Showing posts with label Đàlạt. Show all posts
Showing posts with label Đàlạt. Show all posts

Xung quanh chợ Đà Lạt trước 1963

 Hôm nay, ngồi lọc một ít hình ảnh cũ Đà Lạt, thấy có mấy tấm ảnh xung quanh Chợ Mới Đà Lạt, trước khi ông Diệm bị lật đổ thấy tiếc vì sau đó, ông Trần Văn Phước, thị trưởng Đà Lạt bị Hội Đồng Cách Mạng cách chức, lấy cung, xem có ăn gian khi xây chợ và không tìm chứng cứ nào cả. Lấy bụng ta suy bụng người.

Giới theo nịnh chế độ mới, tố cáo ông Phước là ăn gian, ăn hối lộ những khi đưa sổ sách ra thì thấy ông ta không ăn một đồng của dân thị xã Đà Lạt. Nên nhắc lại công ơn của thị trưởng Trần Văn Phước, ông ta mượn tiền ngân hàng để xây và sau đó bán các gian hàng cho những người như mẹ mình, đã thu vốn lại và trả hết cả vốn lẫn lời. Mình có kể vụ này rồi.

Theo mình hiểu, ông Trần Văn Phước là thị trưởng người Việt tại chức lâu nhất. Sau ông ta có vài người chỉ được bổ nhiệm vài năm hay vài tháng, đặc biệt có một nữ thị trưởng đầu tiên, tên Nguyễn Thị Hậu, mình có người dì bà con, làm thư ký cho bà, khen bà này giỏi lắm. Nghe nói bà ta đã từng làm người mẫu cho Cát Tường Le Mur ngoài Hà Nội. Người cuối cùng trước khi Đà Lạt di tản là ông Nguyễn Hợp Đoàn. Ông này sang Hoa Kỳ, mở tiệm bán đồ trang trí nội thất rất thành công. Ở Cali, cũng có một ông tướng mở tiệm loại này khá thành công, nay qua đời, cái tiệm chắc con cháu bán nên đã được phá huỷ để xây trung tâm văn hoá, thương mại.

Sau 1963, Đà Lạt bắt đầu xây lộn xộn. Các cuộc chỉnh lý liên tục, thay thị trưởng như chong chóng nên không có ai làm gì cho sự phát triển Đà Lạt, để lại dấu ấn thêm các ông tá được chỉ định làm thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức, để lo về an ninh, vì Việt Cộng đánh phá. Mình chỉ biết ông Nguyễn Hợp Đoàn có chương trình dời 2 bến xe đò ở trong thị xã ra ngoại ô, ở đường Nguyễn Tri Phương mà ngày nay mình thấy họ làm ở địa điểm đã dự tính trước 1975. Ông cụ mình làm ở Ty Công CHánh và Công Quản Nước Đà Lạt nên hay kể cho bạn nghe còn mình thì hóng chuyện người lớn. Chán Mớ Đời 

Mình thấy bản vẽ thiết kế chợ Đà Lạt và xung quanh của kiến trúc sư Nguyễn Duy Thức thì không thấy khách sạn Mộng Đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge. Những địa điểm này được thiết kế xây vườn Bách Thảo, hoa để du khách và thị dân du ngoạn, ngày nay người ta gọi là vùng xanh. Sau này, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được chỉ định, thiết kế đô thị khu Hoà Bình và Chợ Mới Đà Lạt nên mới thấy các khu phố hai bên chợ và nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. 

Mình thấy cái cầu nổi đi vào chợ là điểm hay nhất của thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, chỉ tiếc là cầu thang lớn đi xuống chợ, không được liên kết với nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. Dượng Thụ đã từng ở La MÃ 3 năm, có thể dùng cầu thang chỗ công trường Tây Ban Nha làm mẫu.

Xem hình trên, mình đoán được chụp trên mái nhà của Khu Hoà Bình. Cận cảnh là khu thương mại, có “arcade “ không biết tiếng Việt gọi là gì, sau này kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, thiết kế phá bỏ, bù lại thì thêm khách sạn Mộng Đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge hai bên cầu thang đi xuống chợ. Mình có kể trong bài sự thành lập Khu Hoà Bình.

Ngoài ra thay vì làm vườn hoa như dự định, họ xây thêm mấy căn phố bên phải của đại lộ đi vào từ bùng binh, căn đầu tiên là cà phê Hạnh Tâm, có một ngân hàng tên Nam Đô và tiệm chụp hình gì quên tên, chắc phải lục lại mấy bài viết của mình trước đây. Già rồi nên bắt đầu quên. Chỉ nhớ là ở đường Duy Tân có một tiệm, con trai ông này, tên gì có chữ Khánh, ra đó mở để chụp hình lưu niệm cho du khách đến xứ hoa Anh Đào.

Ta thấy từ bùng binh cầu Ông Đạo chạy vào chợ có một đại lộ rộng thênh thang, hai bên đại lộ là bãi cỏ và vườn hoa. Hai bên hông vườn hoa , có hai con đường nhỏ để xe hơi có thể chạy ra, hay để đậu xe, ngoại quốc gọi là lộ chửa cháy. 

Trong trường hợp có sự cố ở trong chợ, xe không vào được vì kẹt xe,…thì xe cứu hoả có thể chạy theo hai đường nhỏ này vào. Mình về Đà Lạt thì thấy đông nghẹt, xe và người chen chút, chỉ cầu mong là đừng cháy chợ vì sẽ có người chết rất nhiều, không thoát được và xe vòi rồng cũng không chạy vào được. Mình có đi vòng vòng để xem có những vòi nước lớn để khi khi có cháy thì nhân viên cứu hỏa có thể sử dụng để chửa cháy thì tuyệt nhiên không thấy. Bệnh nghề nghiệp. Khi vào rạp xi nê hay đi xem hát, khách sạn,…mình luôn luôn xem lối thoát chửa cháy. Chán Mớ Đời 

Khi xưa, ở hai đầu chợ, đều có bể nước nên khi có hoả hoạn, người ta có thể lấy nước dội để dập tắt lửa nhỏ. Nay thì tuyệt nhiên không thấy. Có lẻ họ dấu chỗ nào mình không thấy.

 Mình nhớ sau này, khi có chợ Tết thì hai bên đại lộ từ Cầu Ông Đạo chạy vào, xe đậu nghẹt nhưng không thấy ai đậu xe ở hai đường nhỏ cả.

Dọc con đường Lê Đại Hành đã thấy trồng mấy cây mai, nở vào mùa xuân, đẹp lạ lùng. Mấy kiosque ở đường Thành Thái, nằm thấp dưới, không choáng tầm nhìn của dãy nhà, đúng hơn là cư xá công chức bên tay phải. Tiệm kem Việt Hưng là căn đầu, của một ông người bắc, nhà đâu trong đường Trần BÌnh Trọng, mình có học ở vườn trẻ Thanh Ngọc với hai cô cháu của ông ta.

Thị trưởng Trần Văn Phước (ngồi giữa), người có công xây dựng Đà Lạt sau khi người Pháp về nước. Ông này sinh trưởng tại Nam Vang, được ông Ngô Đình Diệm bổ nhiệm lên Đà Lạt. Ông ta mượn tiền để xây chợ Đà Lạt, được xem là ngôi chợ đẹp nhất Đông Nam Á dạo đó.

Mình kể cho những người cùng thế hệ của mình hay lớn tuổi chớ thế hệ của em mình thì chắc như bò đội nón, chả hiểu mô tê chi. Cuối đường Thành Thái là rạp xi-nê Eden, sau này bán lại người Việt, đổi tên lại Ngọc Lan và Ngọc Hiệp.

Phía bên kia hồ Xuân Hương thấy con đường Trần Quốc Toản, nối liền với Phạm Ngũ Lão ngay ngã ba đường lên dốc nhà thờ Con Gà. Không nhớ đường này gọi là gì. Hình như Lê Đại Hành, kéo dài từ đây qua cầu Ông Đạo rồi lên đến khu Hoà Bình. Bên tay trái, thấy biệt thự của bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai mà nay họ mới đập bỏ, để nới rộng con đường Trần Quốc Toản. Phía sau hơi mờ là khách sạn Palace.

Hình này, cho thấy họ đang làm đường, tráng nhựa, thấy chiếc xe hủ lô của ty công chánh khiến mình nhớ vài kỷ niệm về làm đường ở Đà Lạt khi xưa. Hình này cho thấy họ mới trồng mấy cây tùng nhỏ ở ngay bùng binh, sau này to lớn hơn, không biết bây giờ còn hay không.

Bên phải là một phần của chợ mới Đà Lạt vừa mới xây xong, cầu thang to lớn để nối với khu Hoà Bình. Chúng ta thấy dãy phố do ông Võ Đình Dung xây cất cho thuê, sau này thì bán lại, khá nhiều mấy người gốc Hoa mua như Chic Shanghai, Vĩnh Chấn. Mình chỉ nhớ căn đầu bên trái, chỗ cầu thang đi băng đến đường Trương Vĩnh Ký, là nhà ông trồng răng của ông Trình, mình có học chung con ông ta tên Huy. Tên này đánh vũ cầu rất hay.

Điều phản cảm nhất trong tấm ảnh này là khách sạn Thuỷ Tiên 4 tầng, được xem là cao nhất Đà Lạt thời đó, nằm chình ình sau dãy phố của ông bà Võ ĐÌnh Dung. Bên phải chỗ cái talus là dãy phố rất tây, có arcades để tránh nắng vào buổi chiều. Nếu đi phố thì ai cũng thấy phía dẫy phố đồng hồ Tiến Đạt và tiệm thuốc Anh Lân, đều có máy tấm vãi che nắng vào buổi chiều để tránh nắng lọt vào. Có dịp mình sẽ kể rõ hơn. Sắp đi chơi cả tháng nên không biết có nhớ khi về. Ai thích thì nhắn mình.

Tấm này chắc được chụp cùng lúc với tấm trên cho thấy bên tay trái, đã bắt đầu thực hiện vườn hoa ngay cầu thang, còn phía bên phải thì bến xe đò Chi Lăng đã hoạt động, không thấy La Tulipe rouge hay khách sạn Mộng Đẹp. Tấm ảnh này chỉ rõ cầu thang chợ đi lên rồi nói tiếp với cầu thang chỗ phòng trồng trăng nha sĩ Trình, và đường Trương Vĩnh Ký. Mấy cái bàn với dù được dựng lên để bán đồ kỷ niệm cho du khách nhưng không có ai mua cả, cuối cùng quăng. Lý do không ai muốn mỗi ngày phải đem đồ đến bán rồi tối đem về. Đà Lạt mùa mưa gió là chết, không có chỗ núp.

Ông này xin phép xây 3 tầng nhưng chơi cha thiên hạ, xây thêm 1 tầng và đóng phạt nhè nhẹ, thị dân Đà Lạt mất một công viên để ra đây chơi. Phải bò đến vườn Bích câu mới có chỗ để tâm sự buồn vui đời anh em.

Hình này sau 1963, ông thầu khoán xây chợ mới Đà Lạt, tên Nguyễn Linh Chiểu, chạy chọt làm sao mua miếng đất chỗ cái vườn hoa bên cạnh cầu thang lớn, xây cái khách sạn to đùng. Cái mất dậy là ông ta xây lậu thêm 2 tầng, khiến che mất quang cảnh của thị dân từ khu Hoà Bình xuống hồ Xuân Hương. Nghe nói ông ta có bị phạt nhưng nhẹ, đút lót một tí là xong với quan chức đệ nhị cộng hoà.

Nếu mình không lầm cửa chính đi vào nhà hàng từ cầu thang. Khi có tiền mình hay đến đây mua bánh mì thịt có pâte gan, ăn ngon kể gì. Chỗ này có nhảy đầm, ăn uống dành cho giới thượng lưu Đà Lạt khi xưa. Ca sĩ Khánh Ly khởi nghiệp tại vũ trường này. Mình không biết Xí Rổ chém Đại Ca Thay ở đây hay phía dưới bên sẽ đò. Nghe kể khi xưa, Xí Rổ giỏi võ.
Nhà hàng La Tulipe Rouge, được xây cất 2 tầng, để không che quang cảnh từ khu Hoà Bình. Trong khi khách sạn Mộng Đẹp chơi cha, xây thành 4 tầng, che lấp hết. Hình này cho thấy cái tháp chuông, điểm nhấn của Đà Lạt tương tự khi người ta trông về phía nam thì sẽ thấy tháp chuông nhà thờ Con Gà.
Tấm ảnh này chụp ngày trên đường Lê Đại Hành, cho thấy khách sạn Mộng Đẹp của ông Nguyễn Linh Chiểu, xây lậu thêm 2 tầng nên che lấp quang cảnh của Đà Lạt nhìn từ khu Hoà Bình, nhất là từ xa người ta thấy khách sạn này che mất cái tháp chuông của khu Hoà Bình. Mình thích tấm ảnh này vì có chiếc xe Jeep của ông cụ. Đà Lạt khi xưa chỉ có một chiếc xe Jeep tư nhân, sơn màu xanh da trời, thêm bảng số nữa.
Họa đồ thiết kế đầu tiên của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, rể Đà Lạt cho thấy chiếc cầu nổi, nối khu Hoà Bình vào lầu 2 Chợ Mới. Thấy cầu thang cắt ngang dãy phố nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. Đặc biệt là các kiosque dọc bên đại lộ từ cầu Ông Đạo chạy vào, khác với hoạ đồ cuối cùng. Bãi đậu pedalo nhà hàng Thanh Thuỷ sau này.

Mấy căn phố trên đại lộ vào chợ mới Đà Lạt. Căn đầu tiên bên phải là tiệm cà phê Hạnh Tâm
3 căn phố gần chợ. Dạo ấy thị dân Đà Lạt ít ai có xe nên đi bộ mệ thở
3 căn phố như hình trên nhưng hình màu, chắc người Mỹ chụp vì dạo ấy ít người Việt chơi hình màu lắm. Có tiệm hớt tóc, còn 2 căn phố kia chưa có người mua hay mướn, một sau này là tiệm chụp hình còn Nam Đô Ngân Hàng là căn thứ 4.
Hình này chắc chụp từ trực thăng, thấy mấy căn phố cách nhau, đại lộ vào chợ, hai bên có con đường nhỏ để vòng ra. Khách sạn Mộng Đẹp (Modern) nằm sát dốc Lê Đại Hành. Mình thấy đường Thành Thái có tiệm gà Gala với cái nóc nhà khác với tiệm kia. Bên trái là rạp xi nê Ngọc Lan.
Hình chụp từ đầu đại lộ đi vào, bên phải các căn phố đang được xây cất. Khi xưa đi bộ chỗ này mệt thở vì to rộng. Vào dịp Tết thì họ cấm xe đi vào phía sau chợ nên xe đậu suốt hai bên đường đầy. Lý do là họ dùng đường để làm chợ cho những ai muốn kiếm thêm tiền đẻ ăn Tết. Đông lắm. Bên trái chợ, có căn 3 tầng, đối diện photo Hồng Châu, sau này bị phá bỏ.

Bên tay phải cầu thang cũng khệnh nhà hàng La Tulipe rouge, trông rất phản cảm, làm mất vẻ oai vệ của cầu thang. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hình ảnh Đà Lạt xưa

 Mấy hôm nay, thấy có ông Tây nào tải mấy tấm ảnh do ông ta chụp tại Đà Lạt trước năm 75 khiến mình chợt nhớ đến khung cảnh ngày xưa. Mình tính không kể về Đà Lạt xưa nữa vì cứ như múc nước từ ao ký ức rồi đổ sang vùng hoài niệm kia, tát qua tát lại đến khô kiệt. Lâu lâu thấy dân Đà Lạt tải một tấm ảnh mới thì bao kỷ niệm lại tuông về. Mình có đâu trên 800 tấm ảnh cũ của Đà Lạt, do một anh cựu học sinh Lasan Adran tặng.

Đặc biệt tuần này có một tấm bưu thiếp chụp con đường mòn, nối liền đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng, băng qua vườn trồng rau. Khi xưa, mình có đi bộ vài lần khúc này. Để hôm nào rảnh mình lục tất cả các tấm bưu thiếp về Đà Lạt ngày xưa bán cho du khách, rồi tải lên đây.

Đường Phan Đình Phùng nằm song song với đường Hai Bà Trưng, được nối liền bởi 3 chiếc cầu chính, xe có thể đi qua: phía Số 4 có cầu ở đường La Sơn Phu Tử, cầu Cẩm Đô, và cầu đường Hải Thượng, gần trường Việt Anh. Đường bộ, hẽm thì có phía sau trường Tân Sanh, cây xăng Ngọc Hiệp, ngay Chợ Nhỏ ở tiệm thuốc tiệm Tây Lâm Viên, một ở Ngã Ba Chùa, đi băng qua vườn ông Ba Đà, mướn đất của ông bà Võ Đình Dung, và con đường chỗ hãng cưa Xu Tiếng, ảnh của tấm bưu thiếp.

Nói chung từ MÃ Thánh đến trường Việt Anh, tất cả đất làm vườn trồng rau, dọc con suối thuộc về ông bà Võ Đình Dung. Ông Võ Đình Dung là người thầu xây nhà ga Đà Lạt ở đường Nguyễn Trãi và dãy phố khu Hoà Bình, chỗ tiệm bánh mì Vĩnh Chấn đến nhà trồng răng ông Phan gì Trình, bố của thằng Hy khi xưa học chung với mình. 

Chùa Linh Sơn và Linh Quang, cũng được ông bà tặng đất để xây. Ông ta có chân trong hội đồng thị xã Đà Lạt, gồm 3 ngươi Tây và 2 người Việt nên khi người Pháp quy hoạch thành phố, ông ta biết khu nào dành cho người Việt (indigènes) thì mua hết nên sau này được xem là người giàu nhất Đà Lạt. Mình có kể vụ này rồi.

Ảnh chụp in trên bưu thiếp nhìn từ phía đường Phan đình Phùng sang Hai Bà Trưng, thấy con đường đất để người dân đi ra phố.
Đây là phía sau tấm bưu thiếp, được in tại Hương Cảng, chỉ cần dán tem và viết địa chỉ bên phải và vài dòng cho người thân bên trái. Khi xưa, mỗi lần đi chơi đâu ở âu châu, mình mua vài tấm làm kỷ niệm vì không có máy hình, gửi vài tấm cho bạn bè, người thân ở Paris.

Xem hình này thì điểm đầu tiên nhận thấy là Domaine de Marie trên đồi bên kia, ngoài ra còn thấy trường tiểu học Đa Nghĩa mà khi xưa, mình có lên đây chơi vài lần. Khúc này ở đường Phan Đình Phùng gần hãng cưa Xu Tiếng và Ga ra Phan Xứng. Hai nhà này có người học chung với mình khi xưa; Nguyễn Văn Thảo, sau này mình có gặp tại Paris sau 75 và Phan Hiền Huy. Nghe nói anh chàng này ở hải ngoại nhưng chưa có dịp gặp lại.

Có người hỏi mình lý do khi xưa, dân Đà Lạt gọi ông ngoại của anh ta là “ông Xu Huệ”. Tại sao là “Xu”? Mình hiểu là khi xưa, thời tây mấy người Việt đi làm cho Tây, được làm đội trưởng, mà tây gọi là “surveillant”, người Việt gọi Nôm na là “cai” như ông Cai Thỏ. Nhiều khi đọc luôn tiếng tây khá dài vì tiếng Việt là đơn âm nên người Việt gọi “xu” cho tiện.

Ông xu Tiếng, khi xưa làm việc cho tây, học nghề xây cất, sau này làm nhà thầu xây cất. Chính ông ta đã thầu xây Nha Địa Dư, cạnh trường Grand Lycee. Ông ta là 1 trong hai nhà thầu khoán nổi tiếng Đà Lạt với ông Võ Đình Dung ở buổi giao thời của Đà Lạt.

Nha Địa Dư Đà Lạt, do thầu khoán Xu Tiếng xây cất. Ông này chết sớm, cô con gái kể là mới lên hai thì ông ta đã qua đời.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             
Phía trên đồi trước Domaine de Marie, thấy khói cháy cỏ, mình đoán là lúc họ chuẩn bị cày miếng đất nằm giữa đường Ngô Quyền và đường Thi Sách, sau này mình hay lên đây đá banh với dân Số 4. Tết đến thì người Huế ở Số 4 hay tụ tập đây chơi bài chòi thì phải.
Ảnh này cho thấy rõ trường tiểu học Đa nGhĩa và nguyên khu Domaine de Marie. Hình này cho thấy con đường mòn nối liền đường Ngô Quyền, Thi Sách, đi mép bên trường Đa Nghĩa, rồi xuống đường Hai Bà Trưng, nối liền với con đường mòn đất qua Phan Đình Phùng. (Hình của Bill Robie)

Nếu mình không lầm nhà thầy Hồ Thanh Tâm, dạy sử mình năm lớp 11, gần xóm trong khu vực này. 

Tấm không ảnh này chụp từ Domaine de Marie, có thấy đường Ngô Quyền, Thi Sách, Hai Bà Trưng và một đoạn đường mòn từ Phan Đình Phùng trước trường Đa Nghĩa. Không thấy khu nhà thầy Hồ Thanh Tâm ở.
Tấm ảnh này chụp trên cầu đi vào chợ Trên, từ khu Hoà BÌnh, tiệm chụp hình Hồng Châu. Thấy cuộn dây kẽm, nhớ là chiều tối, cảnh sát kéo lại để tránh nằm vùng vào đặt chất nổ trong chợ sau Mậu Thân.
Mình có một kỷ niệm bị ông cụ khệnh cho một trận trên chiếc cầu này. Dạo đó, đi vào vườn trong Suối Tía. Không hiểu lý do ông cụ chọn đi đường này, mình cầm cái bình thủy, đựng nước. Có tên nào đi ngược lại, đụng mình, làm rơi cái bình thủy bể. Ông cụ cho một tát nhớ đời về tội xớn xác. Chỗ này chắc là cuối tuần vì trong tuần ít người. Thiên hạ bán lén, lâu lâu cảnh sát rượt chạy mệt thở, chỉ sau này thì cảnh sát cho bán líp ba ga, không rượt nữa.

Mình hay thấy một bà hay ông người chàm, ngồi đây trên cầu, kêu thiên hạ dừng lại để nghe họ xem bói thì phải. Mấy bà ngoài chợ sợ họ lắm, kêu sợ bị họ thư. Kêu người hồi (hồi giáo).

Chỗ này, nơi mấy thang cấp, thường thấy mấy bà sơ của Domaine de Marie, đứng đây bán đồ cũ của người Mỹ viện trợ để nuôi trẻ mồ côi. Sau này mấy sơ bán thẳng cho mấy bà bán áo quần trong chợ, để bán lại cho dân Đà Lạt.

Đặc biệt chiếc cầu này được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ với cầu thang bên vũ trường La Tulipe Rouge. Chiếc cầu nổi dài, hình chữ K, rất đặc biệt thay vì thẳng. Ngoài ra còn thiết kế mấy dãy phố dưới cầu thang chợ, hai bên hông của Chợ Đà Lạt. Mình có mấy tấm ảnh bản vẽ cũ.

Tấm ảnh này đề ngày 12 tháng 2 1972 do Blaine Jessee chụp. Mình đoán là mùa chợ Tết vì thường họ mướn chỗ này để bán hàng. Hàng năm, thành phố có vẽ mấy cái ô để dân Đà Lạt mướn chỗ để bán mấy ngày Tết. Bà cụ mình hay mướn một chỗ để một chị người làm ra bán, sau này có hai gia đình hàng xóm, mướn chỗ rồi lấy hàng bà cụ bán, kiếm tiền ăn Tết.

Hình này ở khu Hoà Bình, chụp từ dãy phố nhà hàng Chic Shanghai chiếc xe màu xanh, nếu mình không lầm là của ông bà Võ Quang Tiềm, dùng để chở rượu. Mình hay thấy ông tài xế, hình như là cháu của ông Tiềm, hay lái chiếc xe này. Bà Tiềm là chị em bạn dì hay cô cậu với mệ ngoại mình.

Dạo bà cụ mình vào Đà Lạt, được bảo trợ bởi ông bà Phúng, em của bà Tiềm. Sau đó mẹ mình theo việt minh bị bắt chung với cô Minh, con ông bà Võ Quang Hàm, hình như cháu của ông Tiềm, tiệm thuốc tây Minh Tâm. Ông Tiềm là người bảo lãnh bà cụ ra tù. Khi ông cụ mình giải ngủ, học thi vào làm công chức cho ty công chánh, ông Tiềm kêu ra nhà ngủ lại, bắt học thi thay vì để ở nhà, ông cụ lại tính chuyện sản xuất.

Thấy chiếc xe Ladalat của hãng Citroen. Dạo ấy công ty này đầu tư vào Việt Nam, dàn xe hình như được sản xuất tại Việt Nam còn máy móc thì đem từ Pháp sang. Nếu không có vụ 30/4/75 thì ngày nay Việt Nam có lẻ đã sản xuất xe chiến đấu hơn xe của đại hàn.

Chiếc xe đò chạy Sàigòn - Đà Lạt mà khi xưa, mình có đi mấy lần. Bến xe ở gần Ấp Ánh Sáng, cạnh bên cây xăng Caltex. Khi đi thì đến bến xe để đi, còn khi về từ Sàigòn thì nhà Mệ Ngoại mình ở Hàng Xanh nên ra đường chính, kéo ghế ăn tô hủ tiếu rồi đứng đợi bên đường rồi quơ tay để xe Nam Sơn ngừng rồi chạy về Đà Lạt. Mình cũng hay đu lên xe kiểu này vì xe không dám đậu lâu, sợ bị cảnh sát phạt vì đón khách bên đường, xem như ăn gian chủ xe. Tài xế và lơ xe, bắt khách dọc đường thì bỏ túi tiền riêng nên rẻ hơn là mua vé.
Mình đoán là chụp xe chạy lên dốc đường Lê Đại Hành, vì ông ta cũng chụp  tấm ảnh từ rạp Ngọc LAn xuống hồ Xuân Hương, thấy cái mái nhà của cây xăng Caltex
Dạo ấy Đà Lạt ít xe, hoặc là vào giờ thiên hạ đi học hay đi làm hết. Chủ cây xăng Caltex này là ông chủ nhà hàng Chic Shanghai, được thị trưởng Trần Văn Phước cho đất, để ông ta bỏ tiền xây cây xăng. Ngoài ra ông ta cũng bỏ tiền ra để xây khu rạp xi nê Hoà Bình khi họ dời chợ Cũ xuống chợ mới. Phía trong chợ cũ, được thiết kế lại làm rạp chiếu bóng Hoà Bình, xung quanh thì có dãy tiệm bán đồ như mấy tiệm Tiến Đạt, Anh Lân,…
Đây là ảnh chụp từ dãy phố của ông Đội Có, người xây hồ Đội Có, mình có kể rồi, nhìn sang tiệm sách Hoà Bình, nơi hàng năm phải ra đây mua sách của mấy ông tây bà đầm bắt mua để đọc. Tiệm này cũng do mấy chú Ba làm chủ, bên cạnh có tiệm bánh Thanh Nhàn, của hai bác Bửu Ngự, hàng xóm. Nhìn xéo qua thì có tiệm sách Liên Thanh, cạnh bên tiệm giầy Bata. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hậu quả của chương trình “Vòng Đai và Con Đường”

 Dạo này đọc báo chí của á châu thấy nhiều nước bị Trung Cộng dụ, cho vay tiền để phát triển theo chương trình “vòng đai và con đường”, đang bị khốn khổ như Sri Lanka, Pakistan, Phi Châu,…

Trước tiên mình xin nhắc lại sơ sơ một bài mình đã viết lâu rồi về sát thủ kinh tế, để giúp nhớ lại sự việc.

Trước khi thế chiến thứ 2 kết thúc, trục Đức quốc Xã, Ý Đại Lợi, và Nhật Bản đầu hàng, đại diện các quân đội đồng minh, đã họp tại Bretton Woods, New Hampshire để bàn việc chia cắt, ảnh hưởng kinh tế sau chiến tranh.

Các nước chiến thắng thế chiến thứ 2, đồng ý giữ hối giá tiền tệ của họ với đồng mỹ kim, thay thế đồng bảng Anh, khi buôn bán giao thương. Họ dùng mỹ kim để thanh toán tiền nong để giản tiện mọi việc tránh tranh cãi. Để tránh nạn chiến tranh thương mại trong tương lai, quốc gia không được hạ giá tiền tệ của mình, để gia tăng xuất cảng,… 

Điểm quan trọng là họ sẽ dựa trên hối suất căn bản của vàng. Nghĩa là các ngân hàng quốc gia bảo đảm tiền tệ của họ , có thể đổi thành vàng khi cần. Các quốc gia đồng ý sẽ đổi tiền tệ của họ qua mỹ kim thay vì vàng. Lý do là Hoa Kỳ giữ 3/4 số vàng của thế giới. Không có tiền tệ nào trên thế giới có đủ vàng để thế chân. Nếu mình không lầm thì trong cuộc chiến, các nước đồng minh, sợ Đức quốc xã chiếm hết số lượng vàng dự trữ của họ nên đem sang Hoa Kỳ gửi. Sau này Tây muốn lấy lại, đem thuyền đến để chở người Mỹ không đưa lại thì phải khiến De Gaulle chửi thề. Tương tự Việt Nam Cộng Hoà đầu hàng thì người ta hỏi 16 tấn vàng của ngân hàng quốc gia đi về đâu. James Bond có phim nói về cướp số vàng sự trữ của Hoa Kỳ.


Một lượng vàng có thể đổi lấy 35 đôla, nghĩa là người thường có thể bước vào bất cứ chi nhánh ngân hàng nào, có thể đổi 35 đô la cho một lượng vàng. Từ từ người ta sử dụng mỹ kim thay thế cho vàng vì nhẹ, dễ di chuyển.

Lý do là trước thế chiến thứ 1, các quốc gia đều theo hệ thống tiền tệ căn bản là vàng nhưng khi họ tham chiến thì cứ in tiền để trả tiền chiến tranh khiến lạm phát gia tăng khủng. Sau chiến tranh thì họ trở lại với vàng.

Đến năm 1927, cuộc đại suy thoái của Hoa Kỳ, người dân, bỏ mỹ kim để mua vàng khiến chính phủ không còn khả năng in tiền. Do đó hội thảo tại Bretton Woods giúp uyển chuyển khi gặp suy thoái, tránh việc người dân đổi tiền thành vàng, cất giữ.

Ở Việt Nam có vụ tiền cụ Hồ sau 1945, lạm phát vì in tiền ra để trả nợ, trả lương,… nghe mệ ngoại mình kể là đi chợ, người ta gánh tiền đi để mua. Có dịp mình kể vụ này.

Bên thắng cuộc cho rằng đã đến giờ chủ nghĩa thực dân từ thế kỷ 19 đã lỗi thời, tốn sức và quân đội để chiếm đóng, cai quản các thuộc địa. Họ trao trả nền độc lập cho các thuộc địa cũ và thành lập các hội đồng liên hiệp như Union française, Commonwealth để nắm giữ các nền kinh tế của thuốc địa cũ với họ. Họ giao chính quyền lại cho những tay sai đắc lực của họ tại các thuộc địa, làm thái thú dùm cho họ, bù lại thì được sống trong nhung lụa,… 

Để kiểm soát tiền tệ của thế giới Tự Do và các thuộc địa cũ, họ thành lập hai quỹ tiền tệ là Ngân Hàng Thế  Giới và International Money Fund (quỹ tiền tệ thế giới). Một có cơ sở chính tại Hoa Kỳ và một tại Âu Châu. Tiền mỹ kim được giao dịch buôn bán chính trên thị trường quốc tế. 

Vấn đề là đến năm 1971, tổng thống Nixon quyết định bỏ hối suất mỹ kim theo vàng, nghĩa là người dân có $35, không còn vào ngân hàng đổi lấy 1 lượng vàng như trước đây, mà hiệp ước Bretton Woods đã quyết định. Nay 1 lượng vàng giá gần $2,000.

Nợ ngoại quốc so với GDP

Các thuộc địa mới được trao trả độc lập, thực dân về nước, rút hết tiền của các thuộc địa nên không có tiền để phát triển đất nước. Lúc đó, các quốc gia thực dân như Pháp, Anh quốc, Hoa Kỳ,.. mới cho người đến gặp các vị nguyên thủ quốc gia mới được độc lập, đưa ra chương trình như xây nhà máy điện, hạ tầng cơ sở,..

Nhớ dạo mình ở Anh quốc, chính quyền Thatcher, sử dụng tất cả tiền quỹ dư của Hương Cảng để xây phi trường, hạ tầng cơ sở do các công ty Anh quốc đấu thầu như công ty kiến trúc Norman Foster & Associates mà mình làm việc được lãnh thiết kế phi trường Hồng Kông mới.

Vấn đề là các nước dành lại độc lập không có tiền, sẽ được các quốc gia tây phương này bảo trợ, nói sẽ giúp được mượn tiền ở Ngân HÀng Thế Giới hay Quỹ tiền tệ thế giới mà họ là quốc gia cho vay. Người ta gọi những người đưa ra các chương trình này là “sát thủ kinh tế.” Người tây phương mất dậy, như tường hợp Hoa Kỳ, họ cho các công ty tư, đưa người đi các nước nghèo muốn phát triển, kế hoạch hoá các chương trình rồi kêu nguyên thủ ký. Lại quả cho giới cầm quyền.

Vấn đề là các chương trình này rất đắt tiền hơn thực tế. Nhất là các công trình này đều phải được đấu thầu, thực hiện bởi các công ty Mỹ, ANh, Pháp,… họ sẽ cho tiền lại quả cho các vị nguyên thủ và cho các công ty mỹ , hấp , Anh quốc lãnh thầu. Họ đem kỹ sư của họ sang làm việc tại các nước sở tại tương tự các chương trình khi xưa tại Việt Nam, đều do các công ty mỹ thực hiện như RMK,… người Việt mình ít dính vào, có làm ké được một phần nào mà họ không làm được. Rốt cuộc tiền mỹ đều ở lại các xứ này, không được đỗ vào các nước đệ tam thế giới. 

Nếu để các kỹ sư của nước sở tại l thực hiện các công trình này, giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều. Lương một kỹ sư mỹ có thể mướn 10-20 kỹ sư địa phương. Hay sử dụng đất cát, xi măng,..sản xuất tại địa phương.

Giá công trình quá qua so với đời sống sở tại, nên thiếu nợ, trả không được vì tiền lời cao, do đó các nước này đều bị phù thuộc vào các nước tân thực dân. Ai mà không nghe lời thì họ cho làm đảo chánh hay giết như trường hợp ở Guatemala, Panama,… mình có kể rõ vụ này này, ai tò mò tìm trên bờ lốc của mình.

Nay nói về Trung Cộng với con đường lụa ở thế kỷ 21. Trung Cộng học được cái mánh này của các nước tây phương, họ cũng bắt chước bằng cách dụ các nước nghèo để mượn tiền phát triển đất nước. Cũng điều kiện là các công ty đấu thầu thuộc Trung Cộng. Họ cho mượn dễ dàng, không đòi hỏi phải nhân quyền bú xua là mua,…

Gần đây các nước như Sri Lanka, Pakistan, Sierra Leone, Tanzania,.. mình có xem phim tài liệu nói về người Tàu sang các nước này để làm việc. Họ xây nguyên làng của họ để làm việc,…

Gần đây có cuốn sách “Banking on Beijing” khảo sát các chương trình do Trung Cộng cho vay để thực hiện các hạ tầng cơ sở tại các quốc gia này. Họ nhận thấy là các chương trình đa số đều được xây dựng tại các nơi sinh trưởng của các lãnh tụ cầm quyền. Cuốn sách cho thấy Trung Cộng cho vay và thực hiện đến 4,368 chương trình trên 138 quốc gia, trong đó có Việt Nam tổng cộng giá trị lên đến 354 tỷ mỹ kim từ năm 2000 đến 2014. Đến nay thì còn nhiều hơn.

Lạm phát đang lên tại Hoa Kỳ nhưng nếu xét các nước ở vùng Nam Á châu thì người ta có thể tiên đoán từ đây đến cuối năm thì có biến chuyển khá trầm trọng cho các nền kinh tế tại đây vì chương trình Vòng Đai và Con Đường của Trung Cộng.

Sri Lanka xem như không còn dự trữ tiền tệ ngoại quốc. Tháng rồi đã không trả được tiền lời cho các món nợ quốc tế. Không chỉ có Sri LAnka mà các nước xung quanh như Nepal, Maldives, Pakistan cũng đều lâm vào tình trạng chung. Người da trắng đã gian ác khi cho vay nhưng anh tầu còn tàn ác hơn.

Từ 20 năm nay, Trung Cộng bơm tiền rẻ vào các vùng này để đổi lấy các cứ điểm quan trọng về quân sự và kinh tế. Người ta ước lượng Sri Lanka thiếu Trung Cộng độ 10% của tổng số nợ, trong khi Pakistan lên đến 27.4%. Sri Lanka bị dụ xây một hải cảng lớn mà không có đường xá gì nối liền nên cuối cùng phải cho Trung Cộng mướn trong vòng 99 năm. Xem như đã mất luôn. Họ đem người Tàu đến đây định cư xây cất , sinh con đẻ cái thì 99 năm là thuộc về Trung Cộng vì chỉ có dân tàu ở đây, nói tiếng tàu. Mình có viếng thăm Campuchia, thấy hải cảng xứ này, toàn là người Tàu, xem như Trung Cộng có hải cảng quân sự tại đây để kiểm soát vịnh Thái Lan. Chán Mớ Đời 

Đại dịch Covid thêm các vấn đề tham nhũng, kém quản trị, thêm chiến tranh Ukraine khiến lạm phát tại Sri Lanka có thể lên đến 39.1% năm nay. Năm 2019. Chính quyền mới của Sri Lanka giảm thuế để kích thích tăng trưởng kinh tế như Hoa Kỳ dưới thời ông Trump nhưng Covid 19 xẩy ra khiến kỹ nghệ du lịch bị ngưng hoàn toàn nên không có tiền tệ để trả nợ.

Thay vì nói chuyện điều đình với IMF, vì sợ cơ quan này bắt họ phải thắc lưng buộc bụng họ cứ tiếp tục trả nợ vì tin rằng đại dịch, chỉ tạm thời, du khách sẽ trở lại nhanh. Chính phủ cấm nhập cảng phân để dự trữ tiền mỹ kim, khiến mùa thu gặt trà giảm rất nhiều, không xuất cảng được nhiều. Nay nghe nói quỹ dự trữ chỉ còn độ 50 triệu đô la.

Pakistan tương tự nghe lời anh bạn hàng xóm, ngân hàng quốc gia của xứ này cho biết chỉ còn độ 16.4 tỷ đô la. Nợ quốc tế so với GDP là 35%, đỡ hơn Sri Lanka đến 58%. Vấn đề ngày nay là tiền mỹ kim lên giá so với tiền tệ quốc tế dù bị lạm phát. 1 Euro gần xáp xỉ 1 đô la. Tiền lời ở Pakistan nay lên 13.8%, có thể lên 15% vào cuối năm nay hay sớm hơn. Điểm lạ khi đọc báo á châu, thấy dân tình Ấn Độ, nhảy vào chửi Pakistan thậm tệ.

Maldives mà thiên hạ nói đi du lịch đắt tiền cho biết là có nợ 250 triệu đô la phải đóng trong 48 tiếng tới. JP Morgan cho biết xứ này có khả năng xù tiền nợ vào năm 2023. GDP của xứ này so với tiền nợ là 67% vào tháng 1 năm tới. Xứ Bahamas cũng tương tự có nợ là 36.5% so với GDP mà du lịch chưa trở lại bình thường. Nepal thì có đến 40% nợ so với GDP.

Vấn đề là Trung Cộng không muốn thương lượng, cắt giảm nợ cho mấy xứ này như các nước tây phương thường làm, vì họ muốn chiếm đất. Dữ Trữ Liên Bang của Hoa Kỳ muốn chống lạm phát thì gia tăng tiền lời khiến tiền mỹ kim lại được giá so với các nước khác nên trả nợ bằng Mỹ kim là khốn khổ vì đắt hơn.

Các xứ này quay qua các nước tây phương thì các xứ này làm khó dễ, bảo mày chạy theo thằng tàu thì cứ bám đuôi chúng. Họ nghĩ có thể vùng Nam Á châu sẽ bị khủng hoảng tiền tệ trong tương lai gần đây như 2 thập niên trước.

Tiện đây mình tải lại một bài của ai viết lâu rồi, về các chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở tại Việt Nam. Không nhớ ai là tác giả vì viết tắt tên họ. Xin mạn phép tải lên đây để mọi người tham khảo.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2018 của Hoa Kỳ, phía Hoa Kỳ đã cảnh báo là Trung Quốc đang sử dụng chính sách “kinh tế cưỡng đoạt” để nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược tại khu vực châu Á cũng như trên toàn cầu. Một trong những hình thức của chính sách “kinh tế cưỡng đoạt” đó chính là chính sách “ngoại giao bẫy nợ” được giăng ra với các nước đang và chậm phát triển.

“Chính sách ngoại giao bẫy nợ” được một số nhà nghiên cứu của Trường đại học Harvard giải thích “là một kỹ nghệ đang được Trung Quốc gia tăng áp dụng để tận dụng các khoản nợ cộng dồn lại, từ đó đạt được các mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc đã đặt ra”. Theo đó, có 3 mục tiêu chiến lược quan trọng mà các “bẫy nợ” của Trung Quốc giăng ra để đạt được, đó là: 1) Thiết lập trên thực tế chiến lược “chuỗi ngọc trai” để có thể chi phối được khu vực châu Á; 2) Làm suy yếu mạng lưới đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, để Trung Quốc có thể nắm ưu thế tại biển Đông; 3) Hỗ trợ Hải quân Trung Quốc vượt qua Chuỗi đảo thứ nhất để có thể vươn ảnh hưởng ra khu vực Thái Bình Dương.


Cách thức thực hiện chính sách “ngoại giao bẫy nợ” này được Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson tóm tắt: “Khuyến khích sử dụng các hợp đồng không rõ ràng, thực hiện các khoản vay mang tính chất cưỡng đoạt, đi đến các thoả thuận bằng các phương cách tham nhũng, từ đó đẩy các quốc gia vay mượn lún sâu vào nợ nần, từ đó họ phải bán rẻ chủ quyền của chính họ…”

Báo chí gần đây nhắc đến trường hợp nhiều quốc gia vướng phải bẫy nợ phải bán rẻ chủ quyền cho Trung Quốc như trường hợp Srilanka đối với việc phải bắt buộc cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota với thời hạn 99 năm, sau khi không trả nổi món nợ khổng lồ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, câu chuyện Việt Nam lại gần như không được nhắc tới như các “nạn nhân” của chính sách “kinh tế cưỡng đoạt” này của Trung Quốc. Vậy chẳng lẽ Việt Nam nằm ngoài chính sách của TQ? Hay dân VN thông minh nên không bị mắc bẫy? Chắc chắn là không rồi, cùng điểm qua một số dự án có đầu tư Trung Quốc mà VN thất bại hoàn toàn, đã không sử dụng được lại còn mang về một đống nợ cho con cháu để sáng mắt ra:

 

1. Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông:

Tuyến đường sắt này thực hiện từ khoản vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, do Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu thi công. Sau đó, số vay nợ tăng lên 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) và điều chỉnh tăng lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng). Đến nay qua 4 đời Bộ trưởng GTVT và tính đến ngày 31/12/2019 là 9 lần lỗi hẹn, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, nhưng đã đến hạn phải trả tiền lãi cho Ngân hàng Trung Quốc khoảng 650 tỉ đồng/ năm.

 

2. Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng

Cuối tháng 11/2019, dư luận Việt Nam rộ lên việc Bộ giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai lập kế hoạch chi tiết cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Thông tin từ báo chí cũng cho biết là Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tài trợ số tiền 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 33,4 tỉ đồng để khảo sát lập quy hoạch cho dự án này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tuyến đường sắt này thực sự không đáp ứng nhu cầu đi lại cùa người dân mà chiếm vốn đầu tư ban đầu lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng là quá phung phí. Chưa kể như người phương Tây hay nói “không có bữa trưa nào là miễn phí” để giải thích việc không phải bỗng dưng mà phía Trung Quốc “cho không” hơn 33 tỉ đó.

3. Nhà máy đạm Ninh Bình

Theo phân tích của các chuyên gia thì nhà máy Đạm Ninh Bình đang phải gồng mình trả khoản nợ 5.000 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm cho Ngân hàng Eximbank Trung Quốc. Và nguồn vốn mà Chính phủ Trung Quốc cho phía Việt Nam vay đầu tư nhà máy Đạm Ninh Bình thông qua Eximbank không phải là vốn ODA.

Theo thông lệ quốc tế, ODA là hình thức cho vay đặc biệt bởi tính lợi nhuận không cao, nó là các quan hệ hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển. Các nước đi tiên phong thường viện trợ hoặc cho các nước chậm phát triển vay ưu đãi, hỗ trợ họ nhanh chóng ngang bằng với các nước khác ở nhiều phương diện nhằm tạo ra một hệ thống phát triển tương đồng hơn.

Nhưng khi vay tiền của Exim bank Trung Quốc, một trong những điều kiện của họ là Việt Nam phải sử dụng nhà thầu của họ.


Tờ báo Đất Việt cho biết: “Ban đầu phía Việt Nam tưởng có lợi khi được vay với lãi suất 4%, dù không thấp nhưng vẫn rẻ hơn so với vay thương mại, tuy nhiên nó lại đi kèm với điều kiện phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc, dùng máy móc, thiết bị thay thế của Trung Quốc…

Đó là những ràng buộc khiến bên đi vay “sập bẫy” và khi ấy công cụ tài chính của Trung Quốc đã vượt khỏi mục tiêu kinh tế đơn thuần. Đằng sau đó là vấn đề chính trị, nền móng của sự phát triển. Quan hệ giữa hai bên cũng không phải là hai đối tác bình thường, sòng phẳng và bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, giữa người cho vay và bên đi vay nữa mà nó đã mang tính chất giữa hai chính phủ, hai quốc gia.”

4 Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thài Nguyên giai đoạn 2

Thông tin về dự án này trên báo Pháp luật TPHCM như sau: “dự án này được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2005; giao VNS tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư (TMĐT) được HĐQT VNS phê duyệt là 3.843 tỉ đồng, gồm hai gói thầu chính: (1) Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224 tỉ đồng; (2) Gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD) đấu thầu rộng rãi, Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.

Sau ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng 35,6 triệu USD; tiếp đó TISCO và MCC ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC đã ký.

Ngày 15-5-2013, chủ tịch HĐQT TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.100 tỉ đồng (tăng 4.200 tỉ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.


TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỉ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, năm đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD…).”

Sai phạm tại dự án này cũng liên quan tới nhà thầu Trung Quốc, đã khiến ông Hoàng Trung Hải – đương kim Bí thư thành uỷ Hà Nội, Cựu phó thủ tướng đã bị chịu án kỷ luật.

Một báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư Việt Nam năm 2018 cho biết: “trong số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương, có đến 4 dự án là sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. Trong đó, nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ, bị đội vốn lên tới 10.000 tỷ đồng; nhà máy Đạm Hà Bắc đội vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng; dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn từ hơn 3.800 tỷ đồng ban đầu lên hơn 8.100 tỷ đồng; dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai bị đội vốn gấp đôi từ 175 triệu USD lên hơn 335 triệu USD.”

Các khoản vay từ Trung Quốc “lãi suất cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp 2 lần so với các thị trường khác; điều kiện vay kém ưu đãi; yêu cầu chỉ định thầu cho các công ty Trung Quốc; các dự án cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện thường xuyên bị chậm tiến độ, đội vốn…”

Chỉ qua 4 trường hợp mà báo chí Việt Nam nêu gần đây đã cho thấy, các cảnh báo từ phía các nhà nghiên cứu và chính khách Hoa Kỳ về “chính sách ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở thực tế. Tất cả các dự án sai phạm lớn của Việt Nam mà bài này đã nêu đều có bóng dáng của Trung Quốc với những vấn đề như hợp đồng không rõ ràng, lãi suất cao, các điều kiện kèm theo như sử dụng nguyên liệu và bên thi công từ Trung Quốc… Tất cả những yếu tố này được Trung Quốc triển khai trong bối cảnh chính quyền thiếu minh bạch, công khai và không loại trừ việc các bên ký kết các hợp đồng như vậy có bóng dáng của tham nhũng.

Những lo ngại về việc chính quyền Việt Nam nhượng bộ hoặc “vướng vào” tham nhũng với phía Trung Quốc, từ đó sẽ dẫn đến những nhượng bộ về chủ quyền như trường hợp Srilanka, Pakistant là hoàn toàn có lý do. Chính vì vậy, nếu chính quyền Việt Nam thực tâm muốn vượt qua “bẫy nợ” này thì chỉ có công khai, minh bạch các thông tin, tôn trọng sự phản biện từ các chuyên gia mới có thể thực hiện được.

T.H


Túc cầu ngày xưa

 Có anh bạn mê túc cầu, hay thức đêm để xem đội tuyển Việt Nam đá, đúng hơn là dậy sớm vì khác múi giờ. Mình thích xem các đội âu châu như Anh quốc, Pháp quốc, Ý Đại Lợi và Đức quốc đá còn thì xem tóm lược trên kênh. Ba Tây hay Á Căn Đình thì cũng không xem nữa vì đa số cầu thủ nổi tiếng của các xứ này đều đá cho các câu lạc bộ âu châu. Mình xem tóm lược cuối tuần nên không cần xem ngoại trừ khi có giải vô địch thế giới.

Hôm qua, xem trận chung kết vô địch Âu châu. Có một điểm đáng nhớ là đội cầu Liverpool thua, đã lãnh huy chương, vẫn đứng lại để xem đội tuyển Real MAdrid, nhận cúp, vổ tay mừng đổi tuyển đá bại mình xong mới rời sân cỏ khiến mình cảm phục họ hơn. Trong khi đội tuyển Chelsea thua trận chung kết giải FA qua màn đá luân lưu, đã bỏ về từ lâu trong khi đội tuyển Liverpool nhận cúp. Dạo ở Anh quốc, mình đi xem đội Liverpool ở Wembley được 2 lần. Dạo ấy có Keegan và Daglish đá cho Liverpool.

Thấy các cầu thủ áo đỏ đứng nấn ná, vổ tay kẻ đã đá bại mình khiến mình cảm phục. Mình đều thích 2 đội  này nên chả buồn. Khi mình ở Ý Đại Lợi thì thích Juve và Roma. Khi ở Anh quốc thì mê Liverpool và Nottingham Forest, ở tây thì đi xem Bayern Munich khiến mấy thằng bạn Tây chửi khi xem đá banh với chúng, ở Tây Ban Nha thì mê Real Madrid. Mình thấy Barcelona đẹp hơn Madrid nhưng không hiểu tại sao lại thích Real Madrid. Có lẻ khi xưa, đọc báo họ hay nói đến Di Stéfano, trung phòng Huyền thoại của đội tuyển này. Nói chung, mình có đi xem mấy cầu trường nổi tiếng của âu châu như Wembley, San Bernarbeu, Parc Des Princes,…

Hình như cầu thủ tên Nguyễn văn Mộng, cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đoạt giải Merdeka. Nghe nói đa số các cầu thủ này sau 75 te tua lắm. Mình chỉ nhớ thủ môn Lâm Hồng Châu có đi theo phải đoàn Virginia về Cali tranh giải đá banh người Việt ở Hoa Kỳ.

Thấy hai đội tuyển Việt Nam vừa nam vừa nữ đoạt chức vô địch Đông Nam Á, người dân đi bão kêu gào Thái Lan thua xa Việt Nam đến 15 năm khiến mình thất kinh. Lý do là các công ty bảo trợ cho tổ chức năm nay đều là các công ty ở Việt Nam nhưng thực tế cho biết chủ là người Thái.

Sơ đồ các công ty sở hữu của người Thái Lan tại Việt Nam. 

Mình có anh bạn Đà Lạt, chuyên sản xuất hàng len Đà Lạt cho cả nước, kể là mất mối của công ty Big C, khi họ bán lại cho người Thái. Hoá ra người giàu có ở Việt Nam nhờ buôn bán nhà đất chớ không sản xuất, làm gì ra tiền. Thực tế thương mại nay là người Tàu hay người Thái chiếm trọn. Người Tàu và người Thaí theo chủ nghĩa Phi Thương Bất Phú, còn người Việt thì Phi điền Trạch bất thành đại gia.

Đi Peru, mình thấy Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Cộng xâm nhập thị trường ở đây rất nhiều. Xe hơi và các đồ điện tử,…

Báo chí việt ngữ kêu gào tên huấn luyện viên tây của đội Thái Lan xất xược, bắt tay người ta vừa chống nạnh, đủ trò, bất lịch sự. Nói chung thì các đội tuyển quốc gia á châu hay phi châu, đều mướn huấn luyện viên ngoại quốc cả. Xứ giàu có thì mướn những người nổi tiếng còn không thì các huấn luyện viên tây, đói, không ai mướn, phải xa xứ kiếm ăn. Nghe nói, nhờ ông thần Kim-chi họ Phác mà đội tuyển Việt Nam U23 mới khá lên được. Nếu huấn luyện viên là người Việt thì chắc không xong.

Hình như ông ta ngưng làm huấn luyện viên tại Việt Nam, các tay chuyên gia, tiến sĩ túc cầu Việt Nam, nhảy vào chê ông ta đủ trò. Nào là lối chơi quá cổ điển này nọ. Bảo đảm đưa họ làm Huấn luyện viên thì đội Việt Nam sẽ ôm đầu máu ngay.

Nhớ thời Việt Nam Cộng Hoà, đội tuyển Việt Nam Cộng Hoà đá hay, đoạt chức Merdeka, giải độc lập của xứ MÃ Lai Á. Hồi đó đâu có truyền hình như ngày nay, chỉ nghe ông Huyền Vũ, hình như người Bình Thuận, tường trình trực tiếp qua đài phát thanh Sàigòn. Khi trung phong Nguyễn Văn Chiêu đá lọt bàn, phá lũng lưới đội tuyển Miến Điện, mình và anh Bình, bố của thằng Đắc, hàng xóm nhảy hét om sòm. Mình nhớ ông Huyền Vũ, lập đi lập lại, sau đó đọc báo nghe trung phong Nguyễn Văn Chiêu, đưa ngực hứng quả banh, xoay người sút chân trái, thủ môn số 1 á châu Tin Tin gì đó ngáp ruồi. 

Xóm mình có anh Bình, lớn tuổi, dạy mấy đứa nhỏ trong xóm, hay bàn chuyện đá banh, chém gió với mình. Mình hơn con anh ta, thằng Đắc có 1 tuổi nhưng gặp mình ở đâu là bàn đá banh như bạn kinh niên, cả buổi. Hồi nhỏ mình có thấy anh Bình đá banh ngoài sân vận động, hình như em trai của anh Bình tên Hành cũng có đá cho trường Trần Hưng Đạo.

Có lần ông cụ  dẫn mình đi xem đá banh giữa hai đội tuyển Việt Nam A và B. Có Đổ Thới Vinh, Đực 1 và Đực 2 thủ môn. Hai ông thần này cứ đá banh cho mạnh để biểu diễn xem ai đá banh dài nhất thay vì đá để giao banh cho cầu thủ. Hồi nhỏ nên không nhớ Đổ Thới Vinh đá ra sao, chỉ nghe thiên hạ kêu Đổ Thới Vinh lừa rất hay, mà sau này ông Duyên Anh đặt tên Bồn Lừa theo ông này.

Sân vận động Đà Lạt, bên tay phải là cổng vào, có hai chỗ bán vé. Sau này, hết có màn bán vé. Hình của ông Bill Robie từng tham chiến tại Việt Nam.
Thao trường

Mình nghe kể đội tuyển Việt Nam đá thua hoài vì Lý do không biết có thiệt hay không. Tối tối ở khách sạn, nữa đêm có tiếng gõ cửa, mấy cô gái Thái xinh đẹp đi lộn phòng, nắn gân nên qua hôm sau các cầu thủ Việt Nam xụm bà chè, ra sân hết chạy nổi. Khỏi cần bán độ.

Năm 1966, Việt Nam Cộng Hoà thắng giải này lần đầu tiên, khi có sự tham dự đến 12 đội tuyển á châu, không cộng sản. Năm đó, đội tuyển Bắc Hàn đại diện khu vực Á châu dự giải túc cầu thế giới đã đá bại đội tuyển Ý Đại Lợi và trong trận đấu với Bồ Đào Nhà, họ dẫn trước 3 không ở hiệp đầu. Sau đó, Eusebio con báo đen của Phi Châu xuất thần, đã loại đội tuyển Bắc hàn. Mình có xem phim này tại rạp Ngọc Lan.

Hình như dạo ấy có giải túc cầu các nước trung lập và cộng sản tại Đông Nam Á, có sự tham dự của Hà Nội, Cao Miên, Lào, Bắc Hàn, Trung Cộng,…

 Việt Nam đoạt giải là nhờ ông tây người đức, làm huấn luyện viên. Đặc biệt ông này, không phải là huấn luyện viên thật thụ, ông làm nghề gì đó. Ông ta không có bằng cấp gì cả về thể dục. Ông ta sang Việt Nam để dạy nghề ở trường Cao Thắng. Mình đoán thay vì đi quân dịch, ông ta tình nguyện sang Việt Nam dạy học như các sinh viên pháp tốt nghiệp đi các nước khác làm việc cho chính phủ Pháp theo chương trình “cooperation” mà mình có nộp đơn nhưng cuối cùng đi khám sức khoẻ thì họ cho mình miễn dịch vì kêu đã sống 18 năm trong chiến tranh.

Ông ta mê đá banh nên hay đi vòng vòng ở nơi cầu thủ Việt Nam tập. Rồi ngứa mồm, chỉ chỏ, nói sao khiến cầu thủ Việt Nam nghe, tập theo cách của ông ta. Cuối cùng tổng cục túc cầu Việt Nam, chấp nhận cho ông ta dẫn dắt đội tuyển Việt Nam Cộng Hoà. Lý do là không phải trả tiền lương cho ông ta.

Hình phái đoàn Việt Nam và ông huấn luyện viên người đức. Không biết ở đâu mà thấy các cầu thủ mang dép nhựa, ngoại trừ hai ông bận đồ vét. Chắc là nhà dìu dắt đội tuyển.

Ông huấn luyện viên bất đắc dĩ Wiegand này đã giúp thống nhất các cầu thủ đội tuyển Việt Nam, nghĩ đến quyền lợi chung của đội tuyển thay vì quyền lợi cá nhân. Các cầu thủ đã cho các câu lạc bộ Việt Nam Cộng Hoà nên không ưa nhau. Họ chèn chân nhau gãy để đoạt giải vô địch. Vụ này thì đội tuyển nào trên thế giới cũng bị. Vì quyền lợi cá nhân, không đoàn kết nên thua. Các đội tuyển có nhiều cầu thủ nổi tiếng chừng nào thì càng không đoạt giải gì cả. Chỉ có huấn luyện viên nào giỏi về tâm lý, cải thiện tinh thần đồng đội thì mới có thể thắng. Có thể ông ta thấy cầu thủ Việt Nam thể lực nhỏ con, nên luân phiên thay người, dưỡng sức vì thường khó có ai mà chạy nổi 90 phút, cho nên độ 60 phút là huấn luyện viên thay người ngay.

Nghe kể ông này trẻ lắm, lớn hơn 2,3 tuổi các cầu thủ Việt Nam, không có bằng huấn luyện viên khiến cầu thủ không phục lắm. Dần dần ông ta đã cải thiện được tinh thần đồng đội của đội tuyển đưa đến chiến thắng. Người Đức rất kỷ luật, có lẻ nhờ vậy đã giúp tinh thần kỷ luật cho đội tuyển Việt Nam, kết quả đưa đến thắng giải năm 1966. Hình như năm đó ở vòng loại Việt Nam bị thua Ấn Độ 0-1.

Các nước nghèo, thuộc địa cũ của người tây phương thường có vấn đề này; tinh thần của kẻ bị trị. Gặp tây thì sợ nhưng gặp người cùng xứ thì cứ lên-lên cái mặt. Không phục tùng người đồng chủng, hỏi mày là cái thớ gì mà tao phải nghe hay mày biết bố mày là ai không. 

Muốn lãnh đạo, phải qua thời gian dài được huấn luyện. Mình nhớ ở hội Lions International. Mới đầu vào, họ giao cho nhiệm vụ, rót cà phê cho mọi người đang ăn. Sau đó lên chức thư ký, rồi lên từ từ. Mấy năm sau mới được bầu làm phó rồi chủ tịch. Có 2 ông thẩm phán và 1 ông thị trưởng đều phải đi qua mấy giai đoạn này cả trước khi được bầu làm chủ tịch hội. Không ai sinh ra là biết lãnh đạo, phải qua một thời gian dài, được tập luyện để biết cư xử ra sao đối nội, đối ngoại.

Cứ 2 năm, Cao Nguyên Trung Phần có tổ chức đại hội thể thao 1 lần để tuyển lựa các cầu thủ để thi đấu ở Sàigòn trong giải vô địch quốc gia. Mình nhớ năm 1971, có đại hội thể thao vùng II, được tổ chức tại Đà Lạt. Lần trước, nghe nói được tổ chức tại Phan Thiết. Phái đoàn Phan Thiết được xem là mạnh nhất vùng II.

Đội banh của họ có các nhà mạnh thường quân, giàu có, chắc bán nước mắm, cho tiền nên họ rất mạnh, mướn các cầu thủ như Đổ Thới Vinh từ Sàigòn ra đá. Về quần vợt, nhớ có hai anh em Đinh Quốc Tuấn, Đinh Quốc hÙng, uống nước mắm đánh như điên. Hình như Đinh Quốc Tuấn là vô địch thiếu niên Việt Nam. Mình nhớ có xem Đinh Quốc HÙng, đánh độ với ông Châu, đánh hay nhất Đà Lạt dạo ấy. Đinh Quốc Hùng chấp chỉ đánh, không được đánh giao banh nhưng vẫn ăn độ. Nếu mình không lầm thì dáng người khá cao. Khi giao banh là Ace không.

Sau khi thấy hai anh em Đinh Quốc Tuần và Đinh Quốc Hùng đánh quần vợt, được xem là tương lai sẽ thay thế các tay vợt lão tướng Võ Văn Bảy và Võ Văn Thành, khiến mấy đại gia Đà Lạt, cho con đi học đánh quần vợt như điên. Cứ thấy mấy ông thần này ra sân tập với ông Châu, tiệm giày Bata thì phải. Dạo ấy, thằng Bi, con đại uý Hải, anh Toàn, con ông Tô hàng xóm hay rủ mình lên ty công chánh, có cái sân quần vợt không lưới để tập đánh. Nói chung mình không có khiếu lắm. Qua Tây có đánh với bạn bè cho vui, không có đam mê.

Đinh Quốc Tuấn từng là vô địch Việt Nam môn quần vợt năm 16 tuổi. Nghe cô em kể là đi vượt biển mất tích. (Thứ 2 từ bên trái)

Mình nhớ trận chung kết vô địch túc cầu Cao Nguyên Trung Phần giữa đội tuyển Đà Lạt và Phan Thiết. Cả thị xã ra đứng xem chật vận động trường. Trời mưa mưa nhưng dân Đà Lạt chấp, không sợ mưa rơi. Có người kể ở Pleiku, đá banh thì họ đem thiết giáp ra để mấy góc sân, bắn chỉ thiên khiến cầu thủ đội tuyển bạn rét quá, đá thua cho chắc ăn.

Đội tuyển Phan Thiết đá rất hay. Mấy ông thần cầu thủ to con, chạy như điên trong khi đội tuyển Đà Lạt thì nhỏ con, gầy. Hình như chỉ có anh Xuân, ở ấp Cô Giang là to to một tí nhưng thấp hơn mình. Mình quên tên anh của anh Xuân, người bé tí ti, gầy. À tên Liêm, hình như ở cư xá Địa Dư gần Grand Lycee, hay ấp Cô Giang hay chạy bộ vòng bờ hồ. Thủ môn là anh Lực, hay có trò chạy ra chụp banh xong lộn một vòng đưa đôi giày Đinh vào mặt đối phương. Đội Cảnh Sát Quốc Gia có ông thần tên Rớt thì phải làm thủ môn. Sau 75, mình có nhận thư của anh ta, lưu lạc đâu tới xứ Ấn Độ thì phải. 

Việt Nam dạo đó có 4 quân khu thì phải. Phải thắng quân khu của mình trước mới được đi đấu đại hội thể thao toàn quốc với các quân khu khác. Phan Thiết đá hay, vô địch quân khu 2, thi đấu với các đội tuyển của Quảng Ngãi, Pleiku, Kon-Tum, Darlac, BÌnh Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Lầm Đồng, Tuyên Đức. Đà Lạt lúc nào cũng đụng trước Bình Thuận nên rớt đài.

Nếu không lầm thì người ta nghe tiếng Bình Thuận từ khi đội tuyển này đoạt giải vô địch toàn quốc, khi đá bại đội tuyển Mỹ Tho năm 1971. Ra sân, xem đá banh thì cứ nghe khán giả chém gió này nọ, mình chỉ biết nghe như lời dạy của thánh túc cầu.

Nghe kể đội này được mạnh thường quân giúp đỡ tài chánh như nhà sách Vui Vui, nước mắm Vĩnh Hương,… mình nhớ Vĩnh Hương vì bà cụ hay mua của họ khi xe hàng về. Cho thấy tạo dựng một đội banh, cần tiền bạc để giúp cầu thủ về tài chánh, chỉ lo tập luyện, không lo cơm áo. Ngược lại bầu đội tuyển được quảng cáo về thương hiệu của mình.

Thủ quân đội tuyển Đà Lạt là anh Bôn hay Paul, nhà ở đường Phan Đình Phùng, gần Cẩm Đổ. Khi nào tiền đạo đối phương lừa qua được anh Bôn là xem có màn lọt lưới. Anh ta bé bé nhưng chạy bám theo địch thủ như sam. Sau đó anh Bôn bị Việt Cộng đặt chất nổ, hay cài lựu đạn nơi, xe chết trước nhà hàng Nam Sơn với ông Thanh, bầu của đội tuyển. Mình đoán họ làm việc trong chiến dịch Phượng Hoàng. Dạo đó, Đà Lạt bị đặt chất nổ nhiều, hình như để trả thù cho đồng bọn bị bắt, hay bị tình nghi là nằm vùng, để đánh lạc hướng nhà chức trách.

Sau vụ này, đội tuyển Đà Lạt, kêu ông cụ mình làm bầu cho đội tuyển, nghĩa là sau khi đá thì ông bầu trả tiền đi tắm ở tiệm nước nóng Minh Tâm, trước rạp Ngọc Hiệp và đi ăn phở bên hông rạp Ngọc Hiệp hay tiệm ăn Kim Linh để lấy sức lại. Mình sợ Việt Cộng đặt chất nổ công xa của ông cụ nên sáng nào cũng phải rà xét xung quanh trước khi mở cửa. Có lần, nghe tiếng tích tắc của đồng hồ nhưng không biết ở đâu. Đùng một cái, có tên nào bò lại, thò tay sau tấm vãi mui trần phía trong xe, lấy ra một cái đồng hồ rồi bỏ đi một mạch lên Số 4. Mấy cha con đứng nhìn theo như Từ Hải. Đến ngày nay, mình cũng không giải đáp được sự vụ. Nằm vùng đặt chất nổ trong xe ông cụ, rồi thấy mấy đứa con đứng sớ rớ nên nghĩ sao đó, bò lại lấy chất nổ và đồng hồ đi. Xe để dưới đường Hai Bà Trưng, đêm khoá lại.

Nghe con gái của tiệm Hủ Tiếu Nam Vang ở đường Minh Mạng kể; có ông nào nằm vùng kể với mẹ cô ta sau 75 là có lần được lệnh đặt chất nổ trong tiệm vào cuối tuần vì sinh viên Võ Bị ra ăn đầy quán. Ông ta đem gà mên đến, có đặt chất nổ ở trong nhưng thấy mấy đứa nhỏ chơi ngoài cửa nên thôi, vác gà mên về.

Hôm đó bà rá sao đội tuyển Đà Lạt đá lọt lưới trong khi đội Phan Thiết Bình Thuận, tấn công như điên, vây hãm khung thành nhưng thần Đà Lạt hay ai đó cúng vái cả đêm nên thủ môn Lực bắt dính như Chương Còm, đoạt chức vô địch. Hôm đó trời mưa Đà Lạt khiến sân banh như vũng xình. Mình có đá tại đó hai năm học Văn Học nên nhớ. Đá banh trúng vũng nước thì chỉ có cách đá như vịt thì banh mới chạy. Hình như Phạm bá Đà có đá tại đây với nhóm KHo Bạc. Đó là lần đầu tiên mình chứng kiến một đội banh trên chân nhưng đá thua. Cũng có thể Đà Lạt trên cao, mấy cầu thủ Phan Thiết, không quen nên thở không nổi nhưng chắc chắn là vì sân đầy vũng nước. Ngựa về ngược. Chán Mớ Đời 

Hình như anh Xuân, chạy cánh biên phía trái, chạy vào thì ai đó, câu banh vào vùng cấm địa. Bên Phan Thiết đá phá ra nhưng banh không đi vì trúng vũng nước… thế là anh Xuân cứ lấy chân lùa lùa banh như vịt bơi vào khung thành, kiểu đá chỉ có dân Đà Lạt mới tu luyện được. Dân thị xã hoan hô. Kinh

Cả thị xã vỗ tay bú xua la mua, dưới cơn mưa trên đường về thấy thiên hạ cười, không đi bão như ngày nay. Nhớ bố tên Thành học 11A, nhà ở đường Phan Đình Phùng, gần cái giếng trước khách sạn Mimosa, quơ tay chào mình. Ông này làm cho ty cảnh sát. Khi xưa, có đá banh nên còn giữ máy áo quần đá banh màu xanh của đội Cảnh Sát Quốc Gia. Sau này tên Thành, người cao cao, hiền lành, đem ra cho mỗi đứa một cái áo, mình mang số 6. Sướng rên! Sau này nghỉ đá, lo học thi tú tài, tên Nguyễn Mơ có xin mình. Khi tham dự giải quốc gia tại Sàigòn thì đội Phan Thiết kêu để họ đi, chỉ cho một hay 2 cầu thủ đội tuyển Đà Lạt đi theo để cho làm vui lòng thôi. 

Có lần, mình có xem một trận không nhớ đội tuyển nào, đá với mấy ông lính đại hàn. Đó là trận banh quốc tế đầu tiên mình được xem. Mấy ông đại hàn đá dỡ nhưng hay bay đá song phi như Thái Cực Đạo khiến mấy cầu thủ mít né như mèo, cuối cùng hoà cả làng. Đứng xem thì nghe thiên hạ rỉ tai, kêu là ở BÌnh Định, lính đại hàn đấu võ thua người Việt rồi ra tay sát hại ông võ sư nào đó. Chắc là Việt Cộng tuyên truyền nhưng dạo ấy tin như sấm.

Dân Đà Lạt dạo ấy thích xem đội của trường Võ Bị Quốc Gia đá. Họ có đòn, quỳ xuống đội đầu, ông nào ông nấy đầu hớt cua như trọc. Cứ kêu tự thắng để chỉ huy. Đang chạy bổng nhiên thấy mấy ông thần này, quỳ xuống đội đầu các ực. Có lần cũng đập lộn khi giao đấu với đội tuyển trường chiến tranh chính trị. Hình như mấy xe GMC chở sinh viên võ bị ra xem đầy sân. Có một anh tên Đức thì phải, cao cao đá rất hay, đá trung phong. Hình như ra trường nhưng được giữ lại trường để đá banh hay dạy Tân sinh viên.

Có lần, có anh Đa, cựu học sinh trường Trần Hưng Đạo, được xếp vào đội tuyển quốc gia hạng B, lên Đà Lạt vì công vụ. Cuối tuần hay thấy anh ta đá, rồi lừa bóng. Dân con nít như mình học nghề, đá lừa lừa, kéo tới kéo lui như anh ta. Nói chung thì trường Trần Hưng Đạo thường là vô địch hoc sinh, trừ một năm đội tuyển của trường Văn Học vô địch. Hôm sau, đám học sinh Trần Hưng Đạo, bò lại, quăn lựu đạn cay vào trường đủ trò. Mình có kể vụ này rồi.

Có lần đội lão tướng Đà Lạt đá với đội nào không nhớ. Mình chỉ nhớ bác Bửu Ngự, hàng xóm, từng là trung phong thời trẻ, đá cho đội lão tướng. Nghe chú Phấn, tiệm thuốc Minh Tâm, kể ở tù ngoài Bắc, nghe đài phát thanh, kêu trung phong Bửu Ngự đá lọt lưới, khiến cả nhà tù reo vang. Hôm đó mình cứ vênh mặt lên, kêu tụi bạn, hàng xóm tao đó. Oai như tây đen.

Hôm đá trời gió, khi đá phạt góc, chú Ngự đá vào khung thành rồi gió thổi bay vào lưới luôn. Thủ môn đứng đực ra như Từ Hải. Nói cho ngay, người Việt mình nhỏ bé, đứng ở khung thành thì khó mà nhảy lên với banh được. Đá cao hay đá góc là ngọng.

Hôm qua, thủ môn Real Madrid cao lêu nghêu mới đỡ mấy quả sút của tiền đạo Liverpool.

Dạo đó Đà Lạt không có gì để tiêu khiển nên cuối tuần mà có đá banh là thiên hạ đến xem, chật sân. Hồi mình còn nhỏ thời đó đi xem đá banh, phải mua vé. Trước khi vào sân banh, có cái cổng và hai phòng bán vé hình tròn, có mấy cái cột cờ. Xung quanh là cái tường dài. Sau này thiên hạ leo lên tường ngồi, xem cọp. Họ đập dẹp mấy mảnh chai bỏ trên tường để tránh thiên hạ trèo lên. Cuối cùng thì họ cho xem líp ba ga, không vé không gì cả.

Có vài người rất ấn tượng trên sân cỏ Đà Lạt là cậu Châu, con bà Cai Thỏ, có tiệm giặt ủi ở đường Minh Mạng, ngay góc Tăng Bạt Hổ, đối diện tiệm chè và hủ tiếu Nam Vang. Cậu hay làm trọng tài. Cậu người thấp thấp, chạy thấy vui lắm, thiên hạ chê đủ trò. Sau này thì ông Năm Ngựa, người Nam thì phải, nuôi ngựa đâu cạnh Domaine de Marie, hay cửi ngựa, đi ngang nhà mình. Ông Năm Ngựa, trên sân không chạy như người ta, cứ đi từ từ như người đang Chánh niệm, rồi thổi từ xa. Khán giả hét kêu chạy chạy, đồ lười. Nghe kể sau 75, ông ta vẫn làm trọng tài nhưng hay bán độ nên thiên hạ thua chửi ông ta tùm lum. Ngoài ra còn có Cò Giao, hay đậu xe Harley để coi trật tự khi có đá banh.

Khi mình qua Văn Học thì Huỳnh Kim Sang và Nguyễn Anh Tuấn rủ đi đá banh mỗi chiều tại sân vận động với đám mê đá banh như học sinh việt Anh, xóm Kho Bạc, Trần Hưng Đạo. Chỉ nhớ xóm Kho Bạc có tên nhỏ con đá khá hay, tên Cường thì phải. Ở đường Phan đình Phùng có anh thằng Lộc, nhà làm nệm ghế, cạnh tiệm giò chả An Lộc, đá hay. Mình đi chân không đá mà ông thần này mang giày đinh nên sợ bị hắn đá gãy giò nên cứ để hắn lừa qua cho chắc ăn. Có hai anh em Nguyễn Ước, Nguyễn Mơ ở ấp Cô Giang hay đến đá.

Hình như mình có kể mấy vụ đá banh thời học sinh này rồi. Ai có tin tức gì thêm thì cho mình xin.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Mình vừa viết xong, bỏ lên bờ lốc, chưa kịp đọc lại vì khi viết trên blogger thì chữ bé lắm nên phải tải lên để dễ đọc và biên tập. Khi nào mình đọc lại thì mới tải lên Facebook. Có người ở Gia-nã-đại đọc trước, gốc Phan Thiết nhắn tin cho mình như sau:

Hello Anh Sơn:

Tôi là Đinh Thị Hoà, dân Phan Thiết (Tú tài IBM 1974 cùng năm với anh). Tôi thường theo dõi những bài viết của anh vì thích bơi lội, leo núi, đi bộ…Bài mới nhất của anh có viết về Tennis Phan Thiết nói về 2 Anh trai của tôi Đinh Quốc Hùng & Đinh Quốc Tuấn. Có 1 vài điểm tôi muốn đính chánh. Anh Hùng là vô địch miền trung giải Đà Nẵng và Đà Lạt. Anh Tuấn là vô địch VN từ 1971-1974 đánh hạ Võ Văn Bảy & Võ Văn Thành. Anh Tuấn vượt biên năm 1978, tàu chìm, mất tích. Anh Hùng ở tù CS từ 75 đến 80, ra tù thì 2 tháng sau vượt biên chung chuyến với tôi, nay anh Hùng định cư ở San Jose, CA. Phan Thiết là 1 tỉnh giầu có và những nhà có con chơi tennis không nhận bảo trợ từ những nhà hàm hộ làm nước mắm. Có thể anh đúng khi nói về đội đá banh PT, có người bà con của tôi nổi tiếng là 1 mạnh thường quân cho đội đá banh PT, đã ủng hộ tiền của rất nhiều cho đội PT.

Cảm ơn anh cho những bài viết…Tôi đã đi The Wainwright C2C in England 200miles in 12 days năm 2010. Nếu anh chị thích đi bộ thì nên nghĩ 1 ngày nào đó nên thử đi cái đường này.

Tôi rất thích sẽ có dịp được đi El Camino de Santiago full trail 500miles from France to Spain. Nếu anh chị có tổ chức đi, pls kindly LMK!

Có 1 bài viết nào của anh có mentioned đến Võ Thị Đông Phong. Đông Phong học Khoa Học trước tôi 1 năm, cùng tốt nghiệp khoa hoá học, Đại Học Khoa Học SG.

Sẵn dịp xin được làm quen với anh chị. Nếu có dịp anh chị đi Canada, mời anh chị ghé qua. Tôi & chồng

 ở Edmonton, Alberta. Rocky Mountains ở AB cũng đẹp lắm!

Đinh Thị Hoà


Lãi kép giúp chúng ta thoát nghèo

 Cách đây mấy chục năm, mình được giới thiệu về “Lãi Kép”, đã thay đổi tư duy và cuộc đời mình. Trước đó, mình chỉ mơ mơ màng màng trên trời, tìm cách thiết kế nhà hay building  độc đáo về kiến trúc. Đến khi lập gia đình, vợ kêu bớt vác ngà voi, lo xây dựng gia đình nhưng mình chưa thâm nhập thực tế của đời sống lắm.

“Compound interest is the eighth wonder of the world. He who understands it, earns it; he who doesn’t — pays it.” — Albert Einstein

Đến khi thằng con ra đời. Tã và sữa cho con rất đắt nên phải đi làm thêm nghề khác để có thêm tiền mua tã cho con. Mình tình cờ đi học mua đấu giá, ai ngờ lại lọt vào lớp dạy mua nhà, đầu tư địa ốc. Ông đứng lớp giải thích về “Lãi Kép” khiến mình thất kinh. Từ đó mình bỏ kiến trúc, chạy theo nghề mua nhà đầu tư nghiệp dư. Bình dân học vụ Lãi Kép, cứ lấy số 72 chia cho tiền lời, để suy ra bao nhiêu năm dòng vốn của mình sẽ nhân gấp đôi.

Thí dụ: có $10,000 bỏ vào quỹ tiết kiệm. Hiện tại là 1%. Chúng ta lấy 72 chia cho 1% ra 72 năm để số tiền mình tăng lên $20,000. Ngân hàng lấy tiền của mình cho vay lại 6%. Lấy 72 chia cho 6 ra 12 năm thì có được $20,000 hay $120,000 sau 72 năm. Thật ra còn nhiều hơn nhưng chỉ làm tính trên giả thuyết.

Ngoài ra có một loại sát nhân vô hình mà mình không để ý: đó là Lạm Phát. Chính phủ in tiền vì đại dịch nên mọi thứ đều lên giá. Xăng ở Cali lên trên 6 đô/ Gallon. Mình bỏ ngân hàng được 1% tiền lời nhưng lạm phát lên 8% thì trong tương lại tiền của mình sẽ mất giá.

Lúc này, mình mới đột phá tư duy, hiểu lý do người ta không dạy mình về tài chánh ở trường. Toàn dạy mấy thứ vô bổ, chả làm ra tiền. Từ đó mình phải đi học đủ thứ. Đầu tư, thuế vụ,… ghi danh trường H&R Block để học làm thuế. Sử dụng Turbo Tax để làm thuế, học cách khấu trừ,…

Ông Rích Dad mình hỏi mày mất bao nhiêu năm mới xong tú tài? 12 năm. Mấy năm để lấy bằng thạc sĩ? 6 năm. Tổng cộng 18 năm, để có cái nghề kiếm tiền. Vậy muốn học cách giữ tiền, đầu tư thì cũng phải mất thời gian. Thế là đi học cuối tuần, vợ con đi ăn sinh nhật con cháu thiên hạ. Có lẻ vì vậy mình trở nên rụt rè, không thích đám đông vì không quen.

Sự khởi đầu của người nghèo và người giàu 

Khi mình sang Hoa Kỳ làm việc, khoảng cách của người giàu và người Mỹ trung lưu, đã gia tăng từ 3.7 lên đến 7 lần. Các công ty lớn như Sears, bắt đầu chới với vì phải trả hưu trí cho nhân viên đã về hưu,… thời ông Reagan, đã giúp người Mỹ giàu có càng giàu to, và người trung lưu có ít lợi tức hơn. Các nghiệp đoàn thợ thuyền bắt đầu mất quyền lực, đấu tranh đòi lương bổng cao.

Anh muốn lương cao thì tôi đem qua các nước khác như Mễ Tây Cơ để sản xuất, rẻ hơn, không có vụ đình công vớ vẩn. Thế là ngọng!

Khi xưa, người ta kêu giấc mơ Hoa Kỳ vì một ông công nhân đi làm, có thể nuôi cả gia đình, có thể mua nhà, có xe. Cả thế giới đều ngưỡng mộ. Nay thì hai vợ chồng đi làm, chưa chắc đã mua được nhà. Con mình ra tường, vừa đài làm là giấy báo nợ mượn tiền học đại học thay nhau gửi về đòi. Anh học bác sĩ xong thì nợ độ $500,000, trả cả đời chưa hết. Chị học dược khoa, ra tường, nay họ trả đâu $45/ giờ, phải làm 12 tiếng để trả nợ học phí đại học.

Đến thời ông Obama thì khoảng cách này gia tăng gấp 700 lần. Mình nhớ cuộc phỏng vấn của một ông thợ ống nước với tổng thống Obama. Ông Obama kêu là phải “share the wealth”. Khi cuộc khủng hoảng tài chính xẩy ra vì các tên tài phiệt lũng đoạn thị trường tài Chánh, mượn tiền chính phủ cho vay đủ trò. Người Mỹ trung lưu mất nhà trong khi chính phủ lại in tiền hổ trợ các ngân hàng, giúp họ giàu có hơn mấy lần sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Qua đại dịch 2019 thì các tài phiệt giàu gấp đôi trước đó vì được chính phủ hổ trợ. Chán Mớ Đời 

Tiền lời đang lên vì lạm phát khiến thị trường địa ốc bắt đầu đứng. Qua mùa hè, thiên hạ hết muốn đổi chỗ ở, đổi trường thì giá nhà sẽ xuống. Đáng lẻ nhà đã đứng từ lâu nhưng vì đại dịch nên chính phủ phải bơm tiền, giúp kinh tế không bị lộn xộn. Nay họ muốn tránh trường hợp thời ông Carter, lạm phát lên như điên. Tiền lời lên đến 17-18%.

Có lần đồng chí gái xem Zillow thì khám phá ra giá trị căn nhà mà hai vợ chồng mua trước khi làm đám cưới, nay cho thuê. Dạo ấy tụi này mua $180,000, đặt cọc 20% ($36,000), mượn $144,000, tiền lời 6.75%.  Mỗi tháng đóng $933. Nay cho thuê được $2,700/ tháng. Giá nhà theo Zillow độ $800,000. 

Đồng chí gái kêu mình lời. Mình nói không. Khi xưa, đi cua vợ, anh chỉ trả tiền xăng là $1/ Gallon, nay lên $6/ Gallon. Lý do đó mà thằng con không dám mời con gái đi chơi. Ăn phở trả chưa tới $4/ tô nay tô phở lên đến $15. Lấy $180,000 giá căn nhà khi xưa nhân cho 6 thì ra 1 triệu. Mình lỗ chớ đâu có lời. Đó là cách chính phủ ăn gian người dân, cho con số để đánh lừa.

Bây giờ nếu bán thì bị chính phủ đánh thuế 20% số tiền bán được. Đại loại là $160,000 bị thu thuế lời. Con ơi nhớ lây câu này; cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Họ có luật thuế 121, ai ở trong đó trên 2 năm thì có quyền khấu trừ được $250,000/ mỗi người. Hai vợ chồng được khấu trừ $500,000. Lấy $800,000 trừ $500,000, phải đóng thuế số tiền còn lại. Đáng lẻ chính phủ phải gia tăng số tiền này vì lạm phát từ 30 năm nay. Số $250,000 có từ lâu, mấy chục năm về trước, chưa có lạm phát.

Vừa ghi danh, đặt cọc leo núi Kilimanjaro vào tháng 10 này. Kinh

Mình thích nhất là đầu tư về địa ốc, mua nhà cũ, sửa chửa lại cho thuê. Có người kêu mua nhà cho thuê, người ta phá đủ trò. Không có cái nghề nào mà không có trở ngại. Ngay cả nghề gái lầu xanh, cũng phải lao động cực lực mới được trả tiền. Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Mình lúc đầu cũng bị lộn xộn với người thuê nhà nhưng rồi rút kinh nghiệm, sau 30 năm thì mình dễ thở hơn. (Còn tiếp)

Sáng nay đi sớm lên núi Boldy để tập cho chuyến leo núi Whitney 3 tuần nữa.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn