Xung quanh chợ Đà Lạt trước 1963

 Hôm nay, ngồi lọc một ít hình ảnh cũ Đà Lạt, thấy có mấy tấm ảnh xung quanh Chợ Mới Đà Lạt, trước khi ông Diệm bị lật đổ thấy tiếc vì sau đó, ông Trần Văn Phước, thị trưởng Đà Lạt bị Hội Đồng Cách Mạng cách chức, lấy cung, xem có ăn gian khi xây chợ và không tìm chứng cứ nào cả. Lấy bụng ta suy bụng người.

Giới theo nịnh chế độ mới, tố cáo ông Phước là ăn gian, ăn hối lộ những khi đưa sổ sách ra thì thấy ông ta không ăn một đồng của dân thị xã Đà Lạt. Nên nhắc lại công ơn của thị trưởng Trần Văn Phước, ông ta mượn tiền ngân hàng để xây và sau đó bán các gian hàng cho những người như mẹ mình, đã thu vốn lại và trả hết cả vốn lẫn lời. Mình có kể vụ này rồi.

Theo mình hiểu, ông Trần Văn Phước là thị trưởng người Việt tại chức lâu nhất. Sau ông ta có vài người chỉ được bổ nhiệm vài năm hay vài tháng, đặc biệt có một nữ thị trưởng đầu tiên, tên Nguyễn Thị Hậu, mình có người dì bà con, làm thư ký cho bà, khen bà này giỏi lắm. Nghe nói bà ta đã từng làm người mẫu cho Cát Tường Le Mur ngoài Hà Nội. Người cuối cùng trước khi Đà Lạt di tản là ông Nguyễn Hợp Đoàn. Ông này sang Hoa Kỳ, mở tiệm bán đồ trang trí nội thất rất thành công. Ở Cali, cũng có một ông tướng mở tiệm loại này khá thành công, nay qua đời, cái tiệm chắc con cháu bán nên đã được phá huỷ để xây trung tâm văn hoá, thương mại.

Sau 1963, Đà Lạt bắt đầu xây lộn xộn. Các cuộc chỉnh lý liên tục, thay thị trưởng như chong chóng nên không có ai làm gì cho sự phát triển Đà Lạt, để lại dấu ấn thêm các ông tá được chỉ định làm thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức, để lo về an ninh, vì Việt Cộng đánh phá. Mình chỉ biết ông Nguyễn Hợp Đoàn có chương trình dời 2 bến xe đò ở trong thị xã ra ngoại ô, ở đường Nguyễn Tri Phương mà ngày nay mình thấy họ làm ở địa điểm đã dự tính trước 1975. Ông cụ mình làm ở Ty Công CHánh và Công Quản Nước Đà Lạt nên hay kể cho bạn nghe còn mình thì hóng chuyện người lớn. Chán Mớ Đời 

Mình thấy bản vẽ thiết kế chợ Đà Lạt và xung quanh của kiến trúc sư Nguyễn Duy Thức thì không thấy khách sạn Mộng Đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge. Những địa điểm này được thiết kế xây vườn Bách Thảo, hoa để du khách và thị dân du ngoạn, ngày nay người ta gọi là vùng xanh. Sau này, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được chỉ định, thiết kế đô thị khu Hoà Bình và Chợ Mới Đà Lạt nên mới thấy các khu phố hai bên chợ và nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. 

Mình thấy cái cầu nổi đi vào chợ là điểm hay nhất của thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, chỉ tiếc là cầu thang lớn đi xuống chợ, không được liên kết với nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. Dượng Thụ đã từng ở La MÃ 3 năm, có thể dùng cầu thang chỗ công trường Tây Ban Nha làm mẫu.

Xem hình trên, mình đoán được chụp trên mái nhà của Khu Hoà Bình. Cận cảnh là khu thương mại, có “arcade “ không biết tiếng Việt gọi là gì, sau này kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, thiết kế phá bỏ, bù lại thì thêm khách sạn Mộng Đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge hai bên cầu thang đi xuống chợ. Mình có kể trong bài sự thành lập Khu Hoà Bình.

Ngoài ra thay vì làm vườn hoa như dự định, họ xây thêm mấy căn phố bên phải của đại lộ đi vào từ bùng binh, căn đầu tiên là cà phê Hạnh Tâm, có một ngân hàng tên Nam Đô và tiệm chụp hình gì quên tên, chắc phải lục lại mấy bài viết của mình trước đây. Già rồi nên bắt đầu quên. Chỉ nhớ là ở đường Duy Tân có một tiệm, con trai ông này, tên gì có chữ Khánh, ra đó mở để chụp hình lưu niệm cho du khách đến xứ hoa Anh Đào.

Ta thấy từ bùng binh cầu Ông Đạo chạy vào chợ có một đại lộ rộng thênh thang, hai bên đại lộ là bãi cỏ và vườn hoa. Hai bên hông vườn hoa , có hai con đường nhỏ để xe hơi có thể chạy ra, hay để đậu xe, ngoại quốc gọi là lộ chửa cháy. 

Trong trường hợp có sự cố ở trong chợ, xe không vào được vì kẹt xe,…thì xe cứu hoả có thể chạy theo hai đường nhỏ này vào. Mình về Đà Lạt thì thấy đông nghẹt, xe và người chen chút, chỉ cầu mong là đừng cháy chợ vì sẽ có người chết rất nhiều, không thoát được và xe vòi rồng cũng không chạy vào được. Mình có đi vòng vòng để xem có những vòi nước lớn để khi khi có cháy thì nhân viên cứu hỏa có thể sử dụng để chửa cháy thì tuyệt nhiên không thấy. Bệnh nghề nghiệp. Khi vào rạp xi nê hay đi xem hát, khách sạn,…mình luôn luôn xem lối thoát chửa cháy. Chán Mớ Đời 

Khi xưa, ở hai đầu chợ, đều có bể nước nên khi có hoả hoạn, người ta có thể lấy nước dội để dập tắt lửa nhỏ. Nay thì tuyệt nhiên không thấy. Có lẻ họ dấu chỗ nào mình không thấy.

 Mình nhớ sau này, khi có chợ Tết thì hai bên đại lộ từ Cầu Ông Đạo chạy vào, xe đậu nghẹt nhưng không thấy ai đậu xe ở hai đường nhỏ cả.

Dọc con đường Lê Đại Hành đã thấy trồng mấy cây mai, nở vào mùa xuân, đẹp lạ lùng. Mấy kiosque ở đường Thành Thái, nằm thấp dưới, không choáng tầm nhìn của dãy nhà, đúng hơn là cư xá công chức bên tay phải. Tiệm kem Việt Hưng là căn đầu, của một ông người bắc, nhà đâu trong đường Trần BÌnh Trọng, mình có học ở vườn trẻ Thanh Ngọc với hai cô cháu của ông ta.

Thị trưởng Trần Văn Phước (ngồi giữa), người có công xây dựng Đà Lạt sau khi người Pháp về nước. Ông này sinh trưởng tại Nam Vang, được ông Ngô Đình Diệm bổ nhiệm lên Đà Lạt. Ông ta mượn tiền để xây chợ Đà Lạt, được xem là ngôi chợ đẹp nhất Đông Nam Á dạo đó.

Mình kể cho những người cùng thế hệ của mình hay lớn tuổi chớ thế hệ của em mình thì chắc như bò đội nón, chả hiểu mô tê chi. Cuối đường Thành Thái là rạp xi-nê Eden, sau này bán lại người Việt, đổi tên lại Ngọc Lan và Ngọc Hiệp.

Phía bên kia hồ Xuân Hương thấy con đường Trần Quốc Toản, nối liền với Phạm Ngũ Lão ngay ngã ba đường lên dốc nhà thờ Con Gà. Không nhớ đường này gọi là gì. Hình như Lê Đại Hành, kéo dài từ đây qua cầu Ông Đạo rồi lên đến khu Hoà Bình. Bên tay trái, thấy biệt thự của bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai mà nay họ mới đập bỏ, để nới rộng con đường Trần Quốc Toản. Phía sau hơi mờ là khách sạn Palace.

Hình này, cho thấy họ đang làm đường, tráng nhựa, thấy chiếc xe hủ lô của ty công chánh khiến mình nhớ vài kỷ niệm về làm đường ở Đà Lạt khi xưa. Hình này cho thấy họ mới trồng mấy cây tùng nhỏ ở ngay bùng binh, sau này to lớn hơn, không biết bây giờ còn hay không.

Bên phải là một phần của chợ mới Đà Lạt vừa mới xây xong, cầu thang to lớn để nối với khu Hoà Bình. Chúng ta thấy dãy phố do ông Võ Đình Dung xây cất cho thuê, sau này thì bán lại, khá nhiều mấy người gốc Hoa mua như Chic Shanghai, Vĩnh Chấn. Mình chỉ nhớ căn đầu bên trái, chỗ cầu thang đi băng đến đường Trương Vĩnh Ký, là nhà ông trồng răng của ông Trình, mình có học chung con ông ta tên Huy. Tên này đánh vũ cầu rất hay.

Điều phản cảm nhất trong tấm ảnh này là khách sạn Thuỷ Tiên 4 tầng, được xem là cao nhất Đà Lạt thời đó, nằm chình ình sau dãy phố của ông bà Võ ĐÌnh Dung. Bên phải chỗ cái talus là dãy phố rất tây, có arcades để tránh nắng vào buổi chiều. Nếu đi phố thì ai cũng thấy phía dẫy phố đồng hồ Tiến Đạt và tiệm thuốc Anh Lân, đều có máy tấm vãi che nắng vào buổi chiều để tránh nắng lọt vào. Có dịp mình sẽ kể rõ hơn. Sắp đi chơi cả tháng nên không biết có nhớ khi về. Ai thích thì nhắn mình.

Tấm này chắc được chụp cùng lúc với tấm trên cho thấy bên tay trái, đã bắt đầu thực hiện vườn hoa ngay cầu thang, còn phía bên phải thì bến xe đò Chi Lăng đã hoạt động, không thấy La Tulipe rouge hay khách sạn Mộng Đẹp. Tấm ảnh này chỉ rõ cầu thang chợ đi lên rồi nói tiếp với cầu thang chỗ phòng trồng trăng nha sĩ Trình, và đường Trương Vĩnh Ký. Mấy cái bàn với dù được dựng lên để bán đồ kỷ niệm cho du khách nhưng không có ai mua cả, cuối cùng quăng. Lý do không ai muốn mỗi ngày phải đem đồ đến bán rồi tối đem về. Đà Lạt mùa mưa gió là chết, không có chỗ núp.

Ông này xin phép xây 3 tầng nhưng chơi cha thiên hạ, xây thêm 1 tầng và đóng phạt nhè nhẹ, thị dân Đà Lạt mất một công viên để ra đây chơi. Phải bò đến vườn Bích câu mới có chỗ để tâm sự buồn vui đời anh em.

Hình này sau 1963, ông thầu khoán xây chợ mới Đà Lạt, tên Nguyễn Linh Chiểu, chạy chọt làm sao mua miếng đất chỗ cái vườn hoa bên cạnh cầu thang lớn, xây cái khách sạn to đùng. Cái mất dậy là ông ta xây lậu thêm 2 tầng, khiến che mất quang cảnh của thị dân từ khu Hoà Bình xuống hồ Xuân Hương. Nghe nói ông ta có bị phạt nhưng nhẹ, đút lót một tí là xong với quan chức đệ nhị cộng hoà.

Nếu mình không lầm cửa chính đi vào nhà hàng từ cầu thang. Khi có tiền mình hay đến đây mua bánh mì thịt có pâte gan, ăn ngon kể gì. Chỗ này có nhảy đầm, ăn uống dành cho giới thượng lưu Đà Lạt khi xưa. Ca sĩ Khánh Ly khởi nghiệp tại vũ trường này. Mình không biết Xí Rổ chém Đại Ca Thay ở đây hay phía dưới bên sẽ đò. Nghe kể khi xưa, Xí Rổ giỏi võ.
Nhà hàng La Tulipe Rouge, được xây cất 2 tầng, để không che quang cảnh từ khu Hoà Bình. Trong khi khách sạn Mộng Đẹp chơi cha, xây thành 4 tầng, che lấp hết. Hình này cho thấy cái tháp chuông, điểm nhấn của Đà Lạt tương tự khi người ta trông về phía nam thì sẽ thấy tháp chuông nhà thờ Con Gà.
Tấm ảnh này chụp ngày trên đường Lê Đại Hành, cho thấy khách sạn Mộng Đẹp của ông Nguyễn Linh Chiểu, xây lậu thêm 2 tầng nên che lấp quang cảnh của Đà Lạt nhìn từ khu Hoà Bình, nhất là từ xa người ta thấy khách sạn này che mất cái tháp chuông của khu Hoà Bình. Mình thích tấm ảnh này vì có chiếc xe Jeep của ông cụ. Đà Lạt khi xưa chỉ có một chiếc xe Jeep tư nhân, sơn màu xanh da trời, thêm bảng số nữa.
Họa đồ thiết kế đầu tiên của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, rể Đà Lạt cho thấy chiếc cầu nổi, nối khu Hoà Bình vào lầu 2 Chợ Mới. Thấy cầu thang cắt ngang dãy phố nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. Đặc biệt là các kiosque dọc bên đại lộ từ cầu Ông Đạo chạy vào, khác với hoạ đồ cuối cùng. Bãi đậu pedalo nhà hàng Thanh Thuỷ sau này.

Mấy căn phố trên đại lộ vào chợ mới Đà Lạt. Căn đầu tiên bên phải là tiệm cà phê Hạnh Tâm
3 căn phố gần chợ. Dạo ấy thị dân Đà Lạt ít ai có xe nên đi bộ mệ thở
3 căn phố như hình trên nhưng hình màu, chắc người Mỹ chụp vì dạo ấy ít người Việt chơi hình màu lắm. Có tiệm hớt tóc, còn 2 căn phố kia chưa có người mua hay mướn, một sau này là tiệm chụp hình còn Nam Đô Ngân Hàng là căn thứ 4.
Hình này chắc chụp từ trực thăng, thấy mấy căn phố cách nhau, đại lộ vào chợ, hai bên có con đường nhỏ để vòng ra. Khách sạn Mộng Đẹp (Modern) nằm sát dốc Lê Đại Hành. Mình thấy đường Thành Thái có tiệm gà Gala với cái nóc nhà khác với tiệm kia. Bên trái là rạp xi nê Ngọc Lan.
Hình chụp từ đầu đại lộ đi vào, bên phải các căn phố đang được xây cất. Khi xưa đi bộ chỗ này mệt thở vì to rộng. Vào dịp Tết thì họ cấm xe đi vào phía sau chợ nên xe đậu suốt hai bên đường đầy. Lý do là họ dùng đường để làm chợ cho những ai muốn kiếm thêm tiền đẻ ăn Tết. Đông lắm. Bên trái chợ, có căn 3 tầng, đối diện photo Hồng Châu, sau này bị phá bỏ.

Bên tay phải cầu thang cũng khệnh nhà hàng La Tulipe rouge, trông rất phản cảm, làm mất vẻ oai vệ của cầu thang. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tấm ảnh Đà Lạt sau 75

 Hôm qua, ai đó tải một tấm ảnh phố xưa Đà Lạt, trông rất quen thuộc nhưng chỉ khác về ánh sáng và các bảng hiệu so với thời mình còn sinh sống tại Đà Lạt. 30 giây sau thì mình mới nhận ra đâu là đâu. Hoá ra chỗ này là góc đường Minh Mạng và Nguyễn Biểu.

Tiệm ngay góc đường Minh Mạng và Nguyễn Biểu, hình như là nhà sách Thiên Nhiên xưa, số 30 Minh Mạng cũng có thời là một tiệm cắt kiếng. Lâu lâu cửa kính nhà mình bị vỡ. Con nít hàng xóm căm thù mình nên lấy đá chọi hay đá banh trúng vào, mình đo kích thước, chạy ra đây để mua kính. Họ lấy kích thước của mình xong lấy cái thước, đúng hơn là thước 2 cạnh 90 độ, bằng sắt, rồi lấy cái bút có cái đầu tròn tròn hay chi đó, nghe nói làm bằng kim cương để cắt kính. Họ để cái thước sắt rồi lấy con dao kim cương, kéo cái rẹt rồi đưa tay bẽ cái tạch làm đôi. Mình đem về ráp vào, lấy mấy cái đinh nhỏ, đóng khe khẽ để kính không di chuyển rồi lấy cao trét lên phía ngoài theo hình tam giác, phủ luôn mấy cái đinh nhỏ để không khí không lọt vào nhà.

Ảnh chụp góc Nguyễn Biểu và đường Minh Mạng, do ông Kuro, một người Nhật Bản. Không biết ông này sang Việt Nam làm gì mà chụp hình ở Đà Lạt thời sau 75 rất nhiều.

Tấm ảnh chụp sau 75 nên quang cảnh khá te tua, đường xá được đào bới nhưng không sửa chửa. Mình về Đà Lạt lần đầu tiên năm 1992, thì thấy Đà Lạt xuống cấp trầm trọng so với thời mình còn ở Đà Lạt. Thấy hiệu nhà may Anh Tú mà khi xưa là tiệm sách Thiên Nhiên và cái tiệm cắt kính mà mình hay bò ra đây mua kính cửa sổ.

Bên tay phải là đường Nguyễn Biểu, chạy cuối đường là gặp đường Tăng Bạt Hổ, thấy nhà bác Tám, tiệm chè Mây Hồng. Bác có hai người con trai tên Hải và Phước, hay chơi với mình khi xưa. Cứ gần Tết là bà cụ sai mình đem nếp, thịt heo, đậu xanh vào cho bác trai nấu bánh tét. Được dịp mình hay ra xem bác ấy cuốn bánh tét, nấu trong cái nồi to đùng. Nghe nói hai anh này chết sau 75. Nhà này có con gái đông lắm, có một chị tên Nga, học Văn Học, Dương Quang Trí hay đi chơi với chị.

Ngay góc Tăng Bạt Hổ và Nguyễn Biểu, bên tay trái có tiệm Hiệp Tam Kỳ, bán đồ phụ tùng xe hơi thì phải, có 2 anh em học chung với mình khi xưa ở Yersin, người anh học đánh đàn với ông thầy Hà, nằm vùng ở đường Tăng Bạt Hổ, sau này đánh đàn cho đài phát thanh Đà Lạt. Đối diện dãy phố Hiệp Tam Kỳ là bãi đậu xe hàng. Nhìn xéo qua là tiệm vàng Lung, sau này làm sui gia với bố mẹ mình.

Đối diện tiệm Thiên Nhiên, góc Nguyễn Biểu, nói chung là phía này toàn là talus, chấn đất trùi vì dốc, không có tiệm nào cả, ngay góc Tăng Bạt hổ có một bãi đất, đậu xe hàng, thấy mấy ông vá bánh xe,.. Nhớ có một xe bán phở ở đây, mình có ăn một hai lần nên nhớ. Mình không nhớ con đường song song với đường Nguyễn Biểu, chỗ tiệm vàng Bùi Duy Chước là đường gì, chỉ nhớ ngay góc đó có quán sữa đậu nành của bà Bảy Quốc khi xưa. Có người nói cũng tên đường Nguyễn Biểu.

Bên tay phải có tiệm vàng Bùi Duy Chước, bố của bà Bùi Thị Hiếu. Bà này quen bà cụ mình, có dặn cô em mình ở Pháp khi nào mẹ sang thì cho cô gặp. Hình như sau này, bà ta về sống và chết tại Đà Lạt. Bên trái là tiệm vàng Kim Thịnh, của gia đình Nguyễn Biểu, học chung với mình khi xưa ở Yersin, có liên lạc được với anh chàng qua cô em. Khi xưa đi học, mình thắc mắc hắn tên Nguyễn Biểu, lại ở gần đường Nguyễn Biểu. Thế lầy nà thế Lào. Tên này thì ai học chung với hắn đều nhớ tên cúng cơm của hắn vì hắn có tài chửi bằng tiếng Huế cực đỉnh. Chán Mớ Đời 
Tiệm vàng Hùng Thanh của ông Bùi Duy Chước, nơi ban đêm thì bà Bảy Quốc bán sữa đậu nành. Bố Huỳnh Ngọc Ánh, học nghề kim hoàn với ông ta, sau mở tiệm vàng ở Đà Lạt. Nói chung thì đa số dân mở tiệm vàng, làm nghề thợ bạc, đều xuất xứ từ làng Kế Môn ở Huế, đa số sống tại Ấp Ánh Sáng nên họ hay nói người làng Kế Môn sáng lập gia Ấp Ánh Sáng. Mình có kể vụ này rồi, ai tò mò đọc bài Ấp Ánh Sáng.

Trở lại tấm ảnh đầu tiên, phía trái là đường Minh Mạng. Mình không nhớ rõ mấy tiệm kia, chỉ nhớ cái tiệm nơi có mấy người ngồi, trước 75 là tiệm bán sĩ cà phê. Lý do nhớ là vì mấy thang cấp, chỗ này có một thang cấp rất cao, nhảy xuống là đau chân, mình bị một lần. Mỗi lần đi ngang đây, ngửi mùi họ rang cà phê thấy phê cà luôn. Nhà này có một cô con gái, cùng tuổi với mình, học Bùi Thị Xuân, học chung lớp Hội Việt mỸ với mình, không nhớ tên. Lớp năm đó có ông thầy Cường, chạy xe Vespa, đẹp trai khiến học trò mê mẩn. Chỉ nhớ cô nầy khá xinh, má đỏ môi hồng của gái Đà Lạt, tóc ngắn. Thấy thằng Hùng còn ông Nguyễn Hợp Đoàn, thích cô này vì học chung lớp. Khoá đó mình rớt ở lại nên không học chung nữa. Chán Mớ Đời 

Bên cạnh tiệm này là tiệm giày Mỹ Hưng, thuê nhà của ông Tư, anh mệ ngoại mình ở Sàigòn. Trước khi đi Tây, ông cụ dẫn mình ra đây, đặt một đôi giày thời đó có cái mũi tròn như đầu vịt. Tưởng qua tây, sẽ đúng Mode của Paris, ai ngờ tây nhìn đôi giày cười nức nở nên mình hết dám mang, tốn tiền bà cụ. Chán Mớ Đời 

Gia đình dì Bơn, bán trái cây ngoài chợ, mướn tầng trên ở. Sau này, mua nhà ở trong Dốc Nhà Làng, đối diện nhà của mẹ ông Lê Xuân Ái, đi tập kết. Hình như ông này dính dáng gì đến vụ ám sát tên mật thám Tây Lai, ngay trước tiệm Đức Xương Long, khiến tây đem 20 tù nhân ra Cam Ly bắn, chỉ có một bà tên Lan là sống sót, ỏ trên Số 4.

Ai đó bỏ lên mạng cái bằng tiểu học người bản xứ của ông Lê Xuân Ái, hình như là bác của Lê Xuân Thảo đánh bóng bàn cho Adran ngày xưa, con ông Lê Xuân Lợi. Ông Ái theo việt minh rồi tập kết ra Bắc, sau 75, nghe nói có trở về Đà Lạt. Khi xưa mình đi học chương trình pháp, nghe nói đi thi trung học, tú tài đều có hai đề thi: 1 cho mẫu quốc và 1 cho các thuộc địa được gọi là indigène. Trong tấm ảnh thấy đề Franco-indigene. Thấy ký  ngày 10 tháng 12 năm 1937 mà đến 4 tháng sau mới được giám học của trường Khải Định ký duyệt.

Mình nhớ lâu lâu ra nhà Dì Bơn chơi, hay lấy nước đứng trên lang cang, đỗ xuống đầu thiên hạ đi ngang. Có lần trúng áo một cô nào đang đi bát phố với ông bồ hay chồng gì đó khiến tên này tức chạy lên nhà nhưng mình đóng cửa lại. Họ đi ngang tiệm giày Mỹ Hưng, đứng lại xem cái tủ kính trưng bày giày dép, mình đứng trên balcon, đỗ nước xuống rồi thụt người xuống cười khoái chí. Những ai bị mình đỗ nước xuống người, có đọc được bài này thì xin nhận nơi đây lời xin lỗi chân thành nhất của ông đạo Bơ. Nay mình ăn bơ hàng ngày, mới giác ngộ cách mạng là làm điều sai khi xưa. Xong om

Sau này, ông Tư kêu mẹ mình mua căn nhà này nhưng bà cụ kêu đắt hay sao đó. Ông đòi 1.4 triệu trong khi căn phố ở 13 đường Duy Tân, chỉ kêu bán có 1 triệu. Hình như chị vợ của ông Tư theo Việt Cộng nên sau 72, hiệp định Paris được ký kết thì họ bán nhà cửa hết nên 75 vào không bị đánh tư sản. Chuyện người lớn nên mình không rành lắm. Để có dịp mình trở lại thăm dì bà con ở Montreal, sui gia của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, để hỏi thêm. Xong om

Cuối dãy phố này là tiệm giặt ủi của cậu Châu, con Mệ Cai Thỏ, ở ngoài ấp Hà Đông, đường Nguyễn Công Trứ, nơi ông Phúng bán vía mình cho Cậu Tám. Hồi nhỏ thấy cậu Châu, hay đánh quần vợt và làm trọng tài đá banh ngoài sân vận động.

Góc Mình Mạng và Tăng Bạt Hổ. Thấy tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu ở tầng trên, lối lên là cái cửa nhỏ ở đường Tăng Bạt Hổ, phía dưới là tiệm Hủ Tiếu Nam Vang, lối vào đường Mình Mạng. Nói cho ngay, 17 năm sinh sống tại Đà Lạt, mình chưa bao giờ ăn hủ tiếu Nam vang cả. Chỉ có ăn chè trên lầu.

Cuối tấm ảnh, thấy có tiệm chè Vọng Nguyệt lầu (ở trên lầu, đi lên ngõ đường Tăng Bạt Hổ, có mấy cầu thang nhỏ), ở tầng dưới thì bán hủ tiếu Nam Vang. Nhìn tấm ảnh này, khiến mình nhớ đến anh bạn thân học chung khi xưa, tên Đào Văn Quý vì nhà anh ta nằm bên cạnh tiệm chè này. Nhà một tầng, được quét vôi màu xanh tím. Ông bố chạy xe đò Đà Lạt Di Linh, có ông anh tên Sơn, đai đen nhu đạo, có tập võ với mình ở võ đường Ngã Ba Chùa trong chỗ hãng cưa của gia đình Xu Tiếng. Bên cạnh nhà Quý là nhà của ông Xí Rổ, một tay anh chị Đà Lạt khi xưa, bảo kê các cô gái vũ trường La Tulipe, nổi tiếng đã chém Đại Ca Thay trước cửa vũ trường này. Chắc anh ta bảo kê mấy chị em ta ở dưới Vọng Nguyệt Basement.

Cứ tết đến là Xí Rổ mở sòng tài xỉu trước nhà. Quý giải thích cho mình là anh chàng này dán miếng mousse dưới đáy cái chén để chận mấy hột xí ngầu nhảy khi lắc để ăn gian.

Đặc biệt chỗ này có một địa điểm lạ của dân chơi Đà Lạt. Giữa tiệm Vọng Nguyệt Lầu và nhà Quý có một cầu thang đi xuống động mấy chị em ta, một xóm Bà Thái kiểu mẫu. Cuối tuần các sinh viên Võ Bị ra đây thăm viếng động này, sau đó ăn hủ tiếu Nam Vang để lấy lại sức vì nắng mưa quân trường, anh không sợ chỉ sợ lên giường đá gà với em. Quý kể mình mấy tên học chung trường, tên nào bò xuống đây. Vui là khi ra chơi, chỉ mặt mấy tên này.

Con gái của tiệm hủ tiếu Nam Vang kể là sau 75, có ông nằm vùng nào kể cho mẹ cô ta nghe. Ông ta được lệnh đặt chất nổ vào cuối tuần vì sinh viên Võ Bị ăn đông lắm. Hôm ấy, ông ta đặt mìn trong gà mên, ra đây nói để mua rồi bỏ quên gà mên có mìn lại. Khi thấy mấy đứa con nít đang chơi trước cửa tiệm nên ông ta không để chất nổ lại. Chủ nhân của Lữ Quán Sàigòn đối diện cũng là chủ tiệm hủ tiếu Nam Vang.

Nghe kể thì mình không tin lắm vì chính sách của Việt Cộng là khủng bố, họ đặt chất nổ chết trẻ em vô số. Mình đọc đâu đó tài liệu của Việt Cộng, cho nằm vùng làm hộ lý để lấy tin tức, có tiền để giúp cách mạng. Mình nghe nói có vài chị em ta nằm vùng ở trong xóm BÀ Thái khi xưa. Biết đâu, ông ta sợ làm chết vài em hộ lý nằm vùng ở bên cạnh.

Trở lại tấm ảnh đầu, đối diện bên kia đường Mình Mạng là đầu dốc Nguyễn Biểu, đi xuống Dốc Nhà Làng. Chỗ này chiều là thấy thiên hạ bán bắp nướng, đồ ăn. Đặc biệt buổi sáng có bà bán bánh căn. Trước đây, bà ta bán ở dưới chợ, chỗ mấy quầy thịt mà mình thường ra ăn. Sau bà ta dọn lên chỗ này để bán khá hơn.

Tấm ảnh này do ông Kuro chụp sau 75, phản ánh khá đúng với những gì mình thấy năm 1992, khi về Đà Lạt lần đầu. Hôm nào, đồng chí gái chửi mình, buồn đời, sẽ tải mấy tấm ảnh của ông Kuro lên cho mấy bác xem. Tấm này chụp ở đường Phan đình Phùng, thấy trạm biến điện ở cạnh cầu thang từ Minh Mạng đi xuống trước rạp Ngọc Hiệp. Hồi bé mình có thấy xe thổ mộ ở Đà Lạt, sau này thì không thấy nữa vì xe Lam đầy, đến khi về lại Đà Lạt thì thấy xe ngựa. Nhà cửa không được Quét vôi lại. Khi xưa, cứ đến Tết là cả Đà Lạt cho người quét vôi để ăn Tết. Đi thụt lùi với lịch sử. Chán Mớ Đời 

Chỗ này là nơi mình hay đi qua mỗi lần ra chợ Đà Lạt. Nay về Đà Lạt thì cứ như Từ Thức về quê, không nhận đâu ra đâu, đâu là bến bờ. Chán Mớ Đời 

Có chị bạn ở Đà Lạt gửi cho tấm ảnh này , ngay góc tiệm sách Thiên Nhiên ngày xưa

Nói cho ngay, Đà Lạt nay còn chút không gian ở đường này, chưa được bê tông hoá nên còn chút gì của Đà Lạt xưa. Đi xuống chút xíu, cạnh nhà sách Khái Trí khi xưa, có em trai mình bán bánh căn ở đây.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đô la lên giá

 Sắp đi Dubai và Thổ Nhĩ Kỳ nên mình có đổi một ít tiền của nước sở tại để tiêu khi mới đến phi trường thì khám phá ra đồng mỹ kim lên giá so với các ngoại tệ khác khiến mình thất kinh. Lò mò xem sao vì trên nguyên tắc khi có lạm phát tại Hoa Kỳ thì tiền mỹ kim sẽ mất giá, đây lại ngược lại. Tuần này họ cho biết lạm phát Hoa Kỳ lên đến 9.1%. Tiền Euro xem tương đương với mỹ kim, khác với trước đây trung bình một Euro ăn 1.2 mỹ kim. Có khi lên đến 1.5 mỹ kim. Năm nay ai ở Hoa Kỳ đi nghỉ hè thì nên đi ngoại quốc thay vì Hoa Kỳ.

Xem hối đoái thì khám phá ra tiền Thổ Nhĩ Kỳ, đổi qua đô la xuống tới 27% và tiền Á Căn Đình xuống đến 30% nên mình chọn đi Thổ Nhĩ Kỳ. Hy vọng sang năm sẽ đi Á Căn Đình. 

Mình nhờ một công ty du lịch Thổ Nhĩ Kỳ soạn chương trình riêng cho gia đình mình đi chơi 2 tuần. Cứ thấy họ kêu trả tiền mặt bằng mỹ kim được bớt mấy chục nhưng mình không chịu, kêu sẽ trả bằng thẻ tín dụng. Lý do là nếu họ có tiền tươi thì lợi hơn vì lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay lên đến 72%. Hôm qua xem trên YouTube, một cặp vợ chồng, gốc Nga thì phải, làm video, chắc năm ngoái kêu rằng vật giá gia tăng khủng khiếp. Nghe nói du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ hàng năm rất đông, năm nay chắc ít.

Họ ước lượng hàng năm có đến 7 triệu du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ, du khách nga chiếm đến 4 triệu, du khách Ukraine thì 2 triệu. Từ Nga, Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ rất gần vì nằm xung quanh bờ biển chết. Cái tháp Eiffel, được xây cho một cuộc đấu xảo, sau đó người Pháp tính phá vỡ nhưng thấy tốn tiền nên họ giữ lại. Nay trở thành biểu tượng của Paris, có đến 14 triệu du khách đến Paris để được chụp ảnh trước cái tháp, suýt bị phá bỏ.

Mình mò tin tức để xem sao thì khám phá ra các nước khác cũng bị lạm phát như điên, khiến thiên hạ rủ nhau đi đổi tiền nước họ qua mỹ kim để cất giữ, đưa đến tình trạng giá trị tiền mỹ kim gia tăng. Khi gia tăng thì các công ty mỹ sẽ gặp khó khăn hơn khi xuất cảng vì giá cao hơn so với các sản phẩm của các xứ khác.

Giá dầu tăng từ mấy tháng nay vì chiến tranh ở Ukraina nên thiên hạ lại chạy đi mua mỹ kim để cất giữ. Vấn đề là lạm phát càng gia tăng thì tiền mỹ kim lại lên giá. Theo mình hiểu thì tiền đô la với giá chợ đen ở Việt Nam nay lên đến 24,500 đồng dù hối đoái chính thức là 23,500. Mình đang đợi khi nào tiền lời giảm sẽ mua vàng vì dạo này vàng xuống vì Mỹ kim lên.

Mình có kể vụ trước khi thế chiến thứ hai kết thúc, quân đội đồng minh đã tiên liệu trước chiến thắng nên đã họp mặt tại Bretten Woods để bàn về chia đất đai, tiền bạc. Họ cho thiên hạ uống rượu say suốt mấy ngày rồi vào giờ chót, kêu lấy đồng đô la làm tiền chính thức cho các thương vụ quốc tế. Đá tiền nữ hoàng Elizabeth đệ nhị ra. Đại diện Anh quốc cay cú như cà cuống, kêu phải dựa mỹ kim trên vàng, đâu 1 lượng vàng được đổi thành 34 mỹ kim thì phải.

Thế là từ đó, mỹ kim được sử dụng trong các dịch vụ thương mại. Ai muốn mua đồ ngoại quốc, đều phải trả bằng tiền mỹ kim do đó số lượng mỹ kim trên thế giới còn nhiều hơn tiền đôla sử dụng tại Hoa Kỳ. Ai bán đồ cho người Mỹ thì sợ đem tiền về nước họ sẽ gây lạm phát nên mua trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ bán ra.

Cứ lấy thí dụ, anh ba tàu và anh Nhật sản xuất đồ bán cho người Mỹ cứ như người ta ăn hàng rồi ghi sổ. Đến ngày giờ trả tiền thì chính phủ mỹ in trái phiếu thêm để trả. Nếu kinh tế Hoa Kỳ, tiền đô la phá sản thì chỉ biết khóc cho vơi đi những của nợ. Không có ai chơi cha thiên hạ như người Mỹ. Các nước như Ấn Độ, Ba Tây, Trung Cộng và Nga sô, họp lại làm nhóm BRIC, để tìm cách thoát ra sự lệ thuộc vào tiền mỹ kim. Vấn đề là các xứ này sản xuất thì chỉ bán cho ông mỹ xài. Các nước khác theo nền kinh tế xuất cảng để phát triển, chỉ có bán chớ không mua.

Hôm qua đọc báo thấy Saudi Arabia, gia tăng mua dầu của Putin gấp đôi, bất chấp lệnh cấm vận khiến ông Biden, phải bò sang thương lượng. Mấy năm trước, ông này hùng hổ chửi bới ông vua dầu hoả vì đã giết một nhà báo chống đối của nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chán Mớ Đời 

Mình sống tại Hoa Kỳ nên bị báo chí mỹ tuyên truyền nên phải đọc thêm báo chí ngoại quốc để hiểu thêm các xứ khác nghĩ gì về Hoa Kỳ và các nước tây phương. Điển hình là dạo này báo chí tây phương kể vụ bẫy nợ của Trung Cộng khiến thủ tướng gì ở Sri Lanka, từ nhiệm khi bị dân chúng xuống đường. Thấy thiên hạ ở mấy xứ này và phi châu kêu là Trung Cộng bẫy nợ nhưng ít ra còn xây cất vớ vẩn trong khi tây phương cũng bẫy nợ nhưng chả xây cất gì cả, ngoài lấy tài nguyên của xứ họ.

Mình có kể vụ sát thủ kinh tế của Hoa Kỳ và tây phương với sự thành lập IMF và Ngân Hàng Thế Giới, để bẫy nợ các xứ đang phát triển. Trung Cộng cũng theo chính sách này nhưng lấy rẻ hơn Hoa Kỳ và các nước tây phương.

Mỹ kim và euro gần bằng nhau 

Năm 1971, Nixon chơi cha thiên hạ, huỷ bỏ vụ tiền mỹ kim dựa theo giá vàng khiến năm 1974, mình đi du học, đổi tiền rẻ hơn giá vàng.

Sự thành hình mỹ kim khá là lạ. Tiền đô la được phát hành lần đầu tiên trong thời nội chiến. Chính phủ Lincohn cho rằng in tiền là điều cần thiết, để trả cho các chi phí. Có nhiều sự chống đối vì tiền mỹ kim mà người Mỹ gọi là “greenback” vì in bằng màu xanh, không được bảo chứng bởi vàng hay bạc.

Mỹ kim được in lần đầu tiên vào năm 1862, sau khi luật Legal Tender Act được tổng thống Abraham Lincohn ký và được ban hành vào ngày 26 tháng 2 năm 1862. Đạo luật này cho phép chính phủ in $150 triệu tiền giấy. Một năm sau lại hết tiền thế là đạo luật thứ 2 được ký và ban hành cho phép in thêm $300 triệu đô la.. kinh hoàng


Chính phủ miền bắc (Lincohn) bắt đầu kêu gọi nhập ngủ vào năm 1861, mấy chục ngàn binh sĩ được trang bị súng ống, quần áo, trả lương. Các tàu bè, súng ống đều được các công ty miền bắc sản xuất. Mọi người không ngờ cuộc nội chiến lại kéo dài lâu nên bộ trưởng Salomon Chase, đề nghị bán trái phiếu để có tiền đầu tư vào chiến tranh nhưng miền nam vẫn ngoan cố đánh đấm lại như thể Ukraine ngày nay.

Năm 1861, miền nam thắng trận Bill Run nên bộ trưởng tài chính của Lincohn, gặp các ngân hàng, đề nghị in và bán cổ phiếu nhưng không ăn thua gì cả vì chiến tranh ngốn tiền như cá uống nước. Chính phủ Lincohn đột phá tư duy cho rằng nên in tiền để trả nợ khiến nhiều người chống đối vì sợ gây ra hậu quả kinh tế không tường được. Cuối cùng thì họ phải chơi liều, ra luật Legal Tender Act.

Đến năm 1862, tiền được chính phủ Lincohn in thêm, không còn bị chống đối nữa. Ngược lại thì tiền in mới khả tín hơn loại tiền đã được in trước đây bởi các ngân hàng địa phương. Tiền mỹ kim, loại 1 đô la có in hình bộ trưởng tài chính Salomon Chase, hình ông Alexander Hamilton được in trên tờ 2,5, 50 đôla. Hình tổng thống Lincohn thì được in trên tờ 10 đôla.

Lý do in màu xanh vì khó làm giả và khó bị phai màu.

Các tiểu bang miền nam, ly khai khỏi Hợp chủng quốc, bảo vệ chế độ nô lệ, cũng có nhiều vấn đề tài chánh nên cũng bắt đầu in tiền. Tiền của dân quân miền nam được xem là tiền rác, vì là của bên thua cuộc thêm rất dễ làm giả.

Tại Philadelphia, miền Bắc có một chủ tiệm in tên Samual Upham, in một số tiền giả của miền nam, rồi bán cho vui. Tiền ông này in giả tương tự như tiền của phe miền nam, được đem xuống miền nam sử dụng. Tương tụ tiền của phe miền Bắc, lúc đầu bị chống đối nhưng sau vẫn được sử dụng, thậm chí dân miền năm thích xài hơn.

Sự in tiền giấy trong thời gian chiến tranh giúp cân bằng nền kinh tế nhưng sau khi chiến tranh kết thúc thì có vấn đề và họ dự định đổi tiền giấy sang vàng.

Đến năm 1870, một đảng chính trị mới ra đời, được gọi là Greenback Party, nhằm cổ động giữ tiền đô la xanh. Mình đoán là các tài phiệt bịa ra vụ này để tuyên truyền cho họ. Cục Dự Trữ Liên Bang (FED) là một ngân hàng tư, không phải ngân hàng quốc gia của Hoa Kỳ. Khi cơ quan này in tiền là do các tài phiệt in ra, lấy công khố phiếu của chính phủ Hoa Kỳ. Mình không rõ mấy trái phiếu này được bảo chứng ra sao hay là chính phủ Hoa Kỳ trả nợ bằng cách cho họ khai thác, dầu hoả, hầm mõ,… ai có tin tức về vụ này thì cho em biết.

Nói chung người Mỹ nhất là nông dân ở miền tây, cảm thấy sử dụng tiền giấy tốt hơn là dùng các đồng bạc cắc bằng vàng,… nhớ mấy phim cao bồi, cướp chận đánh cướp mấy xe đò trong đó có toàn là mấy rương tiền nặng nề trong khi tiền giấy thì nhẹ hơn, dễ di chuyển.

Khởi đầu ngày 2 tháng giêng năm 1879, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu đổi tiền thành đô la giấy, cũng có một thiểu số người dân đến các ngân hàng để đổi lại tiền vàng. Dần dần, tiền giấy được người Mỹ sử dụng thay cho vàng. Đến thế kỷ 20 thì mực xanh được phổ biến và không phai màu.

Các sử gia cho rằng khi người Mỹ sử dụng tiền giấy do chính phủ in và phát hành đã nói lên sự tin tưởng vào chính phủ thay vì các tiền bạc được in bởi các ngân hàng tư. Các nước khác mà dân đổ Xô đi mua mỹ kim là hơi mệt.

Ở thế kỷ 21 thì xuất hiện một loại tiền tệ mới được gọi là cryptocurrency mà chính phủ đang tìm cách đánh cho sụp vì không thể kiểm soát dòng tiền này được hay đánh thuế. Chán Mớ Đời 

 Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hình ảnh Đà Lạt xưa

 Mấy hôm nay, thấy có ông Tây nào tải mấy tấm ảnh do ông ta chụp tại Đà Lạt trước năm 75 khiến mình chợt nhớ đến khung cảnh ngày xưa. Mình tính không kể về Đà Lạt xưa nữa vì cứ như múc nước từ ao ký ức rồi đổ sang vùng hoài niệm kia, tát qua tát lại đến khô kiệt. Lâu lâu thấy dân Đà Lạt tải một tấm ảnh mới thì bao kỷ niệm lại tuông về. Mình có đâu trên 800 tấm ảnh cũ của Đà Lạt, do một anh cựu học sinh Lasan Adran tặng.

Đặc biệt tuần này có một tấm bưu thiếp chụp con đường mòn, nối liền đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng, băng qua vườn trồng rau. Khi xưa, mình có đi bộ vài lần khúc này. Để hôm nào rảnh mình lục tất cả các tấm bưu thiếp về Đà Lạt ngày xưa bán cho du khách, rồi tải lên đây.

Đường Phan Đình Phùng nằm song song với đường Hai Bà Trưng, được nối liền bởi 3 chiếc cầu chính, xe có thể đi qua: phía Số 4 có cầu ở đường La Sơn Phu Tử, cầu Cẩm Đô, và cầu đường Hải Thượng, gần trường Việt Anh. Đường bộ, hẽm thì có phía sau trường Tân Sanh, cây xăng Ngọc Hiệp, ngay Chợ Nhỏ ở tiệm thuốc tiệm Tây Lâm Viên, một ở Ngã Ba Chùa, đi băng qua vườn ông Ba Đà, mướn đất của ông bà Võ Đình Dung, và con đường chỗ hãng cưa Xu Tiếng, ảnh của tấm bưu thiếp.

Nói chung từ MÃ Thánh đến trường Việt Anh, tất cả đất làm vườn trồng rau, dọc con suối thuộc về ông bà Võ Đình Dung. Ông Võ Đình Dung là người thầu xây nhà ga Đà Lạt ở đường Nguyễn Trãi và dãy phố khu Hoà Bình, chỗ tiệm bánh mì Vĩnh Chấn đến nhà trồng răng ông Phan gì Trình, bố của thằng Hy khi xưa học chung với mình. 

Chùa Linh Sơn và Linh Quang, cũng được ông bà tặng đất để xây. Ông ta có chân trong hội đồng thị xã Đà Lạt, gồm 3 ngươi Tây và 2 người Việt nên khi người Pháp quy hoạch thành phố, ông ta biết khu nào dành cho người Việt (indigènes) thì mua hết nên sau này được xem là người giàu nhất Đà Lạt. Mình có kể vụ này rồi.

Ảnh chụp in trên bưu thiếp nhìn từ phía đường Phan đình Phùng sang Hai Bà Trưng, thấy con đường đất để người dân đi ra phố.
Đây là phía sau tấm bưu thiếp, được in tại Hương Cảng, chỉ cần dán tem và viết địa chỉ bên phải và vài dòng cho người thân bên trái. Khi xưa, mỗi lần đi chơi đâu ở âu châu, mình mua vài tấm làm kỷ niệm vì không có máy hình, gửi vài tấm cho bạn bè, người thân ở Paris.

Xem hình này thì điểm đầu tiên nhận thấy là Domaine de Marie trên đồi bên kia, ngoài ra còn thấy trường tiểu học Đa Nghĩa mà khi xưa, mình có lên đây chơi vài lần. Khúc này ở đường Phan Đình Phùng gần hãng cưa Xu Tiếng và Ga ra Phan Xứng. Hai nhà này có người học chung với mình khi xưa; Nguyễn Văn Thảo, sau này mình có gặp tại Paris sau 75 và Phan Hiền Huy. Nghe nói anh chàng này ở hải ngoại nhưng chưa có dịp gặp lại.

Có người hỏi mình lý do khi xưa, dân Đà Lạt gọi ông ngoại của anh ta là “ông Xu Huệ”. Tại sao là “Xu”? Mình hiểu là khi xưa, thời tây mấy người Việt đi làm cho Tây, được làm đội trưởng, mà tây gọi là “surveillant”, người Việt gọi Nôm na là “cai” như ông Cai Thỏ. Nhiều khi đọc luôn tiếng tây khá dài vì tiếng Việt là đơn âm nên người Việt gọi “xu” cho tiện.

Ông xu Tiếng, khi xưa làm việc cho tây, học nghề xây cất, sau này làm nhà thầu xây cất. Chính ông ta đã thầu xây Nha Địa Dư, cạnh trường Grand Lycee. Ông ta là 1 trong hai nhà thầu khoán nổi tiếng Đà Lạt với ông Võ Đình Dung ở buổi giao thời của Đà Lạt.

Nha Địa Dư Đà Lạt, do thầu khoán Xu Tiếng xây cất. Ông này chết sớm, cô con gái kể là mới lên hai thì ông ta đã qua đời.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             
Phía trên đồi trước Domaine de Marie, thấy khói cháy cỏ, mình đoán là lúc họ chuẩn bị cày miếng đất nằm giữa đường Ngô Quyền và đường Thi Sách, sau này mình hay lên đây đá banh với dân Số 4. Tết đến thì người Huế ở Số 4 hay tụ tập đây chơi bài chòi thì phải.
Ảnh này cho thấy rõ trường tiểu học Đa nGhĩa và nguyên khu Domaine de Marie. Hình này cho thấy con đường mòn nối liền đường Ngô Quyền, Thi Sách, đi mép bên trường Đa Nghĩa, rồi xuống đường Hai Bà Trưng, nối liền với con đường mòn đất qua Phan Đình Phùng. (Hình của Bill Robie)

Nếu mình không lầm nhà thầy Hồ Thanh Tâm, dạy sử mình năm lớp 11, gần xóm trong khu vực này. 

Tấm không ảnh này chụp từ Domaine de Marie, có thấy đường Ngô Quyền, Thi Sách, Hai Bà Trưng và một đoạn đường mòn từ Phan Đình Phùng trước trường Đa Nghĩa. Không thấy khu nhà thầy Hồ Thanh Tâm ở.
Tấm ảnh này chụp trên cầu đi vào chợ Trên, từ khu Hoà BÌnh, tiệm chụp hình Hồng Châu. Thấy cuộn dây kẽm, nhớ là chiều tối, cảnh sát kéo lại để tránh nằm vùng vào đặt chất nổ trong chợ sau Mậu Thân.
Mình có một kỷ niệm bị ông cụ khệnh cho một trận trên chiếc cầu này. Dạo đó, đi vào vườn trong Suối Tía. Không hiểu lý do ông cụ chọn đi đường này, mình cầm cái bình thủy, đựng nước. Có tên nào đi ngược lại, đụng mình, làm rơi cái bình thủy bể. Ông cụ cho một tát nhớ đời về tội xớn xác. Chỗ này chắc là cuối tuần vì trong tuần ít người. Thiên hạ bán lén, lâu lâu cảnh sát rượt chạy mệt thở, chỉ sau này thì cảnh sát cho bán líp ba ga, không rượt nữa.

Mình hay thấy một bà hay ông người chàm, ngồi đây trên cầu, kêu thiên hạ dừng lại để nghe họ xem bói thì phải. Mấy bà ngoài chợ sợ họ lắm, kêu sợ bị họ thư. Kêu người hồi (hồi giáo).

Chỗ này, nơi mấy thang cấp, thường thấy mấy bà sơ của Domaine de Marie, đứng đây bán đồ cũ của người Mỹ viện trợ để nuôi trẻ mồ côi. Sau này mấy sơ bán thẳng cho mấy bà bán áo quần trong chợ, để bán lại cho dân Đà Lạt.

Đặc biệt chiếc cầu này được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ với cầu thang bên vũ trường La Tulipe Rouge. Chiếc cầu nổi dài, hình chữ K, rất đặc biệt thay vì thẳng. Ngoài ra còn thiết kế mấy dãy phố dưới cầu thang chợ, hai bên hông của Chợ Đà Lạt. Mình có mấy tấm ảnh bản vẽ cũ.

Tấm ảnh này đề ngày 12 tháng 2 1972 do Blaine Jessee chụp. Mình đoán là mùa chợ Tết vì thường họ mướn chỗ này để bán hàng. Hàng năm, thành phố có vẽ mấy cái ô để dân Đà Lạt mướn chỗ để bán mấy ngày Tết. Bà cụ mình hay mướn một chỗ để một chị người làm ra bán, sau này có hai gia đình hàng xóm, mướn chỗ rồi lấy hàng bà cụ bán, kiếm tiền ăn Tết.

Hình này ở khu Hoà Bình, chụp từ dãy phố nhà hàng Chic Shanghai chiếc xe màu xanh, nếu mình không lầm là của ông bà Võ Quang Tiềm, dùng để chở rượu. Mình hay thấy ông tài xế, hình như là cháu của ông Tiềm, hay lái chiếc xe này. Bà Tiềm là chị em bạn dì hay cô cậu với mệ ngoại mình.

Dạo bà cụ mình vào Đà Lạt, được bảo trợ bởi ông bà Phúng, em của bà Tiềm. Sau đó mẹ mình theo việt minh bị bắt chung với cô Minh, con ông bà Võ Quang Hàm, hình như cháu của ông Tiềm, tiệm thuốc tây Minh Tâm. Ông Tiềm là người bảo lãnh bà cụ ra tù. Khi ông cụ mình giải ngủ, học thi vào làm công chức cho ty công chánh, ông Tiềm kêu ra nhà ngủ lại, bắt học thi thay vì để ở nhà, ông cụ lại tính chuyện sản xuất.

Thấy chiếc xe Ladalat của hãng Citroen. Dạo ấy công ty này đầu tư vào Việt Nam, dàn xe hình như được sản xuất tại Việt Nam còn máy móc thì đem từ Pháp sang. Nếu không có vụ 30/4/75 thì ngày nay Việt Nam có lẻ đã sản xuất xe chiến đấu hơn xe của đại hàn.

Chiếc xe đò chạy Sàigòn - Đà Lạt mà khi xưa, mình có đi mấy lần. Bến xe ở gần Ấp Ánh Sáng, cạnh bên cây xăng Caltex. Khi đi thì đến bến xe để đi, còn khi về từ Sàigòn thì nhà Mệ Ngoại mình ở Hàng Xanh nên ra đường chính, kéo ghế ăn tô hủ tiếu rồi đứng đợi bên đường rồi quơ tay để xe Nam Sơn ngừng rồi chạy về Đà Lạt. Mình cũng hay đu lên xe kiểu này vì xe không dám đậu lâu, sợ bị cảnh sát phạt vì đón khách bên đường, xem như ăn gian chủ xe. Tài xế và lơ xe, bắt khách dọc đường thì bỏ túi tiền riêng nên rẻ hơn là mua vé.
Mình đoán là chụp xe chạy lên dốc đường Lê Đại Hành, vì ông ta cũng chụp  tấm ảnh từ rạp Ngọc LAn xuống hồ Xuân Hương, thấy cái mái nhà của cây xăng Caltex
Dạo ấy Đà Lạt ít xe, hoặc là vào giờ thiên hạ đi học hay đi làm hết. Chủ cây xăng Caltex này là ông chủ nhà hàng Chic Shanghai, được thị trưởng Trần Văn Phước cho đất, để ông ta bỏ tiền xây cây xăng. Ngoài ra ông ta cũng bỏ tiền ra để xây khu rạp xi nê Hoà Bình khi họ dời chợ Cũ xuống chợ mới. Phía trong chợ cũ, được thiết kế lại làm rạp chiếu bóng Hoà Bình, xung quanh thì có dãy tiệm bán đồ như mấy tiệm Tiến Đạt, Anh Lân,…
Đây là ảnh chụp từ dãy phố của ông Đội Có, người xây hồ Đội Có, mình có kể rồi, nhìn sang tiệm sách Hoà Bình, nơi hàng năm phải ra đây mua sách của mấy ông tây bà đầm bắt mua để đọc. Tiệm này cũng do mấy chú Ba làm chủ, bên cạnh có tiệm bánh Thanh Nhàn, của hai bác Bửu Ngự, hàng xóm. Nhìn xéo qua thì có tiệm sách Liên Thanh, cạnh bên tiệm giầy Bata. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Phá ngục Bastille 1789


Hôm trước, có người imeo nói là đọc bài 14 Juillet của mình, giúp nhớ lại những gì ông thầy tây dạy về cuộc cách mạng Pháp và hỏi ngày 13/7/1789 là ngày họ phá ngục Versailles phải không. Mình nói ngục Bastille chớ còn bỏ tù ở lâu đài Versailles thì mình xin đi tiên phong vào tù. Nhân dân thành Paris vào nhà tù Bastille, giải cứu tù nhân ngày 14/7 nhưng chỉ có 7 tù phạm ở trong. Lý do dân nổi loạn vào ngục Bastille, không phải để giải thoát tù phạm mà để lấy súng ống và thuốc súng hầu chống trả lại lính của triều đình đang bao vây thủ đô. Ngày 14/7 được xem là ngày đầu tiên cho cuộc đời mới, một kỹ nguyên mới.

Một trong những nguyên do chính của cuộc cách mạng ở Pháp là khủng hoảng tài chánh khởi đầu bằng cuộc chiến dành độc lập của 13 tiểu bang thuộc địa Anh quốc ở Châu Mỹ, khiến trên 50,000 loyalist, người gốc Pháp bị trục xuất khỏi vùng Quebec tại Gia-nã-đại, trong số 90,000 dân cư nói tiếng Pháp, buộc lòng nước Pháp phải tham chiến, giúp đỡ 13 thuộc địa của Anh Quốc. Có lẻ vì vậy mà ngày nay dân francophone ở Gia Nã Đại ít hơn dân nói tiếng Anh. Cuộc khủng hoảng tài chánh kéo dài, thêm giới trưởng giả lên án những đặc ân dành cho thành phần quý tộc, họ hàng với vua và nhà thờ được miễn thuế trong khi Tiers état bao gồm 97% dân số lại bị đánh thuế nặng.

Từ khi Đặng Tiểu Bình cho TQ đổi mới, dùng kinh tế thị trường là ngọn đuốc cách mạng thì ngày nay, giới đại gia, trung lưu là giới làm nên chuyện, cải tổ đất nước nên người ta lo ngại là giai cấp này sẽ đòi hỏi thêm quyền tự do, chia sẻ chính trị vì bao nhiêu quyền lợi, chính trị đều nằm trong tay các đảng viên. Nếu có cuộc khủng hoảng kinh tế ở TQ thì giới trung lưu sẽ lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của họ trong tay của nhà cầm quyền. Người ta lo ngại 14/7/1789 sẽ xẩy ra tại TQ nếu có cuộc khủng hoảng kinh tế. Gần đây, các nhân vật được ái mộ ở Trung Cộng, như Jack Ma,…bị chính quyền làm khó dễ.

 Nhà vua hay giai cấp quý tộc, có đất đai nhiều nhưng không phải đóng thuế. Họ cho thuê đất để các nông dân cầy cấy rồi đóng tiền cho họ. Thiên chúa giáo được xem là quốc giáo, được miễn thuế dù nhà thờ có nhiều đất đai để canh tác và cho thuê. Đức Hồng Y Richelieu, "l' Éminence rouge" rất nổi tiếng, ông được xem một thời, người cai trị của nước Pháp. Mình điên đầu về ông này, thầy giảng mà chả hiểu gì cả, tại sao ông cha lại làm thủ tướng cho vua Louis 13. Sau này coi phim 3 chàng ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas thì mới hiểu đôi chút, lý do người ta không muốn tôn giáo và chính trị đi đôi với nhau.

 Nước Pháp được xem là mạnh nhất Âu Châu vào thế kỷ 18, bắt đầu thời cai trị của vua Louis 14, tây hay gọi "Le roi du soleil". Nghe kể không biết có đúng không là trời mưa mà ông ta bước ra là tạnh. Ông ta cai trị theo chính thể Quân chủ tuyệt đối ( monarchie absolue). Ông ta dời cả gia đình và triều đình về cung điện Versailles, cách Paris độ 20 km thay vì ở Palais Royal, cạnh vườn Tuileries ở Paris. Có lẻ vì lẻ đó mà mấy ông vua sau này không biết đến tình hình sinh sống của dân chúng ở Paris, như hoàng hậu Marie Antoinette ở chổ hoang vắng, miền quê nên chán, chơi trò cô bé chăn cừu, cho xây dựng mấy chuồng dê để mỗi ngày bà ta vắt sữa,..., theo phong trào lãng mạn của thời đó.

 Nhớ hồi học trường tây thì ông tây có dạy về Jean Jacques Rousseau, Diderot, Voltaire,.., những người khai sáng cho thế kỷ ánh sáng của nền văn hoá Pháp với tinh thần cartésien. Mình có viếng thăm mấy cung điện của vua chúa của Anh, Pháp, Áo-Hung Gia Lợi, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,..., nhưng phải công nhận điện Versailles do mấy kiến trúc sư danh tiếng Le Notre, Le Vau,..., vẽ theo tinh thần cartésien rất là đẹp. Năm thứ 3, mình hay ghé lại đây mỗi tuần để vẽ, nghiên cứu kiến trúc của lâu đài này.

 Mình không nhớ nhiều hay hiểu rõ sau khi đọc cuốn Contrat Social mà ông tây bắt cả lớp mua ở tiệm sách Hoà Bình, chỉ nhớ tra tự điển Larousse mệt thở, nhớ mang máng là phong trào văn hoá được gọi Ánh Sáng (Lumière) tạo nên một trường phái lãng mạn khiến các nhà trí thức mơ đến một xã hội khác, đẹp hơn qua các bài thơ của Lamartine,..., dựa trên căn bản quyền làm người, tự do và bình đẳng đưa đến cuộc cách mạng dành độc lập của Hoà Kỳ và cuộc cách mạng tại Pháp....

 Trước 1945, các nhà trí thức của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi phong trào lãng mạn nên ta thấy xuất hiện những tác phẩm như Thiên Thai của Văn Cao, Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong,..., đã nói lên ảnh hưởng của thanh niên thời ấy vì thế mới có 13 vị anh hùng Yên Bái bị chém đầu mà gần đây mình có xem được hình ảnh lính Tây chém, bêu đầu ngoài chợ. Các thanh niên tham gia các phong trào cách mạng để chống Pháp, dành độc lập. Khi có óc lãng mạn thì con người mới mơ tưởng đến một cái gì xa xa là lạ, một xã hội bình đẳng,... Thanh niênthời mình học đại học rất mê Che Guevarra, vì ông ta từ khước cuộc đời trưởng giả, bỏ học y khoa để đi làm cách mạng khắp nơi. Gieo chết chóc khắp nơi, tôn sùng bạo lực cách mạng.

 Các giới trưởng giả bị đánh thuế nặng để vua giúp đỡ 13 thuộc địa Hoa Kỳ đánh Anh Quốc dành độc lập mà ta nhận thấy tướng Lafayette có mặt tại Châu Mỹ. Người ta kể có trên 8,000 cuộc bạo động bởi nông dân vào thập niên 1780. Ông  Necker, tổng giám đốc tài chánh của nhà vua trình bày tình hình ngân quỹ quốc gia: thâu thuế được 503 triệu cân Anh, chi tiêu mất 620 triệu cân Anh trong đó có đến 310 triệu để trả nợ. Dân chúng lên án khi được biết nhà vua tiêu trên 31 triệu vào các cuộc ăn chơi, xa xỉ trác táng tại điện Versailles.

 Năm 1788 lại bị mất mùa, giá bột mì lên cao khiến các phụ nữ rũ nhau đi Versailles để đòi bánh mì. Những cải tổ về luật Pháp, thuế vụ được thi hành nhưng chỉ đánh thuế thêm người dân. Giới Tiers Etat đòi được thêm số đại biểu trong quốc hội vì họ chiếm 97% dân số, (quý tộc và nhà thờ là hai thành phần còn lại) nên nhà vua chấp thuận nhưng quyền đầu phiếu thì chưa quyết định.

 26/6/1789, nhà vua cho vời 20,000 lính ngoại quốc về Paris để dẹp loạn, tương tự binh đoàn Wagner ngày nay ở Syria và Ukraine. Dạo đó người ta có quyền đi lính thuê cho một nước khác tương tự ngày nay lính Thuỵ Sĩ đứng gác, bảo vệ toà thánh Vatican. Nếu ai viếng Vatican thì thấy mấy ông lính bận áo quần thời phục hưng, đứng gác ở cửa ra vào hay ở trong toà thánh. Ngay ở Hoa Kỳ, vua Anh Quốc muớn mấy đoàn lính Hessois và Đức để dẹp tan đoàn lính tạp hợp của Washington nhưng may thay đám quân thiện chiến này, ỷ y nên bị quân của Washington bao vây, đánh tan.

 Đầu tháng 7, nhân dân Paris nổi loạn, vua Louis 16 sa thải các bộ trưởng cấp tiến. Ngày 12 /7, luật sư và nhà báo Camille Désmoulins kêu gọi dân chúng đấu tranh vì nhà vua sẽ gửi mấy đoàn quân Thuỵ Sĩ và Đức để tàn sát người dân, do đó được mệnh danh là "L' homme du 14 Juillet". Ngày 13 /7 thì mấy chổ chấn đóng của nhà vua bị đốt phá, dân chúng vào cướp mấy kho lúa của nhà thờ. Có hình của ông Désmoulins trong viện bảo tàng Carnavalet, mình có đến xem thì được biết ông ta cũng bị chém cùng lúc với Georges Danton. Mình chỉ nhớ hai ông Robespierre và Danton được ông tây dạy sử địa nói đến nhiều nhất.

Làm cách mạng, đem đầu lâu của cai ngục Bastille đi khắp phố phường Paris.

 Ngày 14/7 thì dân chúng  chạy vào Hôtel des Invalides (viện thương phế binh) để cướp súng nhưng không thấy thuốc súng nên chạy qua ngục Bastille để lấy thuốc súng. Thật ra trong ngục chỉ có 7 tội phạm và chính quyền dự định sẽ phá nên trong khi chờ đợi thì dùng làm nơi chứa thuốc súng. Cai ngục Launay đồng ý cho đoàn dân phiến loạn vào ngục nhưng rồi ra lệnh cho lính bắn vào dân, khiến một số đông lính bất bình nên quay ngược chống lại ông ta, cuối cùng ông ta bị bắt, kéo lê khắp phố và bị cắt cổ bởi một tên bán thịt. Đầu lâu của ông ta được gắn vào cái thương, vác đi khắp nơi, khởi đầu cho cuộc thanh trừng giết người của cách mạng.

Hình ảnh này khởi điểm cho cuộc thanh trừng ghê rợn nhất của cuộc cách mạng Pháp. Vì tội phạm nhiều quá nên đao phủ thủ chém không xuể nên có ông Bác sĩ Guillotin với lòng bác ái lương y như từ mẫu, đề nghị dùng máy chém cho nhanh nên sau này dân tây đặt tên cái máy chém là "la guillotine" thay vì "la louisette"  vì do một bác sĩ khác tên Antoine Louis phát minh ra. Sau này họ đem sang Việt Nam để chém các người yêu nước của thuộc địa như 13 liệt sĩ Yên Bái.

 Vua Louis 16 ra lệnh các đoàn binh đang bao vây Paris về lại trại lính, mời các bộ trưởng cũ lại và đồng ý với đề nghị thành lập nền chính trị mới là Quân chủ lập hiến như Anh Quốc. Sau cuộc bạo loạn thì khắp nước chìm trong lo sợ vì không có quân lính, cảnh sát của nhà vua bảo vệ, cướp bóc nổi lên khắp nơi. Em trai của vua chạy sang cầu cứu các nước Phổ và Áo, đem quân sang dẹp loạn. Lính Pháp bị đại bại vì các vị chỉ huy thường là thuộc các gia đình quý tộc bỏ chạy ra Hải ngoại hết nên không có ai chỉ huy nên thảm bại.

 Cuộc thanh trừng bắt đầu và hội đồng cách mạng tuyên bố hủy bỏ nền quân chủ và chém đầu hai vợ chồng vua Louis 16. Những người tiên phong tạo dựng lên cuộc cách mạng thuộc nhóm Jacobins bị chém đầu như Robespierre, Danton, Desmoulins,.. Cuộc cách mạng Pháp khởi đầu cho một kỹ nguyên của thế giới: Cách mạng công nghiệp và sự bành trướng của các đế quốc Âu châu trên thế giới và hơn một thế kỷ sau, cũng những tư tưởng của Jean Jacques Rousseau, Voltaire, Diderot và những người sau như Karl Marx, Engels đã giúp các thuộc địa đứng lên, đánh lại các nước cai trị họ để dành lại chủ quyền dân tộc.

Các nhà cách mạng Pháp lật đổ được chế độ quân chủ nhưng chưa quen hay biết cách sinh hoạt theo quy định dân chủ nên cãi nhau rồi bắt kẻ đối lập của mình, đem lên máy chém mặc dù kêu gọi tự do, binh đẳng rốt cuộc ông Bonaparte Napoleon, một sĩ quan xuất thân ở hải đảo Corse, cướp chính quyền, tự phong là hoàng đế, khởi đầu cuộc chinh phạt của đế quốc Pháp khắp năm châu và đế quốc Pháp kết thúc khi đoàn lính của Hitler tràn ngập kinh đô ánh sáng. Sau đó thì các thuộc địa đều được trao trả lại cho người sở tại.

 Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nhs

Đầy tớ nhân dân hay ô-sin

Có nhiều người thắc mắc, kêu mình rời Việt Nam trước 75 nhưng lại hay dùng các từ hậu 75. Khi xưa học chương trình pháp, ngoại trừ hai năm cuối trung học nên tiếng Việt không thạo lắm. Khi lái xe lên vườn, mình hay nghe chương trình Đọc Báo Vẹm để khỏi buồn ngủ. Hai ông thần đọc báo từ Việt Nam giúp mình học thêm từ vựng việt ngữ để viết tiếng Việt. Chán Mớ Đời 

Như đã kể, năm nay đánh dấu 30 năm nội chiến từng ngày trong cuộc đấu tranh tư tưởng chống xâm lược, bá quyền của đồng chí gái. Nhớ khi mới dọn nhà, cái phòng đựng áo quần cho hai vợ chồng, to hơn căn phòng ô sin mà mình ở trong vòng 8 năm tại Paris. Đồng chí gái kêu bên ni là của tui, còn bên tê là của ôn. Dần dần tư tưởng bá quyền của đồng chí gái đã chiếm hết phía bên mình, tống hết áo quần của mình ra ga ra, cho đi kinh tế mới luôn. Không gian riêng tư của mình ở nhà, chỉ khe khẽ ở ngoài nhà đậu xe và vườn. Trên vườn thì không có đồng chí gái lên nên tha hồ mà tung hoành.

Có lần trong quá trình học tập, bồi dưỡng đạo Đức cách mạng, tư tưởng ưu việt và định hướng kinh tế thị trường tương lai của đồng chí gái, mình đột phá tư duy kêu anh là lãnh đạo, em là nhà nước còn hai đứa con là đầy tớ nhân dân theo đúng quy trình, tiêu chuẩn một mái ấm gia đình hạnh phúc, một chồng, một vợ, hai con. Thằng con sinh trước thì gọi nhân dân 1, còn con gái sinh sau thì nhân dân 2.


Đồng chí gái lắc đầu, hứ một cái thật to, kêu ôn ăn chi mà ngu rựa, học tập bấy lâu mà vẫn chưa giác ngộ cách mạng khiến mình ngơ ngơ ngáo ngáo. Thấy mình đã ngu lại ngu bền vững, có độ dầy hơn nên Đồng chí gái đưa tay vỗ bướm cô nàng rồi kêu đây lãnh đạo, tui là nhà nước, hai đứa nhỏ là nhân dân cao cấp còn ôn là đầy tớ nhân dân. Thế là bao nhiêu chuyện nuôi con, cô nàng bàn giao cho mình, chở con đi học, đi hầu chúng khi học các môn ngoại khoá và nấu cơm cho chúng.

 

Bổng như có ai nhắc mình chợt mạc khải sự hiển linh này. Hoá ra nhà văn Lỗ Tấn bên tầu có phán khi xưa:


Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ, 
Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu.
          Xin tạm dịch là:
Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ, 
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng.


Mình từ bé, ra đường không dám ngước mặt nhìn đời, lúc nào cũng cúi đầu xuống đất như sợ phải đạp cứt chó ở Paris, nhất là khi vào mấy xóm như Dốc Nhà Bò, Hoàng Diệu vì sợ bị chúng đánh hội đồng nên không dám trợn mắt thằng tây còn đầm nào cả, còn làm thân trâu ngựa cho con và vợ cởi thì được.


Mình không nghe lời thì đồng chí gái cho qua phòng bên ngủ, không được sờ bướm của nàng, nghiên cứu về môn cuntology. Mình bố trí và đấu tranh tư tưởng tránh nghĩ đến cái bướm nhưng sau độ một tuần là đành thua non. Đầu hàng như Dương Văn Minh ngày 30/4/75 vô điều kiện. Chán Mớ Đời 


Hồi nhỏ đi học, mấy ông tây bà đầm hay kể về một nữ anh hùng của Pháp quốc, tên Jeanne d’ arc. Cô này, một hôm bổng nhiên nghe tiếng gọi đâu đâu, như thiên chúa nói bên tai, bảo phải lên đường tòng chinh cứu vua, cuối cùng bị lính Anh quốc, làm thịt nướng trên dàn hoả, thiêu sống.


Khi ở tây thì mình nghe tây đầm ca ngợi lòng dũng cảm của cô gái đôi 8 như ngọn đuốc cách mạng Lê Văn 8 nhưng khi qua Anh quốc làm thì bọn ăn Fish & Chip, kêu chúng tao làm Barbecue nướng con đầm này. Từ đó người Anh quốc có món barbecue nổi tiếng. Chán Mớ Đời 


Từ ngày mình lấy vợ thì mỗi ngày, cứ nghe tiếng vang vọng bên tai, bảo mình làm việc này, làm việc kia, mỗi khi mình bước về nhà. Mình đoán có lẻ khi xưa, khi sinh mình ra, hay bị bệnh đủ trò nên ông Phúng, đem mình ra ngoài am Mệ Cai ở đường Nguyễn Công Trứ, bán vía mình cho ông Tám. Nay có lẻ vong của ai đó cứ về kêu réo mình như đòi nợ. 

Có lần mình gặp anh bạn linh mục, tò mò hỏi có phải mình bị ám ảnh, hay vong ai về đòi nợ mình. Ông linh  mục, lắc đầu, bảo mày lấy vợ việt, hậu duệ của Tây Thi gái nước Việt, mà phụ nữ là con cháu của Ngô Phù Sai nên mang họ Sai. Thế thôi. 


Lâu lâu buồn đời, mình hay xem chương trình bạn muốn hẹn hò, thấy mấy tên đi kiếm vợ, cứ rống lên bài anh sẽ là bờ vai vững chắc cho đời em khiến mình Chán Mớ Đời, thương xót cho họ, bị đàn bà tiếp thị vô đối. Trên thực tế, đàn bà không kiếm chồng mà tìm kiếm tên đầy tớ về làm ô sin để sai vặt. Đồng chí gái còn lấy gương của ông anh cột chèo với mình ra để mình theo gương. Đồng chí gái kêu ông anh của mình là nha sĩ làm tiền ra như nước, mà cuối tuần vẫn phải chùi cầu tiêu, buồng tắm đủ trò.


Mình nói mướn bà Mễ làm rồi mà đồng chí gái còn đòi gì nữa. Ông anh cột chèo mình không biết là mướn người dọn nhà có thể trừ thuế nên phải ra công chùi dọn theo chỉ thị của đồng chí vợ của ông ta.


Nhớ dạo mới lấy vợ, đi làm về thấy vợ xem phim bộ Dòng Sông LY biệt gì đó có ông tài tử đẹp trai Tần HÁn gì đó. Cô nàng cứ ngồi trước máy truyền hình, kêu mình nấu rồi đem cơm tới cho ăn, lâu lâu kêu rót nước, hay khi băng hết thì đổi băng khác,…. Lúc đó mình mới giác ngộ cụm từ “đầy tớ nhân dân”, kiên cường lao động, chiến đấu anh dũng suốt 30 năm khẩu chiến, mới hiểu bài hát Chán Mớ Đời của Ngô Thuỵ Miên


Em như một người chồng 

Nàng ăn rồi lại nằm

Tôi như người vợ hiền

tề gia và tùng quyền

Nấu cơm với rữa chén

Khi xưa mình thật chì

Quyền uy trời là nhì

Giờ thì đấm lưng em

Giờ thì bóp chân em

Buồn quá xá buồn thiêu

Chán Mớ Đời 


Mình đến nhà bạn, thấy vợ của người ta nấu đồ nhậu cho chúng ăn và uống rượu với bạn. Chăm sóc chồng và bạn nhậu với nụ cười như đoá hoa hàm tiếu. Khi đồng chí gái mời bạn đến nhà thì mình phải cong lưng ra nấu. Hoá ra mình lấy vợ để bị sai khiến, đào tạo làm đầy tớ nhân dân. Ôi đàn bà!


Đêm nằm thì đồng chí gái ngáy như cô lái đò gọi đò trên Sông Hương như câu ca dao tục ngữ mình học việt văn năm 4 ème: lỗ mũi có 8 cánh lông, chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho, đi chợ thì hay ăn quà, chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm, đêm nằm thì ngáy o o , chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà,.. kinh


Đó là tình yêu, nghĩa vụ của mình từ khi lấy vợ, tạo dựng mái ấm gia đình trên bước đường tha hương. Chán Mớ Đời 

(Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn