Có lẻ cuốn phim gây ảnh hưởng nhiều nhất cho đời mình là cuốn "2001: a space Odyssey" của đạo diễn người Anh, Stanley Kubrick với những hình ảnh đầu tiên của con người khi ông ta quay cảnh mấy con khỉ đười ươi, tình cờ cầm một khúc xương để làm vũ khí chống trả nhóm khỉ tấn công bầy khỉ của chúng, nói lên hình ảnh đầu tiên của con người bắt đầu tư duy chế biến vũ khí để giết hại lẫn nhau….
Trong lịch sử loài người từ mấy ngàn năm nay, bao nhiêu cuộc chiến đã xẩy ra giữa các bộ lạc, dân tộc,… những cuộc xung đột này đã giúp tạo dựng những khai phá văn minh của nhân loại, chung quy các cuộc chiến gây ra bởi kinh tế, chiếm đất, bắt tù binh làm nô lệ, sản xuất giữa hai nước hay gia đình như cuộc chiến 100 năm giữa anh quốc và pháp quốc hay Pháp và Tây Ban Nha,…. Việt Nam thì các đời vua chém giết nhau để làm cha thiên hạ hay những cuộc nam tiến, mở mang bờ cỏi.
Chỉ sau hai cuộc thế chiến của thế kỷ 20 thì thế giới mới có cuộc chiến tranh lạnh còn được gọi là cuộc chiến ý thức hệ. Trước đó, các nước âu châu chiếm đóng các nước nhỏ, làm thuộc địa, công cụ sản xuất hay cung cấp nhân công rẻ, vật liệu rẻ,..để làm giàu cho các nước tây phương như Pháp, Anh quốc, Bỉ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Các nước này đem quân đội, nhân danh Thiên Chúa để giúp các đứa con lạc loài của Thiên Chúa trở về đất Chúa, chiếm đóng Nam Mỹ, Bắc và Trung Mỹ, Phi Châu và Á châu, hầu chiếm tài nguyên giúp phát triển kỹ nghệ của mẫu quốc.
Sau thế chiến thứ 2, khối Tây Phương và khối Liên sô ngại đối đầu trực tiếp vì phe nào cũng ngại sử dụng bom nguyên tử nên họ tìm cách tranh dành ảnh hưởng trên toàn thế giới, tạo dựng những con chốt quân sự và chính trị mà người ta hay ví von gọi chiến tranh lạnh. Người ta nhận thấy sự xung đột giữa khối tư bản và cộng sản được toàn cầu hoá từ Mỹ châu, âu châu, Phi châu, Á châu dưới dạng những cuộc chiến dành độc lập hay giải phóng khỏi ách tư bản được biểu tượng như Che Guevara, một trí thức của Á Căn Đình, bỏ nước đi đến các nước khác như Cuba, Bolivia,…để tham gia vào các phong trào dành độc lập, giải thoát người nông dân khỏi sự áp bức của khối tư bản. Tên khủng bố khét tiếng Carlos, xuất thân từ một gia đình thượng lưu của Venezuela ở Trung Mỹ, mà ông bố tôn thờ Lenin nên đặt tên là "Illich" Ramirez Sanchez, bỏ cuộc sống thượng lưu đi làm cách mạng bằng cách bỏ bom, ám sát, giúp phong trào giải phóng Palestine,…
Tuyên truyền hay tâm công được sử dụng như một vũ khí chủ đạo được 2 khối tư bản và cộng sản triệt dụng một cách tuyệt đối trong cuộc chiến tranh lạnh. Mình nhớ hồi nhỏ, nhà mua dầu ăn, sữa,…đều có lá cờ của thế giới tự do và nhân dân Hoa Kỳ thân tặng nhân dân Việt Nam nhưng không hiểu sao họ lại bán lại trong chợ như các bà sơ ở Domaine de Marie, dùng xe 2 ngựa, chở ra chợ bán áo quần cũ do người Mỹ thân tặng.
Trong cuộc chiến Việt Nam, Hà Nội nghiên cứu rất kỹ Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi để sử dụng trong chương trình tâm công vào lương tâm nhân loại qua những hình ảnh và ngôn ngữ. Trong hai yếu tố này, hình ảnh là một yếu tố gắn liền với các kỹ thuật truyền thông và báo chí như bức ảnh tướng Sáu Lèo bắn chết một tên VC, trước đó đã sát hại một gia đình của thuộc cấp của ông ta hay hình ảnh của cô bé trần truồng chạy trên con đường với trái bom Napalm nổ sau lưng đã được đem vào trong nhà của mỗi gia đình ở Tây phương mà gần đây người ta vẫn dùng cô ta để tuyên truyền. Có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, một cuộc chiến mà ngôn ngữ bị chính trị hoá hoàn toàn như những năm chiến tranh lạnh của thế kỷ 20.
Hệ quả của sự việc sử dụng các phương tiện truyền thông đã thay đổi cuộc chiến Việt Nam. Trên mặt trận quân sự, Hà Nội đã thất bại dù nướng biết bao nhiêu quân trong 2,3 lần tổng công kích vào tết Mậu Thân, với hy vọng quần chúng miền nam sẽ vùng lên chống lại chính quyền của VNCH nhưng họ đã thất bại như ở mặt trận Khe Sanh nhưng bù lại lần đầu tiên, người ta thấy hình ảnh qua đài truyền hình, các tên du kích tấn công toà đại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn, những hình ảnh GI chết hay la hét khi bị thương, khiến các gia đình mỹ có con bị đi quân dịch ở chiến trường Việt Nam muốn chính phủ Hoa Kỳ rút quân, đã thay đổi tình thế và đã giúp Hà Nội thắng trên mặt trận văn hoá và chính trị đưa đến quốc hội Hoa Kỳ phủ quyết viện trợ cho VNCH.
Gần đây mình có xem những video do phóng viên ngoại quốc quay những trận đánh tại Bình Long, Quảng Trị,..của Mùa Hè Đỏ Lửa cho thấy quân đội VNCH rất thiện chiện, đã tử thủ rồi các quân tiếp viện đánh bật cộng quân, chiếm lại những nơi đã bị mất trong cuộc tấn công ồ ạt của Hà Nội.
Người Tây phương bị ảnh hưởng bởi câu chuyện David và Goliah trong cựu ước do đó Hà Nội đã chinh phục được tình cảm của người tây phương, tượng trưng như một David nhỏ bé đang chiến đấu với anh khổng lồ Hoa Kỳ, một đế quốc lớn đại diện cho khối tư bản và quên đi quân đội của Hà Nội, được sự tiếp viện nhiều hơn quân đội VNCH. Liên Sô và Hà Nội khai thác tận dụng tất cả hình ảnh khả dĩ để thắng Hoa Kỳ và miền nam Việt Nam trên mặt trận văn hoá, quyết định đến cuộc diện của cuộc chiến đấu của hơn 500 ngàn bính sĩ mỹ và 1 triệu quân dân cán chính miền nam Việt Nam.
Họ tuyên truyền các cuộc viếng thăm của nhà văn mỹ Susan Sontag và nữ tài tử Jane Fonda đến Hà Nội trong thời gian quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam. Những hình ảnh Jane Fonda ngồi trên khẩu súng cao xạ phòng không, từng bắn rơi các phi công mỹ mà Hà Nội gọi là giặc lái đế quốc, được truyền thông của khối Cộng Sản tận dụng phát hành khắp thế giới. Sau này cô đào này lấy Tom Hayden, một lãnh tụ phản chiến của Hoa Kỳ. Bà Sontag được xem là một trí thức mỹ có uy tín trên thế giới đã viếng thăm Hà Nội và viết một cuốn sách hình như "Trip to Hà Nội." Chuyến đi này mang lại lợi nhuận cho bà trên 3 triệu đôla vào thời đó, khi $30 tương đương một lượng vàng.
Mình có đọc trên Curiosity, một bài báo của một nhà văn pháp, gốc Liban. Ông ta kể có lần tình cờ gặp bà Susan Sontag, và tự giới thiệu là một thương gia thì thái độ của bà này như khinh bỉ một người đại diện giới tư bản và quay mặt đi. Dạo ấy bà ta được trả mỗi cuốn sách khi xuất bản trên 2 triệu đô, căn nhà của bà ta và cô bồ ở, giá trên 23 triệu đôla. Cho thấy sự đạo đức giả của giới trí thức thiên tả tây phương làm giàu trên xương máu của các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản khắp thế giới.
Sự khác biệt chính giữa chủ nghĩa tư bản và cộng sản trong thế kỷ 20 là bình diện kinh tế, hay nói như các trí thức thiên tả là ở phương thức sản xuất nhưng các khẩu hiệu được sử dụng ở các nước theo chủ nghĩa cộng sản như khối Liên Xô, Trung Quốc ngay cả Việt Nam,… là khẩu hiệu chống chủ nghĩa đế quốc, mà chính ngay Trung Quốc, Liên Sô là một đế quốc vì họ chiếm đóng biết bao nhiêu nước nhỏ đến khi Liên Sô tan rã thì các nước này mới lấy lại được nền độc lập. Như ở Việt Nam trong thời gian chống Pháp, Hà Nội dùng khẩu hiệu phản-đế (anti-imperialisme), không thấy họ sử dụng khẩu hiệu chống chủ nghĩa tư bản (anti-capitalisme).
Do đó khi mình thuộc dạng ngu lâu dốt sớm, mới sang du học ở Pháp thì bở ngở, lạc loài trong xã hội tây phương mà các trí thức như Jean Paul Sartre, Simone De Beauvoir,… dẫn đầu cuộc chiến đấu chống đế quốc trong khi mình cứ nói chống chủ nghĩa cộng sản nên cãi cố cãi chày với đám sinh viên học chung trường kiểu ông nói gà bà nói vịt. Mình đưa bằng chứng người dân Việt Nam, không ủng hộ vc, khi bộ đội bác Hồ đi tới đâu là người dân bỏ chạy tới đó nên họ phải pháo kích tạo nên những đại lộ kinh hoàng ở Quảng Trị, các mồ chôn tập thể ở Mậu Thân hay An Lộc… họ kêu mình là thằng Phát Xít.
Trong Tư Bản Luận, Karl Marx viết sau bản tuyên ngôn Cộng Sản, cho rằng chủ nghĩa đế quốc đã thuộc về quá khứ nhưng với Lenin thì chủ nghĩa này là hiện tại và tương lai, và được sử dụng triệt để qua biểu hiệu của chủ nghĩa thực dân. Mình học lịch sử kêu thực dân tàn ác,…nhưng xét cho kỷ thì họ xây dựng các đường sắt, quốc lộ, trường học ngay cả giúp kinh tế Việt Nam lớn mạnh nhất Đông Nam Á. Những gì thực dân làm trong 86 năm, đem lại điện nước, hạ tầng cơ sở,… nhiều hơn mấy ông vua Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử. Còn kêu thực dân tàn ác thì mình không sống thời đó nên không biết ác đến cở nào, chỉ biết ngày nay VC đối xử tàn bạo với những người chỉ làm một bài thơ kể đất nước mình lạ … trong khi người Tàu họ xả chất bẩn làm hại môi trường thì nhà cầm quyền im re.
Sau thế chiến thứ 2, chủ nghĩa thực dân gần như tan rã. Các thuộc địa cũ dần dần lấy lại độc lập cho đất nước họ bằng những phương pháp ôn hoà, bất bạo động như phong trào khởi xướng bởi ông Gandhi ở Ấn Độ, Phi châu và Á châu. Mình thấy có hai nước dành lại độc lập bằng bạo lực là Algerie và Việt Nam nên đến ngày nay vẫn không khá được. Khi người ta được cái gì mà không phải đỗ máu thì cảm nhận mình không có tài làm kinh tế, người ta có thể từ giả trong yên lặng nhưng khi họ đã đỗ máu thì không muốn mất công lao, hy sinh để đạt được độc lập và tự do, cho dù bất tài về làm kinh tế nhưng cố bám vào quyền lực mà họ chiếm bằng bạo lực.
Do đó các nhà tuyên truyền Cộng sản phải tạo ra một khái niệm mới: chủ nghĩa Tân Thực Dân. Các nước tây phương như Pháp, Anh quốc,.. Cần phải xây dựng lại nền kinh tế của họ sau thế chiến thứ 2, thấy tốn tiền khi phải đóng quân, kiểm soát kinh tế ở các thuộc địa nên họ rút về, để lại giới cầm quyền thân họ nhất là tham nhũng. Để mấy người này rành về địa dư, văn hoá để cầm quyền, làm giàu và buôn bán với mẫu quốc cũ. Các thuộc địa cũ mọc lên những nhà cầm quyền sắt đá như Sadam Hussein hay đám quân phiệt ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, phi châu. Nhà cầm quyền nào có ý chống lại thì CIA lật đổ như ở Guatemala, Panama, Việt Nam hay Cam Bốt,…
Chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới đều có chung một mục đích là kiểm soát tài nguyên ở các thuộc địa nhưng chỉ khác ở cách thức và phương tiện. Với chủ nghĩa thực dân cũ, các đế quốc Tây phương và Á châu dùng quân sự để xâm lăng lãnh thổ như Pháp chiếm Đông Dương, Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc, Triều Tiên rồi Việt Nam trước 1945,…. Trong khi chủ nghĩa thực dân mới thì nhắm vào mục đích kinh tế và thực dân hoá tâm hồn người bản địa bằng " văn hoá đồi truỵ" như mình đã kể, được xem tạp chí Playboy hồi nhỏ, các phong trào Hippie, Rock'N ' Roll, thời trang đã thay đổi nền văn hoá bản xứ. Đi xứ nào cũng thấy giới trẻ hát nhạc mỹ, bận quần Jean,….đàn bà thì đeo xách tay LV,…. Có anh bạn chế diễu mình nhưng thật ra khi xem cuốn Playboy với những hình ảnh đồi truỵ, mình như được giải phóng, bay vào một thế giới mông lung khác, đâm ra ngu luôn đến giờ.
Về mặt kinh tế, họ cho thành lập Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tề Quốc Tế để nắm trong tay các hoạt động kinh tế và tài chánh của thế giới để kiểm soát tự do mậu dịch bằng hối xuất mỹ kim. Do đó trong thời gian chiến tranh lạnh, các khối Liên Xô, cộng sản chỉ trao đổi hàng hoá thay vì buôn bán vì họ không có ngoại tệ hay đôla. Liên sô mua gạo lúc của Hoa Kỳ thời ấy cũng phải trao đổi bằng hàng hoá khác, cho thấy Hoa Kỳ rất thực tiễn, chống Liên Sô nhưng họ muốn mua gạo thóc thì cứ bán.
Tóm tắt sự phát triển của phong trào cộng sản được hình thành qua 3 giai đoạn với 3 khẩu hiệu khác nhau: khởi đầu bởi Marx và Engels với khẩu hiệu chống chủ nghĩa tư bản, sau đến Lenin và Stalin là chống chủ nghĩa đế quốc và sau cái chết của Stalin là chống chủ nghĩa thực dân mới. Về mặt chính trị thì họ chuyển từ mục tiêu kinh tế sang chính trị. Tất cả những ai thân thiện với thế giới tự do đều được xem là tay sai bù nhìn của thực dân mới như chính quyền VNCH, đều được các giới trí thức Tây phương lập lại những khẩu hiệu tuyên truyền của khối cộng sản, là phồn vinh giả tạo, đế quốc tư bản đang dãy chết,…
Để chống lại phong trào cộng sản, người tây phương tung ra những chiến dịch dưới nhiều chiêu thức lẫn phương tiện, từ quân sự đến chính trị và văn hoá để chứng minh lý thuyết của Marx và Lenin, là chủ nghĩa duy vật, là sai. Xây dựng thiên đường ở hạ giới là huyễn tưởng. Khởi đầu bằng bằng chủ thuyết "Containment" của nhà ngoại giao George F. Kennan đề nghị với tổng thống Truman, sau đó là chương trình của tướng Marshall, giúp các đồng minh, ngay cả kẻ thù cũ là Tây Đức, Nhật,… phục hồi lại nền kinh tế tự do.
Hàng ngày đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA, BBC được truyền thanh khắp Đông Âu và Á Châu, cho thính giả nghe nhạc của The Beatles, ABBA, rock n roll mà sau này mình nghe kể những người sinh sống tại miền Bắc, nghe lén nhạc từ miền nam đều bị bắt. Qua âm nhạc, văn hoá người ta không thể cấm cản con người tư duy. Sau này mình đọc sách báo của các khối đông Âu thì các băng video của tây phương được thuyết minh chuyền nhau trong các nước của khối Liên Sô đã làm xụp đỗ niềm tin của người dân ở các xứ này. Mặc dù nhà cầm quyền tìm cách ngăn chận bưng bít.
Trong một xã hội, mua cái đinh cũng phải xếp hàng, khi người dân xem những phim ảnh từ Tây Âu, Hoa Kỳ được buôn lậu đem vào các khối cộng sản. Người ta truyền nhau để xem thì những hình ảnh các siêu thị, đầy ắp hàng hoá, thịt thà sẽ làm người dân trong khối cộng sản suy nghĩ và không tin vào đảng cộng sản và khi niềm tin đã mất thì sự xụp đỗ sẽ đến.
Việc tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản với khẩu hiệu đơn sơ đã không thu hút sự đồng tình của quần chúng và trí thức tây phương. Khẩu hiệu này biến một cuộc xung đột chính trị, vũ trang thành một cuộc xung đột về phương diện lý thuyết nhằm ru ngũ, làm mất đi tính tự vệ. Trong khi Hà Nội cho người tập kết, nằm vùng tìm cách thành lập một lực lượng vũ trang để lật đổ chính quyền miền nam thì các trí thức miền nam thay vì học bắn súng, đề cao cảnh giác các hoạt động phá hoại của VC, họ lại tập trung vào chống lại các tác phẩm của Karl Marx và Engels mà các giới lãnh đạo Hà Nội, rất ít người có khả năng để đọc như Tố Hữu đã kêu gọi :"Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ. Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong. Cho Đảng bền lâu. Cùng rập bước chung lòng. Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!” Người ta đề cao nhóm cầm quyền Hà Nội quá cao so với tài sức của họ.
Chống lại chủ nghĩa cộng sản như chống lại một tôn giáo. Các tôn giáo trên thế giới đều giống nhau ở một chỗ là nhắm đến những lý tưởng cao cả, để giải phóng con người và cứu rỗi linh hồn. Không ai có thể chống lại những lý tưởng cao đẹp như thế, cứ hỏi các vị vua và quan triều đình nhà Nguyễn tìm cách trù dập, tiêu diệt Thiên Chúa Giáo khi các cố đạo đem lại niềm tin mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Cho dù là thuyết cộng sản được xem là huyễn tưởng nhưng khó mà thuyết phục được người đã mạc khải hay giác ngộ về một niềm tin nào đó. Mình đọc tài liệu của Hà Nội, có người kể là một anh theo đảng cộng sản, muốn xây dựng thế giới đại đồng nên chia sẻ luôn vợ anh ta cho các đồng chí lên giường. May sau này anh ta chết ở chiến trường nếu không thì vợ cũng giác ngộ cách mạng sẽ bỏ anh ta.
Lý do là với lý tưởng người ta sử dụng niềm tin hơn lý trí mà niềm tin thì bất chấp lý trí như hỏi cô gái dậy thì đừng có yêu người bồ vì hắn là gian ác, con cháu địa chủ. Người ta có thể dùng niềm tin để biện luận cho sự sai lầm trong hiện thực kêu là lý tưởng đúng nhưng chính sách sai. Cuộc cãi cách ruộng đất đã giết hại bao nhiêu người, 1 triệu người miền Bắc phải bỏ chạy vào Nam khiến VC phải chận lại, cấm cản không cho đi nếu không thì cả miền bắc đã chạy vào nam.
Trí thức tây phương tuy vẫn biết là cộng sản tàn bạo, người ta biết Stalin đã giết hại trên 25 triệu người, với các Gulag, Mao Trạch Đông đã xơi tái 65 triệu người nhưng với niềm tin sắt đá, người trí thức tây phương vẫn tin là chỉ là giải pháp nhất thời trong giai đoạn chuyển tiếp như cuộc thanh trừng của Robespierre sau cách mạng tháng 7 ở Pháp. Đó là một giai đoạn, một cái giá phải trả để xây dựng lý tưởng.
Mình nhớ 9/9/76, khi người ta loan tin Mao Trạch Đông chết thì mình và thằng Tây làm trong sở đấu khẩu quyết liệt trong suốt buổi ăn trưa. Mình kêu Mao Thị giết trên 65 triệu người trong cuộc cách mạng văn hoá, đầy kẻ có học ra nông trường,… tên này đảng viên đảng cộng sản kêu đâu có sao, họ Mao kêu trí thức không đáng cục phân vì cục phân còn làm cho cây cỏ tốt tươi. Một lần khác đi boum, gặp một con đầm theo cộng sản, cãi nhày cãi cố, tối đó nó còn hăng rũ về nhà cãi tiếp rồi sau đó ngưng chiến thả gà ra đá. Sáng hôm sau nó kêu nó không ngờ ngủ qua đêm với thằng phát xít. Chiến trường chính trị, tư tưởng không bằng chiến trường sinh lý. Chán mớ đời.
Dạo ở Thuỵ Sỹ mình được biết ông hề Charlot, sinh sống tại Lausanne, khi bị đuổi khỏi Hoa Kỳ vì phong trào bài cộng của chủ nghĩa MacCarthy. Ông này là nghị sĩ Hoa Kỳ, chống cộng nên cứ chụp mũ, lo sợ người mỹ làm nội gián cho khối cộng sản. Ông ta yêu cầu quốc hội Hoa Kỳ điều tra rất nhiều người mà theo ông ta là thân cộng hay là gián điệp. Những ai chỉ trích hay có khuynh hướng thiên tả như Charlie Chaplin là bị chụp mũ, khó kiếm công ăn việc làm. Bác HST, quản thủ thư viện của đại học Yale kể khi tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, bác về Việt Nam làm việc nhưng không đồng ý với chủ trương chính quyền VNCH thời đó nên trở lại mỹ thì kiếm việc làm kỹ sư rất khó vì người mỹ có hồ sơ đen nên cuối cùng phải xin làm việc ở thư viện của đại học Yale và dịch truyện Kiều và Cung Oán Ngâm Khúc ra anh ngữ, sau này đoạt giải của Foundation của dòng họ Mac Arthur.
Dạo mình làm đơn xin chiếu khán du lịch qua mỹ thì có phần câu hỏi, mình có từng là đảng viên cộng sản, không hiểu nay họ đã bỏ chưa vì thấy cán bộ sang mỹ đầy. Đó là ảnh hưởng còn lại của phong trào bài cộng của ông MacCathy. Có người cho rằng người có công nhất cho Cộng Sản là ông thượng nghị sĩ MacCathy vì chiêu bài chống Cộng Sản của ông ta đã gây ấn tượng xấu khiến cho đa số trí thức tránh hay dị ứng với công việc bài cộng sản. Thậm chí có nhiều người không thích công sản nhưng lại dị ứng với việc chống cộng. Do đó khi mình ở âu châu thì đám tây đầm không thích cãi lộn với mình, cho mình là phát xít. Do đó các du học sinh hay kiều bào Việt Nam ở âu châu dạo ấy đa số đều theo Hà Nội, thường được gọi là Việt kiều Yêu Nước còn ngu lâu dốt sớm như mình thì người ta gọi là tay sai cho đế quốc hay phát xít. Chán mớ đời.
Dạo mình sang Tây thì có phong trào Chống Chống-Cộng hay anti-anti-communiste mà ông Jean Paul Sartre khơi khơi phang cho một cú để đời: "les anti-communistes sont des chiens". Bên mỹ thì bà Susan Sontag, lại bồi thêm "communism is Fascism-successful Fascism". Nôm na là người tây phương không thích cộng sản nhưng ghét nhất người chống cộng sản.
Cộng sản là một cái gì trừu tượng ở xa xôi, bên Liên Sô, bên Tàu còn mấy người chống cộng lại ở gần kề bên, họ nhìn thấy hằng ngày. Điển hình, một ông chồng hằng ngày cứ bị bà vợ cằn nhằn vì ghen ghét một bà nào mà ông ta không biết. Ông ta không thương hay biết mặt bà kia nhưng cứ nghe vợ cằn nhằn cửi nhửi về bà kia hằng ngày đâm ra ghét bà vợ. Do đó sau này thay vì dùng chiêu bài chống cộng, các chính quyền tây phương dùng chiêu bài chống toàn trị (anti-totalitarisme).
Người ta nhận thấy chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Phát Xít đều giống nhau như Stalin và Hitler đã ký hiệp ước với nhau trước đại chiến thứ 2. Nếu một người chống lại chế độ Phát Xít của Hitler đã cho vào hoả lò 6 triệu người, Mussollini,..thì cần họ phải chống luôn các chế độ cộng sản của Stalin, Mao, Castro, Hồ,… nhờ vậy họ mới lôi kéo được tầng lớp chống Phát Xít, có thân nhân bị giết trong thời kỳ Đức quốc Xã chiếm đóng ở Tây chẳng hạn. Mình phải dịch các trại cãi tạo của VC thành trại tập trung mà đám Phát Xít dùng để giết hại người Do Thái, thay vì Gulag Archipelago của Aleksandr Solzhenitsyn thì tây đầm ít mấy ai đọc. Mình hỏi một chục đứa quen thì chúng ngơ ngác chưa bao giờ nghe tên ông này.
Người ta dùng chiêu bài chống toàn trị để tránh mang tiếng bảo vệ chủ nghĩa tư bản, mà để bảo vệ những lý tưởng cao cả như tự do, bình đẳng và nhân quyền, nhờ đó mà người ta có thể lôi kéo được các trí thức thân tả như Olivier Todd vì họ vốn yêu chuộng tự do và quyền làm người. Ông này có viết vài cuốn sách về Việt Nam kể tội ác của Hà Nội. Hình như "Cruel Avril" mà mình có đọc, ông ta sát cánh bên người anh của cựu chủ tịch sinh viên Paris Trần Văn Bá, khi ông này về Việt Nam bị bắt và giết.
Tương tự khi người ta kêu gọi chống cộng thì chỉ phủ nhận, không hứa hẹn gì cả, chỉ tạo một khoảng trống dưới chân mình, đưa đến tranh đấu lêu bêu, không có sức mạnh đáng kể ngoài câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu: 'đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỷ những gì cộng sản đã và đang làm". Chúng ta không thể chống cộng sản bằng những lời lẻ, như "tụi bây nhỏ không hiểu cộng sản là gì" mà chính họ chưa trang bị một tư tưởng mới để chống lại chủ nghĩa cộng sản.
Tương tự mình hay nghe bạn bè, người thân bảo là mình có phước không sống với cộng sản ngày nào nhưng họ lại lặng câm, không lên tiếng, kể lại ký ức của một chứng nhân của một chế độ bạo tàn do đó không thuyết phục được người tây phương, gần nhất là con cháu của họ. 95% sách báo được viết về chiến tranh Việt Nam, đều do các trí thức thiên tả viết. Thay vì chê trách mình, kêu là không sống với VC ngày nào, có lẻ họ nên viết, kể lại những gì đã trải nghiệm cho con cháu mai sau.
Đồng chí gái hay kêu mình không phải dân vượt biển nhưng gặp tây đầm, cứ kêu là Boat People, vì mình muốn nói dùm cho đồng chí gái, gia đình vợ hay mấy người em của mình về những đoạ đầy tàn bạo của cộng sản, thà chết để đi tìm tự do.
Nhiều khi nghe mấy người lớn nói chuyện về chống cộng sản khiến mình lo sợ. Lỡ mấy ông này thắng VC thì họ sẽ độc tài, toàn trị nhiều khi còn bạo tàn hơn VC vì họ không muốn thua lần thứ 2. Đối với họ ai không đồng ý với lập trường của họ, tất nhiên là tay sai cho VC. Khiến nhiều người không ưa VC, bị dị ứng với cách chống cộng của họ qua cảm tính thay vì dùng tư duy để giải thích nên chán nãn, thờ ơ với quê hương bỏ lại.
Mình nhớ dạo sang Hoa Kỳ, nói chuyện với người Việt, hay bị chụp mũ vì mình nói đến tranh đấu cho quyền làm người trong khi mấy người Việt tỵ nạn lại hăng say kêu gọi đóng góp tiền bạc, về Thái Lan thành lập chiến khu. Trong khi đó, Hà Nội qua các hội vô chính phủ, mời các đoàn văn công sang trình diễn trong các đại học. Khi một đứa trẻ tỵ nạn gốc Việt, lớn lên trên xứ này. Ở nhà cứ nghe bố mẹ chửi rũa VC nhưng đến trường thì thấy VC đem những văn công qua đánh đàn bầu, đàn tranh, múa rối nước,…khiến chúng cảm thấy hãnh diện về nguồn gốc của chúng. Chúng sẽ đặt câu hỏi bố mẹ mình sai hay VC đúng?
Dạo còn ở New York, mình hay giúp các sinh viên tổ chức các buổi triển lãm tranh, nhạc cổ truyền và thuyết trình về văn hoá Việt cho sinh viên gốc Việt để chặn đứng chiến dịch tâm công của Hà Nội có toà đại sứ tại Liên Hiệp quốc. Bà chị vợ hỏi mình lúc mới quen đồng chí gái là có người nói mình là VC mà ông này, mình chưa bao giờ thấy mặt lại ở xa cách mình đến 500 dặm may mà đồng chí gái không xù mình chớ nếu không là hết lấy vợ. Vài năm sau thì vợ chồng ông này, quen đồng chí gái có ghé nhà mình ngủ lại mấy đêm thì nghe ông ta chỉ nói về quyền làm người, đấu tranh cho nhân quyền,… mà khi xưa mình đã từng giúp những nhóm sinh viên tổ chức hội thảo về Việt Nam, mà họ chụp cái nón cối trên đầu mình.
Cộng đồng người Việt thấy tổng hội sinh viên tổ chức hội chợ Tết lời quá nên hất sinh viên ra, nhảy vào làm hội chợ kiếm tiền. Sinh viên thành công nhờ có mấy trăm sinh viên đóng góp công sức, miễn phí còn mấy ông bà nhảy ra, chỉ tay năm ngón, thua lỗ sặt máu, bị thiên hạ kiện ra toà, không trả tiền họ,… hành động như vậy thì làm sao thu phục được giới trẻ trong khi VC họ có chiến dịch tâm công trong giới sinh viên, vì trong tương lai, những sinh viên này sẽ nắm chức vụ trong xã hội mỹ, có cảm tình với Hà Nội sẽ dễ làm ăn,…
Khi bức tường Tây Bá Linh bị phá vở, đưa đến sự xụp đỗ toàn diện của khối cộng sản cho thấy sự chiến thắng từ đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản biến thành cuộc chiến chống lại chủ nghĩa toàn trị. Các tập đoàn quân phiệt lần lần bị lịch sử sa thãi để nhường lại cho những chế độ do chính người dân bầu lên. Bà tổng thống Nam Hàn, con gái của cựu tổng thống Phác Chung Hy, bị truất phế, bỏ tù hay Đài Loan từng được cai trị độc tài bởi tàn dư của quân đội Trung Hoa do Tưởng Giới Thạch cầm đầu, đã trả lại tự do cho người dân hay Tân Gia Ba từng được cai trị bởi bàn tay sắt của luật sẽ Lý Quang Diệu nay đã trở thành một nước dân chủ lập hiến.
Trong tương lại Hà Nội sẽ thay đổi tên của đảng và nước, có thể đặt tên đảng cờ lờ mờ vờ chi đó.
Xong Om
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét