Showing posts with label chiến tranh. Show all posts
Showing posts with label chiến tranh. Show all posts

Chuyện cuối tuần tháng 5


Có cặp vợ chồng bạn ghé vườn, đem thức ăn đến với đồng chí gái nên mình ngưng hái bơ, ngồi ăn với họ rồi dẫn đi hái bơ tìm thú lạ ở đồng quê. Mình nói đồng chí gái tổ chức, mời mấy người bạn picnic ở vườn, có mấy người bạn thích đem đàn lên vườn, ăn xong rồi hát nghêu ngao cho chim, coyote và sóc nghe. Có lần con Skunk nghe tiếng nhạc hay quá, bò lại, vểnh tai xù lông lên nghe, đời sơn cô đơn nên đi đâu cũng hái bơ, khiến mấy bà quăng đàn bỏ chạy mất dép.


Trong tuần, đi ăn sinh nhật mấy người bạn, họ gom sinh nhật của 4 người sinh cùng tháng năm để tổ chức chung, vừa vui vừa rẻ, ít phải đi nhiều lần. Có ông thần nói với mình có vườn nho ở Temecula, mình xin phép đến xem để học hỏi thêm vì chưa bao giờ được viếng vườn nho để xem cách trồng trọt. Mình chỉ viếng mấy chỗ, họ cho nếm rượu chớ không chỉ cách trồng nho. Chỉ biết là có lần đọc báo tây, họ phỏng vấn một ông tây trồng nho, cho rằng không muốn con cháu ông ta làm nghề này nữa. Lý do là rất độc hại vì sử dụng thuốc sát trùng, diệt sâu. Ngày nay, cây ăn trái đều được xịt thuốc diệt trùng nên khi ăn thì nên cắt bỏ vỏ.


Có đám chuyên bán phân bón, hoá chất, hay rủ mình mua thuốc của họ để xịt khi hoa nở để cây được thụ phấn, ra trái nhiều nhưng mình từ chối. Thứ nhất, mình thuộc loại lười, thứ hai trồng bơ cho vui đợi ngày nào bán lấy tiền đi chơi với đồng chí gái như năm ngoái. Một cây bơ ra mỗi năm trên 1 triệu hoa nhưng thụ phấn, thành quả độ 500 quả rồi từ từ rụng xuống một ít khi gió Santa Ana thổi đến miền Nam Cali. Cây nào mà còn độ 300 quả vào mùa hái là vui rồi. Cần chi nhiều. Mình chỉ có 1,200 cây bơ.


Hôm qua, hái bơ xong, hai cha con chạy xuống Temecula để xem vườn nho. Thấy vùng này phát triển kinh hoàng, khiến mình nhớ đến mấy căn nhà, thiên hạ gọi mình bán khi xưa năm 2008, nhưng xa quá nên mình không dám rờ tới. Nếu mua thời ấy có 100k nay thì 800K. Đúng là trời không cho. Mình chỉ mua nếu họ để mình tiếp tục trả nợ cho họ hay cho mình vay nhưng họ không chịu nên xem như trời không cho. Không tham. Trời phật cho mình cái cốc nhỏ.


Thấy họ tổ chức nếm rượu đầy, có cả khách sạn, chắc để làm đám cưới lãng mạn ở vườn nho. Có dạo mình tính mướn khách sạn cuối tuần xuống đây xem sao với đồng chí gái. Nay xuống thì Chán Mớ Đời. Vườn nho thì không nhiều, họ để vài mẫu để trồng làm cảnh, còn trồng chanh, loại mới bây giờ, quả to như trái cam, để lâu trên cành được, khi nào cần thì hái. Hoá ra họ quảng cáo về vườn nho, rất ít vườn nho, không như thung lũng Napa. Sản xuất rượu thì ít, chắc mua ở đâu, đem về bán cho du khách, với giá trên trời. Mình may mắn không uống rượu được nên không sợ tốn tiền khơi khơi. Làm dân chơi, cầm ly rượu lắc lắc ngửi ngửi như chó ngửi kít. Mình sống bên Tây 10 năm nên buồn cười khi thấy người Mỹ học làm người Pháp.


Thiên hạ đến vùng này vào cuối tuần đông như quân Nguyên, thấy xe hơi đậu đầy nhất là kẹt xe.


Chạy lại biệt phủ của anh mới quen trong buổi tiệc. Hoá ra là mảnh đất độ 4, 5 acres, có cái nhà to đùng, phía trước có độ 2 acres trồng nho làm cảnh, phía sau thì chả có gì, thấy anh ta đang trồng vài cây nho vì mới mua đâu 2 năm. Nghe nói năm ngoài bán được $8,500 tiền nho trồng, xem như lỗ vì mướn người lo vườn nho. Mình đoán chắc tốn độ ít nhất $40,000 đến $50,000/ năm. Thấy anh ta mua cái máy cày để cắt cỏ, máy cày này giá độ trên $20,000, trong khi mướn thợ cắt độ $300. Mấy miếng đất của mình, mỗi năm phải mướn thợ đến cắt cỏ nếu không thành phố phạt tiền. Mất $500 cho 5 mẫu đất. Anh ta kể chạy xe máy cày ra sao bị lật, may không bị thương tích gì. Tên nào khôn, xây nhà độ $300,000, trồng thêm vài cây nho bán 1.5 triệu. Quá thông minh.


Anh ta cho biết là muốn mua căn nhà để khi về hưu, có một mảnh vườn trồng trọt cho qua tuổi già. Cái này mình thường nghe mấy ông có giấc mơ Kinh Kha này. Họ quên là khi về hưu, thì sức khoẻ của họ cũng đã bay theo màu tóc luôn. 65 tuổi ở Hoa Kỳ, sau bao nhiêu năm làm việc cực lực thì hết sức để cầm cái cuốc, cái xẻng,… được cái là căn nhà to đẹp, anh ta cho công ty mướn, để cho du khách thuê, giá đâu $7,250/ tháng, chưa đủ tiền trả các chi phí. Công ty cho mướn thì độ trên $30,000/ tháng. Thêm tiền bảo trì vườn nho, thế là ngọng. Anh ta ký hợp đồng 1 năm với 3 năm option. Sau một năm muốn lấy lại thì nhìn kỷ lại hợp đồng thì bị dính thêm 3 năm. Chán Mớ Đời 


Mình có gặp vài ông bác sĩ, nha sĩ về hưu, mua vườn bơ, vườn nho để đi thực tế, trải nghiệm đời nông dân mà họ chưa nếm mùi. Mình mua cái vườn bơ để chia lô, xây nhà bán chớ có phải mơ mộng trở về đời sống lông dân đâu. Cả năm đầu, phải học chết bỏ, đi viếng các vườn bơ trong vùng để học hỏi, xin họ chỉ nghề cho. Có ông mỹ 90 tuổi với 60 năm làm nghề trồng bơ, chỉ mình. Lâu lâu chạy xuống Escondido, mời ông ta đi ăn, rồi hỏi gì thì hỏi.


Chạy xuống Temecula thì mới khám phá ra có nhiều tên Developer ma đầu. Họ mua đất rẻ, trồng vài cây nho rồi xây cái nhà to đùng, bán vài triệu. Gặp mấy ông nhà giàu, xuống xem, nghĩ mình có một nông trại trồng nho, sẽ làm rượu bán trở thành nổi tiếng khắp thế giới. Anh bạn kể là chủ trước trồng đủ thứ loại nho nên trước khi hái bị lộn xộn vì phải tắt máy tưới, để cho nho có đường nhiều. Tắt nước thì có loại sẽ chết. Mình nói anh ta nên sửa lại hệ thống tưới, có thể tắt mở tuỳ nơi. 


Xuống đây mới thấy cách họ làm tiền, tạo dựng ảo tưởng. Họ bán hình ảnh người thành đạt nên tạo những khung cảnh nông trại, dân tình chạy lại uống rượu, mua rượu đắt tiền… như thời chủ nghĩa lãng mạn, bà hoàng hậu Antoinette, xây dựng chuồng dê trong khuông viên của lâu đài Versailles, để bà ta làm cô bé chăn dê, sáng vào chuồng vắt sữa dê. Ngày nay, y chang, giới có tiền không biết làm gì, cứ nghĩ ba chuyện đâu đâu.


Viếng nhà anh mới quen khiến mình tư duy đột phá, sao không chia lô vườn mình ra, thay vì nho, trồng bơ rồi bán cho thiên hạ. Trên đường về, thì nghĩ lại làm vậy thất đức. Thôi đành mang kiếp lông dân tới khi lào thở hết được. Chán Mớ Đời 


Có người hỏi sao thất đức. Lý do là nếu mình xây như vậy, tạo ra cái bẩy để mấy người mua nhảy vào rồi thực tế đến, họ khám phá ra ngoài trả tiền nhà để cuối tuần xuống ở, thêm lỗ vốn trồng nho. Anh bỏ ra mỗi năm 50 ngàn để thu hoạch $8,500. Chỉ biết khóc cho vơi đi những nhục hình, đời Sơn đen không cần dĩ vãng chỉ cần trả nợ.


Làm gì cũng phải xem có nên hay không, cả thất đức thì đời con và đời cháu mình sẽ phải trả nợ dùm mình. Buồn đời, hai cha con chạy về bolsa ăn cơm đại hàn. Đang ngồi đợi người ta đem thức ăn lại, bổng nhiên thấy con rô bô, đựng mấy khay chạy lại bàn mình, để mình lấy đồ ăn. Kinh


Thế là tương lai sẽ không có phổ ky chạy bàn nữa, cứ vào ngồi rồi lên điện thoại gọi mấy món, trả tiền rồi rô bô đem đồ ăn lại, con người càng ngày càng ít tiếp xúc với nhau. Chán Mớ Đời 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Hạnh ngộ của 2 người lính

 Khi rời Việt Nam, mình thấy nhiều người trẻ hơn mình, ghi danh ngồi xe lăn để được nhân viên của công ty hàng không đẩy lên máy bay và khi xuống phi trường. Bộ mặt của họ thê thảm lắm khác với 1 tiếng đồng hồ trước đó, khi họ ngồi bên cạnh mình ở phòng đợi, ghi danh chuyến bay. Mình đoán họ không biết ngoại ngữ nên khai là già cả, bệnh tật đi không nổi. Họ nói oang oang trong điện thoại kể cho bạn bè đang ở phi trường đi mỹ. Khiến mình nhớ đến câu chuyện của một ông Mỹ.

ông mỹ kể, có lần đi máy bay, ông ta tự điều khiển xe lăn của mình với hai bàn tay đến cửa máy bay, ông ta rời xe lăn của mình, thấy một ông phi công đang đứng chào hành khách với một một tiếp viên. Người tiếp viên xin phép được mang hành lý của ông đến chỗ ngồi. Ông đến chỗ ngồi thì nhảy phóc lên ghế. Khi cài dây an toàn xong thì ông phi công đi lại, hỏi ông ta có từng ở trong quân ngủ. Ông ta ngạc nhiên và trả lời có. Viên phi công hỏi chiến trường A pHú Hãn 2010, ông ta ngạc nhiên đáp lại vâng.


Viên phi công cho biết, ông ta nhận ra ông ngay và vết thương. Từ bao nhiêu năm qua, ông phi công tự hỏi không biết người thương binh có sống sót với vết thương.


Năm 2010, ông phi công đã lái máy bay di tản ông ta khỏi chiến trường A Phú Hãn, không biết ông ta còn sống. Nay ông ta lái máy bay cho hãng United. Tên ông ta là Marc Vincequere.


Cuộc hành ngộ khá cảm động của hai người lính sau bao nhiêu năm.

Hình chụp sau khi xuống phi trường người thương phế binh của chiến trường A Phú Hãn và viên phi công đã lái máy bay, di tản ông ra khỏi chiến trường.


Chúc các bác một ngày từ mẫu vui vẻ. Đáng lẻ để tháng sau trong dịp ngày lễ về cha nhưng thôi tải lên đây, chúc mừng mấy bà mẹ có con trở về từ chiến trường. Kể bởi  TODD LOVE


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đi ăn hiệp-sinh-nhật

 

Người Việt sang Hoa Kỳ, bận rộn nên con cháu tổ chức kỵ giỗ chung cho người thân đã mất cùng một lần, gọi là hiệp-kỵ. Một năm, con cháu giỗ ông bà cha mẹ, anh em chú bác cùng một ngày cho tiện con cháu gặp gỡ hàn huyên, tiện cho mọi người. Nhìn lên bàn thờ thấy một dãy hình người đã đi về cõi Vĩnh hằng. Hương khói cũng không dám thắp, sợ máy báo động hoả hoạn réo. Nhất là biệt thự to đùng mới, phải được trang bị hệ thống phòng cháy. Chỉ cần cái ý là tốt. Đến đời con cháu sau này chắc sẽ không còn mấy vụ này nữa. Đi hiệp-kỵ, mình không thấy con cháu đến đông đủ như xưa. Rể dâu thì miễn bàn. Tốt nhất khi còn sống thì tổ chức sinh nhật cho hoành tráng rồi mai sau tính sau.


Trong tinh thần tập thể đa nguyên, vợ xướng chồng tuỳ. Hôm qua mình đưa đồng chí gái đi ăn sinh nhật mấy người bạn, trong tuần, đúng hơn là hiệp-sinh-nhật hay hiệp-mẫu-nan-nhật. Có đến 4 bà bác sĩ, sinh vào tháng 5 nên họ hợp lại tổ chức sinh nhật chung, mình gọi là hiệp-sinh-nhật cho có tố chất thuần lông. Nội mà đi ăn sinh nhật 4 bà trong tháng là ngọng. Thấy mấy bà xúm lại tổ chức chung thấy có lý. Đỡ cho bạn bè, không phải đi ăn nhiều lần trong tháng mệt thở. Ngoài ra rẻ vì bạn bè như nhau, chia 4.


Có hai chị bác sĩ ở gần nhà mình nên hay gặp. Có một chị, bác sĩ của vợ mình, hay rủ nhau leo núi, đi leo núi với bác sĩ thì cứ sáng chị ta đưa thuốc giảm đau cho uống, đủ trò. Mình thuộc gia đình thuần lông, ngày ngày cuốc đất trồng bơ nên chả thấy đau nhức gì cả nhưng bác sĩ đưa thì uống. Đi leo núi mà có ba bà đi theo nên không cãi lời được. Nói chung leo núi có bác sĩ đi theo cũng tốt, thêm có một chị đi chung nấu ăn rất cực đỉnh. Mình thích leo núi với hai chị này vì ít thích chụp hình tạo dáng mà lại cho ăn ngon không tả. Đáng lẻ tuần này là đi Yosemite như mọi năm, nhưng công viên đóng cửa vì tuyết tan nên dời lại tháng 7. Từ đây cho đến cuối năm, đồng chí vợ lên chương tình đi chơi mệt thở. Điểm lại là mấy ông chồng ít thấy leo núi. Họ thích chơi thể thao trước truyền hình với cái hộp điều khiển từ xa.


Ngày mình sinh ra đời, người Tàu gọi là mẫu nan nhật, ngày mẹ gian nan vì khi vượt cạn khi xưa, có thể chết như chơi. Sinh nhật của mình, không ai nhớ tới sự nguy hiểm của mẹ đã phải trải qua, gọi điện hỏi thăm một tí.


Mình chỉ quen đâu phân nữa trong số 30 người tham dự, đa số là bác sĩ và nha sĩ. Chỉ có mình là con nhà thuần lông, lọt vào bữa tiệc sang trọng này. Kể cũng lạ, mình quen nhiều bác sĩ và nha sĩ hơn là nhà nông. Khi xưa, tước khi phát hiện ra mối tình hữu nghị của đồng chí gái,. Mình có đả thông tư tưởng 2 cô nha sĩ và hai cô bác sĩ. Có cô bác sĩ, đang làm nội trú, đi chơi, định cầm tay nói anh yêu em như Tần HÁn trong Dòng Sông Ly Biệt, thì Pager réo. Dạo ấy, bác sĩ trực thì đeo cái pager. Cô nàng xin phép, chạy đi gọi bệnh viện, rồi trở lại xin lỗi, có cấp cứu ở nhà thương. Mình Chán Mớ Đời nên tự động de xe, lấy vợ đang khuya, điện thoại reo, kêu vào bệnh viện là mệt.


 Ngồi nghe mấy bác sĩ và nha sĩ nói chuyện về nghề nghiệp của họ cũng khá vui. Ai nấy cũng rúng động khi nói về một ông bác sĩ gốc Việt, bị tù vì khai man, để lấy 150 triệu đô rồi cúng vào thị trường chứng khoán. Có hai vợ chồng nha sĩ, em của một người bạn kể. Bệnh nhân vào khám răng, bà vợ thuộc loại trùm sò nên nói với bệnh nhân, có thể sửa chửa, tân trang lại cái răng, đến khi ông chồng nha sĩ bò vào khám lại, kêu nhổ, làm răng mới. Làm răng mới mới có tiền. Sửa chỉ tốn $500, trong khi nhổ cái răng bỏ túi được $5,000 rồi làm răng mới, hay implant, kiếm thêm tiền. Đúng là lương y như kế mẫu.


Họ than là làm ra tiền, ở biệt thự to đùng nhưng không đi đâu được. Vì đi đâu thì phải mướn người thay thế thì hết lời. Chị bạn hay leo núi với vợ chồng mình, kêu đi leo núi với vợ chồng mình là xem như tháng đó hết lời. Họ cho biết đi làm 3 ngày đầu của tuần là để trả tiền các chi phí (overhead) còn lại thì có thể có lời và đóng thuế. Nghe họ kể chuyện mới thấy mình may mắn, không giàu như họ. Chỉ làm lông dân hái bơ bán cũng khoẻ đời, thay vì lo lắng đủ trò, không đi chơi được. Một năm đi hè được 2 tuần.

Dạo mình mới sang Hoa Kỳ, đi khám nha sĩ, tên này cứ réo mình hoài kêu làm răng mình lại cho đẹp. Ông ta kêu mình là kiến trúc sư, khi nói chuyện với khách hàng phải có hàm răng cực đỉnh thay vì như hàng rào ấp chiến lược. Mình đã xấu từ cơ bản nên có tân trang lại chỉ mất tiền. Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen.


Mấy nha sĩ và bác sĩ này trẻ hơn mình ít nhất 1 giáp nên nói chuyện, họ dùng tiếng mỹ nhiều hơn. “Ông nha sĩ kêu: “One dentist says your teeth are beautiful, another one found everything wrong with your teeth.”


Cái này khiến mình nhớ bà cụ mình ở Việt Nam, thấy mấy cô em đi làm răng trắng, 90 tuổi bà cụ răng còn tốt. Cũng muốn đi làm răng trắng. Muốn làm cái này thì họ phải mài dũa 1 ít răng của mình. Rồi trét lên một chất làm trắng răng như minh tinh màn bạc quảng cáo răng anh 7 chà da đen. Mẹ mình bắt chước đi nha sĩ muốn làm răng trắng, tên nha sĩ mất dậy kêu nhổ hết răng, làm răng giả. Nay phải đeo một hàm răng giả, ăn uống hơi bị mệt. Chán Mớ Đời 


Có chị bác sĩ phụ khoa, đi leo núi với vợ chồng mình mỗi năm ở Yosemite kêu, từ ngày covid đến, gặp bác sĩ, phải mang khẩu trang, bệnh nhân cũng vậy nên từ khi hoài thai đến giờ, không biết mặt nhau. Đến hôm lên bàn mổ, bà bệnh nhân, kêu gỡ khẩu trang ra cho bà ta thấy mặt một lần, lỡ có chết cũng không ân hận. Khiến cả bàn cười. Người Mỹ thích mổ khi sinh con vì không muốn đau. Vấn đề là mổ thì cơ thể đứa bé sẽ không khoẻ sau này.

Một bà bác sĩ khác, gặp lần đầu tiên ngồi cạnh mình kể, hôm trước bà vào bệnh viện UCI, gặp một bà chào, bà ta chào lại, rồi hỏi ra mới biết là bệnh nhân của bà nhưng vì không đeo khẩu trang nên không nhận nhau ra. Nay vào nhà thương không phải đeo khẩu trang nữa.


Mình mới đổi nha sĩ vì văn phòng nha khoa của cô cháu không nhận bảo hiểm HMO. Mình đi cô cháu khám răng từ 30 năm qua, từ ngày cô ta ra trường đến nay. Ở xa Bolsa nhưng phải chạy đến khám răng nên hơi mất thời gian. Nay không nhận HMO nên mình tìm nha sĩ ở gần nhà. 


Hôm đi lần đầu tiên, đang ngồi nơi ghế trong phòng, đợi nha sĩ thì có bà nha sĩ nào, đeo khẩu trang đi vào, rồi chào anh sơn bằng tiếng Việt khiến mình thất kinh, chào lại. Rồi bà ta hỏi về vợ mình đủ trò khiến mình chới với, nói tuần rồi chị Trinh có lại nhà em ăn cơm, không thấy anh đến chung, đoán là người này là bạn thân của hai vợ chồng nhưng không nhận ra là ai. Mấy bà nha sĩ mình quen, đâu có ai có phòng mạch ở thành phố mình ở.


Bà cạo vôi răng mình cả tiếng đồng hồ khiến mình vừa mệt vừa tìm trong ký ức bà này là bà nào. Không lẻ kêu bà ta lấy khẩu trang ra. Cuối cùng, mình tư duy đột phá, hỏi anh chồng dạo này ra sao, bà mới nói tên ông chồng thì mình mới nhận ra bà ta. Ông chồng là bác sĩ, còn cô vợ là nha sĩ, có đi chơi với tụi này lên núi, đến nhà mình ăn uống hoài. Cho thấy che khẩu trang là chả nhận ra ai. Khẩu trang tạo ra một thế giới xa lạ. Covid để lại dấu ấn cho cả thế hệ đến khi qua đời.


Có hai ông bác sĩ hay đến nhà mình hát hò, đem theo đàn đến nhà hàng với dàn âm thanh bỏ túi. Hai ông ngồi hát trong khi mấy bà thi nhau chụp hình tạo dáng nơi bàn để bánh sinh nhật và hoa. Nhìn hai ông ca sĩ nghiệp dư, mà thương. Chả ai thưởng thức giọng ca vàng của họ. Mình độ 10 giờ tối là buồn ngủ, phải đợi đến 11 giờ đêm, mấy bà chán chụp hình mới được phép ra về. Họ mua bánh tây của người Việt làm nên thấy họ đỗ sữa đặc rồi cho đông lạnh, khá lạ.


Nghe mấy bác sĩ than, con cái đến tuổi cặp kê mà chúng cứ đem bạn trai bạn gái về, họ lại nghi ngờ, mấy đứa bạn của con mình tìm cách đào mỏ chi đó. Thấy Chán Mớ Đời. Họ hỏi mình làm gì thì nói là nông dân, không thấy họ hỏi thêm, đi chỗ khác. Mình mà nói là bác sĩ, chuyên gia về ngành bơ (avocadology) thì chắc họ sẽ nói chuyện nhiều hơn ngành y khoa xa lạ. Theo nghiên cứ của đại học y khoa Baylor, Texas, ăn bơ có 20% giảm phát triển bệnh tiểu đường. Các bác nên mua bơ của Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen. Bảo đảm không ngon, không trả tiền lại. Dạo này, hoa trong vườn bơ của mình ra hoa, nên có mật ong mới, hữu cơ nguyên chất. Có người ở Texas vừa mới đặt hàng lại vì chỉ có một năm 1 lần.


Sáng mai, phải dậy sớm để lên vườn hái bơ vì không tìm ra thợ hái bơ. Dân mỹ trắng thì không muốn làm việc nặng, dân Mễ ở lậu thì không dám lên vùng mình vì sợ cảnh sát chận hỏi giấy tờ nên họ chỉ làm việc trong các vườn bơ ở vùng San Diego. Từ một tháng nay, mình tìm thợ để hái nhưng chưa ra nên phải vào vườn hái mỗi ngày để bán cho Farmers Market và mấy nhà hàng Mễ mình quen. May có cô cháu bán dùm cho, mình không có thì giờ lo vụ gửi hàng hay giao hàng. Hái bơ về là ỏi cả người, không muốn nhúc nhích. Ai muốn ăn bơ vườn em thì liên lạc cô cháu. Hôm nay, có cặp vợ chồng bạn, ghé vườn chơi, ngồi trong vườn ăn picnic. Rất thú vị. Có lẻ hôm nào hái bơ xong thì sẽ tổ chức bbq tại vườn cho bạn bè đến chơi, dã ngoại, hát hò. Đồng chí gái có mấy người bạn văn nghệ, hay đem đàn đến picnic, ăn uống khá vui trong khi mình thì làm việc nhà lông. Chán Mớ Đời 


Chị bạn vừa nhắn tin có mấy người bạn đặt 4 thùng bơ, mình lấy giá hữu nghị. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 





Nhịn đói 2 ngày để ăn cưới


Hôm nay, mình đặt hệ thống wifi trên vườn, sử dụng năng lượng mặt trời để có thể ở nhà, hay bất cứ nơi nào trên thế giới, tự động tắt mở hệ thống tưới nước. Đi chơi khắp thế giới, có thể xem tình hình ở vườn bơ để tưới hay tắt. Trước đây, mùa hè mình không dám đi chơi vì sợ bể ống nước. Nay chính phủ Cali, đã cho tiền thay thế hệ thống nước mới với ống dầy hơn nên coyote không cắn xé nữa nhưng nhiều khi trời nóng thì cần tưới thêm khi các dụng cụ, thiết bị được chôn dưới đất, đo lường sự ẩm thấp của đất, báo cần tưới thêm nếu không thì trái bị rụng như lá mùa thu là ngọng.


Mình mua hệ thống của Trung Cộng sản xuất do một bà tàu lấy chồng Mỹ bán nên khi tải phần mềm thì toàn chữ tàu, phải gọi họ, giải thích nhấn chỗ nào để cho vào máy điện toán. Chỉ phiền là người Tàu làm cái App cho Android, không có IOS thì chưa làm nên phải mua một cái điện thoại khác Samsung để sử dụng. Nay phải vác theo hai cái điện thoại. Chán Mớ Đời 


Vợ dặn về sớm, đi dự đám cưới con gái người bạn học cũ Đà Lạt, khởi đầu từ 3 giờ chiều. Trên đường về mới nhớ là 48 tiếng qua chưa có hạt cơm trong bụng vì không đói. Mình khi nào đói mới ăn, còn không thì nhịn. Mấy hôm nay, ngoài gắn hệ thống wifi, còn phải hái bơ cho cô cháu bán ở bolsa nên mệt. Mệt thì không đói.


Đám cưới được tổ chức ở khuông viên của 1 khách sạn ở Newport Beach, trên đảo Lido. Đến nơi là thấy trên bàn cái hộp nhỏ bằng thủy tinh pha Lê, nhét cái thiệp với tấm ngân phiếu mừng cô dâu chú rể, nhẹ nhàng, không như các thùng Phước Sương to đùng ở đám cưới Việt Nam trong tiệm ăn tàu. Năm nay, chưa chi đã thấy có 3 cái đám cưới. Lại tốn tiền. Một cái phải bay đến Boston.

 Bố mẹ cô dâu là bạn học Đà Lạt khi xưa. Đám cưới Việt-Mỹ nên không mời nhiều. Nghe kể là trả trên $200,000 cho 80 người tham dự. Một ngày lấy chồng, một đời trả nợ. Mình đang lo vì con gái đang bồ với một tên Mỹ trắng. Á châu thì làm đám cưới nhà hàng tàu, có màn đi chào bàn, gỡ vốn. Ở Hoa Kỳ, nhà Gái trả tiền đám cưới, còn nhà Trai trả tiền đi tuần Trăng Mật mua một tặng 1. Thân hữu, tặng quà, đã ghi danh tại các tiệm bán đồ dùng tại gia. Mình đi tiền tươi cho chắc ăn.


Tiền hoa giá $6,000, tiền chụp hình và quay video là $9,000. Khi xưa, mình lấy vợ, trả $500 đã xót ruột. Video xem được một lần, nay chả biết để đâu. Nghe nói cô dâu và chú rể mướn một ê kíp chụp hình vi zeo từ San Jose xuống, trả tiền phòng khách sạn cho họ. Thêm wedding planner và 3 người phụ là khẩm. Phần ăn thì $150/ người. Mình đếm được 82 cái ghế ngồi trên bãi cỏ giả. 


Đám cưới Mỹ thấy nhẹ nhàng, không ồn ào, chỉ mời những người nào thân thích, ruột thịt, bạn cực thân, không như đám cưới việt, mời hết Bolsa dù chỉ quen sơ sơ, thậm chí nhiều người mời mình ăn cưới mà chưa bao giờ gặp mặt. Mẹ cô dâu mời hai cô em ruột và vợ chồng mình. Còn toàn là bạn của cô dâu chú rể. Mình chưa bao giờ biết mặt hai cô em nên khi đến nơi, không biết ai nên chỉ lớ ngớ, tỏ ra yêu vợ, chụp mình vợ tạo dáng.


Có chị ở Đức quốc, kể đám cưới thằng con ở Hoa Kỳ. Chị ta được vợ chồng thằng con mua cho vé, bay từ Đức quốc đến một khu nghỉ dưỡng ở Mexico, rồi đến ngày, gia đình bên vợ bay đến. Cả hai gia đình ở trong khu nghỉ dưỡng 1 tuần để làm quen nhau, gặp dâu lần đầu tiên và sui gia rồi làm lễ đám cưới. Sau đó ai nấy bay về nước đó. Tiện và rẻ. Nhớ đám cưới mình, phải ngồi đếm tiền chào bàn, để trả tiền nhà hàng. Hú hồn, vừa đủ tiền nếu không, chắc dẹp chuyện tuần trăng mặt.


Khi xưa, đám cưới đủ trò nhưng ngày nay ly dị như thay áo cưới nên không biết có nên làm đám cưới hay không. Còn thân hữu tự hỏi có nên đi ăn cưới hay không vì 1, 2 năm sau lại được mời đi ăn cưới lại. Để tránh trường hợp tưng bừng đám cưới âm thầm ly dị. Mình bị mấy cú, đám cưới hoành tráng, mời cả 1,000 người, rồi một năm sau nghe nói ly dị, rồi vài tháng sau lại nhận thiệp mời ăn đám cưới thứ 2. Mình từ chối đóng tiền để xem tập hai, nếu không phải chơi thêm tập 3, tập 4.


Đang ngồi nói chuyện, cháu của anh bạn đến chào, anh ta cho biết, mốt thằng cháu và cô hôn thê gốc Đài Loan, bố mẹ hai bên và họ hàng đúng 10 người ra nhà hàng tàu, ngồi một bàn 10 người để ăn bữa tiệc đám cưới vì không có tiền toor chức đám cưới theo kiểu một ngày cưới vợ, một đời trả nợ. Người cháu là kiến trúc sư, chắc đói như mình. Gia đình cô vợ cho chút tiền để đặt cọc mua một căn nhà 1.4 triệu, mỗi tháng trả tiền nhà là $6,000. Điên! Kiến trúc sư là người đi trên mây nên không biết tính toán về tài chánh. Trả $6,000/ tháng nghĩa là hai vợ chồng đi làm $10,000/ tháng, trả thuế $4,000. Xem như trả $10,000/ tháng trước khi khai thuế. Mình chỉ biết chúc mừng người cháu, uốn tóc theo kiểu tài tử Hàn Quốc.


Chương trình bắt đầu 3 giờ, hai vợ chồng đến đúng giờ, không quen ai hết nên chỉ biết lớ ngớ chụp hình mụ vợ và ăn món khái vị cerviche trong tiếng nhạc của ban nhạc Mỹ với vĩ cầm éo éo của Bach... Đến 3:30 thì làm lễ đúng như chương trình, không có giờ cao su như đám cưới thuần việt. Chú rể và mẹ đi ra rồi đến cô dâu và bố mẹ xuất hiện. Có ông dẫn chương trình nói vài câu, rồi hai bên tuyên thệ, sông có cạn núi có mòn song mối tình hữu nghị Việt Mỹ đôi ta sẽ đời đời bền vững, không bao giờ thay đổi, sẽ không có ngày 30/4, vạn người vui triệu người sầu. Chú rể hơn cô dâu 13 tuổi. Rồi cho bà con uống rượu, ba la qua rồi 5:00 giờ thì nhập tiệc. Chú rể 50, cô dâu 37. Quá hợp. Đám cưới Mỹ thì quan trọng nhất là rượu. Cô dâu chú rể cho quan khách uống thả dàn, không phải trả tiền như đám cưới Việt. Mình không uống rượu nên đỡ tiền cho cô dâu chú rể.


Lần đầu tiên trong đời, đi ăn cưới, thấy tấm thực đơn, in tên mình ngồi bàn nào và ghế nào. Vợ chồng mình được sắp xếp ngồi với bố mẹ cô dâu, bố mẹ chú rể và dì cô dâu. Ăn được 1 món chính rồi xong. Được cái là ăn ngon. Nhất là nghe ban nhạc thính phòng, chơi nhạc du dương, không có quan khách lên hát karaoke “Đồi thông hai mộ” như ở Bolsa. Có lần đi ăn cưới, dì của cô dâu lên hát bài Đồi Thông Hai mộ, vừa dứt thực khách đang réo nhau đưa lọ xì dầu, bà dì kêu để đáp lại yêu cầu của quý khách, xin được hát thêm Người ở lại Charlie. Chán Mớ Đời 


Khi mình trả lời đi dự đám cưới, hỏi mụ vợ ăn thịt hay rau, để báo cho ban tổ chức biết. Mụ vợ kêu rau, bụng to rồi. Mình ghi phần ăn cho đồng chí gái là ăn chay, còn mình thì ăn thịt. Đến khi họ dọn lên bàn, mụ vợ lấy đĩa thức ăn của mình, đổi đĩa thức ăn rau của mụ. 48 tiếng nhịn ăn để đi ăn cưới, nay lại được ăn rau. Ngồi cạnh ông chồng Mỹ của dì cô dâu. Ông này về hưu, cứ mở điện thoại, đưa hình ra cho mình xem, hình mấy cây chanh, cam của nhà ông ta rồi giảng mình về cách trồng cây, đủ trò. Mình vừa nhai vừa u chau hay hè.


Ăn xong, họ đến kêu cả bàn đến chụp hình với cô dâu chú rể, rồi lên sân thượng để ăn bánh cưới nhưng ngoài trời, ngay biển, lạnh nên hai vợ chồng dọt về. Tính hôm nay lên vườn lại nhưng có con gái từ New York về, ở nhà đi ăn với con cháu. 


Ở Hoa Kỳ, theo truyền thống thì cô dâu trả tiền cho tiệc đám cưới, còn chú rể thì lo tuần trăng mật. Nghe anh bạn kêu bố chồng trả gần như hết. Gia đình chồng chỉ có một người con trai. Ông bố giàu, thích đạp xe đạp, có lần ông ta đến tiểu bang Dakota để đạp xe đạp. Leo dốc ra sao bị đột quỵ, nằm bên đường, nơi khỉ ho cò gáy. May gặp cảnh sát đi tuần chở vào bệnh viện, nay phải chống gậy. Mẹ chồng thì 77 tuổi, thấy tay bắt đầu rung, ngồi chung bàn với vợ chồng mình. Có lẻ vì vậy mà chú rể đăng ký làm đám cưới sau 11 năm đả thông tư tưởng. Mình chừng 11 ngày là thấy hợp hay không hợp. Đăng ký quản lý đời nhau ngay.


Mẹ cô dâu mừng quá, kêu con gái 37 tuổi rồi, mình lo cho nó xong để thanh thản. Con trai, bồ với một cô nào, sống chung từ 4 năm nay, cũng chả chịu lên xe bông, được cái là anh bạn kể, nó kêu khi nào bố mẹ già hơn tí, bán nhà về ở với tụi con. Mừng cho anh bạn. Nói khi bán nhà thì bán cho mình. Nhà họ ở khu R-3, có thể xây được 3 căn hộ trên Los Angeles. Chị bạn học cũ Đà Lạt, học giỏi, Việt Cộng không cho đi học sau 75, vượt biển, định cư tại Hoa Kỳ. Làm nghề uốn tóc, hy sinh đời mẹ củng cố đời con, giúp con mua nhà cửa. Cực giỏi. Mình nhớ năm 1986, qua Hoa Kỳ chơi lần đầu tiên, anh bạn Chử Nhị Anh, lái xe từ San Diego lên Los Angeles, đưa mình đến thăm mẹ cô dâu mới sinh con.


Vợ chồng anh bạn lâu nay ít gặp nhất là từ covid đến giờ. Anh bạn kêu chích một mũi covid xong là tưởng chết, bị thuốc hành quá cở, về hưu luôn. Anh ta kể cái tay bây giờ run run, phải đeo cái đồ băng lại thì mới viết được. Trí nhớ bắt đầu quên trước quên sau. Nghỉ hưu ở nhà xem phim bộ hàn quốc hay tàu. Đi ra đi vào, là quên đang xem tập nào, thế là phải xem lại từ đầu. Chán Mớ Đời 


Anh ta kể nhà có nuôi mèo hoang, đi lang thang, đến nhà nên nuôi. Anh ta ra chợ của Đức quốc, mua thức ăn cho mèo, sản xuất từ Đức quốc. Đem về, mèo hoang bò lại, ngửi ngửi rồi lắc đầu bỏ đi, chê đồ ăn Tây. Buồn đời, anh ta đem cho mấy con mèo hoang khác ở bên cạnh nhà ăn. Cũng cũng meo meo rồi bỏ đi, chê thức ăn tây. Mèo này chỉ thích ăn thức ăn đã được kỹ nghệ hoá. Mập như người Mỹ. Sáng nay, mình nghe France culture, họ cho biết hiện nay có đến 2 tỷ người khắp thế giới bị bệnh béo phì. Lý do là ăn thực phẩm được kỹ nghệ hoá như Hoa Kỳ. Bên tây, con nít cũng bị bệnh này.


Anh ta kể về hai anh bạn thân của anh ta mà mình có gặp vài lần. Một anh thì dọn về San Diego, tuần nào cũng gọi điện thoại, rủ xuống bolsa uống cà phê. Anh ta kêu từ El Monte, lái xe 45 phút để uống cà phê mà nay mắt lại yếu. Chán Mớ Đời. Anh bạn này, về hưu, giờ nổi tiếng ở San Diego qua bản nhạc “si l’amour existe encore”. Mình để ý, đi đâu anh ta cũng hát bản này, sau đó đi xuống, không hát tiếp dù được vỗ tay, yêu cầu hát thêm. Nhờ bản này mà được vợ ở San Diego. Anh chàng này học trên mình một năm ở Yersin, dân Dốc Nhà Bò.


Thật ra từ ngày chích ngừa covid, anh ta thấy mờ mắt, không nhìn rõ nên lái xe hơi ngại. Anh ta nói, giờ tôi nhìn thấy cái bóng của anh thôi, muốn nhìn được nét mặt thì phải đến gần. Tôi lái xe, nay không thấy tên đường, chỉ chạy theo trí nhớ loang quanh gần nhà như đi chợ. Từ Covid đến giờ, mỗi lần đồng chí gái tổ chức họp bạn không thấy hai vợ chồng này đến. Đó là lý do, không lái xe ban đêm được. Có mấy cô bạn học cũ khi xưa Đà Lạt cũng thuộc diện này. Mê hát lắm mà cứ réo mình đi chở mấy cô vì chồng đến giờ là đi ngủ, còn mắt thì yếu dần. Mình thì bận dọn rác vì dân cỡ tuổi mình nhìn thùng nước đá ra thùng rác.


Một anh bạn thân khác thì ly dị. Nên buồn đời vào bar uống rượu, té cái đùng trên sàn nhà, bị liệt từ trên xuống dưới. Vào viện dưỡng lão thì không đủ tiền trả hàng tháng nên có cô bồ cũ kêu đem về Việt Nam, cô ta nuôi. Mỗi tháng tiền già và anh chị em đóng góp $2,000, gửi cho cô bồ cũ. Mướn một căn hộ $800, và lo cho anh ta ăn uống. Cứ 6 tháng lại đi xe qua Tây Ninh rồi Cao Miên, để vào Việt Nam lại, được cấp chiếu khán mới. Buồn đời, anh ta nhập quốc tịch Việt lại, khỏi mất công đi xuất ngoại, tốn tiền. Cứ 2 tuần thì Viber với nhau. Cho thấy về già, cô độc, mắt kém trí nhớ kém, cao mỡ cao máu cao đủ trò, bạn bè cũng xa dần. Anh bạn được cô bồ cũ ở Việt Nam chăm sóc là may mắn đời người. Dư chút đỉnh thì cô ta cất làm của hồi môn.


Hôm nay, lên nhà thờ gặp ông cha bề trên của anh bạn linh mục mới qua đời. Anh bạn có nhờ mình xem để nới rộng khuông viên nơi hang đá nhưng chưa chi anh ta đã được Thiên Chúa gọi về tháng trước. Nay mình lên để xem, tiếp tục chương trình này. Mình gọi thợ hẹn tuần tới họ đến để xem và cho biết giá cả. Cha mời mình ở lại ăn cơm với các con chiên của cha. Mình là người lương độc nhất, chậm rãi ăn, chánh niệm trong tiếng hát của ca đoàn mừng Chúa. Ăn xong, mình xin phép cha rồi dọt về, đi lấy tiền nhà vì cuối tháng. Xong om


Hôm nay, lại chạy lên vườn, hái bơ để gửi cho mấy người bạn và cô em ở Phila. Tuần tới, cho thợ hái hết cho xong, để hoa ra trái cho mùa sau. Dạo này hoa nở khắp vườn, rất đẹp và thơm nhất là khu vườn bưởi và chanh, và quýt. Thơm ngất ngư. Đúng là sơn đen lạc giữa rừng hoa. Để hôm nay mình đem bị lên hái hoa bưởi về pha trà cho vợ uống.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn