Tôi không nhìn thấy tôi

Tuần này, có anh bạn thân, quen từ lúc đặt chân đến Hoa Kỳ, được Chúa gọi về. Bạn bè khắp nơi, lục hình ảnh sinh hoạt cũ, gửi cho nhau để ôn lại kỷ niệm về anh bạn. Mình đưa cho đồng chí gái, hỏi xem có nhận ra ai ngày xưa trong đám sinh viên miền Đông Bắc mà cô nàng đã theo học sau khi vượt biển, rồi định cư Hoa Kỳ. 

Cô nàng chỉ hình, nói anh nằm thẳng cẳng kìa khiến mình thất kinh. Mình chỉ thấy vài người bạn quen khi xưa nhưng không để ý đến 1 tên nằm trên đất. Hóa ra mình không nhìn thấy mình trong đám đông quen thuộc nhưng đồng chí gái vẫn nhìn thấy mình trong đám đông xa lạ. Phụ nữ giỏi thiệt. Có lần đi ăn cưới, một cô ca sĩ được giới thiệu lên sân khấu, mình hỏi đồng chí gái sao bà này thấy quen quen. Mụ vợ kêu bạn anh chớ ai. Hóa ra cô bạn học cũ ở Đà Lạt, đi hỏi vợ cho mình rồi mất liên lạc từ đó.


Mình chợt nhớ cảnh Omar Sharif, trong vai bác sĩ Zhivago, nhìn trong tấm gương phủ đầy bụi mờ, thấy bóng hình một lão già. 30 năm nội chiến, khói lửa đã biến 1 người thanh niên độc thân vui tính ngày nào, thành một lão già không còn nụ cười trên môi. Nhìn kỷ thì như đồng chí gái nói, dạo đó mình quá trẻ. Bây giờ thì Chán Mớ Đời 


Nhóm cựu sinh viên MIT và Harvard vùng Boston trong ảnh, mình có gặp lại vài người, nhất là ông mai, giới thiệu đồng chí gái cho mình, số còn lại thì từ khi lập gia đình, dọn về Cali, chưa gặp lại. Cho thấy đường đời không thẳng như chúng ta nghĩ mà phải chuyển hướng đi theo những khúc quanh dòng sông của cuộc đời. 


Khi lập gia đình, chúng ta đi chung với người bạn đời, trên con đường đời mới, bỏ lại sau lưng những người quen, đã đi chung một đoạn đường đời vừa qua. Trên con đường mới, lại gặp, làm quen những người bạn mới rồi từ từ lại đổi đường, đổi bạn. 


Mình thấy một tấm ảnh cũ ở Luân Đôn, tải lên thấy là lạ, có một anh ở đâu bên Anh quốc, kêu biết anh bạn đánh đàn chung với mình hôm văn nghệ của cộng đồng người Việt tại Luân Đôn. Mình không nhớ tên anh này. Sau vụ văn nghệ này thì mình đi Mỹ làm việc rồi ở lại luôn tới nay.


Mình thất kinh vì mấy chục năm nay không hát hò, chơi nhạc gì cả. Không lẻ khi xưa mình có làm mấy vụ này. Nếu không có tấm ảnh thì chắc cũng không nhớ một thời đã quên. Con gái xem ảnh kêu thằng con giống mình, tuổi xấp xỉ mình khi xưa. Nhìn lại mình đời đã rong rêu. Nói chung từ khi lấy vợ, mình không còn văn nghệ, tranh hoạ hay đọc sách gì cả ngoài làm thợ hồ, nông dân. Mình đã thoát ly quá khứ.


Hồi nhỏ có bạn học, bạn hàng xóm rồi đi tây, làm quen mới những người bạn ở xứ người, quên những người bạn cũ tại Việt Nam. Rồi đi làm ở Ý Đại Lợi, lại quen dân bên đó, rồi khi đi làm ở Thuỵ Sĩ, lại quen người bên ấy, quên người ở Pháp rồi sang Luân Đôn, lại làm quen, gặp gỡ người khác…. Ngày nay, chỉ còn liên lạc với một số ít. Đến khi lấy vợ thì cảm thấy không cần tìm bạn mới như xưa nữa. Đã tìm ra kẻ nội thù để đối chọi hàng ngày. 30 năm khói lửa, nội chiến từng ngày đã biến mình thành một ông lão.


Hôm ở Sàigòn, mình được hai chị em cô hàng xóm khi xưa ở Đà Lạt, mời ăn cơm. Cũng nhờ Facebook mới tìm lại nhau. Xem ra phải có duyên mới gặp lại. Anh của hai cô này khi xưa, chơi thân với mình nhưng nghe nói anh chàng mệt nên không đến gặp nhau được. Mình cũng có gặp lại vài người học chung ở Yersin. Nếu không có facebook thì xem như mất tiệt trong quá khứ. Xem ra cũng phải có duyên mới gặp lại. Tháng tới mình lên Seattle chơi với bạn của đồng chí gái, hy vọng gặp lại gia đình một chị hàng xóm khi xưa tại Đà Lạt, mới tìm lại năm ngoái.


Nhìn lại không biết những người đã gặp trong cuộc đời là bạn hay chỉ quen qua đường. Có chút nợ với nhau ở kiếp trước, kiếp này trả lại một nụ cười, một tô phở hay cái bánh rồi lại biệt tích, không bao giờ gặp lại. Cũng may có internet nên lâu lâu đọc tin tức những người quen một thời, một thời đã quên.


Tấm ảnh này, chụp khi mình đi trại hè lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Đúng hơn là lần đầu tiên mình đi sinh hoạt với người Việt đông như vậy. Nhờ trại hè này mình như lá rụng về cội, gửi mua sách báo việt ngữ đọc để học tiếng Việt lại sau 14 năm xa rời Việt Nam. Qua Âu châu, mình ít quen người Việt sinh sống tại đây. Có quen vài người rồi thay đổi chỗ ở, công việc. Qua Hoa Kỳ thì người Việt đông nên dễ gặp nhau, sinh hoạt chung, không cần tiếp xúc với người Mỹ như tại Âu châu. Bạn gốc việt tại Âu châu, mình có thể đếm trên đầu ngón tay.

Hình này còn một số người ngồi ngoài khung hình. Có mấy anh sinh viên từ Connecticut, New York, hát hò cả đêm, không cho ai ngủ cả. Nói cho ngay đi trại là không ngủ. Nhớ có chị bạn chở về sau khi hạ trại. Chị ta lái xe chạy lộn vòng vòng cả tiếng đồng hồ.

Trại hè được tổ chức trong khuôn viên của tu viện Don Bosco tại New Jersey. Như ở các nước hồi giáo, tu viện chỉ có mấy ông cha ở, không có thiết kế nhà vệ sinh cho phụ nữ nên mình được cử làm bảo vệ nhà vệ sinh. Chia phiên trai gái vào nhà vệ sinh. Lần đầu tiên mình khám phá ra con gái họ đi tè từng bầy đàn và rất lâu. Mình kiếm bụi cây nào đó làm một phát cho nhanh, đợi đến giờ mấy ông được sử dụng nhà vệ sinh thì vãi trong quần. 


Đứng canh đàn bà con gái đi tiểu nên có cô hỏi chuyện về chương trình của trại hè thì mình i tờ, lần đầu tiên đi trại hè, được ban tổ chức xung phong làm nghề gác cầu tiêu. Mặt mình thì đen đủi, hình sự như hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất, thêm thẹo thiết nên thiên hạ không có cảm tình, tống cổ mình ra gác nhà vệ sinh. Đứng xếp hàng đi vệ sinh thì có cả khối em gái rất xinh, rất thời trang. Có em đi giày cao gót, bận váy ngắn lên đất trại lại kéo theo cái vali to đùng cho hai ngày trại như cô dâu xứ Hàn về quê.


Lần đầu tiên trong đời mình từ ngày rời Việt Nam, mới đứng trước một đám con gái gốc mít nhiều như thế nên cũng hoảng. Đứng bên cạnh mấy em hít hà cái mơn mởn khiến mình cảm thấy yêu đời ra phết, quên mất người tình phụ.


Mình muốn gây một ấn tượng đẹp cho các em nhưng lại xấu trai, đen đúa. Con gái Việt Nam chỉ thích trắng như da hột gà nhưng ngẫm lại mình có duyên ngầm vì ông bà mình hay nói cái duyên bằng 10 đẹp trai. Mình vốn săn chuyện tếu lâm để kể cho mấy con đầm cười nên chọn kể chuyện tếu để tạo nét duyên dáng trai Việt cho các em.

Mình chọn kể chuyện về sử Việt Nam vì đang đọc cuốn sử Việt Nam, đại việt sử ký toàn thư.

Năm mình học lớp 9ème, trong giờ sử Việt đầu năm, thầy giáo nói về chuyện tình Trọng Thuỷ, Mỵ Châu rồi hỏi: "ai ăn cắp nỏ thần của vua An Dương?' Cả lớp im như chùa Bà Đanh. Mình ngồi bàn đầu nên ánh mắt của thầy chiếu tướng mình, mình kêu không phải em thầy rồi thầy chiếu tướng thằng T, một học sinh cá biệt, hắn cũng kêu không phải hắn, thầy đừng có nghi oan, đổ lỗi cho em. Ông thầy bổng nổi điên, chửi cả lớp, bảo nào là học đến lớp 9ème mà đếch biết ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương. Đó là bài học vỡ lòng về lịch sử Việt Nam. Bổng nhiên ông hiệu trưởng Tây, đi ngang nghe lao nhao trong lớp, tiếng ông thầy việt văn chửi bới nên chạy vào. Ông tây hỏi ông thầy dạy việt văn thì được giải thích là không có học trò nào biết Trọng Thuỷ, người đánh cắp nỏ thần An dương vương. Không nhớ ông thầy việt văn giải thích bằng tiếng Tây ra sao, khiến ông tây hiệu trưởng, mặt đỏ như Trương Phi, quát mắng cả lớp, bảo rằng đứa nào ăn cắp nỏ thần thì nhận ngay sẽ tha còn không nhận mà ông biết được sẽ đuổi luôn học sinh nào ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương. Mình ngừng.

Các cô chăm chú nghe quên cả mót đái, mồm hả to nhìn mình như con chiên nhìn thánh giá trong nhà thờ. Cái mặt mình bổng nhiên thấy ngu ngu chi lạ trong khi mặt mấy em như bò đội nón, nhìn mình như thể hỏi sao anh không tiếp tục kể. Rồi...., có em bổng như không chịu nổi sự yên lặng, quên cả mót đái hỏi: " cuối cùng có tìm được đứa ăn cắp nỏ thần của vua không anh?"

Mình chả biết trả lời ra sao, bổng nhiên chán vì trong đời không có gì khốn nạn bằng khi kể chuyện tếu mà không ai cười, mình phải nhắc giải thích lý do phải cười. Cuộc đời kể chuyện tếu lâm của mình chấm dứt từ đó. Lúc đó mới hiểu là các cô này sang Mỹ vào tuổi còn đái dầm, tiếng Việt bập bẹ, nhà nói đi chợ Việt Nam mua bao gạo hiệu Ông Địa, cô lại kêu bán cho bao gạo Ông Đĩ mà mình kể chuyện về Triệu Đà, Tỷ Đà… Chán Mớ Đời 

Tấm này, trại hè năm 1988 hay 1989, ban tổ chức in áo lửa trại đầu tiên. Mình còn bận đến ngày nay. Có anh bạn ở New York, làm nghề in áo thung bán cho du khách viếng thăm New York nên nhờ làm để phát cho trại viên. Hình này có cha Chương, con chim đầu đàn của BNLV.

Tấm ảnh này chụp khi mình và anh bạn giúp vui văn nghệ trong một buổi lễ của cộng đồng người Việt tại Luân Đôn. Tại Luân Đôn, cộng đồng người Việt tỵ nạn được chia thành 2 khối: khối đi từ miền nam và khối đi từ miền Bắc. Tuy là mang tiếng tỵ nạn cộng sản nhưng hai khối không thống nhất với nhau về lá cờ. Người đi từ miền Bắc chỉ muốn chào cờ đỏ sao vàng còn người đi từ miền nam chỉ muốn chào cờ vàng 3 sọc đỏ. Đưa đến lộn xộn, tranh cãi, cuối cùng đưa đến kết luận là chỉ chào cờ Anh quốc, không đem cờ Việt Nam ra mỗi khi họp mặt.


Đức Phật có lần chỉ mặt trăng, nói trăng đẹp nhưng học trò đều nhìn ngón tay của ngài. Quê hương là mặt trăng nhưng chúng ta cứ nhìn vào ngón tay để rồi tranh cãi, ngón tay xấu hay đẹp. Chúng ta đã đánh nhau, mất mát rất nhiều sau cuộc chiến uỷ nhiệm. Đánh cho tàu, cho Liên Xô, cho Mỹ, tạo nên hận thù đến ngày nay. Chán Mớ Đời 


Nhìn lại mấy tấm ảnh cũ, bổng nhiên cảm thấy lạ. Ngày xưa, chưa lập gia đình, không mong đợi gì nhiều. Cứ làm việc chỗ này vài năm rồi buồn đời, tìm được việc chỗ khác, lại đi tiếp. Dạo ấy cũng không biết làm việc ở Hoa Kỳ đến bao lâu. Có lần tính trở về Âu châu nhưng rồi bạn bè rủ lên Boston chơi, rồi phát hiện ra đồng chí gái. Về cali, lập gia đình đến ngày nay.


Nếu dạo ấy, mình trở lại Âu châu thì có lẻ sẽ có kết cục khác ngày nay. Cuộc đời như một dòng sông chỉ trôi ra biển, không bao giờ trở lại nơi khởi đầu. Hàng năm, các con cá hồi bơi ngược dòng sông, suối để sinh sản, rồi chết. Khi về già, người ta cố tìm về nguồn cội như các con cá hồi, chuẩn bị cho cuộc từ giả cuộc hành trình ra khơi theo dòng sông ra biển. Mình vẫn còn tiếp tục ra khơi. Có lẻ vì vậy chưa nhận ra mình trong dòng sông ký ức.


Mình kể chuyện Đà Lạt vì có nhiều người yêu cầu để họ tìm lại chút ký ức của Đà Lạt xưa.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 



Số 4 Đà Lạt Mậu Thân


Hôm nay, có ông thần gốc Số 4, Đà Lạt gửi cho mình tấm ảnh khu phố nhà anh ta sau cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng, để lại sau khi họ bỏ trốn. Họ đinh ninh là người dân Đà Lạt, sẽ đón, hoan nghênh họ như các mẹ nuôi chiến sĩ, ai ngờ họ đến đâu là thiên hạ bỏ chạy tới đó. Đàn Số 4 chạy vào thị xã, trú tại các trường học như Đoàn Thị Điểm, Việt Anh, Văn Học, Trí Đức,.. Giận đời họ pháo kích như Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị năm nào. Sau này 75, gia đình mình chạy giặc đến Bình TUy thì cũng bị pháo kích mệt thở, người chết la liệt bên đường.


Sau này, mình có nói chuyện với một mẹ nuôi chiến sĩ. Bà ta kể khi xưa, khuya nó về kêu đói quá, nấu cơm cho nó ăn. Nay mình lên xin nó cái giấy đi đường, nó kêu bỏ đó đợi. Ngày nay quốc gia mà trở lại, nó có núp ở trong quần tui, tui cũng đứng dậy, lột quần, rũ cho nó lòi ra để quốc gia bắt nó.

Chụp trên đường Ngô Quyền, thấy cái trạm biến điện, dây điện gì đều bị đứt hết. Nhà dì Ba Ca, em bạn dì với mẹ mình bên tay trái, phía sau lưng người đứng chụp

Có lẻ cuộc tổng công kích này đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong ký ức của mình, khiến mình phải lớn nhanh khi thấy chết chóc xung quanh mình. Gần đây, mình có viếng nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hoà ở Biên Hoà. Thấy mồ mả những người lính trẻ, chết trận vào tuổi còn vị thành niên, mới 18, 19 tuổi. Lúc mình rời Việt Nam.


Vừa nhập ngủ vì sinh trong Nam, được huấn luyện 6 tháng quân trường, tập bò , tập bắn để rồi ra trận, lãnh viên đạn nằm xuống, không hiểu lý do mình chết. Nằm chết như mơ hay không hiểu vì sao tôi chết.


Chú của mình, sinh ngoài Bắc, đi bộ đội, xâm nhập vào nam, đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào để rồi chết trên đường mòn Hochiminh. Nay gia đình không biết mồ mả ở đâu.


Tấm ảnh này đưa mình về 55 năm về trước, khi mình đi theo anh Hiệp, con dì Ba Ca lên Số 4, về lại nhà của gia đình anh ta, sau khi chạy giặc. Tan hoang hết ngoại trừ trái bom 100 cân anh, nằm sừng sửng trong sân của nhà.


Anh Hiệp kể; mấy ngày đánh nhau, mấy anh em, hợp nhau, đào cái hầm phía sau nhà, để trốn bom đạn. Đến mồng 3, hay mồng 4. Hết gạo nên dượng Ba Ca kêu anh lên nhà trên, thỉnh mấy cái bánh tét trên bàn thờ để cả nhà ăn.


Khúc này mình đoán trên đường Ngô Quyền, chỗ gần Domaine de Marie


Tò mò, xem qua cửa sổ có gì lạ, bổng anh ta đờ ra, chạy vội xuống hầm ú ớ kêu dượng Ba Ca rồi chạy lên nhà. Dượng Ba Ca nhìn qua cửa sổ, thấy trái bom do anh Hiệp chỉ, miệng ú ớ. Thổ thần đất đai muốn gia đình anh ta sống nên không để quả bom nổ. Mình có thấy những hố bom khác trên số 4, khá to và sâu. Nếu quả bom nổ là xem như cả gia đình tiêu diêu.


Mình có thấy quả bom ấy nhưng không nhớ là bom Napalm hay bom thường. Mình chỉ thấy mấy cây mận, đào nơi vườn, bị cháy, dính mảnh foam của Napalm. Sau này Công binh cho người tháo gỡ bom sót lại trên Số 4.


Tấm ảnh chụp gần nhà Dì Ba Ca, kêu mệ ngoại mình bằng dì ruột. Gần đường Ngô Quyền gặp Hai Bà Trưng. Thấy trạm biến điện, gần phía sau chùa Linh Phong. Chuyến viếng thăm chớp nhoáng Đà Lạt vừa qua, anh bạn có chở mình chạy ngang đây, không có thì giờ ghé thăm gia đình mấy người con của dì Ba Ca. Mình có ghé thăm 1 lần khi về Đà Lạt lần đầu tiên vì ở lại nhiều ngày.


Mình không hiểu sao Đà Lạt lúc ấy, Số 4 lại bị bỏ bom nặng nhất. Có thể khu vực này có nhiều người nằm vùng. Mình nhớ ngay nhà mình, không nhớ lúc nào nhưng thấy Việt Cộng, đi bộ từng đoàn chạy về Số 4, sau khi Việt Nam Cộng Hoà phản công, đánh nhau ngoài khu Hoà Bình, khiến một cây xăng cạnh đường Hàm Nghi, chỗ bến xe Tùng Nghĩa, bị cháy cùng với dãy phố photo Hồng Châu. Được giải thích là Việt Cộng leo lên khu Hồng Châu, núp bắn chiếc xe Jeep chở mấy sĩ quan từ trường Tham Mưu đi ăn Phở Bằng.


Dân chúng từ Số 4, chạy xuống đường Hai Bà Trưng, chạy vào trường Việt Anh và Văn Học. Nghe kể có người chạy vào trường Đoàn Thị Điểm hay Trí Đức để trú bom.


Xóm mình có hai gia đình từ Số 4 chạy xuống trú là gia đình ông Tư Thân, bán thuốc cho tiệm thuốc tây Nguyễn Duy Quang, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Gia đình ông Tư Thân chạy xuống nhà bà Tước hàng xóm, bà con chi đó. Và gia đình dì Ba Ca, chạy đến nhà mình, ở trú cũng mất 5, 6 tháng. Thêm gia đình chú Nhị, chú Hai, hai người làm vườn cho bà cụ.


Từ nhà mình có thể chứng kiến hai trận đánh: Việt Cộng xâm nhập vào nhà thờ Domaine de Marie, và Số 4. Xóm mình từ đường Thi Sách, nhìn lên thì thấy nhà thờ Domaine de Marie và xa xa về phía trường Đa Nghĩa là Số 4.

Số 4 bình địa


Có mấy ông Việt Cộng bò vào nhà thờ Domaine de Marie, có ông leo lên nóc chuông, rồi chỉa AK bắn cóc cóc mấy chiếc trực thăng, bay từ phi trường Cam Ly đến xóm mình thì bắt đầu bắn đại liên và phi đạn. Vấn đề là khi họ bắn trên khu vực xóm mình thì vỏ đạn lại rơi xuống xóm mình theo đường Parabol.


Lâu lâu lại thấy một trận mưa rào của vỏ đạn rơi xuống. Có lần mình thấy rớt xuống nhà mình, kêu lộp cộp. Sau đó phải bò lên, dùng foam ngâm xăng để trét các lỗ bị lũng để tránh bị dột nhà.


Sau này, ra hải ngoại, lâu lâu xem truyền hình, thấy mấy ông hồi giáo, cứ cầm súng bắn chỉ thiên khi reo mừng về chuyện gì đó là mình tự hỏi có bao nhiêu người bị thương sau đó. Đầu đạn được bắn lên thì đầu viên đạn đồng sẽ rơi xuống và ai xui sẽ bị lũng đầu.


Cứ mấy ông kẹ bắn cốc cóc thì sau đó trực thăng bay lại rồi ria vào nóc chuông nhưng mấy ông núp trong đó lại chạy đi đâu rồi. Đánh nhau kiểu này cũng mất mấy ngày. Có lần thấy chiến xa M113, chạy trên đường Calmette thì có ông thần Việt Cộng nào bắn B40 nhưng hên cho mấy ông thần trong chiến xa, bắn hụt khiến viên B40 bay xuống vườn của bà Bắc Kỳ mà mình và thằng Khánh ăn cắp buồng chuối của bà ta. Nghe cái Bùm thật lớn, cây chuối bay tá lả khiến đám con nít trong xóm và người lớn đứng xem, bổng thấy quan tài nên sợ, bỏ chạy vô nhà.


Chú Đức, em của chú Nghi, phòng trồng trăng Nguyễn Văn Nghi ở đường Minh Mạng, cạnh tiệm chụp hình Mỹ Dung, đang ngồi ngay cửa sổ trên lầu, nhìn lên Domaine de Marie, xem bắn nhau. Bổng bị một viên đạn ghim vào người. Nghe kể chú kêu tụi nó bắn tui tụi nó bắn tui rồi chở lên nhà thương băng bó.


Từ đó trong xóm, hết dám đứng xem đánh nhau. Mình cũng suýt bị vỏ đạn ghim vào đầu. Mình đang đứng dưới cây Mai, xem máy bay bắn, thả bom ở Số 4. Trực thăng, mở cửa, thấy rõ tên lính Mỹ, cầm đại liên bắn tạch tạch xuống Số 4 hay nghe cái sẹt, khói xịch ra phía sau trực thăng rồi 1 phi đạn hoả tiễn bắn lên Số 4 rồi một tiếng nổ. Hay máy bay bà già bay la đà rồi phạt một trái khói được bắn ra, khói bay lên thì khu trực cơ bay đến, lao xuống rồi khói đen, lửa bốc lên tiếp theo là tiếng nổ. Đó là lần đầu tiên mình thấy Bom Napalm trong đời và không muốn nhìn lại nữa.


2 tên này lớn tuổi lạ mặt, mình chưa bao giờ gặp trong xóm, đi vào nhà mình, đứng bên cạnh xem máy bay dội bom. Bổng nhiên có một tiếng nói, hình như em mình kêu Má kêu vô nhà. Mình vừa bước vài bước, dưới mái hiên của nhà thì một trận mưa vỏ đạn đại liên làm cái rào lụp cụp xuống sân và leng keng trên mái tôn nhà mình. Mình nghe ai hét lên thì nhìn lại thấy 1 trong hai tên mới đứng cạnh mình xem máy bay, nằm dưới đất, máu ra xối xả rồi người đi chung với hắn dẫn đi đâu mất biệc. Hú vía! Thổ thần nhà mình linh, kêu mình đi vào. Từ đó hết dám ra sân xem bắn nhau.


Hình ảnh của tấm ảnh khiến mình nhớ lại cuộc chiến. Sau Mậu Thân, sợ Việt Cộng ban đêm về bắt đi theo mấy ông kẹ như dân trên Số 4 hay bị bắn nếu là công chức làm việc cho chính quyền như ông trưởng khu phố ở đường La Sơn Phu tử, mà mình hay ghé lại mỗi tháng mua gạo với sổ gia đình. Không ai muốn như ông Tăng Văn Danh, chết để có đường hẻm mang tên của mình.


Mình và ông cụ, tối tối ra phố ngủ ở nhà ông bà Phúng, số 11 Duy Tân. Dần dần tình hình sáng sủa lại một chút, an ninh được vãn hồi với đồn nhân dân tự vệ, được xây cất chốt ngay đường Thi Sách, ngay sau trường Đa Nghĩa, mới hết đi ngủ ở phố.


Rồi thấy xe nhà binh chở xác lính biệt động quân, chết bị phục kích trong Cam Ly, chở về nhà xác. Vợ con từ xứ nào lên nhận xác chồng, cha khóc. Chiều đi ngang nhà xác gần bệnh viện, thấy đèn dầu trong nhà xác với những tiếng hu hu của kẻ mất cha, mất chồng, mất con thấy thảm. Rồi một hôm được tin chú Nhị, làm vườn cho nhà mình trước Mậu Thân, đi lính Địa Phương Quân, chết. Thím Nhị đang có mang, ngồi khóc chồng. Lúc đó mình mới hiểu những ca khúc Da Vàng do Khánh Ly hát. Buồn chiến tranh.

Trạm biến điện biến mất nhưng dây điện thoại dày đặt, phía xa có hậu viên của chùa Linh Quang. Đi xuống một tí sẽ thấy bên tay phải cái đình.

Khi Việt Cộng rút lui thì mới biết các cuộc giết người với những nấm mồ tập thể ở Huế. Ngày nào cũng thấy chiếu trên đài truyền hình rồi Nhã Ca viết Khăn Sô cho Huế, được đăng hàng ngày trên báo. Đọc thấy nổi buồn chiến tranh. Không hiểu sao người Việt lại giết người Việt một cách dã man. Khánh Ly có hát bản nhạc khiến mình Chán Mớ Đời tìm cách rời khỏi Việt Nam.

Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng 

Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa 
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu 

Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày 
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai 
Đường đi tới, dù chông gai 
Thì quanh đây đã có người 

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này 
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây 
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này 
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai


Mình bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai. Chết sớm khi đi lính, rớt tú tài đi lính chết. Đậu tú tài học lên đại học rồi đi lính chết. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Viếng dinh Độc Lập


Từ Thái Lan bay về Sàigòn, ăn cơm tối với mấy đứa cháu, học đại học và đi làm ở Sàigòn. Có cô cháu, sinh viên kiến trúc, đề nghị mình đưa bà cụ thăm viếng dinh Độc Lập. Sáng hôm sau, hai mẹ con đi taxi đến dinh Độc Lập, mua vé rồi vào bên trong xem.


Dinh này khởi đầu là do người Pháp xây cất, sau khi họ chiếm Nam Kỳ vào năm 1868, để cho thống đốc Nam Kỳ ở, dân Sàigòn gọi là dinh Norodom, tên một vị vua Campuchia. Không biết có phải tên của ông bố, hay ông nội của hoàng thân Sihanouk. Tây gọi là Palais du Gouverneur General nhưng có lẻ nằm trên đại lộ Norodom nên người Việt hay gọi dinh Norodom. Nghe nói có một dinh khác tên Dinh Gia Long, nơi gia đình ông Diệm ở trong thời gian xây cất dinh Độc Lập.

Dinh Độc Lập rộng hơn dinh toàn quyền Pháp khi xưa vì có đến 3 tầng chính và 2 dưới hầm. Nhà chính trên nóc là nơi họ tụ họp để nhảy đầm. 

Dinh này được xây xong vào năm 1873 và phần thi công nội thất thêm hai năm mới hoàn tất. Mặt tiền dài 80 mét, gồm hai tầng thêm tầng hầm ở dưới.


Năm 1954, người Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ nên rút về nước, bàn giao lại cho thủ tướng Ngô Đình Diệm. Khi ông Diệm truất phế ông Bảo Đại, đổi tên dinh này thành dinh Độc Lập rồi dọn về đây ở. Nghe nói phong thuỷ nằm ở đầu con rồng nên người Việt ở Sàigòn hay báo chí gọi là phủ Đầu Rồng. Tây đâu có biết phong thuỷ, chắc người Việt chế vào. Phong thuỷ tốt cũng bị mất nước.

Phủ đầu Rồng bị ném bom, hư hại nên ông Diệm kêu kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế dinh mới, đập phá tàn tích của chế độ thực dân luôn. Theo mình để lại có dấu tích lịch sử, rẻ hơn
Dinh toàn quyền Nam Kỳ trước khi bị bỏ bom. Rất cổ điển

Phong thuỷ ra sao mình không biết mà có hai ông phi công hình như có ông Phạm Phú Quốc dội bom, làm hư hại một cánh của dinh mà không chết ai trong gia đình Ngô thị. Nghe nói, khó sửa chửa, đúng lúc ông Ngô Viết Thụ, khôi nguyên La MÃ về nước, nên ông Diệm kêu vẽ một dinh mới hoàn toàn, to lớn, có nhiều tầng, kiến trúc hiện đại hơn. Mình kêu kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là Dượng, lấy dì Cơ, em họ của mẹ mình.

Đây là chỗ sân thượng mà ông Kỳ khi xưa, lái trực thăng đi làm, đáp lên sân thượng. Nghe nói tháng 4/75, có tên phi công nằm vùng nào bỏ bom sụp chỗ này. Thấy hình chụp để trong dinh.

Chỉ tội là ông Diệm khởi xướng xây cất dinh nhưng bị giết nên khi dinh được hoàn thành vào năm 1967 thì ông Thiệu và ông Kỳ được ở trong dinh. Mình viếng thấy có khu vực dành riêng cho gia đình ông Kỳ. Chắc Hà Nội bỏ lại hình ảnh vớ vẩn vì nếu mình không lầm thì sau Mậu Thân, gia đình ông Kỳ dơn vào căn cứ không quân ở với lính ông ta. Mỗi ngày bay trực thăng đậu trên sân thượng để đi làm. Sau này phó tổng thống Trần Văn Hương ở thì chắc khác.


Năm Mậu Thân phe cánh ông Kỳ chịu tổn thất khá nặng vì máy bay Mỹ bắn lầm, thêm tướng Sáu Lèo bị cho về hưu sớm do hình ảnh bắn tên Việt Cộng, đã tàn sát một gia đình người Việt.

Dinh Độc Lập trong thời gian xây cất. Phần giữa là công cộng, còn phía phải là chỗ ở của tổng thống và gia đình phó tổng thống. Bên trái nếu mình không lầm là chỗ làm việc của tổng thống và phó tổng thống. Còn phía dưới hầm là trung tâm hành quân.

Mình thấy dượng Thụ viết chữ Nho giải thích từ Cát, đủ trò nhưng rồi ông Thiệu chỉ ở được 7,8 năm rồi cũng mất nước. Đi viếng có một bà hỏi mấy bà bạn, không biết mấy ổng họp hành ra sao mà mất nước.

Thấy biểu tượng tùm lum nhưng rồi chế độ chỉ sống sót được 7-8 năm. Cơ cấu theo kiến trúc cổ điển của pháp. Dinh toàn quyền cũng được thiết kế tương tự

Theo mình phía trong nội thất khá thành công, chỉ có mặt tiền, được thể hiện bằng bê tông trắng mà bên tây sử dụng khá nhiều vào đầu thập niên 60. Có 3 khúc bê tông trắng như 3 khúc trúc, che ánh nắng cửa sổ to, tượng trưng cho 3 miền Nam Trung Bắc không đạt lắm. Nếu chúng ta so sánh những công trình của kiến trúc sư Oscar Niemeyer, thiết kế thủ đô Brasilia ở Ba Tây cùng thời với dinh Độc Lập thì cho thấy kiến trúc dinh Độc Lập hơi cổ lổ sỉ, không đạt lắm so với kiến trúc hiện đại thời đó. Kiến trúc của Beaux Arts, sử dụng bê tông trắng. Mình nghĩ nên sửa chửa lại dinh Norodom hay hơn cho có tính chất lịch sử.

Hành lang phía sau
Tủ áo quần bà Thiệu
Phòng ăn của gia đình ông Thiệu
Phòng truyền tin dưới hầm
Phòng ngủ của ông bà Thiệu
Hành lang phía trước, có mấy motifs làm bằng bê tông trắng, như 3 đốt trúc tượng trưng cho 3 miền nam Bắc Trung Việt Nam. Sàn nhà có motifs như tranh của Mondrian, rất thịnh hành một thời ở Pháp. Sinh viên kiến trúc hay vẽ kiểu này. Nói chung thì hiện đại vào thời đó.

Mình thấy chợ Đà Lạt, do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế vào thời đó rất đẹp, sáng tạo hơn dinh Độc Lập. Mình có gặp dượng Thụ, ở nhà ông bà Phúng trước khi đi tây. Mẹ mình gọi bà Võ Quang Tiềm bằng Dì (bà con). Có lẻ gặp dượng nên qua Tây mình đi học kiến trúc thay vì kỹ sư như đã dự định. Nay mình có hai đứa cháu theo nghề này. Năm 1992, về Việt Nam mình có gặp dượng Thụ tại tư gia. Lúc đó dượng đang tìm cách cho Nam Sơn đi du học.


Mình thích kiến trúc của dinh Norodom hơn là dinh Độc Lập. Có ông Mỹ nào làm việc tại Sàigòn, có viết một cuốn sách về kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Mình có mua, để hôm nào buồn đời mình kể lại những gì ông ta nói về kiến trúc hiện đại Việt Nam trước 75. 


Sau 54, bổng nhiên miền nam có một thế hệ kiến trúc sư trẻ Việt Nam, thiết kế nhiều công trình khá đẹp như Chợ Mới Đà Lạt do ông Nguyễn Duy Đức, Giáo hoàng Học Viện do ông Tô Công Văn,… có dịp mình kể. Tương tự về mặt văn hoá, văn chương, có một lớp trẻ di cư từ miền Bắc vào nam, tạo ra một làn gió mới văn chương khá hay cũng như về âm nhạc mà đến nay, người Việt gọi là dòng nhạc bolero trong khi nhạc đỏ thì chìm vào lãng quên. Cái gì đẹp và hay thì luôn luôn bất tử.


Lần thứ nhì về Đà Lạt, mình có gặp vài kiến trúc sư Đà Lạt, có anh vẽ căn nhà có 100 cái nóc, rên bị bắt phải tháo bỏ. Chị Nga, thiết kế mấy căn nhà cho du khách ở khu đường Pasteur. Thấy mấy người này rên là không có một quy hoạch nào phát triển Đà Lạt mai sau.


Nói cho ngay, mình có viếng thăm Hà Nội mỗi lần về quê. Việt Nam bị ngoại quốc chia đôi sau hiệp định Geneva năm 1954. Hơn 20 năm sau thì cuộc chiến quốc cộng chấm dứt. Về Hà Nội không thấy có gì được xây cất cả ngoại trừ lăng của ông Hồ theo dạng Brutalism, mà mình có thấy vài cơ quan ở Tiệp Khắc, và HUng Gia Lợi. Ngược lại trong Nam, có nhiều cơ sở được xây dựng mà thư viện quốc gia, dinh Độc Lập được xem là tiêu biểu, hay bệnh viện Vì Dân,…


Có một ông kiến trúc sư Mỹ, đã mò mẫn ra các công trình kiến trúc khá đẹp ở miền nam và viết thành một cuốn sách. Mình đoán có nhiều kiến trúc sư miền nam muốn làm điều này nhưng sợ Hà Nội cấm xuất bản. Có dịp mình kể thêm về kiến trúc tại Sàigòn, khá đẹp vào thời đại trước Mậu Thân.


Nói riêng Đà Lạt, chỉ từ năm 1955 đến năm 1963, chính phủ miền nam đã cho xây cất biết bao nhiêu công trình đẹp như Chợ Mới Đà Lạt, Giáo Hoàng Học Viện, trường Võ Bị, trung tâm nguyên tử lực,… đến thời đệ nhị cộng hoà thì chiến trận bùng phát khi quân đội Mỹ tham chiến nên không có xây cất nhiều, toàn là vớ vẩn. Sàigòn nếu mình không lầm có dãy cư xá Thanh Đa, gần bờ sông Sàigòn. Có hai gia đình mình quen tại Đà Lạt dọn về đó nên có ghé lại trước khi đi Tây. Gần sông nên khá mát.


Gần 50 năm sau cuộc chiến, mình không thấy Hà Nội xây dựng được cái gì cho Đà Lạt. Toàn là vá víu, tự biên tự diễn không có một viễn kiến về tương lai cho Đà Lạt. Có 3 toà hành chánh đói diện tiểu khu khi xưa, làm bằng kiếng. Khi lạnh khi nóng là mệt. Chán Mớ Đời 

Hà Nội trưng bày xe Jeep chở ông Minh đi lên đài phát thanh, ra lệnh đầu hàng. Thường thì ông Thiệu đâu cần lên đài phát thanh. Ông ta đọc diễn văn tại dinh Độc Lập rồi được truyền đi.
Mình có thấy tấm tranh này, hình ảnh cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà 

Hôm nào mình kể tiếp.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Kết thúc một chuyến đi

Từ Sàigòn bay gần đến đông kinh, nhìn qua cửa sổ thấy ngọn núi Phú Sĩ trong ánh nắng bình minh vừa lố dạng. Nơi mình đã có dịp leo lên đỉnh núi với vợ con vào mùa hè. Chả có gì đặc biệt lắm, hình ảnh của Nhật Bản mà du khách nhớ đến tương tự thác Eiffel của Paris. Hình ảnh trên núi cao mà mình thấy được, đẹp nhất là khi leo đỉnh Kilimanjaro. Mọi người khởi đầu vào lúc nữa đêm, leo lên núi độ 4, 5 tiếng đồng hồ trong cái giá lạnh vào đêm trăng rằm. Từ từ ánh sáng bình minh hiện ra, thấy mây ở dưới và mặt trời ló dạng. Quá đẹp. Nhưng không có thì giờ ngắm, phải tiếp tục thêm 3 tiếng đồng hồ leo núi.

Núi Phú Sĩ từ máy bay

Có một hiện tượng mình thường thấy khi bay về Việt Nam. Du khách người Việt mang hộ chiếu Việt Nam hay sổ thông hành của Hoa Kỳ, ngồi xe lăn đi máy bay. Trước kia thường thấy mấy người lớn tuổi đi về Việt Nam hay đi Mỹ. Không rành anh ngữ, để biết đường đổi máy bay nên con cháu khai đau chân để hãng hàng không, cho người đẩy xe qua Hải quan và quá cảnh để khỏi lạc chuyến bay. Nay thì thấy toàn là nhưng người trẻ tuổi độ 40, 50, vác hai hành lý to đùng, đặt trên đầu gối nhưng khi ra phi cơ lại leo lên xe lăn ngồi, để nhân viên phi trường ngoại quốc đẩy cho sang. Có thể nhờ xe lăn để qua an ninh sớm hơn nhưng vẫn phải đợi. Người việt mình thông minh với những khôn vặt. Tên Mỹ đứng trước mình cứ lắc đầu, hỏi mình lý do họ ngồi xe lăn, trông rất trẻ, không bệnh hoạn, chỉ biết trả lời phải hỏi họ. Khi rời máy bay thấy độ 20 chiếc xe lăn với 20 nhân viên, xếp hàng đứng đợi ngay cửa máy bay. Mấy người trong gia đình đi ké qua an ninh nhanh chóng. Một người ngồi xe lăn, cả họ được nhờ. Công ty hàng không phải mướn thêm mấy người đẩy xe lăn cho các chuyến bay đến từ Việt Nam.

Máy bia hơi. Thấy một tên Nhật Bản, mở điện thoại ra rồi nói gì đó với app của hắn thì tự động cái máy bơm loại bia hắn muốn vào ly, bia được đựng dưới cái tủ. Mình thấy có 12 loại rượu nên đoán chắc có nhiều loại bia mà toàn chữ nhật nên chỉ đờ ra. Người nhật rất lo về vệ sinh, thêm ít người làm việc, tự động hoá các hoạt động về ăn uống. Phòng đợi cho ăn nhưng phải nói cho phục vụ viên những gì mình muốn ăn, họ đưa cho cái phiếu với con số, đi ra quầy, thì có người đưa cho một cái khay thức ăn mình gọi. Không như ở các xứ khác, để Buffet rồi ai nấy đến tự chọn mà dùng.
Rượu được khui ra và được gắn bới ống bơm, tự động ngừng khi bỏ cái ly xuống.

Thấy mấy ông cầm điện thoại siêu xịn, lại dán 2 lá bùa hay ấn đền Hùng phía sau điện thoại. Thấy ông người Việt kia đeo dây chuyền chắc nặng lắm. Mình nhớ khi đi Tây, bà cụ cho một cái vòng 1 lượng vàng, lỡ hết tiền bán để xài, đeo đã thấy nặng nay thấy ông này chắc phải 20 lượng quá. Trong Đông y người ta khuyên không nên đeo kim loại trên người vì sẽ chặn khí trong cơ thể chạy qua mấy vùng này, sẽ gây bệnh hoạn ở các vùng đeo kim loại. 


Đọc báo chí Việt Nam thấy 1 cán bộ ở Việt Nam rất giỏi và thông minh. Mình học sói đầu suốt 6 năm liền mới được cái bằng thạc sĩ. Bạn bè rủ học lên tiến sĩ nhưng mình ớn học. Đây ông thần này học trùng tu mà có đến 4 cái bằng đại học. Chắc chắn là thần đồng như Thánh Gióng, ăn nồi cơm là lớn cái vù. Mình không hiểu ông ta học 4 cái bằng mà sao bị bỏ tù.


Mình đưa bà cụ đến thăm một người dì bà con, chị em cô cậu với mẹ mình. Mới khám phá ra bên mẹ mình, mấy bà toàn dạng đô con, theo gia phả là hậu duệ của dòng Mạc Đăng Dung. Gặp cậu em bà con, cả đời chưa gặp mặt nhau. Mình chỉ biết cô chị ở Bolsa, lâu lâu anh em có gặp nhau. Ngồi nói chuyện rồi ăn cơm chung tại nhà, nghe anh ta kể về bên ngoại để biết thêm về gia tộc. Mình chỉ nhớ khi xưa, ông ngoại mình ở Bảo Lộc, có đồn điền trà, lâu lâu có xuống chơi nhưng rồi sau Mậu Thân, chiến sự càng ngày càng khốc liệt nên cũng không dám ra khỏi địa phận Đà Lạt. Sau 75 thì ông ngoại mình mất tích, chắc mấy người thù khi xưa, đi làm cách mạng về xử lý nên con cháu không biết ngày mô mà làm kỵ giỗ.


Bà con cũng biệt tăm, nay mò từ từ ra bên Mỹ, rồi về Việt Nam mò tiếp. Chỉ biết lần sau về, ráng ở lâu, để tìm họ hàng bên nội và bên Ngoại. Hôm ở nhà ông chú họ, nghe ông chú giới thiệu một người em bà con là mình chới với. Bà ngoại của anh ta là em ông nội và gì đó,… thôi cứ xem là bà con cho chắc ăn. Hỏi nguyên cả họ ra thì hơi mệt vì mình không hình dung hay biết ai cả. Lần sau về, mình sẽ dành thời gian đi thăm viếng bà con để hiểu thêm về gia tộc.


Hôm trước, có ông cậu bà con, bác sĩ bên tây, về Việt Nam hưu trí, nhắn tin. Mình hẹn sang năm về, ở lâu, cậu cháu có dịp nói chuyện. Hôm sau, người em họ gọi điện thoại, ghé lại khách sạn, đón đi ăn bún chả Sàigòn. Không thua gì Hà Nội. Về Hà Nội, cô em dẫn đi ăn bún chả ở tiệm Obama ghé lại ăn với ông đầu bếp tự tử vì thấy hình cô bồ ngoại tình, làm hai suất Obama nhưng không có uống bia.

 

Sáng đưa bà cụ ra phi trường về Đà Lạt rồi gặp chị đại diện BNLV tại Việt Nam. Chị ta kêu cha nhờ anh đem mấy thủ công nghệ tượng Chúa, tranh Đức Mẹ về cho cha. Nặng đến 27 kí. Phải mua thêm cái Vali. Mỗi lần đi chơi với đồng chí gái là cuối cùng phải mua thêm cái Vali. Kỳ này tưởng thoát, ai ngờ bề trên lại gọi. Về Cali, ông Cha ghé lại nhà lấy quà Việt Nam và hai thùng bơ xong thì mấy ngày sau được Chúa gọi về Thiên Quốc.


Cho vào Vali xong xuôi, mình mời chị ta đi ăn bún chả Sàigòn. Nói chung, ăn ở Việt Nam, mình cần ăn 2 suất mới no. Bò ra phi trường, ngồi đợi làm thủ tục lên máy bay. Thấy 2 toán bận y phục của mấy công ty ngoại quốc, không biết Nam Hàn hay Nhật Bản. Hóa ra là những thanh niên thanh nữ đi lao động quốc tế theo chương trình của Hà Nội, năm nay chỉ tiêu xuất khấu thêm nữa triệu người lao động ra nước ngoài. Tha hồ gửi ngoại tệ về cho nhà, khúc ruột nghìn dậm. Thấy thương họ vì xứ mình học xong không có việc còn xứ người có việc mà không có người. Họ ra đi lao động, gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà, kiếm một số vốn về Việt Nam làm ăn sau khi hết hợp đồng. Thấy họ mình thương.


Xứ Phi luật tân có đến 13% dân số đi làm ở ngoại quốc, đi Trung Đông, mình gặp khá nhiều người Nam Dương đi xuất khẩu lao động hay trên máy tàu thuyền dương, đông người từ Bali phục vụ. Cho thấy xứ nào mà giới cầm quyền tham nhũng, không lo đến dân tình thì người dân phải tìm đường ra ngoại quốc lao động để nuôi gia đình và nuôi họ luôn.


Nghe kể, các cô gái Việt sang Tân Gia Ba, Mã Lai, đi khách rất nhiều. Mình nghe cô gì xịt thuốc độc giết anh trai của Kim thị ở phi trường, là một cô gái việt sang xứ hàng xóm đi khách. Thấy thương dân mình. Sau gần 50 năm độc lập tự do hạnh phúc, vẫn phải tha phương cầu thực mới độc lập tự do và hạnh phúc, như mấy chục người chết ngạt trong xe tải qua Anh quốc.


Cuối cùng thì quầy vé mở trước chuyến bay 3 tiếng. Lần sau về, mình biết vụ này, ra phi trường trễ độ 3 tiếng tước khi lên phi cơ. Cứ tưởng là như bên Hoa Kỳ, ra phi trường sớm rồi check-in, lên phòng đợi ăn uống. Các nhân viên hàng không Việt Nam làm thủ tục ra đứng trước quầy chào hành khách như kiểu người Nhật Bản. Mình thấy nhiều nơi tại Việt Nam đi vào cửa, thấy họ đứng xếp hàng chào khách như ở Nhật Bản nhưng chỉ sơ sơ không cúi sát người như người Nhật Bản. Cũng hay là khởi đầu, biết chào hỏi khách hàng thay vì hỏi biết bố mày là ai không.


Mấy người ngồi đợi nơi ghế như mình trước đây la ó trong điện thoại với người thân trong khi đợi các quầy mở cửa, bổng nhiên nhảy lên xe lăn, im lìm như người khuyết tật với một nụ cười ngầm tự hào khôn lanh hơn người. Chán Mớ Đời 


Bà cụ mình 91 tuổi đi với mình đâu có cần xe lăn, họ kéo thêm nguyên cả gia đình. Một người ngồi xe lăn cả họ được nhờ, qua an ninh nhanh chóng khỏi phải đợi chờ. Phải công nhận an ninh Hải quan của Việt Nam làm việc rất chậm, đợi mệt nghỉ. Ở ngoại quốc, họ có lối cho người sở tại và lối cho người ngoại quốc. Ở Hương Cảng, mình thấy, chả ai xét hỏi, cứ để sổ thông hành, quẹt vào máy, cánh cửa tự động mở ra mình đi. Ở Việt Nam thì người Việt hay ngoại quốc đều chờ như nhau nên đợi rất lâu. Nói chung thì có tiến bộ, mình qua hải quan xong thì ra cửa không có vụ xét hành lý như xưa. Mình bắt chước anh bạn nên làm thẻ global entry nên ra phi trường ở Hoa Kỳ, đi theo lối khác nên qua an ninh nhanh, và khi về Mỹ cũng nhanh. Chỉ quẹt nơi máy sổ thông hành là qua.


Rút kinh nghiệm ở Đồng Hới nên mình xem trên đầu, màn ảnh truyền hình có tên mình trong sổ phong thần khi máy rà hành lý phát hiện các vật nguy hiểm như pin điện thoại. Ở Đồng Hới, họ rà Vali của mình có cục pin chạc điện thoại nên không cho mình qua cửa khẩu. Phải chạy mệt thở trở lại phòng an ninh để lấy cục pin đem theo người mới lên máy bay được. Có tên ấn độ đi trước mình bị an ninh khi xét sổ thông hành kéo lại kêu ra phòng kiểm hành lý khiến mặt hắn xanh như đít nhái. Mình giải thích là hành lý có vấn đề, cứ an tâm.


Cuối cùng máy bay cất cánh vào nữa đêm rời Việt Nam sau khi vào phi trường từ 4 giờ chiều. Lần này bay đi mình cảm thấy vui vì trở lại Cali, quê hương thứ 2, khác với lần đầu tiên rời Việt Nam, lo âu không biết chừng nào mới trở lại Việt Nam. Mừng sắp gặp lại đồng chí gái. Đúng là xa mỏi mắt, gần mỏi miệng. Về nhà là đối chọi cho đầm thắm, tưới thêm cây hạnh phúc hai vợ chồng già.


Mình thấy trong khách sạn, nơi công cộng, giới trẻ ở Sàigòn, không nhường người lớn. Ra thang máy hay vào tiệm, họ tranh lấn với bà cụ khiến mình phải nói rồi họ đẩy cửa vào không cần giữ cửa để xem có người đi sau, khiến cánh cửa suýt đập vào mặt bà cụ. May mình thấy và đỡ được tấm cửa tự động khép lại mạnh. Về Việt Nam lại nhớ Cali, lối sống nhẹ nhàng ít tranh dành, để ý đến người xung quanh. 


Đà Lạt 5, 6 giờ sáng đã nghe karaoke ở nhà ông Hiển khi xưa, nay không biết ai ở, hàng xóm rống nhạc pháp đến tối thì phía sau nhà ông Ngần lại tụ họp nhậu nhẹt karaoke. Taxi chạy giữa đường quẹo lại, de xe bất chấp xe cộ hai bên rồi còn chửi thề những ai bóp còi. Xe chạy kẹt đường, nhưng họ cứ đậu, đợi ai bất chấp gây kẹt đường vì xe hơi phía sau không qua mặt được. Bóp kèn thì họ chửi thề. Mình không quen những cảnh này nữa. Như con cắc kè, ở đâu quen đó.


Đi ăn chay bao bụng ở Đà Lạt, thực khách dành giựt lấy thức ăn khiến nhà hàng cảnh báo nếu ăn không hết sẽ tính thêm tiền, yêu cầu lấy vừa đủ ăn. Ngay cả tiệm ăn chay. Đã ăn chay cho hiền mà cứ dành giựt đồ ăn, lại ăn cho đáng đồng tiền, lấy cho nhiều, vẫn tham lam. Mình nói không cần ăn chay vì mình nhịn đói còn lành hơn. Ở đường Phạm ngũ Lão có ông chủ rất trẻ từ Bắc vào lập nghiệp kêu có 4 tiệm ăn chay. Cho thấy giới trẻ ngày nay rất năng động, chịu khó làm ăn. Một điểm mừng, hy vọng cho Đà Lạt và Việt Nam mai sau.


Đêm cuối ở Sàigòn có đi ăn cơm với mấy người học chung khi xưa ở Yersin. Gặp lại Nguyễn Đình Tài, kể có hai cháu nội. Chúc mừng.


Lạ lần này về Việt Nam mình bị jet lag khá lâu cả mấy tuần luôn. Cứ 1 giờ sáng là dậy. Ngày cuối thì ngủ được tới 5 giờ sáng thì lại phải khăn gói lên đường. 


Quá cảnh tại Nhật Bản lại phải ngủ gà ngủ gật mấy tiếng rồi đi bộ mấy vòng cho đủ 4 cây số trước khi lên máy bay cho chân tay, máu huyết được lưu thông. Nhắn tin cho đồng chí gái đi đón mình. 


Tin tức Cali mưa thêm và một tin vui là bắt đầu năm nay hết 30 năm chu kỳ hạn hán của Cali nên mưa sẽ trở về miền nam Cali. Cả hai tuần nay không tưới vườn. Tháng trước mình chỉ trả $150 tiền nước thay vì $3,000 vì mưa nên ngưng tưới một tháng. Tháng tới này cũng vậy giúp trái to hơn. Hy vọng. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Cúng thần thần đãi, cúng sãi sãi cho, ở so đo trời lấy lại


Cuộc đời, ai may mắn lấy được người phối ngẫu, biết lo toan nhất là hiền lành không gian ác, tham lam, tạo Đức cho con cháu sau này. Về Đà Lạt lần này thì thấy có nhiều việc khiến mình nghĩ đến luật nhân quả. Mình thuộc gia đình thuần nông. Từ bé, cuối tuần đã phải vào Suối Tía, làm vườn của gia đình thì khám phá ra; mình trồng cây gì ra trái đó. Trồng cây tốt thì ra quả tốt, trồng cây ác thì ra quả ác. Trồng ớt hiểm thì ra ớt cực cay.


Nghe kể ông thần quản lý nghĩa trang Đà Lạt. Người thân mất, xây cất mộ bia đều phải qua họ. Nếu không họ phá như đám chăn bò khi xưa, cởi bò đạp bể các mộ bia ở mả thánh, khiến bà cụ phải kêu mấy tên chăn bò lại cho kẹo bánh, để chúng tránh cởi bò đi qua mộ người em mình. Muốn xây mộ tại nghĩa trang, họ độc quyền nên vớt tiền của tang quyến nhiều. Ai mướn người khác xây thì họ đợi đi về rồi phá mộ. Về già con cái của họ hút nghiện đủ trò, trong khi họ cũng bị bệnh tật. 


Nhiều người khi xưa làm ăn khá, nay lại te tua thêm bệnh hoạn. Cho thấy ông trời cho mỗi người một thời rồi sau đó là hết. Vấn đề là làm sao giữ được cái Lộc trời cho về lâu về dài như bón phân cây cho ra trái đều đều đến đời sau. Ông bà khi xưa dặn con cháu; tích Đức như bón phân hữu cơ thì cây mới tiếp tục cho ra trái ngọt còn không, sẽ hết đơm ra trái như tiền bạc. Có đức mặc sức mà ăn.

Làm vườn mình khám phá ra là bón phân năm nay, không phải để cây cho quả năm nay, làm cho trái to mà là cho những năm về sau. Hàng năm mình phải gởi lá và đất của vườn cho phòng thí nghiệm, xem cần được bồi dưỡng loại phân nào cho những năm sau. Cây trái trồng ngày nay thì phải đợi 7, 10 năm sau mới có trái. Bón phân cây như làm những việc có tính cách tích đức, giúp gia đình, con cháu mình sau này khá, còn không tích Đức, như không bón phân cây hay tưới nước thì sẽ không có quả về sau, hay sẽ cây từ từ chết. Nhiều người cứ muốn bán các nhà thờ tự, để chia cho nhau vì đất lên giá như thể bứng các cội rễ của cây thì làm sao cây cối tiếp tục lớn mạnh.


Mình thấy nhiều người cướp đất hàng xóm, gia đình con cháu cũng không thấy khá so với trước khi cướp đất.


Mình cũng thuộc diện được xem trúng số độc đắc, lấy được đồng chí gái, hiền lành, không hại ai cả. Ai xin gì cũng cho, giúp đỡ, đi hát cho mấy người già trong viện dưỡng lão, nấu ăn cho người vô gia cư, giúp giảm bớt sự gian ác của mình. Sáng nay, đi xem cái tiệm bán đồ lưu niệm, thấy cái áo lụa thái lan, tính mua cho vợ. Gửi hình để hỏi ý kiến, đồng chí gái trả lời không mua gì hết. Xong om. 


Bà cụ mình thuộc loại dân hiền ở chợ Đà Lạt. Mình chưa bao giờ thấy mẹ cãi lộn với ai ngoài chợ. Bạn hàng mượn nữ trang đi ăn cưới rồi đổi hàng xấu, đành chịu, không chửi một câu. Nay nghe nói bà bạn hàng đó, ngồi xe lăn, con cái không khá lắm. Tránh gặp mẹ mình. Có người giựt hụi mẹ mình rồi nay con cháu cũng không khá. Người mượn tiền rồi sau 75 xù luôn, về già nằm liệt giường cả 10 năm tình lận đận với giường chiếu, làm khổ con cháu, mới qua đời. 


“U chau ơi số mạ răng bị người ta ăn cướp tiền hoài”. Đó là lời mẹ mình than. Mẹ mình kể lại chuyện làm ăn khi xưa ngoài chợ. Đi di tản 75 về Đà Lạt thì mất hết của cải. Trước khi chạy di tản, đưa người em rể chìa khóa nhà cửa và hàng chợ. Người em rể và gia đình đem bán tháo hết rồi không đưa lại đồng nào. Nay con cháu của họ cũng vất vả. 

May nhờ bà người Tàu bạn hàng, bán tương ớt ở cầu thang chợ cho mượn vốn để buôn bán lại, nuôi con, thăm nuôi chồng 15 năm cải tạo. 


Mỗi lần đi thăm nuôi là có một số người vợ hay mẹ ở Đà Lạt đi theo. Cứ 3 giờ sáng là có mặt ngoài chợ.  Đưa giấy tờ cho mẹ mình để đi bao xe đò. Phải nhờ người làm giấy tờ đi kinh tế mới, công an kinh tế mới cho đem gạo thức ăn ra khỏi Đà Lạt. Đi thăm nuôi cũng ê càng. 


Mỗi lần kể về 15 năm trời đi thăm nuôi, mẹ mình than khổ cực, thêm bị dân cm30 làm khó dễ, tìm cách đuổi gia đình mình đi kinh tế mới. Được cái là mẹ mình về già tương đối không cực khổ như xưa. Con cháu đều có cơ ngơi cả, thêm có sức khỏe. 91 tuổi mà vẫn đi đứng được. Đi Thái Lan, lội bộ mấy cây số mỗi ngày với mình. Ngày nay, mới hiểu sức khoẻ là vàng. Con cháu hưởng được cái Phước của mẹ.


Mẹ mình kêu đi viếng đền Hùng ở Sàigòn 
Đền Hùng này có cả bàn thờ ông hồ. Kinh

Gặp ai cũng khoe mình 91 tuổi. Thường phụ nữ ít khi nói thật tuổi của họ nhưng bà cụ mình thì cứ khoe tuổi già. Lạ thật. 


Đi chơi chuyến này, không dám dẫn bà cụ đi bộ nhiều. Lần trước đi Nhật Bản mỗi ngày đều 9-12 cây số nay 2 cây số là oải rồi. Chỉ ăn rồi bơi trong hồ trước nhà rồi ngủ. Lần sau về chắc chỉ dám dẫn bà cụ đi trong nước chớ bay xứ khác thì hơi châm. 


Đọc báo Việt Nam, nghe nói ông nào có đến 4 cái bằng đại học khiến mình cảm phục vô vàng. Mình học oải cả bánh mì tây đến 6 năm mới được cái bằng thạc sĩ, còn ông ta học trùng tu tại chức, lấy được 4 cái bằng đại học. Cho thấy Việt Nam không hiếm nhân tài. Không hiểu sao có đến 4 cái bằng, nay ông ta lại vào tù. Chắc không có đức hay tổ tiên không tích đức cho ông ta.


Nghe kể ông cựu bí thư Đà Lạt, về hưu, đi ăn cưới, không ai dám ngồi chung, thậm chí còn bị người ta trùm mền đánh như tù đánh dân làm ăng ten. Kinh


Người Huế hay nói “cúng thần thần đãi, cúng sãi sãi cho, ở so đo trời lấy lại”. Nay trên 6 bó mới hiểu ngụ ý của câu này mà mẹ vợ cũng như mẹ mình hay dạy con cháu. Nay già mới thấm thía. Không biết có trễ chưa để bắt đầu tích đức cho mai sau.


Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn