Hiển thị các bài đăng có nhãn Đàlạt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đàlạt. Hiển thị tất cả bài đăng

Đến Melbourne, Úc Đại Lợi


Máy bay đáp xuống phi trường Melbourne, Úc Đại Lợi, trạm đầu tiên của hai vợ chồng. Sau khi khai báo đem bánh phồng tôm của Việt Nam qua hải quan và sở di trú thì đợi lấy hành lý. Trên nguyên tắc mình muốn đi nhẹ nhàn, ít hành lý gọn gàng rồi ở Việt Nam, đồng chí gái mua áo quần rồi bạn bè cho đủ thứ như bánh phòng tôm, lại phải mua thêm vali. Sáng nay mình mới khám phá là có cả hạt điều và hạt sen, quên khai báo. Tờ giấy khai báo kêu khai gian sẽ không được vào Úc. Mình nhớ có lần chạy qua biên giới gia nã đại và Hoa Kỳ, đồng chí gái mua trái cây ở Vancouver rồi bị quan thuế chận lại bắt ngồi mấy tiếng đồng hồ. Nên ngại vụ này nên khai báo quên mụ vợ có mua đủ thứ khác không biết. 

Đồng chí gái tại phi trường Melbourne, Úc đại Lợi

Ra cổng thì ghé lại mua eSim, vừa cài đặt xong thì nghe điện thoại của một chị quen trên mạng. Mình ngạc nhiên là chị ta kêu đợi mình ở khách sạn từ sáng giờ, chị ta kêu hai vợ chồng sẽ quay lại đón mình ở khách sạn để dẫn đi chơi. Đến khách sạn thì khám phá ra mình lộn ngày, mình đặt phòng đêm hôm qua vì xớn xác không xem kỷ là đi ban đêm thì đến sáng hôm sau sẽ qua một ngày. Chán Mớ Đời 


Vợ ngủ không được trên máy bay cả đêm trong khi nghe mình ngáy bên cạnh, lên phòng ngủ bù để một mình đi chơi với cặp vợ chồng đã gặp một lần tại hội ngộ Nguyễn Bá Tòng ở Cali. Mới chào hỏi, đã thấy mấy chị cựu học sinh NBT, chạy lại hỏi nhà vệ sinh. Có chị lái xe 3 tiếng đồng hồ lên Melbourne, làm tài xế Uber để chở đi chơi dù mình chưa bao giờ biết. Rất cảm động.

Vườn hoa tại Melbourne

Họ đề nghị đi ăn trước rồi đi chơi sau. Đến quán ăn Việt Nam, ăn rất ngon. Có món nghêu xào, ăn với dầu chá quẩy, khá lạ thêm món lẩu cua đồng rất ngon, thấy họ làm khổ qua với nhân, có thịt bò úc, ăn tái với mướp. Có lẻ món lẩu ngon nhất mình ăn đến giờ. Sau đó, họ chở đi thăm viếng một vườn hồng, trễ giờ nên không viếng lâu đài được. Đi vòng vòng vườn hoa rất dễ thương. Mấy bà nữ sinh nbt tha hồ chụp hình.

Đang đi, mình nhận tin nhắn của ông cậu họ, em của ông cậu hôm trước về gặp ở Đà Lạt. Ông cậu đồng tuổi mời đi ăn cơm, rồi thêm ông thần phong trần, con trai của tiệm may Văn Gừng khi xưa nhắn tin. Mình nói hẹn tại tiệm ăn với ông cậu cho gọn. Mình mất một ngày ở Melbourne rồi. Đến nơi thì thấy lù lù tên bạn học khi xưa, đúng hơn là bạn đánh bi-da. 54 năm mới gặp lại. Thế là mình có duyên gặp một người quen trên mạng, cũng như 2 cựu cư dân Đà Lạt tại một chỗ. Hai vợ chồng kêu mình, đổi vé ở lại chơi thêm. Nếu không có vụ mùa hái bơ, có thể ở lại chơi thêm. Lần sau đi Việt Nam sẽ đi ngõ quá cảnh tại Úc Đại Lợi vì vé rẻ hơn đi qua Nhật Bản hay Đài Loan. Ghé lại ít ngày chơi. Xứ này hiền hòa. 

Gặp lại bạn học một thời sau 53 năm

Đồng chí gái nhắn tin, kêu về đánh gió. Thế là mấy chị cho chai dầu đem về. Cạo gió cho đồng chí gái xong thì đi ngủ. Sáng nay thức giấc, cô nàng kêu đỡ rồi. Ngủ được là cô nàng ok đi shopping tiếp. Chán Mớ Đời 

Fitzroy công viên. Lúc đầu mình nghe thì tưởng là như ở Anh quốc, Viceroy nhưng đến nơi thì mới được được tên thống đốc vùng này khi xưa
Gà hoang trong công viên.
Hoa súng
Cổng vào khu phố Việt. Nghe nói khi xưa đông đúc lắm, sau họ cho phép dân buôn bán sì ke đến đây trụ, dân tình sợ nên xa lánh khu vực này nhà cửa xuống, tiệm ế ẩm
Mình có ghé tiệm phở của một anh quen với Đông Phương Hội. Bỏ vợ con chạy qua Cali tập với tụi này mấy tuần lễ tại một khu phố, nghe nói khi xưa đông người lắm, rồi có cái chợ trong khu vực bị cháy, nên xuống cấp, bớt người Việt đến ăn uống.

Sáng nay, Hai vợ chồng nhờ một tài xế Uber khác đến đón tụi này đi viếng Melbourne. Gọi cho vui vì là bạn. Khi xưa, mình đi chơi thì thích viếng các công trình kiến trúc đẹp nhưng nay thích nói chuyện với thân hữu hay để cuộc sống nhẹ nhàng, tận hưởng giây phút đang đến. Ông thần Uber đề nghị đi viếng công viên Fitzroy, tên của một cựu thống đốc NSW, đoán là New South Wales. Tại đây thì rất dễ thương, công viên như bên Anh quốc, nhưng trời nắng ấm, không mưa cả ngày như ở Anh quốc. Đi lòng vòng thấy cái hồ sen đẹp chụp hình mệt thở. Hai vợ chồng rủ đi thuyền, có ông lái đò gốc Tô Cách LAn, fan cuồng của đội Celtic Glasgow đi du lịch, xin việc tạm thời để có tiền đi khám phá thế giới. Anh ta kể đã qua Cam Bốt, Việt Nam,… ông thần Uber, một thừoi sinh sóng tại Texas 10 năm thì theo dõi Superbowl bên Mỹ. Nhớ cô em về Việt Nam, kêu năm nay đội của em the Eagles vào chung kết chắc thắng. Cô này ở Philadelphia, mình nói sang Hoa Kỳ 40 năm nhưng chưa bao giờ xem trận banh bầu dục và cũng chả hiểu tại sao họ chạy rồi húc nhau. Đa số các cựu cầu thủ của môn thể thao này bị chấn thương sọ não.

Sau đó bác Uber đề nghị viếng vườn Bách Thảo của thành phố này, đi để mấy bà chụp hình. Chỗ này rất dễ thương, hoa nở đẹp. Đặc biệt có căn nhà của ông James Cook sinh ra ở vùng Yorkshire, Anh quốc, được một người giàu có đã mua đem căn nhà này qua Úc Đại Lợi, và đặt tại công viên này. Có mấy bà và ông bận đồ thời James Cook còn ở truồng để thiên hạ mua vé vào chụp hình.

Nhà nơi ông James Cook sinh ra ở đồng quê vùng Yorkshire, Anh quốc, được đem qua Úc để xây lại tại đây. Ở Cali, có cặp vợ chồng mua hai căn nhà cổ xưa ở Việt Nam đem qua mỹ và xây lại. Khá đặc thù. 

Ông James Cook là người đổ bộ lên châu Úc, và tuyên bố là New South Wales. Theo lịch sử thì người đâu tiên ở Âu châu đến châu Úc là một người hòa Lan. Theo mình hiểu lúc đầu, Anh quốc gửi mấy người tù máu lạnh sang đây như người Pháp khi xưa gửi tù hình sự nặng qua đảo La Guyane mà phim Le Papillon có nói đến. Dần dần tạo dựng lên xứ Úc đại Lợi này. Mai đi Tân Tây Lan rồi về Sydney, kể tiếp. Có cô nào ở Sydney nhắn tin sẽ dẫn đi chơi ở Sydney. Ở Melbourne có cặp vợ chồng quen trên mạng dẫn đi chơi. người Việt ở xứ này Hiếu khách. Bên này xe chạy bên trái nên không dám mướn xe nhưng họ có Uber. Ra phi trường là có ngay. 

Bên Úc, chỗ đi tè công cộng, họ thiết kế kiểu này rất hay, đứng trên tấm lưới rồi tè, nước tiểu có văng thì chảy xuống trên tấm lưới nên sạch sẽ, không có vụ như bên mỹ, nước tiểu tùm lum trên sàn nhà

Đi viếng Melbourne không chạy như giặc như ở Việt Nam. Đi theo mấy người quen trên mạng, nhẹ nhàng để tận hưởng không gian, cảnh vật nhất là tình người Việt tha hương rất ấm áp. Khiến mình nhớ đến bài thơ của Lâm Giang
Tình cờ gặp bạn đồng hương
Tại nơi đất khách, phố phường xa xôi
Hay chăng là bởi duyên trời
Mừng vui háo hức, nhẹ vơi nỗi niềm

Hôm nay bay đi Tân Tây Lan 4 ngày rồi bay về Sydney. Hình như hai vợ chồng có lộc ăn ở Úc vì chưa đi, đã có người ở Sydney, nhắn tin mời ăn.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Một ngày tại Sàigòn

 Một ngày tại Sàigòn 

Hôm nay thức dậy, đồng chí gái có hẹn với bạn nên mình nhắn tin anh bạn quen qua mạng xã hội. Anh ta là người đã làm và trang trí bờ lốc mực tím Sơn đen. Lần trước về thì anh ta đang ở miền Tây nên không gặp được. Sáng nay mới nhắn tin thì anh ta gọi lại kêu đang ở Bình Dương và hẹn sẽ chạy lên gặp. Chịu khó chạy 1 tiếng lên, đúng là phượt thủ. 

Có ông này chở cần xé vú sữa, hỏi mua không. Ông ta cắt cho ăn tại chỗ. 2 ký giá 120k. Ngon thì mua nhưng sắp ra phi trường nên trả ông ta 100k để ăn một trái. Quá ngon cần xé chưa bán được cân nào mà đã 12 giờ trưa. Kiếm ăn ở Sàigòn không phải dễ. Ông ta bóp bóp trái vú sữa trước khi cắt

Mình gọi gờ ráp cho đồng chí gái rồi đi với anh bạn kiếm cà phê ngồi Nói chuyện. Anh này cùng tuổi nên nói chuyện khá hợp nhau. Khi nghe giọng anh ta thì không phải dân Sàigòn chính cống nên hỏi thì được biết sinh ra tại Phú Yên rồi đi bộ đội qua bên Cao Miên rồi gặp vợ ở Sóc trăng nên xin làm rể miền Nam. Sau 5 năm Bồi dưỡng mối tình hữu nghị thì anh ta buồn đời lên cao nguyên làm thợ mộc rồi năm năm sau vợ chồng lại hợp nhất, lấy đất Sàigòn làm ăn, sinh con đẻ cái. 

Anh ta kể năm qua gần trắng tay vì tin tưởng bạn bè. Ủy quyền cho họ để mượn tiền ngân hàng mua đất bên cạnh nhưng họ không mượn được và bán luôn không thông báo cho biết. Phải năn nỉ nên được trả lại một ít. Chán Mớ Đời 

Anh bạn này hút thuốc nhiều. Ngồi nói chuyện hai tiếng mà anh ta phủ đầy hai gạt tàn thuốc lá. Nói chuyện uống cà phê mệt nên kêu cơm ăn. Rất ngon lâu lắm mới ăn lại cải chua kho cá. Cơm ở đây ngon hơn ở Quảng Ngãi. 

Ngồi nói chuyện với anh bạn thì khám phá hệ thống Grab giao hàng và nhận hàng. Hóa ra nền kinh tế ở Việt Nam nay rất đa dạng với Grab. Anh bạn nói họ gọi mua đồ rồi gọi xe Grap chở lại nhà hay tới lấy. Mình cứ thấy mấy bà mấy cô lên xuống lấy đồ ăn hay đồ mua. Rất hay ngược lại các mặt bằng đóng cửa khá nhiều dù đã qua Tết. Anh bạn cho biết là họ chỉ mua qua mạng đồ đạt rẻ dưới 500k vì sợ lừa đảo. Em rể gửi cho mình mật ong rừng từ Đà Lạt rồi grab đem lại khách sạn cho mình. Vận cứ uyển được cải thiện. 

Sau đó mình có hẹn gặp anh bạn học khi xưa ở Đà Lạt. Thấy anh bạn này khá xuống sắc. Anh này đi vượt biên cả chục lần không thoát nên ở lại lấy vợ. Khi xưa rất hiền có tập võ với mình buổi sáng ở ngã ba chùa. Có hai cháu nội còn con gái thì chưa muốn lấy chồng. Kể chuyện đời xưa khá vui, bạn ai còn ai mất. 

Sau đó lên phòng đợi vợ đi chơi với bạn về rồi ngủ. Còn phải lên đường thêm hai tuần nên phải giữ gìn sức khỏe. 2 tuần ở Việt Nam chạy mệt thở từ Hà Nội lên Ba Vì đến Đà Lạt rồi xuống Nha Trang rồi Quy Nhơn, Hội An rồi Huế cuối cùng là sf nên khá mệt đừ. Có người nhắn tin kêu muốn gặp nhưng mình đã lên máy bay đi Úc. Có người ở Sydney, nhắn tin trước khi mình đi nên sẽ gặp mặt khi mình quay về Sydney sau chuyến đi Tân Tây Lan.

Tối nay bay đi Úc Đại Lợi lần đầu tiên cho biết xứ kanguru sau đó Tân Tây Lan rồi về Cali hái bơ trả nợ. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Trời mưa không thấy bóng Ba Vì

 

Hôm nay trời mưa ào ào chắc cả ngày ở Ba Vì hay còn được gọi là Tản Viên. Mưa trút cơn giận cuối năm, còn gì ông trời cứ xả ra hết để năm mới mọi gia đình đoàn viên. Mình tính đi bộ đến viếng đền thượng nhưng mưa chắc ngồi phòng nhìn mưa. Khi xưa, học việt văn có học về ông Nguyễn Khắc Hiếu, buồn đời kêu Sông Đà Núi Tản đúc lên ai? Nay mới có dịp đi viếng vùng này một cách ngẫu hứng không tính trước. 

Đỉnh Tản Viên nhìn từ nhà trọ

Hôm qua trên đường lên núi Ba Vì không thấy sông Đà, chỉ thấy quảng cáo hai bên đường giò đà điểu, nghe nói đặc sản vùng này. Đồng chí gái hỏi họ bán chân đà điều mình nói giò đây không phải bún bò giò heo mà là chả như người Huế gọi. Thấy họ bày bán trứng đà điểu hai bên đường. Thấy bảng hiệu thịt ngựa và thắng cố thì được anh tài xế giải thích là nội tạng của ngựa được gọi là thắng cố. Món này của người đồng bào thượng du như người Mường, Tày. Đọc theo âm tiếng Việt là thằng cốt, canh xương. Thấy họ bày thịt trên quầy hai bên đường bụi xe bay lêu bêu như khi xưa chạy xe trên đường Sàigòn - Đà Lạt thấy ở Định Quán khiến đồng chí gái ớn ớn. Đúng ra mình cũng có thấy tại Đà Lạt các hàng thịt bên lề đường sau khi ra khỏi phi trường Liên Khương. Thấy thịt chó đầy đường. Kinh


Vùng này nổi tiếng sữa dê và bò từ lâu năm và đà điểu. Ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không nhắc đến trong thơ của ông ta. Chắc thời ông ta chưa có đà điểu. Còn sữa bò thì mình đoán là từ mấy ông tây mà ra. Họ nuôi bò ăn cỏ trên các đồi núi.


Thấy một chiếc xe khách bị công an chận lại thế là ăn Tết mất vui. Hai bên đường thấy dân từ Hà Nội chạy xe gắn máy đeo nhau về quê bận áo phông và áo mưa. Ngồi nói chuyện Cái Quỳnh, cô em họ kể khi xưa ở trong Đà Lạt phụ người em mình làm ăn, lần đầu tiên về Đà Lạt Đồng chí gái về có tặng cho cái áo phông khiến đồng chí gái ngọng vì không hiểu nên lại phải giải thích. 


Tới núi Ba Vì mà theo ông Quang Dũng kể trời xanh không thấy núi Ba Vì trong khi mình thì thấy trời mưa không thấy bóng Ba Vì. Lý do là trước khi đi, trời bổng đổ mưa thêm thời tiết báo là ngày mai mưa thế là ngọng. Đến nơi lấy phòng xong thì đồng chí gái kêu đói bụng nên xuống nhà ăn gọi phở bò Ba Vì trong khi đồng chí gái kêu cá chẽm nướng tre, cuốn bánh đa. Ăn rất ngon. Ăn xong hai vợ chồng đi rao rảo xem núi rừng Ba Vì nơi mà ông Paul Bert, một thời làm toàn quyền Việt Nam, khám phá ra khi còn làm kỹ sư. Khi người Pháp đánh chiếm Việt Nam, họ sai người đi thám hiểm để xem có địa chất hầm mỏ gì để khai thác như trường hợp ông Yersin thì khám phá ra cao nguyên Lâm Viên, đề xuất xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đông Dương.

Cái lò than để hâm nóng xôi
Bình trà mà 50 năm rồi mới thấy lại nhưng thiết kế đẹp hơn
Tháng trước mình có kể về bình trà tàu, viết chữ tàu
Bình trà được làm tại Việt Nam nhưng người ở đây không biết từ lò gốm nào. Khi xưa bình trà của công ty Thiên nHiên, gần Đà Lạt tương tự như vậy, sơn màu xanh

Khu nghĩ dưỡng Melia nằm trong công viên quốc gia Ba Vì, nghe nói có 3 cái đền, nhưng đọc kỹ lại thì nghe nói họ tân trang làm lại hết nên chả muốn đến xem. Thêm trời mưa nên không muốn đi theo tour. Đọc mấy review của du khách ngoại quốc thì hết muốn đi viếng. Ở đây họ có xe đạp đường núi nhưng mưa nên hơi ngại vì trơn trợt.


Sáng ra thì trời mưa, đồng chí gái hỏi làm gì thì ngủ. Mình nói tên Thuỷ Tinh đang thức giấc, thấy tên Sơn Tinh, dậy sớm đi vắt sữa dê làm phô mát và dê thui đem lại mời nhà vua ăn sáng nên vớt được công chúa nên hắn tức vì đem hải sản đến dâng cho vua nhưng vì để lâu quá lại thời đó không có tủ đông lạnh nên bị thiêu hết nên vua kêu thối quá, gã cho tên Sơn tinh, cho ăn phô mát làm bằng sữa dê của vùng núi Ba Vì. Thuỷ tinh mất vợ nên buồn đời hắn làm mưa gió để cho người tình phụ chết theo với tên SƠn Tinh. Mưa thì đồng chí gái đóng vai công chúa của vua Hùng còn mình đóng vai Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen.


Thật ra khi người Pháp đến Đông-Dương thì họ gặp vấn đề địa lý, phong thổ nên bệnh tật rất nhiều. Mỗi năm phải cho công chức và lính về pháp nghỉ dưỡng hay Nhật Bản mà mình có kể, làm gánh nặng cho ngân sách. Do đó họ tìm các nơi có khí hậu khá khá một tí để xây khu nghỉ dưỡng cho công chức và binh sĩ của họ. Ngoài bắc thì họ khám phá ra Sapa, Tam đảo và Ba vì, ở cao nguyên thì Đà Lạt.


Hoá ra người Pháp đã đem hạt cà phê và cây Quinquinat từ Nam dương đến vùng Ba Vì để trồng ở cao độ 500 mét. Họ khuyến khích người Pháp đến đây lập đồn điền thì có một ông tây gọi là Marius Borel, một cựu quân nhân rồi ở lại vùng này, mua của chính phủ bảo hộ đâu 180 mẫu đất ở vùng này và nuôi bò và dê, trồng cà phê,… sau đó làm phô mát với sữa tươi, để chở về bán ở Hà Nội. Ông ta mướn phụ nữ vùng này làm việc khi hái cà phê vì lương rẻ hơn đàn ông. 


Sau này, người Pháp có xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở vùng này cho quân đội của họ, nay chỉ còn phế tích. Dãy núi Ba Vì có nhiều ngọn núi như Tam đảo nhưng họ nói đến Tản Viên dù thấp hơn cả 300 mét cao độ so với Tam Đảo.


Mình ở trong công viên quốc gia Ba Vì, tại khu nghỉ dưỡng Melia. Phong cảnh rất đẹp, cứ như Đà Lạt khi xưa, sương mù giăng khắp lối. Cách thiết kế cũng rất hay, tiệp với phong cảnh của rừng núi. Đi mùa này thì thiên hạ lo tết nên ít du khách nên được tiếp đãi tận tình hơn. Ngày đầu thì hai vợ chồng ăn chiều món phở bắc rất ngon, đồng chí gái kêu món cá chẻm nướng trong ống tre, cuốn với rau và bánh đa. Rất ngon. Hôm sau ăn điểm tâm thì có món bún cá rất ngon, ngoài ra thì ăn thêm rau cải, phô mát nên khá no. Sáng hôm sau thì được ăn món phở gà, rất ngon. Tại đây đầu bếp giỏi nên các món ăn rất ngon, hương vị của miền bắc nhưng chắc phải đợi ghé khu nghỉ dưỡng Marriotts ở hÒn Tré ăn. Năm ngoái ghé lại đó ăn quá ngon. Đồng chí gái thuộc loại khó ăn mà phải khen.


Sáng nay, dậy sớm, ăn sáng xong thì ra phi trường Nội Bài độ 90 phút lái xe. Anh tài xế từ Phú Thọ lên đón, lấy 820,000 đồng trong khi xe của khu nghỉ dưỡng lấy đến 3 triệu. Còn taxi nội địa thì 1.2 triệu.

Chuyến đi này có vấn đề với giấy tờ. Đến phi trường làm thủ tục thì qua an ninh, họ kêu tên Nguyen mà sao lại in Mguyen. Thay vì Nờ lại thành Mờ. Thế là phải chạy lại quầy đổi boarding pass. Họ hỏi cô nào ở quầy nào làm thủ tục, mình nói cô nói 28 tuổi nhưng chưa có tình yêu, họ cười kêu chị Yến đấy, dẫn mình lại cô đánh máy sai. Chán Mớ Đời 


Lên Lounge Sông Hồng ăn bún mộc, nhắn tin cho anh bạn. Máy bay không trễ. Anh bạn học khi xưa này rất dễ thương. Cứ lần nào mình về thì anh ta đều đem xe xuống Liên Khương đón đưa về nhà. Rồi chở đi chơi. Anh ta kể là ông anh, bố mình và ba của anh bạn đi chung, đều bị bắt khi xưa vì cùng chung tổ chức. Bố mình bị lên án 18 năm trong khi bố anh đi chung thì chung thân. Sau này già họ đuổi về vì lao động không được.


Trên máy bay, mình phát hiện ra là hành khách là dân vùng Đà Lạt, Lâm Đồng rất nhiều. Đa số nói giọng bắc sơ tán. Trước 75, thì người ta hay nói đến 1 triệu người miền bắc di cư vào nam. Đó là cuộc di cư vĩ đại của người Việt vào thế kỷ 20. Trước đó thì có dân đi theo chúa Nguyễn vào nam, rồi sau này đi xuống miền nam. Nhưng có lẻ ít ai nhắc đến cuộc di cư âm thầm của người miền bắc vào nam sau 75. Đà Lạt ngày nay xem như 60% dân cư là thuộc thành phần người miền bắc sau 75. Khi xưa chỉ người ở ấp Hà Đông và Nghệ Tỉnh. Ở ngoài quê có vài gia đình họ hàng vào nam làm ăn. Mình không có thống kê nhưng chắc chắn là rất nhiều. Mình có một người em rể cũng di cư vào Nam sau 75 cùng gia đình. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Chuyến bay không bình thường


Sáng nay đi tập Đông Phương Hội về thì nhận tin nhắn của công ty hàng không United, kêu check-in. Mình mở ra thì tá hoá tam tinh vì chuyến bay là 11 giờ sáng thay vì 6 giờ chiều như mình đã ghi khiến hai vợ chồng hoảng, chụp vali kêu thằng con đưa ra phi trường. Mình dùng ứng dụng TripIt để chuẩn bị lưu các chuyến đi. Cứ thông tin gì về chuyến đi là cứ chuyển vào ứng dụng thì ứng dụng tự sắp xếp và báo động. Mình quên xem lại thì hoá ra nó bỏ thiếu chuyến đi, chỉ nói chuyến bay từ Nhật Bản về Hà Nội làm mình tưởng lầm là từ LAX đi Tokyo. Thế là chạy như cà cuống sơ tán.

Dạo này cali cháy rừng cháy nhà nên xa lộ kẹt, nhúc nhích từng tất đường trong khi đồng chí gái cứ lầu bầu trong miệng. Đến phi trường LAX, mình quẹo ngay đường tắc qua terminal 7, khỏi mất công đi một vòng. Phải đợi đến năm 2028, khi họ làm xong việc phát triển xe điện công cộng chạy vào phi trường thì mới mong hết kẹt xe. Cuối cùng có thể check in được 20 phút trước khi đóng cửa. Thường thì họ không cho check-in nữa khi còn 1 tiếng để bay. Xong xuôi thở phào qua an ninh xong thì mót tè nên hai vợ chồng chạy lên lầu Polaris lounge, tranh thủ ăn điểm tâm. Rồi lên máy bay. Đang ngồi tự nhiên họ gọi tên đồng chí gái kêu ngồi lộn chỗ, mình đưa boarding pass thấy ngồi đúng chỗ nên họ kêu ok. Ai đó in lộn đưa cho đồng chí gái. Máy bay cất cánh đúng giờ dù gió Santa Ana thổi như điên, xa xa về các núi, thấy khói cháy lừng trời, thế là hết mấy chỗ leo núi. Năm ngoái cháy ở vùng Baldy rồi nên họ không cho leo núi ở khu vực này cho đến cuối năm nay. Gió thổi mạnh, thổi tàn tro về phía nam nên hơi lo. Tối nay mới hết và thứ 7 sẽ mưa, nghe nói lên đến 2 inches nước mưa nên hy vọng sẽ dập tắt được các đám cháy và tránh những đám cháy mới vì cây lá ướt. Mình cũng đỡ khổ vì không phải tưới cây bơ. Đỡ tốn tiền nước $150/ ngày.

Đến phi trường Narita, hai vợ chồng đi xem chỗ cổng lên máy bay xong lên lounge ăn một chút rồi xem tin nhắn. Thằng con nhắn tin tới tấp. Sau đó đi lang thang cho khỏe chân thì nghe họ gọi tên đồng chí gái nữa nên chạy lại cổng lên máy bay. Họ muốn xem mình có chiếu khán vào Việt Nam. Đưa cho họ sổ thông hành và chiếu khán. Mình không hiểu sao chiếu khán Việt Nam lại là một cuốn sổ dầy cộm trong khi đi Úc, Tân Tây Lan thì có ứng dụng của chính phủ hai xứ này. Chỉ cần điền đơn rồi nạp sổ thông hành chụp hình rồi đóng tiền là xong. Đi Phi Luật Tân thì tuy không cần chiếu khán nhưng họ cần xét tin tức của hành khách thì cũng tải ứng dụng về rồi làm. Khỏe đời. Còn chiếu khán Việt Nam thì không tự check-in được vì các công ty hàng không, cho check-in trước, điền tin tức cá nhân xong thì kẹt vì cần thông tin chiếu khán mà ký bằng tay không có trong mạng để công ty hàng không xét nên lúc nào cũng phải đến quầy check in mất thì giờ nhất là hôm nay trễ giờ. Nếu không chỉ cần check-in trên ứng dụng rồi qua an ninh rồi lên máy bay. Xong om


Vừa xuống phi trường đến hải quan thì hệ thống điện toán đứng hình. Đợi cả tiếng đồng hồ mà chưa nhúc nhích, đồng chí gái mệt quá vì thiền trên máy bay không ngủ suốt 25 tiếng nên ra ghế ngồi. Tên ngoại quốc gốc Gia-nã-đại, đứng trước hỏi đã có hình ảnh trong visa thì cứ đóng dấu như ngày xưa. Mình nói bình tỉnh ở đây thì nên chờ đợi. Thái Lan có máy tự động đi cái ào qua hải quan nhanh chóng. Không biết anh tài xế đợi có lâu không. Tên Gia-nã-đại cứ thấy một đám du khách người Tàu lại có đóng dấu sổ thông hành thì cứ kêu là dấu được, tại sao vậy tôi đứng đây hai tiếng mà sao lại giúp mấy người Tàu.  Mình đoán là du khách tàu quá cảnh đổi chuyến bay đi về tàu hay thành phố khác mà phải đợi là trễ chuyến nên cô hướng dẫn viên mới nhờ hải quan hổ trợ nhanh chóng. 


Cuối cùng thì họ đột phá tư duy là ghi lại sổ bằng cách viết như xưa rồi đóng mộc cho đi. Thế là đứng ở Hải quan hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng thì cũng liên lạc được với anh tài xế đến đón đưa về quê. Đồng chí gái không ngủ 24 tiếng đồng hồ trên máy bay cũng như quá cảnh ở Nhật Bản nên bắt đầu khó chịu. Về quê tắm rửa xong lên giường. 


Sáng ra thấy mấy cây saboche mà ở ngoài Bắc họ gọi cây Hồng nên mình hơi ngọng. Hồ sen của cô em trồng chả còn gì vì chưa tới mùa. Nghe nói đến mùa hoa sen nở thì đẹp lắm và thơm ngát. Đi vòng vòng trong sân xem lại căn nhà tổ tiên được cô em kêu thợ xây mới lại. Vẫn quang cảnh xưa nhưng căn nhà thì mới hoàn toàn và rộng hơn. Nhớ lần về quê lần đầu mình thất kinh, nhà không thấy cửa số, cửa kính gì cả được biết là tối lấy cái phên đóng lại. Nay nhà có cửa sổ cửa cổng đầy đủ. Mấy chục năm trước mình có gửi tiền về sửa chửa lại nhưng rồi mọt vẫn ăn hết cây gỗ nên kỳ này xây bê tông luôn. Mình muốn giữ hình ảnh cổ xưa nhưng rồi bị mọt ăn đành bê tông hóa cho khỏe. Chớ làm bằng gỗ, lại kêu họ lên Hà Giang chặt cây đem về lại phá rừng.


Sáng ra, mình đưa tiền cho cô em họ giữ nhà thờ, nhờ mua hoa quả cúng bàn thờ ngày tết. Có con bé chạy sang đưa bánh tết để cúng bàn thờ. Nó gọi mình bằng bác nhưng chả biết là con ai. Về quê là có vấn đề không biết họ hàng ra sao. Người ta thì biết lai lịch của mình còn mình thì ngáp. Tục lệ ngoài quê là gần tết thì trong họ đem bánh trái đến thắp hương cho ông bà ở nhà thờ tổ. Mình là nhánh trưởng nên được xem là xếp sòng của thế hệ mình. Ai cũng kêu bằng anh, bằng Bác hay bằng ông. Có ông em họ mới 60 tuổi đã có 5 đứa cháu nội. Nay ở nhà trông cháu. Có xin đi cửu vạn bên Nhật Bản. Ông em hoj khi xưa đi lại động bên xứ đài nhưng lớn tuổi nên họ đuổi về. Nay đến đời con đi lao động quốc tế. 


Được cái là ở quê nay phát triển nhiều vì được nhập vào Hà Nội. Những ai có tiền, mua đất ở quê mình để xây nhà, đi làm ở Hà Nội, chiều lái xe về đường cao tốc nên đất ngày nay, nói như ông Thiệu khi xưa, mỗi tất đất mỗi tất vàng. Nay ở quê, người ta không có đất sân nữa nên họ hàng hàng xóm, hay mượn chỗ nhà thờ gia đình mình để làm đám ma, đám cưới, thậm chí phơi lúa. Còn các lễ họ, chạp mộ thì cả họ kéo lại nhà ông bà mình dựng lều trước sân, ăn uống vui họ hàng gặp nhau lại. Đến mùa lúa thì họ lại mượn sân để phơi lúa. Hy vọng năm tới mình biết được ngày nào trước, sẽ bay về tham dự để biết bà con. Thế hệ ông cụ mình cũng từ từ lên bàn thờ hết. Mình biết được vài người thế hệ mình mà họ có con và cháu đầy đàng nên ngọng.

Cây đào nhờ người ta trồng 1 năm, đem về chưng ba ngày tết. Rể cây được bó nhỏ nên khó mọc cao. Hoa đào này không cho trái nên mình không ưa lắm. Chỉ thích hoa nào cho ra trái. Kinh tế là trên hết. Nhà chú mình mua cây đào trưng ba ngày tết, sau đó lại kêu nhà vườn đem về trồng tỉa, năm sau đem lại. Nghe nói công mỗi năm lên đến bạc triệu. Thấy họ cuộn rể cây trồng vào bố mình mới hiểu vụ cây mới được trồng ở Hà Nội bị ngã hết khi bão kéo đến. 
Cây quất, trái to bằng trái quýt. Họ kêu trong nam gọi trái tắc nhưng mình nghĩ là quýt thì đúng hơn trái tắc kiểu người Tàu ở Hoa Kỳ mình trồng trái như quả nho dài. Về quê mới hiểu ngày xưa ông cụ mỗi năm Tết đều mua cây đào, đúng hơn là nhánh đào vì phong tục ở quê.

Sau đó chạy sang hàng xóm, thăm mấy gia đình chú thím họ, lì xì rồi có cậu em họ đưa đi xem chợ hoa ở phủ Quốc Oai. Khi xưa, học việt văn, mấy ông thầy dạy cứ tết đến thì nói về cây đào, cây quất. Ở đây họ trồng cật lực vì trái ra to lắm, còn cây đào họ ghép nhánh nên thân to, nhánh nhỏ. Cậu em họ mua cây đào, tết họ chở lại nhà để bỏ vào chậu chưng ba ngày tết, sau đó lại mướn người ta đem về trồng, năm sau đem lại. Đi ngang nhiều cánh đồng đào, thấy thân cây trơ trui, vừa bị cắt ngắn như mình cưa ngắn các cây bơ để mọc ra nhánh mới. Nghe nói họ ghép loại hoa nào nên cũng công phu lắm. Mình thấy họ bán trái bòng màu vàng nhưng chỉ để cúng vì chả ăn được. Vùng quê mình gọi là trái bòng, hình thể như quả bưởi nhưng to lắm. Nhiều nơi khác nhất là miền nam gọi quả Kỳ Đà. Nghe nói chỉ để trưng bày bàn thờ chớ chả có lõi hay rất ít nhưng đắt lắm. Khi xưa, họ hay nhờ thiên hạ biết chữ Nho, phóng bút trên quả bòng. Đi xem chợ hoa tết ở quê mới hiểu người Việt mình hay tốn tiền vào những gì không bổ béo gì cả. Trái bòng giá khá đắt. Một trái có thể trên 1 triệu đồng mà chả ăn được gì cả.


Đồng chí gái kêu kiếm chỗ để vợ ngủ vì không ngủ được trong suốt chuyến đi nên mình kiếm chỗ ngủ ở núi Ba Vì mà khi xưa học ông Tản Đà, kêu sông Đà núi Tản đúc nên ai. Dân vùng này gọi là núi Tản Viên thay vì Ba Vì. Núi này có 3 cái đền. Mai mưa nên không biết có đi viếng được. Khu nghỉ dưỡng có xe đạp leo núi. Đi bộ thì được vì chỉ có 11 cây số. Vấn đề là đồng chí gái không đem theo giày leo núi. Chán Mớ Đời (còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hơi thở và nội lực

 Hơi thở và nội lực


Hôm qua, nhân mùa lễ Tạ-ơn, mấy hội viên rủ nhau đi ăn thì Khoa nhờ mình chia sẻ vụ cái chân của mình. Năm 2006, cách đây 18 năm, mình và gia đình về Pháp dự kỷ niệm 60 năm cưới nhau của ông bà Cayla, bố mẹ nuôi của mình ở Tây. Cả đại gia đình Cayla và gia đình mình họp mặt tại Grenobles. Họ mướn căn nhà to đùng ở trên núi cho toàn thể gia đình. Trong ngày đi bộ vòng vòng thì chân mình đau gót chân. Về lại Cali thì khám phá ra đầu gối rất đau. Bác sĩ khoa chân (túc khoa?) kêu có thể trong tương lai phải gọt bớt xương chi đó. Leo cầu thang rất đau nên mỗi ngày chỉ lên lầu 1 lần khi đi ngủ.

Cuộc đời mình kỳ lạ lắm. Mình hay gặp các “thiên sứ” đến báo cho mình việc gì rồi biến mất. Cả đám học sinh đến thăm ông thầy vào ngày Tết, ông thầy chỉ mình và kêu em nên cố gắng đi du học, thế là mình đi du học, đổi đời cô lựu. Lâu lâu gặp một ai đó nói câu gì, tặng cuốn sách,.. khiến thay đổi cuộc đời của mình. Cho nên mình hay nghe thiên hạ nói chuyện, ít nói trong đám đông, biết đâu, có người nói câu gì hay đề tài có thể giúp mình trong cuộc đời. Đồng chí gái ít khi dẫn mình đi theo khi có hội họp thân hữu vì mình ít mở mồm.


Đúng lúc đó, có một phụ huynh trong đoàn hướng đạo của mấy đứa con, cứ kêu mình đi tập Hồng Gia. Bao nhiêu phụ huynh có mặt, anh ta không rủ lại cứ rủ mình. Mình hay để ý xem thiên hạ nói gì, vì không phải tự nhiên mình tình cờ đọc hay nghe ai nói. Phải có cơ duyên gì mới đến tai mình. Cứ chủ Nhật đem con đến sinh hoạt với đoàn là anh ta bò lại, dụ dỗ mình đi tập Hồng Gia. Cuối cùng mình đành phải bò lại võ đường để tập thử một lần để anh ta khỏi dụ dỗ nữa.


Một hôm cuối tuần, mình bò lại võ đường thì đúng hôm ấy, anh ta vắng mặt nhưng lỡ đã đến vào 6 giờ sáng, hàng quán Bolsa chưa mở cửa nên mình vào tập. Tập xong thì có một ông tóc bạc phơ, đến kêu mình đóng tiền mua bộ đồ và nguyệt liễm nên đành móc túi đưa trước 3 tháng. Tự hứa tập 3 tháng, không có kết quả thì ngưng. Thường người ta nói làm cái gì cũng phải mất 3 tháng mới thấy được kết quả.


Lý do là khi xưa mình ở Đà Lạt, có tập đủ thứ Thái Cực Đạo, Như Đạo, Vovinam, Không Thủ Đạo nhưng không tới đâu cả. Mấy ông thầy cứ lắc đầu nhìn mình khi đi quyền hay đấm đá, kêu tướng anh, thuộc loại sợ vợ nên không bao giờ khá được. Sau khi đưa mình vào tập, như đã hoàn thành nhiệm vụ, anh ta bỏ tập Hồng Gia luôn từ đó. Có dạo anh ta muốn tới Đông Phương Hội tập nhưng lộn giờ ra sao nên không có duyên tập ở Đông Phương Hội. Rồi mình cũng không gặp lại anh ta từ đó.


Cũng nên nói một tí về anh này. Thua mình 3 tuổi, học Yersin, Đà Lạt  khi xưa, kỹ sư. 20 năm trước bị mỗ tim. Một hôm có anh làm chung ghé nhà thăm, chỉ anh ta vài động tác nội công Hồng Gia để anh ta tập ở nhà. Giúp anh ta khoẻ lại sau vụ mỗ tim và theo tập Hồng Gia từ đó đến khi đưa mình vào thế chỗ.


Đi Ý Đại Lợi gặp lại anh bạn, kể là đau cái lưng rồi tình cờ ai báo cho biết Hồng Gia nên anh ta mua cd về tập lắc qua lắc lại cái xương sống trong phần nhiệt thân pháp, nay hết đau lưng luôn. Mỗi ngày cứ tập thế đó thôi. 


Tập đâu được 6 tháng thì đi thử máu hàng năm thì khám phá ra cholesterol giảm quá nhiều, thêm chân không thấy đau nữa nên tập luôn đến giờ. Tập Hồng Gia Việt Nam được 2 năm liên tục, không nghỉ ngày nào trừ khi đi nghỉ hè. Người khoẻ ra, khá hơn xưa nhiều. Vấn đề là thay vì cố gắng tập, mình lại có óc tò mò nên mò trên mạng, đọc về Hồng Gia này nọ thì khám phá ra có một nhóm tập Hồng Gia ở nhà ai đó mà mình đoán tại Cali vì nhà cửa rất Cali. Tò mò làm quen rồi hẹn gặp.

Mình đến nhà một anh chàng tự xưng là Thần Võ Trạm Trang Công. Anh ta đang xem phim bộ Thần Điêu Đại Hiệp với vợ nên khi mình đến thì anh ta mời vào nhà rồi thử tay chân mình, gọi là giao thủ khiến mình như bò đội nón. Mình muốn gặp để hỏi tập nội công sao cho đúng chớ đâu phải để giao đấu. Chán Mớ Đời 


Thấy tay chân mình trói gà không chặt nên anh ta chán lắc đầu, ngồi xem tiếp phim bộ với vợ. Tại đây mình gặp một anh chàng trẻ tên Khoa. Nói chuyện thì mình thấy có lý. Đúng lúc ấy, anh chàng này có ý định thành lập Đông Phương Hội để hướng dẫn thiên hạ vì tập ở nhà cũng bất tiện. Nên mình theo tập với Khoa đến nay. Lý do là các người tập trước ở Hồng Gia Việt Nam, giải thích không đồng nhất. Người nói như vậy người nói như kia nên cuối cùng không biết nghe ai, tập theo ai. Họ chỉ hiểu lờ mờ như trong lớp thầy giảng bài nhưng các học sinh hiểu khác nhau. Trong khi theo tập với Khoa thì chỉ có một người hướng dẫn nên thấy tiến bộ hơn.


Lúc đầu ở Đông Phương Hội thì tập đủ thứ hết, kiếm, Wusu, ngạnh công, Thái Cực Quyền, Vịnh Xuân Quyền, Hồng Gia,…. Cuối cùng chỉ rút lại còn hai môn Hồng Gia La Phù Sơn và Thái Cực Quyền, Trạm Trang Công và mùa đông thì tập thêm Nội Kình Nhất Chỉ Thiền, giúp ấm người, không bị cảm cúm.


Tập vào buổi sáng nên cũng châm cho nhiều người. Nhưng nếu chúng ta vượt qua được sự cản trở này, chịu khó thức sớm đi tập là đã chiến thắng được bản thân với ý chí. Mỗi ngày phải ráng thêm một chút, lâu hơn một chút sẽ giúp chúng ta trí bền, làm tăng thêm Dũng lực thì sau này nếu có bị bệnh tật thì có thể vượt qua thay vì buông bỏ mọi sự. Mình có xem người ta phỏng vấn ông Thích Minh Tuệ, ông ta cho biết khi mới tập ngồi kiết già rất đau đớn nhưng ông ta phải kiên trì, mỗi ngày ngồi lâu hơn một chút, cuối cùng thành công ngồi kiết già như ta thấy ngày nay.


Chúng ta bị điều kiện hoá bởi các truyện kiếm hiệp tàu khi xưa nên chỉ mong gặp được sư phụ dạy truyền võ công là trở thành Trương Vô Kỵ,… nếu vậy thì người Tàu đã chiếm hết huy chương vàng thế vận hội. Người xưa hay nói đến cụm từ “công phu” là nói đến sự tập luyện hàng ngày chớ ngồi mà đợi trúng số, được bí kiếp võ lâm thì chả bao giờ có sức khoẻ.


Mình thấy nhiều tập viên chịu khó đến tập. Có người chạy từ Mission Viejo, thậm chí San Diego lên tập 90 phút rồi chạy về đi làm. Lúc đầu đau chân đau tay, không ngồi xuống đứng dậy được nhưng sau 6 tháng thì thấy họ khoe với mọi người là đã đứng dậy được cũng như co chân co tay như tìm lại sự sống. Thấy họ vui vẻ mừng rỡ cũng vui lây.


Có lẻ điểm quan trọng nhất trong quá trình tập luyện là khi Khoa cho tập bài “Tiểu Niệm Đầu” của Vịnh Xuân Quyền suốt 45 phút thay vì vài phút như mọi ngày thì mình chợt nhận ra, cơ thể với các đốt xương, liên kết với nhau, tuần tự như bộ máy đồng hồ lăn chuyển khi tay chân di động. Từ đó mình bỏ hết lý thuyết, sách vở để tập theo dõi cơ thể của mình, không nghe ai ngoài Khoa thì từ từ mới khám phá ra khi kéo nội công, phải hàm hung bạt bối ra sao để giúp hơi thở vô ra, giúp các gân cơ sau lưng. Có xem phim một ông bác sĩ chĩnh xương ở Nga, giải thích khi hàm hung bạt bối thì xương lưng của chúng ta mở đóng ra sao, giúp lá phổi phình ra và xẹp lại khi chúng ta kéo nội công hít thở sâu và chậm.


Cơ thể duỗi để ràng chặt lại từ cạnh bàn chân lên đến đầu ngón tay. Hóa ra phải tập để toàn cơ thể tạo thành một khối mà Khoa nói về trái banh đầy hơi khi mới tham gia Đông Phương Hội. Cũng khó vì khi tập, đầu óc hay bay bay đâu đâu nên quên để ý đến các ngón tay, ép ngực, mở ngực này nọ. Hơi thở đi kèm với các động tác tạo thành một khối khi hàm hung bạt bối, tạo lực nhưng mau mệt vì mình chưa thuần thục việc giữ nhịp thở đều đặn. Phải mất 18 năm trời mới hiểu. Nay mới hiểu mấy ông võ sư khi xưa chê mình ngu lâu dốt bền vì lãnh hội chậm.


Khoa kêu mình theo dõi hơi thở thì mới khám phá ra giữ độ bền của hơi thở rất quan trọng vì trong tích tắc đồng hồ, ngưng thở thay vì chuyển tiếp thì lực của mình cũng mất tiêu lúc đó. Nếu mất hơi thở thì cũng mất luôn nội lực, bị gián đoạn lúc đó thì đối phương dễ đàn áp chúng ta. Cái khó là giữ đều hơi thở ra vào chậm chậm đều đều, không đứt khoản. Giúp lực của mình tiếp tục như dòng nước chảy. Ngày nào mình tập được là xem như đắc đạo. Chắc 20 năm nữa. Chán Mớ Đời 


Khoa cho mình đi Thái Cực Quyền 8 thức hơn 1 tiếng đồng hồ là để giúp mình không hấp tấp, tập tính kiên nhẫn nhưng khi ráp với hơi thở thì khá phức tạp. Mình chưa thuần thục được hơi thở vì hay bị mất lắm. Được cái là mình bắt đầu tập thở bằng mũi thay vì bằng miệng. Tối đi ngủ mình dán băng keo nơi miệng để tránh há mồm trong giấc ngủ. Thấy ngủ giấc sâu (xem ứng dụng của đồng hồ). Cũng như khi tập hay leo núi chỉ thở bằng mũi giúp mình hít sâu hơn đưa nhiều oxy vào lá phổi. Ít mệt hơn. Mình có kể vụ này rồi.


Dạo này Khoa giúp mình nhận ra nội lực và cách tạo, đẩy lực thay vì cứ muốn ăn thua đủ với lực đối phương, sẽ bị kẹt, không tạo lực được nếu họ mạnh hơn mình. Phải an tâm tự tại thì mình mới nhận thức được lực của đối phương để từ từ điều chỉnh lại cơ thể của mình thành một khối, hơi thở để tạo lực nguyên khối như trái banh, như dòng nước từ từ lăn đến đối phương. Nếu mất hơi thở trong tích tắc là xem như mất luôn cái nguồn lực này. Nói cho ngay, mấy người tập ngày nay may mắn hơn vì qua bao năm tháng tập luyện, Khoa tìm ra cách hướng dẫn học viên nhận ra được nguồn lực trong cơ thể nhanh hơn.


Dạo này Khoa nhắc mình tập với hơi thở nên khá mệt vì muốn giữ gìn hơi thở đều. Hy vọng sẽ luyện tập được năm tới. Năm nay đi chơi mút mùa nên nghỉ tập khá nhiều.

Dạo này Khoa cho tập chém dao giúp di chuyển cái eo mới tạo được cảm giác cơ thể là một khối đồng nhất, không rời rạc. Nội xoay gót chân, xoay eo cũng tạo ra khối lực đồng nhất. Tập nội công Hồng Gia giúp bện các cơ bắp cũng như gân giúp cái lưng được bện chặt. Dạo này lưng mình ít khòm hơn xưa.


Mình thấy thân hữu đi tập thiền này nọ, quan sát hơi thở này nọ hay mấy người viết trên mạng bú xua la mua. Cách tốt nhất là tập nội công hay Trạm Trang Công,…. Rồi theo dõi hơi thở của mình. Chớ ngồi đó mà nghĩ tới đâu là khí chạy tới đó. Chán Mớ Đời 


Có ông thần bán phở ở Melbourne bỏ vợ con qua Hoa Kỳ mấy tuần để tập với Đông Phương Hội. Mình sắp đi Úc nên liên lạc thì anh ta cho biết như sau:


May quá. Em không có tập theo Thần Võ. Năm ngoái thần có qua đây chỉ em ngồi đấm nhưng tập vài ngày thấy đau vai quá nên em bỏ luôn 😁

Em thấy anh có rảnh nên đi gặp Thần Vỏ một lần cho biết. Chớ em thấy Thần nói chuyện nghe hay quá 😁


Nguy hiểm nhất là nghe ai nói, viết rất hay nhưng không tập thì lầm tưởng. Mình cũng bị thu hút bởi cách nói, giải thích của Thần Vỏ khi xưa nhưng sau này thì ngộ ra là phải tập hàng ngày vì sức khỏe mình càng già càng suy đi. Thần võ không tập nay bị soi tim mấy lần, truyền nước biển khi mệt, không tập, chế cách tập mới. Ở La Phù Sơn, họ luyện tập bao nhiêu năm mới hoàn chỉnh các thế tập, nay mình lại chế lại nhưng không tập thì làm sao ngộ được. Nhất là đưa đến các kết quả soi tim này nọ.


Nguy hiểm nhất là khiến nhiều người tin và tập theo như anh bán phở, kêu đau vai,… gây cho họ nhiều vấn đề khôn lường được.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn