Showing posts with label Lịch sử. Show all posts
Showing posts with label Lịch sử. Show all posts

Số 4 Đà Lạt Mậu Thân


Hôm nay, có ông thần gốc Số 4, Đà Lạt gửi cho mình tấm ảnh khu phố nhà anh ta sau cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng, để lại sau khi họ bỏ trốn. Họ đinh ninh là người dân Đà Lạt, sẽ đón, hoan nghênh họ như các mẹ nuôi chiến sĩ, ai ngờ họ đến đâu là thiên hạ bỏ chạy tới đó. Đàn Số 4 chạy vào thị xã, trú tại các trường học như Đoàn Thị Điểm, Việt Anh, Văn Học, Trí Đức,.. Giận đời họ pháo kích như Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị năm nào. Sau này 75, gia đình mình chạy giặc đến Bình TUy thì cũng bị pháo kích mệt thở, người chết la liệt bên đường.


Sau này, mình có nói chuyện với một mẹ nuôi chiến sĩ. Bà ta kể khi xưa, khuya nó về kêu đói quá, nấu cơm cho nó ăn. Nay mình lên xin nó cái giấy đi đường, nó kêu bỏ đó đợi. Ngày nay quốc gia mà trở lại, nó có núp ở trong quần tui, tui cũng đứng dậy, lột quần, rũ cho nó lòi ra để quốc gia bắt nó.

Chụp trên đường Ngô Quyền, thấy cái trạm biến điện, dây điện gì đều bị đứt hết. Nhà dì Ba Ca, em bạn dì với mẹ mình bên tay trái, phía sau lưng người đứng chụp

Có lẻ cuộc tổng công kích này đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong ký ức của mình, khiến mình phải lớn nhanh khi thấy chết chóc xung quanh mình. Gần đây, mình có viếng nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hoà ở Biên Hoà. Thấy mồ mả những người lính trẻ, chết trận vào tuổi còn vị thành niên, mới 18, 19 tuổi. Lúc mình rời Việt Nam.


Vừa nhập ngủ vì sinh trong Nam, được huấn luyện 6 tháng quân trường, tập bò , tập bắn để rồi ra trận, lãnh viên đạn nằm xuống, không hiểu lý do mình chết. Nằm chết như mơ hay không hiểu vì sao tôi chết.


Chú của mình, sinh ngoài Bắc, đi bộ đội, xâm nhập vào nam, đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào để rồi chết trên đường mòn Hochiminh. Nay gia đình không biết mồ mả ở đâu.


Tấm ảnh này đưa mình về 55 năm về trước, khi mình đi theo anh Hiệp, con dì Ba Ca lên Số 4, về lại nhà của gia đình anh ta, sau khi chạy giặc. Tan hoang hết ngoại trừ trái bom 100 cân anh, nằm sừng sửng trong sân của nhà.


Anh Hiệp kể; mấy ngày đánh nhau, mấy anh em, hợp nhau, đào cái hầm phía sau nhà, để trốn bom đạn. Đến mồng 3, hay mồng 4. Hết gạo nên dượng Ba Ca kêu anh lên nhà trên, thỉnh mấy cái bánh tét trên bàn thờ để cả nhà ăn.


Khúc này mình đoán trên đường Ngô Quyền, chỗ gần Domaine de Marie


Tò mò, xem qua cửa sổ có gì lạ, bổng anh ta đờ ra, chạy vội xuống hầm ú ớ kêu dượng Ba Ca rồi chạy lên nhà. Dượng Ba Ca nhìn qua cửa sổ, thấy trái bom do anh Hiệp chỉ, miệng ú ớ. Thổ thần đất đai muốn gia đình anh ta sống nên không để quả bom nổ. Mình có thấy những hố bom khác trên số 4, khá to và sâu. Nếu quả bom nổ là xem như cả gia đình tiêu diêu.


Mình có thấy quả bom ấy nhưng không nhớ là bom Napalm hay bom thường. Mình chỉ thấy mấy cây mận, đào nơi vườn, bị cháy, dính mảnh foam của Napalm. Sau này Công binh cho người tháo gỡ bom sót lại trên Số 4.


Tấm ảnh chụp gần nhà Dì Ba Ca, kêu mệ ngoại mình bằng dì ruột. Gần đường Ngô Quyền gặp Hai Bà Trưng. Thấy trạm biến điện, gần phía sau chùa Linh Phong. Chuyến viếng thăm chớp nhoáng Đà Lạt vừa qua, anh bạn có chở mình chạy ngang đây, không có thì giờ ghé thăm gia đình mấy người con của dì Ba Ca. Mình có ghé thăm 1 lần khi về Đà Lạt lần đầu tiên vì ở lại nhiều ngày.


Mình không hiểu sao Đà Lạt lúc ấy, Số 4 lại bị bỏ bom nặng nhất. Có thể khu vực này có nhiều người nằm vùng. Mình nhớ ngay nhà mình, không nhớ lúc nào nhưng thấy Việt Cộng, đi bộ từng đoàn chạy về Số 4, sau khi Việt Nam Cộng Hoà phản công, đánh nhau ngoài khu Hoà Bình, khiến một cây xăng cạnh đường Hàm Nghi, chỗ bến xe Tùng Nghĩa, bị cháy cùng với dãy phố photo Hồng Châu. Được giải thích là Việt Cộng leo lên khu Hồng Châu, núp bắn chiếc xe Jeep chở mấy sĩ quan từ trường Tham Mưu đi ăn Phở Bằng.


Dân chúng từ Số 4, chạy xuống đường Hai Bà Trưng, chạy vào trường Việt Anh và Văn Học. Nghe kể có người chạy vào trường Đoàn Thị Điểm hay Trí Đức để trú bom.


Xóm mình có hai gia đình từ Số 4 chạy xuống trú là gia đình ông Tư Thân, bán thuốc cho tiệm thuốc tây Nguyễn Duy Quang, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Gia đình ông Tư Thân chạy xuống nhà bà Tước hàng xóm, bà con chi đó. Và gia đình dì Ba Ca, chạy đến nhà mình, ở trú cũng mất 5, 6 tháng. Thêm gia đình chú Nhị, chú Hai, hai người làm vườn cho bà cụ.


Từ nhà mình có thể chứng kiến hai trận đánh: Việt Cộng xâm nhập vào nhà thờ Domaine de Marie, và Số 4. Xóm mình từ đường Thi Sách, nhìn lên thì thấy nhà thờ Domaine de Marie và xa xa về phía trường Đa Nghĩa là Số 4.

Số 4 bình địa


Có mấy ông Việt Cộng bò vào nhà thờ Domaine de Marie, có ông leo lên nóc chuông, rồi chỉa AK bắn cóc cóc mấy chiếc trực thăng, bay từ phi trường Cam Ly đến xóm mình thì bắt đầu bắn đại liên và phi đạn. Vấn đề là khi họ bắn trên khu vực xóm mình thì vỏ đạn lại rơi xuống xóm mình theo đường Parabol.


Lâu lâu lại thấy một trận mưa rào của vỏ đạn rơi xuống. Có lần mình thấy rớt xuống nhà mình, kêu lộp cộp. Sau đó phải bò lên, dùng foam ngâm xăng để trét các lỗ bị lũng để tránh bị dột nhà.


Sau này, ra hải ngoại, lâu lâu xem truyền hình, thấy mấy ông hồi giáo, cứ cầm súng bắn chỉ thiên khi reo mừng về chuyện gì đó là mình tự hỏi có bao nhiêu người bị thương sau đó. Đầu đạn được bắn lên thì đầu viên đạn đồng sẽ rơi xuống và ai xui sẽ bị lũng đầu.


Cứ mấy ông kẹ bắn cốc cóc thì sau đó trực thăng bay lại rồi ria vào nóc chuông nhưng mấy ông núp trong đó lại chạy đi đâu rồi. Đánh nhau kiểu này cũng mất mấy ngày. Có lần thấy chiến xa M113, chạy trên đường Calmette thì có ông thần Việt Cộng nào bắn B40 nhưng hên cho mấy ông thần trong chiến xa, bắn hụt khiến viên B40 bay xuống vườn của bà Bắc Kỳ mà mình và thằng Khánh ăn cắp buồng chuối của bà ta. Nghe cái Bùm thật lớn, cây chuối bay tá lả khiến đám con nít trong xóm và người lớn đứng xem, bổng thấy quan tài nên sợ, bỏ chạy vô nhà.


Chú Đức, em của chú Nghi, phòng trồng trăng Nguyễn Văn Nghi ở đường Minh Mạng, cạnh tiệm chụp hình Mỹ Dung, đang ngồi ngay cửa sổ trên lầu, nhìn lên Domaine de Marie, xem bắn nhau. Bổng bị một viên đạn ghim vào người. Nghe kể chú kêu tụi nó bắn tui tụi nó bắn tui rồi chở lên nhà thương băng bó.


Từ đó trong xóm, hết dám đứng xem đánh nhau. Mình cũng suýt bị vỏ đạn ghim vào đầu. Mình đang đứng dưới cây Mai, xem máy bay bắn, thả bom ở Số 4. Trực thăng, mở cửa, thấy rõ tên lính Mỹ, cầm đại liên bắn tạch tạch xuống Số 4 hay nghe cái sẹt, khói xịch ra phía sau trực thăng rồi 1 phi đạn hoả tiễn bắn lên Số 4 rồi một tiếng nổ. Hay máy bay bà già bay la đà rồi phạt một trái khói được bắn ra, khói bay lên thì khu trực cơ bay đến, lao xuống rồi khói đen, lửa bốc lên tiếp theo là tiếng nổ. Đó là lần đầu tiên mình thấy Bom Napalm trong đời và không muốn nhìn lại nữa.


2 tên này lớn tuổi lạ mặt, mình chưa bao giờ gặp trong xóm, đi vào nhà mình, đứng bên cạnh xem máy bay dội bom. Bổng nhiên có một tiếng nói, hình như em mình kêu Má kêu vô nhà. Mình vừa bước vài bước, dưới mái hiên của nhà thì một trận mưa vỏ đạn đại liên làm cái rào lụp cụp xuống sân và leng keng trên mái tôn nhà mình. Mình nghe ai hét lên thì nhìn lại thấy 1 trong hai tên mới đứng cạnh mình xem máy bay, nằm dưới đất, máu ra xối xả rồi người đi chung với hắn dẫn đi đâu mất biệc. Hú vía! Thổ thần nhà mình linh, kêu mình đi vào. Từ đó hết dám ra sân xem bắn nhau.


Hình ảnh của tấm ảnh khiến mình nhớ lại cuộc chiến. Sau Mậu Thân, sợ Việt Cộng ban đêm về bắt đi theo mấy ông kẹ như dân trên Số 4 hay bị bắn nếu là công chức làm việc cho chính quyền như ông trưởng khu phố ở đường La Sơn Phu tử, mà mình hay ghé lại mỗi tháng mua gạo với sổ gia đình. Không ai muốn như ông Tăng Văn Danh, chết để có đường hẻm mang tên của mình.


Mình và ông cụ, tối tối ra phố ngủ ở nhà ông bà Phúng, số 11 Duy Tân. Dần dần tình hình sáng sủa lại một chút, an ninh được vãn hồi với đồn nhân dân tự vệ, được xây cất chốt ngay đường Thi Sách, ngay sau trường Đa Nghĩa, mới hết đi ngủ ở phố.


Rồi thấy xe nhà binh chở xác lính biệt động quân, chết bị phục kích trong Cam Ly, chở về nhà xác. Vợ con từ xứ nào lên nhận xác chồng, cha khóc. Chiều đi ngang nhà xác gần bệnh viện, thấy đèn dầu trong nhà xác với những tiếng hu hu của kẻ mất cha, mất chồng, mất con thấy thảm. Rồi một hôm được tin chú Nhị, làm vườn cho nhà mình trước Mậu Thân, đi lính Địa Phương Quân, chết. Thím Nhị đang có mang, ngồi khóc chồng. Lúc đó mình mới hiểu những ca khúc Da Vàng do Khánh Ly hát. Buồn chiến tranh.

Trạm biến điện biến mất nhưng dây điện thoại dày đặt, phía xa có hậu viên của chùa Linh Quang. Đi xuống một tí sẽ thấy bên tay phải cái đình.

Khi Việt Cộng rút lui thì mới biết các cuộc giết người với những nấm mồ tập thể ở Huế. Ngày nào cũng thấy chiếu trên đài truyền hình rồi Nhã Ca viết Khăn Sô cho Huế, được đăng hàng ngày trên báo. Đọc thấy nổi buồn chiến tranh. Không hiểu sao người Việt lại giết người Việt một cách dã man. Khánh Ly có hát bản nhạc khiến mình Chán Mớ Đời tìm cách rời khỏi Việt Nam.

Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng 

Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa 
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu 

Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày 
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai 
Đường đi tới, dù chông gai 
Thì quanh đây đã có người 

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này 
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây 
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này 
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai


Mình bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai. Chết sớm khi đi lính, rớt tú tài đi lính chết. Đậu tú tài học lên đại học rồi đi lính chết. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Viếng dinh Độc Lập


Từ Thái Lan bay về Sàigòn, ăn cơm tối với mấy đứa cháu, học đại học và đi làm ở Sàigòn. Có cô cháu, sinh viên kiến trúc, đề nghị mình đưa bà cụ thăm viếng dinh Độc Lập. Sáng hôm sau, hai mẹ con đi taxi đến dinh Độc Lập, mua vé rồi vào bên trong xem.


Dinh này khởi đầu là do người Pháp xây cất, sau khi họ chiếm Nam Kỳ vào năm 1868, để cho thống đốc Nam Kỳ ở, dân Sàigòn gọi là dinh Norodom, tên một vị vua Campuchia. Không biết có phải tên của ông bố, hay ông nội của hoàng thân Sihanouk. Tây gọi là Palais du Gouverneur General nhưng có lẻ nằm trên đại lộ Norodom nên người Việt hay gọi dinh Norodom. Nghe nói có một dinh khác tên Dinh Gia Long, nơi gia đình ông Diệm ở trong thời gian xây cất dinh Độc Lập.

Dinh Độc Lập rộng hơn dinh toàn quyền Pháp khi xưa vì có đến 3 tầng chính và 2 dưới hầm. Nhà chính trên nóc là nơi họ tụ họp để nhảy đầm. 

Dinh này được xây xong vào năm 1873 và phần thi công nội thất thêm hai năm mới hoàn tất. Mặt tiền dài 80 mét, gồm hai tầng thêm tầng hầm ở dưới.


Năm 1954, người Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ nên rút về nước, bàn giao lại cho thủ tướng Ngô Đình Diệm. Khi ông Diệm truất phế ông Bảo Đại, đổi tên dinh này thành dinh Độc Lập rồi dọn về đây ở. Nghe nói phong thuỷ nằm ở đầu con rồng nên người Việt ở Sàigòn hay báo chí gọi là phủ Đầu Rồng. Tây đâu có biết phong thuỷ, chắc người Việt chế vào. Phong thuỷ tốt cũng bị mất nước.

Phủ đầu Rồng bị ném bom, hư hại nên ông Diệm kêu kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế dinh mới, đập phá tàn tích của chế độ thực dân luôn. Theo mình để lại có dấu tích lịch sử, rẻ hơn
Dinh toàn quyền Nam Kỳ trước khi bị bỏ bom. Rất cổ điển

Phong thuỷ ra sao mình không biết mà có hai ông phi công hình như có ông Phạm Phú Quốc dội bom, làm hư hại một cánh của dinh mà không chết ai trong gia đình Ngô thị. Nghe nói, khó sửa chửa, đúng lúc ông Ngô Viết Thụ, khôi nguyên La MÃ về nước, nên ông Diệm kêu vẽ một dinh mới hoàn toàn, to lớn, có nhiều tầng, kiến trúc hiện đại hơn. Mình kêu kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là Dượng, lấy dì Cơ, em họ của mẹ mình.

Đây là chỗ sân thượng mà ông Kỳ khi xưa, lái trực thăng đi làm, đáp lên sân thượng. Nghe nói tháng 4/75, có tên phi công nằm vùng nào bỏ bom sụp chỗ này. Thấy hình chụp để trong dinh.

Chỉ tội là ông Diệm khởi xướng xây cất dinh nhưng bị giết nên khi dinh được hoàn thành vào năm 1967 thì ông Thiệu và ông Kỳ được ở trong dinh. Mình viếng thấy có khu vực dành riêng cho gia đình ông Kỳ. Chắc Hà Nội bỏ lại hình ảnh vớ vẩn vì nếu mình không lầm thì sau Mậu Thân, gia đình ông Kỳ dơn vào căn cứ không quân ở với lính ông ta. Mỗi ngày bay trực thăng đậu trên sân thượng để đi làm. Sau này phó tổng thống Trần Văn Hương ở thì chắc khác.


Năm Mậu Thân phe cánh ông Kỳ chịu tổn thất khá nặng vì máy bay Mỹ bắn lầm, thêm tướng Sáu Lèo bị cho về hưu sớm do hình ảnh bắn tên Việt Cộng, đã tàn sát một gia đình người Việt.

Dinh Độc Lập trong thời gian xây cất. Phần giữa là công cộng, còn phía phải là chỗ ở của tổng thống và gia đình phó tổng thống. Bên trái nếu mình không lầm là chỗ làm việc của tổng thống và phó tổng thống. Còn phía dưới hầm là trung tâm hành quân.

Mình thấy dượng Thụ viết chữ Nho giải thích từ Cát, đủ trò nhưng rồi ông Thiệu chỉ ở được 7,8 năm rồi cũng mất nước. Đi viếng có một bà hỏi mấy bà bạn, không biết mấy ổng họp hành ra sao mà mất nước.

Thấy biểu tượng tùm lum nhưng rồi chế độ chỉ sống sót được 7-8 năm. Cơ cấu theo kiến trúc cổ điển của pháp. Dinh toàn quyền cũng được thiết kế tương tự

Theo mình phía trong nội thất khá thành công, chỉ có mặt tiền, được thể hiện bằng bê tông trắng mà bên tây sử dụng khá nhiều vào đầu thập niên 60. Có 3 khúc bê tông trắng như 3 khúc trúc, che ánh nắng cửa sổ to, tượng trưng cho 3 miền Nam Trung Bắc không đạt lắm. Nếu chúng ta so sánh những công trình của kiến trúc sư Oscar Niemeyer, thiết kế thủ đô Brasilia ở Ba Tây cùng thời với dinh Độc Lập thì cho thấy kiến trúc dinh Độc Lập hơi cổ lổ sỉ, không đạt lắm so với kiến trúc hiện đại thời đó. Kiến trúc của Beaux Arts, sử dụng bê tông trắng. Mình nghĩ nên sửa chửa lại dinh Norodom hay hơn cho có tính chất lịch sử.

Hành lang phía sau
Tủ áo quần bà Thiệu
Phòng ăn của gia đình ông Thiệu
Phòng truyền tin dưới hầm
Phòng ngủ của ông bà Thiệu
Hành lang phía trước, có mấy motifs làm bằng bê tông trắng, như 3 đốt trúc tượng trưng cho 3 miền nam Bắc Trung Việt Nam. Sàn nhà có motifs như tranh của Mondrian, rất thịnh hành một thời ở Pháp. Sinh viên kiến trúc hay vẽ kiểu này. Nói chung thì hiện đại vào thời đó.

Mình thấy chợ Đà Lạt, do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế vào thời đó rất đẹp, sáng tạo hơn dinh Độc Lập. Mình có gặp dượng Thụ, ở nhà ông bà Phúng trước khi đi tây. Mẹ mình gọi bà Võ Quang Tiềm bằng Dì (bà con). Có lẻ gặp dượng nên qua Tây mình đi học kiến trúc thay vì kỹ sư như đã dự định. Nay mình có hai đứa cháu theo nghề này. Năm 1992, về Việt Nam mình có gặp dượng Thụ tại tư gia. Lúc đó dượng đang tìm cách cho Nam Sơn đi du học.


Mình thích kiến trúc của dinh Norodom hơn là dinh Độc Lập. Có ông Mỹ nào làm việc tại Sàigòn, có viết một cuốn sách về kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Mình có mua, để hôm nào buồn đời mình kể lại những gì ông ta nói về kiến trúc hiện đại Việt Nam trước 75. 


Sau 54, bổng nhiên miền nam có một thế hệ kiến trúc sư trẻ Việt Nam, thiết kế nhiều công trình khá đẹp như Chợ Mới Đà Lạt do ông Nguyễn Duy Đức, Giáo hoàng Học Viện do ông Tô Công Văn,… có dịp mình kể. Tương tự về mặt văn hoá, văn chương, có một lớp trẻ di cư từ miền Bắc vào nam, tạo ra một làn gió mới văn chương khá hay cũng như về âm nhạc mà đến nay, người Việt gọi là dòng nhạc bolero trong khi nhạc đỏ thì chìm vào lãng quên. Cái gì đẹp và hay thì luôn luôn bất tử.


Lần thứ nhì về Đà Lạt, mình có gặp vài kiến trúc sư Đà Lạt, có anh vẽ căn nhà có 100 cái nóc, rên bị bắt phải tháo bỏ. Chị Nga, thiết kế mấy căn nhà cho du khách ở khu đường Pasteur. Thấy mấy người này rên là không có một quy hoạch nào phát triển Đà Lạt mai sau.


Nói cho ngay, mình có viếng thăm Hà Nội mỗi lần về quê. Việt Nam bị ngoại quốc chia đôi sau hiệp định Geneva năm 1954. Hơn 20 năm sau thì cuộc chiến quốc cộng chấm dứt. Về Hà Nội không thấy có gì được xây cất cả ngoại trừ lăng của ông Hồ theo dạng Brutalism, mà mình có thấy vài cơ quan ở Tiệp Khắc, và HUng Gia Lợi. Ngược lại trong Nam, có nhiều cơ sở được xây dựng mà thư viện quốc gia, dinh Độc Lập được xem là tiêu biểu, hay bệnh viện Vì Dân,…


Có một ông kiến trúc sư Mỹ, đã mò mẫn ra các công trình kiến trúc khá đẹp ở miền nam và viết thành một cuốn sách. Mình đoán có nhiều kiến trúc sư miền nam muốn làm điều này nhưng sợ Hà Nội cấm xuất bản. Có dịp mình kể thêm về kiến trúc tại Sàigòn, khá đẹp vào thời đại trước Mậu Thân.


Nói riêng Đà Lạt, chỉ từ năm 1955 đến năm 1963, chính phủ miền nam đã cho xây cất biết bao nhiêu công trình đẹp như Chợ Mới Đà Lạt, Giáo Hoàng Học Viện, trường Võ Bị, trung tâm nguyên tử lực,… đến thời đệ nhị cộng hoà thì chiến trận bùng phát khi quân đội Mỹ tham chiến nên không có xây cất nhiều, toàn là vớ vẩn. Sàigòn nếu mình không lầm có dãy cư xá Thanh Đa, gần bờ sông Sàigòn. Có hai gia đình mình quen tại Đà Lạt dọn về đó nên có ghé lại trước khi đi Tây. Gần sông nên khá mát.


Gần 50 năm sau cuộc chiến, mình không thấy Hà Nội xây dựng được cái gì cho Đà Lạt. Toàn là vá víu, tự biên tự diễn không có một viễn kiến về tương lai cho Đà Lạt. Có 3 toà hành chánh đói diện tiểu khu khi xưa, làm bằng kiếng. Khi lạnh khi nóng là mệt. Chán Mớ Đời 

Hà Nội trưng bày xe Jeep chở ông Minh đi lên đài phát thanh, ra lệnh đầu hàng. Thường thì ông Thiệu đâu cần lên đài phát thanh. Ông ta đọc diễn văn tại dinh Độc Lập rồi được truyền đi.
Mình có thấy tấm tranh này, hình ảnh cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà 

Hôm nào mình kể tiếp.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Vòi nước uống công cộng Wallace tại Paris

Hôm nay, 1 ông thần quen, đăng tấm ảnh chụp ở Paris khi xưa khiến mình thất kinh. Không phải hình của ông ta giữa Paris lạnh giá mà mình thấy lại hình ảnh thân thương của Fontaine de Wallace, phía sau. Mấy vòi nước để dân Paris, khát nước, ghé lại uống mà mình vẽ nhiều lần, thời đi học. Các vòi nước này xuất hiện nhiều nơi trong thủ đô Paris, để giúp người dân uống nước hay lấy nước từ muà Xuân đến mùa Thu. Mùa đông thì tắt, tránh bị đông lạnh, làm hư hại các đường dẫn nước. 

Thiên hạ chụp ảnh tạo dáng, ông này chả nhớ gì cả về Paris, kêu không biết dù chụp hình ngay bên cạnh. Đối với mình là hình ảnh đầu tiên, đập vào mắt khi mới đến Paris. Hai điểm cần nhất khi đi ngoài phố Paris là chỗ đi tiểu công cộng và nước uống khi khát.

Mấy chỗ này hay để như vậy. Khi hư, họ tháo mấy tấm lưới bằng sắt lên, leo xuống để sửa chửa mấy ông nước.

Dạo mình mới đến Paris, thấy mấy vòi nước phong ten này, mang tên một người Anh quốc, Wallace nên thấy lạ. Lý do là người Pháp không thích người Anh quốc, từ thời Nã Phá Luân bị thất trận, đúng hơn là cuộc chiến 100 năm, giữa hai nước, có chung một hoàng tộc, tranh dành ngôi báu. Ngày xưa, mấy ông tây bà đầm dạy về lịch sử của pháp đến mờ mắt, chả hiểu gì cả vì ở đâu đâu, không dính dáng gì đến Việt Nam.


Hè đi vòng vòng Paris để xem biết tình hình, khát nước thì ghé lại cái phông ten này, đem theo cái bình nước để hứng nước uống. Nhất là khi mình tập vẽ, cần nước để pha màu thuỷ mạc. Mắc tè thì có chỗ đi tiểu công cộng mà người Pháp hay gọi Vespasienne, hay Pissoir qua tên một hoàng đế la mã tên Vespasien, cha của hoàng đế Titus, nổi tiếng vì đánh thuế người la mã, đi tiểu nơi công cộng. Tuần lễ đầu tiên đến Paris, mình đi viếng vườn Lục Xâm Bão mà ông Cung Trầm Tưởng làm thơ. Đi vòng vòng thì mót đái, thấy cái pissoir này, chạy vào tè lần đầu tiên tại Paris phê luôn.


 Sau này, mình về Paris thì họ dẹp mấy chỗ này, bù vào đó là những cầu tiêu công cộng của công ty Decaux, bị hư hoài vì dân tình thích xã hội chủ nghĩa, không muốn trả tiền nên phá. Du khách đi kiếm chỗ đi tiểu phải hát Nắng Paris mà anh chợt nóng vì đi kiếm chỗ cho em đi tiểu. Vào tiệm cà phê thì phải mua cái gì trong khi ở Hoa Kỳ, hay mấy nước khác như A Căn Đình, CHí lợi mà mình đi chơi vừa qua. Mót tiểu thì chạy đại vào khách sạn, tiệm ăn, tè một phát rồi đi. Chủ vui vẻ chào hasta la vista.


Ông Richard Wallace, người Anh quốc, sống gần cả đời tại Paris. Ông ta cho tiền để gắn và đem nước miễn phí qua các vòi phong ten, đến cho người dân tại Paris vào thế kỷ 19.


Mình nghe tây kể là trong thời gian chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871 và thời La Commune (Công Xã). Hoàng đế Napoleon đệ Tam choảng nhau với ông hoàng xứ Phổ, Otto von Bismarck. Quân đội pháp bị thua xiểng niềng. Hoàng đế tây bị truất phế và đệ tam cộng hoà được thành lập. Khi bị bao vây, cư dân ở Paris, đói quá nên ăn chuột, chó mèo và mấy con thú ở sở thú Paris. Thời đại La Commune ở Pháp, ít được nhắc đến trong chương trình giáo dục lịch sử Pháp. Ông tây khi xưa dạy Sử-Địa, chỉ nói phớt qua đến khi mình sang Pháp, kiếm sách đọc mới lòi ra vụ này.


Sau khi truất phế hoàng đế Napoleon đệ tam, cháu của ông Bonaparte, dòng họ này cứ đem chiến tranh đến cho nhân loại như gia đình Bush. Người dân bầu quốc hội mới. Mấy ông  thần đại biểu muốn hoà đàm , không đánh nhau nữa, khiến dân Paris, nổi loạn do một số trưởng giả và công nhân, đứng dậy chống đối.

Ngoài ra, khi ông Baron Haussmann, đập phá các khu vực cổ để xây dựng các đường xá rộng hơn, để nhân dân nổi dậy thì có thể đem cà nông ra bắn, triệt hạ hết hầu để tránh một cách mạng 14/7 lần nữa. Khi người dân chống đối, lính, công an của vua Louis 16, đi lùng kiếm thì dân núp khắp nẻo đường của Paris, khó tìm. Nên hoàng đế Napoleon III, ra lệnh cho ông Haussman, phá bỏ các khu nhỏ bé để thành lập các đại lộ như ngày nay. Paris nay còn vài khu vực nhỏ bé như xưa. Họ gọi nhóm cách mạng, chống đối này là Les Communards de Paris. Cuối cùng thì nhóm nổi loạn này bị dẹp tắt.


Trong thời gian hổn loạn này, ông Wallace sống tại Paris và chứng kiến sự đói khát của người dân nghèo nên có ý định tự bỏ tiền, gắn những phong ten này khắp Paris để cho dân tình có thể lấy nước uống và dùng.


Khởi đầu, họ cho gắn 50 cái phông ten, làm bằng gan sắt, sơn màu xanh lá cây vào năm 1872, xem như 102 năm trước khi mình đến Paris, vẫn thấy và sử dụng. Nghe nói nay vẫn còn hoạt động ngoại trừ mấy chỗ pissoir, đi tiểu công cộng. Nghe nói sau này có đến hơn 100 cái.


Ông Wallace phát hoạ ra hình ảnh của phông ten, rồi đưa cho điêu khắc gia Charles-Auguste Lebourg, thực hiện mẫu cuối cùng.

Đi trên đường, hay thấy mấy chỗ đi tè công cộng, sơn màu xanh để hoà với thiên nhiên, cây cối.

Trong cuộc chiến với quân Phổ, và cuộc nổi loạn La Commune, các hạ tầng cơ sở của Paris bị phá hỏng, người dân không có nước uống, xài. Người ta múc nước từ sông Seine, kéo xe bò để bán cho dân Paris. Nước dơ vì bao nhiêu cống rảnh từ Paris đều chảy sông Seine như Đà Lạt chảy về suối Cam Ly. Do đó mà người Pháp ở Paris, bắt đầu uống rượu và bia để khỏi bị nhiễm độc khi quân Phổ bao vây và cuộc nổi loạn La Commune. Mình đọc tài liệu, kể khi xưa, mấy ông bán thịt, làm thịt ngựa, bò xong thì bỏ xương, da,… dưới sông Seine nên khá hôi tanh vào mùa Hè. Nhất là khu vực La Cité. Kinh 

Từ đó say rượu và nạn nghiện rượu đến với dân lao động mà nhà văn Emile Zola tả trong các truyện của ông ta. Ở Việt Nam, mình chưa bao giờ đọc Balzac, hay Emile Zola nhưng khi qua tây, bạn bè kêu mình nên đọc. Mượn thư viện về đọc thì khám phá ra mấy ông muốn làm cách mạng, chắc bị ảnh hưởng bởi mấy cuốn truyện này.


Ngày nay, uống rượu rất đắt chớ thời xưa, rượu được làm ra, rẻ lắm vì ít ai uống. Dạo mình ở Tây, trưa đi ăn cơm tiệm, bình dân, một carafe de vin (bình rượu) rẻ hơn một chai nước suối. Rượu thường thôi mà người Pháp gọi vin de table. Rượu chỉ để dành khi đi lễ nhà thờ. Nghe kể khi Paris bị bao vây bởi quân Phổ, lính vệ quốc đến mấy quán rượu để uống rượu khi khát vì nước sông Seine quá độc. Say quá nên bị quân Phổ đánh chết bỏ.


Có lẻ vì lý do này mà ông Wallace thương cảm, bỏ tiền ra thành lập một hệ thống cung cấp nước cho người dân thủ đô đến ngày nay, do Eau de Paris quản lý. Dân tây thì chém giết lẫn nhau, một người ngoại quốc bỏ tiền cung cấp nước miễn phí cho dân tây dùng. Chuyện đời khó hiểu.


Nhiều khi mình nghĩ nếu người Pháp không đô hộ Việt Nam, không dạy tinh thần pháp chửi bới nhau, tự cho mình là đúng, đánh nhau như người Pháp thì có lẻ người Việt không bị ảnh hưởng mấy ông tây, đánh nhau chí choé nhân danh Tự Do, Bác Ái và Công Bằng bú xua la mua. Từ 1945, đánh nhau tới 1975, nay vẫn tiếp tục trên mạng, với bò đỏ bò vàng. Chán Mớ Đời 


Có hai loại phông ten này, đứng trên các lề đường và gắn ở tường. Mình nhớ ít thấy loại gắn bờ tường. Lúc đầu mới thấy cái phông ten rất lạ vì có 4 tượng phụ nữ. Sau này học lịch sử nghệ thuật mới khám phá ra ông Phidias của Hy Lạp đã bắt mấy bà đội nóc nhà, nóc đình từ lâu. Ngày nay, ai đến viếng Parthenon Ở Hy Lạp, sẽ thấy vài tượng phụ nữ đội cái mái nhà của đền, bên tay trái của đền chính.


4 người phụ nữ tượng trưng cho 4 mùa; lòng tốt (mùa đông), giản dị (mùa Xuân), từ thiện (mùa Hè) và sự tỉnh táo (mùa Thu). Mỗi phụ nữ đều khác nhau. Tượng trưng cho lòng tốt thì được điêu khắc gia cho cong đầu gối trái, Giản dị thì cong đầu gối phải,.. theo mình thì điêu khắc gia tìm cách làm cho bức tượng chung đẹp, sau này dân tây hay giải thích vớ vẩn cho có vẻ trí thức.


Địa điểm mà người dân Paris thích nhất là chỗ đi tiểu công cộng, họ gọi pissoir, do động từ Pisser (đi tè). Họ còn gọi là Vespasienne cho có vẻ trí thức, nhắc nhở đến ông hoàng đế la mã tên Vespasien. Ông này là người đầu tiên, cho trang bị các chỗ đi tiểu ở nơi công cộng, để đánh thuế, kiếm tiền cho nhà nước.


Paris thì đi bộ mệt thở, qua các chặng Métro. Dạo mới sang thì mỗi lần đi métro thì phải mua vé. Sau này, mới có mấy thẻ mua đi hàng tháng, lên xuống chỗ nào cũng được, trước kia thì khá mắc. Mình không nhớ phụ nữ ra sao, còn trong công viên hay trên đường bộ hành, có những chỗ để khi buồn tiểu, ghé lại tè. Khi xưa, phụ nữ không đi làm, ít ra đường nên các chỗ đi tiểu chỉ được thực hiện cho đàn ông đứng tiểu. Sau này, phụ nữ đi làm nên có vấn đề cho họ. 


Có vấn đề mình không quen là họ cứ để nước chảy hoài cả ngày cả đêm để không làm mùi khai nước tiểu. Sau này thì họ dẹp mấy chỗ này, bù vào đó, họ gắn các cầu tiêu công cộng của công ty Decaux. Lúc mình sắp sửa rời khỏi Paris thì có công ty Decaux, thiết kế mấy nhà vệ sinh cho hai giới nhưng mình chưa bao giờ sử dụng.


Hôm nào rảnh mình kể chuyện đời xưa ở Paris.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo ăn bơ Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 





Trung Cộng, bá chủ thế kỷ 21?

Từ khi Kissinger đi đêm với Bắc Kinh, bỏ Đài Loan, Việt Nam Cộng Hoà, lập bang giao và bán Coca Cola, MacDonald cho Trung Cộng, đã đưa xứ có nhiều dân số nhất thế giới lên hàng thứ 2 về kinh tế sau 30 năm khiến thế giới bàng hoàng nhất là tây phương, không ngờ đã tự xây cho mình một con ngựa của thành Troie. Giúp Trung Cộng móc cánh,…


Thế giới tây phương chợt nhớ đến câu của Nã Phá Luân: “quand la Chine se réveille, le monde tremble”. Họ đếm từng ngày xem chừng nào GDP của Trung Cộng sẽ vượt qua Hoa Kỳ, trở thành bá chủ thế giới về kinh tế. Ngày nay, người ta biến chiến trừng thành thương trường.


Hiện nay Trung Cộng có dân số đông nhất thế giới, kinh tế hàng thứ nhì, vũ khí hạt nhân đứng thứ 4. Trung Cộng là nhà máy sản xuất trên 60% sản phẩm mà thế giới tiêu dùng. Tương lai thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Cộng như thế kỷ trước thuộc về Hoa Kỳ? Đó là câu hỏi mà ai cũng tự hỏi? Người thân cộng sẽ tin rằng Trung Cộng sẽ đứng đầu, dẫn dắt thế giới đại đồng Made in China.

Mình là người Mỹ nên cũng lo cho tương lai nếu Hoa Kỳ thua Trung Cộng. Cố gắng tìm hiểu để xem đầu tư ra sao để sống đến ngày mãn phần. Đọc tài liệu của các viện nghiên cứu tây phương thì họ cho biết là không. Thể chế quản lý, quyền lực trung ương sẽ không uyển chuyển để thay đổi đường lối phát triển kinh tế trong thời đại a còng. Chúng ta thấy họ phát triển về địa ốc, nhằm tạo dựng công an việc làm cho dân chúng, xây biết bao nhiêu thành phố, được mệnh danh là Thành Phố Ma. Mình thấy trên YouTube, có nhiều nơi mới xây hay chưa xong, đã phải đập bỏ.


Trung Cộng đang đánh tây phương với chính sách cô lập hoá Covid ở Thượng Hải vừa qua. Phong toả Thượng Hải, hải cảng lớn nhất của Trung Cộng, chuyên chở các sản phẩm được làm ra tại Trung Cộng, đi khắp thế giới khiến chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu của thế giới bị khựng lại. Khắp nơi đều thiếu hụt các đồ phụ tùng xe hơi, nhà máy,…. Container bổng nhiên giá tăng gấp 10 lần. Cosco là công ty di chuyển hàng hải Trung Cộng đứng thứ 2 trên thế giới.


Vào Homedepot, có nhiều ngăn kệ thiếu hụt đinh vít, Sơn … Mình gửi xe cho dealer sửa. Họ phải đợi 36 ngày mới có đồ phụ tùng, họ phải cho mình mượn xe họ suốt 36 ngày miễn phí, dù tiền thay thế đâu $300 Và mướn xe tối thiểu là $55/ ngày. Làm khung cửa số phải đợi 10 tháng trời. Chán Mớ Đời 


Một công hai chuyện, ông Tập cật Bình ra lệnh phong toả Thượng Hải rồi đến Bắc Kinh để kiểm soát, loại trừ các thành phần chống đối trong đảng, để đạt số phiếu, được bầu thêm nhiệm kỳ hay như Mao Trạch Đông khi xưa, một hoàng đế của xứ này. Qua đại hội đảng xong với hình ảnh ấn tượng, nhân viên an ninh đưa ông cựu hoàng đế khác, đang ngồi ra cửa đại hội. Sau đó Trung Cộng mở cửa lại, cho hình ảnh lên truyền thông, nhiều người Tàu, đóng kịch, xuống đường, biểu tình vớ vẩn.


Các nước tây phương cho rằng hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu từ 30 năm bị khựng lại, như trong cuốn phim của ông hề Charlot. Các nước tây phương thức tỉnh, đang bắt đầu xây dựng lại một hệ thống khác chuỗi cung ứng khác, ít lệ thuộc vào Trung Cộng nhưng cần thời gian. Họ đầu tư, xây nhà máy tại các nước nhỏ khác như Việt Nam,… vấn đề là các nước này được Trung Cộng đầu tư nhiều. Hàng hoá sẽ được mang danh các xứ này nhưng cũng từ mấy công ty, nhà máy do người Tàu làm chủ. Điển hình thép Việt Nam, mật ong từ Việt Nam, một phòng thử nghiệm ở Berlin, Đức quốc báo cáo chỉ thấy toàn là phấn hoa của Trung Cộng….nghĩa là toàn đường hoá học.


Họ tin rằng Trung Cộng sẽ không bá chủ thế giới vì sự khủng hoảng dân số của họ. Hiện nay, dân số Trung Cộng là 1.4 tỷ người, xem như 17% dân số thế giới. Hôm trước đi chơi trên tàu, có ăn cơm vài lần với một cặp vợ chồng tàu, di dân qua Anh quốc với chương trình tương tự EB5 của Hoa Kỳ. 


Họ là những người sinh ra trước 1979, có hai cô con gái nên phải chạy qua Hương Cảng sinh sống rồi có tiền chạy qua Anh quốc. Tưởng tượng 1 người tàu sinh ra sau 1979 theo chế độ 1 con. Lớn lên, phải nuôi bố mẹ, ông bà nội và ông bà ngoại, và một người con trai hay gái xem như 1 người nuôi 7 người. Hai vợ chồng nuôi một con, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, ông bà nội chồng, vợ,… Xem như tương lai mù mịt, đóng thuế để nuôi mệt thở. Nhiều người có đến cả tá con nhưng đứa nào cũng nói nhau huống chi chỉ có một con trai độc nhất, phải lo nuôi bên vợ.


Trung bình Trung Cộng có tỷ lệ 105 con trai so với 100 con gái nhưng với chính sách một con. Các xứ tây phương thì 100 con gái cho 101.68 con trai. Lý do là người Tàu thích con trai hơn từ xưa. Có nhiều gia đình giết con gái để có thể mang thai đến khi sinh con trai nổi dòng chi đó. Mình có xem một phim tài liệu, nói về chế độ 1 con, có nhiều cảnh họ quay và kể nhiều người ở nông thôn có thai nhưng phải dấu rồi một ngày đẹp trời, gần 9 tháng, cán bộ trong huyện đến nhà, đem lên bàn mỗ, phá thai. Đưa đến phong trào nuôi con nuôi tàu niều lắm. Nay số con nuôi này trở về Trung Cộng để tìm lại cha mẹ ruột khá nhiều.


Hậu quả đưa đến ngày nay là tỷ lệ trai gái là 120 trai cho 100 gái, cho thấy tỷ lệ sinh sản càng ngày càng giảm nữa. Tình trạng trai thừa gái thiếu đưa đến những cuộc khủng hoảng xã hội, chưa kể áp lực của mấy đứa trẻ từ bên nội, bên ngoại, mong đợi trở thành bác sĩ, kỹ sư,… sau 75, ở hải ngoại có tình trạng trai thừa gái thiếu vì đa số đàn ông con trai đi vượt biển, tìm đường cứu gia đình. Đi làm kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Hải tặc khiến người Việt ít cho con gái đi. 


Có hỏi cặp vợ chồng gốc tàu, dân Anh quốc về chính sách 1 con của Trung Cộng được ban hành từ năm 1980 và chấm dứt năm 2019, xem như 40 năm, 2 thế hệ. Mình nhớ năm 1995, về Hà Nội dự hội thảo phát triển Việt Nam. Có gặp một cán bộ về dân số. Ông ta cho biết Việt Nam bắt chước mô hình phát triển của Trung Cộng nhưng thay vì 1 con, họ cho phép 2 con với khẩu hiệu “trai hay gái chỉ hai mà thôi”. Đó là cái may cho Việt Nam nhưng 2 con chưa đủ vì theo dân số học phải cần 2.1 con vì có những đứa bé chưa đến 18 tuổi đã lăn đùng ra chết Hay đổi giới tính.


Tại sao không sử dụng 2.0 để thay thế hai vợ chồng. Lý do dùng 2.1 vì có người chết sớm, hoặc không lập gia đình. Việt Nam nay tuy theo chế độ 2 con nhưng đọc đâu đó báo chí Việt Nam, cho rằng dân số Việt Nam già đi và tương lai sẽ bị lộn xộn nhưng không te tua như Trung Cộng.

Hiện tại các quốc gia trên thế giới có gặp vấn đề thiếu hụt dân số rất nhiều như Đức quốc, Ý Đại Lợi, Nhật Bản,…. Sau thế chiến thứ 2, các nước này muốn phát triển lại xứ sở của họ nên khuyến khích phụ nữ đừng đẻ, hô to khẩu hiệu “my body my choice” đủ trò. Đó là chiến lược của chính phủ đưa ra, đưa tiền để đẩy mạnh phong trào ngừa đẻ. Lý do là thêm người thì không có người nữ, lao động sản xuất. Tất cả dành cho sản xuất, phát triển, xây dựng một tương lai mới. Các phương pháp ngừa thai như Ogino-Knaus được ban hàng, khuyến khích và phá thai. 


Dạo ấy, trong xóm, Mẹ mình và mấy bà hàng xóm hay họp để bàn tán vụ ngừa thai. Bà cụ mình thì sợ bệnh hoạn, không ai nuôi con nên không tham gia trong khi 2 bà kia tham gia nên ngưng đẻ từ đó, bà cụ mình thì cứ năm 1. Từ đó cho tới nay dân số già đi mà người dân không muốn sinh con. Đức quốc, Nhật Bản, Ý Đại Lợi đều có tỷ lệ 1.1 vê sinh sản.


Hôm đi Antarctica, có xem phỏng vấn trên đài truyền hình pháp France 24, các cô gái ở Trung Cộng. Các cô này kêu không muốn có con, vì muốn thực hiện giấc mơ, sự nghiệp của họ. Họ chỉ muốn nuôi con chó hay con mèo cho vui nhà. Theo tin tức đọc thì tỷ lệ sinh sản ở Đức quốc là 1.1, Ý Đại Lợi tương tự cho nên các kinh tế gia cho rằng các nước này xem như tự diệt trong thế kỷ 21. Viết đến đây mới nhớ là bạn bè mình ở Ý Đại Lợi, Đức quốc, Thuỵ Sĩ đều có một con. 


Nhớ ở tây thời tổng thống Chirac có ra chương trình chính phủ cho tiền, khuyến khích đẻ thêm con. Tây con không chịu đẻ, nuôi chó, chỉ có tây đen và tây hồi giáo là đẻ, nay về Pháp, chỉ thấy tây đen, tây rệp nhiều. Nhất là ở Anh quốc, về lại xứ mưa dầm mưa dề, đi mấy đại lộ lớn như Oxford,…thấy toàn người Anh quốc, gốc ấn độ, Pakistan,… các đội cầu đá banh cua ra hay Anh quốc toàn là dân da màu.


Tre già nhưng măng không mọc là ngọng. Tỷ lệ sinh sản như 1.8, thấp hơn tỷ lệ 2.1 để giúp dân số bình quân. Ngày nay người ta sống dai hơn xưa. Ở Nhật Bản số người sống trên 100 tuổi cao nhất thế giới. Chính phủ, con cái, những người trẻ đi làm, phải đóng thuế nuôi những người già. Mình xem một phim tài liệu về Nhật Bản, có bà kêu là từ 10 năm nay, hai vợ chồng không giao cấu với nhau.


Vấn đề ngày nay, trai gái không bình thường như xưa, kiểu âm dương. Thật sự trước đây cũng có nhưng ít ai biết như trường hợp ông thi sĩ nào được lãnh đạo bố trí lấy một bà đạo diễn. Đêm tân hôn, cô dâu nằm trên giường đợi chú rể khai hoả thần công, trong khi ông này lại ngồi làm thơ. Chán Mớ Đời 


Trai thích trai, gái thích gái nên sẽ giảm tỷ lệ sinh sản. Cho nên Trung Cộng đang trải qua giai đoạn khủng hoảng về dân số. Người ta cho biết ảnh hưởng dân số lên GDP qua phương trình L x h = GDP. L là labor, lao động sản xuất và h là hour, thời gian làm việc. Chúng ta nhân số lao động cho số thời gian làm việc sản xuất để biết GDP.


Nếu một mặt dân số suy giảm, mặt kia lại già nua thêm, đưa đến các thời gian sẽ bớt hiệu lực vì phải lo cho chăm sóc người già. Sẽ không giúp phát triển ngành sản xuất, tăng trưởng kinh tế.


Ngày nay, Trung Cộng có trên 160 triệu người già trên 60 tuổi, xem như 40% dân số Hoa Kỳ. Người ta dự đoán vào năm 2040, con số này sẽ lên hơn 250 triệu người với nhiều người trên 80 và 90 tuổi. Về già người ta có khuynh hướng trả nhớ về không, bị Parkinson. Trung Cộng sẽ cần hàng trăm triệu người trẻ để chăm sóc cho số người này. Nhật Bản đang dự định dùng người máy để làm dịch vụ này. Họ bắt đầu mướn công nhân từ Phi luật tân, Việt Nam, các nước láng giềng để lo cho người già vì rẻ hơn mướn người Nhật Bản.


Dân số giảm và người cao tuổi gia tăng sẽ giảm sản xuất và GDP sẽ giảm. Họ tiên đoán vào năm 2100 nghĩa là 77 năm nữa, dân số của Trung Cộng sẽ còn 754 triệu, hay phân nữa ngày nay. Cứ tưởng tượng nếu còn sống đến viếng Trung Cộng, chỉ thấy 50% dân số ngày nay, nhà cửa bỏ hoang, không ai thèm ở. Mình xem video, Trung Cộng cho đập bỏ các chung cư xây xong không ai ở, bị hoang phế.

Nhà bỏ hoang ở Nhật Bản, gọi Akiya

Trường hợp này đang xẩy ra tại Nhật Bản, các làng mạc, tình nhỏ, nhà cửa cho không, bị bỏ hoang, không ai nhận, người ta gọi  (akiya. Tương tự ở Ý Đại Lợi, có nhiều làng kêu gọi bán căn nhà với 1 Euro với điều kiện phải sửa sang lại. Hiện nay, Nhật Bản có 62.4 triệu căn nhà, và 8.49 triệu căn nhà bị bỏ hoang xem 14% căn nhà bị bỏ hoang. Con số này càng ngày càng gia tăng.


Lần vừa rồi, mình ghé thăm La MÃ với đồng chí gái, gặp lại mấy người bạn ý. Mình hỏi căn nhà ở làng Pretare của ông bố mà mình có đến chơi một lần, bị tàn phá vì động đất, nay đã sửa sang lại chưa. Họ kêu chưa vì không có tiền là một, hai là ít ai về đó ở. Khi xưa, đi làm ở Ý Đại Lợi. Cuối tuần thiên hạ, thích về quê chơi cuối tuần, hoà nhịp vào thiên nhiên. Nay giới trẻ có Internet nên không cần đi xa, cũng hoà nhịp vào dân cư mạng. Họ hỏi mình muốn căn nhà đó thì họ cho để mình sửa chửa lại. Từ chối ngay. Xa lắc. Khi xưa, đến đây chơi, mình nói với họ ước gì một ngày nào đó, có một căn nhà như vậy để cuối tuần về chơi. Nay họ cho không cũng không dám lấy.


Nhớ đến đế chế La MÃ khi xưa. Lúc đầu bị mọi phía bắc đánh chiếm, đốt sạch nhưng họ vẫn xây dựng lại đế chế kéo dài đến 8 thế kỷ. Đế chế này tàn lụi khi bị đội quân Attila chiếm đóng. Người dân La MÃ không có sức, hay ham muốn xây dựng lại và từ từ đế chế này tàn lụi. Mấy người bạn mình, bỏ căn nhà của tổ tiên, nơi ông bố sinh ra đời, không xây dựng lại. Trường hợp cá nhân như vậy, mà toàn dân xứ này cũng có ý định như vậy thì khó mà tương lai sáng sủa.


Với chính sách một con, Trung Cộng tự làm mồ chôn tập thể cho nữa dân số của họ mà thế giới chưa từng thấy. Các nền văn minh như Inca, Aztecs,…bị chôn vùi vì bệnh hoạn của người tây phương đem sang. Tưởng tượng vào cuối thế kỷ này, ai đi du lịch ở Trung Cộng, phân nữa thành phố bị bỏ hoang và người già. Cho thấy sự nguy hiểm khi xây dựng, phát triển đất nước mà không có tiếng nói của người chống đối công trình, nói lên những lợi hại đem đến. Tinh thần gia tưởng sẽ không giúp gia đình thăng tiến vì không có tiếng nói khác, cái nhìn về sự lợi hại.


Mình có mua cổ phiếu của vài công ty Trung Cộng đầu tư vào hệ thống phúc lợi của họ. Hiện tại có 456 triệu người Tàu được bảo hiểm do công ty trả và 542 triệu bảo hiểm bổ sung ở nông thôn nhưng vẫn có một số khá cao hàng trăm triệu người không có bảo hiểm y tế và hưu trí. Họ cho biết vào năm 2035 thì quỹ hưu trí sẽ hết tiền. Mình đang suy tính chừng nào sẽ bán cổ phiếu Trung Cộng. Tài liệu mình mua về đầu tư, kêu mua thêm cổ phiếu của hai công ty Trung Cộng, xuống te tua mấy năm vừa qua. Nay chỉ số cho thấy có thể mua lại. Đành mua thêm 200 cổ phiếu cua mỗi công ty.


Ngoài ra, Trung Cộng có vấn đề môi trường bị tàn phá, huỷ hoại trong cuộc chạy đua làm nhà máy sản xuất cho thế giới. Những gì các chính phủ tây phương cấm vì đã bị ô nhiễm trước đây, họ đem qua Trung Cộng ngay cả rác rưỡi.


Các tàu chở hàng từ Trung Cộng đến các nước tây phương, khi về thì các container trống nên họ giác ngộ cách mạng, sao không chở đồ phế liệu của tây phương về để họ tái sinh, đỡ phí tiền chạy tàu về. Thế là Trung Cộng bao thầu rác của thế giới. Mình có xem vài tấm ảnh của người ta chụp lén đưa lên mạng. Các dòng sông đen xì vì phế thải từ nhà máy, dơ bẩn hơn Kinh Nước Đen của Nguyễn Thuỵ Lọng.


Nay thì họ giác ngộ cách mạng lần thứ hai, không nhận đồ phế thải của Hoa Kỳ nữa nên người Mỹ bắt đầu có vấn đề thải rác. Mình có kể vụ này rồi. Có lẻ quá trễ.


Dạo mình viếng thăm Trung Cộng, đến Bắc Kinh thấy trời toàn là khói đen dù họ đã ra lệnh phân nữa xe, bản số xe số chẳng số lẻ, thay phiên nhau ra đường theo ngày. 40% đất trồng trọt bị tàn phá, đất đang bị sa mạc hoá. Ngoài ra các dòng sông bị cạn vì họ cho xây cái đập Tam Hiệp. Nay đang tính xây thêm mấy con kênh để dẫn nước đến sông Hoàng Hà. Kinh 


Nguy hiểm cho các nước Đông Dương, Trung Cộng chận nước ở thượng nguồn của dòng sông Mekong. Phù sa, nước không xuống được khiến song này hấp hối ở hạ lưu.


Khi xây dựng, kiến thiết đất nước, thế kỷ 20 cho là phải cơ giới hoá, các hình ảnh nhà máy sản xuất là cốt yếu nên thiên hạ cứ xây dựng nhà máy để rồi tàn phá môi trường. Chúng ta tự xây môi trường tự chôn mình. Tưởng tượng, vài chục năm nữa, dân tình bị ung thư vì môi trường. Nhà nước phải chi tiền biết bao nhiêu, hay con cháu phải nai lưng ra trả. Nghèo hoàn nghèo. Đó là hậu quả của sự phát triển không có viễn kiến. Ăn xổi chủ nghĩa.


(còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn