Showing posts with label dl Những mảnh nhớ. Show all posts
Showing posts with label dl Những mảnh nhớ. Show all posts

Gặp lại bạn hàng xóm Đà Lạt

 Tuần rồi mình đi học bổ túc văn hoá tại Puerto Rico, trên đường về ghé lại Houston để thăm 2 người bạn học xưa tại Đà Lạt. Một chị bạn đã gặp lại mấy năm trước tại Cali và một anh bạn hàng xóm đã mất tin tức từ 50 năm qua, từ khi anh ta bị đôn quân sau mùa hè đỏ lửa. Anh ta nói đúng 50 năm vì anh ta đi lính vào tháng 11 năm 1972.

Gặp nhau lại khá cảm động, cả hai đều già, không thơ ngây như thời đánh đáo, bắn bi. Anh ta vẫn áo quần bảnh bao như xưa, đầu tóc chải láng cóng. Mình nhớ anh chàng khi xưa lúc nào cũng áo quần ủi thẳng li, tóc tai chải bờ răng tinh. Mình thì vẫn cốt cách nông dân làm vườn của Đà Lạt xưa. Xem hình mới khám phá bận áo ngược, nông dân vẫn lòi nông dân. 

Mình cố ý tìm anh chàng này từ khi tham gia dân cư mạng nhưng không ra vì không biết tên Mỹ hay tên ta. May mắn gặp một anh chàng khác ở trong xóm xưa Thi Sách, nay ở Gia-nã-đại, bà con với anh bạn, cho số điện thoại. Hai thằng nói chuyện mệt thở, kể về thời con nít trong xóm. Hồi nhỏ anh ta học mẫu giáo với anh Bình trong xóm, con ông Khoa.

Có lần đồng chí gái hỏi mình sao không có bạn học cũ. Mình nói khi xưa, có đi học đâu mà có bạn. Ai ngờ từ khi tìm lại Hùng Con Cua, lòi ra cả đám Yersin khi xưa rồi Văn Học.

Gặp lại Huỳnh Kim Sang sau 50 năm. Cho ăn mệt thở, đồ ăn Huế của Houston.

Kể chuyện thời tiểu học, bắn bi, đánh đáo, lớn lên thì đánh bóng bàn. Anh ta kêu mình đánh tiêu rờ ve khiến anh ta sợ. Dạo ấy trong xóm, không ai đánh lại mình nhưng ra khỏi xóm thì mình không đánh lại ai cả. Thua Nguyễn Minh Dũng hoài. Chán Mớ Đời 

Nay mình mới được giải thích lý do tại sao xóm mình có nhiều người học võ, thường được dân Đà Lạt gọi là băng Thái Cực Đạo vì đa số học môn này như anh NGọc, Đức,… . Anh đầu của Sang là người đầu tiên học võ trong xóm, sau này làm võ sư. Hình như học ông thầy Thiếu lâm trên đường Ngô Quyền mà anh chàng học chung với mình ở Yersin tên Trử có theo học. Anh ta không muốn mình theo học nên dấu, cứ đi học về là ghé nhà mình xin nước uống dù mình nhờ anh ta giới thiệu. Chán Mớ Đời 

Anh ta kể lại đoạn đường từ khi rời mái nhà trường đi quân dịch. Vào được không quân, họ cho đi học rà mìn để thanh tra xung quanh phi trường Tân Sơn Nhất. Chỗ anh ta đóng quân là viện bảo tàng tội ác Mỹ ngụy ngày nay. Mới vào quân đội, gặp bạn học cũ bị thương khi đi Thuỷ Quân Lục Chiến, khiến anh ta hoảng tiều.

Sau 75, đi làm thợ hồ, lơ xe đò để sống qua ngày rồi được móc nối đi vượt biển với ông anh. Sang Hoa Kỳ, đi làm để nuôi mấy người em bên Việt Nam. Đến năm 40 tuổi thì mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Về Việt Nam lần đầu được em út, hàng xóm giới thiệu mấy cô nhưng tình yêu chưa đủ lớn nên hơi ngần ngại.

Còn hai ngày về lại Hoa Kỳ thì mới nhớ đến một người bạn, giới thiệu một cô cháu ở Cai Lậy nên bò xuống thăm. Vào nhà thấy chỉ có chiếc chiếu trải dưới đất. Ăn cơm cả nhà chỉ có 1 cái chén và 3 chiếc đũa. Có lẻ bề trên sắp xếp nên anh ta mở lòng. Anh ta nói thẳng là Việt Nam để kiếm vợ, mới gặp nhau thì không thể nói tình yêu nhưng nếu cô nàng cho anh ta một cơ hội đả thông tư tưởng trong những giờ phút còn lại tại Việt Nam.

Cô nàng nhất trí thế là cả nhà anh ta mời đi ăn cơm như đi họp chi bộ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa vì có nhiều người xía vào ở tiệm ăn. Anh ta mời thêm em gái hậu phương Cai Lậy, một lần nữa đi ăn hôm sau tại cư xá Thanh Đa, uống nước dừa,… cô nàng thua anh ta đến 2 thập niên. Thế là anh đưa cho tiền để về chuẩn bị cổ làm đám hỏi cấp tốc trước khi lên đường về Mỹ.

Gặp lại 2 người bạn Đà Lạt xưa. Bận áo ngược Chán Mớ Đời 

Nhà trai không có bao nhiêu nên mời cả xóm ở Cai Lậy, vui vẻ rồi chia tay hẹn ngày trở lại để làm đám cưới. Đến giáng sinh, không báo cho nhà biết, anh ta bay về, sợ tên nào rủ cô nàng đi lễ mừng CHúa sinh ra đời. Ở Hoa Kỳ, nhờ văn phòng di trú làm hồ sơ bảo lãnh, họ bảo phải viết thư cho hôn thê cho nhiều để bổ túc hồ sơ. Anh ta kêu ở đây có dịch vụ viết thư cho hôn thê không, khiến mấy người ở văn phòng la quá trời.

Mình hỏi khi xưa, thấy anh chàng viết thư tình nhờ mình đưa cho mấy cô trong lớp mà kêu nhát gái. Khi xưa, mới sang Văn Học, mình phục anh chàng này với một anh chàng khác tên Hiệp 11A. Viết thư cho mấy cô rồi nhờ mình, làm bưu điện bất đắt dĩ đưa qua đưa lại với mấy cô nàng trong lớp.

1 năm sau thì bảo lãnh vợ sang được, sinh cho 2 đứa con nên phải đi cày thêm để nuôi con ăn học. Vợ học nghề làm tóc, hai vợ chồng dành dụm mua được 5 căn nhà cho thuê. Anh ta kể khi xưa, để dành tiền để giúp mấy người em ở Việt Nam, mua xe để chạy xe hàng nhưng thất bại. Ngày xưa, nhà anh ta có xe hàng, hay chở vật triệu xây cất cho mấy giáo xứ. Nhà anh ta hay đi lễ và sinh hoạt đoàn Hùng Tâm Dũng Chí ở nhà thờ cạnh nhà thương Đà Lạt. Bố đỡ đầu là bác Lê Công Oai, bố Lê Công HÙng, nhà ở đường Thi Sách, đối diện nhà trung tá Tốn. Đi lên một tí thì đến xóm nhà của Cao Quốc Tuấn.

Tiểu bang Texas nổi tiếng về bbq và thịt bò nướng. Vợ chồng chị bạn dẫn mình đi ăn bbq. Họ đưa cho cái rỗ to đùng để đựng thức ăn. Ăn xong chắc hết dám ăn thịt nướng cho mấy tháng quá.

Vợ chồng chị bạn chở mình đi thăm biển gần Houston, sau đó cho đi ăn bbq Texas. Xứ cao bồi này được tiếng là cái gì họ làm cũng to. Chai tương ớt còn to hơn chai nước mắm Việt Nam. Khi mua đồ ăn, họ đưa cho cái rỗ lớn bằng nhựa, đựng thức ăn, đem về bàn. Ăn thở không ra vì nhiều quá.

Mấy ngày đến Houston, trời mưa khiến mình nhớ đến Đà Lạt da diết. Sáng thức dậy nhìn trời mưa, tìm lại cảm giác ngày xưa còn bé ở Đà Lạt, cũng nhìn mưa suốt mùa mưa. Khiến mình chỉ muốn trốn khỏi không gian Đà Lạt xưa. Lại gặp bạn Đà Lạt xưa, tha hồ kể về Đà Lạt xưa. Có chút gì đó hạnh phúc đầy cảm động. Lại được chủ nhà cho ăn đậu phộng húng liều nên lại nhớ đến ông bận áo vét trắng, bán đậu phụng húng liều, ở trong xóm ngay dốc Ngã Ba Chùa.

Không biết chừng nào gặp lại nhưng mình rất mừng gặp lại một người bạn hàng xóm, học chung được vài tháng ở Văn Học. Anh ta có một người em bà con ở trong xóm, nay đã qua đời. Mình nhớ anh chàng này có nói với mình là anh bạn có gửi thư từ trại lính cho mình nhưng anh ta quên và quăng xọc rác. Chán Mớ Đời 

Mình có cho điện thoại một người bạn thân khác tại Đà Lạt và anh chàng có nói chuyện được lâu lắm. Anh chàng này rất dễ thương, mình về Đà Lạt, anh ta nghỉ làm, chở mình đi chơi trong suốt thời gian ở Đà Lạt. Ngoài ra, mình có đưa số điện thoại cho cô em của anh bạn, để liên lạc với một cô bạn học Văn Học khi xưa rất thân.

Về già, gặp lại bạn học xưa rất quý. Mừng là vẫn còn sống sót sau 75 ly tán. Vấn đề là ở xa quá, khó gặp nhau đều. Chỉ hy vọng có ngày gặp lại tại Cali hay Texas.

Đi ta bà, học bổ túc văn hoá cả 10 ngày mới về lại với vợ nhà. Vợ kêu chuẩn bị lên đường nữa. Đúng là năm đi ta bà.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 




Đi học cuối năm với con

 Sáng nay, hai cha con đi học. Thằng con tối qua, đi chơi về khuya nên sáng nay đến khách sạn vẫn còn ngái ngủ. Lớp này thường được tổ chức vào cuối năm để kiếm thêm khách hàng cho mấy tổ hợp làm thuế, bán nhà và luật sư. Mình đi khi xưa nhưng mấy năm gần đây thì không, nay dẫn thằng con đi học để cho nó học từ từ. Nói chung là họ cho biết các luật mới về thuế, bán nhà ra sao,…

Khi xưa, đi học ít thấy người gốc á châu, nay thì đông, nhất là họ dẫn con theo dù còn trẻ tuổi, dưới tuổi thành niên nên thấy là lạ. Sau khi ghi tên thì hai cha con ăn điểm tâm. Kệ cho con nó biết chút đỉnh rồi sau này chúng sẽ nhớ và tìm tòi thêm.

Khởi đầu, ông chuyên mua nhà sửa lại để bán, trung bình hơn 100 căn nhà mỗi năm. Ông ta cho thấy đồ thị địa ốc năm 2022 tương đương năm 2006, cho thấy năm 2008 sẽ lập lại trong nay mai. Cho thấy hiện nay số lượng nhà bán gia tăng so với 12 tháng trước đây. Theo mình biết thì dạo này ít người tái tài trợ lại nhà mình vì tiền lời tăng gấp đôi năm ngoái. Năm ngoái mua nhà lợi hơn mướn nhà, ngược lại năm nay mướn nhà rẻ hơn la mua nhà.

Mình có người chị dâu chuyên lo mượn tiền cho thiên hạ nay ngồi ngáp ruồi. Broker của chị rên trước đây mỗi tháng có mấy chục hồ sơ, nay chưa tới 2 cái. Không có người tái tài trợ lại nhà thì sẽ không có người tân trang nhà cửa thì kinh tế sẽ suy giảm.

Sau đó đến một bà chuyên lo về các Self-directed IRA, nói về đầu tư hay cho mượn tiền với quỹ hưu trí của mình. Self-directed IRA, khác với IRA thường. IRA thường thì chỉ có thể mua cổ phiếu hay mutual funds của Broker của mình như chúng ta thường sử dụng khi còn đi làm với công ty. 

Self-directed IRA thì mình có thể tự do đầu tư, không bắt buộc phải qua broker của mình. Mình có thể mua mua nhà, cho mượn tiền, … do đó ông Mitt Romney có thể nhồi tiền quỹ IRA lên mấy chục triệu với số tiền được đống hàng năm $2,000, nay thì lên đến $7,000. Bà ta cảnh báo là nên cẩn thận khi đầu tư vì có nhiều tên ma đầu dụ dỗ, khiến lòng tham cua mình nổ lên rồi tiền mất tật mang. Mình đầu tư vào cổ phiếu, cho vay lãi cao ngắn thời gian hay mua đất, khi bán không bị đánh thuế vì dùng Roth IRA.

Sau đó, hai vợ chồng CPA nói về sở thuế được cấp thêm tiền để mướn người làm để đi hỏi thuế thiên hạ. Có ông kể là nhận được thư của sở thuê nói ông ta nợ tiền thuế năm rồi đâu $1,100. Ông ta sợ không dám hỏi, chỉ viết ngân phiếu ngay cho họ để khỏi bị lộn xộn. Đó là extortion của chính phủ. Mình cũng nhận một lá thư tương tự. Theo người khai thuế của mình thì năm vừa qua, vợ mình được trả lại đâu trên $2,000 vì đã đóng quá nhưng theo lá thư thì bớt đâu $1,700 nên mình cũng ngậm họng. Đó là cách chính phủ Biden kiếm tiền từ nhân dân Hoa Kỳ. Mình thất kinh tưởng chỉ có mình nhận được lá thư này, ai ngờ có nhiều người cũn thưởng được diễm phúc này, khôgn một ai dám cả gan, viết thư hỏi. Chúng kêu xét hồ sơ thì khốn.

Sau đó thì có ông tây là accommodator khi bán nhà để đổi 1031 exchange. Ông ta nói đến những thay đổi luật lệ gần đây. Chính phủ Trump và Biden in tiền rất nhiều cho vụ cô lập hoá xã hội vì Covid nên nay cần tiền để trả tiền lời nên sẽ đánh thuế người Mỹ như điên vì mới ra thêm đạo luật về vấn đề này.

Cuối cùng một ông luật sư chuyên về luật gia đình và bảo vệ tài sản. Ông ta cho biết là bỏ nhà cửa và tài sản vào living trust, để tránh toà thừa kế nhưng không bảo vệ tài sản của mình nếu bị thưa kiện. Nếu mua nhà cho thuê với quỹ hưu trí mà nếu bị thưa kiện, nếu thua thì người kiện mình sẽ lấy căn nhà nhưng mình phải đóng thuê trên số tiền giá trị căn nhà. Do đó không nên mua nhà với quỹ hưu trí. Lý do là không được khấu hao về thuế. 

Ông này thì quảng cáo về LLC, công ty trách nhiệm hữu hạn nên doạ đủ trò nhưng không nói đến sự lợi hại khi dùng LLC và S Corporation. Chán Mớ Đời 

Sau đó thì giải lao để bà con có dịp uống trà hay uống coca và nước ngọt, đi từ thoải mái trước phần 2 là đặt câu hỏi. Phần này thì thiên hạ xếp hàng để hỏi, cứ kêu thí dụ một người bạn muốn làm cái này cái nọ khiến ai nấy đều cười. Đa số là người lạ vì mấy người mình quen thường tham dự mấy cái này trước đây thì không thấy xuất hiện. Nói chung là mấy CPA này lấy tiền khá đắt. Họ quảng cáo, trả tiền khách sạn sang như hIlton. Người làm thuế cho mình chỉ lấy có $250 trong khi họ lấy gấp 10 lần. Vấn đề là phải biết để nói người làm thuế của mình. 

Dẫn thằng con theo để nó học thêm chút đỉnh rồi sau này, nó sẽ mò học thêm. Phần này thì nó ngáp như điên vì thiếu ngủ đêm qua nên chắc chả nhớ gì cả hay hiểu. Xem như phần nhập môn tương tự mình khi xưa mới bò lại lần đầu, nghe thiên hạ nói toàn là những đại từ. Sau này thì khám phá ra họ mồ mình để bán dịch vụ cua thọ. Chán Mớ Đời 

Cuối tuần này mình bay sang San Juan, Puerto Rico để học một tuần 4 tên luật sư. Có tên luật sư CPA mình đi học cách đây 20 năm về làm sổ sách Quickbook. Nay hắn lấy $750/ giờ nên phải bò sang đây học vì có thêm 3 tên luật sư khác trong 1 tuần. Khi xưa hắn ở Ohio, nay dọn về San Juan để đóng thuế ít nhưng lại gặp Cuồng Phong. Chán Mớ Đời

Mình cos nói đồng chí gái là tháng này, chuẩn bị đi Puerto Rico, mình đi học trong ngày, mụ vợ đi shopping, tối lại thì hai vợ chồng đi chơi, có thể lấy thêm vài ngày ở đây sau khi học. Đồng chí gái tham gia một ca đoàn Trưng Vương gì đó nên phải chuẩn bị trình diễn hai tuần nữa nên mình đi một mình. Trên đường về, sẽ ghé lại thăm người bạn, hàng xóm khi xưa, mất tích từ khi anh chàng bị đôn quân, nay mới tìm lại được. Anh chàng định cư tại Houston, luôn tiện thăm vợ chồng chị bạn, gặp nhau tại hội ngộ với cô giáo việt văn ngày xưa.

Mình có đến Houston một lần, thời còn vui tính độc thân.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 



Hồ Mammoth 2022

 Tuần này, đồng chí gái tổ chức với mấy người bạn đi viếng các hồ của vùng Mammoth, Cali. Chỗ này, gia đình mình có đi lâu rồi nhưng gây ấn tượng nhiều cho đồng chí gái nên mấy người bạn kêu tổ chức đi. Nhóm 10 người, 3 trai 7 nữ. Tụi này mướn chiếc xe van 12 chỗ rồi mấy ông thay nhau lái.

Trên chuyến xe đò Thái Sơn từ quận Cam đến Mammoth Lakes, mình và anh bạn tên Thái lái nên cả nhóm gọi xe đò Thái Sơn cho hợp với văn hoá bình dân của mình. Đồng chí gái mua một cái máy gọi là Karaoke Box, với hai microphone, đem lên xe, cả đám thay phiên hát karaoke. Cứ mở điện thoại ra rồi liên kết qua Răng Xanh là hát như ở nhà. Hành khách trên xe đò Thái Sơn rất vui, vổ tay lia lịa, quên đường dài.

Đang chạy qua thành phố Adelanto, bổng nhiên thấy bên phải, một ngôi chùa Việt Nam, có tên Chân Nguyên, nên quay đầu lại, chạy vào viếng chùa. Chùa này to, tọa lạc trên độ 4-5 acres. Mấy bà mấy ông đi chụp viên ở khuôn viên chùa. Mình đi lạy bàn thờ mấy ông tướng và tá Việt Nam Cộng Hoà đã tự tử ngày 30 tháng 4, năm 1975. 

Xong thì thấy trai đường nên bò vào. Gặp hai ông thầy, một ông gốc Quảng Trị và một ông gốc người Nam, đang ngồi ở bàn ăn, hỏi thăm chùa được xây đâu trên 14 năm rồi. Thầy lập ra chùa này đã viên tịch, hai thầy về đây trù trì. Hai thầy hỏi mình sang đây bao lâu, mới khám phá ra hai thầy khi xưa ở trong quân đội. Sang Hoa Kỳ thì giác ngộ Tứ Diệu Đế nên xuất gia đi tu.

Mọi người vui vẻ đến hồ Chrystal

Thầy hỏi đã lạy Phật Bà chưa thì mình nói dạ chưa, ở mô? Ông ta nói ngoài khuôn viên. Lúc đó mình xin phép đi lạy phật vì chỉ mới vô chỗ thờ các người chết. Đi vòng vòng ra phía trước chùa thì thấy đủ phật, có tượng phật bà to cao, mình khấn vái cho gia đình được bình an và mẹ và các em cháu ở Việt Nam được khoẻ mạnh luôn.

Rồi viếng chánh điện, sau đó thì quay lại trai đường, nói chuyện thêm với hai thầy. Thấy hai thầy đang ăn, phải ngưng nên mình xin phép kiếu từ, hẹn khi mô có dịp lên đây sẽ ghé thăm chùa. Hai thầy kêu ở lại dùng trai nhưng không có cơm, chỉ có mì gói. Mình xin lỗi vì đồng chí gái và mấy người bạn đang tạo dáng. Cả đám 10 người mà chỉ có mình gặp được hai ông thầy cho thấy phải có duyên mới gặp nhau. 

Cuộc đời mình lạ lắm, cứ loay hoay gặp toàn linh mục, mục sư và thầy chùa. Mình rất thích ngôi chùa này, hơi xa nhưng có dịp mình sẽ lên đây chơi, hầu chuyện hai ông thầy trù trì.

Xe tiếp tục chạy, ban nhạc karaoke viện dưỡng lão lại tiếp tục mấy show khác. Hát xong thì đói, họ chia nhau bánh mì thịt bolsa, trong khi mình thì lái xe. Chán Mớ Đời 

Chùa Chân Nguyên ở Andelanto, cạnh thành phố Victorville độ 5 dặm.

Ăn xong lại hát, hát khát thì lại uống nước, uống nước xong thì kêu bác tài, cho đi tiểu. Quên, nhờ mót tiểu mà thấy chùa Chán Nguyên, thì quay đầu, cho mấy bà đi xả sú-bắp. Như vậy mình có duyên gặp được hai ông thầy trù trì. Hôm trước, chạy lên đây để xem hai căn nhà có 8 con heo, có chị bà con của đồng chí gái, dẫn đi ăn phở, nói chùa Chân Nguyên này linh lắm, ai cầu chi được nấy. 

Đồng chí gái và mấy bà bạn trước hồ ở Mammoth

Nói về hai căn nhà trên 2 mẫu đất, mình xem báo cáo của Title Insurance thì chủ bán, sắp bị chủ nợ xiết nhà vào cuối tháng này. Chủ nhà nợ $152,000, thiếu thuế điền thổ $12,000. Mình tính mua cái nợ giá $140,000, trả thuế $12,000 rồi bán cho hai cặp vợ chồng muốn mua với giá $175,000. Nghĩ đi nghĩ lại, mình kêu chuyên viên địa ốc của mình là thôi, không mua nữa. Chủ nhà bị xiết nhà vì người mướn không trả tiền mà tình hình địa ốc đang xuống nên không mua việc nữa. Thêm người mướn nhà có súng, nghe ông hàng xóm nói họ vác súng ra đòi bắn. Làm mấy người mình hỏi lấy heo, buồn 5 phút.

Xe chạy đến nhà mướn qua AirBnB, rộng rãi. Sau khi dành phòng xong thì mọi người xông vào ăn bún riêu của đồng chí gái nấu. Bữa ăn ấn tượng nhất là hôm qua ăn canh chua và cá hồi cuốn rau. Cực đỉnh! Mình còn thấy nồi phở, chắc để hôm nay, ăn bữa cuối cùng vì ngày mai chạy về. Tối nay thì ăn phở cho đêm cuối cùng.

Hôm qua đi viếng hồ nước mặn, Mono Lake, sau đó ghé vào chỗ nghỉ ngơi ăn trưa ở cạnh đường 395. Mọi người tiếc là quên không đem theo cây đàn. Trong xe thường là có cái đàn thung, chán karaoke thì hát đàn thùng. 

Sau đó đến chỗ để leo đường mòn đến hồ Chrystal. Hồ ở đây nhiều lắm nên mới được gọi là Mammoth Lakes. Mấy hồ kia thì đi bộ, đi xe buýt điện viếng thăm, còn hồ Chrystal thì phải leo núi, cao độ 800 feet, sau đó lại đi xuống núi để đến hồ. Có hai chị bạn đi không nổi, mới được hai trăm thước là ngồi thở nên ở lại chờ. Cả bọn leo lên.

Mình đang tập leo núi để hai tuần nữa leo núi Kilimanjaro, phi châu mà phải leo một đoạn, rồi đứng đợi cả đám, khi ra hiệu cho họ biết là mình dọt lên nữa. Cuối cùng nghe một chị kêu xa quá, chắc đi không nổi nên mình đoán cả đám chắc bỏ cuộc. Mình đi một mạch lên đỉnh thì gặp bà mỹ, đang mò mò tìm gì. Mình hỏi thì bà kêu mất cái nhẫn cưới chi đó hôm qua, trời tối. Ông chồng chửi thề quá nên phải bò lên đi kiếm nhẫn cưới như mò kim. Chán Mớ Đời 

Mình xuống hồ chụp hình cho cái App AllTrails. Xong bò lên lại vì sợ cả đám đã về lại, thêm hai chị bạn không leo được, sợ lạnh vì mình giữ chìa khoá. Lên tới đỉnh rồi đi xuống một tị thì gặp đồng chí gái và cả nhóm đang đi lên nên đành đi ngược lại với họ. Sau màn chụp hình tạo dáng, bắt đầu leo đốc lại rồi đi xuống núi. Ai nấy đều đừ, ít nói. Hết karaoke. Về nhà ăn cơm tối xong là đi ngủ.

Nay tính đi leo núi chút đỉnh chỉ lên có 300 cao bộ anh, hôm qua 800 bộ anh. Hy vọng mọi người có thể đến nơi.

Đi đến đường mòn dẫn đến Devil Prospites, rất lạ. Loại đá được thành hình bởi núi lửa, được bà park ranger to như cái thùng tôn-nô, giải thích hiện tượng, bà đi không nổi, lắc tới lắc sau. Chán Mớ Đời 

Mấy bà leo lên được trên đỉnh 300 cao bộ nhưng cứ chụp hình tạo dáng nên mình đi vòng vòng 3 lần mới thấy mấy bà đi xuống. Ghé lại cái hồ trên đường đi, ngồi ăn trưa, nơi bàn cạnh hồ. Viếng làng Mammoth, rồi đi xe buýt vòng vòng rồi về ăn phở. Mai về sớm để tránh bị kẹt xe. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Đà Lạt ngập trong mưa gió

 Mấy hôm nay, đọc tin tức thấy Đà Lạt bị ngập khiến mình nhớ đến những mùa mưa khi xưa, Đà Lạt cũng ngập trong nước lũ. Địa thế Đà Lạt là vùng đồi núi, có vài không gian là bằng, tạm gọi là thung lũng. Khi thiết kế đô thị, mấy ông tây bà đầm được thiết kế cho ở các nơi có đồi như dọc đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương,.. toạ độ trên cao nên khi mưa chảy xuống thung lũng, nơi họ đào thêm 2 cái hồ nhân tạo được gọi là Grand Lac và Petit Lac.

Hồ Lớn để người Pháp chơi các môn trượt nước, tắm, đua thuyền còn Hồ Nhỏ thì để thị dân sở tại dùng. Đến năm 1932, có một bão lũ lớn, phá vỡ cái đập của hồ lớn, tràn xuống phía thung lũng nơi người Việt và người Mọi ở , cuốn theo 15 người Việt chết. Từ đó họ mới dời khu chợ người Việt lên KHu Hoà BÌnh ngày nay, trước đó dành cho người Pháp. Còn vùng thung lũng thì để trồng rau, sau năm 1952, họ thành lập Ấp Ánh Sáng, phía trên đồi một tị.

Nhìn tấm ảnh này khiến mình nhớ ngày xưa cũng bị dính lụt như vậy ở góc Hai Bà Trưng và Cầu Cẩm Đô

Nếu nhìn bản đồ Đà Lạt, khu vực dành cho người Việt ở trước khi tây về nước, ta thấy hồ Xuân Hương, có suối Cam Ly chảy về phía Cam Ly qua khu LÒ Gạch, Lò Rèn. Ngoài ra phía Đa Thiện, Số 6, Số 4 có 2 con suối chảy về khu vực giữa Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng là thung lũng.

Nếu xem kỹ thì khu vực này được ông bà Võ Đình Dung mua hết, từ Mã Thánh, Số 4 về đến trường Việt Anh, rồi cho dân làm vườn Đà Lạt thuê. Ông Võ Đình Dung khi xưa là nhà thầu khoán, xây nhà ga xe lửa Đà Lạt, khu dãy Hoà Bình xung quanh hội trường Hoà Bình là của ông ta. Sau này tu hành, ông ta bán lại cho các thương gia Đà Lạt. Mình không biết hậu duệ của ông bà còn sống ở Đà Lạt hay không. Có cơ hội mình muốn hỏi thăm thêm chi tiết về ông thầu khoán nổi tiếng Đà Lạt một thời.

Bão lũ năm 1932, là phá vỡ cái đê của hồ Lớn, lụt và cuốn đi 15 mạng người Việt khiến chính phủ Pháp phải dời khu người Việt sinh sống lên khu Hoà Bình, dành cho người Pháp 
Bão lũ năm 1932, làm ngập vùng Đà Lạt xưa

Dọc bờ suối của đường Phan Đinh Phùng và Hai Bà Trưng có người ta ở mặt tiền, còn sau lưng là các nhà vườn. Nhà vườn thì dùng nước suối để tưới rau cải. Dân cư Đà Lạt sau Mậu Thân gia tăng khủng khiếp. Có lẻ do chính sách phá làng lùa nông dân vào thành phố của quân đội Hoa Kỳ, nhà cửa mọc lên bú xua la mua tại Đà Lạt. Thương phế binh cắm dùi. Xung quanh nhà mình thiên hạ cứ xin tôn và xi măng làm nhà. 

Sau Mậu Thân có chương trình tái thiết của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, thiên hạ xin tiền, xi măng để làm nhà lại. Mình nhớ gia đình dì Ba Ca, trên Số 4, chạy giặc xuống nhà mình, được chính phủ cho xi măng, làm hắc lô, rồi chở về nhà ở Số 4 bị bom đánh cháy, làm lại.

Dưới đường Hai Bà Trưng, có một lô đất đẹp, nằm giữa cư xá Địa Dư và trường Nữ Công Gia Chánh, của ai, mới cày xong nhưng vì Mậu Thân xảy ra nên họ ngần ngại xây cất nhà cửa thì thiên hạ cắm dùi chiếm hết. Xây nhà gỗ vớ vẫn xấu xí. Hình như nhà Lê Nam Sơn ở đây, học chung với mình, bố anh chàng là thợ may. Nghe nói sau 75, làm cách mạng lớn lắm, xách sacoche đi đây đi đó, nay nghe nói bán mì ở Bảo Lộc.

Phía sau còn đường Phan Đình Phùng, bổng nhiên có nhiều con hẻm được mọc lên vội vã, nha cửa mọc lên như nấm đông cô. Chỗ nào có dân cư chỗ đó có rác. Từ cuối hẻm mà ra đường Phan Đình PHùng để đỗ rác thì khá châm vì phải cuốc bộ độ 50-100 mét.

Trong khi đó bên cạnh họ có con suối từ Đa Thiện chảy về. Người dân ở gần, cứ đem rác ra đổ xuống suối, nước cuống trôi về Cam Ly khiến thác Cam Ly hôi như nhà xí. Được cái là các cặp tình nhân hay đến đây, viết tên mình quyện vào nhau, với cái mũi tên xuyên tim, rồi nắm tay nhau thề thốt, suối Cam Ly có cạn núi Lâm Viên có mòn nhưng mối tình hữu nghị đôi ta vẫn bền vững như hãng sơn Bạch Tuyết, ở Ba Son.

Gặp mùa mưa có nước trôi mạnh nên có thể kéo theo rác nhưng vào mùa khô là ngọng nên rác từ từ chất thành núi. Mỗi lần mình đi ngang qua mấy con suối này là thấy ruồi nhặng bay như quân nguyên. Đi ngang cầu Cẩm Đô là thấy rác và rác, không thấy suối đâu cả.

Rồi ngày qua đi qua đi qua, khi mùa mưa đến. Nước từ Đa Thiện chảy về bị các núi rác chấn lại nên từ từ dâng lên và tràn ngập các vườn rau và các con hẻm ở gần chợ nhỏ Phan Đình Phùng, ngay tiệm thuốc tây Lâm Viên và tiệm may của ông Ba Hoà. Đi ngang đây là thấy dân ở trong hẻm này, quét nước, múc nước đỗ ra ngoài nhà. Đa số xây thêm cái tường nhỏ nơi cửa bước vào nhà để nước đừng chảy vào trong nhà.

Phía bên đường Hai Bà Trưng cũng bị lụt nhưng chỉ có vùng thấp như chỗ nhà thầy Thành Bắp Sú, gần cầu Cẩm Đô. Khu nhà mình thì không nhưng nếu ra phía sau nhà của hai nhà ông Duy và ông Ngự thì thấy nước suối dâng lên rất cao, ngập mấy cây chuối của họ trồng.

Bà sơ và đám trẻ đi câu cá ở hồ Xuân Hương

Khúc trường Việt Anh cũng bị hay khu đường Cường Để, abattoir, nhìn xung quanh chỉ thấy sông và sông. Có lần nước dâng kéo trôi mấy thùng phân và thuốc sâu ở mấy khu vườn ở đường Nguyễn Trãi, Phan Chu Trinh, kéo thuốc sâu ra hồ Xuân Hương, làm mấy con cá chết, nổi lềnh bềnh, dân Đà Lạt đi vớt về ăn, trừ sán trừ sâu trong ruột luôn.

Mình nhớ có lần lụt, chạy xe về nhà, đi ngang qua cầu Cẩm Đô, đến đường Hai Bà Trưng thì bị ngập nước, ống bô. Thế là dẫn xe về rồi sau đó đem ra tên sửa xe Honda ở đường Cường Để, ngay cầu Lê Quý Đôn. Mất mấy ngàn để nghe anh ta hát: “người ta thường nói có tiền mua tiên cũng được, còn anh là thợ sửa hOnda, sức mấy có tiền mua em” Chán Mớ Đời 

Sau này mình về Đà Lạt, cứ thắc mắc là rác và ống cống Đà Lạt chảy về đâu. Khi xưa, ở chợ Đà Lạt, khi mưa, có mấy ông cống rãnh chảy ra bờ hồ, đúng hơn là thải xuống chỗ bến xe, xuống suối Cam Ly, chảy về khu Thác Cam Ly. Mình nghe nói là xứ Đan Mạch có viện trợ làm hệ thống ống cống rác chớ Việt Nam chả làm nên trò trống gì cả.

Mình để ý chỗ mấy con suối từ MẢ Thánh chạy về Cẩm Đô, được xây cất bằng các đá ong nhưng lại làm con suối nhỏ lại, không rộng như ngày xưa. Đi qua mấy chiếc cầu nhỏ rất ngắn không như ngày xưa, rất xa. Đi trên mấy tấm gỗ, nhúng nhúng khiến sợ lọt xuống suối.

Nhớ ngay cư xá Địa Dư, có chiếc cầu khỉ, sau này đoàn hướng đạo Lâm Viên, do anh Ngữ, con bà ấm Thảo, hướng dẫn làm chiếc cầu chắc hơn và có chỗ cầm tay để khi qua cầu. Anh Ngữ sau này, đi Thuỷ Quân Lục Chiến bị thương ở Thạch Hãn, mất một con mắt. Sau này , không biết trôi dạt về nơi đâu.

Đà Lạt ngày nay lụt thì dễ hiểu. Cây cối bị chặt hết, thay vào đó là nhà và nhà nên không giữ nước, nước từ cao cứ ụp xuống chỗ thấp. Mình về Đà Lạt, đi vòng vòng xem thì thấy mấy nhà kính, đúng hơn là nylon phủ khắp nơi, gây sức nóng trong không gian, không có cây cối gi cả. 

Ngay ở xóm xưa của mình, có nhiều cây cối, nay thì không có một ngọn cây, không có chim đậu, không còn nghe tiếng chim hót vào sáng bình minh như ngày nào. Mình chỉ thấy nhà và nhà, không biết ai sống bên cạnh, toàn là các cổng to đùng, chia cách hàng xóm láng giềng. Khi xưa, hết dầu, hết đường, có thể chạy qua hàng xóm mượn muỗng múi, thẻ đường. Nay mình hỏi ai sống bên cạnh, nhà mình lắc đầu. Chúng ta đã trở những con ốc đảo vô hình không để ý đến sự tàn phá của chúng ta đối với môi trường.

Khi mưa là chỉ thấy sông và sông. Cái đập ở cầu Ông Đạo đã bị vỡ một lần vì mưa bão vào năm 1932, cuốn trôi bao nhiêu nhà khi xưa. Nếu không khéo thì Đà Lạt sẽ bị phá tan vì sự phát triển quá tải, không nghĩ đến môi trường.

Chúng ta hay quên, chúng ta là nhân tố trong môi trường sinh thái to lớn. Nếu chúng ta cứ xây cất, phát triển vô tội vạ thì đời con cháu sẽ không còn môi trường để sinh sống.

Nhớ có một tập đoàn Tân gia ba mướn công ty của mình làm việc, thiết kế một dự án khu nghỉ dưỡng, ăn chơi ở Suối Vàng Dankia. Mình có hỏi vấn đề thanh lọc, xử lý rác rưới ở hồ Dankia thì bị dẹp qua một bên. Sau này dự án bị bỏ dỡ, mình mừng. Ai ngờ nay về lên Suối Vàng thì thất kinh, còn te tua hơn dự án của Tân Gia  BA khi xưa.


Từ ngày, mình mua cái vườn, có cọ sát với thiên nhiên môi trường, mới giác ngộ cách mạng về những sai lầm khi xưa, xây nhà vô tội vạ để kiếm tiền. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tấm ảnh thứ 2

 Nhìn tấm ảnh này thì quá đẹp. Đà Lạt một thời. Ngoài chợ Đà Lạt thì có lẻ xung quanh hồ Xuân Hương, để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm của thời bé.

Ngay giữa hồ là Thuỷ Tạ, câu lạc bộ nước được người Pháp xây dựng mang tên “La Grenouillère”, lấy tên một câu lạc bộ nước, tại ngoại ô Paris, rất nổi tiếng vào thời người Pháp gọi La Belle Époque. người Pháp xa xứ, cũng xây dựng lại hình ảnh của quê nhà như người Việt mình ở hải ngoại, mở tiệm phở pasteur, quán ăn Dakao,…

Chỗ này là 1 trong ngã tư của Đà Lạt. Chỗ bùng binh Thuỷ Tạ, con đường bên tay phải là đường Cộng Hoà, khởi đầu từ bùng binh Thủy Tạ, chạy dọc theo hồ Xuân Hương, qua sân vận động, đến ngã ba Bà Huyện Thanh Quan và đường Nguyễn Trãi. Còn đường bên tay phải, phía dưới tên Nguyễn Tường Tộ, chạy về cây xăng Kim Cúc, đường Nguyễn Tri Phương để đi thác Prenn.

Bên tay trái, có con đường mình không nhớ tên, chỉ nhớ chạy vòng vòng lên đường Tự Đức, phía sau khách sạn Palace. Chỗ này nổi tiếng vụ đánh cướp ngân hàng Việt Nam Thương Tín hay Đông Phương ngân hàng. Mình có bò đến đây để xem ông tài xế lái xe ngân hàng, diễn lại vụ cướp, đem tiền lên kho bạc, ăn thông với mấy tên nào, giả bộ ăn cướp, rồi đem xe bỏ dưới đèo Prenn. Chỗ này cây thông rất nhiều nên có người người chụp ảnh Đà Lạt, đến chỗ này để thấy ánh sáng xuyên qua mấy cây thông và các nữ sinh đi học trong sương mù.

Cảnh sát lấy cung, khệnh cho vài đòn là ông thần tài xế, khai hết. Sau đó họ bắt được mấy tên đồng loã tại Sàigòn. Chỗ đường nhỏ này và đường Trần Quốc Toản, có cây xăng Esso.

Cận cảnh là những căn nhà nghỉ xây khi Đà Lạt mới được thành lập, trước khi xây khách sạn Palace. Nếu mình không lầm là 5 căn, mình đã kể.

Ngay góc đường Cộng Hoà và Nguyễn Trường Tộ, là nhà hàng Đào Nguyên. Trước 75, là nhà hàng có nhảy đầm. Câu lạc bộ thể thao mà người Pháp thành lập khi xây dựng khách sạn Palace, không có người đến nghỉ vì không có gì để tiêu khiển. Người Pháp mới thành lập câu lạc bộ thể thao, gồm quần vợt, và chơi các môn thể thao nước như bơi lội, đua thuyền ở Thuỷ Tạ. 

Nhà hàng Đào Nguyên, lúc đầu được tây gọi “La Chaumière”, túp lều tranh, mình có kể rồi, lười đi kiếm ảnh vì mái nhà được lợp bằng rơm như khi xưa ở Pháp, nơi người ta để rơm. Sau này họ cho xây mới lại. Khi Tây về nước, hình như có thay đổi nhiều tên đến Đào Nguyên là cuối cùng, mướn của thị xã Đà Lạt. Mấy nhà của Tây để lại thì thuộc về thị xã, lấy cho thuê để có tiền xây dựng Đà Lạt như chợ Đà Lạt, thao trường,… Chỗ này để người ta chơi thể thao xong thì vào đó uống giải khát hay ăn nhẹ. Sau này thời đệ nhị cộng hoà cho phép nhảy đầm. Thời ông Diệm thì cấm thì phải.

Có mấy sân quần vợt, hình như 4 thì phải. Khi xưa, chỉ các tay giàu có Đà Lạt mới ra sân. Hình như phải đóng niên liễm cho câu lạc bộ, mới được vào đây. Mình đánh ở ty Công Chánh ở đường Pasteur. Mình chỉ đến đây khi có đại hội thể thao quân khu II. Có lần hai anh em Đinh Quốc Tuấn và Đinh Quốc Cường, từ Phan Thiết lên đánh như vũ bão khiến mấy đại gia Đà Lạt dạo ấy, cho con đi học đánh quần vợt đẻ trở thành Đinh Quốc Tuấn thứ 2. Bên cạnh là Thao Trường, để khi nào buồn đời mình sẽ kể về thao trường thời võ sĩ Minh Cảnh đả lôi đài,…

Mình có kể về xây dựng Thuỷ Tạ rồi, nhìn qua bên kia hồ, thấy đồi cù dạo ấy xác xơ, ít cây cối hơn như ngày nay. Chỉ khác là khi xưa, ai cũng lên đây được, trai gái Đà Lạt thường hẹn hò ở đây. Mình phát hiện ra một cô hàng xóm, đi chơi với bồ tại đây. Khá vui.

Có lần chạy vòng vòng ở đây, để xem mấy cặp đang tự tình, bổng nhiên Dương Quang Trí, ngồi sau mình bị một trái cù từ đâu bay cái vù đến trúng ngay đầu. Mình ngồi trước và thằng Nguyên ngồi sau không bị mà tên ngồi giữa bị trúng. Kinh

Nhìn lại mới thấy ông bác sĩ Đào Huy Hách với ông Phó Bá Long, đang đi bộ, vác theo gậy đánh cù, đang đi tới. Họ đánh rồi trái cù chạm đất rồi văng lên trúng thằng Trí. Sau này, mình có thiết kế lại câu lạc bộ sân cù và khách sạn Palace, khi công ty được ông chủ DHL mướn làm.

Hồi nhỏ, mình có lên sân cù để xem nhảy dù. Có lần thấy ông Nguyễn Chánh Thi, anh chú bác với ông ngoại mình, làng Dưỡng Mong, Thừa Thiên. Thấy ông Thi nhảy dù, cầm cờ Việt Nam Cộng Hoà, về nhà mình bắt chước, leo lên mái nhà, cầm cờ Việt Nam Cộng Hoà nhảy xuống, té lăn cu Cheng, bể đầu, máu me tùm lum, nay còn cái xẹo to đùng.

Một lần khác thì thấy ông Lâm Quang Thơ, chỉ huy trưởng trường Võ Bị, nhảy dù xuống sân cù. Ngoài ra còn có vụ thi thả diều trên đồi Cù. Dạo ấy, mình hay đi theo mấy đứa lớn trong xóm ra đây. Hôm trước nói chuyện với anh bạn hàng xóm xưa, nhắc lại thằng Dư.

Hai bên Sân Cù, có hai hồ nhỏ; bên trái là hồ Đội Có, dành để bơm nước cho thị xã Đà Lạt, ty Công Quản Nước, năm bên cạnh, ông cụ mình làm tại đây dưới quyền ông Nguyễn Văn Tùng, bố của anh chàng tên Huân, học trên mình một lớp ở Yersin.

Hồ bên phải là hồ Tống Lệ, nơi mình hay ra đây câu cá với ông dượng mình nhưng chả được con nào. Mình có xem hình ảnh trước năm 1932, khi bão lũ cuốn trôi cái đê đập ở ngay Thuỷ Tạ thì không thấy hai hồ này. Mình đoán là tây cho làm hai cái hồ này để hứng nước để khi hồ đầy nước vào mùa mưa, để tránh nạn tức đê làm vỡ đập nữa.

Hồ Đội Có được người Đà Lạt gọi vì do ông Đội Có xây dựng, ông ta có dẫy nhà chỗ bến xe Tùng Nghĩa mà người Đà Lạt khi xưa hay gọi dãy nhà Đội Có. Toàn là dân thầu khoán, cai lục lộ khi xưa làm cho tây xong thì giàu có, xây nhà, mua đất như Đội Có, Võ Đình Dung, Nguyễn Văn Tiếng,..

Chúng ta thấy nhà sinh hoạt của hướng đạo Lâm Viên ngay bờ hồ, bên cạnh là ống nước bơm nước từ hồ Xuân Hương vào nhà máy nước bên cạnh hồ Đội Có nơi ông cụ mình khi xưa làm việc.

Đạo quán Lâm Viên, hình do Nguyễn Kính gửi, lễ rước của nhà thờ. Đạo quán này lúc mới được xây cất. Nếu mình không lầm có thời te tua sau đó được trùng tu lại

Chúng ta thấy nhà hàng Thanh Thuỷ, hình như mình có vào đây uống nước một lần khi xưa. Ai ở Sàigòn lên chơi, dẫn mình ra đây uống được chai nước cam vàng, mê ly. Lác đác trên hồ thấy mấy pê-đa-lô, nay họ gắn mấy con thiên nga nên hơi chán vì không nhìn thấy phong cảnh nhiều.

Cuối cùng bên tay trái có con đường nhỏ lác đá, đi lên khách sạn Palace. Xong om

Xem hình ảnh xứ người, nhìn Đà Lạt chỉ muốn khóc

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đi bụi một thời

 Nhớ thời sinh viên, nghèo, đi chơi khắp âu châu bằng xe lửa, quá giang, xe đò, gặp quen đủ thứ người. Có người mình vẫn còn giữ liên lạc đến nay, con họ qua Cali ở nhà mình vào mùa hè để học tiếng anh,.. Trước hè, mình mua cuốn sách du lịch của tây “Guide des routards”, để xem họ cập nhật hoá các khách sạn nhất là các lữ quán thanh niên (auberge de la jeunesse). Đi ngoại quốc thì phải làm thêm cái thẻ quốc tế lữ quán thanh niên. Có thẻ này mình mới được vào các lữ quán này ở qua đêm, tối đa họ cho 3 đêm vì để dành chỗ cho giới trẻ khác đến. Thường thì giường xếp đôi, người nằm trên người nằm dưới. 

Mình thích nhất là các lữ quán ở Thuỵ Điển. Lý do là họ chỉ có một phòng tắm tập thể cho cả nam lẫn nữ sử dụng, nam nữ bình đẳng hết. Vào tắm lâu lâu 1 tí để ngắm mấy cô tóc vàng, thân hình bốc lửa. Nhớ lần đầu tiên đang tắm, bổng nhiên một cô tóc vàng bước vào kêu Hello, khiến mình thất kinh, cảm thấy mình như Chử Đồng Tử thấy thấy công chúa đang tắm. Chim sò gì biến mất tiêu. Chán Mớ Đời 

Thời sinh viên đói như mình, thích đi du lịch bụi, đều dựa vào mấy cuốn hướng dẫn du lịch này.

Năm 1968, khi Pháp có cuộc cách mạng văn hoá, sinh viên học sinh xuống đường biểu tình, kêu gọi thay đổi xã hội với những bản nhạc như le Métèque của nhạc sĩ Georges Moustaki, gốc Hy Lạp, tỵ nạn chế độ quân phiệt, hay phim Macadam Cow-boy. Có một ông tây hippie đi giang hồ, đi bụi qua qua Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Pakistan, Katmandu,.. 

4 năm sau khi trở về Pháp, ông ta đưa cho ban biên tập tờ báo Actuel, các phóng sự, ông ta kể khi đi bụi qua 22 quốc gia. Vấn đề là có 19 nhà xuất bản ở Pháp chê, không muốn in cuốn sách hướng dẫn du lịch cho giới trẻ nghèo, muốn trải nghiệm như ông phóng viên. Xui cái là ông thần thứ 20, đồng ý xuất bản cuốn sách du lịch, bị xe buýt cán chết.

Cuối cùng vào những năm 1975-1980, khi mình còn sinh viên thì nhà sách nổi tiếng Hachette, đồng ý đầu tư vào, với hình bìa một tên lãng tử giang hồ khắp địa cầu. Nhìn lại nếu không có cuốn sách du lịch của Hachette thì có lẻ mình đã không đi bụi một đời khi xưa. Cũng có thể mình đã làm hướng dẫn viên du lịch cho lữ quán thanh niên của Paris, đưa mấy nhóm trẻ tây đầm, đi du lịch qua Hoà LAn, Đức quốc,..

Dạo ở New York, mình có giúp một anh sinh viên của đại học Princeton, viết lại lịch sử của Việt Nam, khi anh chàng này đi viếng Việt Nam vào năm 1990 hay 1989, sau đó công ty Lonely Planet nhờ anh ta viết cuốn hướng dẫn du lịch về Việt Nam, lúc mới mở cửa. Lý do anh ta cứ lấy lịch sử Việt Nam do mỹ viết nên mình phải sửa lại nhiều. Anh ta có tặng một cuốn khi họ in, có tên mình trong đó. Nay quăng đâu mất. Sàigòn mất nếu không dạo đó, mình có thể viết sách hướng dẫn du lịch đi bụi của mình ở âu châu. Nhiều khi muốn viết lại những kỷ niệm đã trải nghiệm một thời nhưng thấy oải quá.

 Ngoài ra phải mua cuốn Guide de Michelin màu xanh, giới thiệu về văn hoá, đi viếng viện bảo tàng nào,… họ có nói về các tiệm ăn ngon của thành phố nhưng dạo đó, mình chỉ ăn cơm bụi nên không màng đến lắm. Chỉ mua để đọc tin tức về các ngôi nhà lịch sử, đền đài, nhà thờ, viện bảo tàng, giờ mở cửa… ngày nay thì với Internet thì tha hồ đọc tin tức xạo, thiên hạ chụp hình tạo dáng.

Khi xưa đói tin tức nên mấy cuốn sách này như bửu bối, giữ kỹ lắm như chỉ cách đi xe lửa, mua thẻ trong một tháng cho sinh viên học sinh. Đi chơi ban ngày, tối bò lên xe lửa ngủ, chạy tàu đêm, để đỡ tốn tiền khách sạn,…

Cuốn routard nói về các tiệm ăn, lữ quán thanh niên, văn hoá lề đường, cẩn thận bị giựt tiền,…còn cuốn Michelin thì nói về văn hoá, lịch sử thành phố, sắp viếng,…

Đến đâu, mình đều đi thăm viếng các viện bảo tàng hay kiến trúc mới và cổ. Sau đó thì ngồi vẽ để bán tranh cho du khách hay người dân sở tại để có tiền trả tiền ăn và nhà nghỉ. Nhà nghỉ thường là ngủ tại các lữ quán thanh niên, nhiều nơi buồn buồn họ kêu mình phải dọn nhà tắm vớ vẩn thường là ở Tây. Ăn xong thì phải lo dọn, làm tạp dịch chung cũng vui theo tinh thần hippie dạo ấy. 

Thường thì một cặp vợ chồng trẻ, hậu phong trào hippie, tham gia cuộc cách mạng văn hoá mà tây gọi “soixante-huitard”, thời trẻ đi làm cách mạng, rốt cuộc chả có nghề ngỗng gì cả, mua cái nhà hay mướn của ai, dọn dẹp, mỗi phòng ngủ, nhét vào 4-8 mạng tuỳ lớn nhỏ, chứa được 10-20 sinh viên trẻ, đói nhưng thích phiêu lưu. Họ lo điểm tâm, và tối còn trưa thì miễn. Kiếm được tiền sống qua ngày và theo đuổi giấc mộng sống như trong các hợp tác xã cộng sản hay kibutzz của người Do Thái về miền đất hứa.

Đến nơi mà họ có nấu ăn cơm chiều thì ghi đóng tiền, ghi danh lấy giường thì ghi tên ăn và đóng tiền, ở lại ăn với đám sinh viên học sinh đi bụi như mình. Hợp nhau thì đi chung vài đoạn đường rồi chia tay như mình đạp xe đạp với hai chị em Klaudia, từ Frankfurt, đi thăm các lâu đài bên dòng sông Loire, của Pháp. Nhớ ở vùng đó ăn được món foie gras, gan ngỗng mà họ làm pâte, nhớ cả đời trai. Còn không thì bò ra phố, đi kiếm tiệm ăn bình dân, kéo ghế ngồi ăn.

Trưa thì dễ, vào chợ mua mấy lát jăm-bông và ổ bánh mì, ra công viên nào, có bóng mát, uống nước lạnh cũng qua ngày. Chỗ nào lữ quán thanh niên không nấu ăn tối thì mình đi ăn cơm quán bình dân. Dạo ấy, đói nên thấy ngon chi lạ. Nghĩ lại mình ít khi nói chuyện với đám tây đầm đi bụi, đa số là gặp đám đức và mỹ nhiều, vài mạng gốc Ý Đại Lợi, và Tây Ban Nha. Đi với chúng thì có thể nói tiếng anh, tiếng ý hay Tây Ban Nha được, còn gặp tây đầm thì lại xổ tiếng tây. Chán Mớ Đời 

Nói chung thì đa số giới trẻ đi bụi thời đó mình gặp nhiều nhất là người tây đức, Thuỵ điển, anh quốc. Tây đầm có nhưng ít hơn. Có thể đám xứ lạnh, mùa hè bò xuống miền nam kiếm ánh nắng, còn tây đầm thì thích bò lên mấy xứ bắc âu. Cũng có thể mấy xứ này giàu có hơn nên có tiền đi bụi.

Có lần mình gặp một cô từ Tân Tây Lan đi bụi một mình. Mình khen cô ta là gan dạ, dám đi du lịch một mình. Cô nào kêu đâu có. Lúc đầu, tôi đi với một cô bạn nhưng giữa đường lạc mất. Đành tiếp tục một mình. Dạo ấy đâu có Internet, đến thành phố nào, muốn để lại tin nhắn cho bạn là vào lữ quán thanh niên rồi viết mấy dòng, gắn lên bảng.

Lâu lâu cũng hên, gặp được vài tên có xe hơi, đi quá giang. Có lần gặp một tên Ý Đại Lợi, có xe hơi, kêu hắn là đảng viên xã hội, ở lữ quán thanh niên, chở đi chơi trong vùng, có ghé lại một vườn nho. Hai thằng nhảy xuống xe hái máy buồng nho, đem lên xe, ăn ngon cực. Cái gì không trả tiền ăn không thể tả được. Như tên Ý Đại Lợi, kêu bọn trồng nho, có nợ máu với nhân dân nên mình phải lấy của chúng để trả thù cho nhân dân. Chán Mớ Đời 

Có lần đi quá giang xe, xe vừa thắng là mình đeo ba lô, chạy cả 100 thước mới lên xe được, vì khi họ thấy mình thì họ không để ý, hay còn bàn tính với nhau trong xe, nên hay không đón mình nên thường thường chạy xa cả trăm thước mới thắng. Vừa chạy lại thì nghe tiếng Tây nên lên xe xổ tiếng tây. Hoá ra hai chị em ở Toulouse đi nghỉ hè, xuống thăm một tên bạn ở Algeciras, như mũi Cà Mau của Việt Nam. Ở đây là điểm cuối cùng của Tây Ban Nha, bên cạnh Gilbratar của Anh quốc.

12 giờ đêm xe mới chạy lại, đi kiếm nhà tên này cũng châm, hắn đang đi nhậu ở đâu. Khi xưa đâu có Internet, điện thoại di động. Cuối cùng mò tới một hộp đêm, mới mò ra hắn vào lúc 2 giờ sáng. Hắn kéo về nhà, chỉ cho một cái phòng, lăn xuống đất ngủ. 

Sáng hôm sau, mình thức giấc, lấy ba lô ra chào hắn để lên đường. Mình không định đến thành phố này vì chả có gì lịch sử cả. Tên chủ nhà kêu đi đâu, ở lại đây, không cho mình đi. Cuối cùng, mình ở lại cả tuần lễ, được hắn dẫn đi chơi, làm quen với một cô Tây Ban Nha khá xinh tên Carmen, đủ trò. Cô này bạo lắm, đang ngồi sau khi đi biển về, cô ta hỏi mình có muốn tắm chung không. Mình ngây Ngô gật đầu. Chán Mớ Đời 

Trước khi chia tay, mình nhìn phía bên kia bờ biển Địa Trung Hải, thấy đất liền, nơi đó là xứ Ma rốc, mà mình hay ăn cá mòi hộp khi còn ở Việt Nam. Thế là mình mua vé tàu leo lên đi sang phi châu. Vừa lên boong tàu, mùi dầu diesel làm mình ói nôn hết. Chán Mớ Đời 

Có lần, mình hẹn với cô bạn đầm từ Paris sẽ hẹn gặp nhau ở Seville, Tây Ban Nha. Vì mình đi trước vì đi 3 tháng hè và ghé những chỗ khác nên mỗi lần đến đâu, mình để lại tin nhắn, là sẽ đi đâu, hẹn nhau ngày nào. 

Thật sự, trước khi lấy nhau, cách tốt nhất là đi bụi chung với nhau thì mới hiểu rõ người kia. Mình gặp nhiều cặp đi chơi rồi cãi nhau bú xua la mua, bỏ nhau, giữa đường. Đừng bao giờ đợi đến đi tuần trăng mật là hỏng một đời trai. Lấy lầm một người, sẽ làm mình khổ cả đời trai.

Đi bụi, mình cần một người đồng hành, có đầu óc sắc bén để biết đâu là bến bờ. Biết chịu đựng nhau, hiểu rõ đối tượng mình muốn sống đến trọn đời. Điển hình đi chơi với đồng chí gái, lúc mới lấy nhau thì hay bực mình vì cô nàng cứ ngủ nướng. Mình thì dậy sớm, không biết làm gì, ngồi nghe cô nàng ngáy. Chán Mớ Đời 

Có lần đi Hy Lạp, mình bị đau đầu, nên phải nằm nghỉ ở khách sạn, cô bạn mỹ, chạy đi mua thuốc cho mình, rồi giặt áo quần dùm vì mình mệt. Gặp cô nào mà chửi đổng lên là xem như phải đóng phim như Humphrey Bogart trong Casablanca.

Ngày nay đi du lịch với vợ con thì không có màn hứng tinh đi đâu. Lúc nào cũng phải đặt cho khách sạn trước, vợ không vào các quán ăn bình dân nên mất cái thú trải nghiệm cơm dân giả, đạm bạc. Đồng chí gái thì thích mấy chỗ nào có phong cảnh đẹp, có người đông. Mình không thích mấy chỗ du khách nên cố tìm hỏi các tiệm ăn mà người địa phương đến ăn. Có mấy tiệm ăn quá cực đỉnh. Có lẻ chuyến đi vừa qua là mình ăn đủ loại, đặc sản đủ miền của Thổ Nhĩ Kỳ. Rất ngon.

Đi du lịch với vợ con thì khó gặp được du khách hay người bản xứ để hỏi chuyện như xưa. Thời xưa, đi du lịch một mình, làm Mít Ba Lô, hay gặp đám trẻ cùng tuổi ở lữ quán thanh niên khi ăn tối hay ăn sáng. Dạo ấy, đi chơi làm Mít Ba-lô, mình không thấy ai là á châu đi chơi cả. Năm khi 10 hoạ thì gặp một vài người Nhật Bản ba-lô. Mình có gặp một anh chàng Nhật Bản, ở Cordova, sang đó ở lại một năm để học Flamenco. Sau này tình cờ thấy trên YouTube anh chàng chơi guitar như dạo ấy anh ta chơi cho mình nghe. Mình thì không biết tiếng Nhật Bản, anh ta thì không biết tiếng tây tiếng u nên chỉ ra dấu với nhau khá vui, trọn một buổi tối ở ngoài trời.

Đi khắp nơi đều thấy sự hiện diện của nền văn hoá mỹ. Dân ngoại quốc chửi mỹ nhưng vẫn thích uống coca và ăn hamburger.

Hỏi chuyện chúng từ đâu đến, và đi đâu. Mình nói sắp đi viếng chỗ này chỗ nọ, đúng những nơi chúng đã đi qua, sẽ cho ý kiến, ăn ngủ ở đâu, viếng thăm cái gì, coi chừng dân thổ địa,… buồn đời, có người kêu sẽ đến thành phố mình sắp đến thì đi chung, có dịp đấu láo anh ngữ.

Ngày xưa, mình đi bụi, chỉ đem có hai bộ đồ để thay đổi, đến nơi nào thì tranh thủ giặt đồ, phơi nơi giường. Lúc nào cũng đeo cái ruột tượng, đúng hơn là cái ví nơi cổ để bỏ sổ thông hành và tiền. Ngủ hay đi tắm, lúc nào cũng bên người. Ba lô thì chỉ có một sơn màu, dụng cụ để vẽ và bình nước. Thêm cái ghế xếp để ngồi vẽ và giá vẽ. Ra đường đứng đón xe quá giang, dễ dàng, nhẹ nhàng.

Ngày nay, đồng chí gái xếp áo quần đủ trò để mình bận chụp hình với cô nàng. Mình nói chỉ đem theo một Vali nhỏ để lên máy bay, rồi ra sớm, đỡ mất thì giờ. Vấn đề là phụ nữ có tư duy khác khi đi du lịch. Mụ vợ mình đem theo không biết bao nhiêu cái mũ, kính đen, áo quần. Đồng chí gái bỏ quần áo của mình lại khi thấy áo quần mụ vợ đem theo không còn chỗ. Mỗi ngày một bộ đồ, một cái ví, một cái kính khác. Chán Mớ Đời 

Thay vì viếng thăm bảo tàng viện như khi đi bụi, mình phải theo vợ đi vào các chợ mua sắm. Buồn đời, mình ngồi vẽ viết trong khi vợ đi ngắm đồ rồi kêu mình trả giá và trả tiền. Vợ mình thì ngại trả giá, nghĩ là mất giá con nhà nòi nhưng tiếc tiền nên ra kêu mình vào trả tiền. Mình trả 20-30% tối đa rồi kêu vợ đi ra bằng tiếng Việt. Mụ vợ thì muốn mua, mình nói đi về, đi ra, đừng quay lại, đừng quay lại, đừng quay lại. Đúng như mình nghĩ, vừa ra khỏi cửa là họ chạy ra kêu ok giá mình trả. Chán Mớ Đời 

Mới đi nữa đường, đã phải mua thêm cái Vali, xem ra đồng chí gái cần 2.5 Vali. Chưa kể là mấy cái ba lô nhỏ đem theo. Ôi đàn bà! (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Trường liên quân võ bị Đà Lạt

 Thấy tấm ảnh của trường võ bị liên quân Đà Lạt do tây để lại, tiền thân của trường Võ Bị Quốc Gia, huấn luyện các sĩ quân tương lai cho quân lực Việt Nam Cộng Hoà, tương tự West Point của Hoa Kỳ. Sau này chính phủ Ngô Đình Diệm cho xây rộng hơn. Mình có kể rồi. 1 trong những bài được độc giả xem nhiều nhất.

Đây mình chỉ đưa ra hình ảnh sau khi tây về nước, cho thấy chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã xây dựng rất nhiều công trình dưới thời ông Diệm, tuy ngắn ngủi như Chợ Đà Lạt, Khu Hoà Bình, Nguyên Tử Lực, Giáo HOàng Học Viện, viện đại học Đà Lạt, trường Võ Bị quốc Gia,…

Từ cái cổng vớ vẩn, xây bằng đá ong, Việt Nam Cộng Hoà đã xây được và chính kiến trúc sư người Việt thiết kế. Dạo sau 54, có một thế hệ kiến trúc sư Việt Nam rất giỏi, thiết kế các công trình đáng tầm quốc tế như Giáo Hoàng Học Viện, CHợ Đà Lạt, trường Võ Bị Đà Lạt,..

Cứ xem cổng được thiết kế và xây dựng sau 1954 do người Việt thực hiện, đẹp như Tây, thậm chí còn hơn nữa. Hình ảnh cái mái nhà của cổng vào trường như hai cánh chim bay khắp phương trời, quá tuyệt. Kiến trúc sư tránh thiết kế theo kiểu người Pháp, thẳng bong, có đường cong, có thẳng tạo ra không gian đặc biệt. Mình có vào thăm trường một lần nhưng không thích đi lính. Ai biết tên của người thiết kế trường Võ Bị thì cho em xin.

Hàng năm, trường có ngày mở cửa để các học sinh lớp đệ nhất vào thăm trường như viện đại học Đà Lạt. Mình và mấy tên ở trường, được xe nhà binh của trường Võ Bị chở vào trường, cho thăm viếng khá đẹp. Ông tướng Lâm Quang Thơ, hỏi đứa nào muốn vô đây sau khi đậu tú tài, mình trốn.

Mấy cô gái Đà Lạt mê mấy ông sĩ quan này. Cuối tuần ra phố, làm các cô nức nở nhưng cũng sợ làm goá phụ. Cạnh nhà mình có anh Phống, thủ khoa Võ Bị, ra trận lần đầu, chết. Chán Mớ Đời 

Dãy nhà vẽ theo hình thẳng, đối diện theo hình cung


Mình không hiểu lý do mấy sĩ quan được xếp theo đội hình này. Nhờ anh nào khi xưa, tốt nghiệp trường  này giải thích dùm. Đội hình có 8 hàng (theo 8 hướng?) Cảm ơn
Thư viện




Lớp học







Hình như lễ ra trường, thủ khoa bắn tên khắp phương trời
4 năm học tại trường tương đương kỹ sư


Tân binh, tập hợp trước khi vào cổng trường.

Xem hình đầu tiên, các trại lính làm mái nhà bằng tôn thấy Chán Mớ Đời. Mình tải lên đây vài tấm ảnh về trường Võ Bị Quốc Gia. Tải nhiều sợ mở không ra .

Nội đi từ đầu trường đến cuối trường là cũng oải.
Tổng thể của trường 


Tấm ảnh này thấy rõ nhất, hai dãy nhà bên trái theo hình cung, tạo một không gian lạ, không tù túng nếu là song song.

Nguyễn Hoàng Sơn