Những năm tháng đầu tiên của Đàlạt

 Những năm tháng đầu tiên của Đàlạt #3

 

Nhiều khi nhìn những tấm ảnh Đàlạt xưa, khiến mình tưởng tượng về Đàlạt thời mới khái phá, hoang vu. Không có người kinh, chỉ có các bộ lạc người thượng sống bình yên tại đây lâu năm. Như châu mỹ trước khi bị người Tây phương xâm chiếm.


Cứ tưởng tượng người thượng khi gặp mấy đoàn người Âu châu lên đây săn voi hay cọp với những tiếng nổ chát chúa từ nhưng khẩu súng trường, so sánh với những mũi tên của họ như người xứ Inca, khi mới gặp mặt lần đầu các binh sĩ của triều đình Tây BAn Nha và dần dần dân tộc của họ bị tiêu diệt.


Dạo mình ở Đàlạt, thấy người thượng, đem ngo và lan rừng ra bán ở chợ cho người Việt. Có dạo bà cụ mình mướn họ để làm rẩy khi mua 2 mẫu đất trong Suối Tía để làm vườn. Tuyệt nhiên mình không có bạn là người thượng vì dạo ấy rất ít. Nghe nói trường Văn Học có vài người thượng, được khuyến khích đi học. Mình chỉ nhớ 2 anh chàng người thương to lớn đá banh cho đội Văn Khoa.


Có lẻ họ bị tuyệt giống khi người Pháp bắt họ phá rừng, phá núi để thành lập khu nghỉ dưỡng cho công chức, binh sĩ của họ với giấc mơ xây dựng một chính quyền trung ương Đông Dương tại Đàlạt. La grandeur de France.


Trong thời gian ông cụ mình ở trại cải tạo Đại Ninh, đi thăm nuôi, xe bị hư nên được mấy người Chu-Ru mời bà cụ và mấy bà đi thăm nuôi chồng con vào buông của họ để ngủ qua đêm. Sau này, nhớ ơn họ mình giúp đỡ, tặng xe đạp cho con cháu của họ. Khi xưa, ở Đàlạt mình chỉ nghe nói đến người Mọi, sau về Đàlạt lại mới nghe đến người Chu-Ru. Có anh bạn đi dạy 5 năm trời ở trong Buông Chu-Ru, kể chuyện xôm trò. Khi xưa học địa lý với thầy Hứa Hoành, nghe nói có nhiều bộ lạc người thượng ở Việt Nam như Ra-đê, Mọi,... nhưng chả bao giờ nhớ.


 Năm 1904, ông Pierre Dru, một địa-phương-quân (Garde indigène), mình đoán là lính Tây, kiểm soát người thượng và người kinh tại Đàlạt, để bảo vệ người Pháp ở cao nguyên kể: Đàlạt có nhiều đồi cỏ thấp; mỗi đồi có một căn nhà bằng gỗ, tiện nghi hơn căn nhà ông ta được bố trí.


Dạo ở Đàlạt đồi cù ít cây lắm, trơ trọi vài cây thông. Có lẻ khi xưa, các đồi vùng này cũng tương tự, chỉ người pháp đến mới trồng thêm. Nay thì Việt Cộng chặt hết cây như thể muốn xoá tan hết dấu tích của thực dân tại Đàlạt. Mình không hiểu sao, họ không đặt tên hồ Xuân hương thành hồ Lê Văn Tám, hồ Than Thở thành hồ Võ Thị Sáu,...

 




Trên một ngọn đồi, căn nhà của ông thanh tra địa phương quân, Joseph-Jules Canivey, có vợ là một người phụ nữ âu châu. Một căn nhà của một ông độc thân, làm cho bưu điện. Không biết có phải ngọn đồi nơi ty bưu điện được xây cất sau này, cạnh Hotel Du Parc.

 

Ngọn đồi thứ 3 là của ông Résident supérieur d’AnnamJean Auvergne, nhà cửa sổ, đàn Dương cầm và một bàn đánh bi-da. Ngọn đồi thứ 4, là ông Paul Champoudry, thị trưởng đầu tiên của Đàlạt. Nói chung các người này chả làm gì ngoài đi săn bắn cọp trong vùng, trong khi các người khác phải lo cung cấp thực phẩm cho họ. Mình có thấy mấy tấm ảnh xưa, cho thấy mấy căn nhà này.



 Đây là những nhà nghỉ đầu tiên được xây cất cho người Pháp lên đây sống tạm


Năm 1902, Paul Doumer muốn thành lập khu nghỉ dưỡng Đàlạt, với ý định trở thành một trung tâm quyền lực của Đông Dương. Lý do để chữa bệnh sốt-rét thì không đúng hẳn vì dân địa phương bị đau ốm mệt thở. Đọc tài liệu do các người pháp được chỉ định đi khảo sát cho ông Doumer thì Đàlạt không đủ tiêu chuẩn để xây một trung tâm nghỉ dưỡng, tốn tiền và sinh mạng do người Âu châu ước đoán là trên 20,000 người Việt. Khiến các bộ lạc người thượng dời đi, chạy trốn sang Lào, vì bị bắt đi phá núi, phá rừng để thành lập con đường lộ và dường sắt dẫn đến Đàlạt. 


Mình đoán con số này còn cao hơn nữa vì mỗi ngày có đến trên 6,000-7,000 làm việc công tác phá rừng, phá núi với những điều kiện không như ngày nay. Ông Trần Tiến có làm bài hát “giấc mơ Chapi” khiến mình nhớ đến các người của mấy bộ lạc ở vùng này bị sát hại khi bị bắt lao động, phá núi phá rừng.

 

Ông ta nghĩ thành lập Đàlạt, để giúp các công chức hành chánh của chính quyền bảo hộ, có thể lên đây nghỉ dưỡng, đem gia đình và con cháu họ học hành tại đây. Do đó trong bản phát hoạ thiết kế đô thị Đàlạt mới có các trường học tiểu học và trung học (Petit và Grand Lycee). Các trường Bảo Long (Trần Hưng Đạo) và (Phương Mai?) Bùi Thị Xuân được thành lập sau này cho con cháu các người Việt làm việc cho chính quyền thực dân, được lấy tên của ông Bảo Đại để đặt tên trường.

 


Bản vẽ tổng quan của thành phố Đàlạt. Ta nhận thấy có 2 hồ mà người Pháp gọi là Petit Lac và Grand Lac được ngăn chia bởi con đường vừa là cái đập nước. Cấu trúc phân chia rõ ràng, khu người Việt ở phía dưới gần mấy con suối như Phan Đình Phùng (Cầu Quẹo) khác hẳn khu người da trắng (trên đồi núi)


 Có lẻ vì vậy mà ông Bảo Đại ra chỉ dụ, biến Đàlạt thành “Hoàng Triều Cương Thổ”, không cho người Việt định cư ở đây, dù vùng này thuộc về Annam, dưới quyền kiểm soát của triều đình nhà Nguyễn. Chỉ có người âu châu mới được phép sinh sống, và người Tàu làm ăn tại đây. Mẹ mình kể là khi vào Đàlạt năm 1948, cần phải có giấy bảo chứng của người cậu bà con.

 

Nhìn bản đồ các con lộ dẫn đến Đàlạt từ Phan Thiết khiến mình hình dung đến cảnh một cô gái Huế, 15 tuổi, đi vào Tourane, ở nhờ nhà bà con, đợi ngày có tàu thủy để vào Phan Thiết rồi từ đó, đi xe lên Đàlạt, mà sau này về Đàlạt, mình có đi lại con đường này với gia đình. Thấy mẹ mình miên man nhìn phong cảnh xung quanh, đoán là mẹ nhớ lại thời vào Đàlạt định cư. Bố mình thì chỉ phía trại cải tạo Đại Ninh, nơi bị Việt Cộng giam giữ 15 năm của đời người.

 


Bản đồ này gợi nhớ đến hành trình của mẹ mình, 15 tuổi đi từ Huế vào Đà Nẳng (Tourane). Lấy tàu thuỷ đến Phan Thiết rồi từ đó mới lên Djiring rồi đến Đàlạt năm 1948.


Một khi Đàlạt được nối liền với Sàigòn bằng đường xe chạy và đường xe hoả thì thành phố này có thể giúp người Pháp bình định lâu dài tại Đông Dương. Nếu rau cải được trồng tại đây, sẽ tạo dựng cuộc sống tương tự mẫu quốc cho các người Pháp định cư tại á châu.

 

Đầu năm 1898, Paul Doumer cử một phái đoàn lên nghiên cứu cao nguyên, do đại uý Thouard và thiếu uý H. Wolf hướng dẫn. Hai người này được lệnh vẽ trắc địa của hai vùng cao nguyên và các đường khả dĩ thực hiện để kết nối với đồng bằng.   

 

Louis Jacquet, giám đốc canh nông của Đông Dương, được lệnh phải thử nghiệm trồng trọt rau cải tại vùng này với ý định, khu nghỉ dưỡng sẽ trở thành nơi cung cấp rau cải cho người Âu châu tại thuộc địa.

 

Kết quả, ông Jacquet cho thấy sự thực hiện trồng trọt tại đây rất tốt. Ngược lại hai ông chuyên gia trắc địa bày tỏ sự lo ngại của kế hoạch xây dựng thành phố núi này. Ngày 29 tháng 1898, ông Thouard than phiền với bác sĩ Yersin là ông ta đã hết tiền để trả lương các cu-li. Ngoài ra cao độ không làm giảm thiểu các bệnh sốt rét. Tất cả các người âu châu trong đoàn đều bị bệnh. Người việt đi theo đoàn, làm cu-li đều bị bệnh. Ông ta kể nếu làm lại cuộc hành trình này thì ông ta phải suy nghĩ thật kỷ thay vì nhận 12 quan pháp mỗi ngày. (365 x 15 = 4,380 quan pháp/ năm).

 

Người Âu châu vào thế kỷ 19, sau cuộc cách mạng long trời lở đất tại Pháp, các nước Âu châu đi tìm tài nguyên để cung ứng cho cuộc cách mạng kỹ nghệ của họ. Họ cần người của họ để cai quản ở bản xứ. Do đó có nhiều người bần cố nông, muốn thoát nghèo nên tình nguyện đi, lập nghiệp rất đông. Hy vọng kiếm một số tiền làm vốn, trở về quê như mấy người Việt Nam đi lao động ở Hàn quốc, Mã-lai, Tàu hay nhiều khi phải chết để sang tới Anh Quốc.

 


Xe hủ-lô kiểu dã chiến khi xưa, thấy dân công người Việt đội nón lá vì người thượng không đội. Làm đường lên Đàlạt . Ông Võ Quang Tiềm và ông Phúng gánh 3 ngày 3 đêm đem đồ bán cho mấy người nhân công này.


 Thay vì xây dựng đường nối kết Langbian với Nha Trang, họ đề nghị xây dựng con đường xe lửa trong tương lai từ Phan Rang, Songkra (Song-Pha), ngắn hơn là từ Nha Trang như ông Yersin đề nghị. Nếu mình không lầm, ngày nay họ có xây một đường cao tốc Đàlạt -Nha Trang. Kết quả họ lấy trắc địa được vùng cao nguyên này. Mình rất ngạc nhiên khi xem bản vẽ xưa về đồ hình của Dankia và Đàlạt. Không ngờ chính là đoàn thám hiểm này.

 

Khi ông Doumer hỏi tỉnh trưởng Biên Hoà, Alphonse Chesne, về sự thành lập đường rày xe lửa Sàigòn và Đàlạt. Ông này giới thiệu một tay săn cọp và voi ở Đông Dương, người ý, tên Oddera.

 

Ông này có liên lạc các bộ lạc sống ở vùng này, và có vẽ các người này như người Cho-Ma, Chu-Ru,… người Việt hay chửi nhau “đồ Chó Má”. Mình không biết có phải từ bộ-lạc này hay không. Tây làm việc với người Mọi, Chu-Ru, Cho-MA nên có lẻ hay dùng Cho-MA để chửi thề rồi người Việt bắt chước. Tương tự “Mẹc xà lù” (merde salaud). Ông ta cho biết về phong tục, tập quán các bộ lạc sống ở vùng, giúp người Pháp cai quản các bộ lạc sau này.

 

Mặc dù nghe phái đoàn này đưa ra những kinh nghiệm của hành trình nhưng ông Yersin, vẫn nhất quyết muốn tiếp tục kế hoạch này, và viết thư mời ông Doumer lên viếng để xem cho tận mắt trước khi lấy quyết định huỷ bỏ. Ông toàn quyền nhận lời và lên thăm viếng Dankia vào năm 1900.  

 


Đại uý Léon Garnier tốt nghiệp trường võ bị Saint-Cyr của Pháp trước khi được bổ nhiệm làm việc tại biên giới Việt-Hoa. Ông ta ngã bệnh và được hồi hương năm 1894. Sau đó ông được gửi trở lại Đông Dương 1898-1899. Ông ta được bổ nhiệm tìm cách xây dựng một con đường nối liền Sàigòn và Langbian.

 

Người từng có kinh nghiệm về nghỉ dưỡng khi bị bệnh tại Đông Dương, ông ta hiểu rõ tầm quan trọng sự thành lập một trung tâm nghỉ dưỡng trên cao nguyên. Sau này ông trở thành tổng đốc của vùng này. Mình tưởng bà con hay con cháu gì với ông đại uý Garnier, nổi tiếng chết, để pháp kiếm cớ xâm chiếm Việt Nam mà thầy dạy trong giờ lịch sử Việt Nam.

 


Đây là hình ảnh (1930) nhà thương được xây cất và các dãy nhà phía sau,mình đoán là các bệnh xá để binh sĩ và công chức pháp nghỉ dưỡng. Xa xa thấy nhà thờ Domaine de Marie. Cư xá Công Chánh chưa được xây cất.

 

Ngoài ra còn có đại úy Paul Guynet đã kể khi đi khảo xét thành lập con đường giao thông từ Phan Rang lên Langbian. Ông ta kể là sống ở Đàlạt quá sướng, với khí hậu mát mẻ so với khí hậu Sàigòn. Chúng tôi đi săn cả ngày mà không mệt so với khí hậu ở Pháp vào mùa này. 

 

Mình sống tại 5 quốc gia, đi du lịch trên 35 nước thì thấy không khí Đàlạt vẫn tốt hơn hết nhất là vào mùa khô. Đến khi mình lập nghiệp tại Cali thì không khí ở miền nam Cali tuyệt vời. Mình ở cách biển 20 phút, 60 phút lên núi trượt tuyết. Có lần, sáng mình đi với vợ con lên núi trượt tuyết, chiều về ghé ra biển, đốt lửa ăn cơm với bàn bè. Tuyệt vời.

 

Ông đại uý này là người đã gây ảnh hưởng, giúp Doumer quyết định xây thành phố Đàlạt thay vì Dankia, làm ông Yersin buồn lòng. Chỉ vì 50 mét cao hơn Dankia, càng cao thì càng tốt. Mình nhớ khi xưa, đi Tùng Nghĩa là thấy nóng, cứ xuống đèo Prenn là thấy nóng.


Từ tháng 3 năm 1900, con đường từ Phan Rang lên đến Daban đã được hoàn tất. Và từ đó lên Đàlạt hay Dankia thì có đường mòn cho người đi bộ và lừa đã được dọn xong. Chỉ cần hoàn tất cầu ở Balach (Ba-lạch?) là xong.

 

Xây dựng con đường này đã làm mồ chôn rất nhiều người địa phương. Chết chóc, bỏ trốn, bị bắt lại, bị đánh đập tàn nhẫn. Chúng ta không biết con số chính xác nhưng chắc phải trên mấy chục ngàn người. Mình xem hình ảnh cái hủ-lô họ dùng khi xưa, khi chưa có chiếc hủ-lô, chạy bằng nước như hồi bé mình có thấy tại Đàlạt. Năm 1908, theo tài liệu của thuộc địa thì có trên 20 ngàn người cu-li (Tây gọi là coolies), đã chết khi thực dân khai phá con đường lên đèo Ngoạn Mục.

 


Theo báo cáo của thuộc địa Đồng Nai thì mỗi ngày, họ đoán là có từ 6,000-7,000 người làm việc tại công trường, đa số là bị ép buộc lao động. Một năm sau, họ muốn thêm người thượng, khiến nhiều nhóm đã bỏ trốn qua Lào. Người ta có ghi lại những câu thơ của người thượng bị ép buộc lao động không lương.

 


Theo tài liệu của người da trắng, kể là khi họ lên Đàlạt, các người thượng, khoẻ mạnh được sử dụng để gánh họ và lương thực, quần áo, dạ hội đủ trò. Nội ông thần gì ở trên Đàlạt, có cái đàn dương cầm, và bàn đánh bi-da, để giải sầu, được người thượng gánh đem lên tới nhà. Theo tài liệu kể thì người ta gánh mấy ông Tây bà đầm lên tới đèo Ngoạn Mục và từ đó xe hơi sẽ rước họ lên Đàlạt. Mấy tù nhân bị bắt buộc, gánh mấy ông tây bà đầm lên núi để trị bệnh.

 

Ngoài ra còn có thợ người Kinh, do các người Tàu tuyển mộ từ các nơi nghèo khổ như Huế, Qui-Nhơn, BÌnh Định vào làm, được trả tiền nhưng cũng châm vì họ bị bắt làm cực nhọc nên có lúc phải đình công. Mình có đọc bài của ông Lê Đức Anh, cai đồn điền cao su cho Tây, kể lại những xâm nhập của Đảng viên cộng sản vào các đoàn thể nhân công, kêu gọi họ đình công. Mình đoán trong nhóm thợ làm việc để xây con đường nối liền với Đàlạt, cũng có những Đảng viên cộng sản mò vào để khuấy động phong trào chống lao động áp bức.

 

Mình đoán thôi là các ông xu (surveillant) mà người Đàlạt hay gọi, có thể là họ khởi đầu làm việc tại mấy công trường này, rồi nhờ thông minh, học nghề nhanh nên được bổ nhiệm làm Surveillant mà người việt gọi là Xu. Sau này ở lại Đàlạt, xây cất nhà cửa cho Tây, về quê cưới vợ chân dài, đem vào Đàlạt, làm việc xây cất cho Tây rồi khi Tây về nước thì họ biết cưa gỗ bán cho Đàlạt, Sàigòn, giàu to.

 

Mình nghe kể ông Võ Quang Tiềm, vào Đàlạt lập nghiệp bằng nghề thợ may, sau đó về quê, cưới vợ đem vào Đàlạt. Bà Tiềm là chị em cô cậu hay chú bác, không nhớ rõ, với mệ ngoại mình. Sau đó, bà Tiềm đem mấy người em vào như ông Phúng, (tiệm Hiệp Thạnh), ông Đàng (tiệm Long Hưng), như dì Tân, mới qua đời năm ngoái. Cậu Liễu giúp cho ông Tiềm bán thuốc Cẩm Lệ, sau đó ra chợ mở quán bán thuốc Cẩm Lệ bên cạnh hàng của bà Bỉnh, mẹ của Phú Nguyễn, nay ở Gia Nã Đại, rể rượu Lafaro Đàlạt xưa, ở xóm trên đường Thi Sách. Gian hàng guốc dép, giày dép.

 

Sau này ông Phúng làm ăn khá giả cần người tin cẩn nên về làng đem bà cụ mình vào lúc ấy mới 15 tuổi. Sau này cho ra riêng, gả chồng. Rồi sơn đen ra đời.

 

Trong báo cáo năm 1898, ông Fernandez Bernard tường trình bên Ấn Độ, người anh đã sử dụng đường rày răng cưa để chạy lên đỉnh Darjeeling tương tự ở Lebanon.

 

Cuộc xây dựng đường rày xe lửa khiến thuốc địa hao tốn. Lúc đầu họ dự trù 200 triệu đồng Đông Dương . Mình không nhớ vào thời gian nào, hối đoái dạo ấy một đồng bạc Đông Dương ăn 10 quan pháp. Mấy người giàu có tại Đàlạt đều cho con đi du học vì quá rẻ. 200 triệu đồng Đông Dương là 2 tỷ Phật-lăng pháp. Cho thấy thuộc địa đem lại lợi tức cho mẫu quốc khá nhiều.

 


Đoán là cầu Balach vì có nhiều người chết ở đây khiến nhân công người Việt đình công.


Tuyến đường này bắt đầu năm 1898 đến năm 1910 thì ngưng vì hết ngân quỹ. Hai năm sau, mới tiếp tục lại nhưng chỉ đến Xomgon (xóm Gòn?) cách Đàlạt 83 cây số. Ai biết thì cho em hay để bổ túc. Đến năm 1926 thì đến Sông Pha (cách Đàlạt 40 cây số) và đèo Ngoạn Mục năm 1927. Cuối cùng đến Đàlạt năm 1932. Mất 34 năm mới hoàn thành con đường Ngoạn Mục này với bao xương máu của người Việt đổ và chết tại đây.

 

Tuyến đường này được sử dụng đến năm 1968 thì mấy ông Việt Cộng đặt mìn phá hoại rồi sau 75, gở ra bán ve chai cho Thuỵ Sĩ. Xem như 20 mấy ngàn người Việt chết thảm khi bị ép buộc xây dựng con đường này và gần tỷ đồng Đông Dương do người Việt đóng thuế cho Tây, biến thành mây khói. Chán Mớ Đời 

 

Các người Âu châu định cư tại Đàlạt thử nuôi bò, trồng rau, lúa,…như trường hợp vợ chồng ông Jean O’Neil. Không biết người xứ nào vì tên thì có vẻ Ái Nhỉ Lan. Ai có tin tức gì thì cho mình xin. Cảm ơn trước. Đọc lại thì ông ta là người được phái lên Đàlạt để thiết kế kiến thiết đô thị Đàlạt.

 

Có lẻ không thành công lắm vì khi xưa mình thấy bò có vài con được nuôi trên đường Trần Bình Trọng , gần Thánh Địa Đức Bà. Nghe kể là sau vụ đập hồ Xuân Hương bị vỡ năm 1932 thì bà O’Neil không làm lại, có lẻ chồng qua đời.





 

Đọc lịch sử về Đàlạt thì khám phá có nhiều cá nhân khá đặc biệt, giúp hoàn thành thành phố không tưởng Đàlạt ngày nay.

 

Có một ông cựu hội đồng thủ đô Paris, tên Paul Champoudry, thuộc Đảng xã hội từng là giám sát công trường xây dựng Métro của Paris cho hội chợ thế giới năm 1900. Về già, con cái đông nên ông sang Việt Nam và giám sát các công trình xây dựng các cơ quan hành Chánh của chính quyền thuộc địa và người thị trưởng đầu tiên của Đàlạt. ông này là thị trưởng đâu tiên của Đàlạt, người có ảnh hưởng về địa hình, kiến trúc của Đàlạt sau này. Ông ta xin phép được thuyên chuyển năm 1901, vì điều kiện sức khoẻ, viêm phổi. Còn nếu không thì phải cho thêm ngân sách để thành lập Đàlạt với hệ thống ống cống, nước, điện,… các người đến Đàlạt thời đó kể lại là thành phố tiêu điều vì chưa có gì đã xây dựng khi chính phủ hết tiền.

 

Năm 1898, hành chánh mượn 200 triệu quan pháp, đến năm 1910 thì hết ngân quỹ. May thay trong thời gian đệ nhất thế chiến, người Âu châu không về nước nghỉ hè thường niên được nên họ kéo nhau lên Đàlạt, giúp thành phố này sống lại với ngành du-lịch nhưng năm 1913, Đàlạt vẫn chỉ hơn 1 chục nhà nghỉ. Họ yêu thích khí hậu ở đây và khuyến khích chính quyền thực dân tiếp tục cải tiến Đàlạt.

 

Nhìn lại, nếu không có đệ nhất thế chiến thì có lẻ Đàlạt, đã trở thành thành phố ma, mà người Pháp bỏ biết bao nhiêu tiền của của người Việt, bao nhiêu người Việt đã chết để xây dựng một trung tâm nghỉ dưỡng với tầm xa là thủ đô của Đông Dương.

 

Trên 20 ngàn người thượng du chết trên đường từ Phan Rang lên đèo Ngoạn Mục. Có lẻ vì vậy dạo mình còn bé, ít thấy người thượng vì cha ông của họ bị giết khi xây dựng công trường này.


Nếu người pháp không đốt tiền cho thành phố nghỉ dưỡng thì có thể, cao trào kháng chiến chống pháp không lên cao. Với những tin tức chết người, thêm hình ảnh của Tây đá đít phu xe kéo người Việt trên các tờ báo Tây, đổ thêm dầu vào cuộc kháng chiến chống pháp.

 


 Những nhà nghỉ đầu tiên được làm bằng gỗ tại Đàlạt.

Khác với Việt Nam, khi người Tây phương đánh chiếm các vùng Nam Mỹ hay Bắc Mỹ thì khí hậu ở đó tương tự ở Âu châu nên họ không có vấn đề hội nhập thời tiết tại địa phương. Ngược lại khi họ qua Phi CHâu hay Đông Dương thì khó chịu đừng thời tiết vùng nhiệt đới với muỗi, bệnh số trét nên công cuộc đánh chiêm của họ lâu dài có vấn đề, cần phải giải quyết nêu họ muốn chiếm ngự Vĩnh viễn như tai Mỹ Châu.


Khi chúng ta đi thăm viếng các đền đài như Angkor Vat, Kim tự Tháp,… chúng ta chiêm ngưỡng cái đẹp của đền đài nhưng không ai nhắc chúng ta, nhớ đến những người lao động đã nằm xuống để thực hiện các điểm nhấn du lịch này. Có lẻ nên khấn thầm cho vong hồn họ siêu thoát.

 

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn