Hôm nay trời mưa nên chả làm gì được. Chạy lên vườn thấy thợ đến rồi về, không hái bơ. Mình cũng bò về luôn. Mưa thì đỡ tốn tiền nước nhưng lại không làm được việc. Trưa đi gặp một ông thần quen trên mạng vì anh ta muốn hỏi mình chuyện bán hay không bán nhà. Đến nơi thì thấy anh ta đi với một chị mới di dân sang Hoa Kỳ với 3 đứa con mới có 2 năm.
Chị ta có căn nhà cho thuê từ 8 năm qua, nay mới lấy lại vì người mướn chỉ muốn trả có $2,650/ tháng trong khi các mặt bằng trong khu vực thì độ $2,800. Mình nói chị lấy lại phải sửa chửa lại, sơn phết mất cả $14,500 như người quản lý báo cáo, trong khi để yên, lấy $2,650 vẫn lợi hơn thay vì tốn $14,500 mà chỉ được có $150/ tháng hay $1,800/ năm thì không lợi. Chị ta hỏi nên bán hay giữ. Mình nói không biết tuỳ hoàn cảnh của chị chớ mình đâu biết tình hình tài chánh của chị ta ra sao mà xía vô.
Ông thần nói chị này sinh sau 1975 nên khi sang đây thấy lá cờ Việt Nam Cộng Hoà thì kêu cờ 3 Que. Chị ta nói mấy đứa con cũng khó chịu hay ngạc nhiên khi thấy cờ Việt Nam Cộng Hoà khiến mình buồn cười. Con mình đi học, cô giáo bảo vẽ cờ Việt Nam thì chúng cũng vẽ cờ đỏ sao vàng vì lên mạng thấy. Chỉ sau này đi hướng đạo thì thấy chào cờ vàng 3 gạch mới từ từ hiểu. Thật ra lá cờ này có từ lâu khi triều đình nhà Nguyễn lấy quẻ Ly trong kinh dịch để làm cờ xứ mình. Sau khi vua Bảo đại thoái vị thì chính phủ Trần Trọng Kim sử dụng Quẻ Càn gồm ba vạch liền (☰), tượng trưng cho trời, sức mạnh, sự sáng tạo và quyền lực. Ba sọc đỏ trên nền vàng của lá cờ được giải thích là biểu tượng của quẻ Càn, đại diện cho sự thống nhất của ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam, đồng thời nói lên tinh thần quốc gia và ý chí mạnh mẽ của dân tộc. Màu vàng nền cờ tượng trưng cho hành Thổ, liên quan đến chủ quyền quốc gia, trong khi màu đỏ của các sọc thuộc hành Hỏa, biểu thị phương Nam và sự thịnh vượng.
Cờ này được sử dụng sau khi chính phủ Trần Trọng Kim lên còn lá cờ Nhà Nguyễn theo quẻ Ly.Hình như cờ Nam Hàn cũng lấy một quẻ trong Kinh Dịch và thêm biểu tượng Kinh Dịch để làm cờ cho quốc gia của họ. Cờ Nam Hàn (Taegeukgi) được lấy cảm hứng từ triết lý Kinh Dịch, cụ thể là các quẻ trong Bát Quái. Bốn góc của lá cờ có bốn quẻ chính từ Kinh Dịch, mỗi quẻ mang một ý nghĩa riêng:
1. Càn (乾) (☰, ba vạch liền, góc trên bên trái): Tượng trưng cho trời, sức mạnh, sự sáng tạo và khởi đầu.
2. Khôn (坤) (☷, ba vạch đứt, góc dưới bên phải): Tượng trưng cho đất, sự nuôi dưỡng, nhu thuận và ổn định.
3. Cảm (坎) (☵, một vạch liền giữa hai vạch đứt, góc dưới bên trái): Tượng trưng cho nước, sự nguy hiểm, linh hoạt và sâu sắc.
4. Ly (離) (☲, một vạch đứt giữa hai vạch liền, góc trên bên phải): Tượng trưng cho lửa, sự sáng tỏ, gắn kết và nhiệt huyết.
Hình tròn Taegeuk ở trung tâm cờ thể hiện sự cân bằng âm dương, một khái niệm cốt lõi trong Kinh Dịch, biểu thị sự hài hòa và chuyển hóa không ngừng của vũ trụ. Mỗi quẻ và biểu tượng trên cờ đều phản ánh triết lý về sự cân bằng, biến đổi và mối quan hệ giữa các yếu tố trong tự nhiên theo Kinh Dịch. (Tài liệu trên internet).
Khiến mình nhớ thời đi làm ở Anh quốc, có tham gia mấy ngày lễ Tết với người Việt tỵ nạn tại đây. Vấn đề là người Việt tỵ nạn tại Anh quốc gồm 2 thành phần: người đi từ miền nam và người đi từ miền Bắc. Cả hai không thể sống tại Việt Nam hay bị Hà Nội đuổi về tàu vì có chiến tranh với Trung Cộng. Đa số là người Việt gốc tàu. Người ra đi từ miền Bắc không muốn chào lá cờ Việt Nam Cộng Hoà và người miền nam không muốn chào lá cờ của Hà Nội. Dù ai cũng là nạn nhân của chế độ mới. Cuối cùng họ thống nhất là trong các buổi họp cộng đồng không có chào cờ là xong chuyện.
Mình nói có anh bạn người Hoà Lan, khi mình ghé thăm xứ anh ta. Anh ta chỉ bên kia đường là dân theo đạo Tin Lành ở, còn bên này là nhà anh ta theo Thiên Chúa Giáo. Nếu anh ta sinh bên kia đường thì nay đã là dân theo đạo Tin Lành. Không có chọn lựa vì bị áp đặt khi mới sinh, lớn lên được dạy dỗ không yêu thích người theo đạo Tin Lành.
Mình nói lá cờ Việt Nam hiện nay gây mâu thuẫn giữa người Việt với nhau. Bên thì kêu là cờ vàng 3 sọc đỏ mới biểu tượng tổ quốc của họ còn một bên thì kêu lá cờ đỏ sao vàng. Ai đúng ai sai. Khó trả lời. Biết đâu 10 năm, 20 năm nữa, Việt Nam sẽ thay lá cờ khác. Mình thích ăn chè 3 màu, tượng trưng cho 3 miền của Việt Nam, thiết kế cờ màu vàng, trắng nước dừa và xanh. Như vậy ai cũng nhất trí hết ngoại trừ những ai không thích nước cốt dừa. Khỏe.
Chúng ta bị áp đặt như anh bạn người Hoà Lan, sinh bên này thì trở thành Thiên Chúa Giáo, chớ không phải lựa chọn. Mình khi xưa, bà ngoại dẫn đi chùa thì nghĩ mình là Phật giáo, lạy Phật đủ trò, trong khi ông bà cụ mình thì theo đạo Tổ Tiên Chính Giáo, bắt mình đi hướng đạo của Tổ Tiên CHính Giáo nhưng khi qua pháp đến dự lễ ở chùa Khánh Anh mình mới xin quy y, lựa chọn Phật Giáo. Mình cũng có đi nhà thờ bên Pháp với mấy người bạn Tây đầm, khi họ kêu mình bỏ đạo nên trở về đạo để tìm hiểu thêm về Thiên CHúa Giáo nhưng cuối cùng mình chọn Phật giáo. Mình có tự do chọn lựa tôn giáo mình cảm thấy gần với mình hơn khi lớn lên. Có ông kia quen, lấy vợ công giáo kêu con tôi không có tội tại sao lại bắt nó rữa tội sau 1 tháng ra đời. Tôi và mẹ nó thả gà ra đá sinh ra nó. Chớ nó có biết gì mà kêu nó có tội.
Tương tự mỗi thứ 4 mình đi dự họp mặt của hội Lions quốc tế, và Toastmasters, tại đây mình đều đứng nghiêm chỉnh với các hội viên khác, chào cờ Hoa Kỳ. Đó là sự chọn lựa của mình về quốc gia và đọc lời nguyện trung thành với nước đã cưu mang mình. Khi còn ở Việt Nam mình sinh ra tại miền nam nên chỉ biết lá cờ và quốc ca Việt Nam Cộng Hoà do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, một người cộng sản viết bài mang tên “Thanh Niên Hành Khúc”. Có người kêu lấy bản nhạc “Việt Nam Việt Nam” của ông Phạm Duy là quốc ca không dùng bài do người cộng sản sáng tác. Người cộng sản làm bản nhạc hay thì Việt Nam Cộng Hoà vẫn sử dụng, không vì khác chiến tuyến mà không sử dụng. Tương tự ngày nay người Việt tại Việt Nam hát nhạc vàng của Việt Nam Cộng Hoà. Nếu sinh ra tại miền Bắc như mấy người em họ của mình thì lá cờ đỏ sao vàng. Không có sự lựa chọn. Không lẻ mình lại chống gia đình bên nội? Nay ở Hoa Kỳ mình có sự lựa chọn lá cờ đại diện cho tổ quốc của mình như trường hợp tôn giáo.
Như trường hợp chị quen ở Việt Nam chào lá cờ tổ quốc nên bị dị ứng khi thấy lá cờ Việt Nam Cộng Hoà. Từ bé chị đã được giáo dục là bọn ngụy quân ngụy quyền này nọ nên có thể chị đã căm thù tàn dư chế độ cũ. Tương tự những người ra đi từ miền nam, đều có vấn đề với chế độ mới. Chị ra đi dù giàu có ở Việt Nam, nhưng muốn con mình có tương lai khá hơn trong một môi trường tốt. Chị phải thông cảm cho nhưng người không thể sống trong chế độ mới vì lý lịch. Con cái của họ không được đi học đại học. Sau này họ đã bỏ chế độ đó rồi nhưng trước Đổi Mới là như vậy nên người ta phải bỏ nước ra đi để tìm tương lai cho họ và con họ như chị ngày nay.
Hôm qua đi dự lễ gây quỹ từ thiện cho các chương trình giáo dục ở Việt Nam, mình được giới thiệu một chị từ Việt Nam qua. Chị này nghe kể rất giàu có về nhà đất. Chị cho con sang đây học từ trung học đến MBA. Có nhà cửa bên này nhưng vẫn lo vì chưa vào quốc tịch Mỹ, nên có thể qua Tây Ban Nha mua nhà thì sau một năm mấy tháng là được vào quốc tịch Tây Ban Nha. Có dạo nhà cửa ở Tây Ban Nha được xây như điên, kiểu bên Trung Cộng, rồi không ai mua nên chính phủ Tây Ban Nha ra luật về di trú dễ dàng để tống bớt mấy nhà cửa xây dư thừa.
Hôm qua xem phim tài liệu họ cho biết năm 2024, có đến trên 14 ngàn triệu Phú người Tàu di dân qua Hoa Kỳ, Gia-nã-đại hay các nước ở Âu châu. Nay thì từ đầu năm, họ ngăn chận, không cấp phát sổ thông hành, nhiều khi rút lại sổ thông hành, không cho xuất ngoại. Nghe nói sau khi ông Trump tuyên bố đóng 5 triệu đo la sẽ được qua Mỹ nên thiên hạ xếp hàng từ giữa đêm để nộp đơn.
Đời người rồi cũng qua đi, chế độ nào rồi cũng có ngày được đổi thay, lá cờ tổ quốc cũng sẽ được thay đổi. Chúng ta nhìn nhau bằng tình người Việt thay vì vướng mắt bởi những cái gì không quan trọng, do tuyên truyền. Người đức họ thống nhất và đồng ý lá cờ chung như ngày nay. Hay làm như người Việt tại Anh quốc, không cần chào cờ gì cả. Khỏe đời, không chửi bới nhau. Tình người quan trọng hơn lá cờ.
Đó là nói theo những gì mình nghĩ một cách khiêm tốn, chưa từng tham dự vào cuộc chiến vì còn nhỏ khi xưa nhưng trên thực tế rất khó. Hôm nay mình có xem một khúc phim của lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Có nghe giọng điện đàm luôn của người sử dụng vô tuyến điện kêu gọi cứu viện. Một đại đội lính Mỹ có đâu 180 người bị hoả lực của Việt Cộng pháo kích và tấn công, họ kêu Việt Cộng có nhiều dân dược hơn họ, suốt mấy ngày và cuối cùng sau khi đẩy lui cộng quân thì họ có đến 128 người chết và bị thương. Một ông cựu quân nhân tham chiến tại Việt Nam kể là khi thấy đồng đội bị chết, lòng căm thù của ông ta trở nên tàn bạo. Ông ta chỉ muốn tàn sát hết để giúp lòng căm thù nguôi đi. Những hình ảnh đồng đội bị sát hại vẫn đeo đuổi ông ta đến ngày nay. 55 năm sau.
Những người từng chiến đấu cho hai bên, từng ra trận, nhìn thấy đồng đội bị sát hại hay bị bỏ tù ở trại cải tù sau 30/4/75 thì có lẻ khó mà quên những ngày tháng đã qua. Chỉ có khi qua đời thì mới nghĩa tử nghĩa tận.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét