Hiển thị các bài đăng có nhãn Người thân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Người thân. Hiển thị tất cả bài đăng

Kiến trúc hiện đại và trùng tu

Có nhiều dinh thự nhìn có vẻ cũ nhưng trên thực tế mới được xây dựng gần đây nhưng lại khiến người dân thích hơn, xem có vẻ gần với người dân địa phương. Ngược lại có nhiều dinh thự, tòa nhà lớn lại khiến người dân rất lo ngại như trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris, khi mới được xây dựng hoặc văn phòng chính của hãng bảo hiểm Lloyd ở Luân Đôn. Người dân chưa quen với kiến trúc mới lạ. Có lẻ vì ý thức hệ mới chưa được phổ biến rộng trong xã hội. Tương tự khi mình ra trường thì ảnh hưởng của Jacques Derida mới được các kiến trúc sư áp dụng trong trường phái Deconstruction nay thì đi đâu cũng thấy. Chuyến đi Úc Đại Lợi và Tân Tây lan vừa qua, mình nhận thấy kiến trúc của trường phái này, được biểu hiện nhiều nơi mới được xây dựng.

Thấy trên mạng mấy cơ sở toà nhà lớn, có 2 toà nhà mình đã có dịp viếng, còn cái cuối cùng thì tháng 6 này sẽ đi viếng.

Năm kia, mình đi Uzbekistan, Georgia thấy có nhiều nhà thờ công giáo, hồi giáo bị cấm dưới thời liên Xô, làm kho chứa đồ cho hợp tác xã hay nuôi ngựa,… được trùng tu lại rất đẹp nhưng cũng có nhiều nhà thờ, hay tường thành bị phá mất tính chất lịch sử khi họ trùng tu. Mình có thấy hình ảnh cổng vào thành phố ở Việt Nam, bị họ đập phá hết và xây lại y chang lúc ban đầu. Vậy đâu phải là di tích lịch sử nữa. Tương tự ở Georgia và Uzbekistan, họ sửa chửa thêm nhiều thứ nên Unesco, rút lại vật thể văn hoá.

Thời cộng sản nuôi bò, đến thời tư bản mới bỏ tiền ra xây dựng lại

Có một thành phố ở Đức quốc, Dresden, mình muốn đi viếng vì khi xưa thuộc Đông Đức, bị phá nát tan bởi máy bay của Mỹ trong thế chiến thứ 2. Có nhà thờ Frauenkirche. Họ để khơi khơi cả 50 năm vì Đông Đức không có tiền đến khi thống nhất năm 1994, người đức mới xây dựng lại sau khi thống nhất và hoàn tất vào năm 2005. Mình có xem một phim tài liệu, họ nghiên cứu rất kỹ thuật khi xưa. Ngoài ra các khu phố cỗ, họ cho xây dựng lại, cấu trúc xưa, sơn màu của kỹ thuật xưa. Không như Chùa Cầu ở hội An, có công ty nào quảng cáo tặng không sơn với hoá chất ngày này thì đâu còn là trung tu.

Varsovie, Ba Lan được trùng tu lại như trước thế chiến thứ 2 nên khi về Đà Lạt, thấy họ phá nát hết khu vực Hoà Bình nên Chán Mớ Đời 

Mình muốn viếng Varsovie của Ba LAn để xem cách họ trung tu lại. Họ cũng mất hơn 30 năm để xây dựng lại để giữ gìn thủ công nghệ, và nghệ thuật cổ của xứ họ.

Điện Swaminarayan Akshardham ở Đề Li, Ấn Độ. Được xây cất dựa trên sách vở nói về kiến trúc, không sử dụng xi măng, và thép sắt. Được trang hoàng bởi các tượng điêu khắc bằng nghệ nhân. Hy vọng một ngày nào có thể viếng xem

Bên Nhật Bản, ở Kyoto, mình có đi xem với bà cụ, một ngôi chùa của thế kỷ 14 tên Kinkaku-Ji, bị một ông sư điên điên đốt năm 1950 thì phải. Sau đó, người Nhật xây lại y chang như xưa. Đại Hàn có một phim nói về cái chùa,..bị cháy, chắc phỏng theo ngôi chùa này.

Bên Bỉ, thành phố Ypres, có một nhà thờ kiểu gothique, được xây cất vào thế kỷ 14 và bị phá huỷ trong thế chiến thứ 1. Sau này họ xây dựng lại đến năm 1967 mới hoàn tất. Cái buồn là làm xong thì dân Bỉ ít đi nhà thờ. Chán Mớ Đời 
Ngoài ra có điểm lạ là bên Trung Cộng, họ hay xây lại các kiến trúc dựa vào các thành phố ở Âu châu. Mình có xem nhiều phim tài liệu về kiến trúc ở Trung Cộng. Thấy lạ. Điển hình văn phòng của Huewei họ xây theo kiểu thành phố Bruges của Bỉ, Oxford của Anh quốc và Verona của Ý Đại Lợi. Mình chưa đi Phú Quốc nhưng xem hình thì thấy họ bắt chước bú xua la mua mấy thành phố ở Âu châu. Nhưng thấp hơn như Disneyland.
Tháng 6 này mình sẽ đi chơi ở Kazakhstan, sẽ viếng nhà thờ hồi giáo ở Astana. Một trong những nhà thờ hồi giáo to nhất thế giới, khởi đầu xây cất năm 2019 và hoàn tất năm 2022.
Nói cho ngay đi chơi du lịch thường du khách thích xem các kiến trúc cổ. Có cuộc thăm dò về kiến trúc thì được biết 77% thích kiến trúc cổ còn 23% thì thích kiến trúc Tân đại. Có điểm lạ nhưng người tự gọi là xã hội chủ nghĩa, thiên tả rất thích kiểu kiến trúc Gothique. Mình thì không thích loại này, rườm rà.
Thật ra ngày nay có nhiều toà nhà Tân đại rất được ưa chuộng. Điển hình nhà hát opera của Sydney, Úc Đại Lợi, mà mình mới viếng cách đây 2 tuần. Tháp Eiffel ở Paris, viện bảo tàng Guggenheim ở New York,…

Vấn đề tuỳ thuộc vào hội đồng thành phố và những người có quyền hành kiểm soát về kiến trúc của thành phố. Mình rất ngạc nhiên là ngày nay, Luân Đôn có nhiều toà nhà với kiến trúc hiện đại vì khi mình làm việc ở luân Đôn, hoàng tử Charles hay dính liệu vào cấm cản không cho xây cất kiến trúc hiện đại nên Chán Mớ Đời lắm. Mình có thiết kế vài toà nhà ở đây nhưng chán lắm cứ phải dùng gạch hoài.

Có thành phố mình thích nhất là Nữu Ước, vì kiến trúc hiện đại trộn lẫn với kiến trúc cổ xưa. Còn đi Dubai thì có nhiều toà nhà cao lớn nhưng không có cảm xúc của thành phố khi đi bộ như ở New York.

Có lẻ người ta thích trùng tu một toà nhà cổ với kiến trúc cổ. Ở Việt Nam, mình có đi ngang Đà Nẵng, Quy Nhơn, … thì thấy Đà NẴng có lẻ thành công trong việc xây dựng, phát triển trong khi Nha Trang thì khi xưa mình thấy phát triển rất hay. Không hiểu lý do nào ngày nay trở lại thì thấy bú xua la mua, vô tổ chức. Có lần mình ra Huế, vào thành Nội để xem họ trung tu thấy thất kinh nên sau này không dám vào xem nữa dù nghe nói đã xong. Nghe kể Unesco đến cũng phải lắc đầu.

Mình có xem phim tài liệu về trung tu lại nhà thờ đức Bà của Paris bị cháy. Họ làm có bài bản, nghiên cứu này nọ để xây lại nên mình thấy những gì họ trùng tu 10 năm trước ở Thành Nội là chỉ biết khóc.
Có lẻ vụ này trồng cây thấy có lý nhất. Đến Á Căn Đình, thậm chí ngồi trên máy bay đã thấy đương nào cũng có cây to đùng khiến trời nắng đi bộ vẫn mát. Về Sàigòn nay lâu lâu mới thấy một bóng cây.

Thường chúng ta thấy kiến trúc thường bị chính trị hoá, người ta cho biết kiến trúc được kẻ cầm quyền sử dụng để nói lên nền tảng chính trị của phong trào hay chính trị như kiến trúc sư Albert Speyer thiết kế các công trình cho Hitler, tương tự ở Ý Đại Lợi, cũng có những khu được xây dựng khắp Ý Đại Lợi cho phong trào Phát xít do Benito Mussolini khởi xướng. Hay ở Liên Xô cũ. Mình có viếng mấy dấu ấn kiến trúc thời Liên Xô ở UZbekistan, Georgia, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc. Ở Ba Tây, kiến trúc sư Oscar Niemeyer đã thiết kế Brasilia cho chế độ quân phiệt.
Có điểm lạ là ở Mạc Tư KHoa họ xây các nhà ga Métro với kiến trúc Baroque, trong khi ở Boston, thuộc chế độ tư bản lại xây thiết kế kiến trúc loại Brutalist. Kiến trúc Gothic ngày nay được xem là bảo thủ nhưng trước đây lại được các nước theo xã hội chủ nghĩa ưa thích.

Đà Lạt tương tự xây đủ thứ, không có đến một toà nhà với kiến trúc hiện đại có thể gọi là đẹp. Tòa nhà hành chính ở chỗ hai căn nhà của công ty Shell khi xưa, chán luôn. Họ đập phá Thao Trường khi xưa, để xây vào đó cái chi chi. Tháng vừa rồi về Đà Lạt, thấy họ đập nhà hàng Đào Nguyên, biệt thự Trang Hai để xây bãi đậu xe. Thấy trên đồi Cù họ cho xây khách sạn hay gì trên đó, không giấy phép. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Du xuân với Mẹ sau 50 năm

 Du xuân với gia đình


Kỳ này về ăn Tết, cô em út kêu anh và chị Trinh cho cả nhà đi Nha Trang chơi. Mọi lần thì đi Đà Nẵng hay Hội An nhưng nay bà cụ hơi yếu nên đi Nha Trang cho gần. Răng mẹ mình ở tuổi 93 bắt đầu lộn xộn, nha sĩ kêu nhổ đeo răng giả nên người bắt đầu yếu. Ăn uống khó nhai. Cô em đặt phòng ở Hòn Tré, 3 nhà trong khu nghỉ dưỡng Mariotts. Thuê xe buýt to đùng chở đại gia đình xuống Nha Trang.

Ăn cơm xong, thay vì gọi xe đưa về nhà thì hai vợ chồng dẫn mẹ đi bộ cho tiêu cơm. Nhìn hình thì cảm thấy may mắn vì bằng tuổi này vẫn còn mẹ, được mẹ nắm tay dẫn đi như ngày xưa. Đi với hai người đàn bà quan trọng nhất đời mình.

Cô em ở phila, người gầy như con mắm, tuyên bố đến đây ăn cho mập. Khi xưa mình về lần đầu tiên, thấy bự con nhưng không hiểu sao qua Mỹ lại gầy như con mắm. Sáng hôm sau, cô em than, tối qua ăn nhiều lắm lên được 2 cân, sáng ra đi vệ sinh, hoàn lại số cân hàng ngày. Cô em kêu Chán Mớ Đời 


Mấy đứa cháu đi chơi ở thuỷ cung, khu giải trí VinPearl, đồng chí gái và cô em bên pháp về, đi tham quan khu nghỉ dưỡng, mình đợi mẹ ngủ dậy, dẫn bà cụ đi bộ ra biển. Tay nắm tay bà cụ đi ra biển, cảm thấy vui khó tả. Khi xưa, bà cụ dẫn mình đi qua đường, nhiều khi mình vùng vằng, không muốn bị nắm tay. Nay mình lại dẫn bà cụ đi bộ xem có chướng ngại trước mặt để tránh. Hạnh phúc đời người thật ra rất đơn sơ, như nắm tay mẹ già đi bộ, kể chuyện đời xưa. Cô em nói anh lấy xe lăn, đẩy đi cả Má mệt. Mình suy nghĩ khác, cứ cho bà cụ đi bộ, vì chân bà cụ dạo này teo lại, mất cơ bắp, không như xưa, khi đi chơi với mình ở Nhật Bản.


 Dạo sau này, bà cụ không đi tập dưỡng sinh hàng ngày nữa vì đêm tối, không có hàng xóm đến dẫn đi trong tối. 5 giờ sáng thì Đà Lạt còn tối mù mà không có đèn đường, lại cầm đèn pin rọi đường mà đi nhất là các hôm trời mưa, có thể ngã. Mình hỏi có tập ở nhà không, bà cụ kêu có nhưng mình đoán là không vì thấy chân mẹ teo nhỏ lại. Chắc mai mình sẽ hướng dẫn bà cụ tập Trạm Trang Công trong nhà cũng giúp khoẻ chân và đẩy hàn khí trong người ra. Thấy bà cụ hay ho nên mình nắm tay để xem.


Dạo sống với mình ở cali, ngày nào mình cũng bắt đi bộ, 2 cây số, chiều lại đưa đến Đông Phương Hội tập dưỡng sinh 2 tiếng. Khi mưa gió, bà cụ kêu thôi không đi, mình bận áo mưa vào rồi dẫn đi 2 dặm rồi về nên khi đi Nhật Bản, mỗi ngày lội bộ leo núi với mình đến 7, 8 dặm.


Sáng qua, trong khi cả nhà còn an giấc mình đi bài Thái Cực Quyền 8 thức được 63 phút. Mừng quá vì chương trình là đến cuối năm 2025 mà mồng 3 tết đã thực hiện được, vậy thì cuối năm, mục tiêu là 2 tiếng đồng hồ. Khoa đi được 3 tiếng đồng hồ, hôm trước, Khoa chỉ sơ sơ cách chuyển động trọng lực và thể lực, thấy chới với. Cái khó là mài hơi thở nên khá mệt, mồ hôi đổ như suối. Hôm nào mình kể lý do phải đi bài Thái Cực Quyền càng lâu càng tốt cho sức khoẻ.


Mẹ mình vui lắm khi thấy con cháu từ xa bay về ăn tết. Mẹ nói làm mẹ, ai cũng nhớ thương con cháu ở xa mà không biết làm sao. May ngày nay có điện thoại, internet nên gọi cho nhau mỗi tuần cũng đở nhớ. Gặp nhau thì quý hơn. Thấy mẹ ngồi nhìn con cháu sum vầy, chơi lotto, ăn uống, chọc nhau, mẹ kêu may quá khi xưa, sinh cả đàn con nay ngồi nhìn con cháu vui quá.

Ký ức mình là những điểm tích cực, còn mẹ thì nghĩ đến những tiêu cực ngày xưa. Mình khuyên mẹ không nên nhìn về quá khứ, hãy nhìn hiện tại mà sống. Mẹ không giàu nhưng được đi du lịch ở Pháp, bên mỹ mấy lần, thêm có thẻ xanh di trú ở Hoa Kỳ nhưng buồn nên bỏ về. Đi chơi ở xứ Cộng Hoà Dominique, ở Hoa Kỳ thì đi viếng thăm đến 12 tiểu bang. Mấy người em ruột của mẹ, di dân sang Hoa Kỳ, 30 năm rồi mà chỉ biết có Cali hay Bolsa. Còn á châu thì đi Trung Cộng, Nam Hàn, Nhật Bản, Mã LAi, Tân Gia BA, NAm dương, Thái Lan, Cam Bốt còn Việt Nam thì khắp 4 vùng chiến thuật, ngoài bắc khắp nơi. Mấy bà dì họ khi xưa, giàu có ở Đà Lạt như bà Tiềm đâu có được đi chơi như Má, ở khách sạn 5 sao, ăn đồ ngon vật lạ. Đừng có nghĩ tiêu cực, hãy nghĩ mình có phước, được con chăm sóc khi về già, vui chơi với con cháu. Nhiều người có tiền mà không được con cháu chăm sóc. Mẹ có dâu nhất là con rể chăm lo cho mẹ là tốt rồi.

Mẹ ở sảnh Mariotts

Mai lại xa mẹ như 51 năm về trước. Cả nhà trở về Đà Lạt trong khi mình và đồng chí gái ra Quy Nhơn, nơi mình có sinh sống vài tháng khi còn bé. Mẹ mình bị mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm bắt, nên đem mình vào nhà lao vì mới sinh ra mấy ngày, đến khi ông cụ đi phép về, bảo lãnh ra và đem về Quy Nhơn, nơi ông cụ đóng quân. Cho yên một tí, vụ lùng bắt thì bà cụ vào lại Đà Lạt. Sau Quy Nhơn, hai vợ chồng về Hội An, phố Cổ, nơi đồng chí gái sinh sống 13 năm trước khi vào Sàigòn. Mình sẽ ra Huế, viếng thăm bên ngoại và bên vợ. Sau đó bay vào Sàigòn. Rồi đi Úc và Tân Tây Lan, thăm mấy người cậu dì bà con khi xưa ở Đà Lạt.

50 cái Tết xa nhà, năm nay mới được về ăn Tết với gia đình. Mình cảm thấy hạnh phúc, có mẹ bên cạnh và các em. Không khí lại như xưa thêm mấy đứa cháu thêm đồng chí gái đi bên cạnh cuộc đời trên 30 năm.


Con đi đâu, con về đâu

Cuộc đời của Mẹ là câu trả lời.


Mình may mắn có hai người phụ nữ tuyệt vời bên đời. Một người đã nêu gương cho mình đi suốt 51 năm qua xa nhà và người bạn đời, luôn luôn bên cạnh, không nề hà việc mình báo hiếu cha mẹ, đưa gia đình đi chơi xa. Có lần đồng chí gái nhìn mấy tấm ảnh khi đại gia đình đi Dubai. Kêu không tiếc tiền vì những hình ảnh này khó thực hiện lại. Nhớ lại thì thất kinh vì họ bố trí 3 hướng dẫn viên, có cả người thông dịch từ tiếng Việt qua anh ngữ cho mấy đứa con và cháu hải ngoại. Đúng là chuyến đi để đời.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Mùa xuân bên mẹ sau 50 cái Tết

 Mùa xuân có mẹ


Sau 50 năm, mình mới ăn tết lần đầu tiên cùng gia đình tại Đà Lạt. Có nhiều cảm xúc khó tả. Vui nhất là còn bà cụ. Thấy con cháu tụ họp ăn uống, bà cụ kêu khi xưa đẻ con ra nhiều nên nay mới có nhiều niềm vui như ri. Vui quá. Nay mai, nhiều khi anh em ly tán trên thế giới cũng không sum họp như nay vì sức khoẻ vì nhiều lý do không biết trước. Sau này gia đình chỉ có hai con theo chính sách trai hay gái chỉ 2 mà thôi thì khi sum họp rất lẻ loi. Một trong hai đứa không về được là buồn, nhiều khi cả hai không về được vì công ăn việc làm. Đón xuân trơ trọi.

Cháu chơi lô tô, không còn đánh xì lác như thế hệ mình khi xưa. Còn thế hệ đổ sâm hường, chơi bài tới thì chết hết, còn mỗi mẹ mình.

Có người hỏi tại sao phải đợi 50 năm. Mình có về sau Tết nhưng khi tết thì ở Cali, có con, có cháu bên vợ. Thêm tết ta thì con cái đi học, vợ đi làm. Con mình, chúng nó ở xa cũng cố bay về dù đang ở âu châu hay á châu để tụ họp với anh chị cô cậu ăn 3 ngày Tết rồi đi lại. Cũng có không khí gia đình. Hy sinh đời bố củng cố đời con. Năm nay thì ăn tết sớm nên thiếu con gái và vài đứa cháu, vì chúng ở xa muốn về đúng ngày tết. Thôi thì về ăn tết với mẹ vì đâu biết ngày mai nên hai vợ chồng vác vali đi nữa. Vì mai đây nhiều khi không có sức khoẻ để về. Ở tuổi gần 70 rất khó đoán trước. Trước khi đi đã nghe tin một ông thần học chung khi xưa qua đời. Năm nay, vợ về hưu nên có thể khăn gói về Đà Lạt ăn tết.


Vui nhất là về bên mẹ, nhưng gặp lại họ hàng ở quê cũng rất cảm động. Thấy bà thím năm liệt giường, cô em dâu họ bồng bế tắm rữa trong khi ông chú ngồi ăn cực chất. Vẽ lên hình ảnh của văn hoá gia trưởng thôn làng ở quê nội. Thấy căn nhà thờ tổ được cô em xây lại rất khang trang, thoáng. Mình phục cô em, đơn thân độc mã về quê để xây nhà. Cô em này giỏi như bà cụ mình.


Nghe mẹ mình kể là khi mẹ mình về thăm quê chồng, trong khi ông cụ còn ở trong trại cải tạo. Mấy bà trong họ kêu đợi con miền nam ra đây, bà tẩn cho một trận. Bà cụ về quê, nấu ăn cho bà nội rồi làm đông sương, khiến cả làng ăn lần đầu tiên trong đời. Kêu cái bọn miền nam, cơ bản là xấu mà sao chúng nấu ăn ngon thế. Sau này mình có gửi tiền về để bà cụ cúng cho làng để xây cái cổng làng lại, bà cụ biếu tiền để trùng tu giếng Bồ Đề và làng có cấp đất nghĩa trang để mang hài cốt ông bà về một nơi. Khi xưa, họ chôn người thân trong ruộng, bò đi ngang đạp bể hết. 

Thiếu 7 đứa cháu ở hải ngoại và 2 rể

Mình nhớ chỉ gặp được 5 ông chú họ, 3 ông bên ngoại và 2 ông bên nội. Hai ông bên nội thì có mấy người con đi lao động quốc tế, gửi tiền về xây nhà to đùng. Có người em họ, kể đi lao động ở Đài Loan nhưng họ đuổi về vì lớn tuổi, dù thua mình 10 tuổi. Nay có 5 đứa cháu nội nên ở nhà trông cháu, vợ thì trông bà mẹ, nấu ăn cho ông bố, con đầu thì đi lao động quốc tế bên Nhật Bản. Thấy cũng thương vì tư duy nuôi con lớn để đi lao động quốc tế gửi tiền về nuôi gia đình, xây nhà cửa. Có lẻ vì vậy mà người ta khi xưa hay nói “thêm người thêm của”. Lần đầu gặp nghe hai vợ chồng kể mỗi ngày đi đổ bê tông cho thiên hạ. Khiến cô em mình kêu may quá, nếu bố không bị du kích truy lùng, chạy vào nam thì chắc số phận anh em mình cũng đi đổ bê tông. Có vấn nạn là đánh bài, hay cá độ ở làng quê nên cũng khổ cho dân. Cắm sổ đỏ mượn tiền bạc khắp nơi.


Mình có người em cô cậu, con trai của bà cô ruột, chưa bao giờ gặp mặt, chỉ có gặp cô em dâu, gốc Thanh Hoá, nghe nói đi lao động xây đường cao tốc bên Lào. Cũng tội lắm, lấy vợ để nhà chăm sóc cho mẹ rồi đi lao động quốc tế. Còn trẻ mới qua đời, chắc những năm tháng lao động ở rừng thiêng nước độc, gây bệnh tật. Về quê thì mới hiểu lý do người ta muốn cho con đi học. Nghe người khác kể học tới cấp 3 thì hết tiền, ở nhà đi may vá, cấy lúa hay cửu vạn rồi lấy chồng sớm. Sinh con, nay con cũng theo bước chân của mẹ, mới 50 tuổi đầu đã có 3 cháu ngoại. Kinh

Mấy cô cháu cực xinh, chưa đứa nào lấy vợ lấy chồng khiến bà cụ hơi lo

Khi ông cụ mình mất, về quê, gặp hai ông chú này thì chới với. Hai ông kêu nay bố mày qua đời thì tao thay thế bố mày làm cho sáng dạ sáng lòng khiến mình thất kinh vì phép vua thua lệ làng. Về kỳ này thì một ông chú họ nằm viện, nghe nói nằm viện nhiều hơn nằm nhà. Một ông thì khoẻ nhưng đầu bắt đầu lẫn. Chú kể là mỗi ngày đạp xe đạp hay lên xe buýt khắp Hà Nội khiến mình hơi lo. Có ngày chú đạp đi đâu không nhớ nhà về hay đi xe buýt không nhớ đường về thì con cháu đi tìm khó khăn. Thật ra ở thành thị thì họ hàng có thể không quan trọng lắm vì bán anh em xa mua láng giềng gần. Nhưng ở quê thì rất gần, gốc gác ai đều nhớ cả. Vẫn thân nhau như anh em ruột thịt. Gần tết là con cháu đưa nhau về nhà thờ họ, dâng mâm quả, thắp hương. Máu đào còn hơn ao nước lã.


Bên ngoại thì có ông chú mới qua đời. Bị thương khi vào nam đánh mỹ cứu nước, nhắc đến sự hãi hùng của chiến tranh. Con chú thì vào Lâm Đồng làm ăn khá lắm. Được biết 60% dân vùng Lâm đồng ngày nay là gốc gác ngoài bắc vào sau 75. Một chú khác thì nhà bên cạnh, trẻ hơn nên tư duy khác với mấy ông chú họ bên nội. Con chú học hành khá hết, làm việc cho công ty nước ngoài. Xem như hy sinh đời bố củng cố đời con nên con cháu nay khá lắm, xây nhà to như cái đình. Không cần phải đi lao động quốc tế. Tháng vừa rồi có bay qua mỹ làm việc, họp hành, nhưng bận quá nên anh em không gặp nhau được. Mình về quê thì chú em lấy xe ô tô chở đi xem chợ hoa, chợ Tạm vì họ đang xây lại chợ Quốc Oai. Ông chú này giúp mình tìm được thầu khoán, cũng bà con bên ngoại để xây nhà thờ tổ. Cũng trông coi dùm khi thợ thi công. Cô em họ thì được trả công. Thay vì đi làm xa thì ở nhà nấu ăn cho thợ làm nhà. Hình như bên ngoại có vẻ khá hơn bên nội, mình đoán là tư duy bên ngoại đi lấy chồng khác với thủ cựu bên nội. Về như cơn lốc nhưng qua những nhận xét, nói chuyện thì mình cảm nhận những gì người ta nói về tư duy ao làng.


Hôm qua mình nói chuyện người em rể, gốc Hà Nội. Người em kể là về quê, thì đụng độ với ông chú họ bên nội. Mời mấy chú lại ăn cơm. Buồn đời ông chú họ kêu đáng ra các cháu ngồi mâm dưới. Người em rể không đi đâu, nói nhà này là của bố mẹ cháu, cháu mời các chú đến dùng cơm thì nhà của gia đình cháu thì chúng cháu muốn ngồi đâu thì ngồi. Mình hy vọng tư duy ở làng thay đổi để theo kịp thế giới A Còng chớ cứ ngồi đó, kêu mâm trên mâm dưới thì con cháu không bao giờ khá được. Sinh con để đi lao động quốc tế, gửi tiền về xây nhà to đùng.


Cô em họ này khi xưa đi lao động ở Liên Xô được ba năm thì lạnh quá xin về để cậu em qua thế, xây nhà cho bố mẹ hoành tráng lắm. Sau đó vào nam, phụ buôn bán với cậu em mình. Về Đà Lạt mình hỏi muốn về bắc hay ở trong này. Cô em kêu ở trong này, mình nói để mình nhờ bà cụ kiếm cái sập cho cô ta buôn bán, sau này khá lên thì trả lại tiền sang sập lại cho mình. Mình nghĩ nếu cô ta buôn bán ở Đà Lạt thì sẽ nuôi được gia đình ở quê như mẹ mình khi xưa, nuôi em ăn học, và ông bà ngoại ở hUế. Đùng một cái cô ta về quê. Hỏi ra ông chú muốn gã cho ông già nào đó nhưng cô em không chịu. Nay ốm đau đủ trò vì hệ quả những năm tháng lạnh ở Liên Xô nhưng nay chắc đỡ rồi vì được giải phẫu nên khoẻ hơn lần trước mình gặp ở quê. Cô em trông cháu sáng sớm vì vợ chồng người em đi làm sớm, sau đó đi làm. Em mình nhờ cô em giữ chìa khoá, lo hương khói bàn thờ ông bà.

Cô em mang thịt bò filet mignon từ Hoa Kỳ về nấu phở cho đại gia đình ăn

Khi xưa, cứ nhận thư nhà là thấy xin tiền nên mình bàn với đồng chí gái nên để dành một số tiền rồi gửi cho bà cụ, mua sập mua bán cho mấy người em. Lý lịch ông cụ mình là phản động nên mấy người em đầu không được đi học đại học, dù đủ điểm hay dư điểm khi thi tuyển. Mấy người em có sập buôn bán nên mình hết nhận thư xin tiền, nay sung túc, có của ăn của để. Ông chú kêu cô em họ về quê, mất đi một cơ hội đầu tư thay vì cứ gửi con cháu đi cửu vạn ở ngoại quốc. Nay đến đời cháu.

Về Đà Lạt thì thấy mấy cô cháu đều cực xinh. Cô em từ Hoa Kỳ về cành nanh, kêu em về không ai qua hết, anh về là mọi người chạy qua. Cô em về sớm hơn nên mấy người kia còn lo mấy ngày cuối năm buôn bán. Còn mình về thì cận tết nên ai cũng nghỉ bán, đợi cúng ông bà. Một cô em ở pháp về thì cũng chịu khó đem bánh, đem rượu, sô-cô-la về cho mẹ và các em ăn Tết. Chúng lại nói bên này thiếu gì. Cho tiền mua khoẻ nhất. Khỏi phải qua hải quan, khiêng nặng. Mình về chả đem gì cả, hai lọ thuốc bổ và hộp sâm cho bà cụ. 

Cô em lặt bánh phở

Hôm mình về thì ăn tất niên ở nhà. Mình đâu biết là năm nay, ngày đầu năm là 29 tháng 1, không có 30 như mọi khi tính toán hơi lộn xộn. Mấy người em đặt các món ăn như chả ram về ăn thì mình không thấy ngon lắm vì dầu hơi nhiều nên ăn vài miếng chả ram rồi ngưng. Ngược lại hôm sau Ăn bánh tét, dưa món, chả thủ, giò với dưa cải mới làm cực ngon. Không như bánh tét gói ở Cali, làm từ lâu rồi bỏ đông lạnh, đợi gần bán, đem ra bán trong khi đây nấu trước 1 hay hai ngày nên ăn rất mềm, họ gói với lá dứa nên nếp đổi màu xanh lá dứa. Cô em kết nghĩa với cô em út mình có khiếu nấu ăn, gia đình cô ta làm rồi đem qua. Phải công nhận 50 năm rồi mới ăn lại hương vị bánh tét ngày xưa. Quá đỉnh. Ngoài quê thì họ ăn bánh chưng còn trong nam, Đà Lạt gia đình mình ăn bánh tét. Lần trước mình về quê sau tết, ông chú họ có cho ăn bánh chưng do nhà gói, ăn rất ngon. Ở cali mua về phải chiên mới ăn được.


Tối thì cô em ở phila nấu phở filet mignon. Tội, chịu khó mua thịt bên mỹ về nấu phở cho cả đại gia đình ăn. Lần đầu về thăm, cô em đem thịt bò steak Costco về nấu phở, cả nhà mê thịt bò của đế quốc, thích ăn bơ thừa sữa cặn. Nên sau này về thì đều đem thịt bò về nấu cho mẹ và gia đình ăn.

Chiều mọi người đến đông đủ, bận áo dài chụp hình với bà cụ. Thấy mẹ vui nên mình mừng lây. Thấy nụ cười của mẹ trên môi, sau một đời vất vả, vào Đà Lạt năm 15 tuổi, đi làm cho người bà con để giúp mệ ngoại nuôi em ăn học, rồi lập gia đình, sau 75 đi thăm nuôi chồng đến 15 năm. Nay mới có thời gian êm ấm ở tuổi hoàng hôn đời mẹ.

Đồng chí gái về nhà chồng tạo dáng

Mình may mắn là khi lo cho con cái xong xuôi thì còn mẹ để lo. Hôm trước nói chuyện với ông cậu họ, cậu tiếc là khi thành đạt thì người mẹ đã vắn số. Cho thấy phải có phước mới có cơ hội trả hiếu cho cha mẹ. Tương tự cha mẹ phải có phước lớn mới được con cháu báo hiếu khi còn sống. Vấn đề làm sao để tự tạo phước cho mình.


Mình về lại quê như tìm lại cái gốc cây đã sinh ra cái nhánh của mình. Như ông cụ chạy vào nam, như cây bị ai chiết đi một nhánh đem vào nam trồng rồi đến phiên mình được chiết nhánh đem qua Tây rồi Hoa Kỳ trồng. Nay mình trở về làng quê để xem cái gốc cây đã sinh ra mình. Mình thấy có nhiều nhánh tốt vì có ánh sáng mặt trời, cây lá xum xuê, được cắt tỉa theo phương thức khoa học. Có nhiều nhánh bị ánh sáng mặt trời che nên ò ẹp lắm. Thêm phân bón kiểu xưa nên khó thay đổi. Cho thấy cùng gốc rễ nhưng được ánh sáng mặt trời thường xuyên sẽ khiến nhánh đó mọc lên nhánh khá tốt, đâm trái tốt hay nếu được chiết đến phong thổ khác thì lại khác, bị ảnh hưởng phong tục tập quán, phân bón, lại tạo trái tốt hay xấu tuỳ phong thổ.

Mồng Một thì chỉ có vài người trong đạo Tổ Tiên Chính Giáo ghé lại chúc tết bà cụ, thắp hương. Mình thấy một anh chàng nhỏ tuổi hơn nhớ mại mại con của bác Tế ở ấp Xuân An. Chiều cả đại gia đình ăn Tân niên, phở do cô em nấu. Rồi màn lì xì cho các cháu đánh loto.

Cơm lam ở vùng người Rắc-lây mà nhạc sĩ Trần Tiến có nói đến trong bài Giấc Mơ Chapi. Gạo nếp được nấu trong ống tre, sau đó họ nướng một bên cho cháy cháy. Dùng một cây tre nhỏ như khi xưa, người ta ăn bánh bèo, để nạy cơm lam ra đĩa hay chén. Họ kêu ăn với gà nướng nhưng mình thấy ngon hơn với muối vừng. Ăn vì tò mò chớ cũng thấy không có gì ngon lắm.


Sáng nay thì đại gia đình mướn xe buýt to đùng, chở nhau xuống Nha Trang ở 3 đêm rồi mình chia tay gia đình chạy ra Huế. Về thăm quê ngoại.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Về thăm quê nội


"Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Trời xanh không thấy đỉnh Ba Vì"…


Có lẻ bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của ông Quang Dũng đã làm mình mơ về một thôn, một xứ Đoài xa vắng ở miền Bắc, nơi ông cụ mình ra đời và mang tên Đoài. Tên xứ này còn được gọi là Trấn Đoài hay Trấn Tây, một trong những trấn quan trọng của Thăng Long. Hồi bé mình hay nghe ông cụ ngồi ngâm bài thơ này, có lẻ ông cụ đặt tên con trai đầu để nhắc nhở quê mình là Sơn Tây.

Đây là hình ảnh đầu tiên khi về thăm quê nội, khi dừng chân bên hồ Chùa Thầy, Sài Sơn phía sau

Mình sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, quê cha đất tổ chỉ biết qua bài thơ của nhà thơ Quang Dũng. Ông cụ cứ nhắc đến thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai mà trong bài thơ, ông Quang Dũng tả sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc, phủ Quốc đây là Quốc Oai, quê ông cụ. Mình ấp ủ từ bé, một ngày được viếng thăm quê cha đất tổ như lời ông cụ kể.


Mẹ tôi em có gặp đâu không

Những xác già nua ngập cánh đồng

Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ

Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông


Ông cụ có người em trai kế, nghe nói học giỏi nhất huyện. Mấy ông chú họ kể khi xưa Anh dạy mấy chú này nọ. Một hôm đi học về, qua cánh đồng thì bị tây bắn chết. Một ông chú ruột khác, đi bộ đội vào nam bị bom mỹ dập chết trên đường mòn Hồ CHí Minh, được tổ quốc ghi công. Ông cụ mình thì ở trại cải tạo 15 năm, chú mình bị tây bắn và một ông chú lại bị bom mỹ dập chết trên đường mòn vào nam. Đó là số phận của 3 anh em sinh ra trong thời chiến. Sáng nay mình đang đứng nói chuyện với một ông chú họ thì chú chỉ một bà lão đi ngang, nói là vợ cũ của chú mày đấy, bà ta bỏ đi lấy chồng khác rồi. Mình có gặp người thím này khi về quê lần đầu năm 1995, sau đó thím đi bước nữa nên không còn dính dáng gì đến gia đình mình, tính đi kiếm bà thím nhưng rồi không thấy tông tích đâu nữa. Rồi xe đến chở đi Ba Vì.


Vừng trán em vương trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương?


Mình nhớ lần đầu về Hà Nội, cố tranh thủ về quê thăm một chuyến để thoả bao nhiêu ước mơ, tò mò từ bé nghe ông cụ kể về quê nội. Có con cậu ruột của đồng chí gái xung phong chở mình đi xe gắn máy từ Hà Nội về làng. Cậu ruột của đồng chí gái đi theo cách mạng, làm tuỳ viên cho Võ đại tướng nên ở Hà Nội. Sau 75, cậu vào nam kêu các cháu đi vượt biên hết đi chớ sống không được. Mình nghe ông cụ khi xưa, nói cứ kêu xe từ Hà Nội về Đường Láng rồi chạy về Hoà Lạc, sau đó rẽ đê Yên Phụ là về tới làng. Đê Yên Phụ mà ông cụ kể khi xưa mỗi lần lụt bị vỡ đê là dân trong làng chạy đầu thôn cuối thôn kêu nhau chạy ra đắp đê. Mình thấy cái đê mà ông cụ kể cao ngây ngất. Trời mưa, đường thì xình lầy, lái xe về chắc người em cô cậu của đồng chí gái phải rửa xe. Mình mời đi ăn chả cá Lã Vọng khi về lại Hà Nội.


Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì


Xe chạy ngang chùa Thầy, người em họ dừng xe vì trời mưa, đứng núp dưới góc cây, mình nhìn chùa Thầy trong mưa lất phất tạo nên một cảm xúc khó tả, chỉ biết khẽ gọi quê nội tôi đây, quê nội tôi đây. Có gì thiêng liêng lắm như níu kéo mình về quê cha đất tổ. Cảm xúc này đều dâng tràn mỗi lần mình thắp hương bàn thờ ông bà ở nhà tại quê. Ông cụ mình bị du kích dí đầu, bao vây quanh nhà đêm tối, kêu ra đầu hàng sống chống chết. Ông cụ nhảy qua hàng rào phía sau nhà rồi trốn vào nam đến 40 năm sau mới về lại quê lần đầu. Ông cụ như chim bay lạc đàn về miền nam tha phương rồi đến mình theo mây bay trôi dạt qua cả trời tây. Nay bay về quê nội, lòng bồi hồi nhìn nơi tổ tiên sinh sống bao nhiêu đời. Lam lũ một đời bán lưng cho trời. 


Từ độ thu về hoang bóng giặc

Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn

Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ

Em có bao giờ lệ chứa chan


Khi mưa tạnh thì chạy tiếp vào làng thấy có cái quán nhỏ tẹo, gặp đứa bé gái thì mình hỏi nhà chú Thìn, em họ ông cụ mình, nhà sát bên cạnh thì con bé reo lên mẹ ơi anh Sơn về khiến mình như bò đội nón. Đâu có báo ông bà cụ trong nam biết mình về vì dạo ấy đâu đã có điện thoại di động. Hoá ra, đám cưới mình thì có quay video gửi về cho nhà xem. Ông bà cụ ra bắc nên đem về chiếu cho cả họ xem nên ai cũng biết mặt mình.


Đôi mắt người Sơn Tây

U uẩn chiều lưu lạc

Buồn viễn xứ khôn khuây

Tôi gửi niềm nhớ thương

Em mang giùm tôi nhé

Ngày trở lại quê hương

Khúc hoàn ca rớm lệ


Về đến nhà nơi ông cụ được sinh ra thì mình thất kinh vì cửa sổ không có, cửa ra vào cũng không. Hỏi thì nhà giải thích có mấy cái phên, tối gắn lại nhưng rất sơ sài bằng rơm. Ông cụ từ ngày trốn vào nam đến 40 năm sau mới gặp lại bà nội. Sống với bà nội được vài năm thì bà qua đời.


Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng


Vào nhà thì khi hay tin mình về thì thiên hạ ới nhau trong làng chạy đến rồi tự giới thiệu, tên con ai nhánh nào khiến mình chới với. Lý do là ông cụ chỉ nói về quê chớ không bao giờ nói về họ hàng. Lúc ấy mới biết ông cụ có một người chị và một cô em ruột. Hai người em trai thì đã vắn số. Sau này, mình nhờ người dịch gia phả từ tiếng Hán qua việt ngữ mới từ từ mò ra ai là ai. Mới biết ông tổ, gốc Nghệ An, có nhiệm vụ trông cái đình, rồi ai đó đánh cắp cái bộ lư đồng trong đình của làng nên sợ bị tội nên chạy trốn ra Sơn Tây. Ông dịch gia phả cho biết là trong gia phả có kể có người đổ tiến sĩ nhưng ông ta xét lại danh sách tiến sĩ vào thời đó không có ai đậu tiến sĩ mang tên như đã ghi trong gia phả.

Cây tắc ngày Tết tại quê

Ngày nay, họ hàng đều kêu ông chú bị tây bắn chết là người học giỏi nhất huyện. Mình đoán dạo ấy chắc chả có bao nhiêu người trong làng được đi học. Nên gọi là giỏi nhất huyện thì so với ngày nay thì chả thấm thía gì cả.


Bao giờ tôi gặp em lần nữa

Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca

Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ

Em có bao giờ em nhớ ta?


Nói cho đúng thì khi mình về quê nội cũng như làng nơi mẹ mình sinh ra tại Thừa Thiên thì có một cảm giác khó diễn đạt như lôi kéo mình về một nơi, quyện trong một dung dịch đong đầy cảm xúc. Khác với khi về Đà Lạt, cảm xúc như khi mình trở lại một thành phố đã từng sinh sống như Paris, Luân Đôn, Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ,… trong khi về quê nội hay quê ngoại cảm xúc dâng trào. Có lẻ khi xưa, mình không có dịp thăm viếng khi còn bé, chỉ nghe bố mẹ kể, tạo dựng trong đầu mình một nơi nào đó thiêng liêng, khiến cảm xúc dâng trào vì chỉ nghe qua văn chương hay lời ru hò con cò con vạc con nông mà khi xưa ông cụ hay ru con hay người lớn kể lại. Cảm xúc đó cứ theo mình mãi nên lúc nào cũng mong trở về quê nội và quê ngoại.  Một kẻ tha phương như mây trôi lạc loài, muốn tìm lại Cội nguồn của một kẻ lưu vong trên nữa thế kỷ. Kỳ này về mình sẽ ghé quê ông ngoại, làng Dưỡng Mong vì khi xưa chỉ ghé quê mệ ngoại, làng An Lưu. Dự định sẽ ghé thăm nhà thờ họ của bên vợ luôn, An Cựu và Ao Hồ.


Vẫn sáng vầng trăng ru tiếng sáo

Diều khuya trầm bổng giọng quê hương

Đất đá ong trong lòng giếng mát

Ôi Sơn Tây, Sài Sơn yêu thương!


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn