Hôm nay đọc tin tức cho thấy nợ sinh viên ở Mỹ lên tới 1,7 nghìn tỷ USD, với hơn 42 triệu người vay nợ, trong đó khoản vay liên bang chiếm khoảng 92%. Chính phủ Biden muốn xoá nợ cho sinh viên để kiếm phiếu của giới trẻ khiến nhiều người Mỹ cao niên chống đối. Họ làm việc cả đời đóng thuế, về hưu, vẫn phải đóng thuế trong khi giới trẻ có thời gian và khả năng trả nợ. Họ cho rằng, giới trẻ có khả năng mua điện thoại giá khủng hay đi chơi xa thì có khả năng trả nợ đại học. Cho thấy nợ đại học có thể khiến Hoa Kỳ phá sản. Khi người Mỹ phá sản thì cả nước sẽ bị phá sản. Tưởng tượng 1,700, 000 tỷ đô La. Hơn cả GDP của trên 100 quốc gia trên thế giới gộp lại.
Ngày nay, người ta cho rằng việc học đại học là một sự lừa đảo tinh vi vì sinh viên phải mượn nợ đi học thay vì miễn phí như xưa hay như bên Âu châu. Giới trẻ nghe quảng cáo ra trường có lương bổng cao, đời sống sung túc. Nhưng sau khi tốt nghiệp thì không tìm được việc làm như mong muốn, lại ôm cái nợ khủng nhất là các người bỏ 10 năm tình cũ để học y khoa, nha khoa.
Mình có thằng cháu ra y khoa, nợ nữa triệu. Được cái là lương nó cao nhưng cái nợ cũng oải lắm. Có cô bạn dược sĩ và anh chồng nha sĩ, kêu chúng em có căn nhà trả nợ mà không ở được. Vì hai vợ chồng nợ tiền học giá bằng căn nhà, để đi học dược khoa và nha khoa trả 30 năm tình cũ như mua được căn nhà. Khi nợ chồng chất như vậy thì phải nuôi bệnh nhân, vì một bệnh nhân lành bệnh là mất một khách hàng. Y đức khó phát triển và lương y như ác mẫu xuất hiện rất nhanh.
Gọi đại học là “lừa đảo” thì hơi đơn giản hóa sự việc, nhưng có lý do để nghi ngờ. Học phí đã tăng vọt 180% kể từ năm 1980, trong khi lương thực tế hầu như không nhúc nhích. Nhiều bằng cấp, đặc biệt là trong các lĩnh vực ít nhu cầu, không mang lại lợi tức đầu tư như kỳ vọng. Ví dụ, một số bằng các môn học nhân văn hoặc nghệ thuật dẫn đến công việc với mức lương khởi điểm dưới 40.000 USD, trong khi sinh viên tốt nghiệp trung bình mang nợ hơn 30.000 USD.
Mình học 6 năm bên Tây, tốt nghiệp bằng thạc sĩ, không nợ một xu còn con mình sau 4 năm đại học nợ 25% tiền học phí, đi làm trả nợ mệt thở luôn. Còn đỡ mình có quen một chị, kêu con chị ta học giỏi nên được nhận vào UCLA, cả 2 đứa. Mấy năm sau chị ta kêu “mình ngu, nghe lời bọn hắn vào UCLA”. Lý do là vào trường danh tiếng nhưng được nhận vào các môn vớ vẫn như khảo cổ học Anthropology, làm từ thiện chi đó. Ra trường cô con gái đi làm cho cơ quan từ thiện nên lương cũng không khá, cậu con trai học khảo cổ học anthropolgy ra không có việc, kẹt quá làm tài xế chạy xe cứu thương. May là mẹ hắn có tiền hưu trí nên rút ra trả cho hắn và cô chị. Bà mẹ phải đi cày thêm vài năm nữa. Đúng hơn đại học danh tiếng nhận vài trăm sinh viên vào các phân khoa kỹ sư, kỹ thuật còn các môn nhân văn thì nhận bú xua la mua, để nhóm này trả tiền cho đám sinh viên kỹ thuật. Cho nên khi nghe được nhận vào đại học danh tiếng phải hỏi là ngành gì chớ để nuôi bọn giỏi hơn mình với các môn khoa học kỹ nghệ thì Chán Mớ Đời
Vấn đề là các sinh viên đi học đại học nhưng thống kê cho biết là 41% không hoàn tất, bỏ học, không tốt nghiệp đại học nhưng vẫn ôm cái nợ đời. Các sinh viên nào tốt nghiệp với nợ mỗi năm $50,000 hay 4 năm là $200,000 thì mệt, lương bổng lại thấp nếu học mấy môn vớ vẫn, chạy xe cứu thương không cần phải 4 năm đại học.
Năm 1998, có nghiên cứu cho thấy từ năm 1978 đến năm 1988, cho rằng những người có bằng cấp đại học đạt 20% lợi tức cao của người Mỹ. Khiến các đại học đột phá tư duy, bán giấc mơ Hoa Kỳ bằng cách tiếp thị các học sinh trung học cũng như bố mẹ là tốt nghiệp đại học như mua bảo hiểm chắc ăn cho sự sung túc sau này. Thế là ai nấy ùn ùn phải vào đại học ào ào. Để có một tương lai sáng sủa hơn, thoát khỏi cảnh nghèo. Cha mẹ hy sinh đời bố củng cố đời con, rút tiền quỹ hưu trí đầu tư cho con để rồi ngày nay nhìn lại, mình chỉ sống bám vào an sinh xã hội, còn hưu trí te tua.
Các đại học Cali theo đó và tăng học phí lên khiến giáo dục đại học thường được xem là nấc thang, giúp các người nghèo tiến lên trong xã hội nhưng nay trở thành một loại hàng hoá riêng tư, chỉ dành cho những ai chịu, chấp nhận mượn tiền với khả năng nợ chồng chất biến giấc mơ Hoa Kỳ thành ác mộng Hoa Kỳ.
Hôm trước xem phỏng vấn ông Bill Gates, cho rằng 10 năm tới trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế rất nhiều công ăn việc làm. Thậm chí thay thế cả bác sĩ ,… đâm đầu đi học y khoa, để ôm cái nợ 500,000 rồi kiếm không được việc. Lấy tiền gì trả nợ. Chạy Uber. Chưa chắc vì sẽ có xe tự động chở khác. Mình buồn đời kêu thằng con làm với mình để mình truyền nghề rồi sau này kế nghiệp cho xong. Tương lai sẽ có nhiều thay đổi như cuốn sách “who moved my cheese”.
Đến năm 2009, các đại học Cali tăng học phí lên 32%, vượt khỏi mức $10,000 mỗi năm. Xem như từ $3000 / năm nay phải trả $12,000/ năm cho 4 năm trời. Xin nhắc lại năm 2009. Lý do là năm 2004, khi ông Schwarzenegger làm thống đốc, đã ký luật tăng học phí, bỏ dần sự hỗ trợ của tiểu bang và chuyển qua các cơ sở tư và cho phép các đại học được tư nhân hoá các lợi tức nên họ bắt đầu bán các trái phiếu, mượn tiền các tư nhân. Kiểu Hoa Kỳ bán trái phiếu như điên và từ đó họ có thể tăng học phí lên để bảo chứng cho các người đầu tư. Học phí là thế chấp cho các trái phiếu.
Vấn đề là tiền bán trái phiếu trên nguyên tắc để giúp sinh viên học tập tốt nhưng các đại học dùng tiền để xây các chỗ đẹp đẽ như hồ bơi, vận động trường bú xua la mua. Gần đây chính phủ Trump có lên tiếng vụ này. Sinh viên đóng học phí nhiều để các đại học xây cất các loại phòng ốc nguy nga nhằm được lên điểm vì họ có liệt kê các đại học theo thứ tự tại Hoa Kỳ. Các đại học bổng nhiên trở thành các con buôn thay vì nơi đào tạo các nhân viên cho bộ máy lao động cho Hoa Kỳ. Vì càng được điểm cao trong hệ thống đại học Hoa Kỳ thì trái phiếu của họ càng có giá trị, càng lên hương. Từ từ các đại học Cali phải tăng học phí lên để trả cho các người mua trái phiếu của đại học. Học phí không còn là lợi tức của trường mà nguồn lợi nhuận và tình trạng được lan toả khắp các đại học trên Hoa Kỳ. Chán Mớ Đời
Vì sự lợi nhuận hoá các đại học nên họ không chú tâm đến giảng dạy đưa đến tình trạng họ có thể sa thải 70% các nhân viên đại học. Xem như giáo sư đại học ngày nay đa số là bán thời gian trong khi các người lo về hành chính thì bình chân như vại.
Vấn đề là ai nấy cũng muốn vào đại học vì nghĩ đó là tấm vé đưa lên hàng sung túc, giàu sang như thế hệ cha ông nên các nghề tay chân bị bỏ lơi vì những ngành nghề này không cần bằng đại học. Được xem như 52% các ngành nghề tay chân, không cần bằng đại học có nguy cơ bị biến mất vì khi các người thợ này về hưu sẽ không có người thay thế. Có thể là người máy sẽ thay thế. Mình hy vọng 10 năm nữa sẽ mua được người máy để làm vườn, hái bơ cho mình.
Mỗi năm Hoa Kỳ có đến 3 triệu người trẻ không tốt nghiệp trung học. Không có bằng trung học thì không vào đại học mà không có trường dạy nghề gì cả còn học đại học xong thì cái bằng được gọi “bằng Thừa” vì kiếm việc không ra. Mình nhớ bên Tây ,sau khi học xong lớp 3 ème, ai học dốt thì được chuyển qua các trường lớp dạy nghề, còn ai có khả năng học lên đại học thì tiếp tục học chữ. Bên Mỹ không có vụ này, có nhưng ít vì ai cũng bị xúi đi học chữ lên đại học có cái bằng về treo tường.
Lấy thí dụ một người gắn hệ thống cầu thang máy, vào năm 2022 trung bình lãnh $99,000 / năm chỉ cần văn bằng trung học. Cho thấy ngày nay Hoa Kỳ có vấn đề là trong vòng 10 năm tới các người bắt đầu về hưu thì chúng ta có vấn đề nhân sự để làm các nghề rất quan trọng cho bộ máy hoạt động. Hiện nay các nghề tay chân này đa số do các người di dân bất hợp pháp làm. Nay họ tìm cách cưỡng bách hồi hương nhóm người này thì hơi mệt. Người Mỹ xem các nghề tay chân là của hạng người thấp hèn. Đi đến nhà thân hữu, cách tốt nhất để không ai làm phiền, khi ai đó hỏi mình làm gì cứ nói làm vườn là họ vênh cái mặt lên trời đi luôn không một lời từ chào.
Muốn tìm câu trả lời, chúng ta cần xem xét lý do đưa đến hiện trạng ngày nay. Vào thập niên 1960, chỉ có 25% dân biểu quốc hội Hoa Kỳ có bằng trung học. Xã hội Hoa Kỳ dạo ấy lo toan về cuộc chiến Việt Nam và khủng hoảng dầu lửa. Năm 1967, khi tổng thống Reagan làm thống đốc tiểu bang Cali. Ra lệnh cắt hỗ trợ cho các đại học công và tạm đóng cửa các đại học nhân danh ngân sách tiểu bang bị thâm hụt, và các cuộc bạo động như gần đây chúng ta thấy các đại học như Columbia lên tiếng ủng hộ Gaza,… nhưng với cường độ nhỏ hơn thời chiến tranh Việt Nam. Đó là khởi đầu cho việc các đại học này lấy tiền học phí.
Khi mình vào học nghe kể về Mai 68, cuộc cách mạng văn hoá tại Pháp, sinh viên học sinh biểu tình, cạy đá trên đường để quăng cảnh sát do đó sau này ông De Gaulle cho thay đường nhựa hết trong trung tâm thành phố để khỏi cạy đá vì khi xưa, họ làm đường bằng đá ong, xe ngựa chạy lọc cọc trên. Cuối cùng chính phủ De Gaullle phải thay đổi nền giáo ở dục ở Pháp để phù hợp với tình thế thời đại.
Nên nhắc lại đạo luật cựu chiến binh (G.I. Act) được ra đời sau đệ nhị thế chiến, nhằm giúp các cựu chiến binh trở lại đại học, thường được xem miễn phí để có cái bằng đi làm như trường hợp phó tổng thống JD Vance, đi lính rồi giải ngủ, được đi học lại đại học rồi học tiếp luật sư,…
Trong cuộc chiến tranh, phong trào phản chiến lan tràn khắp các đại học như Berkeley ở Cali do đó ông Reagan cắt tiền dành cho đại học tương tự ngày nay ông Trump doạ cắt tiền hổ trợ đại học nếu họ tiếp tục để sinh viên chống đối DO Thái.
Mặt khác, đại học vẫn liên quan đến thu nhập cao hơn trong suốt cuộc đời. Trung bình, người có bằng cử nhân kiếm được khoảng 1 triệu USD nhiều hơn so với người không có bằng. Các bằng cấp trong lĩnh vực STEM, y tế hoặc luật thường mang lại kết quả tốt hơn. Nhưng hệ thống có vấn đề: các trường đại học ít chịu trách nhiệm về kết quả, và các khoản vay liên bang quá dễ nhận, làm tăng chi phí. Một số bài đăng trên X gọi đó là “trò lừa đảo mang tính săn mồi” do cho vay không giới hạn và ít bảo vệ trong trường hợp phá sản.
Họ cho xây dựng các cơ sở như vận động trường để được thêm điểm để câu sinh viên, thay vì dùng tiền để chăm giảng dạy sinh viênLừa đảo hay không phụ thuộc vào góc nhìn. Nếu học một ngành có triển vọng tại một trường có học phí hợp lý, thường là đáng giá. Nếu tích lũy nợ sáu con số cho một bằng cấp có triển vọng việc làm không chắc chắn, con cháu của chúng ta đang đánh cược với tương lai. Hãy nghiên cứu kết quả của chương trình học, cân nhắc trường nghề hoặc cao đẳng cộng đồng, và tránh vay nhiều hơn số tiền bạn có thể trả trong một thập kỷ.
Nhìn lại cuộc đời đã đi qua, mình thấy học đại học cũng có cái tốt của nó nhưng ngày nay với sách báo trên mạng, chúng ta có thể tự học nhiều hơn, những gì mình thích để bồi bổ cho công việc của mình thay vì học ba cái tầm phào, không giúp ích gì trong công việc sau này. Tương lai sẽ thay đổi rất nhiều. Có thể có những nghề mà ngày nay chưa ai nghĩ ra để thay thế những nghề hiện nay. Vật đổi sao dời do đó chúng ta nên giúp ý kiến cho con cháu thay vì để chúng mượn nợ đi học rồi ra trường ôm món nợ hận nghìn thu. Lương cao thì còn đỡ để trả tiền nợ còn lương thấp thì bắt chước ca sĩ Trường Vũ, hát tôi sinh ra mang kiếp con nhà nghèo, mua được 3 căn nhà cho thuê. Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét