Showing posts with label Ăn và chơi. Show all posts
Showing posts with label Ăn và chơi. Show all posts

Dubai 2022

Lần cuối đại gia đình mình họp mặt đông đủ cách đây 7 năm, khi mấy anh em bay từ nhiều nơi trên thế giới về Đà Lạt, để ăn mừng 60 năm lễ thành hôn của ông bà cụ. Sau đó thì đưa ông bà cụ đi tuần trăng mật lần đầu tiên ở Vin Pearl, Nha Trang.


Ông bà cụ mình chưa bao giờ biết tuần trăng mật. Sau đêm tân hôn, ông cụ phải ra đơn vị lại, như bài thơ Màu Tím Hoa Sim, rồi lo bận buôn bán nuôi con nên cả đời bà cụ, không có thời gian đi nghỉ dưỡng. 17 năm ở Việt Nam, chưa bao giờ đi nghỉ dưỡng với gia đình.


Hồi đầu năm, đồng chí gái nói muốn đi Jamaica chơi, mình nhất trí rồi bổng nhiên đồng chí gái nói mời bà cụ và hai cô em và mấy cháu ở hải ngoại đi luôn. Tính tới tính lui, sợ mấy người em ở Việt Nam phân bì, em Việt kiều với em Việt Nam, mình hỏi mấy người em ở Việt Nam muốn đi chơi luôn thì mọi người đều nhất trí. Thế là cái chợ bắt đầu hổn loạn. Người này kêu không đi chỗ kia, em muốn đi chỗ nọ. Chán Mớ Đời 


Mỗi người mỗi ý, người muốn đi Nhật Bản, người muốn đi Ma-rốc, người thì kêu chưa bao giờ đi Phú Quốc trái với dự định lúc đầu đi Jamaica hay Bahamas. Vấn đề là mình muốn hai đứa con tham dự mà mọi người cứ đòi đi xứ ở đâu, phải bay cả ngày trời mà con mình chỉ có 7 ngày phép. Đi lâu thì con mình đi không được vì mới đổi chỗ làm.


Chán Mớ Đời nên mình tính bỏ vụ này, mời bà cụ đi chơi thôi. Mình muốn tổ chức để bà cụ gặp lại con cháu khắp nơi sau 7 năm vắng bóng mà mấy cô em thì có ý khác nên Chán Mớ Đời. May thay cô em út nhà mình, tính tình như bà cụ, rất lanh lợi và ngoại giao, cô ta nói để xem vì covid nên mấy nước, mấy cô chị đòi đi, không cho phép du lịch nhất là với sổ thông hành Việt Nam, bị hạn chế nhiều nước, phải trình tài sản đủ trò để có chiếu khán. Cuối cùng cô em đề nghị Dubai, ai đi thì tham gia còn không thì ở nhà. Thế mới giúp mọi người nhất trí về Dubai.


Mỗi lần mình về Việt Nam, đều mời đại gia đình đi chơi, chỉ có lần cuối, mấy đứa con lớn nên không phải về vào mùa hè, mấy đứa cháu còn đi học. Bao chiếc xe buýt từ Đà Lạt chạy về Mũi Né hay Vin Pearl,…


Cô em nhờ một công ty du lịch có chi nhánh tại Đà Lạt để lo chuyến đi cho cả nhà.

Nói cho ngay, may là công ty Việt Nam chớ ngoại quốc chắc chúng khóc. Nội tìm máy bay để kết nối mọi người ở khác múi giờ trên thế giới để hội tụ lại một nơi khá châm.


Công ty gửi một hướng dẫn viên từ Việt Nam, đem phái đoàn từ Việt Nam qua đến Dubai. Tại Dubai thì họ có hai hướng dẫn viên trụ chốt lâu năm ở đây. Mình đoán là họ làm free lance hay làm cho công ty ở Dubai nên khi có phái đoàn nào từ Việt Nam thì đều ký hợp đồng với hai người này hoặc công ty chủ của họ, để lo việc đưa đón, di chuyển và ăn ở.


Họ đều nói tiếng anh chuẩn nhưng có một chị thì khá hơn, lo thông dịch cho mấy đứa con và cháu Việt kiều. Chị ta làm cho một công ty tại Dubai, có người chủ là gốc Li-băng. Người Việt mình ở Việt Nam tìm cách đi làm ở xứ lạ để có thêm lợi tức, để đầu tư cho mai sau. Anh hướng dẫn viên từ Việt Nam cho biết khi xưa từng là giảng viên đại học nhưng lương thấp quá nên phải chuyển qua ngành du lịch.


Hướng dẫn viên từ Việt Nam, chỉ lo thủ tục nhập cảnh và ngụ chung tại khách sạn để có thể hổ trợ phái đoàn trong thời gian đi chơi. Qua chuyến này, nếu cần mua vé đi chơi ở đâu, có lẻ mình dùng công ty du lịch ở Việt Nam vì họ lấy huê hông rẻ hơn các công ty tại Hoa Kỳ hay trên mạng. Nếu có trục trặc gì thì mình có thể gọi họ được như sáng nay mình check in nhưng không được, nhắn tin cho họ thì họ gọi lại ngay. Gặp công ty mỹ thì phải nghe máy trả lời.


Tiền bạc thì họ kêu chuyển ngân, mình thích trả bằng thẻ tín dụng hơn. Không thành vấn đề. Chuyển ngân thì hai lần, để họ mua vé cho mình và đặt cọc phòng cho mình rồi 2 tuần trước khi đi thì lấy số còn lại. 


Nói cho ngay khi chuyển ngân, thấy số tiền lớn mình cũng ớn nhưng thôi nhắm mắt để bà cụ có niềm vui, gặp lại con cháu một lúc vì nay đã 90 tuổi thì không biết bao giờ có thể làm được. Sau này có giàu có đi nữa, muốn tổ chức cũng không được, lại bolero đổi thiên thu để lấy nụ cười của mẹ. Chán Mớ Đời 


Đến phi trường, họ có người đón ở phi trường, một ông người gốc Ai Cập, cứ trực ở phi trường, rồi lần lần mọi thành viên của phái đoàn đến thì ông ta liên lạc qua Whatsapp, đón ở cổng ra, và kêu xe chở về khách sạn. Hình như người Pakistan lái xe nhiều nhất vì đi xe buýt cũng Pakistan, đi taxi cũng vậy.


Ngay ở phi trường là đã thấy mấy cô bán hàng các chung cư cao ốc, hỏi số Whatsapp để họ cho đi xem chung cư mới để mua. Cô nào cô nấy xinh như tây. 


Mình hỏi ông Ai Cập thì được biết giá tiền và hỏi nếu mình muốn thì hắn dẫn đi xem mấy chỗ mua mà có thể có giấy tờ kiểu thẻ xanh ở Hoa Kỳ, có thể ở đây đến cuối đời. Thấy cái nóng oai bức là ớn da gà. Đi đâu cũng thấy Cali là số 1. Thật ra đi Dubai một lần, chớ không trở lại.


Tại đây thì có hướng dẫn viên của đoàn túc trực nên cũng khỏe. Có lẻ người Việt ít quen đi xa nên cần nhiều khâu như vậy, chớ có thể bớt nhiều chặng, giảm tiền cho khách hàng.


Về khách sạn vừa lấy phòng xong, chưa kịp tắm rữa sau 15 tiếng bay từ Cali, mấy cô em gõ cửa rồi chạy vào đấu tố. Cô thì hỏi tại sao như thế này, cô khác tại sao như kia. Thú thật mình không biết có bao nhiêu người em. Mỗi lần nhắc đến là phải đếm bằng đầu ngón tay vì có hai cô em sinh sau khi mình đi Tây. Thêm có hai người đã qua đời nên cứ lộn. Chán Mớ Đời 


Sáng hôm sau, ăn sáng mới gặp bà cụ và toàn thể đại gia đình. Mấy đứa cháu đông như quân NGuyên, 4 năm nay mới gặp lại nên đứa nào cũng lớn hết. Có đứa đến chào cậu Sơn, mình hỏi lại con ai đây? Chán Mớ Đời 


Chương trình ăn sáng xong là đi viếng toà nhà cao nhất thế giới Burj Khabila. Tên ông vua hàng xóm, đã cứu giúp khi Dubai xây cất toà nhà này, hết tiền khi bị khủng hoảng kinh tế năm 2008. May là ông anh vợ, vua của xứ Abu Dabhi, nghe em gái tỉ tê nên viện trợ tiền để làm cho xong dự án.

Đại gia đình tại Dubai. Nói thật mình cũng không biết bao nhiêu người có mặt trong chuyến đi

Cao nhất thế giới là nhờ cái cột thu lôi, cao ngất ngây con tàu đi. Chỉ có 125 tầng, đi thang máy thì êm ru bà rù không như mấy thang máy tại New York. Cái may là bà cụ thích đi, tò mò, cái gì cũng muốn thăm viếng nên lên đỉnh, chụp cho mẹ ít tấm tạo dáng. Thấy bà cụ lần đầu tiên trong đời bận váy, ở quê mình gọi là quần thủng đáy. Hóa ra mấy cô em đang hiện đại hoá trang phục của bà cụ.

Mẹ già được tây hoá trên ngọn tháp cao nhất thế giới

 Sau đó thì đi xem cái Marina nhân tạo dài mấy cây số. Trời nóng quá nên không thấy ai cả. Tàu bè thì đậu như làm kiểng vì không thấy ai chạy. Có thể tối khi bớt nóng. Mình đến viếng cái đảo hình cây chà là, Việt Nam kêu đảo cọ, có lẻ thấy giống cái cọ để sơn. Khu nghỉ dưỡng Atlantis, thành phố ở dưới biển, nghe nói mỗi đêm từ $500 đến $20,000 khiến mình thất kinh. Chỉ thấy trên bãi biển nhân tạo, 3 người đang đứng, không dám tắm vì nóng quá độ.


Vấn đề là mấy đảo nhân tạo này, mỗi năm đều bị lún xuống mấy milimét nên họ phải bỏ dỡ các công trình mới. Nhà cửa ở đây rẻ nhất là 2 triệu cho đến 5 triệu, không lớn lắm. Nói cho ngay , các người ả rập hàng xóm, có tiền nhưng không biết làm gì ở nước họ, bị chế độ hồi giáo hơi cực đoan, cấm đủ trò nên mua nhà cửa ở đây, cuối tuần bay về để ăn chơi, uống rượu, trước khi lên thiên đàng gặp 72 trinh nữ, đã được phục chế, vá lại màn trình. Chán Mớ Đời 


Nói chung thì mình có cảm tưởng Dubai là một Las Vegas nhưng to rộng hơn, chỉ sống về du lịch. Khác là không có sòng bài. Nếu có sòng bài thì chắc thiên hạ về đây còn đông hơn. Thêm không có người Mễ, ngược lại chỉ toàn là người á châu.


Người ta tiếp thị Dubai, khiến mình tưởng là khắp nơi đều có xe Ferrari chạy đầy đường. Thật ra chỉ có một khu tập trung những tên giàu có, không biết gì chơi nên mua xe để tối tối bò đến khu vực này để tạo dáng khoe xe khủng. Phụ nữ không ra đường, đàn ông không được dê gái thì chỉ biết đua tốc độ.

Dân số tại các vương quốc Ả Rập, 90% là người ngoại quốc đến làm việc, phục dịch cho người chính quốc.

 Hôm nay là ngày đầu tiên đi thăm viếng Dubai, 1 trong 7 tiểu vương quốc thuốc Liên Hiệp Tiểu Vương Ả Rập.  7 tiểu vương quốc này gồm Abu Dabhi, Sharjah, Oman, Ajman, Ras Al  Khaimah, Dubai, được thành lập vào năm 1971 sau khi được người Anh quốc trao trả nền độc lập. Nói chung thì kiến trúc và đường xá rất to rộng. Có thể xem là thành Phố Las Vegas to rộng hơn và đẹp hơn nhiều. Việc đầu tiên mình nhận thấy là Đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Lý do là đàn ông ngoại quốc nhiều hơn phụ nữ, rời quê hương họ đến đây kiếm công ăn việc làm để nuôi sống gia đình họ. Người Ấn Độ đông nhất rồi đến Pakistan, Bangladesh, Ai Cập, tầu,… phụ nữ thì đa số đến từ Phi Luật tân, tàu.

Các tiểu vương thống nhất này có trên 10 triệu người nhưng đàn ông chiếm 68% (7 triệu người) và phụ nữ chiếm 32% (3 triệu người). Riêng Dubai thì có trên 3 triệu người. Vấn đề là chỉ có 10% là người dân mang quốc tịch của các tiểu vương này còn 90% kia là dân ngoại quốc đến đây lao động, phục vụ cho người bản xứ và không được nhập tịch.

Sáng đi thăm ngôi nhà cao nhất thế giới Burj Khabila. Thật ra chỉ có 125 tầng nhưng cái cây thu lôi cao mút chỉ trời xanh. Toà nhà này đang được xây cất thì kinh tế suy thoái toàn cầu đến, may thay nước láng giềng là Abu Dabhi, có ông vua là anh vợ nên bồi dưỡng thêm tiền để xây xong nên em rể đặt tên là người anh khả kinh cho toà nhà này. Có dịp mình kể vụ này.

Đi tháng máy lên lầu 124 mà nhẹ nhàng không cảm thấy bị kéo lên như ở các toà nhà ở New York hay Chicago. Chắc họ chế cách nào, chắc khi nào rảnh mình sẽ lục tài liệu vì có nghe nói nhưng quên rồi. (Còn tiếp)

Mình đang ở Thổ Nhĩ Kỳ nên sẽ từ từ kể tiếp.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tấm ảnh Đà Lạt sau 75

 Hôm qua, ai đó tải một tấm ảnh phố xưa Đà Lạt, trông rất quen thuộc nhưng chỉ khác về ánh sáng và các bảng hiệu so với thời mình còn sinh sống tại Đà Lạt. 30 giây sau thì mình mới nhận ra đâu là đâu. Hoá ra chỗ này là góc đường Minh Mạng và Nguyễn Biểu.

Tiệm ngay góc đường Minh Mạng và Nguyễn Biểu, hình như là nhà sách Thiên Nhiên xưa, số 30 Minh Mạng cũng có thời là một tiệm cắt kiếng. Lâu lâu cửa kính nhà mình bị vỡ. Con nít hàng xóm căm thù mình nên lấy đá chọi hay đá banh trúng vào, mình đo kích thước, chạy ra đây để mua kính. Họ lấy kích thước của mình xong lấy cái thước, đúng hơn là thước 2 cạnh 90 độ, bằng sắt, rồi lấy cái bút có cái đầu tròn tròn hay chi đó, nghe nói làm bằng kim cương để cắt kính. Họ để cái thước sắt rồi lấy con dao kim cương, kéo cái rẹt rồi đưa tay bẽ cái tạch làm đôi. Mình đem về ráp vào, lấy mấy cái đinh nhỏ, đóng khe khẽ để kính không di chuyển rồi lấy cao trét lên phía ngoài theo hình tam giác, phủ luôn mấy cái đinh nhỏ để không khí không lọt vào nhà.

Ảnh chụp góc Nguyễn Biểu và đường Minh Mạng, do ông Kuro, một người Nhật Bản. Không biết ông này sang Việt Nam làm gì mà chụp hình ở Đà Lạt thời sau 75 rất nhiều.

Tấm ảnh chụp sau 75 nên quang cảnh khá te tua, đường xá được đào bới nhưng không sửa chửa. Mình về Đà Lạt lần đầu tiên năm 1992, thì thấy Đà Lạt xuống cấp trầm trọng so với thời mình còn ở Đà Lạt. Thấy hiệu nhà may Anh Tú mà khi xưa là tiệm sách Thiên Nhiên và cái tiệm cắt kính mà mình hay bò ra đây mua kính cửa sổ.

Bên tay phải là đường Nguyễn Biểu, chạy cuối đường là gặp đường Tăng Bạt Hổ, thấy nhà bác Tám, tiệm chè Mây Hồng. Bác có hai người con trai tên Hải và Phước, hay chơi với mình khi xưa. Cứ gần Tết là bà cụ sai mình đem nếp, thịt heo, đậu xanh vào cho bác trai nấu bánh tét. Được dịp mình hay ra xem bác ấy cuốn bánh tét, nấu trong cái nồi to đùng. Nghe nói hai anh này chết sau 75. Nhà này có con gái đông lắm, có một chị tên Nga, học Văn Học, Dương Quang Trí hay đi chơi với chị.

Ngay góc Tăng Bạt Hổ và Nguyễn Biểu, bên tay trái có tiệm Hiệp Tam Kỳ, bán đồ phụ tùng xe hơi thì phải, có 2 anh em học chung với mình khi xưa ở Yersin, người anh học đánh đàn với ông thầy Hà, nằm vùng ở đường Tăng Bạt Hổ, sau này đánh đàn cho đài phát thanh Đà Lạt. Đối diện dãy phố Hiệp Tam Kỳ là bãi đậu xe hàng. Nhìn xéo qua là tiệm vàng Lung, sau này làm sui gia với bố mẹ mình.

Đối diện tiệm Thiên Nhiên, góc Nguyễn Biểu, nói chung là phía này toàn là talus, chấn đất trùi vì dốc, không có tiệm nào cả, ngay góc Tăng Bạt hổ có một bãi đất, đậu xe hàng, thấy mấy ông vá bánh xe,.. Nhớ có một xe bán phở ở đây, mình có ăn một hai lần nên nhớ. Mình không nhớ con đường song song với đường Nguyễn Biểu, chỗ tiệm vàng Bùi Duy Chước là đường gì, chỉ nhớ ngay góc đó có quán sữa đậu nành của bà Bảy Quốc khi xưa. Có người nói cũng tên đường Nguyễn Biểu.

Bên tay phải có tiệm vàng Bùi Duy Chước, bố của bà Bùi Thị Hiếu. Bà này quen bà cụ mình, có dặn cô em mình ở Pháp khi nào mẹ sang thì cho cô gặp. Hình như sau này, bà ta về sống và chết tại Đà Lạt. Bên trái là tiệm vàng Kim Thịnh, của gia đình Nguyễn Biểu, học chung với mình khi xưa ở Yersin, có liên lạc được với anh chàng qua cô em. Khi xưa đi học, mình thắc mắc hắn tên Nguyễn Biểu, lại ở gần đường Nguyễn Biểu. Thế lầy nà thế Lào. Tên này thì ai học chung với hắn đều nhớ tên cúng cơm của hắn vì hắn có tài chửi bằng tiếng Huế cực đỉnh. Chán Mớ Đời 
Tiệm vàng Hùng Thanh của ông Bùi Duy Chước, nơi ban đêm thì bà Bảy Quốc bán sữa đậu nành. Bố Huỳnh Ngọc Ánh, học nghề kim hoàn với ông ta, sau mở tiệm vàng ở Đà Lạt. Nói chung thì đa số dân mở tiệm vàng, làm nghề thợ bạc, đều xuất xứ từ làng Kế Môn ở Huế, đa số sống tại Ấp Ánh Sáng nên họ hay nói người làng Kế Môn sáng lập gia Ấp Ánh Sáng. Mình có kể vụ này rồi, ai tò mò đọc bài Ấp Ánh Sáng.

Trở lại tấm ảnh đầu tiên, phía trái là đường Minh Mạng. Mình không nhớ rõ mấy tiệm kia, chỉ nhớ cái tiệm nơi có mấy người ngồi, trước 75 là tiệm bán sĩ cà phê. Lý do nhớ là vì mấy thang cấp, chỗ này có một thang cấp rất cao, nhảy xuống là đau chân, mình bị một lần. Mỗi lần đi ngang đây, ngửi mùi họ rang cà phê thấy phê cà luôn. Nhà này có một cô con gái, cùng tuổi với mình, học Bùi Thị Xuân, học chung lớp Hội Việt mỸ với mình, không nhớ tên. Lớp năm đó có ông thầy Cường, chạy xe Vespa, đẹp trai khiến học trò mê mẩn. Chỉ nhớ cô nầy khá xinh, má đỏ môi hồng của gái Đà Lạt, tóc ngắn. Thấy thằng Hùng còn ông Nguyễn Hợp Đoàn, thích cô này vì học chung lớp. Khoá đó mình rớt ở lại nên không học chung nữa. Chán Mớ Đời 

Bên cạnh tiệm này là tiệm giày Mỹ Hưng, thuê nhà của ông Tư, anh mệ ngoại mình ở Sàigòn. Trước khi đi Tây, ông cụ dẫn mình ra đây, đặt một đôi giày thời đó có cái mũi tròn như đầu vịt. Tưởng qua tây, sẽ đúng Mode của Paris, ai ngờ tây nhìn đôi giày cười nức nở nên mình hết dám mang, tốn tiền bà cụ. Chán Mớ Đời 

Gia đình dì Bơn, bán trái cây ngoài chợ, mướn tầng trên ở. Sau này, mua nhà ở trong Dốc Nhà Làng, đối diện nhà của mẹ ông Lê Xuân Ái, đi tập kết. Hình như ông này dính dáng gì đến vụ ám sát tên mật thám Tây Lai, ngay trước tiệm Đức Xương Long, khiến tây đem 20 tù nhân ra Cam Ly bắn, chỉ có một bà tên Lan là sống sót, ỏ trên Số 4.

Ai đó bỏ lên mạng cái bằng tiểu học người bản xứ của ông Lê Xuân Ái, hình như là bác của Lê Xuân Thảo đánh bóng bàn cho Adran ngày xưa, con ông Lê Xuân Lợi. Ông Ái theo việt minh rồi tập kết ra Bắc, sau 75, nghe nói có trở về Đà Lạt. Khi xưa mình đi học chương trình pháp, nghe nói đi thi trung học, tú tài đều có hai đề thi: 1 cho mẫu quốc và 1 cho các thuộc địa được gọi là indigène. Trong tấm ảnh thấy đề Franco-indigene. Thấy ký  ngày 10 tháng 12 năm 1937 mà đến 4 tháng sau mới được giám học của trường Khải Định ký duyệt.

Mình nhớ lâu lâu ra nhà Dì Bơn chơi, hay lấy nước đứng trên lang cang, đỗ xuống đầu thiên hạ đi ngang. Có lần trúng áo một cô nào đang đi bát phố với ông bồ hay chồng gì đó khiến tên này tức chạy lên nhà nhưng mình đóng cửa lại. Họ đi ngang tiệm giày Mỹ Hưng, đứng lại xem cái tủ kính trưng bày giày dép, mình đứng trên balcon, đỗ nước xuống rồi thụt người xuống cười khoái chí. Những ai bị mình đỗ nước xuống người, có đọc được bài này thì xin nhận nơi đây lời xin lỗi chân thành nhất của ông đạo Bơ. Nay mình ăn bơ hàng ngày, mới giác ngộ cách mạng là làm điều sai khi xưa. Xong om

Sau này, ông Tư kêu mẹ mình mua căn nhà này nhưng bà cụ kêu đắt hay sao đó. Ông đòi 1.4 triệu trong khi căn phố ở 13 đường Duy Tân, chỉ kêu bán có 1 triệu. Hình như chị vợ của ông Tư theo Việt Cộng nên sau 72, hiệp định Paris được ký kết thì họ bán nhà cửa hết nên 75 vào không bị đánh tư sản. Chuyện người lớn nên mình không rành lắm. Để có dịp mình trở lại thăm dì bà con ở Montreal, sui gia của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, để hỏi thêm. Xong om

Cuối dãy phố này là tiệm giặt ủi của cậu Châu, con Mệ Cai Thỏ, ở ngoài ấp Hà Đông, đường Nguyễn Công Trứ, nơi ông Phúng bán vía mình cho Cậu Tám. Hồi nhỏ thấy cậu Châu, hay đánh quần vợt và làm trọng tài đá banh ngoài sân vận động.

Góc Mình Mạng và Tăng Bạt Hổ. Thấy tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu ở tầng trên, lối lên là cái cửa nhỏ ở đường Tăng Bạt Hổ, phía dưới là tiệm Hủ Tiếu Nam Vang, lối vào đường Mình Mạng. Nói cho ngay, 17 năm sinh sống tại Đà Lạt, mình chưa bao giờ ăn hủ tiếu Nam vang cả. Chỉ có ăn chè trên lầu.

Cuối tấm ảnh, thấy có tiệm chè Vọng Nguyệt lầu (ở trên lầu, đi lên ngõ đường Tăng Bạt Hổ, có mấy cầu thang nhỏ), ở tầng dưới thì bán hủ tiếu Nam Vang. Nhìn tấm ảnh này, khiến mình nhớ đến anh bạn thân học chung khi xưa, tên Đào Văn Quý vì nhà anh ta nằm bên cạnh tiệm chè này. Nhà một tầng, được quét vôi màu xanh tím. Ông bố chạy xe đò Đà Lạt Di Linh, có ông anh tên Sơn, đai đen nhu đạo, có tập võ với mình ở võ đường Ngã Ba Chùa trong chỗ hãng cưa của gia đình Xu Tiếng. Bên cạnh nhà Quý là nhà của ông Xí Rổ, một tay anh chị Đà Lạt khi xưa, bảo kê các cô gái vũ trường La Tulipe, nổi tiếng đã chém Đại Ca Thay trước cửa vũ trường này. Chắc anh ta bảo kê mấy chị em ta ở dưới Vọng Nguyệt Basement.

Cứ tết đến là Xí Rổ mở sòng tài xỉu trước nhà. Quý giải thích cho mình là anh chàng này dán miếng mousse dưới đáy cái chén để chận mấy hột xí ngầu nhảy khi lắc để ăn gian.

Đặc biệt chỗ này có một địa điểm lạ của dân chơi Đà Lạt. Giữa tiệm Vọng Nguyệt Lầu và nhà Quý có một cầu thang đi xuống động mấy chị em ta, một xóm Bà Thái kiểu mẫu. Cuối tuần các sinh viên Võ Bị ra đây thăm viếng động này, sau đó ăn hủ tiếu Nam Vang để lấy lại sức vì nắng mưa quân trường, anh không sợ chỉ sợ lên giường đá gà với em. Quý kể mình mấy tên học chung trường, tên nào bò xuống đây. Vui là khi ra chơi, chỉ mặt mấy tên này.

Con gái của tiệm hủ tiếu Nam Vang kể là sau 75, có ông nằm vùng nào kể cho mẹ cô ta nghe. Ông ta được lệnh đặt chất nổ vào cuối tuần vì sinh viên Võ Bị ăn đông lắm. Hôm ấy, ông ta đặt mìn trong gà mên, ra đây nói để mua rồi bỏ quên gà mên có mìn lại. Khi thấy mấy đứa con nít đang chơi trước cửa tiệm nên ông ta không để chất nổ lại. Chủ nhân của Lữ Quán Sàigòn đối diện cũng là chủ tiệm hủ tiếu Nam Vang.

Nghe kể thì mình không tin lắm vì chính sách của Việt Cộng là khủng bố, họ đặt chất nổ chết trẻ em vô số. Mình đọc đâu đó tài liệu của Việt Cộng, cho nằm vùng làm hộ lý để lấy tin tức, có tiền để giúp cách mạng. Mình nghe nói có vài chị em ta nằm vùng ở trong xóm BÀ Thái khi xưa. Biết đâu, ông ta sợ làm chết vài em hộ lý nằm vùng ở bên cạnh.

Trở lại tấm ảnh đầu, đối diện bên kia đường Mình Mạng là đầu dốc Nguyễn Biểu, đi xuống Dốc Nhà Làng. Chỗ này chiều là thấy thiên hạ bán bắp nướng, đồ ăn. Đặc biệt buổi sáng có bà bán bánh căn. Trước đây, bà ta bán ở dưới chợ, chỗ mấy quầy thịt mà mình thường ra ăn. Sau bà ta dọn lên chỗ này để bán khá hơn.

Tấm ảnh này do ông Kuro chụp sau 75, phản ánh khá đúng với những gì mình thấy năm 1992, khi về Đà Lạt lần đầu. Hôm nào, đồng chí gái chửi mình, buồn đời, sẽ tải mấy tấm ảnh của ông Kuro lên cho mấy bác xem. Tấm này chụp ở đường Phan đình Phùng, thấy trạm biến điện ở cạnh cầu thang từ Minh Mạng đi xuống trước rạp Ngọc Hiệp. Hồi bé mình có thấy xe thổ mộ ở Đà Lạt, sau này thì không thấy nữa vì xe Lam đầy, đến khi về lại Đà Lạt thì thấy xe ngựa. Nhà cửa không được Quét vôi lại. Khi xưa, cứ đến Tết là cả Đà Lạt cho người quét vôi để ăn Tết. Đi thụt lùi với lịch sử. Chán Mớ Đời 

Chỗ này là nơi mình hay đi qua mỗi lần ra chợ Đà Lạt. Nay về Đà Lạt thì cứ như Từ Thức về quê, không nhận đâu ra đâu, đâu là bến bờ. Chán Mớ Đời 

Có chị bạn ở Đà Lạt gửi cho tấm ảnh này , ngay góc tiệm sách Thiên Nhiên ngày xưa

Nói cho ngay, Đà Lạt nay còn chút không gian ở đường này, chưa được bê tông hoá nên còn chút gì của Đà Lạt xưa. Đi xuống chút xíu, cạnh nhà sách Khái Trí khi xưa, có em trai mình bán bánh căn ở đây.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Khiêu vũ cao đẳng quốc gia mỹ thuật

 Như mình đã kể, hàng năm có hai lễ chính của trường: lễ nhập môn và buổi khiêu vũ nổi tiếng được gọi là “Bal des Quat’z’arts”, viết tắt của Bal des Quartre Arts (4 nghệ thuật), tượng trưng cho 4 môn của trường: Kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc và chạm trỗ.

Bal des Quat’z’arts rất nổi tiếng trong giới trẻ, giới già thì cho đó là văn hoá đồi trụy. Chỉ được mời, phải có vé mời được vào nên khắp Paris, ai cũng muốn tham dự. Theo tài liệu thì lễ này được bắt đầu năm 1892, tại Paris, vào thời La Belle époque . Khởi đầu được tổ chức tại Montmartre, không phải ở trường. Có lẻ bắt chước lễ hội các người gitanes tại khu vực này. Sau đệ nhị thế chiến thì nhóm Gitanes này được dời ra ngoại ô.

Khởi đầu thì nhỏ nhưng rất thành công. Mình không hiểu vì lý do gì, có thể sau cuộc cách mạng, họ muốn tổ chức các cuộc ăn chơi để xoa diệu lòng dân vì dạo ấy, họ chặt đầu khá nhiều người Pháp, đến nổi phải chế ra máy chém để chặt cho nhanh cho kịp nhu cầu vì đao phủ thủ làm việc quá tải. Dân tây chặt đầu vua Louis 16 và bà vợ làm cô bé chăn cừu thấy vui quá nên hồ hởi phấn khởi chém hết thiên hạ trong các cuộc chỉnh lý, kêu phản bội cách mạng gì đó như mấy ông Robespierre và Danton, đưa ra biện pháp chém đầu khiến sau này hậu thế bắt chước, chém đầu họ luôn. Họ quên câu nói của cách mạng là đừng chém đầu người khác nếu không muốn người khác chém đầu mình.

Máy chém được tây gọi là Guillotine, mang tên ông y sĩ họ Guillotin, đã tư duy đột phá, thiết kế cái máy chém này. Đến thời tây thuộc, họ không xài nữa nên đem qua Việt Nam và các thuộc địa để chém dân đòi độc lập. Hình như mình có kể về cái máy chém rồi. Ai tò mò thì tìm trên bờ lốc của mình.

Lần thứ nhì được tổ chức ngày 9 tháng 2, năm 1893 tại Moulin Rouge. Các người mẫu khỏa thân đi dạo như một bức tranh hiện thực, đến nữa đêm thì có một phụ nữ khoả thân đứng trên bàn gây ra tranh cải kiện tụng.

Affiche của lễ hội của trường được thay đổi hàng năm về đề tài
Sinh viên hoá trang để tham dự tương tự lễ nhập môn cũng bú xua la mua như trên. Nói chung thì phong cách rất lập dị, man rợ. Bảo đảm đồng chí gái mà thấy hình ảnh của mình trong những năm tháng sinh viên chắc không dám lấy. Từ một tên ngố ở tỉnh lẻ như Đà Lạt, được thảy vào chuồng cọp của trường mỹ thuật. Sống sót ra trường là một may mắn của cuộc đời. Mình có mấy tên bạn, ở tỉnh lẻ về Paris học, tối nào cũng đi nhảy đầm, uống rượu riết chả ra trường bị đuổi, không biết giờ làm cái gì.
Những affiche được tổ chức để các sinh viên tham dự, để được chọn. Thấy toàn là chim dế treo lủng lẳng
Dạo đi học, mình cũng hay hoá trang thành những tên điên khùng như trên.

Dần dần trở thành lễ hội của các môn sinh của 4 phân khoa của trường. Mỗi năm đều có một đề tài riêng. Nữ giới được phép tháp tùng đều phải vẽ trên người như những bức hoạ rồi phủ lên áo quần hoá trang, dần dần sẽ được cởi ra hết khi trời về sáng. Lúc đó mới đi thưởng lãm tranh sống thực. Kinh

 Năm đầu tiên 1893, một người mẫu cho sinh viên vẽ bị bắt vì tội công xúc tu sĩ, cởi trần như nhộng, đứng lên cái khiêng, để mấy sinh viên khiên đi khắp phố như nữ thần tự do. Cô này bị bắt và phạt 100 quan khiến các sinh viên nổi loạn, cởi trần lấy lá nho chắn hạ bộ nhưng không tìm ra được cô này, và được kết luận là cô ta đã tự tử. Xong om

Cô người mẫu này, dám khoả thân đứng trên cái khiêng để sinh viên trường vác đi giữa phố phường, bị phạt 100 quan. Sau này mất tích. Cô ta thường làm người mẫu cho sinh viên tập vẽ nude. Dạo mình học, các người mẫu được trả khá tiền, tính tương đương ngày nay độ 100 đôla / giờ

Từ năm 1900 trở đi thì các đề tài thường lấy từ các truyện cổ của HY Lạp, hay Ai Cập, Krmers,… sau đó thì họ in các biểu ngữ, Bích chương dán khắp khu Latinh. Mình nhớ đề tài năm mình vào học về xứ Ấn Độ. Ông thầy mình dự thi với hình vẽ mấy ông và bà Ấn Độ múa máy trước cái đền có hình như dương vật. Kinh. Sau đó được in ra và nhóm ma mới như mình được sai đi dán Bích chương khắp khu Latinh. Có một cô học chung người Ba-Tư, nhìn hoài không hiểu đến khi thằng Jeff giải thích, chỉ tháp cao với cái nóc nhà như cái vòm là dương vật,…thì cô ta mới giác ngộ cách mạng và ré lên như bị Allah thục cà lét. Kinh


Mình đen sẵn nên dạo đó không cần hoá trang. Mấy cô như vậy đi ngang qua thì hay bị béo mông nên được gọi là “pinc
e-fesses”

Đến năm 1968 thì có cuộc cách mạng văn hoá, các sinh viên khắp Âu châu, khởi đầu ở Nanterre, gần Paris vào tháng 5 mà nay giới trẻ hay gọi là Mai 68. Ai tham dự các cuộc biểu tình đình công bãi thị được gọi là ‘Soixanthuitard” Họ bắt chước cuộc cách mạng văn hoá do Mao Trạch Đông khởi xướng ở Trung Cộng, đặt lại vấn đề văn hoá trong lịch sử Pháp. 

Sinh viên biểu tình trước cổng trường cao đẳng g quốc gia mỹ thuật Paris.

Các sinh viên xuống đường, nạy các cục đá ong làm đường, để quăng vào các cảnh sát cơ động nên sau đó, chính phủ De Gaulle phải dẹp hết các đường bằng đá ong, để làm nhựa đường. Từ đó lễ hội được tạm ngưng. 

Sinh viên học sinh nạy đá đường lên để chọi cảnh sát dã chiến, nên sau này chính phủ cho làm lại đường nhựa hết. Cái mất dậy là ngày nay họ lại bắt đầu làm lại với các lề đường. Chán Mớ Đời 

Lịch sử rất quái. Vụ khiêu vũ này được các nhà cách mạng 1789 đề xướng để nhân dân ăn chơi, quên đi các cuộc thanh trừng giết chóc của cách mạng. Sau này các hậu duệ làm cách mạng, cho đó là hủ hoá, mất đạo đức cách mạng nên cấm vào năm 1968. Cho rằng dân lao động thợ thuyền đau khổ bị bọn chủ cường hào ác bá hành hạ mà các anh chị yên vui nhảy nhót. Nghe nói họ thành lập lại lễ hội này vào năm 2012. Chán Mớ Đời 

Chính phủ ra luật, thay đổi cách sinh hoạt giảng dạy tại các đại học nhằm kiểm soát, bớt tự do phóng túng như xưa. Họ đổi trường thành các Unité Pédagogique . Không nhớ là bao nhiêu, lúc mình vào học thì có đâu 6 UP. Mỗi UP như vậy thì tự chọn cách giảng dạy. Mình theo UP2, theo cách giảng dậy cổ truyền nghĩa là phải học vẽ, lễ nhập môn, khiêu vũ bú cua la mua… còn các UP khác thì thiên về lý thuyết hơn, họ cho rằng kiến trúc sư không cần biết vẽ, chỉ nói trong đầu, tư duy đột xuất là ra nhà ra cửa. Đa số là theo các ông thầy đảng viên cộng sản hay Xã hội.

Sinh viên tự thiết kế các quần áo hoá trang theo đề tài nên khá vui thay vì mau đồ may sẵn như ngày nay. Chán Mớ Đời 

Mình may học theo lối cổ truyền nên biết vẽ. Sau này ra trường, đi khắp thế giới được tuyển dụng vì biết vẽ vì đa số kiến trúc sư ngày nay không biết vẽ. Nay thì máy điện toán vẽ cho họ. Năm đầu tiên mình vào học thì lớp mình có đến 22 tên. Khi ra trường chỉ có 2 tên; mình và thằng Jeff. Số còn lại thì bỏ cuộc sau 1, 2 năm vì không hợp còn thì họ đổi UP học cho dễ hơn vì không cần học vẽ. Vẽ xấu là bị đánh rớt, học lại. UP của mình theo hệ thống cổ truyền nên rất khó. Vẽ hoạ đồ mà xấu thì không được điểm nên trung bình đa số ra trường sau 10 năm. Phải đi thực tập cho các công ty kiến trúc để học vẽ trước mới được chấm ra trường.

Mình may mắn, có ông thầy thương nên trưa, thay vì đi uống cà phê với đám học chung sau khi ăn trưa, ông ta khuyên mình vác giá đi vẽ ngoài khu Latinh hay bên dòng sông Seine, đem về cho ông ta chỉ cách vẽ đẹp hơn nên tiến bộ nhanh. Đi du lịch ông ta cũng rủ đi theo. Sau này ông ta lấy một cô bạn học chung. Nhờ vậy, khi làm dự án, mình đều được điểm cao và được thêm tín chỉ. Thí dụ đồ án có 3 tin chỉ. Được điểm A thì mình được thêm 1.5 tín chỉ là 4.5 tín chỉ còn điểm B thì được thêm 0.5 tín chỉ là 3.5, C thì 3 tín chỉ còn D thì được 2. Mình may mắn được điểm cao đều đều nên đủ tín chỉ sau 5 năm thay vì 6 năm nên tình cờ tìm được công việc ở Ý Đại Lợi nên mình qua Ý Đại Lợi làm việc 1 năm luôn tiện tìm đề tài cho luận án ra trường. Tổng cộng 6 năm thay vì trung bình là 10 năm ăn chơi như đa số. 

Trở lại năm đầu được tham dự lễ hội của trường. Như mình kể, sau cuộc cách mạng 1968, họ bỏ lễ hội của trường nhưng các lò kiến trúc cổ truyền vẫn tiếp tục truyền thống cao đẳng mỹ thuật nên các atelier đều tổ chức lễ hội nhưng không quy mô như xưa. Họ gọi là “Pince-fesses”, béo mông. Nói như ngôn ngữ hiện đại là sách nhiễu tình dục.

Mấy tuần đâu có học hành gì, các ma mới đều bị điều động làm sân khấu, trang hoàng, mua rượu,…từ ngoài đi vào họ làm một con đường hầm gọi là catacombe mà Paris có, để họ bỏ xác người chết khi xưa ở dưới đất. Xương đầu lâu đầy nơi, tối om. Mấy cô đi vào mò mò đường, là mấy tên béo mông mấy cô, kêu oai oai rất vui. Sau đó mới vào nơi, sân khấu thì có ban nhạc chơi, có mấy thùng rượu to để cho bà con tha hồ uống. Ai không có hoá trang thì không được vào và không có giấy mời thì miễn vào.

Sinh viên nhảy đầm lúc đầu thì còn thấy áo quần sau đó thì rượu vào thì áo quần bay đâu hết. Mình thấy nhiều cặp ôm nhau làm tình một xó, đủ thứ đã nói khó diễn tả hết. Nói chung là rất vui, cha con nhảy đầm chơi tới bến, không như mấy ông bà người Việt ở bolsa, lướt quở nay bô-nê-rô hay cha cha. Mình nghe đài truyền hình pháp kể là mấy cán bộ nhớn Việt Nam ăn chơi cũng kinh lắm. Họ đổ rượu vào bồn tắm đầy rồi cho mấy cô trinh nữ vào nằm tắm, xong thì họ múc rượu mấy cô tắm xong để uống để có khí trinh nữ, ghi úp bổ dương gì đó. Chán Mớ Đời .

Phải xong hai vụ này thì sinh viên mới bắt đầu lo thi cử, vẽ sáng đêm để nộp đồ án mà chúng gọi là Charrette. Có dịp mình kể vì không có cái này thì không phải sinh viên kiến trúc.

Thời sinh viên mình ăn chơi nhảy đầm ở trường nên nay chán không thích nhảy đầm nữa. Mà nhảy với người Việt thì chán như con dán. Tây nhảy đầm là nhạc luôn tu ti còn dân an ná mít ở bolsa thì cứ một bản bô-nê-rô rồi đến cha cha làm mất hứng. Lâu lâu đồng chí gái kêu lắm phải bò theo mụ vợ. Mụ kêu ra nhảy vài bản cho mụ vui chớ mình thấy không ham kiểu nhảy đầm Việt Nam hoá.

Mình ở Việt Nam đâu biết nhảy đầm. Ngơ ngơ dân xứ thượng lại lọt vào trường cao đẳng Mỹ thuật như đến một hành tinh khác. Có tên bạn học chung kêu tới nhà dạy nhảy với cô em hắn rồi đi Boum với nhau. Mình thì cứ xem thiên hạ nhảy ra sao thì bắt chước làm theo hay chế thêm theo kiểu đi quyền Thái Cực Đạo nên tây đầm khoái lắm. Mấy con em của mấy thằng bạn cứ chê anh chúng, kêu phải học nhảy thêm với mình. Chúng cứ kéo đầu mình đi nhảy đầm.

Đi làm bồi cuối tuần mà chúng cứ đứng chực ở ngoài xe, xong việc là chạy ra lên xe chúng đi nhảy đầm đến 3, 4 giờ sáng mới bò về. Phước đức ông bà để lại nên mình học ra trường chớ rất nhiều tên ham chơi quá nên quên tốt nghiệp luôn. Ở Tây mà học rớt quá 2 năm là chúng đuổi học. Tốn tiền nhà nước.

Từ một tên ngu ngơ ở Đà Lạt, qua Tây mình đã ngố rồi, khi vào học gặp văn hoá đồi trụy nữa nên mình tan theo mấy khói. Không hiểu sao lại tốt nghiệp được. Ngồi viết nhớ lại một thời đi qua, quá vui, hưởng thụ đầy đủ, nay không thiết ăn chơi nhậu nhẹt. Nhiều khi tự hỏi nếu mình học kỹ sư thì có lẻ cuộc đời mình có một kết cục khác. Học xong ra trường đi làm, lấy vợ ở pháp. Xong om

Học kiến trúc thì mình có thể đi làm tứ xứ, lang bạc kỳ hồ, vẽ tranh bán khi đi giang hồ vào mùa hè khắp âu châu. Có lẻ bị ảnh hưởng của kiến trúc nên mình đầu óc hơi điên điên, làm khổ vợ con. Nay thì đi làm vườn, trở lại đời nông dân, lưng đội nắng, mặt thì vá đất. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Lễ nhập môn trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật Paris

 Hôm qua, có hai anh bạn ghé nhà chơi. Một anh du học tại Liên Xô và một anh thì hụt đi Liên Xô. Anh thứ nhất đi Liên Xô năm 1975 (24.5 điểm). Bố mẹ là cán bộ tập kết còn anh thứ 2 đậu thủ khoa vào đại học Huế (29.5 điểm), sau đó thì được tuyển chọn đi du học bên Liên Xô, với một số sinh viên thủ khoa miền Nam, tỏng số đó có một MC nổi tiếng ngày nay tại Việt Nam. Được cho đi học tiếng Nga tại Võ Văn Tần trong vòng 1 năm. Cuối cùng mấy ông ngoài Bắc vào tìm cách loại để con họ đi thế, theo quy trình đào tạo các hạt giống đỏ. Xong om

Có một thủ khoa miền nam, bị loại, tự tử sau đó vì bao nhiêu giấc mơ tuổi trẻ đi Liên Xô bị phá huỷ còn anh thủ khoa đại học Huế thì tìm đường vượt biển. Sang Hoa Kỳ học Berkeley đi làm được mệnh danh là King of Start-up, làm cho các công ty công nghệ mới khởi đầu và rất thành công. Nghe họ kể về những giấc mơ du học, của tuổi trẻ sau 75, những ngày tháng ở Mạc Tư Khoa, kêu bọn Nga gian ác lắm. Chúng đánh người Việt như kẻ thù. Học xong thì chạy qua Ukraine làm ăn, rất thành công.

3 người Việt đi học ở hải ngoại; người đi Nga, người đi mỹ và người đi Tây rồi cuối cùng gặp lại tại Hoa Kỳ và kêu Hoa Kỳ là số một, dù dân chủ chưa được hoàn hảo lắm. Xong om

Tối qua đi ngủ bổng nhiên nhớ đến thời sinh viên. Mình có 2 đứa cháu ở Việt Nam, theo học trường kiến trúc Sàigòn. Không biết chúng có trải nghiệm như mình hay không vì trường kiến trúc Sàigòn, khi xưa bị ảnh hưởng của trường kiến trúc pháp. Đà Lạt có thời có trường kiến trúc tại Grand Lycee. Ông Ngô Viết Thụ tốt nghiệp tường này trước khi đi Tây.

Trường mình học thường được gọi école nationale supérieure des beaux-arts (ENSBA), dịch nôm na là Trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ-Thuật. Trường tọa lạc tại đường Bonaparte, gần sông Seine, Quai Malaquais, gần đó có nhà ga Orsay, nay họ sử dụng làm viện bảo tàng và hàn lâm viện của Pháp.

Khuôn viên của trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật. Lớp lịch sử mỹ thuật phía bên tay trái

Mình ở Neuilly/ seine nên lấy métro xuống trạm Louvre, đi bộ qua cầu “nghệ kiều” (passerelle des arts ) mà sau này, về lại Paris, thấy du khách có trò mua ổ khoá rồi còng vào chỗ lang cang, để cho mọi người biết mối tình của họ sông liền sông, núi liền núi. Mình nhắc vụ này vì phong cảnh quá đẹp của Paris, mình thường thấy mỗi khi đi học.

Cứ như bài văn của ông Thanh Tịnh về buổi đi học lần đầu tiên. Lúc mình đi qua cầu, vào mùa thu, lúc nhập học, thấy sương mù rồi ánh mặt trời loé lên phía Cầu Mới (pont neuf), rồi đến đảo phố (île de la cité) rồi nhà thờ đức bà, đẹp không kể nổi. Lần sau về Paris, chắc sẽ kiếm khách sạn gần đấy, để sáng thức giấc, cố lội đi qua chiếc cầu này để tìm lại hình ảnh của một thời. Vấn đề là đồng chí gái không thích Tây. Mới đến thì không thích nhưng nếu ở lâu thì mới cảm nhận được thủ đô ánh sáng này.

Đây là quang cảnh tương tự mình thấy mỗi khi đi học, đẹp nhất là buổi sáng khi ánh nắng bình mình vừa ló dạng trong sương mù.

Trường ÉNSBA được thành lập năm 1648, mang tên académie royale de peinture at de sculpture, đến năm  1793 thì ngôi trường huấn nghệ nhân cho triều đình bị dẹp bỏ sau cuộc cách mạng, để xoá hết dấu tích tàn dư của chế độ cũ. Đến năm 1817, thì được thiết lập lại và có thêm môn kiến trúc.

Khi xưa, vua chúa đều tuyển chọn các nghệ nhân tốt nghiệp trường này để vẽ tranh hay điêu khắc cho họ. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng được đào tạo tại đây như Degas, Delacroix, Ingrosso, Seurat, Rodin,… ông hoạ sĩ Paul Cezanne nộp đơn hai lần nhưng bị từ chối. 

Bức tranh nói về Bal Des Quat’z’Arts của trường quốc gia cao đẳng mỹ thuật Paris khiến mấy cô đầm nghe mình học ở Beaux-Arts, cứ réo áo mình khi đến mùa lễ hội này để được mời tham dự.

Hàng năm trường này tổ chức một cuộc thi khuyết danh để tránh xì-căn-đang, bao che. Các thí sinh không được công bố danh tánh trên bản vẽ của mình. Mỗi bộ môn có một khôi nguyên, sẽ được chính phủ pháp đài thọ  trong 3 năm, nghiên cứu sinh tại thủ đô La-Mã, tại Villa Medici mà người pháp gọi. Những người này sẽ được cho đề tài để nghiên cứu trong thời gian lưu lại đây. Khi xưa, mấy người được đến đây, thường đi sang các xứ như Hy Lạp, Thổ NHĩ Kỳ, để nghiên cứu về lịch sử của các nền văn mình cổ.

Một người Việt xuất thân từ trường này và là khôi nguyên của giải Grand Prix de Rome về môn kiến trúc là ông Ngô Viết Thụ, mình kêu bằng dượng, bà con bên mẹ mình. Có lẻ mình học kiến trúc cũng vì dượng. Trước khi đi tây, mình có gặp dượng ở nhà ông Phúng. Dượng kêu, qua tây, kiếm con đầm nào nuôi ăn học rồi về. Chán Mớ Đời 

Lần đầu tiên về Việt Nam, mình có gặp dượng. Dượng có một người em vợ, trai út của ông bà Võ Quang Tiềm, cũng tốt nghiệp trường này.

Học các môn như lịch sử, toán, vật lý,.. thì học chung cả trường còn các bộ môn về kiến trúc, hội hoạ và điêu khắc thì học theo các tổ, lò. Các sinh viên được chia thành các atelier, tạm gọi là “lò”, sinh viên có quyền chọn lò nào để được huấn nghệ bởi một kiến trúc sư khá nổi tiếng. Mình thì chả biết ai là ai nên chọn đại atelier của ông Xavier Arsène Henry, ông này á quân của giải Grand Prix de Rome. Kiến trúc sư trưởng của thành phố Bordeaux về phát triển sau đệ nhị thế chiến, cánh tay phải của ông tỉnh trưởng Bordeaux, có thời làm đến thủ tướng của pháp. Ông này có 2 phụ giáo về kiến trúc và một phụ giáo về vẽ. Vẽ thì thường vẽ khoả thân và nature morte.

Mình nhớ lần đầu tiên học vẽ, thấy đầm ở truồng, ngồi, nằm trên bục cho mình tập vẽ, chim cò gì bị rối loạn. Đó lần đầu tiên thấy đàn bà cởi trần, râu ria rất là lạ. Kinh

Mỗi năm atelier có hai lễ chính đó là lễ nhập môn và Pince-fesses, tên của lễ tại trường có khiêu vũ, rất nổi tiếng của Paris. Mình có mấy cô đầm làm quen để được mời tham dự các buổi dạ vũ truyền thống này. Sẽ kể sau.

Năm đầu tiên, các sinh viên ma mới đều phải làm lễ nhập môn, truyền thống của trường. Hôm họp mặt đầu tiên của niên khoá, đám đàn anh sai tụi ma mới như mình đi mua rượu, đồ ăn mang về. Đến khi họp thì mình hỏi không có nước. Chúng phá lên cười, kêu xứ Tây không có trò uống nước, vì nước đắt hơn rượu. Mình thấy hai thùng tonneau để chình ình, khát quá, đành lấy một ly uống. Tối đó mình không biết làm sao bò về nhà, leo lên 7 tầng lầu, để vào ngủ ở phòng ô-sin. Sáng dậy, đầu đau như búa bổ nên tởn đến già. Sau này được giao trách nhiệm đi mua thức uống thì mình lén mua thêm nước ngọt.

Một hôm, vừa bò vào lớp thì nghe bọn đàn anh ra lệnh, đi mua bao nylon nhỏ, về chúng khuấy sơn vẽ và nước rồi bỏ vào bịch, cột lại. Sau đó, chúng mở cửa sổ rồi cứ tự nhiên như người Parisien, ném mấy bịch sơn xuống đường trúng người bộ hành và mui xe hơi, gây kẹt xe. Cảnh sát bò đến, chỉ đứng nhìn lên vì khuôn viên đại học, không được vào. Chán Mớ Đời 

Trong buổi họp, đám đàn anh bàn chuyện tổ chức lễ nhập môn và Pince-fesses của năm. Nghe đám đàn anh nói đến lễ nhập môn khiến mình và đám học chung niên khoá lo âu vì được nghe về các huyền thoại của trường cao đẳng mỹ thuật này. Đám đàn anh lại bú xua thêm la mua nên càng lo ngại.

Một hôm, độ 3 giờ chiều, mình nghe tiếng kèn trống của đội kèn đồng thì bọn đàn anh kêu lễ nhập môn của atelier nào đó. Mọi người chạy xuống đường, mình thấy mấy cô đầm và thằng Tây ở truồng, mình đầy sơn, chạy lêu thêu trong cái lạnh của mùa thu Paris, ra Saint Germain des Pré trong khi đó thì đội kèn đồng thổi tò te, chơi mấy bản nhạc khá lạ.

Mình ngơ ngác lo sợ đến cái ngày lễ nhập môn của mình, cũng phải bị cởi truồng, chạy lòng vòng ngoài phố. Bố mẹ, mất tin tức từ ngày Đà Lạt di tản, chắc không biết thằng con này, khi không đổi nghề, thay vì học kỹ sư nay lại bò đi học kiến trúc. Chán Mớ Đời 

Rồi ngày lễ nhập môn cũng tới. Cả tuần đám ma mới như mình chả học hành gì cả, phải đi mua cây, mua vải màn về làm sân khấu, đủ trò, kết hoa trang hoàng thời kỳ La-Mã vì đề tài năm nay là hoàng đế Carigula, một tên bạo chúa khét tiếng của thời La MÃ.

Đến ngày thì phải ra chợ Les Halles, dạo ấy chưa dời về Rungis, xin cá thối, đuôi cá mà người ta quăn. Đem về treo ngoài cửa sổ vì hôi. Có đám mua rượu đủ trò, còn ban nhạc kèn đồng thì tập dợt.

Đến giờ thì đám ma mới như mình bị dồn vào một phòng, để hoá trang thành nô lệ. Có thằng Jeff, bận đồ như các tay giác đấu, nói là hoá trang thành Spartacus. Mình nghe phía tường bên kia, tiếng la hét của đám đàn anh, kêu gào, đem bọn nô lệ ra đây.

Rồi một hồi chuông te te như phim la mã rống lên. Tên đàn anh hướng dẫn tụi này, kêu bò qua cái lỗ thế là bọn trai gái gì cũng theo thứ tự vần ABC, bò ra cái lỗ nhỏ trong tiếng la ó của đám đàn anh bên kia thế giới. 

Mình vừa bò ra khỏi cái lỗ thì phựt phựt, bao nhiêu cá hồi chiều mình đi xin  bị bọn đàn anh ném vào người vào đầu. Mình cất kính rồi nên chỉ thấy lờ mờ. Mấy tên đàn anh và mấy chị, bận đồ như các thượng nghị sĩ đời xưa, La hét, quăn rượu vào mặt mình và đám ma mới. Áo quần gì đều ướt phải rượu. Thằng Jeff vừa bò, hiên ngang đứng kêu “je suis Spartacus” thì bị ngay cái đầu cá thối ngay mặt nên hết muốn làm cách mạng, lo che đầu, chạy vòng vòng trong tiếng nhạc fanfare.

Sau đó đến màn thi đua xem ai có vú đẹp nhất và chim to nhất. Họ bắt đám ma mới con trai như mình đi lên mezzanine rồi cởi quần xì, ra chúng chiêm ngưỡng con chim. Thằng Jean đoạt giải nhất nên tối đó được bà mẹ ma mới (mère des nouveaux ) dẫn về nhà khai phóng, dạy hò giã gạo. Sau đó thì đám con gái đi lên Mezzanine, cũng phơi ngực như mấy bà nữ quyền ở Ukraine bây giờ. Hình như con Alba đoạt giải nhất vì ngực to như trái dưa hấu. Kinh

Có một atelier tên Lamache, không bao giờ nhận nữ giới vào học. Atelier này toàn con trai nên hay ăn hiếp các atelier khác. Chúng hay đổ bộ, tấn công, đem mấy bịch sơn vào atelier khác, quăng đầy nơi, phá tung hết, khiến ma mới phải đi dọn dẹp mệt. Có lần chúng tấn công atelier mình. Mình là ma mới nên ngồi hành lang, chúng chạy vào, quăng bịch sơn trên Bàn vẽ của mình mới vẽ xong đợi ngày mai nộp. Nổi điên, mình kéo thằng tây quăng bịch và khệnh cho nó một trận. Từ đó, lớp atelier mình không còn bị phá thối nữa.

Sau đó thì cha con nhảy đầm cứ như Esmeralda trong thằng gù notre dame. Tiếng nhạc tiếng trống, bà con uống rượu như điên, mình ngồi như bò đội nón, có thằng đàn anh đến hỏi “ça vas toi?” Mình chỉ biết u chau u chau ngồi xem đám tây đầm vui đùa. Hôm ấy, mình nhịn khát, không uống rượu, về tới nhà mới uống nước. Kinh

Đại loại, hàng năm sinh viên hoá trang kiểu hình này. Mấy cô học mỹ thuật rất chịu chơi

Sau đó thì chúng bàn đến tổ chức Bal des Quat’z’Arts nổi tiếng một thời mà chúng gọi là Pince-fesses, béo mông rất thú. Sẽ kể sau. Mình nhảy đầm với đám sinh viên trường này, quá vui. Nay ở Cali mình Chán Mớ Đời khi thấy mấy hội hè người Việt tổ chức khiêu vũ chán như con dán. Nay phải lên vườn.

Lần sau mình sẽ kể chuyện nhảy đầm ở trường này. Có 1 không 2, nếu đã tham dự một lần thì không muốn nhảy đầm mấy chỗ khác nhất là ở Bolsa.

Con gái mình qua Tây, có ghé đến trường này, chụp hình gửi cho mình. Nó nói bây giờ mới hiểu lý do bố cứ điên điên, không bình thường như bố mẹ bạn gốc việt của nó. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 



Phoenix, Sedona và Flagstaff 2022

 Sáng ra trả phòng xong, mụ vợ đòi đi viếng Outlets, gần khách sạn. Bò vào thấy mới được xây cất. Nghe nói ở Việt Nam, các nhà đầu tư, muốn thành lập 1 Outlets nhưng chưa làm được. Muốn xây một khu bán đồ xịn với giá hữu nghị việt sô này thì cần tối thiểu 7 công ty hàng xịn như Polo RALPH Lauren, Nike, …

Mụ vợ chỉ mua 2 đôi giày rồi kêu ở đây đắt quá. Kêu mình chở qua tiệm TJ Maxx, cho rẻ. Lấy Sơn Đen nên thấy cái gì cũng đắt cả. Rồi lại chạy đi một tiệm khác, đến 3 giờ chiều mới chịu đi ăn cơm.

Ăn xong thì chạy lên Sedona, ở khách sạn Hilton Resort. Rất đẹp! Mụ vợ hỏi giá bao nhiêu. Mình nói giá khiến mụ vợ mặt xanh như đít nhái. Internet lộn xộn, cứ tắt mở hoài khiến mụ vợ bực mình kêu kiếm khách sạn khác. Sáng hôm sau mình kêu trả phòng thì cô ở lễ tân không dám làm giấy tờ, kêu đợi hỏi quản lý. Cô ta đề nghị đổi phòng nhưng mụ vợ xót của nên kêu dọn ra. Quản lý gọi lại hỏi thì mình nói, đồng chí gái kêu trả giá đắt như vậy mà Internet, họ đề nghị đổi phòng,..mình nói thôi vợ tui không chịu. 

Red Rock, Đá Đỏ. Nội đi xung quanh vòng tảng đá này mất 4.8 dậm. Hôm nay hai vợ chồng đi bộ trên 8 dậm. Dịch thử Hồng Thạch.

Mình kiếm được khách sạn rẻ hơn 75%, sạch sẽ. Mụ vợ kêu đi chơi kiểu nhà nghèo như mình cũng khoẻ, để tiền cho người nghèo. Hai vợ chồng chạy đến Red Rock, (Đá Đỏ, Hồng Thạch). Đậu xe xong, mua vé tốn $5, bỏ nơi xe. Nghe họ nói không trả tiền trước thì họ cho câu xe. Thấy họ có để sẵn bịch nylon để thiên hạ dẫn chó hốt cứt. Còn ngựa thì không cần hốt, đầy đường mòn. Ngựa chỉ có người giàu có mới cửi  nên miễn màn hốt phân ngựa. Chủ nghĩa tư bản vạn tuế!

Mình trả tiền 5 đô tiền đậu xe, để họ mua bịch nylon cho thiên hạ hốt cứt chó. Vào khách sạn, cũng thấy họ để thức ăn cho chó và nước uống. Kinh
Thấy họ trang bị đồ sửa chửa cho xe đạp vùng núi để ai đi xe đạp.

Mình đi bộ với mụ vợ thì lâu. Lý do cứ 5 phút là mụ bắt chụp hình rồi quay video bú xua la mua. Đi chưa xong kêu mình phải ngồi xuống cho mụ nghỉ mệt, nằm thẳng dưới đất.

Để hôm nào buồn đời, mình sẽ làm vài cái như vậy để bỏ sau vườn, tạo những điểm nhấn.

Họ làm mấy cái giỏ bỏ đá ở trên đường mòn để làm dấu cho các đường mòn để thiên hạ khỏi lộn đường mòn vì có nhiều đường mòn, trộn lẫn. Mỗi đường mòn có một loại dấu ấn riêng. Mình sử dụng App AllTrails nên nếu đi ra khỏi đường mòn thì đồng hồ mình báo động nên cũng đỡ. Mình tính leo lên núi bên cạnh nhưng mụ vợ không leo nổi nên đành đi về.

Theo bản đồ để đi.vừa hết thì 4.5 dậm thêm .3 dậm từ đó ra bãi đậu xe tổng cộng 4.8 dậm. Nếu để ý thì mấy đường mòn khác xen kẻ với đường gãy chấm chấm. Không có bản đồ là hơi mệt.

Mình chạy lên Flagstaff, cách đó độ 55 phút lái xe. Có hai đường: đi đường đèo hay đi quốc lộ. Mình chọn quốc lộ vì xe mướn không quen. Mình bỏ xe để họ sơn sửa lại mấy vết trầy, do bị đụng xe trước giáng sinh nên bảo hiểm cho mướn chiếc xe Mustang mới toanh, chưa ai chạy cả. 

Hoá ra là quyết định đúng vì chạy lên cao độ 7,000 cao bộ. Tuần trước có tuyết nên còn thấy tuyết hai bên đường. Nếu đi đường trong thì hơi mệt vì còn tuyết đọng. Nhất là kẹt xe. Sáng nay mình định chạy theo đường này nhưng được một lúc thì kẹt xe, Chán Mớ Đời đành quay lại.

Vùng này có nhiều tảng đá cao lêu nghêu. Xem chừng độ 20-30 tầng lầu.

Đến nơi thì cũng đã gần 2 giờ chiều. Hai vợ chồng gửi xe xong đi lòng vòng thì đồng chí gái thấy tiệm ăn Ái Nhỉ LAn nên kêu ăn thử. Lâu quá không ăn cơm Ái Nhỉ Lan nên nhất trí. Kêu gan pâte gà của nhà hàng tự làm, món khai vị. Rất ngon. Rồi mỗi đứa kêu thêm cái pie. Họ làm theo kiểu empanadas nhưng to hơn. Ăn rất ngon. Mụ vợ mà khen thức ăn ngoại quốc là phải biết. Đòi trở lại ăn nhưng thấy xa quá. Nếu đi thì phải chạy về ngã las  Vegas xa hơn.

Hai ngày nay, hai vợ chồng đi màu xanh.

Ăn xong, chả thấy có gì lạ cả. Vùng này, nổi tiếng về trượt tuyết vì có ngọn núi cao nhất tiểu bang. Chạy trên đường thấy nhiều nhà kiểu Cabin để đi trượt tuyết. Mình chạy về Sedona để lấy phòng khách sạn rồi bò đi bộ một tí để xem thành phố. Chắc mới hết mùa đông, ít du khách nên tiệm ăn đóng cửa khá nhiều. Thấy có tiệm nail Việt Nam, đề tên Le Anna’s Nail. Nếu không trượt tuyết thì nên đến vùng này vào tháng 3, ít nóng chớ đến hè là chảy mỡ. Mùa đông thì lạnh teo chim. Ít ai đi ngoài đường vì không phải mùa du khách nên không biết làm gì, hai vợ chồng bò về khách sạn. Kẻ viết người nhắn tin, điện thoại cho bạn bè. Mai thì đi bộ tiếp. Mốt thì về sớm hơn một ngày vì đồng chí gái có hẹn chi đó.

Hôm nay, bò dậy đi đến nhà thờ. Căn nhà thờ này nổi tiếng khi mình vào học trường kiến trúc. Có ông mục sư nào bò đến đây xây cái nhà thờ trên núi, trong mấy núi đá.

Thành phố này nhỏ xíu mà tính có đến 7-9 nhà thờ chưa kể synagogue của người do thái.

Khi xưa, người Mỹ về hưu, dọn về vùng này để ở để tránh bệnh phong thấp, nay thì du khách đến đông kể gì. Khi xưa, mình đi viếng ít có du khách. Đa số toàn là những người hippie khi xưa dọn về đây sinh sống xa đời sống đô thị. Thấy có nhiều trung tâm dưỡng già.

Đi xong chỗ này, tính đi mấy chỗ khác thì không chỗ đậu xe nên quay về, đi ăn, về ngủ trưa, đợi chiều bớt xe, bò đi dã ngoại. Có anh bạn nhắn tin cho mấy chỗ ăn chay nhưng trễ rồi. Họ đóng cửa 4:00 giờ chiều.

Ngủ dậy, hai vợ chồng bò lên xe tính kiếm chỗ nào đi dã ngoại. Đúng lúc trời mưa nên bò lại văn phòng địa ốc, gần khách sạn mà mình thấy. Vào hỏi nhà cửa bên này ra sao thì thất kinh vì đắt như ở Nam Cali. Mình hỏi họ có biết công ty nào lo vụ cho mướn kiểu AirBnB thì họ nói có. Hỏi bao nhiêu thì họ không rành.

Thấy có căn nhà ngay khu nhà thờ hồi sáng đi viếng thấy đẹp nên hỏi họ dẫn đi xem. Khu rất đẹp, nhà hơi cũ. Có căn nhà bên cạnh nên che bớt phong cảnh, bên tay phải thì có mảnh đất khác, trong tương lai họ sẽ xây nhà xem như mất phong cảnh từ nhà. Mình hỏi khu vực này cho thuê được không vì thấy mấy nhà trong khu vực, cắm bảng kêu chỗ ở không phải khách sạn. Hoá ra khu này không thích mấy nhà cho thuê kiểu AirBnB. Có lẻ trong tương lai họ sẽ ra luật cấm. Mụ vợ thích căn nhà cứ kêu mua đi mua đi khiến mình muốn khệnh mụ vợ. Thích thì khi đi chơi, mướn mà ở tội vạ gì vác của nợ vào thân, cách nhà 7 tiếng lái xe. Khi đi chơi xa, mình đều viếng nhà bán, để có bằng cớ mình có gặp thiên hạ để bàn chuyện đầu tư, để trừ thuế.


Cây cổ thụ, họ giữ lại khi xây cất khu vực này, rất đẹp, du khách đi sẽ trở lại hay khuyên bạn bè đi thăm viếng. Còn Đà Lạt thì một đi không trở lại

Sau đó, chạy vào Sedona, đi bộ thấy đẹp. Thấy họ giữ gìn mấy cây cổ thụ xưa khiến mình nhớ đến Đà Lạt, phá tan hoang. Chán Mớ Đời 

Chạy về khách sạn. Ngày mai đi xem thêm căn nhà rồi chạy về cali.mụ vợ kêu tháng tư, có họp bạn Trưng Vương ở Phoenix, chắc lại phải bò sang nữa. Mụ vợ họp bạn thì mình leo núi chuẩn bị đi Machu Pichu 7 ngày. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Du lịch Đức quốc, Áo quốc và Hoà Lan

 Nhớ năm thứ 3, mình làm hướng dẫn viên du lịch cho lữ quán thanh niên (auberge de la jeunesse), dẫn đám tây đầm đi Hoà Lan và Đức quốc. Có hôm, đi học ra, mình bò lại Boulevard Saint Michel đi vòng vòng chơi. Đi ngang qua văn phòng lữ quán thanh niên, thấy họ dán nơi cửa sổ mấy tấm Bích chương du lịch Ý Đại Lợi, Anh quốc,… bổng mình thấy có tờ quảng cáo, hỏi có muốn du lịch miễn phí. Thấy hấp dẫn, mình bò vào văn phòng hỏi. 

Bà đầm cho biết họ đang tuyển các hướng dẫn viên du lịch. Dẫn đám tây đầm trẻ đi chơi thì khỏi phải đóng tiền. Thế là mình ghi danh để họ phỏng vấn. Đến ngày đến giờ thì có đâu 10 tên tây và đầm có mặt. Họ giải thích cần đọc thêm về văn hoá, nghệ thuật của nước đi du lịch để giải thích cho đám tây đầm. Họ hỏi mình học ngành gì, kêu kiến trúc nên nhận ngay. Sau này mình đi họp lớp huấn luyện thì thấy có 2 cô đầm hôm đó và nhiều người khác.

Hoá ra, lữ quán thanh niên pháp, tổ chức cho đám thanh niên, thanh nữ đi du lịch bằng xe buýt, rẻ nên cần hướng dẫn viên du lịch miễn phí. Được bao ăn ở, nhưng không có lương. Họ huấn luyện đâu mấy ngày cuối tuần rồi bổ mình đi Đức quốc, Áo quốc và Hoà Lan. Dân thâm niên thì được cho đi Ý Đại Lợi. Mình ma mới thì đi mấy nước mà tây chê.

Lễ nghỉ mùa xuân năm ấy, mình và cô đầm tên gì quên mất tiêu. Cô này không phải sinh viên, đã đi làm rồi. Dẫn một đám tây đầm 40 mạng đi du lịch 3 xứ này. Họ đã lập ra chương trình, mình chỉ việc xem đường, bản đồ, để dẫn tài xế lái cho đúng, đến các lữ quán thanh niên mỗi tỉnh đã đặt phòng trước, tiệm ăn mỗi nơi. Trưa thì lữ quán thanh niên lo còn tối thì mọi người tự túc.

Bruges: khởi hành từ Paris, có một đám tây đầm 40 mạng. Đầm đâu 30 mạng còn lại thì tây con. Đầm sợ đi chơi một mình nên đi theo đoàn cho an ninh. Con trai thì vác ba-lô đi tá lả còn phụ nữ thì cũng ngại thêm bố mẹ cấm cản. Đó là 45 năm về trước.

1 trong mấy con kênh của thành phố Bruges, Venise du Nord.

Sau màn điểm danh là lên đường trực chỉ thành phố Bruges của Bỉ Quốc, được tây đầm gọi là Venise du nord. Lý do là họ có nhiều con kênh để di chuyển như thành phố Venise của Ý Đại Lợi. Xứ Bỉ này tuy nhỏ nhưng lại nói 2, 3 thổ ngữ. Vùng cạnh Pháp quốc thì nói tiếng Pháp, hình như họ còn nói tiếng wallon và phần gần biên giới Hoà LAn thì nói tiếng Flamand, gần gần tiếng Hoà Lan.

Xứ Bỉ này, mình chỉ biết đến địa danh Waterloo, nơi quân của Napoleon bị đánh bại và trận đánh nổi tiếng Flandres, giữa quân đội đồng minh và Đức quốc xã, đã giúp quân đội đồng minh tiến chiếm xứ này, đẩy lui quân đội Nazi về Đức quốc.

Dân Bỉ hay than là món quốc hồn quốc tuý của nước họ là món khoai tây chiên mà người Mỹ lại kêu là French Fries. Mỗi xứ kêu là họ khởi đầu món khoai tây chiên. Sang Hoà Lan cũng thấy họ ăn khoai tây chiên đầy đường, bên Bỉ cũng vậy, nhiều xe bán khoai tây chiên ngoài đường, tuyệt nhiên mình không thấy tại Paris. Thấy dân gốc Bắc Phi bán bánh mì merguez. Người Tây lại gọi “pomme frites”, nói tắc từ pomme de terre. Pomme là trái táo, đây đào từ đất nên gọi pomme de terre.

Xe chạy một mạch, có nghỉ dọc đường để bà con đi xả xú-bắp. Mình phải giải thích các thành phố chạy ngang như Compiegne, Arras,… xe ngừng lại thành phố Roubaix, thành phố mà ông cậu họ, con ông bà Đàng, học y khoa tại đây đã ghi danh cho mình học đại học ngành kỹ sư Dệt. Sàigòn thất thủ nên mình không lên đây, mà ở lại Paris. Không bao giờ gặp lại cậu Nghị.

Tại đây, xe buýt đậu cho bà con ăn uống trưa, rồi thẳng đường chạy đến Bruges. Vùng này họ nói tiếng Flamand nhưng xổ tiếng pháp vẫn ok. Họ không lộn xộn như dân ở Quebec, Gia-nã-đại. Xe đến lữ quán thanh niên, cho bà con vào như đàn cừu, lấy phòng sau đó, dẫn bà con đi xuống con kênh, mướn tàu ngồi chạy vòng vòng. Khá đẹp!

Amsterdam: sáng hôm sau, ăn sáng xong thì thiên hạ đem va-li ra xe rồi trực chỉ Rotterdam, chạy vòng vòng xem, rồi đến Amsterdam. Lấy phòng cho bà con xong thì ăn cơm tối tại lữ quán thanh niên. Mình ngồi ăn chung bàn với mấy học sinh Hoà LAn. Chúng nói tiếng anh rất giỏi. Khi xưa, sinh viên hay học sinh Đức, Hoà lan, Bắc Âu, nói tiếng anh rất giỏi. Không hiểu chương trình dạy ngoại ngữ của họ ra sao mà đi du lịch gặp mấy dân này, nói anh ngữ rất giỏi. Tây đầm thì khạc không ra một chữ tiếng anh. Nói chung dân vùng la-tinh là hay ngọng tiếng anh.

Ngày nay, Liên Hiệp Âu Châu đã giúp sinh viên nói anh ngữ khá rành. Lên xe buýt thì có màn giới thiệu danh tánh, ở đâu. Hoá ra cũng có nhiều người ở vùng quê, tỉnh nhỏ, lấy xe lửa lên Paris đi theo đoàn. Nói chung, dân gốc thợ thuyền, khác với đám sinh viên mình quen ở đại học. Không rành về lịch sử âu châu lắm. Mình cứ tưởng tây đầm là phải biết rành về lịch sử nước của họ nhưng hỏi ra thì mù tịt. Có nhiều người hỏi mình khi ăn cơm.

Amsterdam là cái nôi sinh ra chủ nghĩa tư bản mà mình đã kể rồi. Gần biển, nằm thấp hơn mặt biển nên họ có mấy cái đê cao ngất. Tây hay gọi Pays Bas, nước thấp. Cũng có nhiều con kênh như Bruges. Cũng mướn tàu đi vòng vòng chơi. Khá đẹp. Mình muốn trở lại đây với đồng chí gái. Để xem có dịp là đi. Đi xong thì bò lại phố đèn đỏ nổi tiếng. Mấy cô gái bận đồ rất khêu gợi, ngồi nơi ghế bành, để bà con ngắm. Ai thích thì mở cửa bước vào, ru em vào động hoa đào. Mình thấy lạ lạ, khác với phố Saint Denis ở PAris, nơi mấy chị em ta đứng đường.

Đúng là cái nôi của chủ nghĩa tư bản. Họ trưng bày món hàng cực đỉnh khiến đàn ông thèm nhỏ nước mồm, có bao nhiêu tiền đều bỏ ra thay vì theo mấy cô đứng đường như tại Paris.

Nói tới đứng đường, khiến mình nhớ đến Bois de Boulogne. Khi xưa, mình ở căn phòng ô-sin ở Neuilly Sur Seine. Sáng mình hay chạy bộ và tập võ trong rừng này. Chỉ đi bộ qua trạm métro Les Sablons rồi đi băng qua jardin d’acclimatation là đến. Đi bộ độ 1 cây số, thường là mình chạy bộ luôn. Nhiều hôm, tuyết rơi, chạy trong rừng trắng xoá, đẹp không tả như bài hát của Adamo “Tombe la neige”.

Có lần mình thấy có bà đầm nào chạy theo một tên tây từ trong bụi rậm, bà ta chửi loạng xà ngầu khiến mình ngạc nhiên. Vô lớp kể cho bọn học chung thì mới được giải thích. Khu rừng này nổi tiếng có mấy chị em ta đứng đường. Cứ tối là đông lắm. Mình chỉ biết buổi sáng, và cuối tuần đến đây đá banh với tây con.

Lâu đài của vua chúa ở khi xưa, phía đối diện có cái đồi Belvedere rất đẹp

Hôm sau, lên đường đến Áo Quốc. Xe ngừng ở Stuttgart, để bà con ăn uống trong quán ở xa lộ. Tài xế và hướng dẫn viên miễn trả tiền. Chiều đó thì đến Wien, thủ đô Áo Quốc. Dạo ấy, nước Áo được xem là trung lập giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản nên mình thấy là lạ. Lấy phòng ở Lữ Quán Thành Niên, mình dẫn cả nhóm ra phố cổ nơi có nhiều du khách.

Khu Prater mà Orson Wells có đóng rất hay khiến mình tò mò về xứ Áo Quốc.

Trong phim “người thứ 3” do Orson Wells đóng, hình như do nhà văn Graham Green viết, có chiếu cảnh tại Prater nên mình kêu anh tài xế, cả đám đến đó xem. Phim này khiến mình rất tò mò về nước Áo Quốc. Nước này khi xưa là một đế quốc rồi đánh nhau ở thế chiến thứ 1, thất trận nên thiên hạ chiếm hết đất của họ như Hung Gia LỢi, Đức quốc,… nay còn rất ít đất. Chỉ nổi tiếng với phim “Sound of silence”. Nước này có nhiều núi nên có nhiều hồ rất đẹp. Lúc chạy xe, thì chương trình có cho thiên hạ dừng lại mấy cái hồ để chụp hình trong khi mình hỏi “wo sind die toiletten bitte?”. Đi đâu cũng bị mấy bà hỏi kiếm dùm nhà vệ sinh. Chán Mớ Đời 

Tại đây cũng dẫn tây đầm đi viếng mấy lâu đài mà mình đã kể rồi.

Mình nhớ đêm cuối cùng ở Wien, cả đám đi đến chỗ nào quên tên, du khách đến rất đông để uống rượu trắng Riesling gì đó. Cứ mỗi chỗ, họ cho thử một ly nhỏ. Cô đầm hướng dẫn viên với mình, bổng nhiên xổ tiếng anh với mình cả đêm. Chán Mớ Đời 

Hallstad, là một trong nhưng khung cảnh hồ ở Áo Quốc rất đẹp.

Sau đó, đi viếng trại tập trung Mauthausen, nơi  nơi Đức quốc Xã cho người DO Thái vào để giết bằng hơi ngạt. Hải hùng! Không biết họ có làm thêm hay không nhưng nếu đó là sự thật thì quá kinh khủng. Rồi ghé thành phố Salzburg, nổi tiếng về festival nhạc Mozart. Rất đẹp, mình có vẽ cái lâu đài trên núi. Quá đẹp!

Innsbruck: trên đường về, thì ghé thành phố nhỏ này để ngủ lại vì rẻ thì phải. Sau đó, thì đi Đức quốc trên đường về lại Paris. Ghé lại viếng Munich, nhất là sân vận động thế vận hội, dạo ấy được xem là sân vận động mới nhất và đẹp nhất thế giới, nơi mà dân đòi giải phóng Palestine, bắt cóc và giết mấy lực sĩ Do Thái. Mình chỉ ghé lại xem thôi. Thành phố này nổi tiếng về lễ hội bia và tháng 10, Oktoberfest. Tại quận Cam, có 1 tiệm ăn đức lâu năm, trên 47 năm, mới đóng cửa vĩnh viễn. Thật ra mình cũng không thấy ngon lắm nhưng lâu lâu ghé lại đây ăn cho vui, nhớ lại kỷ niệm một thời. Thức ăn đức không có gì đặc biệt lắm ngoại trừ xô-xích và món zauerkraut. Tối ngủ lại đây rồi hôm sau trực chỉ về Paris vì Chủ Nhật. Sáng hôm sau, ai cũng phải đi làm hay đi học lại.

Năm sau, họ cũng cho mình đi lại tour này nên mình Chán Mớ Đời nên ngưng luôn. Mình thích đi vác ba-lô hơn là phải ngồi trên xe buýt, nói vớ vẫn mà đám tây đầm thì ngủ khò, chả màng đến nhưng không trả tiền thì phải lao động. Đi vác ba-lô thì mình có thể vẽ và bán tranh cho du khách, kiếm tiền.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn