Showing posts with label Covid-19. Show all posts
Showing posts with label Covid-19. Show all posts

Đường Cầu Quẹo Đàlạt

Khi xưa, hóng chuyện người lớn, họ hay nói đường Cầu Quẹo thay vì đường Phan Đình Phùng như giới trẻ mình gọi, nên ngạc nhiên nhưng không dám hỏi. Tương tự ngày nay, mình nói đường Mình Mạng thay vì Trương Công Định,.. Lý do không dám hỏi vì sợ bị ăn tát khi hỏi kèm theo câu : “mày ăn cơm hớt à?”. Khi hỏi, người lớn không trả lời được câu hỏi, thì mình bị ăn tát, rồi kêu “ sao mày dốt thế”. Mình sợ từ nhỏ hỏi chuyện, đặt câu hỏi người lớn, thầy cô vì sợ gọi: ‘sao mày dốt thế?”. 

Phải chi người lớn giải thích cho mình thì ngày nay, mình không bị lùng bùng trong đầu về những thắc mắc ngày xưa. Người lớn hiểu chuyện thì đã tây phương cực lạc, nay hỏi ai đây. Người sống Đàlạt thì nhìn mình như bò đội nón vì họ gọi mấy đường này khác tên,  khiến mình đực ra như ngỗng ị, điển hình họ gọi đường 3 tháng 2, thay vì Duy Tân. Hình như ngày kỷ niệm ông Trần Phú thành lập đảng cộng sản Đông Dương.

Mẹ mình có nói đường Cầu Quẹo vì quẹo quanh quẹo quất nhưng cái cầu nào nhưng không giải thích được. Cầu Cẩm Đô, trước kia, người Đàlạt gọi cầu ông Cửu Huần, cầu Lò-rèn, xa hơn là cầu La Sơn Phu Tử. Theo mình thì cầu La Sơn Phu Tử thì quá xa cho thời đó, ít ai ở. Chỉ có hai cầu “Cẩm Đô (Cửu Huần) và Lò Rèn”.

Thời tây mới thành lập khu người Việt thì đường Maréchal Foch (Duy Tân), chạy một chiều từ Phan Đình Phùng lên Chợ Cũ (Chợ Cây), khu Hoà Bình rồi chạy xung quanh chợ, đi xuống đường Mình Mạng, rồi quẹo con đường Phan Đình Phùng, để chạy đến cuối đường để quẹo lên đường Duy Tân. Vì lẻ đó mà người lớn khi xưa, gọi đường Cầu Quẹo vì có 2 chiếc cầu “Cẩm Đô” để quẹo qua đường Pasteur mà sau này người ta gọi sau này đường Hai Bà Trưng, và chiếc cầu Lò Rèn, cạnh trường Việt Anh. Bác nào có giải thích nào khác thì cho em xin, hay hỏi dùm người lớn tuổi quen, còn sống.

Mình hiểu lý do người Đàlạt xưa gọi “quẹo” vì con đường có hai cái quẹo để lên và xuống phố. Còn “cầu” thì chưa tìm ra được.

Đây là hình ảnh của đường Minh Mạng, quẹo xuống đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng). Mình thấy căn nhà 2 tầng bằng gỗ của gia đình Đinh Anh Quốc, xưa là tiệm hớt tóc Như Ý, cạnh tiệm giày Hồ Út, người Quảng. Mình có xem một video phỏng vấn ông Hồ Út ngày nay. Theo hình này thì mình đoán là chưa có cầu Cẩm Đô vì nhìn phía sau nhà Đinh Anh Quốc thì chỉ thấy đồi thông và một phần nhà thương Đàlạt xưa, chưa thấy đường Hai Bà Trưng, được thành lập.

Nếu vậy là cầu Lò-rèn vì cầu ông Cửu Huần chưa được xây cất.

Có người cho biết lý do gọi là đường Cầu Quẹo vì ngay dốc Minh Mạng đi xuống có con suối nhỏ, nước từ trên đường Hàm Nghi chảy xuống cũng như dọc đường Phan đình Phùng, vì lẻ đó người Đàlạt xưa gọi là đường Cầu Quẹo.

Thấy con đường hẻm đi từ chỗ phòng mạch ông Sohier, tiệm thuốc tây Nguyễn duy Quang, lên đường Tăng Bạt Hổ, chỗ nhà bác Tám, bán ngoài chợ, mẹ của 2 anh em Phước và Hải, hồi nhỏ chơi với mình, sau này mở tiệm chè Mây Hồng. Nghe nói hai tên này đã qua đời sau 75.

Nay mình mới hiểu vì sao họ xây cái talus cao ở đường Phan Đình Phùng vì mấy căn phố tiệm Hồng Ngọc, nhà nghỉ Le Saigonnais, văn phòng bác sỹ Đào Huy Hách. Thật ra họ có thể xây tầng trên đâm ra đường Mình Mạng, tầng dưới đâm ra đường Phan Đình Phùng, khỏi mất công xây tường tốn tiền, lại mất mặt bằng ở đường Phan Đình Phùng.

Mình thấy rõ trường Thăng Long (Hiếu Học) nơi ông cụ mình đi học đêm để thi bằng tiểu học ở đường Hai Bà Trưng nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng con đường Hai Bà Trưng (Pasteur thời Tây) từ góc Cẩm Đô. Đoán là chưa làm. Phía sau là đường Lò Gạch (Hoàng Diệu). Cuối đường này có cái lò nung gạch cho Đàlạt. Mình không biết đường Pasteur (Hai bà Trưng) đã được thành lập chưa vì thấy toàn là cây thông và đồi phía Nhà Thương.

Xa hơn thì thấy trường Couvent des Oiseaux trước núi Cam Ly. Chắc phải đeo kính loupe để xem cho rõ hơn. Chán Mớ Đời 

Đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng) chỉ có mấy nhà đơn sơ, đoán là của người làm vườn phía sau, đa số là đất của gia đình Võ Đình Dung. Ông này khi xưa, nhà thầu khoán cho Tây, có chân trong hội đồng thị xã, tranh đấu để khu đất dành cho người Việt có đất rộng hơn thay vì 3 mét x 10 mét như kế hoạch. 

Nếu kể về công thì mình nghĩ Đàlạt phải nhớ ơn ông này vì ông ta có rất nhiều ảnh hưởng như cúng dường đất trên đồi cạnh ấp Mỹ Lộc để xây chùa Linh Sơn, và trên số 4, thành lập chùa Linh Quang. Ông ta mua đất hết các khu vực dành cho người Việt như giữa đường Hai Bà Trưng và đường Phan Đình Phùng. Sau này cho trường Việt Anh thuê, ông Ba Đà thuê,….

Nghe kể vợ ông ta là người đàn bà đầy bản lĩnh. Không có bà ta thì chắc ông Võ Đình Dung không thành công như xưa. Có dịp mình kể chuyện vợ chồng ông ta do người lớn như ông bà Võ Quang Tiềm kể lại.
Đây là góc quẹo từ đường Phan Đình Phùng lên Duy Tân khi xưa, thời đường một chiều. Chỗ cây thông khi xưa, có một quán nhỏ, tên Xuân Lan thì phải, nơi dạy đánh máy và ấn loát giấy tờ. Ông cụ mình sau khi giải ngủ, có đến đây học đánh máy, thi vào ty công chánh. 

Ông Đượm đậu đầu, còn ông cụ mình thì được ông Võ Quang Tiềm, kêu ra nhà ông bà ngủ, để học thi vì sợ ông cụ ở nhà buồn đời, lại kêu mẹ mình thức dậy “anh chưa thi đỗ thì chưa, thì chưa..”. Ông Tiềm có hỏi ông trưởng ty công chánh đề bài thi, giúp ông cụ mình đậu thứ nhì. Ông Tiềm không thích ông cụ mình vì bắc kỳ nhưng rất thương mẹ mình. Chính ông đi nhờ thị trưởng Đàlạt, Cao Minh Hiệu, bảo lãnh bà cụ tham gia kháng chiến, năm 17 tuổi bị mật thám bắt nhốt ở Nhà Lao, nếu không thì bị tra tấn, trấn nước nhiều nữa. Thậm chí có thể bị bắn trên Cam Ly như 21 người khác, có một bà tên Lan, trên Số 4 sống sót vụ xử tử các người theo Việt MInh khi xưa. Kinh
Nếu mình không lầm, đường này có cầu Lò Gạch, chạy vào đường Lò Gạch, đường Hoàng Diệu cũ., 

Mình kể lại đây để nhớ ơn mấy người bà con khi xưa đã giúp bố mẹ mình lập nghiệp tại Đàlạt như ông bà Nguyễn Văn Phúng (tiệm Hiệp Thạnh) và ông bà Võ Quang Tiềm (tiệm Vĩnh Hưng), bà con bên mẹ mình. Nghe kể lại ông Tiềm và ông Phúng, làm thợ may khi vào Đàlạt lập nghiệp. Hai ông may áo quần, rồi gánh 3 ngày 3 đêm, đi xuống Đơn Dương, để bán áo quần cho phu thợ đi làm đường rày xe lửa cho Tây. Chịu cực chịu khó nên sau này giàu có tiếng tại Đàlạt.

Xem như đường pHan Đình Phùng có hai cái quẹo, một xuống phố từ đường MInh Mạng và một từ đường Duy Tân (maréchal Foch)  chạy lên phố.

Thấy hai căn nhà nhỏ chỗ rạp xi nê Ngọc Hiệp sau này.
Đây tấm ảnh giúp mình hiểu được tấm ảnh đầu trên. Đường Minh Mạng quẹo xuống Phan Đình Phùng, có mấy bậc thang ngay bến xe taxi , có trạm biến điện, vẫn thấy nhà Đinh Anh Quốc, rạp Ngọc Hiệp đã được xây cất. Phía đường Minh Mạng là mấy nhà ngủ khách sạn. Một của ông Chà Và , chủ tiệm Saigonnais trên khu Hoà Bình làm chủ.

Phía sau thì thấy con đường nhỏ đi từ cầu Cẩm Đô lên nhà thương, và dãy nhà trên đồi thông, chỗ Hạnh ù, học lycee mà mình có gặp lại một lần ở Đàlạt. Cây thông rất nhiều so với thời phôi thai như hình trên, cho thấy người Pháp đã cho trồng thêm cây thông trên đồi.

Mình đọc ở đâu, họ kể là bố mẹ của tên Phước học Yersin, dưới mình một lớp, mua lại rạp xi-nê Ngọc Hiệp của ông tây nào về xứ. Mình có hỏi hắn thì hắn bê ngày bài mình viết về mấy rạp xi-nê Đàlạt xưa về cho mình. Chán Mớ Đời 

Bác nào có ý kiến hay tin tức khác thì cho em xin. Thấy hình dáng Đàlạt thủa ban đầu khiến em thấy bồi hồi và theo những gì nghe thấy để mò xem có đúng Đàlạt ngày xưa.

Có độc giả gửi :’ Đây là góc   nhìn rạp Ngọc  Hiệp  từ  lan can nhà tôi,  Nhà ở phía  số  chẵn trên đường  Cầu  Quẹo..phía sau nhà có 1 ngọn đồi , hình như trên đồi có  một  rạp hát khác không  phải  là  rạp  Ngọc  Hiệp...cám ơn  bạn đã  Post tài  liệu  này.....

Nguyễn Hoàng Sơn 
Có người giải thích như sau:

Sony NguyenUsa 
Mình sống ở  ĐALAT từ năm 1953 năm đó mình 10 tuổi, và nhà mình ngay tại đường HÀM NGHI, cũng gần ngã ba chùa LINH SƠN. Và thấy toàn thể mọi người đêu gọi là NGÃ BA CẦU QUẸO. Chứ chẳng ai nói đường cầu quẹo bao giờ.
Ngã ba cầu quẹo đây có hàm ý là:
Cầu đây không phải là chiếc cầu bắc qua sông. Mà cầu đây mang ý nối nhịp...
Bởi rõ ràng đây là ngã ba nhưng lại chỉ có 2 con đường, đó là đường PHAN Đ PHÙNG và HÀM NGHI mà lại là.... ngã ba, nối nhịp nhau bởi một ngã ba. Vì đây là ngã ba với địa hình tam giác.
Từ HÀM NGHI thì có 2 ngã, một ngã xuống PĐP, một ngã từ PĐP rẽ lên HN.
Còn từ PĐP thì chỉ có một ngã rẽ lên HN thôi. Cũng vì nét  đặc thù khá thú vị ấy nên dân địa phương mới gọi đó là:
NGÃ BA CẦU QUẸO. (Gãy khúc, ý nghĩa của chữ quẹo)
Và sau này có thêm tên NGÃ BA CHÙA nghe thanh tao hơn.
Đó là những gì mình biết về gốc gác ngã ba này từ ngày sống ở ĐL .đến giờ.
Còn cụm từ:
Đường cầu quẹo như bạn nói thì có thể sau này người bắc 1975 họ gọi lầm là đường cầu quẹo, thì mình không rõ. Chứ dân ĐALAT chẳng ai gọi 
"Đường cầu quẹo" bao giờ.

Các chương trình giúp đỡ ngành thương mại phục hồi sau đại dịch

 Hôm qua, mình được chương trình “Khéo Dùng Tiền” của đài truyền hình Little Sàigòn, cử tham dự một webinar về các chương trình giúp đỡ các thương hiệu, tiểu thương tại California phục hồi sau đại dịch COVID-19. Chương trình này được thực hiện bởi William and Stephanie Foundation, với sự đóng góp của các hiệp hội cộng đồng á châu trong đó có đài truyền hình Little Sàigòn.

Khởi đầu họ nói về chương trình CalSavers. Một chương trình bắt buộc (mandatory) cho các tiểu thương có trên 5 nhân viên, phải tạo điều kiện để nhân viên có chương trình hưu trí, phải hoàn tất vào cuối tháng 6, năm 2022. Nếu tiểu thương nào không thực hiện chương tình này sẽ bị phạt từ $250 đến $700 cho mỗi nhân viên. Ai muốn thêm tin tức, xin liên lạc với https://www.calsavers.com/

Tiếp theo họ nói đến các chương trình mượn tiền để giúp thương mại hoạt động, gồm mượn tiền và khấu trừ thuế tiểu bang:

Văn phòng của thống đốc tiểu bang về phát triển thương mại và kinh tế của tiểu bang, được gọi GO-Biz, nhằm tạo ra những địa điểm giúp phát triển kinh tế và cố gắng tạo công ăn việc làm cho cư dân tiểu bang. Giúp các chủ nhân công ty thương mại, và các cộng đồng,..

Cố vấn các công ty về địa điểm thành lập, và các giúp đỡ về tài chánh, thuế vụ . Ngoài ra văn phòng sẽ giúp đỡ các tiểu thương, lo vấn đề xin phép, giấy tờ hành Chánh, các hội chợ quốc tế về xuất cảng, phần khấu trừ thuế vụ California Competes Tax Credit (CCTC)


Văn phòng GO-Biz sẽ giúp đỡ cố vấn miễn phí các khuyến khích làm thương mại tại California, họ có cái App để dễ sử dụng. Vào trang nhà Business.ca.Gov để tải về để sử dụng.
Muốn làm thương mại thì cần có vốn. Tiểu bang có những chương trình giúp vốn (Grant) mà không cần phải trả lại. Quý vị nào cần thì vào trang nhà Grants.ca.Gov để xem thêm 

Ngoài ra còn có các cơ quan khác để giúp các tiểu thương về huấn luyện, các hệ thống tiểu thương tại địa phương.
Giúp đỡ về đại dịch COVID cho vòng 8 và 9. Mình được sự trợ giúp 2 vòng trước. Tuy không nhiều nhưng cũng đỡ.
Ngoài ra có chương trình California Competes Tax Credit Program (CCTC), khấu trừ tiền thuế đối với tiểu bang California, không cần hoàn lại trong vòng 6 năm. Thời gian nộp đơn là từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 cho đến 22 tháng 1 năm 2022, có $140 triệu dành cho phần này.
Ngoài ra tiểu bang còn có chương trình khấu trừ khi mướn nhân viên toàn thời gian: nhưng người bị thất nghiệp trên 6 tháng, các cựu chiến binh, các cựu tù nhân, những người hưởng trợ cấp, tiền lương trả cho nhân viên phải cao hơn 150% lương tối t hiểu của tiểu bang. Trong khu vực có nhiều thất nghiệp.
Ngoài ra tiểu bang còn dành ngân quỹ cho các chương trình huấn luyện nhân viên : $245 triệu gồm $50 triệu dành cho huấn luyện, $100 triệu cho các huấn luyện xây dựng đường xá, $20 triệu cho các người đầu tư về phát triển kinh tế. 6 tỷ đôla dành cho phát triển Internet, 95 triệu du lịch, 330 khấu trừ làm phim,…
Khấu trừ tiền điện nước khi mới đầu tư. Liên lạc với SCE.com/ business
Khấu trừ thuế khi sử dụng các kỹ thuật như sử dụng năng lượng mặt trời.
Sau đây là các ngân quỹ dùng cho việc khấu trừ khi làm thương mại trong chương trình phát triển kinh tế.
Khi làm nghiên cứu và phát triển cũng được khấu trừ về thuế.
Có những khấu trừ về thuế phần nào khi mua dụng cụ cho các công việc nghiên cứu và phát triển và canh nông. Nhà nông như mình chỉ trả thuế có 5% thay vì 8.75% - 9.95% khi đi mua hàng cho nông trại.
Sau đây là danh sách các cơ quan để liên lạc 
Ngoài ra tổng thống Biden, vừa ký sắc lệnh, bắt buộc các công ty có trên 100 nhân viên phải chích ngừa, kiểm tra nhân viên chích ngừa hay thử nghiệm covid hàng tuần. Hiện tại toà bạch cung chưa cho biết chi tiết vụ bắt buộc chích ngừa.

Ngoài ra liên bang cho phép các tiểu thương được khấu trừ chi phí về trả cho nhân viên bị bệnh covid-19, như thời gian đi chích ngừa, hay nghỉ ở nhà từ 1 tháng 4, năm 2021 đến 30 tháng 9 năm 2021. Phải khai đơn 941. Bắt đầu tháng 7 năm 2021 nhân viên có thể nghỉ từ 6-8 tuần, được khấu trừ. Nhân viên có thể nghỉ 12 tuần không lương mà không bị chủ làm khó dễ.

Ngoài ra. Phòng thương mại quận cam (Orange COunty Chamber of Commerce) có $1 triệu để giúp các thương nghiệp phát triển để giúp huấn luyện các nhân viên hiện tại để có thể làm những công việc khác, mướn người dùm,…

Các tiểu thương có thẻ nhận được $500 cho mỗi nhân viên sử dụng chương trình PFL. Chương trình này dành cho các công ty có 10 nhân viên trở xuống và tối đa sẽ được lãnh $4,500. Kéo dài đến tháng 12 năm 2022.

Ngoài ra các tiểu thương cần sự giúp đỡ về kế toán, có thể liên lạc để được trợ giúp miễn phí việc sổ sách, kế toán. Mỗi lần chỉ tốn có $100. Cơ sở thương mại phải hoạt động từ 5 năm qua, có lợi tức ít hơn $500,000/ năm và là người thuộc cộng đồng thiểu số.

Xin liên lạc Jvs.org/bookeeping 

Muốn được nhận các Grand này thì các công ty  phải đạt tiêu chuẩn như sau:
Có California Employer Account Number (CEAN)
Địa chỉ tại California
Có dưới 10 nhân viên và có ít nhất một nhân viên theo học khoá huấn luyện của chương trình CA PFL.
Muốn nộp đơn thì xin liên lạc với CaliforniaPaidFamilyLeaveAlliance.com 
Ai thắc mắc thì có thể email trực tiếp cho:
Bà Blomquist (liên bang) bblomquist@smallbusinessmajority.org 
Bà Fiona (thủ quỹ của tiểu bang California: askfiona@treasurer.gov  

Ngoài ra, có đạo luật tiểu bang mới ban hành, AB 286: cấm các dịch vụ giao hàng, lấy tiền cao hơn giá tiền của tiệm ăn, nhất là giữ luôn tiền khách hàng cho (tip).

AB 1444: cấm các giới dịch vụ giao hàng để địa chỉ tiệm ăn sai của các tiệm ăn, hay thay đổi số điện thoại để khỏi đặt hàng.


Các chương trình cho mượn vốn với tiền lời 4.25%, tối đa là $100,000, hay 3 tháng lợi tức. Nợ ngắn, chỉ trả lại sau 5 năm, 12 tháng đầu chỉ trả tiền lời không, không bị phạt nếu trả sớm hơn. Điều kiện đẻ mượn được vốn là công ty có dưới 50 nhân viên, chứng minh là lợi tức bị ảnh hưởng covid-19 25% thấp hơn, lợi tức hàng năm í thơn $2.5 triệu. Không bị phá sản, không trả nợ từ tháng 1 năm 2020….

Quan trọng là phải viếng www.connect2capital.com/p/californiarebuildingfund
Trả lời các câu hỏi ngắn về thương nghiệp và sẽ được giúp đỡ. Nếu khôgn được mượn tiền ở đây thì có thể liên lạc với các nơi khác giúp tiểu thương như SBDC, SCORE,…xem các ngân hàng cho vay.

Có thêm nhiều chi tiết nhưng kể ra thì tốn thời gian, các thương gia có thể liên lạc thẳng với những cơ quan nói trên.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Ty Công Quản Nước Đàlạt

 Hôm trước, thấy tấm không ảnh của hồ Đội Có, khiến mình nhớ đến ông cụ. Bố mình làm việc ở ty Công Quản Nước, nhà máy lọc nước và bơm nước cho thị dân Đàlạt dùng. Ông cụ mình là công chức của ty Công Chánh Đàlạt, nhưng sau Mậu Thân, ông cụ được đổi qua ty Công Quản Nước, mình đoán cũng trực thuộc Khu Công Chánh Cao Nguyên Trung Phần. Trưởng ty là ông Nguyễn Văn Tùng, người Bắc, bố của tên Huân, học trên mình một lớp ở Yersin, nghe nói đã qua đời mấy năm rồi.

Tấm không ảnh cho thấy bên trái là đường Đinh Tiên Hoàng, từ đường Bà Huyện Thành Quan, chạy lên Giáo Hoàng Học Viện. Bên tay phải có đường Võ Tánh, từ Phan Bội Châu chạy xuống đến bùng binh ngay bờ hồ. Chỗ này là nơi bố mẹ và Thịnh, học chung với mình ở trường tiểu học Thanh Ngọc, tập lái xe, xuống dưới này rồi mẹ nó hoảng, đạp thắng không đạp, đạp ga bay xuống hồ, chết đuối cả 3. Sáng đó, mẹ mình sai người chở 5 tấn gạo vào cho bà ta ở đường Hàm Nghi, chưa kịp lấy tiền nên mất 5 tấn gạo. Chán Mớ Đời 

Thật ra khi lái xe mà có vợ ngồi bên cạnh hay gây tai nạn lưu thông vì đàn bà không muốn lái xe nhưng thích lái tài xế. Khiến tài xế nổi điên đâm vào lề.

Từ đường Bà Huyện Thanh Quan, có con đường nhỏ chạy vào bên cạnh hồ Đội Có, đến nhà máy lọc nước của Đàlạt. Mình có vào đây vài lần. Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy ống nước lớn từ hồ Xuân Hương, để bơm vào nhà máy nước. Nếu mình không lầm thì có ống thông nước từ hồ Xuân Hương vào hồ Đội Có, để thoát bớt nước cho hồ Xuân Hương vào mùa mưa. Ông Đội Có giàu, có dãy nhà ở khu Hoà Bình đối diện nhà sách Hoà Bình, phía sau là bến xe Tùng Nghĩa.

Tìm ra rồi, hình chụp thấy hồ Xuân Hương, và hai hồ nhỏ bên kia đường: hồ Đội Có và hồ Tống Lệ

Mình vào đây thường là buổi tối, ông cụ đi thanh tra các nhân viên gác trực nhân dân tự vệ ban đêm. Mình đi ké vào xem. Ông cụ là đoàn trưởng nhân dân tự vệ của nhà máy nước nên chỉ xem xét, phát súng trong kho, ghi tên ai có mặt và ai vắng mặt rồi về nhà ngủ. Cũng vì cái chức này mà sau 75, ông cụ đi tù 15 năm.

Số là trước khi di tản khỏi Đàlạt vào tháng 3 năm 1975, ông cụ được lệnh chôn súng của các nhân viên của đoàn nhân dân tự vệ. Sau khi Việt Cộng vào Đàlạt, ông cụ trở về Đàlạt, rủ các người bạn quen, in truyền đơn chống Việt Cộng, bị bắt với súng ống của nhân dân tự vệ đã chôn khi xưa.

Dãy phố của ông Đội Có, phía sau lưng là bến xe đò. Mình bỏ trên đây để khi mình giải thích dễ nhận ra chỗ nào.

Hồ Đội Có và Hồ Tổng Lệ nằm đối diện bên đường hồ Xuân HƯơng, để hứng nước mưa từ trên đồi cù xuống, tránh kéo theo chất dơ, rác thải từ thành phố xuống hồ Xuân Hương. Mình đoán là do người Pháp thiết kế. Ở  âu châu hay Hoa Kỳ, mỗi thành phố đều có một hay nhiều hồ chứa nước mưa, sau đó họ lọc để tưới cây cỏ lại, gọi nước tái sinh. Thứ nhất là để tránh lụt lội vào mùa mưa vì nước ở trên cao đổ xuống các thung lũng.

Đàlạt xưa khi trời mưa thì các ống cống, mưa từ trên đồi chỗ Hàm Nghi, Mình Mạng chảy xuống Phan Đình PHùng, rồi xuống suối từ Số 6 chảy về. Nước thoát không kịp nên làm ngập hết các khu vườn rau ở  xung quanh. Xe mình bị ngập nước một lần ở cầu Cẩm Đô, phải sửa tốn khá nhiều tiền bà cụ. Bao nhiêu rác rưỡi thị dân ở Phan Đình Phùng, mang ra đổ nơi con suối, làm nghẽn con suối. Vào mùa khô, rác chất cao thành núi, đi ngang mấy cái cầu là hôi thối, ruồi nhặng đầy. Mùa mưa thì nước suối chảy siết bị nghẹt, khiến ngập nước. Mình thắc mắc khi về Đàlạt là rác thải ở đâu. Ống cống, rác đủ trò. Chỉ nghe là xứ Đan Mạch có viện trợ làm chỗ phế thải rác cống ở Cam Ly.

Khi xưa, khi trời mưa, cống rãnh từ Khu Hoà Bình đỗ xuống thung lũng trồng rau, sau này người ta xây Chợ Mới. Ống cống đều chảy ra suối Cam Ly, chỗ ấp Ánh Sáng. Nước cống rãnh ở đường Mình Mạng và Dốc Nhà Làng đều chảy xuống Phan Đình Phùng, thải xuống suối nước chảy về Cam Ly.

 Mình nhớ như in, khi đi lên Dốc Nhà làng là ống cống thối không thể tả, đen xì, ruồi nhặng. Vào mùa mưa thì đỡ hơn. Rác thiên hạ đổ ngay suối sau lưng đường Phan Đình Phùng nên mùa khô, chất thành núi rác, mùa mưa thì làm nghẹt suối nên nước dâng lên làm ngập ruộng vườn của mấy người làm vườn, xung quanh đó.

Nhìn tấm ảnh này mới để ý là con đường dẫn vào Thuỷ Tạ, nằm ngay trục của con đường đi thẳng lên Hôtel du Lac. Hình như không phải đường Võ Tánh ở khúc này, chỗ Phan Bội Châu chạy xuống là đường tên khác thì phải, quẹo phải là đường Nguyễn Thái Học. Có nhiều biệt thự rất đẹp. Hình như có nhà ông luật sư nào bị giết chết. Chắc Việt Cộng.

Vấn đề của cư dân Đàlạt khi xưa là nước. Khi tây thành lập thành phố sương mù này thì họ chỉ giới hạn ít dân số nên hệ thống nước đều đưa về những nơi người Pháp sinh sống như đường Trần Hưng Đạo, Yersin, Hùng Vương,…khu người Việt sinh sống thì xài giếng nước, chỉ có khu Hoà BÌnh là có. 

Sau Mậu Thân thì người dân đổ xô vào Đàlạt sinh sống khiến hệ thống nước của pháp xây dựng không đủ cung cấp cho khắp nơi Đàlạt. Thêm hạ tầng cơ sở bị sét rỉ, nghẹt ống. Nhà mình dạo ấy, ở trên đồi nên nước chảy như thằn lằn. Một đêm chưa đầy một thùng thiết nước. Phải đi gánh nước giếng. Dạo ấy mình đi xách nước mệt thở cho em út xài. Nước mưa thì để nấu ăn còn nước giếng thì để giặt quần áo,…

Hình như phía Chi Lăng cũng có một nhà máy nước nhỏ hơn để bơm nước từ hồ Than Thở cho thị dân vùng đó và trường Võ Bị. Mình thu thập được một số hình ảnh của tường võ bị, để hôm nào mình bỏ lên cho bà con xem lại.

Ông cụ mình có kể là dinh tỉnh trưởng ở trên cao nên nước không lên được. Ông Nguyễn Hợp Đoàn, kêu ông cụ lên xử lý. Ông cụ cho làm một cái château d’eau rồi hẹn giờ, chặn ban đêm, khi khu Hoà BÌnh đi ngủ, không xài nước, áp suất mạnh dành để bơm lên cho cả gia đình ông ta xài. Ông Đoàn khoái chí lắm, kêu ông cụ ra ứng cử hội đồng thị xã , bảo đảm đắc cử 100%. Ông cụ kể đi giám sát bầu cử, khi xe nhà binh đến chở thùng phiếu tại các trường học, thấy các thùng phiếu khác đầy nhóc phiếu, họ đổi thùng phiếu cho vẻ dân chủ nên các ứng cử viên của Đảng Dân Chủ thắng to. May ông cụ mình không nghe lời ông Đoàn nếu không đi tù lâu hơn thay vì 15 năm. Chán Mớ Đời 

Nghe nói ông Đoàn sang Mỹ, mở tiệm bán đồ trang trí nội thất, khá lắm, ở vùng Đông Bắc. Ở Quận Cam cũng có một ông tướng kinh doanh ngành này, giàu có, mới qua đời thì phải. Thằng con ông ta, học chung với mình, làm luật sư, nay đã về hưu.

Sau này Tây Đức viện trợ cho hệ thống ống nước mới để giúp giải quyết vấn đề nước trong thành phố. Đường Hai Bà Trưng, Duy Tân, được gắn hệ thống nước mới nên khá hơn, thêm máy lọc nước được nâng cao năng xuất. (Còn tiếp) 

Có người hỏi mình còn tiếp đâu. Mình có kể trong bài “ngày xưa Fan thị “ hôm nào rảnh, sẽ kể thêm. Chán Mớ Đời 

Chỗ hai ống nước lớn hút vào nhà máy nước gọi là cầu đen , ngày xưa đi học xong hay ra Thuỷ tạ bơi qua cầu đen , đứa nào bơi giỏi bơi qua thì quay đầu bơi về lại luôn không cần nghỉ .


Nguyễn Hoàng Sơn 

Sân vận động Đàlạt xưa

 Hôm trước, có tên mỹ từng tham chiến tại Đàlạt, tải lên tấm ảnh sân vận động Đàlạt khi xưa do hắn chụp khiến nhiều kỷ niệm từ xưa liên quan đến sân vận động này, từ đâu ụp về.

Có lần, ông cụ mình hỏi đi xem đá banh thì mình nhất trí. Thế là hai bố con dẫn nhau đến trường học Thăng Long hay Hiếu Học, tiền thân của trường Văn Học Đàlạt. Ông cụ mình mượn chiếc xe gắn máy của người bạn rồi kêu mình leo lên yên xe phía sau. Mình ngồi và đưa hai chân ra ngoài để tránh dính chân vào bánh xe. Xe chạy ra tới đường Cường Để chỗ quán ăn Ninh Hoà sau này. Dạo ấy, đường Cường Để không có ma nào ở cả đến sau Mậu Thân, các thương phế bình, chiếm đất, cắm dùi nên mới mọc ra hai tiệm ăn trên đường ngày, Ninh Hoà và một tiệm bán mì quảng hay chi đó. Mình nhớ quán Ninh Hoà vì trước khi đi tây, bà cụ có dẫn ra đây ăn thịt bò mấy món đó, ngon cực. 

Mỏi chân quá nên mình hạ chân xuống thì kẹt vào bánh xe đang chạy, mình la ái ái khiến ông cụ ngừng xe lại. Mình nhớ gót chân bị cắt một đường, chảy máu, ông cụ chở về nhà băng bó. Đó là kỷ niệm đi xe gắn máy lần đầu tiên trong đời. Sau này, có xe gắn mấy, chở tên bạn học chung lớp, ông thần này buồn đời, thọt chân vào bánh xe khiến mình phải chở nó lên nhà thương mỗi tuần để băng bó vết thương. Chán Mớ Đời 

Hình này do ông Bill Robie, phi công  mỹ chụp sau Mậu Thân, thời gian ông ta đi lính tại Đàlạt. Ông này rất mê Đàlạt, nhất là xe lửa, có nghiên cứu về đường rày từ Phan Rang lên Đàlạt. Ông ta chụp hình Đàlạt rất nhiều, có gây quỹ để giúp học sinh nghèo của trường Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đạo. Sau này ông có trở lại Đàlạt và tìm gặp một trong hai cô học sinh Bùi Thị Xuân, ở đâu gần Nha Trang.

Theo hình này, thì khán đài danh dự nằm bên trái, chỉ thấy có một phần, rồi có mấy miếng đất bằng để khán giả đứng xem, giữa khán đài và Thao trường.

Hình này chụp từ chỗ Thao Trường, cho thấy có hàng rào bằng gỗ và cổng, chắc được chụp từ thời Bảo Đại vì thời Ngô tổng thống thì họ cho xây cổng và tường bằng hắc-lô. Nhìn bức ảnh này mới nhớ sực bãi đất bên tay phải của sân vận động, mình hay ghé lại đây ngồi nhìn hồ. Nhiều khi đi xem đá banh nhưng phải mua vé vào cửa nhưng không có tiền nên mình với mấy tên hàng xóm, ghé lại đây chơi đá banh.
Cuộc thi hoa hậu thiếu nữ Đàlạt thời tây thực dân. Đẹp chán dưới ngọn cờ tam tài. Gái Đà Lạt khi xưa đã khêu gợi, chỉ tiếc sau này họ bắt bận áo len. Chán Mớ Đời 

Lần đầu tiên mình đi xem đá banh ở sân vận động là trận đấu giữa 2 đội tuyển Việt Nam A và B tranh tài. Phải mua vé để vào. Lần này, thì ông cụ không mượn xe mà hai cha con dẫn nhau đi bộ từ Hai Bà Trưng đến sân vận động. Ông cụ mua vé đứng trên khán đài bên tay trái của khán đài danh dự.

Mình nghe thiên hạ bàn tán là Đỗ Thới Vinh, lừa banh như Pele, đầu hói vì quảng cáo gội đầu bằng xà bông Cô Ba. Trung phong Chiêu,…Dạo ấy mình nghe đá banh hơn là xem đá banh vì có biết gì đâu. Mình thấy ông thủ môn Đực 1, ôm banh đá cái vèo qua bên sân kia rồi thủ môn Đực 2, chụp banh đá cái vèo qua sân bên kia, dường như hai ông thủ môn này muốn khán giả Đàlạt biết sức mạnh của cái chân của họ thay vì đưa banh cho tiền đạo của mình. Chán Mớ Đời 

Sau này lớn lên thì mình hay ra đây đá banh với đám Kho Bạc, học sinh Việt Anh và Văn Học vào buổi chiều đến khi biết ngắm gái thì ngưng.

Sân vận động cũng là nơi tập trung các cuộc diễn hành đại hội thể thao cũng như lễ quốc khánh, hồi còn bé thì không nhớ ngày nào, chắc là ngày Ngô tổng thống về nước, còn sau 1/11/1963 là ngày cách mạng chi đó.

Hình này cho thấy cuộc diễn hành trong ngày lễ quốc khánh trước khi họ xây Thao Trường. Xa xa thấy khách sạn Palace. Phái đoàn học sinh trường Lasan Adran.
Phái đoàn học sinh Lasan Adran tập hợp trên sân vận động. Bận đồ vét trong khi các đoàn khác thì áo may-dô quần short . Adran dạo ấy toàn là đực rựa, sau Mậu Thân mới nhận thêm nữ sinh.
Không biết trường nào mà có đội mũ, có thể là hội hướng đạo Lâm Viên hay Thiếu Sinh Quân, đang diễn hành quanh sân vận động. Mình có kể các đại hội thể thao liên trường tại Đàlạt xưa rồi. Cũng có thể thời Ngô tổng thống với các đoàn thể thanh niên Cộng Hoà, bận đồ xanh. Mình nhớ ông cụ cũng tham gia trong mấy vụ đi diễn hành này.


Phái đoàn học sinh trường Grand Lycee đi diễn hành cho đại hội thể thao, hình như sau này ít học sinh nên không tham gia nữa. Dân trường tây chắc ít chơi thể thao, chỉ biết nhảy đầm.

Hình chụp đi diễn hành nhưng đã được gắn những khuôn mặt nữ sinh đã tìm lại được sau 40 năm
Hình này chụp từ bên kia hồ, có bức tường chạy dọc đường Thống Nhất, có cổng vào lấy tiền. Mình đoán là phần đất đỏ là nơi họ đang bang đất để xây khán đài.

Từ đó mình bắt đầu lấy mấy tờ tuần báo thể thao của ông cụ, như Thao Trường,.. làm Collection dưới cái đi-văn. Hè là mình đọc nát hết mấy cuốn này, độ trên ngàn tờ. Từ túc cầu đến xe đạp với tay đua Trần Văn Nên, đến quyền anh với võ sĩ Minh Cảnh,… Kinh

Đây là thao trường nơi các cuộc tranh tài như bóng bàn, nhu đạo, quyền anh,…được xây dựng thời đệ I Việt Nam Cộng Hoà . Có lần mình có xem chương trình đại hội nhạc trẻ tại Đàlạt, được tổ chức tại đây. Mình nhớ có ban nhạc CBC từ Sàigòn lên trình diễn, và ban Rolling Wheels mà có lần tay trống của ban nhạc có còm trên bờ lốc của mình. Sau này Việt Cộng phá bỏ các di tích lịch sử của chế độ cũ và xây lại một cơ sở tương tự nhưng xấu xí, ít ai sử dụng. Mình có ghé lại đây thấy vắng tanh như chùa Bà Đanh.
Thao trường nhìn phía sau, bên hông. Chỗ này có lần được sử dụng làm nơi thanh lọc cho chiến dịch Phượng Hoàng. Bao nhiêu con trai đều bị bắt, đem vô đây để điều tra lý lịch. Mình còn nhỏ nhưng cũng  trốn ở nhà cho qua dịch Phụng Hoàng.
Thao trường chụp từ Hồ Xuân Hương. Theo mình là một trong những cấu trúc đẹp của Việt Nam Cộng Hoà tại Đàlạt. Nay Việt Cộng phá bỏ, xây lại cái xấu gấp 100 lần. Chán Mớ Đời 
Altius- Citus- Fortius- Vòng Olympic. Đứng trước Thao trường là Ông Đốc công Công Chánh Võ Chí Hiếu ( Ảnh gia đình bà xã tui ). Vài dòng bố sung! Thanks! (Trần Công Hoà)

Ngày nay sân vận động được phá bỏ và thay vào đó là một siêu thị lớn nhất Đàlạt, phía trên là nền xi măng, có hai quả trái cây tượng trưng cho Đàlạt: trái dâu tây và quả artichaut.

Không ảnh do ông Bill Robie chụp trong thời gian tham chiến tại Đàlạt. Cũng may người Mỹ chụp hình nên Đàlạt mới có những tấm ảnh xưa.

Không ảnh cho thấy sự kết hợp của khách sạn Palace và các địa điểm thể thao mà khách hàng của họ được tham gia khi lên Đàlạt nghỉ dưỡng. Thủy Tạ là hội quán thể thao nước được gọi là “La Grenouillère “, được thiết kế theo một câu lạch bộ thể thao nước nổi tiếng tại ngoại ô của Paris mà trường phái ấn tượng được khởi đầu tại đây.

Có câu lạc bộ thể thao với tiệm ăn La Chaumière , sau này được đổi tên là Đào Nguyên. Mình nghe nói con gái của chủ tiệm ăn này đang định cư tại Nam Cali nhưng chưa bao giờ gặp. Bên trái là mấy sân quần vợt rồi đến Thao Trường, rồi sân vận động. Chúng ta thấy khán đài danh dự trên triền đồi, có hai làn talus kéo dài về phái Thao Trường, là khán đài bình dân mà khi xưa, đi xem đán bạnh mình hay đứng tại đó.
Mình có tham dự diễn hành đại hội thể thao năm lớp 11B. 

Các phái đoàn học sinh diễn hành đứng dọc đại lộ Thống Nhất từ tiệm ăn Đào Nguyên, đến cổng vào sân vận động. Khi diễn hành thì học sinh đi vào cổng 1,2 rẽ tay phải rồi đi qua khán đài danh dự, chào cái rụp rồi đi hết một vòng, mới quẹo trái vào sân vận động rồi theo sự chỉ dẫn để đóng theo đội hình. Thường là mùa mưa nên xình lậy, dơ giày dép hết. Mình tham dự một lần rồi sợ đến ngày nay. Chán Mớ Đời 

Ngày nay, chỗ mình hay đứng xem đá banh hồi nhỏ. Họ phá tường hết, xây siêu thị Big C ở dưới.

Đây là hình ảnh ngày nay của sân vận động xưa của Đàlạt . Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Bố tiên sư em, đừng gọi anh bằng Chú

 Hắn nhớ mãi ngày con bé dẫn bố sang nhà “cầu hôn” hắn. Hắn không nghĩ là người may mắn nhất trên đời. Người không lo âu mới là người hạnh phúc trên cỏi đời này. Quả thật con vợ hắn chả bao giờ lo đến cơm áo gạo tiền. Hắn âm thầm lo cho vợ con đầy đủ sung túc, không bao giờ ì xèo chuyện tiền nong, cũng không đòi hỏi. Hắn chợt nhận ra người đàn ông hạnh phúc, có một người vợ không ì xèo, không so sánh chồng người ta, chấp nhận sự may rủi 12 bến nước của cuộc đời mình.

Có ít nhiều cũng xong, không than thở. Không biết thế hay hoặc dở. Hắn có thằng bạn cứ rên với than: làm không ra tiền, vợ nó ì xèo muốn rụng tóc, đừng nói đến chuyện chim chuột.

Con bé, một đêm thỏ thẻ bên tai: đẻ một đứa nữa đi anh, em thích con gái. Hắn nhìn em không ừ cũng không phản đối; cô bé lại nũng niệu một mình em làm sao được? Hắn bật cười; thế à, thế phải làm sao. Hắn ngây ngô hỏi. Không chịu nổi con bé, coi trời đất chẳng ra gì. Con bé là người của tương lai, của mặt trời cách mạng, còn hắn sau mấy năm trại cải tạo chỉ mong muốn yên thân, gặm cỏ non bên đời.

Hắn thầm nghĩ đẻ thêm con gái để sau này nó xin đi học in-gờ-nít với tên già hàng xóm như mẹ nó thì khốn nạn nữa. Như để trả cái nghiệp cho cha. Hắn không muốn lâm vào hoàn cảnh bố vợ bất đắc dĩ của hắn, dẫn con gái qua, kêu anh sang nhà thưa với mẹ nó. Đời bố gặm cỏ non, đời con làm cỏ non cho người khác gặm. Chán Mớ Đời 

Trước đây hắn là tên ngông cuồng, rồi bị em hạ gục, sẵn đà thua luôn từ đó đến nay, xin làm người tình thua. Ngày em dắt bố em sang " cầu hôn" hắn. Hình ảnh mười năm trước vẫn như in, như mới hôm qua. Hình ảnh của Lan và Điệp. Em trùm khăn kín đầu, cúi đầu nước mắt đầm đìa. Bố không nói gì, lấy thuốc ra hút, hắn mời bố một bi thuốc Lào nhưng bố lắc đầu, chán chường của kẻ bị trầm cảm.

Hắn biết giờ xử tử đã đến, hắn không có can đảm như Nguyễn Văn Trỗi hô lên bác hồ muôn năm trước những ngọn súng của kẻ thù nhưng không ú ớ kêu được. Bỗng dưng bố vừa nói vừa giựt cái khăn trùm đầu của em. Đấy nó đòi đi tu rồi đó, anh tính sao? Con bé cạo đầu. Hắn bàng hoàng như Từ Hải khi xưa. Thấy Thuý Kiều bên cạnh Hồ Tôn Hiến. Ôi nhát chém hư vô! 

Tất cả im lặng, tình thế nặng nề, dung dịch không gian đã nặng, lại bị đè xuống như cái vòng Kim Cô từ từ xiết lại hơi thở củan Easy Rider. Hắn đã sống với giây phút của ngày đó muôn năm. Bố nói. Nó đi tu rồi anh đi tù. Nghe đến “đi tù” hắn thất kinh, nhớ lại những năm tháng dài học tập cải tạo, không may sinh ra trong vùng tạm chiếm, phải đi quân dịch của chế độ cũ, chớ hắn có thiết tha gì bắn giết nhau.

Hắn bỗng nhớ câu: tình tù tội. Không dám nói tử hình. Mà dám lắm đó chứ. Hắn bắt đầu run, run run đưa mắt dò hỏi cầu cứu.Tại em hăng hái tự nguyện nạp mình như những cô gái dẫn đường khi xưa trên đường vào Nam, đánh mỹ cút ngụy nhào. Hắn biết em hiểu rõ điều đó. Tới giờ này vẫn không hiểu lý do: cỏ non lại để trâu già gặm. Có lần hắn hỏi: này có điên không đấy, sao lại lấy ta. Em chỉ mĩm cười thơ ngây như cô bé đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, chỉ biết nam mô a di đà. Cái nụ cười thơ ngây đã đánh gục hắn từ hôm đầu em sang học in-gờ nít tại gia. Em ngây thơ cứ để phơi bày qua cổ áo lộ cặp bông đào trắng mịn, khiến hắn phải nuốt nước miếng bao nhiêu lần và nhiều đêm thức sáng đêm.

Quay lại chuyện hôm ấy: đầu em trọc lóc nước mắt lưng tròng: con không đi tu nữa, ở nhà phụng dưởng ba. Còn bầu bì thì sao ? Hắn hối hận đã thốt ra câu hỏi cực ngu của tên vô đạo, cũng không kịp nữa rồi. Dân chơi không sợ con rơi, đây hắn lại hỏi những câu vô thừa nhận, phản cách mạng. Bố em phang tiếp: phải trình báo công an thôi. Hắn điếng người! Cú này chết thiệt rồi. Bỗng em nói một câu xanh rờn: Con lạy bố hay là bố cho con lấy chú đi. Chuyện kể tới đây không hư cấu. Em đã cứu cuộc đời tôi. Em là thiên thần được Chúa gửi xuống để cứu rỗi tên vô đạo. Đã cho hắn cắn trái táo ngọt lịm của tình yêu học trò. Hắn nghe đến đây thì đang lo lắng, u sầu bổng bật cười. Bố tiên sư em, đến nước này mà còn chú với cháu.

Hắn mềm nhủn dưới chân em, nguyện cả đời làm Easy Rider để thương em và hắn trở nên người hiền lành, khờ khạo từ đó. Em đã ru hắn vô đạo thờ vợ nuôi con. Không phải nhu nhược mà lập công đền tội ăn cỏ non như Valjean của Victor Hugo mà mấy sư huynh kể khi xưa. Ôi khôn ba năm dại 1 lần yêu em. Bản chất em quá thơ ngây trong sáng. Đó là gánh nặng hắn vẫn âm thầm cưu mang. Mọi người đều khen: trâu già mà gặm cỏ non. Dĩ nhiên là hãnh diện đằng sau đó là triền miên lo lắng và chịu đựng. Cái tội giỏi chim chuột là đây. Tiến lên chiếm đóng mục tiêu. Xung phong

Bố tiên sư em.

Viết theo lời kể củan Easy Rider Đàlạt 1 ngày đại dịch tại Đàlạt. Lâu quá không thấy ông thần này còn chắc bận yêu vợ gặm cỏ non.  

Nguyễn Hoàng Sơn 

Người về từ New York

 Hôm qua, chân còn đau sau khi leo núi 14 tiếng đồng hồ nên ngồi nhà xem truyền hình, có anh bạn quen  từ New York, gọi hỏi đang làm gì, sẽ ghé lại nhà thăm. Đồng chí gái đi ăn với mấy người bạn để chia sẻ những bí quyết dạy chồng nên mình vui vẻ gặp lại người bạn quen từ khi mình sang Hoa Kỳ đến giờ, chỉ liên lạc qua nhắn tin về những chương trình công tác xã hội của Lửa Việt Youth Organization.

Anh bạn ngồi uống trà, kể chuyện đời xưa ở New York, cho biết tin tức mấy người bạn sinh hoạt chung khi xưa. Có anh bạn thường gửi email nói về các buổi hoà nhạc mà anh ta tham dự. Anh này học luật nhưng không đậu bằng hành nghề luật sư nên làm cho toà án, nghiệp dư đánh dương cầm.

Người thì trụ ở công ty AT&T trên 35 năm nay, chắc đợi ngày về hưu, chứng tỏ anh ta giỏi vì ở Hoa Kỳ dễ thay đổi công ăn việc làm. Người thì dọn về xứ khỉ ho cò gáy ở Maine nên mất liên lạc luôn. Anh ta nhắc đến bài viết của mình thời ấy “đơn xin cưới”, đăng trên báo của Bút NHóm Lửa Việt, gây quỹ,… dạo ấy, ở vùng Đông Bắc hiếm báo chí việt ngữ nên hàng năm cả nhóm phải làm báo xuân để cho người Việt tại đó đọc nhất là giới trẻ. Thấy ít bài nên mình chế đại ra một lá thư tỏ tình kiểu thời bao cấp, ai ngờ anh bạn lại nhớ dai thế. Hoá ra mình đã khởi đầu viết vớ vẩn từ thời ở New York, sau này lấy vợ thì chả còn đầu óc đâu mà viết véo.

 Anh ta kể sau khi bang giao với Việt Nam thì có một thành phần người Việt khác, không phải dân tỵ nạn mà là từ Việt Nam sang, rất giàu có. Mua nhà có cửa ở Manhattan ngay chớ không như người Việt tỵ nạn, phải làm lụng cả mấy năm trời. Nhóm của tụi này quen khi xưa thì lập gia đình, ly tán tứ xứ, dần dần mất liên lạc nhau.

Có 3 cô rất đẹp từ Hà Nội sang, được mỹ già lấy đem qua, cung phụng, mấy cô được họ thay phiên nhau chuyền nhau sử dụng hay anh chàng nào nổi tiếng ở Việt Nam, chuyên xài đôla,… dạo ấy có tờ Hợp Lưu, cho đăng các bài viết của các nhà văn tại Việt Nam và người Mỹ có mời một số nhà văn này sang Hoa Kỳ để giao lưu.

Anh ta cho biết có lần một nhà văn khá đình đám dạo ấy, được mời sang giao lưu. Có người nhờ anh ta chở ông nhà văn này đi đây đi đó, gặp gỡ các nhóm nhà văn mỹ và việt trong thời gian ông ta ở New York. Trong mấy ngày, anh ta đến đúng giờ, chở đi, chở về, rồi chở ra phi trường, nhờ những người bạn ở Boston đón tiếp anh này ở phi trường,…

Sau này, có lần anh ta về Việt Nam thì được nhà văn ấy mời ngụ lại nhà. Anh ta đã đặt khách sạn nhưng nhà văn ấy không chịu, bắt  buộc về nhà anh ta ở. Trong khi truyện trò, nhà văn kể sau khi đi Hoa Kỳ về thì ông ta không viết được nữa, khủng hoảng tinh thần vì những gì mục thị tại Hoa Kỳ khác với những gì thầy mình dạy.

Anh ta học ở trường, báo chí, tuyên truyền là mỹ ngụy gian ác,…nhưng tại Hoa Kỳ thì gặp người Mỹ rất lành mạnh, nhất là người Việt tỵ nạn. Điển hình là với anh bạn, trong mấy ngày ông ta quan sát để xem anh bạn mình có phạm lỗi gì như thầy mình dạy. Tuyệt nhiên không, người Việt sinh tại Hà Nội, sống lên trong chế độ cộng sản thì họ rất tinh tế, nhận ra ngay đối tượng. Đây thì không, anh bạn đối xử nhà văn như một người đồng hương thậm chí những người bạn do anh ta gửi gấm ở các thành phố khác cũng đối xử ông ta rất tốt không như thế lực thù địch mà thầy ông ta dạy.

Mình có anh bạn học nay vẫn ở Đàlạt, kể là sau 75, anh ta ra Hà Nội có việc, ông thầy dạy Vạn vật nhờ đem thư ra cho một người bạn học xưa, xa nhau từ năm 1954. Gặp anh này, ông bạn của thầy Hưởng cho biết, anh không phải là con trai miền nam vì trong đó chỉ toàn du đảng, ma cô, sì ke ma tuý do mỹ ngụy đào tạo. Gái làm điếm cho 500,000 quân mỹ,… cho thấy trí thức Hà Nội vẫn có tư duy sai vì tuyên truyền.

Con người chúng ta khá hơn các động vật khác nhờ chúng ta tạo được ngôn ngữ, nhất là có óc tưởng tượng ra những câu chuyện. Chúng ta sống nhờ các câu chuyện được truyền khẩu hay dạy trong lớp. Những câu chuyện này trở thành các ngọn hải đăng, giúp chúng ta đi trong đêm tối, lần mò đến những tương lai khác lạ.

Khi đọc Illiad và Odyssey của Homer, chúng ta cảm nhận các huyền thoại, những câu chuyện dân gian của Hy Lạp tạo dựng cho họ một loài người nữa thần nữa người thường. Những câu chuyện này được định hướng sẽ làm con người nghiên theo đó như những Fake News mà chúng ta gọi ngày nay. Tuổi trẻ hôm nay không đi nhà thờ nữa vì họ không thích những câu chuyện được kể trong kinh thánh. Những chuyện không còn phù hợp với giới trẻ hôm nay.

Giới trẻ mê đọc các truyện “dã tưởng” hoạt họa Manga của Nhật Bản, mà các phim trường Nhật Bản đang thực hiện ăn khách như trẻ em mỹ mê Superman,Spiderman. Những tôn giáo khác ra đời như bảo vệ súc vật khiến luật pháp Cali, sẽ không cho bán thịt lợn vì các nhà chăn nuôi, không cho heo đi bộ hàng ngày. Trứng gà nay toàn là Free range, gà đi bộ,..  hay những tín đồ bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống,... Có thể 100 năm sau, con cháu chúng ta sẽ trở thành các tín đồ cứu vớt các đàn cá voi, trồng cây, về với thiên nhiên,.. các con vật khác sẽ trở thành những thánh vật,..

Sau 6 tháng tắt nguồn viết, ông ta mới đổi đề tài viết. Ông ta không viết theo tư duy đã được đào tạo bởi thầy ông ta mà viết theo những gì ông ta đã giác ngộ sự sai trái của thầy mình đã dạy hay tuyên truyền của nhà nước, không đúng với thực tế. Nhiều nhà văn đã chới với khi vào Sàigòn sau 75, thấy mỹ lệ cao sang hơn Hà Nội nhưng họ chưa hiểu được người miền Nam.

Nhà văn kể cho anh bạn là anh của ông ta đi bộ đội vào chiến trường miền nam. Khi về lại Hà Nội thì đại đội hay trung đoàn chỉ còn lại hai người sống sót, không nhớ rõ, anh của ông ta và một người đồng đội bị điên vì bị bom đạn. Các binh sĩ mỹ hay bị hội chứng này sau khi trở về từ chiến trường mà người ta gọi Post-traumatic Stress Disorder (PTSD). Đọc tài liệu của Nga thì cho biết có đến 30,000 binh lính mỹ đã tự tử sau khi trở về từ Iraq.

Người anh cả đi bộ đội nên nhà văn được miễn dịch ở lại Hà Nội viết văn. Khi về thì anh cả kêu là giải ngủ, về hưu. Ông bố hỏi sao lại giải ngủ, anh cả cho biết là hết chiến tranh. Ông bố kêu ngu thế, thời bình thì mày phải ở lại quân ngủ để hưởng chiến công của mình. Thế là ông anh cả ở lại quân đội và giàu sang nhờ được làm kinh tế.

Câu chuyện này phát sinh ra đầu đề của truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn “Tướng về hưu”. Sau khi anh bạn về, mình ngồi nghĩ vớ vẩn. Anh bạn này di tản năm 75, không sống với Việt Cộng một ngày, lớn lên tại Hoa Kỳ, nên tinh thần khá cởi mở dù gia đình chống cộng từ xưa, gốc Bắc kỳ di cư nhưng không mù quáng. Khi được nhờ lo cho mấy người Việt từ Việt Nam sang thì anh ta nhận làm một cách nghiêm túc, đối xử một người Việt từ Việt Nam sang như một người đồng hương, không phân biệt chiến tuyến.

Cũng từ đó khiến nhà văn thay đổi quan điểm, sau 6 tháng tịt ngòi, ông ta bắt đầu viết và viết. Nếu anh bạn New York, cứ dùng mối căm thù với Việt Cộng thì chắc chắn sẽ không cảm hoá được nhà văn nổi tiếng trên và chúng ta sẽ không đọc được những áng văn, truyện ngắn hay của ông ta sau này. Trước khi ra đi, ông đã được huấn luyện tinh thần về chính trị để đối phó với người Việt tại hải ngoại. Trước khi đi du học, mình cũng được Nhà Du Học giảng về những Việt kiều yêu nước bên Tây.

Cư xử của anh bạn đối với một người đồng hương rất chân tình như với những người Việt khác, khiến nhà văn ngạc nhiên. Sau này ông ta gặp các người Việt khác ở hải ngoại, cũng giúp đỡ, đối xử tử tế với ông ta, không phải thế lực thù địch như nhà nước tuyên truyền nên đã phản tĩnh.

Nếu người Việt hải ngoại cư xử khác anh bạn New York, thì chắc sẽ không cảm hoá được nhà văn, ông ta sẽ nghĩ ông thầy đúng khi dạy về người thua cuộc, chắc sẽ không có những áng văn hay sau này mà toàn là những áng văn căm thù mỹ ngụy. Trong mùa dịch, hay những thiên tai, bão lụt, người Việt hải ngoại vẫn tiếp tế về cho gia đình cũng như người không quen.

Còm trên facebook

Đọc câu chuyện của anh Sony NguyenUsa làm em nhớ tới hai thằng em trai lúc tụi nó học cấp một , lớp bốn sau năm 1975 , có một buổi trưa tụi nó đi học về thì mặt mày xanh như đít nhái , hớt hải chạy xuống nhà bếp nói với mẹ em rằng : mẹ ..mẹ ... Mỹ , Nguỵ ăn thịt người .....!! 

Thì ra buổi đó tụi nó học bài tập đọc ở trường dạy bài Mỹ Nguỵ giết thường dân rồi mổ bụng lấy bộ đồ lòng bỏ vô chảo nấu lên ăn ...!! Hai thằng em học bài học đó , tụi nó sợ mất vía , sợ và căm thù giặc Mỹ ,,., nhưng giờ tụi nó lớn rồi , trưởng thành và có nhận thức đúng đắn của lập trường cách mạng , quán triệt để nên tụi nó biết tụi nó bé cái lầm , bị cộng sản nhồi sọ , lừa, nhát ma mấy đứa con nít ..!! Ngược lại , bây giờ tụi nó thấy cộng sản hút máu người là có thiệt ...


Nguyễn Hoàng Sơn 

Gặp người đồng hương Đàlạt

Hôm nay trên đường về nhà, mình ghé lại thăm gia đình một chị đồng hương Đàlạt. Mình quen chị ta qua bờ lốc của mình. Chị đọc bài về Đàlạt rồi liên lạc với mình, tặng đồng chí gái bánh bột lọc, giò sống do người Huế chính gốc làm. Hôm nay được chị ta cho ăn lần đầu tiên trong đời món chả gà, thường thì giò lụa làm bằng thịt heo, đây chị làm chả bằng thịt gà. Ngon cực đỉnh. Ăn loại này ngon hơn ăn giò chả làm bằng thịt heo. 

Tình đồng hương Đàlạt rất quý, mình không quen trước đây nhưng chị ta lại bỏ công để làm các món ăn Đàlạt xưa cho gia đình mình.

Nói tới giò chả lại nhớ đến giò chả An-Lộc và Mỹ-Hương Đàlạt xưa. Một nằm ở đường Phan Đình Phùng, đối diện tiệm sách Minh Thu và một nằm dưới cầu thang chợ Đàlạt. Hình như mấy người này thuộc làng Ước Lễ thì phải, nổi tiếng về món giò.

Chị cho biết gia đình khi xưa ở gần trường Trần Hưng Đạo, thời tây gọi là Cité Decoux, tên của ông toàn quyền thực dân, mình có tên bạn ở đâu khu này, dành cho các thầy giáo Trần Hưng Đạo. Học sinh Bùi Thị Xuân trên cô em mình một lớp, có người chị làm dâu nhà ông Đại ở xóm Địa Dư, đường Hai BÀ Trưng gần nhà mình nên khi nghe mình kể vườn Ông Ba Đà là chị nhớ vì thường hay đi ngang qua con đường mòn này, đến thăm chị lấy chồng xa. Chị là bạn học với một chị khác, có liên lạc qua Phây, gia đình có tiệm cà phê Tình Nhớ, trên đường Hàm Nghi. Mình tưởng chỉ có con trai Đàlạt mới mê Bích Thuỷ, CBMT, đối tượng thời mới lớn của mình, ai ngờ chị này cũng kêu khi xưa hay đi ngang nhà CMBT để ngắm cô nàng, kêu mê nhất là cái bớt đỏ. Kinh

Có ai nhận ra cô gái này? Con bà bán hoa, cạnh cầu thang, gần khu bán guốc. Nếu còn sống chắc cũng 60 tuổi.

Gia đình chị được gia đình chồng bảo lãnh sang. Học làm nail nhưng đậu xong thì không ai mướn vì chưa có tay nghề, sau nhờ đồng hương Đàlạt nhận rồi chỉ nghề cho. Người Đàlạt giúp đỡ đồng hương ở hải ngoại. Dạo mới sang Cali, mình cũng được người Đàlạt cho tạm trú trong khi đi kiếm nhà mướn. Không dám chạy xe trên xa lộ nên trong tuần ở gần chỗ làm rồi cuối tuần thì chồng hay con đón về nhà.

Qua chị mình thấy hình ảnh người mẹ Việt Nam, hy sinh đời mẹ củng cố đời con. Hai cô con gái chịu khó học, một cô học ở UCLA, cuối tuần về thăm mẹ còn cô em thì chắc gần xong đại học. Đi làm xa, vất vả hít thở các mùi chất hoá học để nuôi con ăn học. Nghề nail ở Hoa Kỳ nuôi ăn học nhiều bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư người Việt.

Trên đường về, mình nhớ đến bà cụ, hình ảnh người mẹ trùng khơi, một đời hy sinh cho con, tận tuỵ lo cho chồng. “Con đi đâu, con về đâu, cuộc đời của mẹ là câu trả lời”. Mình gọi cho một bác, bạn thân của bà cụ, hẹn ngày mai ghé thăm, hai vợ chồng bác di dân sang đây cùng thời với mẹ mình nhưng bà cụ lại bỏ về Việt Nam. Hai bác cũng chán đời cấm cung người già tại Hoa Kỳ nên cũng muốn về lại Đàlạt. Đại dịch nên hai bác kẹt lại đây.

Sáng nay, mình ghé thăm hai bác thấy vui vẻ. Bác trai không đòi về Việt Nam nữa, lý do có quen vài ông bạn H.O. Cà phê cà pháo với nhau mỗi ngày cũng quên tuổi già. Mấy lần trước, nói chuyện với chị con dâu, kêu ba chồng em cứ đòi về Việt Nam hoài. Nghe hai bác kể con cái ở hải ngoại mà buồn, có bạn của bác trai kể nhờ con chở đi quán cà phê, mỗi ngày để gặp người Việt, tán gẫu cho qua ngày cuộc đời tỵ nạn, con bảo trả cho chúng $150 tiền xăng mỗi tháng. $5 đồng tiền xăng mỗi ngày, trung bình một gallon xăng (4 lít) chạy được $28 dặm. Chán Mớ Đời 

Ở Hoa Kỳ mà không biết lái xe xem như què, không biết anh ngữ xem như câm. Đi đâu phải nhờ con, khi chúng rảnh mới chở đi, chớ đâu biết sử dụng Uber. Do đó mình không bảo lãnh ông bà cụ sang, đi du lịch sang ở chán thì về, khi nào nhớ cháu thì sang lại vài tháng. Lần đầu tiên, ông bà cụ sang, mình ở ngay Bolsa nên ông bà cụ thích lắm, ngày ngày ra mua báo ở chợ Quang Mình, uống cà phê đi dạo ra PHước Lộc Thọ, ở cả năm, lần thứ nhì sang thì mình dọn đi xa Bolsa độ 20 phút lái xe, bà cụ Chán Mớ Đời ở có vài tháng là đòi về.

Tuần này, mình có ra Bolsa để gửi thuốc bổ về cho mẹ. Khi xưa, mỗi tháng, thời sinh viên đi làm bồi nhà hàng cuối tuần để mua quà gửi về cho nhà, hay khóc khi nghe bản nhạc “chút quà cho quê hương” của Việt Dũng. Nhớ nhà nhớ cha trong trại cải tạo, sau này có vợ thì hết nhớ. Vui duyên mới quên nghĩa vụ. Về nhà, gửi giấy chứng nhận gửi quà cho cô em, hỏi sao không có sữa và dầu xanh, phải chạy ra gửi tiếp. Đại dịch nên hàng về Việt Nam chậm hơn, sẽ đến 2 tuần.

Ra Bolsa mới biết người Việt gửi về Việt Nam thuốc bổ sung như sinh tố C, Zinc, D, không biết ai nói là uống 3 thứ này là chống cô-vi. Chán Mớ Đời  Vào Costco thì thấy người á đông mua hết các sinh tố và chất bổ sung. Hóa ra họ mua để gửi về cho cho quê hương để giúp gia đình qua cơn đại dịch.

Đại dịch ở Hoa Kỳ, các hộ nghèo, có thể đến các trung tâm phân phát thức ăn. Ông Larry có 10 cái nhà và $800,000 tiền tươi trong tài khoản, buồn đời, không có gì làm cũng xếp hàng trong xe, đợi đến phiên mình để mang một thùng thức ăn về gồm thịt cá, trái cây, rau quả 2 ngày mỗi tuần. Rồi cái nào không dùng thì lại đem cho cô tiếp viên ở nhà hàng.

Khi xưa thời bao cấp, mỗi tháng phải gửi quà cho quê hương nhưng sau này, mấy người em chê quần áo không đúng mô-đen, bú xua la mua, kêu là Việt Nam cái gì cũng có, cứ gửi tiền về để nhà tự mua theo ý của nhà. 

Hôm trước, ngày Từ Phụ, hai đứa con dẫn đi ăn ở tiệm Ý, ngay biển Laguna Beach. Lần đầu tiên được chúng trả tiền, mình cảm thấy vui vui nên nghĩ mẹ mình chắc cũng vui khi nhận quà cho quê hương của mình nên ra Bolsa gửi lại, dù tiền cước $40/ 10 cân Anh, cộng thuế. Ra chỗ gửi quà, lần đầu đem dầu gió và sữa Ensure khiến họ không vui vì họ có bán giá cao hơn đâu 20%, lần sau mình mua của họ cho khoẻ, khỏi mất công vào Costco, mặt họ vui ra mặt, tới tay nhà cho nhanh thay vì đợi có chuyến về Đàlạt. 

Gửi quà xong thì cứ tưởng tượng mẹ mình nhận được chắc sẽ vui lắm như mình được mấy đứa con mời đi ăn cơm Ý Đại Lợi. Tại sao mình không nghĩ đến điều đó trước đây. Cứ nghĩ gửi tiền là xong bổn phận. Thôi kệ mỗi lần gửi quà, tốn thêm $100 tiền cước phí và thuế nhưng mua được nụ cười của mẹ, mình may mắn còn mẹ để làm những việc nhỏ nhoi này hơn những người không còn mẹ.

Hôm qua nhà đã nhận được quà trước giờ G. Viết chưa xong nhà đã nhận quà.

Nhớ trước khi đi tây, mẹ mua cho cái lắc bằng vàng, bảo sang Tây đói, thì đem cây vàng ra bán để mua bánh mì gặm, bên tây họ xem bánh mì là lương thực. Sau này, mình nhờ cậu Tri, con ông bà Tiềm đem về cho mẹ, để nuôi mấy em, khiến mẹ khóc trong thư.

Mình rời Đàlạt trên 47 năm nhưng hình ảnh của mẹ không bao giờ phai trong tâm trí, một người lam lũ buôn bán, lúc nào cũng có bầu, biểu tượng cho chữ “Hảo”. Mẹ mình có thai đúng 14 lần, sinh ra được 11 người con. Vừa ở cử 30 ngày, lại nghe tin có bầu nữa. Cứ thấy mẹ nằm chiếu, có lò than, thoa nghệ và gừng thêm long não rồi lại vác trống chầu đi chợ, lội bộ từ đường Hai Bà Trưng ra chợ qua dốc Nhà Làng, Minh Mạng.

Hai cô mụ Thanh và Tuý của nhà bảo sanh Hiền Chi, ở đường Phan Đình Phùng kể; mẹ mày nói có làm chi mô, vừa ở cử xong là ba mày chích một phát là dính bầu ngay. Hai cô mụ Đàlạt xưa đều qua đời tại đất mỹ. 

Cuối tuần mình và cô em kế ra dọn hàng cho mẹ mình để mẹ ngủ lâu hơn một tí để tránh xẩy thai. Mẹ mình bị xảy thai 3 lần, cũng vì khiêng nặng. Sau này biết lái xe gắn máy, mình chở mẹ đi chợ và đón về vì ôm cái bầu đi lên dốc Mình Mạng hay cầu thang chợ cũng châm. Nhờ vậy, có chuyện gì mẹ mình đều kể cho mình, ngày nay vẫn thích kể chuyện đời xưa với mình. Mấy người em thì còn nhỏ trước 75 nên khi mẹ kể chuyện là như bò đội nón.

Lâu lâu, gặp lại đồng hương Đàlạt, lại nhớ về quê cũ. “Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại, Đàlạt ơi thôi hết những chiều mưa,…”

Nguyễn Hoàng Sơn 


Tại sao chúng ta nghèo?

Khi xưa, đi học về tài chánh, đầu tư, ông thầy kêu người làm $50,000/ năm và người làm $100,000/năm có bạn bè, đọc sách vỡ khác nhau. Do đó muốn làm nhiều tiền hơn thì phải kiếm người làm nhiều tiền hơn mình để giao du vì tư duy của họ khác với cái đầu đặc sệt của mày. Mỗi sáng thứ tư trong tuần từ 7:00 đến 8:30, mình tham dự các buổi họp của Toastmasters thì thấy cái bảng to treo trên tường quảng cáo của cuốn sách “why the rich get richer and the poor get poorer” khiến mình tò mò tìm đọc.

Dạo này thị trường chứng khoán lên như điên dù bị đại dịch nên người ta không hiểu, chỉ biết là mình phải  nhảy lên xe đi chung với họ để khỏi lỡ chuyến đò. Mình có mua cổ phiếu của các công ty dược phẩm sản xuất thuốc chích ngừa như Moderna (Mnra) và Pfizer. Tuần rồi mình tò mò mở tài khoản ra thì thất kinh vì mấy cổ phần này lên như điên nên mình bán ăn non. Mình mua hồi đầu năm, thấy nó xuống te tua nên đợi.

Lý do là thường vào tháng 9-10 thị trường hay xuống lắm thêm tin tức cứ báo là vi khuẩn covid này biến thể delta gì đó nên không biết tương lai ra sao. Không nên tham như bố anh bạn hay nói với mình là nên ăn non. Bác này dạy mình là khi cổ phần lên gấp đôi thì cứ bán phân nữa, lấy vốn về rồi để phần lời của mình lên, cứ gấp đôi là bán, dùng tiền đó để mua cổ phiếu công ty khác. Bác này sang Hoa Kỳ từ 75, không phải đi làm một ngày, cứ dùng tiền của bác đã đưa ra hải ngoại trước 75, đầu tư mà sống.

Các ngân hàng cho biết là thị trường chứng khoán lên cao thì các khách hàng của họ càng mượn tiền nhiều hơn. Họ mượn tiền thế chấp các tài khoản cổ phần và chứng khoán của họ. Cái này là hay vì khi thị trường đang lên mà mình cần tiền để làm gì thì mất trắng lợi tức có thể có nếu bán cổ phiếu.

Thí dụ: cổ phiếu của hãng Moderna đang lên như điên, từ 6 tháng nay mình thấy nó lên như điên đâu $493/ cổ phiếu mà bán như mình vì sợ, muốn ăn non. Một người giàu có, khôn ngoan sẽ thế chấp các cổ phiếu của họ để vay mượn ở ngân hàng. Theo Merrill Lynch cho biết, khách hàng có gia sản trên một triệu đô thì họ cho vay với 3.2% tiền lời còn khách hàng có tài sản trên 100 triệu thì chỉ lấy .87% tiền lời. Họ lấy tiền huê hồng để quản lý số tiền đầu tư hàng năm.

Mình hay mượn tiền của bảo hiểm nhân thọ VUL để mua nhà rồi khi lấy tiền nhà hàng tháng thì bỏ lại hay mượn tiền của IRA . Lý do là tiền lợi khi mượn ra từ tài khoản của mình rẻ hơn của ngân hàng, không phải đóng thuế. Mình cho thí dụ để dễ hiểu hơn:

Lấy thí dụ mình có một trương mục đầu tư vào thị trường chứng khoán, có số tiền là $100,000. Mình cần tiền $50,000 để mua căn nhà. Nếu bán cổ phiếu $50,000 thì phải đóng thuế năm đó, xem như 45% số tiền $50,000, xem như cúng Bác Sam (uncle Sam) $22,500. Thay vì bán cổ phiếu đang lên thì mình mượn thế chấp tài khoản số tiền $50,000 với tiền lời đâu 3%. Trong khi đó số tiền trong tài khoản của mình, vẫn tiếp tục lên như MOderna từ 6 tháng này $493/ cổ phiếu, xem như mình có thêm $35,000 trong 6 tháng, và chỉ trả tiền lời 3% trong 6 tháng là $750. Mình vừa bán xong thì nó xuống. Chán Mớ Đời 

Ngu như mình thì đem bán là xem như mất toi $35,000 thêm phải đóng thuế $22,500. Chán Mớ Đời 

Được cái là mình bán trong tài khoản Roth-IRA của mình nên không bị đóng thuế. Nếu thị trường xuống thì may còn lên tiếp thì xem như trời chỉ cho mình chừng ấy, không nên tham. Dạo này mình cũng chuyển tiền hưu trí của đồng chí gái qua cổ phiếu cho chắc ăn. Khi đại dịch vừa xảy ra ở Vũ Hán, mình nghĩ chỉ ở Trung Cộng nên không để ý, ai ngờ nó chạy qua Hoa Kỳ , thị trường chứng khoán xuống 20% nên hơi chới với. Kỳ này cho chắc nên ăn non rồi xem tình hình ra sao vào sang năm 2022 lại tính tiếp. Cứ đầu năm mua rồi vào mùa thu bán cho chắc ăn. Mình chỉ để lại các công ty dầu hoả, thời ông Trump xuống như diều gặp mưa, bạn xúi dại nên mua, nay thì lên như điên vì lạm phát. Họ đang tính là sang năm tiền an sinh xã hội sẽ được gia tăng 7.8% thay vì 3% như năm nay. Xem như lạm phát lên 7%. Kinh

Mượn tiền ngân hàng thế chấp tài khoản đầu tư của mình rất dễ, không như mượn ngân hàng vớ vẩn, đòi đủ giấy tờ, chỉ cần điền cái đơn thì trong vòng mấy ngày là nhận được rồi. Thêm mình có thể trả lại khá dễ, nhiều hay ít thôi.

 Bank Of America cho biết họ cho vay thế chấp kiểu này lên đến $62.4 tỷ . Kinh

Ông Edward McCaffery, giáo sư đại học luật khoa của USC, cho biết: “ordinary people don’t think about debt the way billionaires think about debt”. Chán Mớ Đời 


Người giàu mượn nợ, sự tính toán của họ rất rỏ ràng: nếu gia sản của họ gia tăng nhanh hơn tiền lời của số nợ, thì cuối cùng họ sẽ giàu hơn như mình đã kể trên mượn $50,000 thay vì bán $50,000. Luật Hoa Kỳ là người có tài sản hay kẻ thừa kế không phải đóng thuế bây giờ và chỉ đóng khi bán. Nếu họ tái tài trợ căn nhà như mượn nợ mới thì khi bán, sẽ trừ tiền nợ ra, và không đóng thuế hay ít lại.

Khi họ chết thì có thể bị đánh thuế thừa kế (estate taxes ) nhưng con cháu họ chỉ đóng thuế lời khi nào họ bán từ lúc bố mẹ hay ông chết.

Theo thuế vụ họ hay gọi là step up basis. Thí dụ chúng ta mua căn nhà $200,000 rồi khi qua đời 40 năm sau, căn nhà trị giá $1,000,000, xem như lời $800,000 nhưng con cháu không phải đóng thuế tài sản thừa kế vì ngày nay được miễn nếu tài sản dưới 11 triệu. Sau này, con cháu bán căn nhà $1.2 triệu thì chỉ đóng thuế trên tiền lời $200,000. ($1,200,000 - $1,000,000 (khi qua đời) ).

Người Mỹ gọi chiến lược này là “Mua-Mượn-Chết”. Khi chúng ta đã giàu thì dễ lắm, chỉ mua bằng mượn nợ rồi chết, không bị đóng thuế. Luật này có trên 100 năm rồi.

Ông Biden đang tìm cách kiếm cách để đánh thuế thừa kế vì chính phủ in tiền, nợ như chú chổm, thiếu tiền, đang tính tăng thuế tiền lời từ 23.8% lên 43.4% và chỉ miễn 1 triệu đô thôi. Ai có tài sản từ 1 triệu trở lên sẽ bị đánh thuế. Chính phủ in tiền ra thì phải thu lại bằng cách đánh thuế. Chỉ có người bình thường như mình mới đóng thuế còn dân triệu Phú đều thành lập nhưng pháp nhân để lách luật như ông bà Clinton, thành lập Foundation Clinton, có trên 2 tỷ đôla sau một đời vất vả lo cho nhân dân, không phải đóng thuế .

Nếu quốc hội thông qua luật đánh thuế này thì người ta sẽ dùng cách mượn tiền ra, để xài và khi chết thì không bị đánh thuế. Thí dụ: tài sản anh có 2 triệu, nếu chết thì phải đóng 43.4%, xem như 50% để dễ làm tính. Vợ con anh được miễn 1 triệu, còn lại phải đóng thuế 50% trên triệu thứ 2, xem như đi đong $500,000. Anh chỉ cần mượn $1,000,000 cho con cháu trước hay làm gì đó, khi chết thì gia sản chỉ còn 1 triệu sau khi trừ tiền nợ, con cháu được miễn đóng thuế.

Người giàu gọi số tiền nợ là tiền ma (phantom money) . Lấy thí dụ: anh có căn nhà mua $200,000. 30 năm sau, về hưu, giá nhà lên $800,000, anh có thể mượn $500,000 để đi chơi du lịch vòng quanh thế giới với phi cơ tư riêng. Mình thấy National Geographic quảng cáo mất $100,000/ người, ở khách sạn xịn, tiêu xài vui vẻ, rồi vài năm sau đô la mất giá nhà lên tiếp, lại tái tài trợ, xài tiếp.

Ở quận Cam, anh chỉ cần có 5 căn nhà là về hưu. Cứ tái tài trợ lại $500,000 cho 2, 3 năm, không phải đóng thuế, xài mệt thở. Không phải đi làm.

Lấy thí dụ như ông Elon Musk mượn tiền đâu $150 tỷ thế chấp trên số cổ phần công ty của Tesla. Nếu ông ta bán thì sẽ làm cổ phiếu của công ty Tesla xuống nên họ cứ để cho nó leo lên như điên. Bù vào đó họ chỉ thế chấp một số cổ phần của ông ta. Tương tự ông Fred Smith, của FEDEX Corp. Cũng thế chấp 23.4% cổ phần của ông ta để mượn $598 triệu để đầu tư vào chuyện khác. Nôm na là mượn đầu heo nấu cháo. Vì ông Musk hay Smith sẽ không mất số cổ phần công ty của họ và quyền phủ quyết, bầu bán trong hội đồng giám đốc.

Mình đoán là Bill Gates, Bezoz ly dị vợ, chắc cũng mượn tiền thế chấp để trả cho vợ nếu không thì Amazon và Microsoft xuống như điên.

Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hội thảo các chương trình phục hồi kinh tế California hậu đại dịch

 Sáng nay, mình được chương trình “Khéo Dùng Tiền” của đài truyền hình Little Sàigòn cử tham dự buổi hội thảo qua mạng (webinar) do William Stephanie Foundation tổ chức với các viên chức của tiểu bang California về các chương trình giúp đỡ người dân Cali, trổi dậy sau vụ đại dịch Covid-19.

Phần 1, do bà Lynn von Koch-Liebert của BCSH, (Business, Consumer SERVICES and Housing Agency) nói về chương trình tiểu bang giúp đỡ người thuê nhà và chủ nhà trong đại dịch. Như chúng ta đã biết là có Moratorium , chủ nhà không được đuổi người thuê nhà dù họ không trả tiền nhà, được gia hạng đến tháng 9 năm 2021. Nghe nói ông Biden đang tìm cách trì hoãn thêm vụ này. Vấn đề không trả tiền thuê nhà này khiến thiên hạ chết như chơi vì người ở không trả tiền nhà, tiền điện nước,.. chủ nhà phải trả tiền nợ ngân hàng, lại không được chính phủ giúp đỡ. Cho thấy Hoa Kỳ đang tiến dần vào chủ nghĩa xã hội.

Có nhiều người thuê nhà, không mất việc nhưng nhân cơ hội này, rủ nhau không đóng tiền nhà, dùng tiền nhà để xài khiến chủ nhà ngất ngư vì luật pháp không cho đuổi nhà. May là họ cho phép đưa đơn cho người mướn nhà, khía báo là bị ảnh hưởng của đại dịch và phải nộp lại cho chủ nhà tỏng vòng 15 ngày. Nếu không làm thì sau khi moratorium hết hạn vào cuối tháng 9 này thì chủ nhà có thể làm thủ tục đuổi nhà và sẽ khó kiếm nhà cho thuê lại vì không trả tiền.

Lúc đầu mình được chỉ định chuyển ngữ trực tiếp nhưng lại nghe vừa tiếng anh, vừa tiếng tàu,… lộn xà ngầu nên cuối cùng họ chỉ để tiếng anh thôi nên mình ghi lại vài điều để viết lại. Lần sau lên đài mình sẽ tường trình cho chắc ăn.

Trước đây chính phủ California có ra những chương trình giúp đỡ giúp người thuê nhà, mình thấy các thành phố gửi email, cho biết về những chương trình này. Moratorium của chính phủ cho phép người thuê nhà có thể trả 25% tiền thuê nhà nếu họ bị thất nghiệp, bị dính covid,…nhưng có nhiều người tuy không bị thất nghiệp vẫn không trả tiền nhà khiến chủ nhà ngọng.

Trong trường hợp này, chủ nhà cần “serve” một bản gọi là “Notice of 15 days “ trễ tiền nhà, trong đó có một tờ mà người thuê nhà cần điền, cho biết mình gặp khó khăn tài chánh vì ảnh hưởng COVID-19. Nếu không điền đơn này và gửi lại cho chủ nhà thì khi moratorium hết hạn thì chủ nhà có quyền đuổi người thuê nhà. 

Tóm lại, để bảo vệ quyền lợi chủ nhà cần phải “serve” Notice 15 ngày kèm theo tờ đơn để người thuê nhà điền là họ gặp khó khăn tài chánh trong đại dịch. Tương tự người thuê nhà cần phải điền và gửi tờ giấy tuyên bố là mình gặp khó khăn tài chánh vì đại dịch, nếu không thì khi moratorium, luật chính phủ ra khi đại dịch khởi đầu, hết hạn thì sẽ không được toà bảo vệ quyền lợi của người thuê nhà.

Chương trình này sẽ được khởi đầu vào tháng 9 tới nhưng ai cũng có thể vào website (houseiskey.com) https://housing.ca.gov/  để điền đơn trước vì khi bắt đầu thì ngân sách rất mau hết.

Chương trình này nhằm giúp các chủ nhà và người mướn nhà có đi làm, bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thiếu tiền thuê nhà và trong những ngày tháng tới, để trả tiền thuê nhà và tiền điện nước. Để giúp người thuê nhà để tránh bị đuổi nhà vì thiếu tiền nhà.

Mọi người đều có quyền nạp đơn, kể cả những người ở lậu, không cần phải chứng mình là công dân mỹ. Tiền trợ giúp sẽ không tính là lợi tức cho người thuê nhà và sẽ không ảnh hưởng gì đến các chương trình trợ cấp khác của tiểu bang như Calfresh và CalWORKS.

Chủ nhà và người mướn nhà đều được khuyến khích nạp đơn. Điều kiện được chấp thuận: người mướn nhà bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tiểu bang sẽ tính lợi tức khi nạp đơn để xét và còn thiếu tiền thuê nhà và tiền điện nước. 

Chủ nhà có người thuê nhà thiếu tiền mướn nhà và cần giúp đỡ vì mất lợi tức, với điều kiện người mướn nhà ít lợi tức. Tất cả tiền nhận được từ chính phủ sẽ thảo mãn số tiền nhà thiếu từ 1 tháng 4 năm 2020. (Không rõ là chính phủ có trả hết tiền thiếu nhà hay không). Người mướn nhà cần phải hội đủ điều kiện và ký đơn.

Chương trình AB 832, cập nhật hoá từ chương trình SB 9, nay sẽ trả hoàn toàn tiền thuê nhà 100% thay vì 75% như trước đây. Tiểu bang có thêm ngân sách 2.6 tỷ đôla và 5.2 tỷ đô la cho tiền thuê nhà và việc đuổi nhà sẽ dời lại sau ngày 30 tháng 9 năm 2021. Thủ tục giấy tờ sẽ được đơn giãn hoá, ít tài liệu cần nộp trên mạng. Webiste mới là Housing Is Key. Xem phần trên. Có tiếng Việt. Hình như có đến 32 ngôn ngữ, ai không có điều kiện vào Internet thì sẽ có số điện thoại, có người nói tiếng Việt để giúp đỡ.

Xem biểu đồ trên để biết ai có quyền và phương thức điền đơn chi hợp lệ.

Có 3 cách để nộp đơn:

1/ nộp đơn trên mạng qua trang nhà Housingiskey.com, có thể gọi Điện thoại thẳng, có người nói tiếng Việt đẻ giúp nộp đơn và cuối cùng là có thể được giúp đỡ qua các văn phòng đồng hành với chương trình tại địa phương như người ta có thể đến nhà để giúp hay đến văn phòng. Housingiskey.com có một số đại diện địa phương, và sẽ được cập nhật hoá thường xuyên.

Muốn điền đơn thì vào trang nhà Housingiskey.com hay các đối tác địa phương của hệ thống. Có thể điền đơn bằng tiếng Việt, cần thành lập một tài khoản khi gia nhập, cần có một tài khoản email, điện thư để liên lạc. Nếu không có thì người xem xét hồ sơ sẽ liên lạc bằng điện thoại hay thư từ.

Phần 2, do tiến sỹ Angelo Farooq, thuộc California Workforce Development Board nói về sự giúp đỡ các nạn nhân Covid, tìm kiếm việc làm cũng như học nghề khác để tiếp cần với thị trường hiện nay.

Chương trình có 6 tỷ đôla để đầu tư giúp nền kinh tế California trở lại như trước đại dịch và huấn luyện nghề nghiệp thêm cho dân chúng California. Ông ta cho biết là người tìm việc làm cũng như các công ty có thể liên lạc với tổ chức này để có thể được giúp trả lương 50% cho nhân công trong vòng 6 tháng đầu.

Liên lạc qua trang nhà của họ : www.careeronestop.org/ để được thêm tin tức các trung tâm tìm việc địa phương hay các trung tâm phát triển kinh tế các vùng của tiểu bang: https://cwdb.ca.Gov/initiatives/High-Road-trailing-pảtnerships/

Phần 3, do bà Bianca Blomquist, của Small Business Majority, nói về các chương trình của chính phủ giúp các tiểu thương hiệu, vốn để trỗi dậy sau đại dịch. Bà này nói về chương trình “California Comeback Plan”, giúp các tiểu thương về thuế vụ, các nghiên cứu, tin tưởng, giáo dục và hệ thống kết nói với các nàh lập pháp.

Để giúp khởi động lại nền kinh tế California tỏng mùa đại dịch, có chương trình cho các tiểu thương vay vốn được giới lập pháp ra luật tiếp tục giúp đỡ các tiểu thương. Có ngân quỹ là $895 triệu đôla dành riêng cho vay vốn các tiểu thương. Thời hạn nộp đơn là ngày 11 tháng 12 năm 2021.

Luật liên bang cho phép các công ty khấu trừ thuế khi phải trả tiền cho các nhân viên đau ốm vì covid-19 hay thời gian để đi tiêm chủng. Thời gian có thể khấu trừ là giữa ngày 1 tháng 4, 2021 đến 30 tháng 9, 2021.

Có thể khấu trừ 100% lương của nhân viên đến 80 tiếng đồng hồ, giới hạn là $511/ ngày và tổng cộng là $5,110. Xem như 10 ngày hay 2 tuần lương. Còn nghỉ nhà ăn lương vì bị ảnh hưởng của Covid-19 thì có thể khấu trừ 2/3 lương, tối đa là 12 tuần. Hạn chế là $200/ ngày và tối đa là $12,000.

Thống đốc tiểu bang mới ký sắc lệnh SB 151 nhằm phục hồi nền inh tế California với 100 tỷ đô dành cho các chương trình giúp tiểu thương dưới danh nghĩa “California Comeback Plan”. Chương trình này sẽ dành 1.5 tỷ đô cho phần 3 qua Lendistry. Mình có nhận được $21,000 của kỳ 2 vừa qua. Có nhiều tiểu thương còn trong danh sách đợi chờ. Chương trình này sẽ bắt đầu từ 3 tháng 8 đến 16 tháng 9 năm 2021. Tiền trợ cấp từ $5,000 đến $25,000.

Ngoài ra họ có 16 triệu để giúp các tổ chức vô vụ lợi, thời hạn nộp đơn từ 27 tháng 8 đến 8 tháng 9, năm 2021. Tiền trợ cấp từ $5,000 - $25,000.

Ngoài ra còn có California Dream Fund Grand Program. Chương rình này nhằm giúp các tiểu thương không có giấy tờ cư trú hợp lệ. Tối đa nhận được là $10,000. 35 triệu được dành cho chương trình này.

Ngoài ra còn có những chương trình vay vốn phải trả lại, có 70 triệu. Ông ta cũng nhắc đến Maintenance Street Tax Credit (CDTFA) qua SB 1447 có 147 triệu khấu trừ cho tiểu thương nào giữ nhân viên và mướn thêm nhân viên trong thời gian COvid-19.

Phần 4, do Fiona MA, thủ quỹ của tiểu bang California. Mình có nghe bà này nói chuyện ở Los Angeles một lần. Nói chung thì có khá nhiều người gốc tàu nằm trong chính quyền California mà không biết người Tàu có đông hơn người Việt hay không. Bà này nói chung ching là chính phủ tiểu bang đang cố gắng để phục hồi nền kinh tế tiểu bang. Khuyên chúng ta nên liên lạc với các cơ quan chức năng kể trên. Họ có nhân viên nói 34 ngôn ngữ để giúp đỡ. Họ có thể đến nhà để giúp điền đơn, hay hẹn gặp tại các văn phòng địa phương.

Cuộc hội thảo kết thúc đúng 60 phút. Kinh

Mình có email xin bộ slides của họ nhưng không biết chừng nào mới nhận được. Công chức thì họ lười lắm, cuối tuần là chạy rồi. Mình sẽ nghe lại thâu âm buổi nói chuyện để xem còn thiếu phần nào không. Đây là tóm tắc những gì mình ghi nhận được. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn