngộ một điều, ở nhà với vợ, phật nào cũng là phật.
Chụp hình xong lại bò xuống 268 thang cấp rồi vào tu viện. Người Tàu họ làm cái gì cũng to đùng để kiếm tiền. Người ta bán hương to cao cả thước, phải có cái bệ để giữ, bên cạnh có mấy cái đèn dầu hôi để đốt hương, hôi mùi dầu nên mới nhớ người ta kêu dầu hôi. Họ bán $100 giả để cúng tổ tiên. Cũng bán thức ăn chay thay vì ăn chùa như ở Việt Nam. Người Tàu họ không có từ ngữ “ăn chùa”.
Lấy xe cáp về thì mới biết có xe buýt đi lên rồi con gái dẫn đến phố chợ đàn bà, ladies’ market. Một loại chợ trời, bán đồ hàng nhái, không có chi là đặc biệt, toàn áo quần, đồ điện tử madze Trung Quốc. Lần trước mình sang đây, bạn bè nhờ mua đồ điện tử nay thì thấy toàn đồ tàu sản xuất, du khách Tây đi cho vui chớ không mua, mỗi đầu đường có mấy bà tàu khuyến mãi mát xa $5.
Đồng chí gái đói nên kéo ghế bên vĩa hè ăn mì như ở Đàlạt khi xưa. Không ngon. Mình để ý là tính tiền, họ đều scan cái biên lai có Mã số dù trả tiền mặt, chắc bị bắt buộc nếu không Chính phủ sợ họ ăn gian không đóng thuế. Tô mì giá ngang ngửa ở Cali lại không ngon thêm nhỏ. Chán mớ đời.
Đồng chí gái thèm cà phê nhưng không có tiệm cà phê gần khu này nên bò vào MacDonalds. Họ có máy để mình mua và trả tiền rồi lấy biên lai đến quày lấy đồ ăn thức uống. Nay mai sẽ áp dụng tại Hoa Kỳ, kiểu này đám học sinh trẻ không còn đất sống. Tuổi trẻ mỹ được đào tạo qua những nhà hàng ăn uống kiểu này để làm việc kiếm tiền nay đám Dân Chủ đòi lương tối thiểu là $15/ giờ nên họ chơi máy móc khỏi tốn tiền con cái không đi làm vòi tiền cha mẹ. Ông Trump chơi thêm bớt thuế Xuống 20%. Chán mớ đời.
Mệt quá kêu Taxi về khách sạn, gặp giờ giao điểm, phải trả thêm tiền để xe chạy đường hầm cho nhanh nhưng rồi cuối cùng gần khách sạn, mình kêu xe ngừng để đi bộ cả ngồi xe chắc thêm 30’. Tài xế taxi ở đây chạy kinh hồn, Nữu Ước họ chạy nhanh nhưng đường lớn còn đây đường nhỏ thêm chạy bên trái nên mình không quen, chửi nhau chí choé.
Hai vợ chồng đi bộ về khách sạn trong khi con gái về nhà trọ. Mua trái cây đem về khách sạn ăn. Mua 4 trái mận gần $4 còn cherries thì $5 một cân.. Đời sống mắc mà chất lượng thua Cali.
Đi đâu rồi vẫn thấy Cali là số 1.
Mai về lại mỹ, đang ngủ thì người mướn nhà gọi. Đi 3 tuần mới bị người mướn nhà phá, chán mớ đời. Nhắn tin tên thợ. Hắn trả lời đã gọi người mướn nhà, 1 tiếng nữa sẽ đến.
Xong om
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét