Tết 2018

Tết 2018

Năm nay, ngày tình nhân và Tết cách nhau có 1 ngày, đồng chí gái phải đi công tác ở gần thủ phủ Cali nên cả nhà ăn Tết sớm hơn, trước khi đồng chí gái bay lên miền bắc. Đêm 30, thằng con từ San Diego về, hai cha con cúng giao thừa, con gái thì đang theo học ở Hương Cảng cho tới tháng 6, có lẻ sẽ đi thực tập ở Thái Lan hè này.

Sợ vợ buồn nên mình bay lên Bắc Cali thăm, rồi cuối tuần đi thăm bạn bè và bà con. Có hai người bạn Yersin lại chạy xuống miền nam Cali nên mình để mật ong và trái cây của vườn trước nhà cho người bạn đến lấy còn họ lại cho mình chai nước mắm Lăng Cô, Madze in Hoa Kỳ. Từ 2 năm nay, mình chỉ ăn nước mắm Lăng Cô này, có chất đạm, protein (cá) vì nước mắm mua ở tiệm Việt Nam chỉ có toàn là Sodium, muối (coi nhãn hiệu). Ngon cực. Nhiều khi cứ nhớ thời xưa, nấu nồi cơm rồi chan nước mắm Lăng Cô ăn ngon như thời sinh viên đói rách. 

Anh chàng làm nước mắm Lăng Cô theo công thức gia truyền kể khi xưa, các người chài lưới, trước khi ra khơi đến tiệm của Mệ Ngoại anh ta, mua chén nước mắm của Mệ Ngoại làm rồi nuốt cái ực, cho ấm vì có sodium. Người Việt mình ăn cơm chan với nước mắm vẫn khoẻ vì trong nước mắm có chất đạm do cá bị huỹ, còn ngày nay người ta làm nước mắm bằng muối và hoá học, tạo mùi thơm của nước mắm. Đọc công thức của nước mắm chỉ thấy sodium, không thấy amino acid (chất đạm). Nghe nói phòng thứ nghiệm của đại học Davis, khám nghiệm là có đến 63% amino acid trong nước mắm của anh ta.

Cuối tuần, nhắn tin Em là Con Gái Trời bắt Chảnh, xem cô nàng có rảnh thì ghé thăm nhưng cô nàng kêu bận gặp mấy người bác sĩ mới quen nên hai vợ chồng chạy lòng vòng chơi trước khi đến nhà Tóc Gió Thôi Bay. Anh chàng này nhân tiện lễ tình nhân và Tết, tổ chức ăn Tết văn gừng ở nhà, trang trí nhà cửa rất là Tết và yêu thương. Anh chàng thì yêu văn nghệ, còn cô vợ thì tính chuyện làm giàu.

Lâu lắm rồi mới thấy lại món chả thủ, dưa hành vì lấy vợ gốc Huế. Khách mang đồ ăn đến, đa số là mua ở tiệm nên không ngon như Em là Con Gái Trời bắt Chảnh, tự làm. Quán ăn miền bắc Cali, đắt hơn miền nam nhưng không ngon bằng. Ngồi chơi một tị thì Tóc Gió Thôi Bay kêu các cựu học sinh Văn Học lên sân khấu hát bản nhạc “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của TCS, để gửi cho Em là Con Gái Trời bắt Chảnh.

Đồng chí gái kêu buồn ngủ quá nên không dám theo chủ nhân tiệm Ô Mai đi chơi. Hai vợ chồng lái xe về khách sạn ở Fremont xa lắc, xa lơ. Theo dự định sẽ gặp bạn của đồng chí gái tối chủ nhật ở Fremont, nên mình đặt khách sạn ở Fremont để tối về cho gần. Nhưng đã có vợ thì phải hiểu phụ nữ họ thay đổi nhanh chóng, giờ chót đổi thay nên lái xe mệt thở.

Hôm sau, ra phố Việt ở San Jose, phải chạy xuống lại, gặp bạn đồng chí gái, ăn phở Hà Nội. Mình chạy qua khu siêu thị Wal-Mart đậu xe rồi đi bộ qua phố Việt dù biết vợ mang giày cao gót, vào khu phố Việt đậu xe thì chắc đợi lâu. Ăn phở xong, hai vợ chồng người bạn rũ đi chùa Tâm Từ ở miền nam Cali, gần vùng trồng tỏi. Nghe nói kỹ nghệ trồng tỏi của mỹ tại đây bị tỏi madze in Trung Quốc, đánh xập tiệm vì giá quá rẻ. Vào chợ lại phải kiếm tỏi nào có râu thì mua vì tỏi Trung Quốc đã lột sẵn và được tẩy trắng. Kinh hoàng.

Chùa này được toạ vị trên 2 mẫu đất, khi xưa được dùng làm nơi trông cây bán, dấu tích mấy cây olive còn trơ trọi, đào và cherry thì trỗ bông báo hiệu mùa xuân đang về. Khung viên chùa được trang bị cây cối, và những dấu tích của Việt Nam ngày xưa trong ba ngày Tết, như các cầu khỉ, thuyền ghe trên sông lục tỉnh, các quán bán dưa hấu, các bếp núc nấu mấy nồi bánh tét giả, họ lấy ống nước, cưa ngắn rồi lấy lá chuối gói lại như bánh tét thường, các lồng để úp mấy con gà mái, mấy cái lò đất với những cái tộ để kho cá hay thịt kho.

Tạo dựng lại những hình ảnh xưa cũ để giải thích cho con cháu sinh tại Hoa Kỳ, có chút gì khái niệm về thế kỷ trước bên kia bờ đại dương. Đồng chí gái và cô bạn leo lên ghe để nhớ lại thời vượt biển, bắt mình đạp xích lô để chụp hình trong khi một cô đi chùa tự hỏi, khi xưa mình đi xích lô, không có ai chụp hình. Đồng chí gái mang giày cao gót cũng lăng xăng, vác đòn gánh, gánh sen khiến mình nhớ đến thời xưa, đi gánh nước mệt bỏ mạng.

Điều mình ngạc nhiên nhất là có phong trào bận áo dài, ngay cả thanh niên cũng bận áo dài, thêu đủ trò, madze in Việt Nam, bận bú xua la mua. Đồng chí gái có mua cho mình một cái, bắt bận chụp hình rồi cất ở đâu rồi. Ngày xưa mình mê áo dài, lấy vợ tưởng vợ bận áo dài nhưng cô nàng nhất quyết không. Ngày nay thì lại đi mua bận, trong tủ áo ngày nay có cả tá khiến mình tá lả. Chụp hình nư rồi thì lại đi gặp mấy người bà con của đồng chí gái.

Áo dài ngày nay rực rỡ nên người ta chỉ thấy áo, không thấy khuôn mặt của chủ nhân, đánh mất cái dáng “tay ôm tập vỡ, áo dài tà bay”. Ngày xưa, áo là cây lá xanh để tạo thêm nét đẹp, hình ảnh của đoá hoa khuôn mặt còn nay thì ngược lại. Nghe nói học sinh gốc Việt, thích bận áo dài, tự hào về truyền thống của người Việt nên đáng mừng.

Đồng chí gái hẹn với mấy người bà con tại khu Đại Thế Kỷ. Trước khu thương mại này, họ đốt pháo như điên, mình chưa bao giờ thấy xác pháo ngập lối như vậy. Mỗi lần anh nào đốt bánh pháo xong thì bảo vệ đem nước đến dập tắt ngay, sợ cháy xác pháo. Trước cửa vào Đại Thế Kỷ thì mấy bàn bầu cua, tài xỉu đầy. Lang thang vào khu này, đi ngang tiệm Ô Mai của cựu học sinh Văn Học, không thấy cô chủ nên vào tiệm Sàigòn Kitchen ăn tối. Cô chủ nhắn tin, mời đi ăn tối với cô nàng nhưng xin hẹn lần sau. Ăn xong lại phải chạy về Fremont. Chán mớ đời.

Hôm sau, mình ghé thăm người dì, em của bà cụ rồi đi thăm gia đình chú Phấn, chủ tiệm thuốc tây Minh Tâm, ở đường Duy Tân khi xưa. Vợ chồng chú Phấn, là bạn tù cũ với bà cụ mình khi xưa, thời con gái. Cô Phấn và bà cụ mình ra tù cùng ngày. Cô Chú về Việt Nam, lặn lội lên Đàlạt, thăm bà cụ mình. Hôm trước có vợ anh bạn cũ Yersin, gửi hình chụp với bà cụ mình. Từ Sàigòn lên, họ ghé ra chợ để hỏi địa chỉ nhà mình để tới thăm bà cụ. Lâu lâu có bạn học của đồng chí gái, ghé Đàlạt cũng ghé thăm, thắp hương cho ông cụ mình khiến mình ấm lòng.

Dạo gia đình chú Phấn, vượt biển, đến Pháp thì mình được ông chủ nhà hàng Cẩm Đô, bác của Hùng Con Cua, báo tin, có ghé thăm gia đình chú ở trại tỵ nạn, nay 40 năm sau mới gặp lại ở Hoa Kỳ. Năm ngoái, hội ngộ Yersin thì có gặp hai người con gái của cô chú. Một cô cắc cớ hỏi lý do biết được tên cúng cơm của cô nàng. Mình chỉ mại mại nhớ là khi xưa tết có đến nhà với ông bà cụ, nghe gia đình kêu tên cúng cơm. Cô chú kể, gặp bà cụ mình thì cô Phấn hỏi, khi xưa ai khai chị ra để bị bắt thì bà cụ kêu “em chứ ai”. Vào bót, Tây nó đánh đau quá thì phải khai. Chú Phấn nói dạo ấy, xếp bút nghiên đi kháng chiến vì không theo họ thì được xem là Việt gian, sẽ bị họ giết như trường hợp ông cụ mình, bị du kích ở làng, bao vây nhà ông bà nội mình ban đêm để giết. Đi theo kháng chiến, bị tù rồi chú bị đưa ra Hà Nội, ở Hoả Lò thêm 2 năm mới được thả về năm 1953 rồi đất nước bị cưa đôi.


Chú kể là đang ở tù Hoả Lò, nghe đài báo tin đội tuyển túc cầu Cao Nguyên Trung Phần thắng đội tuyển Hà Nội 2-0, do trung phong Bửu Ngự, cháu ông Ưng Quyền, hàng xóm nhà mình khi xưa đá vào. Mình nhớ chú Ngự, khi xưa đá cho đội lão tướng Đàlạt, đá phạt góc, gió thổi lọt vào gôn luôn. Từ năm 2000 đến nay, mình không gặp lại từ khi gia đình chú sang lại tiệm Thanh Nhàn ở Bolsa.

Chú Phấn kể về Bót Catinat, ở Sàigòn, nơi mà các người tình nghi chống tây bị bắt, đều được đem vô đây tra khảo. Hai căn phố này khi xưa là kho bạc và kho thuế, nằm ngay vương cung thánh đường ở đường Catinat cũ nên thiên hạ hay kêu, bên cạnh thiên đường là địa ngục (bót cảnh sát Catinat). Sau này một căn được sử dụng làm bộ nội vụ của VNCH. Mình có vào đây, mất 6 tiếng đồng hồ, không ăn uống để làm sổ thông hành đi Tây. Con cháu cô chú đều ăn nên làm ra nên cũng mừng cho cô chú. Bà cụ mình bà con với bà Võ Quang Tiềm còn cô Phấn là cháu của ông Võ Quang Tiềm nên có chút tình thông gia thêm đi tù thời xưa với nhau. Bà cụ kể là khúc đường Duy Tân và Minh Mạng, bị bắt khá đông.

Vợ chồng Chú, khi xưa còn trẻ đi tù rồi sau này lấy nhau. Chú dạo ấy có làm thơ một bài về Mẹ khiến Thiếm cảm động nên chấp nhận cho chú đăng ký quản lý, nói như ngày nay là biểu thị một tình yêu giai cấp tù nhân. Có lẻ chú là người sinh trưởng tại Đàlạt mà mình biết ở thế hệ bố mẹ mình, đa số là từ các nơi về lập nghiệp. Đường vào khu nhà của gia đình chú, thấy đầy hoa đào đang nở rộ, làm nhớ Đàlạt ngày xưa. Xem lại thì vùng bắc Cali, người ta trồng nhiều cây đào, miền nam thì thấy cây dừa nhiều.

Hai vợ chồng chạy lên thung lũng Napa, nổi tiếng trồng nho làm rượu của Cali. Chạy vào một trang trại trồng nho, họ đòi $60 để ăn phô mát nếm rượu nên hai vợ chồng chạy dài vì muốn đi viếng cách làm chớ không uống rượu. 

Ăn sáng xong, đồng chí gái đi làm còn mình vác xe chạy viếng Công ty nấu bia Budweiser rồi chạy vào Grizzly Island, vùng giao thoa giữa sông và vịnh San Francisco. Phong cảnh làm mình nhớ vùng Camargue, Pháp. Xa xa thấy mấy 100 cái quạt gió tạo năng lượng xanh, dài mấy chục dặm, cảm tưởng mình Don Quichotte, thay vì cởi lừa thì lái xe. He he he.

Về khách sạn xem đá banh thì nhận email của cô bạn đầm khi xưa mà trên 30 năm không gặp. Nay đã là bà ngoại, bà nội. Chóng thật. Để xem năm nay đi Âu châu, có gặp lại cô này được không. Nếu không thì năm sau cô nàng sang cali.

Xong om
Nhs

Cái đuôi ngày xưa

Cái đuôi ngày xưa

Mấy hôm nay trong lòng Ả rất chộn rộn vì đám con gái học chung lớp, đồn rằng ả đã có cái đuôi, theo ả mấy ngày nay khi đi học về. Ả hỏi chúng nhưng ai nấy đều câm như hến, cười rú lên như chọc tức ả, biểu thị tính ganh tỵ nhau của đám nữ sinh. Ả tò mò không biết cái đuôi là ai, dù bố mẹ kêu chú tâm vào học hành bài vở vì năm nay thi tú tài nhưng sự tò mò vẫn cứ đeo đuổi ả một cách vô hình.

Mỗi ngày ả đi học về, đều đi chung với con Thu học chung lớp, ở cùng xóm. Một hôm trên đường về nhà, linh tính ả cho biết có ai nhìn theo sau nên khẻ hỏi con Thu, xem ai phía sau nhưng con này có cái bệnh cận thị, không nhìn xa được nhưng không dám đeo kính ngoài đường, chỉ đeo trong lớp nên khi nó quay lại thì mọi vật đều mờ mờ ảo ảo như một bức tranh thuộc trường phái ấn tượng. Chán mớ đời.

Kể từ hôm ấy đến trường, leo lên mấy thang cấp, ả không dám đi nhanh vì sợ cái đuôi cho là ả có cái số gian nan, đi đứng hấp tấp không giàu nên cố gắng bước nhẹ nhẹ lên mấy thang cấp của trường Văn Học. Ả nhẹ nhàng cầm cái vạc áo dài trước, tay kia ôm nghiêng tập vở, đếm từng thang cấp. Phía sau từ quán Bà Cai, đám nam sinh la hét om xòm, khiến ả có cảm tưởng chúng reo hò khi thấy dáng ả rụt rè leo thang cấp.

Về nhà, học bài nhưng ả cứ nghe cái băng cassette Shotgun, có bài Ngày xưa Hoàng Thị do ca sĩ Thái Thanh hát. Ả nghe đi nghe lại bài này suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi cứ thấy ả như Hoàng Thị Ngọ, tay ôm tập vở, bay lơ lững trong gió trong khi cái đuôi, một Phạm Thiên Thư của Văn Học, lò tò theo sau dù đã quá 12 giờ trưa trên con đường Hai Bà Trưng, lầy lội, mỗi lần xe chạy ngang, bùn bắn bay ngập trời.

Tối đến, khi đi ngủ, nằm trên giường, Ả cố hình dung xem ai là cái đuôi. Tên Trần  Văn Thanh ư, không tên này tuy cao ráo nhưng lại đeo cặp kính cận to như hai tổ ong. Lê Công Vui? Không, tên này có cái tên vui nhưng cứ lầm lầm lì lì, ít nói. Nguyễn Bá Tánh? Không được. Tên này đẹp trai nhưng lại học dốt, cứ ăn số không, cuối tháng bị thầy CBA, kêu vào văn phòng đánh roi mây,….. Rồi ả ngủ thiếp đi trong mộng mị của đời thiếu nữ, tuổi còn mơ còn mộng…

Hôm nay con Thu không đi học, ả đi học về một mình, lo ngại không biết cái đuôi có theo dõi hay không, lại sợ lỡ hắn bạo mồm đi bên cạnh để dê Ả thì chết. Chắc Ả sẽ như cô bé đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, khẻ kêu Em còn bé lắm anh ơi, nam mô a di đà, nam mô a di đà.  Ả đang miên man lo nghĩ đến những mộng mị đời thiếu nữ thì phẹc, ả đạp nhầm bãi cứt chó. 

Ả dừng lại bên đường, đưa chân chùi chiếc guốc vào bãi cỏ bên đường. Con chó bà Rị, từ đâu chạy lại, như đánh mùi nên cứ phe phẩy cái đuôi. Ả cố đuổi đi nhưng con mực này trường kỳ kháng chiến, chu cái mõ, ngửi chiếc guốc của ả rồi lắc lắc cái đuôi thân thiện. 

Họa bao giờ cũng đến dồn dập. Đúng lúc ấy thì thằng Trần Văn Nhí, học chung lớp, từ đâu xuất hiện, đứng lại bên ả rồi nói nho nhỏ gì ả không nghe rồi tay đưa cho ả Lá thư. Ả hồi hộp, cảm động không ngờ cái đuôi là tên này. Ả đã từng để ý đến hắn hồi đầu năm, hắn từ trường Trần Hưng Đạo sang, mặt mũi sáng lựng, học giỏi nhất là toán. 

Ả ríu ríu trong mồm, kêu không nhận vì bố mẹ ả khó lắm. Nếu biết được sẽ la rồi kêu ông bố nện cho một trận thì khổ. Tên Nhí này nằn nì nhưng ả cương quyết, đấu tranh tư tưởng, khắp phục không nhận thư để cho hắn biết không phải dễ cua được ả để bảo vệ lập trường con gái nhà lành. 

Tên Nhí dúi vào tay ả Lá thư rồi kêu cảm ơn nhé rồi bỏ chạy. Ả đang phân vân trong khi con mực cứ ngoắc đuôi rồi gầm gừ. Ả dơ chân lên xem chiếc guốc đã sạch chưa rồi xem bức thư. 

Tên người gửi: Trần Văn Nhí
Người nhận: Lê Thị Anh Thu

Chán mớ đời

Đinh Anh Quốc

Đinh Anh Quốc

Hôm trước tên 2B, gửi hình bà nào, kêu là vợ một tên bạn học cũ tại Đàlạt mà mình không nhớ tên. 2 B này tự vỗ ngực, kêu là mấy chục năm nay, không ăn sáng nên thông minh, may bà chị i-meo lại kêu là Đinh Anh Quốc, lúc đó mới nhớ đến tên bắc kỳ, má hồng như gái Đàlạt, khi xưa ở đường Phan Đình Phùng, ngay góc Cẩm Đô, đối diện nhà bác sĩ Đào Huy Hách, cạnh tiệm giày Hồ Út.

Khi xưa, đi học mình chỉ nhớ hai tên mang tên Quốc; Lê Việt Quốc, nhà trong Hoàng Diệu, nay nghe nói đang ở Vancouver và Đinh Anh Quốc mà mình hay kêu Nail England. Có dạo, lên Giáo Hoàng Học Viện, gặp ông cha Leahy, người Gia Nã Đại, mình tình cờ quen khi đi tắm ở hồ Đa Thiện, Thung Lũng Tình Yêu. Ông này bơi ra giữa hồ rồi nằm yên trên hồ không nhúc nhíc mà không chìm nên mình tò mò hỏi. Ông ta hỏi tên nó có nghĩa là gì, mình dịch phăng ra Nail England còn hắn thì có nhiều tên gọi là Đinh Đóng Guốc.

Tên này thì nhớ vì khi xưa hay ghé nhà hắn chơi. Hắn học Yersin, sau này qua Văn Học, học lớp 12 C còn mình thì 12 B. Có học chung vài môn chung như Pháp văn, Anh văn, sử địa,.. Hình như nhà hắn là có tiệm hớt tóc thì phải, lâu ngày nên không dám chắc, tên Như Ý. Mình hay ghé lại nhà hắn để chơi đánh cờ tướng hồi nhỏ. Hắn cứ ăn mình hoài nên chán đời, bỏ chơi cờ bạc từ đó. Xét ra tứ đổ tường thì mình chỉ còn mê đàn bà.

Ông cụ mình có dạo cũng hay ghé lại nhà hắn đánh cờ tướng với ông nội hắn. Hình như ông cụ chơi với toàn dân bắc kỳ thì phải. Có lẻ vì vậy mình hay chơi với hắn hồi nhỏ. Ông nội hắn là xếp Ngự Lâm Quân của ông cụ.

Về Đàlạt, mình có ghé lại nhà hắn tìm gặp nhưng cửa đóng, khoá như sợ ăn trộm. MT có nói với mình là hắn đã đi nước ngoài dù làm ăn khá nhưng được gia đình bảo lãnh nên dọt. Ở Yersin, hắn học chung với MT, ngồi sau bàn cô nàng, sau 75 có gặp nhau ở Vũng Tàu khi làm cho khách sạn nào đó.

Có dạo mình hay lên Giáo Hoàng Học viện mỗi thứ 4, ở cạnh sân cù để thực tập anh ngữ với ông linh mục người Gia Nã Đại. Có lần gặp hắn nên rũ đi chung. Gặp ông cha, nổi hứng hàn lâm hỏi động từ ở đâu, trước hay sau tỉnh từ,.. Hai thằng chim dế bay theo cánh cò hết. Thuộc dạng ngu lâu dốt sớm, phải bỏ trường tây chạy qua trường việt là thành phần vừa dốt tiếng tây vừa dốt tiếng ta mà ông này hỏi những câu khó trả lời, vượt quá tầm nhìn cờ lờ mờ vờ của nông dân. Tên Quốc ra về, kêu: “xin lỗi chúng mày, cho tao chửi thề một phát. Địt M. Thằng tây này tiếng Việt giỏi quá”. Sau đó thì hết thấy hắn đòi lên thăm ông cha Leahy. Sau này khám phá ra hắn, dạo ấy phát hiện ra một Lá Diêu Bông học Văn Khoa, viết thư tình đình đám lắm nên ít thấy dây dưa với mình, thằng chưa biết yêu.

Mình thích hắn vì tính hài hước là cứ trước khi hắn chửi thề là xin phép bạn bè trước chớ không như Sơn Đen cứ mở mồm ra là chửi mệt thở cờ lờ mờ vờ. Bổng có mấy năm trời mình không còn gặp hắn, sau này qua Văn Học thì gặp lại nhau, mới khám phá ra hắn đánh cờ tướng rất hay, nhất là có màn đánh tây ban cầm cổ điển.

Dạo 12 B và 12 C tổ chức văn nghệ, bán chè thì tên này vác đàn lên đánh rồi có thầy Thạc, cũng đem đàn ra đánh. Mình chỉ nghe kể thầy Thạc và Đổ Đình Phương là hay tay đàn tây ban cầm cổ điển giỏi nhất Việt Nam. Sau này ở Hoa Kỳ mình có đi nghe Đổ Đình Phương đánh nhưng không bằng thằng Tadei, người nhật mà mình gặp ở Sevilla, Tây Ban Nha. Tên này, không biết tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha nhưng vẫn mò qua Tây Ban Nha học đàn. Có dạo mình mò lên Youtube thì thấy ông thần này, nổi tiếng về Flamenco và cổ điển ở Nhật. Hôm ấy thầy Thạc nói là đánh một bản cổ điển dễ nghe nhưng mình chả hiểu gì cả. Hôm ấy là lần đầu tiên mình nghe được nhạc cổ điển khác ngoài bản Romanza mà tên nào học đàn cũng khỏ khỏ bưng bưng.

Hôm ấy tên Quốc chơi bản Romanza espagna của Ferdinando Carulli mà ai tập chơi tây ban cầm cổ điển đều tập theo cuốn sách tự luyện Tây Ban Cầm của ông ta. Đánh xong bản nhạc này mấy cô xem hắn chơi nức nở, mình để ý có nhiều cô kết hắn nhất là Kim Chi, 12C. Mình chỉ biết u chầu, u chầu. Ông Carulli, người Ý, gốc Napoli, đánh đàn khiến thiên hạ mê, bò đến Paris lập nghiệp rồi lấy bà đầm nào rồi chết tại đây. Sách của ông ta dạy đàn tây ban cầm trở thành kinh thánh của những ai mới học đàn.

Hôm qua, nhận được i-meo qua Chị Cả chuyển lời của vợ Quốc, xin số điện thoại mình. Mình có gửi lại thì đâu 10 phút sau thấy có số vùng Virginia gọi. Hoá ra Mít tờ Nail England. Mừng gặp lại bạn một thời chơi, đấu láo với nhau, hắn vẫn tếu tếu như xưa, kể về tên Vũ Thống Nhất, khi xưa ngày nào hắn cũng qua nhà tên này. Lý do là mê khẩu súng nhựa của tên này, lâu lâu mượn về vài ngày rồi phải đem trả lại.

Hắn nhớ đến Thu Thuỷ ngã 3 chùa, Hoàng Đa, Con Cua, Đinh Gia Lành… hắn ngạc nhiên khám phá ra mình đi Tây trước khi Việt Cộng vào. Mình không gặp lại hắn từ khi đậu tú tài. Hắn kể là đi kinh tế mới dạy 5 năm, có nhiều cô Mọi hay Chu Ru mê hắn nhưng muốn lết về Đàlạt, không muốn hát người tình Chapi. Kể lại những cực khổ một thời được giải phóng khỏi phồn vinh giả tạo của chế độ nguỵ quân nguỵ quyền.

Hắn nhớ cả tên ông cụ mình vì dạo ấy ông cụ mình tổ chức phục quốc ở Đàlạt. Trước 75, ông cụ mình là đoàn trưởng nhân dân tự vệ nên khi Đàlạt bỏ ngõ thì ông cụ chôn súng của đoàn viên NDTV rồi chạy di tản về Sàigòn. Sau này về lại Đàlạt, đào súng lên, tổ chức kháng chiến phục quốc bị Việt Cộng lên án 18 năm tù. Ông đầu nảo của tổ chức bị bắn tử hình.

Hắn có 2 con gái theo chỉ tiêu nhà nước, trai hay gái chỉ hai mà thôi. Nay về hưu, vợ hắn lớ quớ sao ra trường dạy tiếng Việt của chị em họ Chử tổ chức hàng năm từ mấy chục năm nay vào mùa hè cho con em gốc việt thì gặp chị em họ Chử, nhận ra đồng môn. Tên 2 B thì cứ lộn xà ngầu. Chán mớ đời.

Nói chuyện được vài phút thì hắn phải đi đâu, nghe tiếng vợ gọi nên hẹn lần khác. Đi âu châu về mình sẽ ghé Phila đón bà cụ về Cali, sẽ ghé thăm hắn và chị em họ Chử ở Virginia.

Xong om

Mối tình hữu nghị Lá Nước

Mối tình hữu nghị Lá Nước

Hắn nhớ hoài khoảng khắc ấy trong đêm lửa trại Lửa Hồng của 45 năm về trước. Trại này do các cha Cố đạo tổ chức tại Giáo Hoàng học Viện Đàlạt, dành cho các thanh niên thánh thể, học sinh trung học của Đàlạt, cũng là nơi để nam nữ quen nhau, có cùng quan điểm tôn giáo, lập trường “nhất Chúa nhì Cha thứ 3 Ngô Tổng Thống” nhân thân 3 đời dọc ngang, con chiên của Chúa, tạo dựng môi trường lành mạnh cho giới trẻ gặp nhau để tránh gặp những kẻ phản động, người lương, lầm đường bỏ đạo, mất công tốn sức chiêu hồi trở về đạo. Hắn không phải công giáo nhưng nơi nào có gái là có mặt hắn như thợ săn đi săn gái.

Trong đêm lửa trại, bạn bè xúi hắn, đúng hơn là ghi danh hắn, đóng góp văn nghệ vì hắn biết tí tí đàn địch. Đi học về thì hắn chả màng đến bài vở, chỉ ngồi trên gác, ôm cây đàn tích tịch tình tang, tập tremolo bản Romanza của Carruli mà tên nào ở Đàlạt, khi học đàn cũng phải tập bài này. Cuối cùng cha Sơn gọi hắn lên giúp vui văn nghệ trong tình thương của Chúa. Hắn bước lên sân khấu mà hai chân run run như tên tử tội ra pháp trường.

Bổng hắn bắt gặp một cặp mắt đen láy đang nhìn hắn mà hồi chiều đang ăn cơm, thằng Nghĩa Thợ Điện có chỉ cho hắn, hỏi xem cô bé tóc demi garçon đang ngồi ăn, cười khúc khíc với đám con gái.

Tim hắn bổng đập mạnh khi bất chợt nhìn cặp mắt ấy, chân hắn lụm khụm, lạn khạn vác cái đàn lên sân khấu như Chúa Giê Su, đeo trên vai cây thánh giá, lên đồi Calgary. Đầu óc hắn choáng váng như bị trúng gió trong mùa Giáng Sinh Đàlạt. Hắn bổng giác ngộ cách mạng ý nghĩa thập tự đạo, le chemin de croix như mấy ông tây bà đầm giải thích về những ngày giờ cuối cùng của chúa Giê Su. Khoảng cách leo lên sân khấu tuy ngắn nhưng dài lê thê, hắn như Franco Nero trong phim Django, kéo cái hòm đi lang thang với kiếp đoạ đày của tên tử tội lên đoạn lầu đài.
Hắn định hát bài ca vào đời “gần nhau trao cho nhau tình loại người ,…” kêu gọi mọi người thương yêu nhau trong tình thương của chúa nhưng không hiểu sao hắn lại đổi ý, hát bài “Tiễn Em” do Phạm Duy phổ nhạc Cung Trầm Tưởng. Hắn chẳng biết Ga Lyon là ga nào nhưng cứ tưởng tượng ra đèn vàng,.. “cầm tay em muốn khóc, nói chi cũng muộn màng,…” 

Hát xong, hắn cuối đầu chào mọi người nhưng cũng len lén xem cô bé Răng Khểnh, đang cười khúc khích với mấy cô bạn ngồi cạnh. Chán mớ đời. 

Từ hôm ấy, mỗi ngày hắn cứ rêu rao hát “phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng lòng hắn tuy không giá băng nhưng vẫn ngập tràn bao tia nắng,…”, chả thiết ăn hay uống. Cuối cùng hắn đành thố lộ với hai tên bạn, tự gọi ngự lâm pháo thủ Đoàn Dự và Nghĩa Thợ Điện về tiếng sét ái tình trong tình thương yêu của chúa tại trại Lửa Hồng. Chúng cười hắn, bảo chúng tao biết trong ruột mày mà còn làm bộ.

Ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas thì phò vua, giúp hoàng hậu còn hắn và 2 tên kia tự nhận là ngự lâm pháo thủ nhưng chả biết đánh kiếm, phi ngựa, chỉ biết nổ như mấy tên trong cuốn “ngày xưa còn bé” nên thiên hạ hay gọi là 3 thằng ngựa lâm pháo nổ.

Cuối cùng thằng Đoàn Dự báo cáo là cô bé tên là Lá Ngọc, học sinh Văn Khoa, bố làm phó tỉnh trưởng Vĩnh Long khiến hắn bị dội. Con quan, cành vàng lá ngọc. Hắn là con của đám di cư Bùi Chu, lại không thuộc diện học sinh ưu tú, thêm ngu lâu dốt sớm nhưng sau nhiều đêm thao thức cố quên đi hình ảnh cô bé, cành vàng lá ngọc, tóc demi garçon, nghe lời mẹ hắn lo học để khỏi phải đi lính nhưng trái tim hắn không ngủ yên, vẫn không quên được nụ cười Răng Khểnh.
Hắn muốn gặp lại cô bé Răng Khểnh nhưng không biết nhà để chạy xe ngang như đám bạn thời ấy, hy vọng thấy dáng cô bé Răng Khểnh để bớt nhớ thầm thương trộm. Thằng Nghĩa thợ điện hay phụ giúp bố hắn câu dây điện cho nhà người ta, có lẻ hay bị điện dật nên tư duy đột phá một ý tưởng cách mạng. Hắn kêu là mày cứ chạy đại đến trường Văn Khoa rồi vào gặp cô ấy khi ra chơi là chắc ăn. Cả ba đồng nhất trí kêu ý tưởng hay, rất đột phá.

Thằng Đoàn Dự kêu mày viết thư tình rồi mua ô mai cho con bé, con gái đều thích ô mai rồi mai mình chạy đến trường Văn Khoa, trong giờ ra chơi. Đợi con bé ra chơi rồi chạy lại dúi thư tình và ô mai cho con bé. Xong om.

Cả bọn nhất trí, thế là sau ăn cơm trưa, thay vì tremolo bản Romanza như mọi ngày, hắn lục lại cuốn truyện “Ngày xưa còn bé” của Duyên Anh để xem tên này viết thư tình ra sao. Hắn cặm cụi, cắn bút, viết đi viết lại trên giấy pelure màu xanh và cây bút nguyên tử 4 màu, mua ở tiệm sách Hoà Bình. Hắn nắn nót viết:

Đàlạt, ngày vào thu

Kính gửi thánh nữ thương mến

Hôm nay trong giờ thi sử học, anh khắc phục không làm bài thi để viết bản báo cáo tình hình trái tim của anh sau trại Lửa Hồng.
Từ ngày phát hiện ra em, lòng anh vô cùng hồ hởi phấn khởivà thương nhớ trường kỳ. Anh không thể quên được đôi mắt đen huyền, mái tóc đờ mi gạt xong nhất là cái nụ cười Răng Khểnh của thánh nữ.

Trong thánh kinh có viết: “dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc”. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được hưởng thụ trong tình thương của Chúa toàn năng và các cha bề trên. Trong quá trình học tập, chúng ta lấy nhân sinh quan của Chúa để tìm ra tình thương và lẻ sống của con người.

Anh xin chép lại đây bài hát về Đàlạt:

Hôm nay trời vào thu Đàlat lắm sương mù
Em đi tà lụa phố, tóc vờn bay theo gió
Anh nghiêng mình song thưa
Đường về mắt trông chờ
Yêu em rồi yêu thu
Nên ngàn đời anh nói yêu mùa thu
Hai hôm rồi không gặp
Thư biết làm sao đưa
Em không mặc áo lụa
Chỉ mặc áo thu mưa
Em không măc áo lụa chỉ mặc áo len sơ
Áo len trao người mặc đỡ giá buốt mùa thu
Thu ơi là thu ơi tình này trót trao rồi
Yêu em rồi yêu thu nên ngàn đời anh nói yêu mùa thu…

Hôm sau, 3 thằng lại trốn học, chạy lên sân cù để bàn bạc, cách đưa thư cho cô bé Răng Khểnh. Sau khi thống nhất thì cả 3 chở nhau chạy xuống trường Văn Khoa. Xe chạy qua ngã ba am Soyer, cạnh bờ hồ Xuân Hương thì hắn thấy ông Phác, ông từ của cái am này đang làm lễ lên đồng như mọi ngày rằm. Hắn kêu thằng Dự ngưng lại rồi chạy vào am Soyer, thắp hương cúng vái 3 lần. Khi xỏ chân vào đôi dép thì hắn tái mặt. Đi gặp thánh nữ mà mang dép thì quá tồi, như Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung.

Hắn chạy ra hỏi 2 tên kia thì khám phá ra Nghĩa thợ Điện đang mang giày vàng óng như nghệ của mấy bà ở cử nên hỏi mày thuổn đôi giày này ở đâu. Hắn bảo là đóng ở tiệm Hồ Út ở đường Phan Đình Phùng, cạnh rạp xi nê Ngọc Hiệp, cách nhà hắn 2 căn. Hắn kêu cởi ra cho tao mượn, đi gặp thánh nữ mà mang dép thấy bần quá, lộ rõ tố chất bần cố nông.

Cũng tại vì hắn chạy vào cầu nguyện nên khi đến trường Văn Khoa thì tiếng chuông reo vào lớp lại, hết giờ ra chơi, bảo vệ đóng cửa cổng lại. Chán mớ đời. Cuối cùng thằng Nghĩa Thợ Điện đột phá tư duy, kêu mày chạy lại nói với bảo vệ là anh của thánh nữ, quên giấy tờ ở nhà nhưng không có chìa khoá vào nhà, kêu thánh nữ ra đây rồi đưa cho cô bé. Thằng Nghĩa Thợ Điện này, tuy thuộc dạng học dốt nhưng nó lại có tư duy đột phá để tìm ra cách binh trong những tình huống gần như tuyệt vọng.

Sau khi nghe xong hắn trình bày thì bảo vệ chạy vào lớp học. Một hồi sau, hắn thấy thánh nữ đi theo bảo vệ ra cổng. Hắn run quá nhưng sợ bị bể mánh nên chạy lại kêu sao lại lấy chìa khoá nhà đi, không cất trên cửa rồi đưa gói ô mai và lá thư cho cô bé Răng Khểnh rồi nhảy lên xe như bị ma đuổi.
3 ngày sau hắn nhận bức thư hồi âm của cô bé thánh nữ. Kêu là bảo vệ mách lại với thầy CBA nên bị thầy vào lớp la mệt thở, không được hẹn bạn trai ở trường nhất là trong giờ học tập. May là không bị ăn roi mây, có lẻ thầy CBA để quên ở trường Văn Học. Về nhà bị ông bố mắng cho một trận.

Thánh nữ kêu bài hát rất hay, ước gì được nghe hắn hát, đánh đàn cho nghe. Ôi hạnh phúc thật là đơn sơ. Hắn muốn bay bổng, làm chim để bay về vùng trời bình yên.

Năm sau hắn qua Văn Học để gần thánh nữ hơn nhưng cô nàng lại theo bố về miền Tây làm việc nhưng mối tình hữu nghị vẫn được tiếp tục qua những báo cáo tình hình trái tim.

Rồi Việt Cộng vào Đàlạt. Cuộc đổi đời cho cả thế hệ của hắn và cả dân tộc. Hắn được điều về khu kinh tế mới, dạy học cho học sinh người Chu Ru ở vùng Đơn Dương nhưng hắn vẫn nhớ đến Răng Khểnh, viết thư nhưng không được hồi âm nên đoán chắc cô nàng đã theo gia đình di tản ngày 30/4. Một hôm nghe ai nói là có gặp cô nàng ở Sàigòn, bố đi học tập ở miền bắc, gia cảnh te tua lắm. Hắn lại lấy bút và giấy tái sinh ra viết thư cho cô nàng.

Đơn Dương trời vào mưa

Hôm nay trong buổi thông tầm, anh khắc phục không ăn cơm để viết cho em bản báo cáo tình hình trái tim của anh. Anh đã điều nghiên rất nghiêm túc và có thưa với các lãnh đạo địa phương. Anh đi đến kết quả là chọn Răng Khểnh làm đối tượng tương lai của anh. 

Trong lĩnh cương của đảng viết: “ dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc”. Trách nhiệm xây dựng này là của tất cả, của toàn xã hội, xong nói riêng về Răng Khểnh và anh. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được hưởng thụ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình học tập và lao động, em và anh đã lấy nhân sinh quan cách mạng làm cơ sở để tìm ra tình thương và lẻ sống của con người. 

Chúng ta thương nhau vì chân lý, quý nhau trên lập trường, biểu thị một tình thương giai cấp vô sản từ ngày 30/4.

Anh xin đảm bảo cho em một đời sống tốt theo tiêu chuẩn của xã hội chủ nghĩa, làm theo năng xuất hưởng theo nhu cầu. Mỗi tháng anh được nhà nước cấp 13 ký gạo và 5 đồng tiền lương thêm anh có trồng vài luống rau và khoai mì để bồi dưỡng phụ.

Hôm nay anh xin đề xuất một kiến nghị, nếu em nhất trí thì chúng ta cũng khẩn trương báo cáo cùng đồng chí bố và đồng chí mẹ, cho anh ra phường đăng ký quản lý đời em. Ở kinh tế mới không cần hộ khẩu.

Anh nguyện xây dựng tương lai với nhau và sẽ khắc phục trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn không quên nhiệm vụ khi vui duyên mới. 

Đồng chí lước

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Gặp lại Đinh Đóng Guốc sau 44 năm

Gặp lại Đinh Đóng Guốc

Mình đi chơi với bà cụ nên không thể chạy như lính được, từ từ để bà cụ thoải mái vì lớn tuổi thêm hay bị say sóng khi ngồi xe. ĐAQ cứ 15 phút lại gọi điện thoại, hỏi tới đâu rồi. Cứ mỗi lần hắn gọi thì điện thoại lại che bản đồ GPS nên lại cứ sợ lạc vì hệ thống xa lộ ở vùng này khác với bên Cali. Chán mớ đời! 

Anh chàng chuẩn bị ở nhà trà bánh để nói chuyện trước khi ra tiệm ăn. Cuối cùng đành hẹn ở tiệm ăn Vịt Tắt Kinh ở thành phố Falls Church. Anh chàng nói nay đã già hết thôi
đành ăn vịt tắt kinh cho khỏe, không có tiết canh như xưa. Nghe nói là quan lớn ghé đây ăn nhiều lắm. Thấy hình ảnh các quan lớn mà mình chả biết thằng Tây con đầm nào hết. Mình vẫn mê tiệm bán vịt bắc kinh ở New York, trong phố tàu. 


Gặp nhau mình mới hiểu là Phạm Khánh, Yersin + Văn Học, promo trên mình 2 năm, nhà trong Hoàng Diệu, học cùng Lê Việt Cường, anh Lê Việt Quốc, promo của mình, cũng hẹn gặp dùng cơm. Xét lại thì dân Yersin, chạy sang Văn Học khá đông, kiểu đầu là Yersin đuôi là Văn Học, cho nên cứ xem Văn Học và Yersin là anh em một nhà. Anh chàng đi làm nên trưa chạy ra gặp nhau. Anh chàng này nhà ở Hoàng Diệu, kể chuyện đi vượt biển, có gặp một cô tên P, Yersin, Promo của mình, học chung với em anh ta, bị nhốt rồi trốn trại giam với nhau khá vui. Cô này mình có gặp lại ở Bolsa.

Anh chàng này cũng có thời xuống vùng người dân tộc làm việc. Một hôm đang ngủ thì sơn nữ Ka Beng chạy đến, kêu xuống bố cô ta cần gặp. Xuống đó họ cho uống rựou cần xong thì bò la bò liếc đến sáng hôm sau thì mới khám phá ra nơi anh ta cư ngụ, bị Fulro về đêm qua, giết sạch không trừ một mống nên tìm đường vượt biển, không muốn làm người tình Chapi nữa.


Anh Quốc kể sau tú tài thì học sư phạm ở đại học Đàlạt rồi sau 75 thì học sư phạm xã hội chủ nghĩa. Trong hồ sơ lý lịch được đảng phê là 3 đời làm việc cho nguỵ quân nguỵ quyền, có em gái chạy theo đế quốc mỹ nên sau khi tốt nghiệp khoá sư phạm, được đưa về vùng Tuntra, dạy người dân tộc Chu Ru 5 năm mới được đổi về Đàlạt. Nay thì tiếng Chu ru khá thành thạo. May là tìm lại được người đẹp Lá Ngọc, tên này may mắn hơn Hoàng Cầm, lấy được Lá Diêu Bông nếu không thì đã làm người tình Chapi với sơn nữ Ka Beng.

Lá Diêu Bông của hắn, sau 75, gia đình ly tán, cha đi cải tạo ở miền bắc, gia đình đi kinh tế mới, lêu bêu, chỉ còn có tờ giấy khai sanh. May sau này hắn quen ai, giúp đỡ làm được giấy hộ khẩu tốn một chỉ vàng nên mới có giấy tờ đi Mỹ. 

Anh chàng kể cho bà cụ mình là sau tú tài thì hai thằng đều đi nước ngoài. Mình thì đi tây còn hắn đi ở xứ Tutra. Học tiếng nước ngoài Chu-Ru mệt thở khiến cả bàn cười nức nở. Tên này gốc bắc cầy mà giả giọng Huế, Quảng,..đều được. Nghe hắn xổ tiếng Chu Ru cứ như người thượng. Chán mớ đời.

Gặp nhau mới hiểu lý do ngày xưa ông cụ mình hay vào nhà hắn chơi vì ông nội hắn là đại uý Tài, ngự lâm quân khi xưa, là xếp của ông cụ mình, có Bảo Quốc Huân Chương đệ ngủ đẳng. Có một chi tiết mà mình không biết là vùng ngoài phố có dạo hay bị cảnh sát khám xét nhà trong chiến dịch thanh lọc, Phụng Hoàng. 

Dạo ấy, ông cụ dặn là đừng ra phố vì cảnh sát, tuần cảnh bắt thanh niên, hốt vào Thao Trường để thanh lọc, xét giấy tờ để bắt Việt Cộng nằm vùng. Một tên hàng xóm nằm vùng bị bắt trong thời gian này. Mình không nhớ khu nhà mình bị xét nhưng hắn kể là nhà hắn bị tuần cảnh vào xét, thấy bảo quốc chuẩn chương của ông nội trên tường thì chào rồi rút quân.

Tầng dưới thì cho ông thợ hớt tóc nào thuê. Hắn có cho xem những hình ảnh cũ khi xưa của Đàlạt. Hình ảnh Lycée khi xưa, có CTVL, Phạm Đình Kháng, Nguyễn Anh Tuấn, Vy Nhật Tảo,…. Mình nhớ cạnh nhà hắn có vạc đất trống thì khi thấy hình cái am mới hiểu. Nay thì họ xây nhà bú xua la mua. 

Sau hắn về Vũng Tàu kiếm việc và kêu là cảm ơn Lycée vì khi xưa có học anh văn nên hắn mua sách anh văn về học tới bài thứ 5 thì mở lớp dạy anh văn bài số 1. Học trò đến học đông như dân nằm vùng, nuôi hắn và gia đình được hơn một năm thì có một tên cán bộ làm cho công ty dầu khí, cần người thông dịch nên mời hắn về làm. Thế là cuộc đời hắn lên hương trong suốt 8 năm trời.

Cứ tàu nước ngoài vào cảng Vũng Tàu thì cần bơm dầu, hắn ra xì lô xì la tiếng ăng lê với thuỷ thủ đại hàn,…cũng dốt tiếng ăng lê, chỉ đạo xong thì bỏ túi $50 thời đó cho mỗi chiếc tàu. Tối đi nhậu với cán bộ, có mấy em chân dài phục vụ, đút cho ăn đến khi người em, chạy theo đế quốc mỹ, bảo lãnh di dân qua Mỹ thì giả từ ăn nhậu. Đi khám sức khoẻ thì lá gan to hơn cái lồng bàn nên bác sĩ chích thuốc mấy tuần lễ liên tiếp mới được qua ải y tế. Hắn kêu nếu không đi mỹ thì chắc đã chết sớm vì rượu bia.

Sang Hoa Kỳ thì lúc đầu vừa đi làm vừa đi học ở Houston, sau đó thì kiếm được việc ở vùng Virginia nên ôm vợ di tản về vùng này đến nay được 20 năm. Con gái lớn, mới lấy chồng còn con gái út thì vẫn lơ mơ. 

45 năm, bạn học gặp lại nhau, nghe kể lại những chặng đường đời đã đi qua mà ứa nước mắt, vui mừng là còn sống sót, gặp lại nhau sau bao nhiêu biến cố từ 75. Cảm xúc thường đến khi mình gặp lại những tên bạn thân ngày xưa như Nguyễn Đình Tài, Võ Hoàng Đa, Phạm Thành Nguyên, Ngô Văn Thuỷ hay mấy cô như Mai Thanh, Phi Nga, Bích Thuỷ, Minh Trang,… những người đã để lại dấu ấn, kỷ niệm của thời con nít ở Đàlạt.

Hôm nay đưa bà cụ đi viếng Jamestown Settlement, nơi mà các di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ lập nghiệp.

Xong om

Mật Ong tốt hay xấu?

Mật Ong tốt hay xấu?

Ông mỹ nuôi ong chiết ra 20 bình mật ong, đưa cho mình đưa lại cho mấy người bạn nhờ mua mật ong. Có vài người quen đến nhà lấy mật ong, kêu là phải uống mật ong chi đó khiến mình tò mò, tìm tài liệu đọc thêm.

Có người kêu sao rẻ vậy. Thật ra nếu mua lẻ thì đắt nhưng vì mua tận gốc nên giá rất hữu nghị. Ông mỹ nuôi ong bán sĩ cho công ty, rồi công ty chiết ra bình nhỏ, dán nhãn hiệu rồi bán giá cực hữu nghị hơn độ 400% mà chưa chắc là đã hoàn toàn 100%. Nhiều khi vì lợi nhuận hay thị trường, họ có thể pha chế thêm cho đúng mùi vị của thị trường ưa chuộng.

Hàng năm, ông ta cho mình vài bình để đáp lễ xã giao vì mình cho ông ta để tổ ong trong vườn mình nhất là vào mùa đông như dạo này vì có hoa khuynh diệp nở và ong rất thích hoa khuynh diệp nếu không thì ông ta phải cho ong ăn phấn hoa hay những thứ loại thức ăn khác, đợi mùa xuân đến, tốn tiền.

Nhớ hồi nhỏ, mấy đứa em hay bị sưng lưỡi, bà cụ mình lấy mật ong để rà lưỡi mấy đứa em thì hết nên sau này có con mình cũng bắt chước, thấy con đau chạy đi mua mật ong rà lưỡi nhưng chả thấy hết gì cả. Hoá ra toàn là mật ông đường, họ pha đường để kiếm lời. Người mua đâu biết giả hay thật nhất là ngày nay Trung Quốc chiếm hoàn toàn thị trường mật ong ở xứ Hoa Kỳ này.

Lý do là người ta khám phá ra các đoàn ong bỏ đi đâu mất tiệt. Họ thử nghiệm bỏ cái điện thoại trong tổ ong. Một tổ có điện thoại phát sóng và một không phát sóng thì khám phá ra đàn ong không về tổ nơi có cái điện thoại phát sóng. Do đó người ta suy ra các vùng phủ sóng bởi hệ thống phát sóng của điện thoại di động đã làm ong đi mất tiêu thêm họ sử dụng rất nhiều chất hoá học trừ sâu nên hoa phấn đều bị nhiễm thuốc trừ sâu,…

Nghe nói có đến 1/3 chim ở Hoa Kỳ cũng bay mất tiêu vì phóng xạ của các vùng phủ sóng. Nhớ khi xưa, mấy con chim hay đậu trên mấy sợi dây điện líu lo nay thì hát bay đi cánh chim biển. Chán Mớ Đời 

Miền trung Cali là vùng trồng hạnh nhân, được xem là thánh địa của hạnh nhân trên thế giới. Hàng năm, các tay nuôi ong khắp nước Mỹ, lái xe chở các tổ ong về California để đặt tổ ong tại các vườn trồng hạnh nhân. Mỗi tổ ong được chủ nhân vườn hạnh nhân trả $175. Không có ong thì sẽ không đậu trái nên chủ vườn rất cần. Cho nên tốt nhất là mua mật ong ở California nếu ở Cali vì hoa phấn từ địa phương, vẫn tốt hơn là hoa phấn từ phương trời phong thổ khác như Trung Quốc chẳng hạn. Nhất là mình không biết bọn tàu bỏ gì ở trong tương tự tỏi thì họ cũng đánh xập tiệm vùng trồng tỏi ở Gilroy, miền nam San Jose. Họ làm cái gì mà khiến tỏi trắng bóng, để lâu ngày không hư, chắc ngâm thuốc.

Họ có các trung tâm tra xét mật ong ở Hoa Kỳ. Họ chỉ thử là biết phấn hoa từ vùng nào trên thế giới. Ong chết gần như 1/2 so với 20 năm về trước, chưa có điện thoại di động nên các con buôn phải làm giả pha đường. Họ tìm đủ cách để qua mặt các phòng thí nghiệm như Trung Quốc pha si rô gạo vào để tránh bị phát hiện.

Hoa Kỳ hạn chế nhập cảng mật ong từ Trung Quốc vì cho là không trong sạch, bị đánh thuế cao nên họ đưa cho Việt Nam, Mã lai, phi luật Tân để bán cho Hoa Kỳ dưới dạng ma ze Việt Nam hay Mã lại,… nhưng phòng thí nghiệm vẫn phát hiện ra vì họ tìm ra các phấn hoa ở vùng nào ở Trung Quốc nên khó qua mặt máy móc.

Nếu mua mật ong mà họ pha đường thì bù trớt, không thấy tốt đâu mà chỉ tổ làm béo phì thêm vì đường.

Theo sách báo cho biết là mật ong có rất nhiều enzyme và antioxydants như phenolic acid, flavonoids nhất là có khả năng chống vi khuẩn. Loại mật ong Manuka ở Tân Tây Lan được xem là tốt nhất về sát trùng, trị ho,…

Mật ong giúp giảm đi cầu nước, có potassium. Ai bị dị ứng, ho đau cổ, mật ong làm giảm mấy vụ này. Nên thay đường bằng mật ong vì đường làm gia tăng insulin khiến cơ thể béo phì ra. Họ còn nói giúp bệnh tim, ung thư và tiểu đường,…mình không rõ lắm.

Họ có thử nghiệm 55 người trong vòng 30 ngày ảnh hưởng mật ong thì được biết là lượng LDL (xấu) giảm còn lượng HDL (tốt) thì tăng nhưng không cho biết là bao nhiêu. Còn lượng Triglyceride thì giảm đến 19%.

Họ thử nghiệm ở chuột bạch thì thấy mật ong hạ áp huyết, một trong những nguyên cơ gây ra bệnh tim mạch. Họ khuyên các bệnh nhân tiểu đường nên dùng mật ong thay vì đường vì mật ong hạ lượng Triglyceride trong máu.

Nói chung thì mật ong tốt gồm Calcium, sodium, potassium, sắt, zinc, magnesium nhưng không nên lạm dụng quá vì có đường như Glucose, fructose . Nếu hấp thụ nhiều quá cũng không tốt cho sức khỏe.

Mình có tên bạn từ San Jose xuống chơi, vợ mình tặng cho một bình mật ong. Ông thần lấy uống với cà phê, kêu thanh và từ đó hắn nghiện đến giờ, cứ nhờ mình mua dùm từ ông Mỹ. Cứ kêu rẻ quá, rẻ quá. Mình nói đừng nói vì gặp giờ linh, ông ta tăng giá lại mất công. Hôm qua mới giao hàng cho người nhà hắn 9 bình mật ong. Chắc hắn mua cho ai hay vợ hắn làm bánh bằng mật ong bán.

Đồng chí gái kêu mình đặt thêm cho mụ mấy bình để tặng bà con vào lễ giáng sinh thay vì mua quà. Bác nào muốn mua làm quà bạn bè thì cho em biết. Nhắn tin vì em lười mò về mấy bài của em viết lắm, không biết thuộc nhóm nào. Cứ thấy có người còm mà mò không ra vì phải chạy vô mấy cái nhóm này thì hình ảnh đủ loại như cơm cháo, hình ảnh mấy cô cho người già như mình xem cho đỡ buồn một đời trai già, chân xụm. Mò không ra, cứ nhắn tin riêng thì em dễ tìm hơn.

Mỗi lần chiết ra bình mất công lắm vì phải ngã cái thùng tonneau mấy trăm ký để chiết vào bình. Nay lại trời lạnh nên mật ong đặt lại (loại dỏm thì lỏng le) phải sưởi ấm nên ông ta chỉ chiết ra nhiều bình để đỡ tốn công.

Có cái vui là trong vườn mình có đâu 180 tổ ong. Mỗi lần đi ngang là mình phải bình tỉnh đi chậm bình thường vì ong chúng quan sát, đi nhanh là chúng bay theo chích ngay. Chích xong là chúng Lăn đùng ra chết vì cái nọc bị rút ruột. Loại này là cảm tử quân, kamikaze, kiểu Phan Đình Giót, chống quân thù phá tổ ong.

Nghe nói ong chúa làm tình cả đống ong đực rồi ong đực bị thượng mã phong, hay thượng ong chúa, lăn đùng ra chết, chim dế gì bị banh hết. Kinh

Nghe ông mỹ nuôi ong cho biết là mỗi thùng có một con ong chúa và đám ong đực đi hút nhuỵ hoa về nuôi, làm ra mật cho nên mình không hiểu ở bôn sa họ quảng cáo mật ong chúa là chỗ nào. Ong đực đi lao động đem phấn hoa về làm mật ong. Chán Mớ Đời 

Muốn nhờ em lấy mật ong dùm thì nhắn tin riêng.

Nhs

Đường Minh Mạng, Đàlạt xưa





Hôm trước có ông thần nào chắc gốc Đàlạt, tải lên mạng tấm ảnh trên khiến mọi người còm đủ trò, nào là khu Hoà Bình, nào là đường Duy Tân,... nên mình phải còm, cho biết là đường Minh Mạng, mà mình có kể cách đây 7 năm về trước nhưng dạo ấy chỉ viết theo dạng i-meo nên không kèm theo hình ảnh. Nay kể lại với hình ảnh cho tiện. 

Mình đoán là chụp chỗ tiệm vàng Kim Thịnh, nhà của Nguyễn Biêu, khi xưa học chung với lớp mình. Nhìn thẳng thấy có tiệm vàng Hùng Thanh của ông Bùi Duy Chước, bố của bà Bùi Thị Hiếu, có tiệm vàng và tiệm cầm đồ ngay khu Hoà BÌnh, góc Tăng Bạt Hổ, đối diện tiệm ăn Mekong.

(Ảnh Này chụp đầu đường Minh Mạng, có tiệm bán đồ vật liệu xây dựng Thiên Thai, rồi tiệm kim hoàn Kim Thịnh. bên kia đường là tiệm Lưu Hội kÝ và Đức Xương Long, kể sau.)
Theo một cựu học sinh Adran cho biết “ Đính chính với Sơn đen một chuyện. Cửa tiệm bán đồ vật liệu xây dựng không phải là Lưu Hội Ký mà là Thiên Thái (hay Thiên Thai?) số 5 đường Minh mạng. Có người con trai lớn tên là Lê Chí Cường học trường Adran cùng lớp với tôi.)

Nếu mình không lầm thì ông Bùi Duy Chước là người làng Kế Môn, Thừa Thiên. Hoàng Ngọc Ánh cho biết là bố hắn học nghề kim hoàn từ ông Bùi Duy Chước. Đa số các tiệm kim hoàn Đàlạt đều là dân làng Kế Môn, di cư vào Đàlạt. Họ thành lập ấp Ánh Sáng, cạnh cầu Ông Đạo. Làng này nổi tiếng về nghề thợ bạc, do một ông tổ người Thanh Hoá định cư ở làng này truyền lại. Có hội người làng Kế Môn lớn ở bên Texas.
Thấy ai dân Đàlạt xưa, tải lên tờ biên nhận của tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, có ông kêu là biết bà Hiếu cùng với chủ hoá đơn. Lâu quá quên tên.

Chỗ này khi xưa, ban đêm có bà 7 Quốc bán sữa đậu nành ngon tuyệt ở Đàlạt. Trời lạnh lạnh mà làm một ly sữa nóng ở đây, khách ngồi la liệt nơi thang cấp, có tiền thì thêm cái banh da lợn. Mình hay bò ra đây ban đêm với tên hàng xóm Cu Bi. Đời không gì đẹp bằng.

Đường Minh Mạng bắt đầu từ khu Hoà Bình đi xuống dốc và chấm dứt với đường Phan Đình Phùng, góc nhà thuốc Tây Nguyễn Duy Quang, đối diện rạp Ngọc Hiệp, có ba con đường nối liền và một con hẻm nối với dốc Nhà Làng. Khởi đầu ở khu Hoà Bình là tiệm Đức Xương Long, nhà của Huỳnh Đức Lương, học Yersin, hay đi học chung với mấy anh em Hùng Con Cua, nay định cư ở Úc, bán tạp hoá đối diện tiệm đồng hồ Tiến Đạt, bên cạnh là tiệm Lưu Hội Ký, bán sắt, vật dụng xây cất. Mình có gặp lại hai tên họ Huỳnh này, học chung khi xưa ở Cali.


hình này chụp ngay tiệm Đức Xương Long thấy hình tiệm Bội Sanh, đại lý bán rựou tương tự tiệm ông Võ quang Tiềm, dượng cuar bà cụ mình, bên kia đường có tiệm Anh Võ, tiệm vàng Kim Thịnh.
Hình này cho thấy tiệm Đức Xương Long, ngay khu Hoà Bình, là đầu đường MInh Mạng

Kế đến là tiệm thuốc Bắc Bội Sanh của bà Chiu, đại lý rượu miền nam, (Trong hình đầu, bên tay phải) tiệm bánh Hoài Hương thì phải của ông Quảng Thành, có xe đò chạy Saigon - Đà Lạt rồi đến tiệm Liên Hưng bán tạp hoá sau đó con đường nhỏ không nhớ tên, nối đường Minh Mạng và đường Tăng Bạt Hổ, hình như Nguyễn Biểu. Mình chỉ nhớ phía này là cửa sau của các tiệm như Việt Hoa, bán máy truyền hình, radio,..dùng để xe hàng đậu để giao hàng.

Kế đến hình như tiệm vàng, bán đồng hồ của ông Bùi Vàng, bà vợ có cái xập trên lầu chợ Mới, chổ cầu thang chợ đi vào. Có con là Bùi Văn Đông có thời học chung với mình, sau này nghe nói đi du học, có cô em là Bùi thị Hoa, chơi khá thân với cô em mình nay định cư ở Paris. Kế bên là tiệm uốn tóc Mỹ Tân rồi đến tiệm Anh Võ rồi đến tiệm chụp hình Mỹ Dung mà có lần mình mua cái máy chụp hình tí hon đầu tiên ở đây.

Bên cạnh là tiệm hớt tóc rồi đến tiệm của bà người Tàu, bán giày dép rồi đến tiệm Lộc Thành rồi có con hẻm nhỏ đi vào có quán chè Mai Hường và vài thang cấp đi vào cái hẻm có dãy nhà phía sau. Kế bên là tiệm may Văn Gừng, có con Trần Văn Phong học Yersin, có thời hay đi đánh bi da với mình, nghe nói đang ở Úc rồi đến nhà bà Giáo Trình xong có hai tiệm uốn tóc, một là Bạch Cung và tiệm kia thì không nhớ (theo chị Lành: Nếu nhớ không lầm thì gần tiệm uốn tóc Bạch Cung là tiệm cắt tóc Thanh Thủy (chị Thủy học Yersin) có người em trai tên Sơn.) Lí do nhớ là bà cụ mình hay đến tiệm Bạch Cung. Bên cạnh tiệm này là tiệm bán nước mắm của ông Tư Kha rồi đến con hẻm Nguyễn Biểu đi xuống dốc Nhà Làng.

Đối diện tiệm may Văn Gừng là tiệm may Hoàng Nho, có con tên Hoàng Ngọc Tuấn, học Văn Học, nghe nói nay ở bên Úc. Có dạo đại hội thể thao quân khu 2, mấy anh em Đinh Quốc Tuấn, Đinh Quốc Hùng, từ Phan Thiết lên làm mưa làm gió nên các đại gia đà lạt khi ấy cho con mình đi học đánh quần vợt khá đông. Tên này là một trong những học trò của ông tiệm giày Bata, ở khu Hoà Bình. Bên cạnh là tiệm may Toàn Mới rồi mấy tiệm Vĩnh Long , Vĩnh Phát bán vãi rồi đến tiệm Hiệp Pháp bán kim chỉ, tạp hoá,..


Hình này là ngay góc đi xuống Dốc Nhà Làng bên tay trái, có bà bán bánh căn khi xưa ở chợ Dưới, ngay hàng thịt mà hình hay ra ăn, sau này dọn về đây, bán đắc hàng lắm, sau mua được nhà.
Mới tìm ra tấm ảnh của nhà sách Thiên Nhiên, ngay góc Nguyễn biểu và Mình Mạng. Tấm này do ông Doi Kuro, người Nhật Bản chụp sau 75. Mình ghi chú tấm ảnh này chụp sau 1975, có người cãi là năm 1990. Theo mình hiểu sau 1975, có nghĩa là năm 1976 trở về sau, 1990 được tính sau năm 1975.

Bên kia đường là góc Nguyễn Biểu và Minh Mạng, có một quán phở, dựng phía sau cái talus bằng đá ong của tiệm Vĩnh Phát mà mình có ăn một lần khi được cô em bao. Đối diện có tiệm Thiên Nhiên bán sách vở, bút chì, bên cạnh có tiệm bán kính mà mình cứ vào xem coi họ dùng cái dụng cụ để cắt kính, nhẹ nhàng. Chỗ này đi xuống thì có tiệm bán cà phê mà mỗi lần đi ngang đây thơm mùi cà phê rang (trong hình là bên tay phải, cạnh tiệm giày Mỹ Hưng). Nhà này có mấy cô con gái Bắc kỳ học Bùi Thị Xuân, có một cô cùng tuổi mình học Hội Việt Mỹ chung lớp một hai lần. Tên Nguyễn Thế Hùng, con ông Nguyễn Hợp Đoàn, tỉnh trưởng Tuyên Đức, mê cô này lắm. Đi học Hội Việt Mỹ, cứ thấy hắn tán cô này trong lớp. Hình như hai gia đình quen nhau.

Kế bên là tiệm giày Mỹ Hưng mà mình có đóng đôi giày đầu tiên trong đời trước khi đi Tây. Căn nhà này của ông Tư, anh ruột của bà ngoại mình làm thợ may ở Saigon, sau này ông ta nói bà cụ mình mua nhưng không đủ tiền nên ông ấy bán cho ai khác. Trên lầu của tiệm này được gia đình chú Ký, bạn của ông bà cụ mình mướn nên mình hay ra đây chơi. Mình hay đứng trên balcon rồi ai đi ngang nhất là các cô thì mình nhỏ nước miếng xuống rớt lên đầu họ rồi núp, có lần có tên chạy lên lầu đòi đánh mình nhưng vô cửa không được. Kinh

Hình này đoán là chụp trước tiệm may Văn Gừng, thấy tiệm Hiệp Phát, tiệm Công Đồng bán radio và sửa radio, truyền hình.

Cuối dãy này ngay góc Tăng Bạt Hổ có tiệm giặt ủi của ông Châu, con của bà Cai Thỏ ở ấp Thánh Mẫu mà khi bà cụ sinh ra mình, đem bán mình trên đó để dễ nuôi. Có lẻ vì là con Thánh mẫu nên sau này mình đi phá làng phá xóm. Ông Châu này có thời mình thấy ông ta hay làm trọng tài đá banh ngoài sân vận động với ông Năm Ngựa nhưng sau này chắc chạy không nổi nên hết thấy bóng dáng ông ta.

Đối diện dãy này, bên cạnh con hẻm đi xuống dốc Nhà Làng thì có tiệm giặt ủi, bà con chi với gia đình Thanh Tịnh vì lâu lâu mình thấy cô này ở đây. Trong thời chiến tranh, lính Mỹ hay đem đồ lại đây để giặt nên sau này thấy họ lên hai tầng lầu, nhà được xem sang nhất khúc này. Bên cạnh có cái cầu thang đi xuống để vào hẻm nhỏ có mấy căn nhà ở phía sau rồi đến tiệm hớt tóc. Kế bên là tiệm Công Đồng, bán radio, máy truyền hình. Ông chủ là người Bắc, hình như Đà Lạt dạo đó trên khu Hoà Bình thì có tiệm Việt Hoa, đường Minh Mạng có tiệm này bán máy truyền hình thì phải.   Đường Phan Đình Phùng thì có tiệm Việt Quang, đối diện nhà thuốc tây Lâm Viên.

Xuống vài căn thì có cái nhà ba tầng cho thuê bàn bóng bàn mà các tuyển thủ bóng bàn của Đà Lạt dạo đó hay tụ tập ở tiệm này để đánh độ như anh Tín đánh kiểu cầm thìa từ Nhật về làm trong trường Võ Bị, Minh đen rể ông Xu Huệ, Lê Xuân Thảo, Nguyễn Minh Dũng, chú Nô em của chú Nê ở ấp Cô Giang. Mình nhớ có lần mình đến đây đánh trên lầu, có cái máy kéo như ở các sòng bài bên Mỹ. Có lần một tên kéo ra ba con thì máy kêu in ỏi, tên kéo máy mừng quá chạy đi kêu bà chủ,  bà chủ thương lượng trả 500 đồng thay vì 500 cái token vì mỗi token được bán 25 đồng.


Hình tiệm Vọng Nguyệt Lầu, ngay góc Tăng Bạt Hổ và MInh Mạng

Khúc này là ngã ba Tăng Bạt Hổ và Minh Mạng, có tiệm Vọng Nguyệt Lầu. Ở dưới  là tiệm ăn bán hủ tiếu Nam Vang, trên lầu bán chè. Trong hình, bên phải có căn nhà của Đào văn Quý học chung với mình khi xưa. Học rất giỏi, sau 75 thì chạy xe thồ. Giữa nhà hắn và tiệm Vọng Nguyệt Lầu, có cái cầu thang. Nghe tên bạn học xưa kể là động Mãi Dâm. Hắn thấy mấy tên học chung trường  hay chui xuống dưới hầm này.

Mình nghe con gái của chủ tiệm Vọng Nguyệt Lầu, nay định cư ở vùng Seattle kể: “Lúc sau này cũng có ông nào đến nói với má em rằng gia đình bà rất may mắn chứ tui ngày xưa là người cầm gà men (gamelle ) đến mua hủ tiếu và trong đó là có chứa chất nổ ông ấy để cà men đó và đi ra trong lúc tiệm rất đông khách Sĩ quan vì là ngày cuối tuần nhưng khi bước ra ngoài ông ấy đã nhìn thấy tụi em và mấy đứa cháu chơi trước sân nên nghĩ sao đó ...và quay lại bên trong lấy lại cái cà men và đi ra ☺️.

Hình chụp trước tiệm Vọng Nguyệt Lầu, thấy khách sạn Saigonnais

Đi xuống một chút thì có Lữ Quán Saigon, khi xưa thường gọi là Saigonnais, kế bên là tiệm bi da Hồng Ngọc, có ông chủ người Nam, cứ đi vòng vòng xem tụi con nít có ăn gian, lấy miếng thiết mài cho mõng rồi đút vào cái chỗ bỏ tiền để đẫy cái móc làm rơi banh xuống. Mình đốt tiền lì xì khá nhiều ở tiệm này khi bị đám bạn rũ chơi banh bàn hồi học tiểu học. Sau này lên Trung học thì mê đánh bi da nhưng không đánh ở tiệm này vì mấy cái bàn quá cũ nên mấy cái băng bị cứng như đá vì trời lạnh. Tiệm có bàn bi da đánh phê nhất là Minh Tâm đối diện rạp Ngọc Hiệp vì chủ có lò sưởi khi trời lạnh nhưng ở đây cho thuê đắt nhất Đà Lạt vì mấy tên đánh chuyên nghiệp như Trung Ba tai, cắm dùi ở đây.

Đối diện khúc này, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ, có tiệm sách tên Thiên Nhiên mà mình mướn cuốn Tuấn Chàng Trai Nước Việt ở đây. Mỗi lần nhập học là mua porte plume, plumier,... ở đây. Bên cạnh là tiệm vẽ quảng cáo của ông Đình Nghi mà mình hay đứng xem ông ta kẻ chữ trước khi vẽ xong đến cái quán của ông bán bắp rang. Mỗi ngày ông ta kéo cái xe có kính không tới 60cm ra rồi cắm điện cho hột bắp vào cái nồi điện, khi bắp nở thì bỏ thêm đường vào rồi múc bỏ vào gói nhỏ. Chỗ này rất nguy hiểm vì có mấy thang cấp cao mà hình như không có hàng rào. 

Đi xuống một chút là phòng trồng răng của ông Nguyễn Văn Nghi, ở gần xóm mình, cạnh nhà Đinh Gia Lành ở đường Thi Sách mà trước khi đi tây, mình ra phòng nhổ răng của ông ta để nhổ và trám răng mất nguyên buổi sáng. Bên cạnh là tiệm chụp hình Hồng Thuỷ rồi đến khách sạn Hoà Bình của ông Chà Và, có tiệm bán đồ tạp hoá, nước hoa,.. trên khu Hoà Bình, cạnh tiệm Việt Hoa.

Sau đó thì có phòng mạch của Bác sĩ Sohier, chỗ này có mấy thang cấp khá nguy hiểm, bên cạnh là tiệm thuốc Tây Nguyễn Duy Quang, rồi đến tiệm uốn tóc Ba Lê và cuối cùng là tiệm bảo hiểm Rồng Vàng của ông Võ Đình Hoè, người Huế, cựu vô địch bóng bàn Đà Lạt, chơi banh kiểu Mai Văn Hoà. Ông này hình như có hai tên con trai ngang lứa với mình, hồi nhỏ có chơi với nhau sau này thì gặp nhau không chào hỏi.

Kế bên Hồng Ngọc thì có mấy căn nhà nhưng thuộc đường Phan Đình Phùng như phòng mạch của bác sĩ Đào Duy Hách, người bé bé hình như không có con, hay đánh golf với giáo sư Phó Bá Long. Gần cuối đường thì có mấy thang cấp cho người bộ hành đi xuống rạp Đường Phan Đình Phùng, bên cạnh trạm biến điện cho khu vực này, để băng qua đường tới rạp Ngọc Hiệp. Chỉ nhớ tới đây, Bác nào có nhớ cái gì thì cho biết thêm để bổ túc.



Hình này chụp từ khách sạn Hoà Bình, mấy thang cấp, bên cạnh nhà máy giảm điện, xuống đường Phan đình Phùng đối diện rạp xi nê Ngọc Hiệp. (hình lượm trên facebook của ông Lê Huy Cầm)

Em đang viết về sự hình thành của Đàlạt từ thời tây. Bác nào có ảnh xưa hay tài liệu nhất là tiếng tây thì cho em xin để cập nhật hoá lại những gì đang viết. Cảm ơn trước.

Sơn đen