Mẹ chồng đì nàng dâu

 Nhớ năm Mậu Thân, khi Việt Cộng tấn công vào Đàlạt. Không ai theo họ cả, ngược lại bỏ chạy tán loạn. Gia đình dì Ba Ca, cháu ruột mệ ngoại mình, chạy tản cư từ Số 4, ở đậu nhà mình mấy tháng. Nghe kể, cả gia đình đào hầm phía sau nhà để tránh bom đạn. Mình có lên đây xem cái hầm, bom rớt vào thì chết cả gia đình. Ngày mồng 3, dượng Ba Ca, lên nhà trên, để lấy mấy cái bánh tét cho con ăn, tò mò nhìn ra sân, thấy một quả bom chưa nổ, nằm chình ình, trước sân nhà. 3 phút sau, cả gia đình gồng gánh chạy xuống nhà mình. Sau này, mình có thấy cái lỗ với trái bom, khi Việt Nam Cộng Hoà đi rà, và tháo ngòi nổ. 

Căn nhà thì bình địa vì sau đó máy bay dội bom Napalm xuống cả khu Số 4. Máy bay trực thăng hay bay trên đầu xóm mình để bắn hoả tiễn hay đại liên 60 ly khiến vỏ đạn rơi xuống khu nhà mình làm lũng mái tôn và có một tên bị lỗ đầu khi đứng xem máy bay trong sân nhà mình. Kinh

Mỗi tối, hai gia đình, ngồi nghe mấy đĩa nhạc của ban AVT. Trong đó có một bài “3 bà mẹ chồng” rất vui vì họ nhái đủ giọng. Sau này mình nói được mấy giọng là nhờ nghe ban AVT khi xưa. Ở xóm mình khi xưa, không thấy cảnh mẹ chồng nàng dâu, đa số là công chức, con cái chưa ai lập gia đình nên không chứng kiến cảnh này. 


Chỉ nhớ anh Kiệt, con bà Hiển, đi an ninh quân đội, lấy bà vợ miền tây, ở gần nhà. Ông thần này cắm dùi xây nhà ở sân nhà Bà Ron, khiến hai gia đình chửi nhau ỏm cù tỏi, tên Kiệt vác súng ra bắn khiến bà Ron im luôn. Ông chồng thì theo vợ bé nên không có nhà. Có lần hai vợ chồng tên Kiệt cãi nhau, bà vợ rượt anh ta chạy xuống nhà mẹ, bà vợ cầm cái dao bầu, phóng theo trúng cái lưng anh ta. May là cái cán dao trúng cái lưng, nghe anh ta kêu cái Hự khi con dao rớt xuống đất nhưng vẫn bỏ chạy. Từ đó mình sợ gái miền nam lắm, không dám đụng tới. Sau đó vợ chồng làm lành, vui nhà vui tiếng, đẻ hàng năm. Kinh

Lớn lên, học việt văn với thầy An, về Tự Lực Văn Đoàn, Đoạn Tuyệt. Có cảnh nàng dâu, Loan và ông chồng Thân. Hai vợ chồng cãi nhau sao đó, cô Loan, đang cầm cái kéo, vô tình hay cố tình, đâm ông chồng một cái, tính làm Phật Quán Thế Âm. Thầy An giảng về cảnh mẹ chồng nàng dâu, với các hủ tục như khi Loan về nhà chồng, bước qua cửa, có cái lò than như để đốt hết cái dơ bẩn gì đó,...


Viết đến đây thì nhớ khi xưa, cô giáo bắt học thuộc lòng bài ca dao:

Hôm qua tát nước đầu đình 
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho:
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,...

Rồi giảng về vụ thách cưới ở thôn quê khi xưa. Lớn lên học thầy An thì mới hiểu thêm về phong tục, tập quán người Việt khi xưa. Hoá ra người ta thách cưới, như bán con gái. Sau bao nhiêu năm, nuôi con, nay bán để lấy lại vốn nên khi về nhà chồng, cô gái phải chịu nhiều đắng cay, như trả nợ, đền bù lại số tiền, gia đình chồng đã bỏ ra khi đi cưới. Thật ra bố mẹ có được gì, hàng xóm kéo đến xơi hết. Chán Mớ Đời 

Tương tự ở phi châu, họ cũng bán con gái, đòi mấy con dê hay cừu chi đó.

Các tập tục văn hoá trên thế giới cho thấy phụ nữ không có quyền, không được xem là một đơn vị sản xuất trong nền kinh tế của cộng đồng hay quốc gia dù làm việc nhà, nuôi nấng con cái. Khi xưa, phụ nữ cần phải lấy chồng để có con, sau này về già thì có con trai nó hầu, đúng hơn là con dâu. Do đó họ phải chấp nhận làm lẻ cho có tấm chồng.

Thậm chí, người con gái đi lấy chồng, thật ra là để giữ con nít, làm ô sin cho gia đình chồng. Nhà nghèo đi lấy chồng, nhỏ tuổi hơn mình, để cõng chồng đi chơi. Khi chồng lớn tuổi thì mình đã già, hắn lại lấy vợ lẻ. 

Bồng bồng cõng chồng đi chơi

  Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.

 Chị em ơi! Cho tôi mượn cái gàu sòng 

Để tôi tát nước múc chồng tôi lên. 

Trong lịch sử, các xã hội, người có quyền lực là người nắm kinh tế. Thời săn bắn, ai tài giỏi săn bắn thì có quyền lực, phụ nữ được xem là một đơn vị kinh tế vì có thể đi hái trái quả trong khi đàn ông thì đi săn bắn. Thời canh nông thì đàn ông làm việc đồng áng hiệu lực hơn phụ nữ. Thêm đàn ông phải đi lính cho triều đình khi cần. Nhà nào không có đàn ông thì phải mướn người khác trong làng đi nghĩa vụ dùm, và tốn rất đắt vì có thể chết không trở về. Các nhà nghèo thì kêu con gái giả trai như Hoa Mộc Lan đi lính thay cha. Do đó người phụ nữ không có quyền lực trong chế độ Phụ hệ.

Khi xưa, mệ ngoại mình có kể câu chuyện về Thoại Khanh Châu Tuấn. Có cô dâu dẫn mẹ chồng đi tìm chồng, giữa đường, mẹ chồng kêu đói, thèm thịt quá nên cô dâu, lấy dao rọc chút thịt nơi tay mình, để nướng cho mẹ chồng ngon phê. Mình đoán là người Tàu phịa ra chuyện này để mấy cô con dâu theo đó mà đối đãi tử tế với mình. Ngay con ruột còn chưa làm huống chi con dâu. Cả năm chúng chỉ đến thăm khi có ăn.

Hay câu chuyện, mẹ chồng nàng dâu khiến một tên, mỗi ngày cứ lấy dao ra mài để dạy vợ... Nếu nhìn kỷ, chúng ta thương cho thân phận đàn bà của mẹ chồng nàng dâu, 2 cuộc đời cùng chung một số phận. Mẹ chồng cũng làm dâu rồi quay qua hành cô con dâu, như để trả thù những ngày xưa thân ái với mẹ chồng của mình.

Tại sao vấn nạn gia đình giữa mẹ chồng và nàng dâu vẫn kéo dài đến ngày nay. Ở hải ngoại thì nhà ai nhà ấy ở, chỉ gặp nhau vào các ngày nghỉ lễ, họp mặt gia đình. Ở Việt Nam thì 3 thế hệ thậm chí đến tứ đại đồng đường ở chung với nhau. Có chị kia kể, mới bán nhà, con rể xin tiền để làm ăn, chị nói là không, tiền hưu của mẹ. Ngày xưa, lo cho con ăn học nên không để dành tiêu hưu trí 401k, nay tiền lời bán nhà để dành, về hưu tiêu xài. Thế là con không đem cháu lại thăm. Ngọng.

Khi xưa, người con gái về làm dâu, không đi làm, nên phải làm việc nội trợ. Ngày nay, họ phải bươn chải ngoài xã hội, bị stress nhiều, về nhà lại bị bà mẹ chồng đấu tố nên rất căng thẳng. Mẹ chồng về hưu hay không bao giờ đi làm nên không hiểu. Ở nhà buồn nên khi con dâu đi làm về là đấu tố cho đỡ buồn miệng.

Theo mình vấn nạn này là vì tài sản. Khi xưa, người con trai lớn lên, lập gia đình nhưng phải ở với bố mẹ, chăm sóc bố mẹ về già, để sau này có thể thừa hưởng gia tài, cái nhà, ruộng đất,... do đó người con dâu phải chịu đựng để mong mẹ chồng chết sớm để thừa hưởng gia tài. Lý do đó mà mẹ chồng và nàng dâu cứ đấu tố nhau. Mẹ chồng phải đì con dâu cho thoả để sau này mới giao nó gia tài.

Ngày nay, ở hải ngoại, ai nấy đi làm nên họ sống riêng, không chung chạ với bố mẹ. Họ có lương, tậu nhà riêng nên không cần đến gia tài của bố mẹ nên câu tục ngữ dân gian việt: “rể là khách, dâu mới là con mẹ cha mua về,...” lỗi thời ở Hoa Kỳ. Đám cưới là đàng gái bỏ tiền chi tiêu hết do đó không có vụ thách cưới. Nghe nói bên Ấn Độ, đi lấy chồng mà không có của hồi môn là mệt. Nói chung tất cả chỉ là kinh tế.

Mình nhớ đi xem phim La valse dans l’ombre  về thì thiên hạ bàn tán, có bà mẹ chồng quá tốt. Có người lại kêu:

Thật thà cũng thể lái trâu 
Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng

Hay ban nhạc AVT khi xưa, hát như hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ. Ở riêng như người tây phương, bố mẹ không xía vào chuyện riêng tư của con cái. Mình có cô bạn than là mẹ chồng thuộc dân giàu có trước 75, nên không thấy cô ta xứng đáng làm con dâu của bà. May là ở riêng chớ nếu ở chung thì mệt. Hình như có dạo ở chung với nhau nay ra riêng. Cái nguy hiểm là lập gia đình mà bố mẹ coi trọng sự môn đăng hộ đối.

Cha mẹ, nhiều khi không thực hiện được những mộng ước của mình nên muốn con mình hoàn thành những mộng ước của họ. Học hay lấy bác sĩ, hay phải đậu tiến sĩ đủ trò. Mình có quen ông người đại hàn, ghi trong di chúc là con ông ta muốn thừa hưởng gia tài thì phải tốt nghiệp tiến sĩ. Mình nói ông ta gửi con về Việt Nam, mua bằng tiến sĩ là xong. Cũng có thể họ có nhiều tham vọng, gả chồng cưới vợ là một cách leo lên các bậc thang của xã hội hay để hai gia đình, hai quốc gia hợp tác để làm giàu hay cai trị thế gian.

Giải quyết vấn nạn mẹ chồng nàng dâu trong gia đình rất khó, tuỳ mỗi gia đình và cá nhân. Có lẻ vì vậy mà đàn ông ở Việt Nam, đi làm ra, ghé quán nhậu uống cho quên đời, để khỏi phải đứng giữa mẹ và vợ. Ngược lại, ngày nay, bố mẹ hay rên là bị con bắt làm ô-sin, nuôi con giữ cháu để chúng đi chơi. Cách tốt nhất là sống riêng như ở tây phương vì xa mỏi mắt, gần mỏi miệng.

Mình ở rể được 6 năm. Trước khi làm đám cưới, đồng chí gái và mình có mua một căn nhà nho nhỏ ở vùng Bôn Sa nhưng ở đây chưa được 6 tháng thì phải dọn về ở với bố mẹ vợ. Lý do là gia đình anh vợ dọn ra, vì xin được Housing. Bố mẹ vợ không biết tiếng mỹ nên mấy anh chị vợ kêu vợ chồng mình về để chăm sóc ông bà. Kiểu bán cái lại cho cô em út và mình. Mình thấy đa số các anh chị hay bán cái lại bố mẹ cho em út. Họ lập gia đình trước nên bán cái lại và nhân danh làm anh làm chị nên hay rầy la em út nhưng không ai dám rước bố mẹ về nhà nuôi cả.

6 năm trời, vợ mình mượn đâu 15, 16 người giúp việc để chăm sóc ông bà ngoại. Có người vừa tới buổi sáng trưa mình ghé về nhà để xem sao thì đã thấy họ kêu con họ đến chở về. Bà ngoại mấy đứa rất khó tính, cứ làm như người giúp việc ở Hoa Kỳ như ở Việt Nam, thời Bảo Đại. Sau 6 năm, vợ mình và mẹ vợ cứ choảng nhau hoài nên mụ vợ kêu mua căn nhà bên cạnh để có thể chạy qua trông nom, có người làm nên không sợ lắm. Từ khi dọn ra riêng, mỗi cuối tuần, vợ mình ghé lại chở bố mẹ đi chơi, thấy hoà hợp hoà giải gia đình hơn. Mỗi người có không gian riêng tư nên khi gặp nhau thì đối xử như mẹ con thay vì tranh nhau làm nội tướng.

Cách tốt nhất để giải quyết vấn nạn mẹ chồng nàng dâu là ở riêng. Ở Hoa Kỳ, có vụ xây nhà cho mẹ vợ mà họ gọi Mother in-law’s quarter. Phía sau nhà họ xây một căn hộ nhỏ để mẹ vợ ở thoải mái, tự nấu ăn, cuối tuần đến nhà con ăn với cháu ngoại. Thoải mái hơn, con cháu có thể trông nom khi đau ốm nhưng vẫn giữ sự độc lập, tự do riêng tư. Xong om

Mướn nhà cũng được vì tự do rất tốn tiền. Sống chung chạ để mong sau này thừa hưởng gia tài vô hình trung biến cuộc sống của mình trong vòng 20, 30 năm thành cuộc chiến thầm lặng. Mình sẽ quen lối sống này thì đến khi con dâu của mình về, sẽ tiếp tục sống đối chọi nàng dâu mẹ chồng mà mình sẽ đóng vai mẹ chồng và tìm cách để trị con dâu cho nó ngoan ngoãn. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đi học khi về già

 Đi học khi về già

Mình viết bài này đã lâu nhưng Facebook nhắc nên tải lại

Từ bé mình không thích học hành gì cả ngoài đi chơi. Sau này muốn đi du học nên phải học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm. Qua Tây thì sợ bị cúp học bổng nên cũng học chết con cà cuống luôn. Tóm lại mình học vì bắt buộc, không vì yêu thích.

Từ độ lập gia đình, nhất là từ ngày đồng chí gái sinh ra hai đứa con. Mỗi tuần nhận tấm ngân phiếu của chủ trả lương, không thấy nhúc nhíc con số dù làm việc chết ông chết bà vì kinh tế xuống, sợ bị sa thải. Cần tiền mua tả, mua sữa cho con nên mình đi làm thêm đủ trò, bán bảo hiểm nhân thọ, thầu xây cất cho thiên hạ rồi ma quỷ dẫn đường đưa mình vào con đường mua nhà cho thuê.

Lúc đó mình mới hiểu là có hai lối giáo dục; một là dạy mình kiến thức, cái nghề đi làm công cho thiên hạ để nhận tiền lương và một giáo dục khác là tài chánh, quản lý, đầu tư giúp tiền đẻ ra tiền cho mình. Có nghề đi làm thì chủ chỉ trả lương đủ cho mình đừng tìm kiếm việc khác và mình chỉ làm việc năng nổ đủ để chủ không đuổi mình nên không bỏ hết 100% tâm trí để làm giàu cho chủ. Vào sở là lê kê la ca đi vệ sinh, pha trà, nói cà kê với đám đồng nghiệp,..l

Tóm lại là một bên học để đi làm ra tiền còn một bên thì dùng tiền làm ra tiền cho mình mà sở thuế gọi là “Active income” với nghĩa đen là đóng thuế trung bình 5 tháng đầu còn “Passive income” với nghĩa đen là đóng thuế ít và được khấu trừ thuế má.

Sau này đọc cuốn Rich Dad Poor Dad thì khám phá ra là cứ cần cái gì thì mua nhà cho thuê, rồi chỉ định căn nhà đường A là để cho con học đại học, căn nhà B là để hưu trí cho ông bà cụ, căn C là để có tiền đi chơi hè,…. Mọi thứ đều do người mướn nhà trả. Mình chỉ việc đi kiếm nhà chủ bán và cho vay lại thay vì nạp đơn xin xỏ đám ngân hàng. Xong om. Đồng chí vợ kêu mình không có khiếu ăn nói nhưng không hiểu lý do nào chủ nhà người Mỹ lại bán và cho vay lại. May mình không biết ăn nói nên mụ mới theo mình. Chán Mớ Đời 

Mình đi đâu, không ai cạy được mình một chữ nhưng mở mồm là hay hỏi những câu cực ngu nên ít ai tiếp chuyện mình.

Từ đó mình tự nhận khuynh hướng chính trị của mình là “libertarian capitalist”, không theo Dân Chủ cũng không theo Cộng Hoà. Lý do là mình thấy họ giống nhau. Bên thì đánh thuế thằng nghèo và bên thì đòi đánh thuế thằng giàu. Chỉ theo đồng chí vợ quang vinh muôn năm lãnh đạo. Xong om.

Từ dạo giác ngộ cách mạng về giáo dục thì mình đi học thêm cuối tuần hay ban đêm trong tuần nên đồng chí vợ đưa con đi ăn sinh nhật con cháu bạn bè còn mình thì đi bộ gõ cửa nhà thiên hạ, hỏi có ai bán nhà. Sáng cuối tuần, mình lò mò đi xem garage sale để tập thương lượng trả giá hay hỏi chủ nhà có bán nhà hay không.

Trời lại ị trúng đầu, mình mua được một căn nhà cũ, sửa chửa lại cho thuê rồi lại một căn khác,… Rồi một ngày kia, mình thấy không cần đi làm cho chủ nữa rồi vài năm sau, chả cần đi thầu xây cất cho thiên hạ nữa. Hôm mới sang Cali, bà cụ mình hỏi: “sao con không đi làm ?” Khiến mình ú ớ, không biết trả lời.

Bà cụ mình, khi xưa đi buôn đi bán, tảo tần mấy chục năm để nuôi đàn con 11 đứa thêm thăm nuôi ông chồng cải tạo 15 năm nên khó hiểu tư duy của mình. Vợ mình thì như bao nhiêu người khác được cha mẹ dạy, học cho giỏi, vô đại học lớn, có bằng cấp cao rồi đi làm cho công ty rồi về hưu, công ty sẽ trả tiền hưu trí cho mình đến khi qua đời. Con mình thì chúng hỏi sao bố không  đi làm khiến vợ mình ngọng luôn.

Mình hồi nhỏ, có lẻ la cà với chợ Đàlạt nên không thích học, thích hóng chuyện người lớn nên nay mới có chuyện để kể chuyện đời xưa cho bà con một thời ở Đàlạt. Lại có tính hay hỏi những câu rất cực đại ngu nên thầy cô hay chửi mi ăn chi mà ngu rứa.



Nhớ hồi nhỏ, thằng con lúc nào cũng hỏi tại sao và tại sao…. rồi khi nó đi học, thầy cô giáo bảo câm, khi nào cho phép mới được nói hay xin phép đủ trò, ngồi xuống rồi từ từ nó theo vào khuôn vào phép, hết hỏi tại sao như mình hồi nhỏ. Mình cứ bị cô giáo, thầy giáo nhất là bạn bè chửi ngu lâu dốt sớm nhưng có tính lì nên chả sợ ai cả, cứ hỏi khi không hiểu.

Nhớ dạo học Đoạn Tuyệt giờ việt văn, năm lớp 11, mình hỏi ông thầy, tại sao khi Loan tìm đến Dũng để nối lại tình xưa, khi được toà tha bổng vì ngộ sát, lụi ông chồng phong kiến gia trưởng một kéo. Dũng lại bỏ đi trong đêm mưa. Ông thầy trả lời lơ quơ khiến mình đã ngu lại càng ngu hơn.

Câu hỏi này đi theo mình từ mấy chục năm qua đến giờ. Cách đây mấy năm, mình gọi điện thoại thăm ông thầy ở Việt Nam, lại hỏi lại câu hỏi này thì ông thầy cũng không cho mình câu trả lời chính xác, cũng theo tập quán người Việt, nói lòng vòng. Kêu tác giả cứ để cho đọc giả tự kết luận, vì xã hội bế tắc. Chán Mớ Đời 

Tác giả là một nhà trí thức của Tự Lực Văn Đoàn, muốn thay đổi văn hoá phong kiến. Thay vì chỉ dẫn đọc giả ít học hơn, con đường cách mạng để giúp họ thay đổi tư duy hành động vì khởi đầu là tư duy nhưng phải được tiếp nối bởi hành động và khi hành động đã trở thành thói quen của tâm thức thì vận mệnh của họ mới thay đổi.

Đây chỉ nói đến nhưng không chỉ cho đọc giả con đường để đi nên mình ngẫm nghĩ lại mới hiểu lý do đảng cộng sản thắng đậm trong cuộc kháng chiến chống pháp. Họ có chiến lược rõ rệt, chủ trương bạo lực do Lenin tư duy đột phá, ai không theo là giết nên thâu tóm lại hết quyền lực.

Hôm qua đi học thêm về mua nhà, gặp ông Jack Fullerton. Khi mình mới vào nghề, mỗi thứ 6, đi ăn sáng với nhóm ông ta gồm những tay già kinh nghiệm về mua nhà cho thuê và đám mới vào nghề như mình. Ông ta giảng kiểu bình dân học vụ về mua nhà, thuế vụ,… nên ngu lâu dốt sớm như mình mới thấm nhuần được vì học mấy ông thầy ở đại học cộng đồng là thấy điên lên vì họ giảng lý thuyết nên nghèo còn ông này giảng thực tế nên giàu. Nay ông ta lớn tuổi, vợ mất nên không còn đi đứng bình thường như xưa.

Mình rất nhớ ơn ông này, ông ta có cái hội cho nhóm đầu tư, họp mặt mỗi tháng. Ông ta mời người nói chuyện và bảo vệ người đầu tư. Có nhiều tên mất dạy, hay đến những hội này dụ dỗ người chưa có kinh nghiệm để lừa họ. Mình nhớ ơn ông Fullerton nên lâu lâu, viết về những đề tài đầu tư, để ai chịu khó đọc thì có thể tránh vì về già, đa số sợ thiếu tiền sống già lâu năm nên có nhiều người đem tiền đi đầu tư bậy bạ rồi mất hết.

Khi mình viết về tài chánh bình dân học vụ thì ít thấy ai hỏi còn viết về chuyện tình nữa nắng nữa mưa thì thiên hạ có vẻ hồ hởi còm mệt thở. Hôm qua mình nói với ông Fullerton là mình cũng bắt chước ông ta giúp được 2 cặp vợ chồng trở thành triệu phú láng giềng, và vài gia đình bỏ ăn trợ cấp, mua được nhà cửa ở Hoa Kỳ.

Về già, mình đâm ra thích đi học, lại thích đi học đủ thứ mới Chán Mớ Đời. Khi xưa không thích học còn ngày nay thì cứ học đủ trò khiến mụ vợ cứ chửi ngu chi mà ngu rứa, vì mình đi học tới học lui mấy lớp này hoài mỗi năm. Nhiều khi phải bay đi xứ coca cola để học. Cứ Noel là bỏ ra một ngày để đọc lại cuốn “The richest man in Babylon” từ 25 năm nay. Cái khổ mỗi năm đọc lại thì thấy mình học được một điều mới dù mình biết rõ tác giả sắp nói đến nhân vật nào,…

Hồi chiều, hai vợ chồng đến nhà anh bạn mời ăn cơm, bác sĩ bằng tuổi vợ mình mới về hưu năm ngoái. Nay chỉ đi làm 2-3 ngày một tháng. Anh ta chuyên về mỗ mắt nhưng sau này chuyên về thẩm mỹ nên khi con vào đại học thì về vùng này nghỉ hưu, đi làm thêm ở một văn phòng thẩm mỹ ở San Diego, tà tà. Hai vợ chồng kêu là đóng bảo hiểm y tế $2,200.00/ tháng. Được cái hai vợ chồng này thích thể thao nên chắc sẽ gặp nhau thường xuyên hơn. Họ thích đi để ngoạn như đồng chí vợ. Mình có bạn ăn, bạn đầu tư, bạn thể thao,…

Được cái là khi xưa, bà vợ nghe mình nên đi seminar, học hỏi thêm đầu tư về địa ốc, nay có mấy căn nhà ở khu sang trọng, cho thuê khá cao nên thoải mái con cà cuống nên về hưu sớm được. Họ kể sẽ đi theo đoàn y tế của nhà thờ qua Guatemala, đi tùm lum tới cuối năm. Về hưu dùng khả năng nghề nghiệp của mình đi làm miễn phí giúp người nghèo. Mỗi ngày sau khi đi lễ nhà thờ, làm vườn, đi bộ ngoài biển. Cô vợ kêu thích đọc bài mình viết, cứ thấy email mình gửi cho ông chồng thì lấy đọc trước. Hắn gửi Amazon để mua cuốn Mực Tím Sơn Đen do NHị Anh xuất bản cho vợ đọc. Mình quen tên này qua Nhị Anh, học chung ở MIT ngày xưa. Cô nàng kêu mình viết về tài chánh dễ đọc vì khi đi seminar nghe tới đâu là ngọng tới đó.

Lâu lâu, mình hay nhận được cú điện thoại hay imeo của vợ mấy ông bạn, hỏi lung tung còn mấy ông chồng thì chỉ làm thơ đọc thẩn. Lâu lâu, gửi cho mình những câu do ai đó ngộ ra là đời vô thường.

Vẫn biết là sẽ tan, biến mất nhưng mấy ông thầy tu của xứ Tây Tạng vẫn bỏ công sức dùng cát để vẽ Mandala, đủ màu rồi xoá đi. Nhiều người thấy vậy, không làm gì hết, ngồi khui lon bia, ăn miếng mực khô rồi kêu đời vô thường. Thế tại sao không ăn không nhậu luôn cho khoẻ.

Mình thì thích về tài chánh, đầu tư nên bạn đa số là giới này, gặp nhau hàng tuần, ăn cơm chia sẻ tài liệu thông tin còn bạn xã giao thì đa số là ăn theo đồng chí gái. Mình thích viết về tài chánh hơn nhưng lâu lâu phải viết đi du lịch, chuyện đời xưa, tình yêu cho vui diễn đàn. Dạo này mình ngưng imeo, chỉ gửi cho một số người. Nếu ai hỏi thì mình sẽ tiếp tục gửi vì không muốn làm phiền họ, tải lên facebook tiện hơn vì chỉ có ai theo dõi mình thì đọc, không làm phiền thiên hạ.

Khi xưa, mình bị bắt buộc học còn nay mình chỉ học, điều nghiên những gì mình thích nên đầu óc bổng nhiên sáng dạ dù ít ăn. Hôm nay, học về Section 199A mới ra đời năm ngoái khiến mình nức nở, giúp người đầu tư có thể khấu trừ tới 20% các chi phí trong năm. Luật thuế mới ra năm 2017 của Trump giúp tiền ngoại quốc đổ vào Hoa Kỳ như tên giáo sư của đại học Columbia, kể cho mình tháng trước.

Tưởng tượng có thể khấu trừ đến 20% tiền chi phí cho Business như xe cộ, máy tính, điện thoại,…lặt vặt. Mình hay giải thích cho mấy đứa con về thuế như sau.

Mẹ con đi làm được chủ trả $100. Liên bang vớt $25, tiểu bang vớt $10, Obamacare vớt $3.5, an sinh xã hội vớt $7.5, xem như $46, coi như còn lại $54 để xài. Mẹ con đi đổ xăng tốn $4, ăn phở mất $8.5, bị đánh thuế tiêu dùng 7.75%, coi như thêm $0.66, xem ra tô phở là $8.5 + $0.66 = $9.16, thêm tiền boa là mất thêm $1.84 = $11.00 vì không muốn ôm tiền lẻ, nặng túi. Mua cái áo cho con mất $20.00 + thêm tiền thuế 7.75% là $1.55 Coi đã chi tiêu bao nhiêu $4 + $11 + $21.55 +….. = $54.00

Xem ra muốn tiêu $54.00 thì mẹ còn phải làm ra $100.00, xem như gấp đôi. Mua cái áo là $21.55 nhưng thật ra là $42 vì phải đóng thuế trước khi xài, do đó khi đi mua đồ, món gì đều nghĩ là mình tiêu gấp đôi số tiền đó, cho nên không bao giờ kêu là rẻ cả vì giá tiền là gấp đôi.

Nay tính theo đầu tư của bố thì bố có thể khấu trừ tiền ăn phở khi bố đi nói chuyện, giao dịch với khách hàng hay bạn bè, trả tiền xăng vì cần di chuyển cho business,… nói chung cũng tiêu xài $54.00 như mẹ con.

Bố làm $100.00, nhưng trước khi đóng thuế, bố có quyền khấu trừ số tiền chi tiêu $54.00, nghĩa là $100.00 -$54.00 = $46.00. Bố chỉ bị đánh thuế lợi tức trên số tiền $46.00 thay vì $100.00 như mẹ con. Vì số tiền chỉ có $46.00 thì đóng thuế ít hơn, Liên Bang 15% thay vì 25%, tiểu bang 10%, Obamacare 3.8%, an sinh xã hội 7.5%, tổng cộng là 36%. Lấy $46 x 36% = $16.56 hay còn lại $29.64, xem như 1/3 số tiền làm ra còn mẹ con thì không còn một cắc.

Mẹ con làm ra $100, đóng thuế $46.00, tiêu $54.00 , còn lại Zero.

Bố làm ra $100, tiêu $54.00, đóng thuế $18.56, còn lại $29.64.

Do đó muốn có dư tiền, mình phải làm thương mại, tốt nhất là đầu tư vì đóng thuế ít hơn là đi làm. Đầu tư là nuôi gà đẻ trứng, trứng nở ra gà và cứ thế mà tiếp tục, đến khi có nhiều gà thì cũng nên ăn trứng và nếm mùi gà cho biết đời. Đa thường, người ta không muốn mất thì giờ, gà đẻ ra trứng là lấy ăn, thậm chí còn giết luôn con gà, vừa được ăn thịt và trứng non. Xong om

Hết gà thì thấy thằng hàng xóm chịu khó, không ăn gà nhưng lại bỏ công nuôi gà đẻ trứng, ấp trứng thế là chúng đến kêu tên hàng xóm là gian ác, vi phạm đạo dức, nuôi gà dã man, thế là bỏ tù, tịch thu gà của người ta ăn, rồi bảo phải chia tài sản như Obama đã giải thích khi tranh cử. Đó là xã hội chủ nghĩa mà mẹ con đã bỏ sau lưng để lên tàu, trốn khỏi Việt Nam.

Đảng dân chủ khuyến khích người Mỹ làm nhân công, lao động vinh quang để khi về già không còn gì. Chỉ biết mong đợi chính phủ, chi viện. Chính phủ đánh thuế thằng nuôi gà, bắt hắn phải đưa phân nữa con gà để chia cho đám không chịu khó, kêu đời là vô thường.

Đảng Cộng Hoà khuyến khích làm business để còn $29.64, mua được 6 con gà ở Costco, giá 5 đô để người dân không lệ thuộc vào chính phủ. Phải loại bỏ thằng chính phủ vì thằng này đánh thuế rồi bỏ vào mồm chúng trước rồi mới chia cho người không muốn bỏ công sức làm Mandala.

Chán Mớ Đời

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đàlạt xưa qua hình cũ #7

 Tuần này, mình tải một số hình ảnh khu Hoà Bình Đàlạt xưa. Khi mình thấy mấy tấm ảnh xưa, thời Tây, lúc khu Hoà BÌnh chưa được xây cất thì rất ngạc nhiên vì không biết từ đâu. May sau này đọc được tài liệu về Đàlạt và sự hình thành của Đàlạt nên mới bắt đầu hiểu về sự thay đổi của Đàlạt xưa.

Muốn định vị được những tấm ảnh này thì cần có bản đồ của khu Hoà BÌnh khi xưa, lúc chưa được xây cất. Chỗ này được xem là chợ Đàlạt, khi khu phố chỗ Ấp Ánh Sáng, bị bão lụt cuốn trôi. Sẽ tải sau này trong bài khác.

Tấm bản đồ vẽ này do mình đề ô để nhớ. Khu Hoà BÌnh (chợ cũ Đàlạt xưa, trước khi họ xây Chợ Mới ). Khu được tô màu đỏ là dãy nhà ông Sáu Còm, dãy nhà tiệm Bùi Thị Hiếu đến cà-phê Tùng,... và khu tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, do ông Võ Đình Dung xây sau này. Khu được tô màu vàng là khu Đức Xương Long đến nhà hàng Mekong. 

Bản vẽ này cho thấy hoạ đồ của chợ Cây (khu Hoà Bình). Thấy trường Đoàn Thị Điểm, dãy phố Chic Shanghai chưa được ông Võ Đình Dung xây cất sau này. Khu chụp hình Hồng Châu.

Chợ Đàlạt xưa, lúc chưa xây khu Hoà Bình. Chợ kiểu bán hàng rong, tụ họp như ở đường Phan Đình Phùng. Lúc này, dãy phố lò bánh mì Vĩnh Chấn, Chic Shanghai chưa được xây cất. Những mũi tên màu xanh là được được chụp từ góc cà phê Tùng, còn màu đỏ thì ngược lại chợ nhỏ Đàlạt .

Khúc này nhìn hình mũi tên màu đỏ. Mình thì nhận ra nhưng khó mà giải thích cho mọi người, phải cần làm video tùm lùm nhưng không có thì giờ. Chán Mớ Đời 

Chỗ này chụp từ khu dãy nhà của ông Sáu Còm, như bản đồ trên cho thấy chỉ có khu nhà dãy Bùi Thị Hiếu là đã được xây bằng gạch. Khu dãy nhà hàng Mekong còn làm bằng gỗ, lợp tôn. Sau bị cháy nên họ cho xây lại chợ, được gọi là Chợ Cây vì làm bằng gỗ, đến khi xây Chợ Mới thì gọi là chợ Cũ.

Hình này, xem theo mũi tên màu đỏ, thấy khu dãy nhà Bùi Thị Hiếu, còn tiệm Mekong vẫn còn làm bằng gỗ lúc chưa bị cháy. Phía sau chợ có lợp mái là dãy nhà ông Sáu Có. Đàlạt có hồ Đội Có, không biết là một người hay không. Ai biết chơi em xin. Thấy đường nhỏ chia cách dãy Bùi Thị Hiếu bà Mekong, sau này là đường Tăng Bạt Hổ.


Một góc nhìn khác từ khu nhà ông Sáu Có, nhìn về dãy Bùi Thị Hiếu, tiệm hớt tóc (coiffure), Mekong, xa xa là dãy nhà Vĩnh Chấn, có trạm biến điện, sẽ giai thích sau hay trong bài khác. Giải thích nhiều quá thì các bác chới với lộn tùm lùm.

Hình này thấy rõ dãy nhà Bùi Thị Hiếu, lúc chưa được xây bằng gạch, chỉ có mấy căn, khúc cà phê Tùng, nhà in Lâm Viên chưa được xây cất, có thấy dãy nóc nhà của dãy nhà ông Sáu Có nhưng có lẻ chưa được xây bằng gạch. Mình mất khá lâu mới định vị được tấm ảnh này vì hình ảnh vào những năm 1930-1940.

Bản đồ định vị những ảnh chụp trên

Chợ Gỗ do kiến trúc sư tây Louis George Pineau thiết kế, nhà thầu SIDEC xây cất. Đặc điểm là có cái tháp cao như tháp chuông nhà thờ. Ở Âu châu thường trung tâm thành phố đều có cái chợ và nhà thờ. Cái chuông để giúp người ta làm cái điểm nhấn mà đi lại. Sau này được sử dụng để báo động khi máy bay bỏ bom.

Hình này chụp trước khi xây chợ Hoà Bình. Lính Tây đi chơi .

Để lần sau mình tải tiếp hình ảnh khu Hoà Bình, Chợ Cũ vì tải nhiều quá, thiên hạ lộn. Lần sau sẽ tải ảnh khi chợ cũ đã xây cất (rạp xi-nê Hoà bình sau này)
(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tại sao ngày nay phụ nữ được bận quần dài?

 Cứ lâu lâu trên đài truyền hình, nói về các phụ nữ ở trung đông, bị đối xử không bằng các bà ở các xứ tây phương thì mấy bà bạn chửi bới đủ trò, khiến mình buồn cười. Lý do là chúng ta không hiểu về lịch sử ở tây phương, nên cứ chửi bới, làm như chúng ta sinh ra tại các xứ tây phương là đã có sẵn tự do, công bằng, đàn ông bị phụ nữ ăn hiếp. 

Trước khi chúng ta có một xã hội như ngày nay, tất cả quyền lợi đều được dành cho phụ nữ, các thế hệ đi trước đã phải đấu tranh quyết liệt để thế hệ chúng ta thừa hưởng.

Tương tự thế hệ con cháu của chúng ta đã thừa hưởng những đấu tranh, công sức mà chúng ta đã bỏ ra khi mới di cư đến xứ người. Chúng không biết công sức của kẻ trồng cây, chúng chỉ biết ăn quả mà không tìm hiểu về kẻ trồng cây.

Tuần này, mình đọc trên Facebook của cô cháu, kêu là hồi bé, cứ nghĩ mình là da trắng, không nghĩ gì cả về Việt Nam, nguồn cội. Đến khi vào đại học thì mới thấy sự khác biệt và tìm hiểu về văn hoá Việt Nam. Sau khi ra trường, về thăm Việt Nam một mình để tìm hiểu gốc gác. Cô ta lên án, kêu gọi các vụ bạo hành, sát hại người á châu,...

Dạo mình ở Pháp quốc, nghe nói có luật, cấm phụ nữ bận quần khiến mình đã ngu lại càng dốt bền. Có đạo luật được ban hành sau cuộc cách mạng long trời lỡ đất 1789, cấm phụ nữ bận quần, chỉ cho bận váy. Sau này, có nhiều lần đại biểu quốc hội pháp muốn bãi bỏ luật này nhưng mãi đến 2013 mới thực hiện.


Có thể khi xưa mấy bà bận váy, cột chặt quá nên sợ cho mấy bà bận quần thì khó mà cởi quần khi động phòng. Nội bận váy mà khi lên cơn, đàn ông phải lấy dao cắt mấy sợi dây cột váy lại cho nhanh, nay bận quần mà cột kiểu đòn bánh tét thì chỉ vãi ra quần. Chán Mớ Đời 

 

Kể ra thì bà con cười nhưng để nói lên các tự do đương đại dành cho phụ nữ, đã phải trải qua rất nhiều tranh đấu của các thế hệ đi trước. Ngay phụ nữ Hoa Kỳ chỉ mới có quyền đi bầu mới được 100 năm.

 

Ở các xứ tây phương, khi xưa phụ nữ không được bận quần dài nhưng các phụ nữ ở trung-á, theo đạo hồi giáo của đế chế Ottoman lại được bận quần. Phụ nữ kêu họ muốn bận quần để nam nữ bình quyền nhưng phụ nữ tây phương thích bận quần không phải vì đòi hỏi sự bình quyền mà bị ảnh hưởng thời trang của phụ nữ của đế chế Ottoman,bận quần từ mấy thế kỷ.

 

Quần áo đàn ông và phụ nữ Ottoman khi xưa


Năm 1716, bà Mary Wortley Montagu, một trong những phụ nữ may mắn, thời ấy được du hành ra hải ngoại. Bà ta đến Constantinople, với ông chồng đại sứ. Bà ta đam mê thời trang phụ nữ của đế chế Ottoman. Bà ta kể phụ nữ ở đây, tự do hơn ở Anh Quốc. Họ có thể ra đường ban đêm mà không cần phải có người đi cùng, có thể xin ly dị và bận quần đi ra đường. Ngày nay, thì ngược lại. Chán Mớ Đời 


Có thể có bà nào đạo hồi giáo, sang âu châu, thấy phụ nữ ra đường ban đêm, cần phải có người đi cùng nên khi về nước, lại phán ra luật đàn bà ra đường, cần phải có một người nam đi chung. Chán Mớ Đời 

 

Khác với tây phương, phụ nữ hồi giáo bận quần không vì thời trang mà vì sự tiện dụng. Nam nữ của đế chế hồi giáo cởi ngựa đường xa. Do đó quần áo Unisex rất thịnh hành ở đế chế này.


Dạo này, mình đang chuẩn bị đi viếng Thổ Nhĩ Kỳ với đồng chí gái nên đọc sách báo về đế chế Ottoman. :)

 

Quần của người Thổ Nhĩ Kỳ được gọi “salvar”, dài và phình ở trên, và nhỏ lại ở cổ chân. Quần này giống quần áo của người tây phương hiện đại trước khi người tây phương bắt đầu bận quần. Lúc đầu, họ gọi “sans culottes”. Hồi nhỏ học về lịch sử tây, ông thầy nói nhóm “sans culottes” khiến mình tưởng họ không bận quần lót khi vào họp quốc hội. Sau này qua tây mới hiểu; sau cuộc cách mạng, có một nhóm người làm cách mạng với giai cấp quý tộc, không bận loại quần ngắn, bỏ vào vớ cao đến đầu gối, nên được gọi là sans culottes.

 

Khi xưa, giới  quý tộc tây phương bận quần bỏ vào vớ tới đầu gối, gọi là culotte. Sau cuộc cách mạng 1789, người không bận culotte, gọi là “sans culottes”

Hình vẽ một người làm cách mạng tại pháp 

Bà đại sứ trở về Anh Quốc với mấy rương quần áo của phụ nữ hồi giáo. Bà ta viết về những kinh nghiệm tại đế chế Ottoman, gây nên sự hiếu kỳ, tò mò của phụ nữ giới thượng lưu. Dần dần, phụ nữ các nước tây phương được du hành và khám phá ra quyền lợi của họ, yếu kém hơn các phụ nữ khác ở hải ngoại. Từ đó, họ mới tạo dựng phong trào, kêu gọi sự bình quyền trong xã hội.

 

Cho thấy các thay đổi về xã hội, văn hoá chính trị của phụ nữ tây phương, bắt nguồn từ phụ nữ hồi giáo. Ngày nay, các xứ hồi giáo, kềm chế phụ nữ lại rơi vào thế lạc hậu so với các nước tây phương. Cho thấy, kềm kẹp phụ nữ sẽ không làm xã hội tiến bộ mà đi thụt lùi.

 

Dạo còn bé, mình thấy bà giúp việc của gia đình chú Ký, gốc Bắc bận váy. Khi mót tè, bà ta đứng tè thoải mái, không cần ngồi xuống tuột quần như mấy bà khác, bảo mình đi chỗ khác chơi. Qua tây, nghe kể khi xưa, phụ nữ bận váy rộng như xi-nê về thời cổ đại như ở điện Versailles. Mấy bà mót tè hay muốn đi đại tiện, cứ vô tư đứng làm một bãi rồi có nhân công cầm thùng phân đi hốt như ngày nay, xe mô-tô đi hốt kít chó ở Paris. Mình có kể về lịch sử của cái corset rồi.

 

Bận váy rộng như vậy thì đi tè hay đại tiện rất thoải mái. Cứ vô tư 


Ở âu châu, phong trào đòi cải cách thời trang, phát động từ thời Victoria. Phụ nữ đòi bận quần dài, vì tiện lợi và làm ấm chân họ vào mùa đông. Viết tới đây, nhớ đến thằng Trí, gốc Huế, có lần hỏi mình trời Đàlạt lạnh, mấy cô bận váy, gió luồn từ dưới chân lên chắc lạnh lắm. Mình nói nó hỏi cô bận váy chớ mình không biết. Chán Mớ Đời 

 

Khởi đầu là bà Amelia Jenks Bloomer, người phụ nữ đầu tiên thành lập một tờ báo phụ nữ, bận quần theo kiểu phụ nữ Trung Á và trung đông, hồi giáo và quảng bá trên tờ báo phụ nữ của bà. Từ đó người ta gọi quần dài phụ nữ là “Bloomers”.


 

Áo quần do bà Bloomer thiết kế.

 

Trên thực tế thì nhà thờ cho phép bận váy dài, xem bận quần kiểu hồi giáo thì phản lại thiên chúa giáo, các điều răn của chúa. Giới y khoa lại lên tiếng cho rằng bận quần dài sẽ khó thụ thai, bú xu la mua. Trong thời gian đánh nhau, các nữ binh sĩ pháp, chị nuôi bận quần dài để tiếp tế, cho các binh sĩ của Nã Phá Luân. Xem hình dưới đây

 


Vào thế kỷ 20, phụ nữ bận quần để chơi thể thao như quần vợt, đạp xe đạp,… nói chung thì họ vẫn bị cấm bận quần dài. Có bà giáo viên tên Helen Hulick bận quần dài, bị bỏ tù 5 ngày vì quan toà bắt bà ta bận váy khi hầu toà.

 

Ngày nay, phụ nữ phải cảm ơn Coco Channel và nghệ sĩ Katherine Hepburn, đã giúp đem quần dài vào thời trang những năm 1930.


Katherine Hepburn

Trong thời đệ nhị thế chiến, phụ nữ được khuyến khích bận quần dài để giúp công cuộc sản xuất chiến tranh. Sau thế chiến thì phụ nữ lại ít bận quần dài, trở lại nếp sống cũ với cái váy.

 

Chỉ sau những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, phong trào phụ nữ tranh đấu, mới thấy nhiều tiểu bang, bỏ luật nghiêm cấm bận quần dài ở nơi công cộng. 

 

Chỉ đến ngày 31 tháng 1, năm 2013, Pháp quốc mới bỏ luật cấm phụ nữ bận quần tây nơi công cộng. Trước đó, cảnh sát không kiểm soát vụ này, cứ lờ đi. Gặp Việt Nam thì công an làm tiền mệt thở, giàu to. Mình đề nghị Việt Nam ra lệnh phụ nữ bận váy hết là công an giàu to.

 

Khi tranh cử, bà Hillary Clinton vận quần tây để báo cho mọi người rằng nam nữ bình quyền, để nhắc lại sự tranh đấu của phụ nữ nhưng chắc ít ai biết và hiểu vụ này. Chỉ tiếc bà ta không bận quần dài của mấy bà đạo hồi. Ngày nay, mấy bà này thì quần dài không thấy, chỉ thấy trùm từ đầu xuống chân. Chán Mớ Đời 


Biết đâu, 100 năm nữa, ở tây phương, phụ nữ ra đường lại trùm khăn che mặt như phụ nữ ở trung đông ngày nay.


Ở xứ Tô Cách Lan, đàn ông bận váy, thổi kèn ò e. Để hôm nào mình rảnh sẽ kể vụ này. Vui lắm. Khi mình ở Anh Quốc thì khám phá vụ này.


Hồi nhỏ, mình thấy bà Bắc bận váy, còn được gọi là quần không đáy trong khi mấy bà gốc miền Trung hay Nam thì bận quần đen nên thắc mắc nhưng không dám hỏi vì sợ bị người lớn cho ăn tát. Đến khi học việt văn mấy câu ca dao tả thời vua Minh Mạng, bắt phụ nữ, không được bận váy mà phải bận quần.


Lệnh từ trong Huế ban ra,

Cấm quần không đáy đàn bà phải tuân.

Chiếu vua mồng tám tháng ba,

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.

Không đi thì chợ không đông,

Nếu đi thì lấy quần chồng sao đang.

Có quần ra quán bán hàng,

Không quần ra đứng đầu làng trông quan.

Đi chợ mượn đỡ cái quần,

Chồng đành mặc váy che thân ngồi nhà.

Bỗng nghe mõ gọi đằng xa,

Vội vàng đóng khố chạy ra ngoài đình.

Cứ tưởng tượng mình đang làm vườn, bổng nhiên mụ vợ chạy lại kêu cởi quần ra cho bà bận đi chợ. Chim sóc tưởng là bạn chúng, bay lại mổ. Chán Mớ Đời 


Váy và yếm của phụ nữ bắc bộ


Ông thầy kêu là bận váy, không bận quần để nói lên sự bất khuất, không muốn bị đồng hoá bởi người Tàu vì người Tàu bận quần. Người Việt mình cứ lấy cụm từ bất khuất để chia động từ cho tất cả những gì họ làm. Mình nghĩ bận váy vì ảnh hưởng khí hậu nhiều hơn. Ở Bắc Phi, người ta bận Djellaba vì mát chớ không phải vì chống tây chống anh gì cả. Hồi mình ở Ma-rốc, bận cái này mát lắm.


Djellaba của Ma-rốc


Các người thượng vẫn bận váy còn đàn ông thì bận khố. Người Kinh khi xưa chắc cũng bận như vậy, rất sexy. 


Họ kể khi xưa hai bà Trưng ra trận, bận váy chớ đâu có bận quần như mấy cô nữ sinh Trưng Vương. Chán Mớ Đời


Đọc trên mạng, xin trích lại đây:


“Trong các tài liệu chữ nho, nếu viết là quần 裙 có nghĩa là váy vì không có nhữ nho chỉ váy nên mượn chữ quần để thay vào nên gây hiểu lầm; thí dụ như: “trách quần” 窄裙 tức là váy bó sát.; 花裙 váy hoa; 襯裙 váy lót. Vì vậy mà khi tả bà Trưng mặc váy thì viết : « Hồng quần  nhẹ bước chinh yên »

Váy còn gọi là xống, mấn được phân loại váy thành váy kín (váy chui), váy mở, váy đùm (váy buộc túm sau lưng để làm việc), váy đụp (váy vá chằng vá chịt trước sau), váy cạp điều (lưng váy may bằng vải đỏ), váy kép ( hai lớp, lớp ngoài vải mỏng, lớp trong vải thô), váy cửa võng (phía trước trùng xuống với các mép gấp cong), váy quai cồng (váy xắn lên hông lúc làm việc cúi lom khom ngang mông, khi móc cua mò ốc, khi lội qua sông cạn thì phải vén váy lên theo mực nước). Váy của phụ nữ nhà giàu hoặc ở thành thị thì dài tới gần gót chân.” (Hết trích)


Bận váy khi xưa, thời Tây mới sang.


Sơn Đen thời xưa ở Đàlạt Chán Mớ Đời 


Nguyễn Hoàng Sơn 

 

 

 

Bơ-tặc

Mình nghe nói đi máy bay gặp không-tặc, đi vượt biển gặp hải-tặc, đi trên sông Cưu Long gặp cát-tặc, trồng bơ thì gặp Bơ-tặc… Mình chế cụm từ “bơ-tặc”. Dạo này là mùa bơ nên thiên hạ ăn cắp bơ ở các vườn bơ gần thành phố. Tuần vừa rồi, anh chàng quản lý vườn bơ ở RiverSide, nhắn tin kêu; tối qua có đám cắt hàng rào, chui vô vườn, hái trộm bơ của vườn anh ta trông nom, để lại nhiều bao tải đầy bơ. Mấy tên trộm bơ đeo đèn pin rồi hái, có lẻ nhiều quá nên không chở hết hoặc sợ bị lộ nên bỏ chạy, tính trở lại đêm sau.


Luật Cali, nếu chạy xe bị cảnh sát chận lại mà trên xe có nhiều bơ là bị bắt, nếu không phải nhà vườn. Ai vào vườn mình hái đem về mà bị cản sát chận hỏi thì đừng có gọi em nhé. Sẽ không trả lời. Hái ít sẽ không bị bắt. Chán Mớ Đời 

 

Tuần trước, mình đi vòng vòng vườn, thấy thiên hạ dấu mấy thùng dưới gốc cây. Điểm vui là họ đem theo giấy vệ sinh trong mấy thùng. Chắc trước đây, sợ bị bắt gặp nên són trong quần. Chán Mớ Đời 

 

Hình chụp từ vườn mình sau trận mưa, thấy núi Badly phủ tuyết, nơi khi xưa gia đình mình hay đi trượt tuyết

Vườn mình thì phân nữa ráp gianh với 2 khu chung cư và phân nữa là khu đồng trống, công viên của tiểu bang, thiên hạ đi dã ngoại về, ghé vườn mình, hái bơ về ăn. Có lần mình thấy 2 bao tải đầy bơ, dấu dưới đám lá cây. Có lẻ họ thấy mình nên lo sợ, bỏ chạy, dấu dưới lá cây hay làm việc ở đâu gần đó, chiều đi làm về ghé lấy.

 

Có lần vợ mình bắt gặp một tên hái trộm, hắn kêu “it’s my lunch” khiến đồng chí gái giật mình. Khi mình mua cái vườn thì chả thấy cổng rào gì cả. Chủ trước chả làm gì nên mình làm cái cổng thì thiên hạ chửi thề vì không vào được nữa nhưng lại có ngỏ khác để vào. Họ vẫn đi băng qua vườn mình, rồi kêu đi lộn. Nhiều khi thấy vài tên chạy xe đạp leo núi, chạy như điên qua vườn mình nên làm cái cổng phía bên kia nữa thì hết thấy thiên hạ, đi qua vườn.

 

Phần còn lại là phải làm hàng rào. Vấn đề làm rào thì chúng vẫn cắt dây Kern gai để chui vào nên mình chơi xương rồng nhưng trồng chưa xong vì phải đợi lớn lên một chút rồi cắt để trồng tiếp.

 

Phía ngoài vườn, nơi vòng đai thì mình trồng cây xương rồng chưa phủ hết và cây còn nhỏ. Một khi lớn cao thì hết sợ thiên hạ bò vào vườn, vì phải chặt cây xương rồng.


Ông mỹ nuôi ong ở vườn mình, kêu mua tấm bảng cảnh báo là đạn dược lên giá nên sẽ không có bắn chỉ thiên

Phía các chung cư thì mình trồng cây tequila gai gốc cho đẹp hơn nhưng cũng phải đợi chúng lớn lên.

Cuối cùng mình và ông nuôi ong làm một cái cổng hậu nên thiên hạ không đi vào vườn nên dạo này, không thấy ai đạp xe đạp chạy nhanh như điên vào vườn hay đi bộ. Bơ-tặc vẫn còn nhưng không gặp. Năm nay thất mùa nên trái cũng ít. Tuần rồi con trai vào vườn hái 2 tiếng, bán được $150 nên chắc tuần này sẽ vào lại. Hôm qua, mình đi bộ lại chỗ thằng con hái, thấy đâu 30 quả bơ. Không biết nó hái rồi quên đem về hay ai đó hái rồi bỏ lại. Có cô cháu gái cũng vào hái bán.

Ngược lại thì những người vô gia cư, khi xưa ngủ trong các hang đá nay biến mất. Nhờ họ mình khám phá ra luật rừng xanh. Nơi họ ngủ thì họ đi tiểu trước hang động vì các thú hoang, hay tè ở những nơi chúng muốn làm nơi chúng ở hay nghỉ ngơi. Chúng rất tôn trọng giang sơn của các thú khác.

Nói chung bị bơ-tặc thì đành chịu những nếu tìm cách làm giảm đi thì tốt hơn. Tranh cãi lại gây thêm phiền phức. Mình có súng nhưng không đem theo, chỉ đem vào mùa hè khi rắn bò ra. Đợi các cây xương rồng mọc lên đầy thì hết lo.

Anh chàng Mễ, làm quản lý nông trại bơ gần mình, mới nhắn tin cho hay; bơ tặc đã viếng anh ta đến 5 lần từ 3 tuần lễ na. Hôm nay, cảnh sát có đến làm biên bản nhưng chả đi về đâu.

Nguyễn Hoàng Sơn 


Ganh-tị hay Ganh-đua?

Có dạo đọc được một tin về một cô gái trẻ ở Việt Nam, làm đám hỏi với một ông chồng mỹ giàu trên 70 tuổi. Hình ảnh chụp thấy hai người có vẻ hạnh phúc, chìm đắm trong mối tình hữu nghị Việt-Mỹ, sông liên sông núi liền núi nên nhấn Like.

 

Theo mình hiểu; họ gặp nhau qua mạng, rồi ông mỹ bay sang Việt Nam, để trực diện, đả thông tư tưởng rồi ông ta quyết định, hỏi cô này làm vợ nên mướn khách sạn 5 sao, làm lễ đính hôn hoành tráng. 

 

Đọc xuống phần ý kiến đọc giả thì mình hoảng hồn. Thay vì chúc phúc cho cặp vợ chồng son, toàn là những ý kiến tiêu cực, chửi tùm lum, kêu còn này lấy chồng để được đi mỹ,….rồi có giấy tờ xong là đá đít thằng chồng ngu dại,…


Có ông thần nào, hay đọc bờ-lốc của mình, gốc Đàlạt, cựu học sinh Adran, đi lính rồi đi tù, nay 72 tuổi, khoe lấy vợ trẻ có 30 tuổi và thằng con 6 tuổi. Mình không thấy ai lên án cô vợ của ông này, lại kêu “chồng già vợ trẻ là tiên”. Khi nghe ông thần kể cô vợ trẻ sinh sau 4 thập niên, mình chúc phúc ông ta. Xong om

 

Cả 100 năm trước, mấy ông như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Khôi hay sau này nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đều có nêu ra những khía cạnh tiêu cực của người Việt. 100 năm sau, tưởng khá hơn nhưng có lẻ còn te tua hơn.

 


Mình chợt nghĩ có lẻ là ảnh hưởng giáo dục của người Việt mình. Điển hình, khi xưa ông cụ mình hay la mình, kêu sao học ngu, sao mày không xem gương thằng A con ông Năm, thằng B con bà Sáu,… tự nhiên mấy thằng này, trở thành đối tượng căm thù, ganh tị của mình. Tương tự như ngay này, cô giáo dẫn học sinh đi thăm bia “căm thù” dù chưa biết căm thù ai nhưng cứ bắt, dạy học sinh căm thù cái đã.

 

Thay vì khuyến khích con mình, chịu khó, cố gắng học hành, như mấy thằng bạn, lại kêu bú cu thằng A, hốt cứt cho thằng B. Điều lạ là mình sinh con mình ra chớ có phải chúng muốn sinh ra đời đâu mà trách chúng học dốt hay ngu.

 

Bố mẹ la con vô hình trung lại biến những đứa con hàng xóm, bạn học, trở thành những kẻ thù của con mình. Nhớ dạo thằng bạn thân của con mình, được tuyển học chương trình GATE, học được 1 tuần, thằng bé bỏ chạy, về trường cũ học. Lý do là mấy đứa học sinh Mễ, ghét đám lớp GATE nên ra chơi là đè đầu khệnh thằng bé.

 

Ngược lại ở hải ngoại, người ta khuyến khích con họ, làm không được thì họ nhỏ nhẹ, kêu “you can do it”. Người ngoại quốc được nuôi dưỡng trong tình thương, trong sự khuyến khích. Chúng ta thấy các trẻ em khuyết tật, được chăm sóc kỹ lưỡng, không như ở Việt Nam, các gia đình giấu như mèo giấu cứt.

 

Người Việt mình có cái tính là thích nổ, muốn làm Thánh Gióng, Phù Đổng nên cứ mơ qua đêm là con mình trở thành một thần đồng, một Phù Đổng, cháu ngoan của bác. Chán Mớ Đời 

 

Đọc ở đâu, có ai kể “Cua Việt, Cua Mỹ”. Ông mỹ và ông Việt đi câu cua. Ông Mỹ câu được cua thì bỏ vào thùng, đậy nắp lại chắc chắn để cua khỏi bò ra trốn, trong khi ông người Việt không đậy nắp. Tò mò, ông mỹ hỏi; ông mít trả lời cua việt, chúng ganh tị nhau, không muốn đứa nào bò ra khỏi thùng cả. Đứa nào leo lên thì chúng kéo lại. Xong om

 

Mình nhớ hồi còn độc thân, vào nhà người Việt, thấy họ treo cúp thể thao, bằng thưởng đủ trò khiến mình cảm phục, tưởng con họ học giỏi, chơi thể thao hay,…nên khen họ nức nở đến khi mình có con thì mới khám phá ra tinh thần khuyến khích trẻ thơ của người Mỹ.

 

Con gái mình chả thích đá banh. Cho nó vào đội banh, banh chạy đầu này, thì nó chạy đầu kia. Banh lăn về phía nó thì nó chạy trốn. Cuối mùa, vẫn được cúp, giải thưởng bú xua la mua. Sau này, con chơi thể thao, học hành mà có cúp thì cứ để trong phòng chúng cho chắc ăn, tránh thiên hạ cười, hay khen bá vơ. Cho nên bây giờ mới có nhiều Fake News. Chán Mớ Đời 

 

Trong nhà, bố mẹ hay thương những đứa nào học giỏi, được hàng xóm khen, còn mấy đứa học ngu, xấu, bị tật nguyền là xem như không có kí-lô nào cả. Vô hình trung tạo nên sự đố kỵ giữa anh chị em, khiến anh chị em bất hoà.

 

Trong lớp cũng vậy. Tên nào học giỏi thì được thầy cô khen thưởng còn học dốt như mình thì cứ kêu ngu như bò, không đếm xỉa đến. Chán Mớ Đời 

 

Hồi nhỏ nghe người lớn nói: người Việt trọng người có học, nể người có tiền và sợ người có quyền. Mấy người có chút quyền hành la lối, áp đảo người cô thế. Nghe kể về mấy ông lý trưởng, bá hộ xem thường tá điền, chánh tổng trong làng hét mánh thiên hạ... Có lẻ vì vậy mà người Việt ghét những người có quyền, học giỏi hay giàu hơn mình, sinh ra tính đố kỵ, ganh tỵ muôn đời.

 

Đọc truyện của Nguyễn Công Hoan thì đa số những nhân vật giàu có, có quyền, có học trong xã hội phong kiến xưa, khinh bỉ, hà hiếp kẻ thua kém mình nên có lẻ vì vậy mà người nghèo, ít học đố kỵ, ganh ghét, nghi ngại kẻ hơn mình.

 

Thấy người nào giỏi, thay vì chúng ta cố gắng học tập, ganh đua như người ngoại quốc làm, để bằng họ hay giỏi hơn, chúng ta chỉ cần lôi tên nào giỏi hơn mình xuống như mấy tên học sinh Mễ, đánh thằng bạn của con mình. Thằng này có cái tội là học giỏi. Xong om


Lâu lâu đọc còm trên mạng, thấy thiên hạ chửi nhau mút mùa lệ thuỷ. Có người bỏ công ra viết một bài. Nếu mình không thích thì thôi, ngưng đọc. Đây lại còm là viết như cứt, không có đầu có đuôi.


Mình tham gia hội Toastmasters, hàng tuần, phải nói chuyện trước công chúng. Các người trong hội, có tinh thần xây dựng, họ phê bình bài diễn văn mình rất nhẹ nhàng, khuyên mình nên cố gắng lần tới, để ý đến phần này, phần nọ. Cách phê bình của họ rất xây dựng. Cứ tưởng tượng một nhóm Việt Nam họp mặt là chửi nhau.

 

Năm vừa rồi, mình có giúp Bút Nhóm Lửa Việt trong chương trình Masks Save Lives và Mục Vụ Không Biên Giới. Mình cảm nhận người Việt rất hăng hái, gửi tiền giúp đỡ chương trình. Các anh chị may, làm khẩu trang, diện trang hay gửi tiền về giúp đồng bào, nạn nhân bão lụt. Qua mấy chương trình này cho thấy người Việt có lòng vị tha, thương người bất hạnh. Xin nhắc lại “thương người bất hạnh” hơn mình với tinh thần lá lành đùm lá rách.

 

Câu hỏi là người Việt chúng ta thương người bất hạnh, thua kém mình nhưng lại ghét kẻ giỏi hơn mình. Đó là câu hỏi mình đi tìm từ thời còn ở Việt Nam đến nay, vẫn chưa tìm ra đáp số.

 

Khi mới sang Hoa Kỳ, điều mình nhận thấy là người Mỹ rất ưa chuộng thể thao. Sống lâu hơn thì thấy họ thích thể thao vì họ thích ganh đua. Tinh thần chuộng thể thao, giúp tinh thần ganh đua do đó, xã hội của họ mới tiến bộ được. Nếu Bill Gates và Steve Jobs không ganh đua thì chúng ta không có điện toán như ngày nay.

 

Trở lại vụ ông mỹ già làm đám hỏi với cô mít trẻ hơn 40 tuổi. Mình có anh bạn kể,; quen mấy cô người Việt, gốc Hà Nội. Lấy chồng Mỹ già, có tiền, sang đây rồi ly dị. Mấy ông chồng mỹ già trả tiền nuôi ăn. Mấy cô chuyền nhau các ông Bồ mỹ già, sống thoải mái ở New York.


Chỉ có vài cá nhân, cho nên chúng ta không nên vơ đũa cả nắm. Có lẻ chúng ta nên khuyến khích người Việt ganh-đua. Khi ganh-đua, chúng ta nghiên cứu đối thủ, học hỏi cách họ luyện tập, hay tìm cách để vượt qua đối thủ thì sự ganh-tỵ sẽ biến dần.

 

Còn tiếp 

 

Nguyễn Hoàng Sơn