Có anh bạn học cũ ở Đàlạt, gửi tờ chương trình phim chiếu của rạp xi nê Ngọc Lan năm 1972, phim Sapho ou La fureur d’ aimer, dựa trên vở kịch của nhà văn Pháp Alphonse Daudet mà khi xưa ông tây bà đầm bắt mình đọc tác phẩm của ông ta “Lettres de mon moulin” với những chuyện như La chèvre de Monsieur Seguin,… trình độ mình chỉ đọc được tới đó còn kịch kiết gì của ông Daudet thì chịu. Sang Tây mình cũng không tìm đọc văn của ông này nữa.
Mình chỉ nhớ mại mại con dê của ông Seguin, được nuôi trên cánh đồng, muốn leo lên núi để biết đó biết đây, thay vì bị bao bọc bởi hàng rào, chống sói rừng vào ăn thịt nó. Ông Seguin cấm con dê không được vượt hàng rào nhưng lòng tò mò hối thúc con dê, bỏ trốn và bị chó sói trên núi xơi tái.
Bà thầy, nếu mình không lầm là Cô Huệ, nhà ở Hoàng Diệu, cái biệt thự gần trường Văn Học, hỏi mình chi đó, mình nói thà bị sói ăn thịt còn hơn cứ bị nhốt trong chuồng đến khi lấy vợ mới thấm. Bác nào còn nhớ thêm chi tiết xin cho biết. Mình chỉ nhớ có nói đến vùng Provence của nước Pháp nên sang Tây, mình có viếng vùng này, để vẽ và tìm chút dư âm của những năm tháng học tiểu học.
Anh bạn này quản thủ giấy tờ từ xưa đến nay. Tờ chương trình của xi nê Ngọc Lan đủ màu, in Roneo, để phân biệt mỗi phim, khổ A 4, xếp đôi mà khi xưa đi coi xi nê là phải xin cho bằng được, khi mua vé, sau đó tan rạp thì họ cho programme phim sắp trình chiếu trong nay mai. Hình như chỉ có rạp Ngọc Lan là có vụ in chương trình của phim, phát cho khán giả. Mình đem về bỏ vào kệ tủ để dành nhưng rồi mình đi tây nên không nhớ nữa. Chắc lúc chạy di tản hay sau này, Việt Cộng vào Đàlạt, gia đình sợ nên đem đốt hết tàn dư văn hoá của chế độ cũ.
Dạo ấy, ở đầu đường Thành Thái, nay là Nguyễn Chí Thanh, chỗ thang cấp từ chợ lên, băng qua đường Lê Đại Hành, qua đường Trương Vĩnh Ký, ngay văn phòng trồng răng của ông Trình, đều có treo cái banderole, giới thiệu phim của rạp Ngọc Lan vì rạp này ở khuất phố, ít người đi lại trong khi rạp Ngọc Hiệp thì ngay phố tương tự rạp Hoà Bình nên không cần quảng cáo vì trước rạp đã có mấy panneau, vẽ hình ảnh của phim.
Anh bạn này vẫn còn giữ những hình ảnh, tài liệu của “ngày xưa đó”. Mình có ghé nhà anh ta thăm ở Đàlạt, anh ta cho xem hình ảnh ngày xưa chụp với bạn học, đưa cho xem những cuốn lưu bút ngày xanh từ những năm học trung học đệ thất đến đệ nhất. Hay những tờ chương trình xi nê,… hôm trước anh ta gửi hình cuốn sách của thầy Tâm tặng anh ta 45 năm về trước. Dễ nễ thật. Anh ta gửi mình tờ chương trình xi nê màu tím rồi phán thêm một câu “cậu có nhớ đi xem phim này với tớ” khiến mình như bò đội nón. Mình thuộc dạng u mê, chả nhớ gì cả. Đọc lại tờ chương trình 45 năm về trước, thấy cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Chán mớ đời.
Dạo ấy xem xi nê có màn kiểm duyệt các cảnh nóng. Đang tới hồi gây cấn, ảnh với chỉ đang ôm nhau sắp sửa mớm nhau là người quay phim trên lầu lấy cuốn vở che cái máy rọi khiến màn ảnh tối om rồi khi ánh sáng trở lại thì ảnh và chỉ hết còn ôm nhau trong khi vài người la ó, lên tiếng chửi thề trong bóng tối. Sau này qua Ý, xem cuốn phim Paradiso thì khám phá ra ở Ý, khi xưa cũng bị mấy ông cố đạo cấm chiếu cảnh mớm nhau. Chán Mớ Đời
Mình nhớ năm 11 B, có mấy cô học chung. Khi gần mãn niên khoá, mình thấy nam sinh và nữ sinh trao cho nhau cuốn vở học trò, có hình chiếc xích lô máy mà đến nay cũng không hiểu tại sao mấy công ty bán vở lại dùng cái hình xích lô máy làm bảng hiệu. Nếu mình không lầm thì có bán vở hình bìa Olympic, có hình lực sĩ và vở hình con nai nhưng có lẻ người ta dùng vở Xích Lô Máy nhiều nhất, có lẻ rẻ hay có chất lượng. Sau 75, lâu lâu nhận được thư nhà viết trên những tờ giấy đen xì hay màu nâu, hỏi ra người ta giải thích là giấy tái sinh của cách mạng.
Dạo ấy có chữ viết của phong trào Hippie nên mấy cô mấy cậu cứ vẽ tươm vào vở hoa hippie, huy hiệu như chiếc Mercedes Benz ngược lại, Make Love Not War,.. Bận quần ống loa ống với chi đó.
Mình có xem phim Woodstock ở rạp Ngọc Lan này nhưng không rành âm nhạc nên cũng bù trớt, chỉ nhớ có màn ông mỹ đen đánh đàn bằng răng eo éo sau đó thì Đàlạt có tổ chức đại nhạc hội nhạc trẻ ở trên sân cù rồi thao trường. Mình có xem ở Thao Trường, có ban nhạc CBC, chữ tắc của ‘Con Bà Cụ’ chơi bản Mây Lang Thang và Oye Como Va còn Đàlạt thì có ban nhạc Rolling Wheels đại diện khiến thiên hạ chê khi so sánh chơi bản Oye Como Va của nhạc sĩ Tito Puente, được ban nhạc Santana biến tấu rất thành công dạo ấy với ban CBC của Sàigòn.
Mình chỉ nhớ năm ấy, tốn khá nhiều tờ giấy khi ngồi học bài, lấy bút viết khơi khơi tên của mấy cô mà mình mê ngày xưa đó rồi xé. Vì tờ giấy khổ A4, xếp đôi đóng thành khổ A5 nên xé tờ đầu thì phải xé tờ cuối, dần dần cuốn vở 100 trang còn 10 trang. Chán Mớ Đời
Có mấy tên học chung cũng giác ngộ cách mạng, lây bệnh này, đi đúng quy trình, bảo vệ quan điểm lập trường cách mạng mê gái, ngồi trong lớp vẽ trái tim với mũi tên trên bàn, thậm chí nhiều tên còn viết trên tường trong cầu tiêu, cho thấy khi con trai yêu thì dù có mót tiểu, họ vẫn không ngưng yêu, si mê cô gái, đối tượng một thời.
Hồi nhỏ thì chơi ca rô ở cuối lớp rồi xé giấy, lớn lên một chút thì viết tên con gái. Ray rức nên viết cho bớt ray rức, xốn xao như bản nhạc Fur Elise mà ông Beethoven, khi xưa cứ khà tới khà lui. Không biết mấy cô có viết véo gì trên vở học trò tên mấy thằng con trai họ thích hay không.
Mấy người cắn bút rặn từng chữ để chúc bạn học đủ trò rồi tên TTT đánh đàn cho mấy cô hát “mỗi năm đến hè lòng tôi thấy buồn,..” mình thì đến mùa hè là vui, đi chơi thả dàng, khỏi học nên không hiểu mấy tên này ấm ớ kêu buồn vì nghỉ hè. Dạo ấy là năm đầu tiên qua trường Việt nên chưa giác ngộ cách mạng về tình yêu, hay nhiều khi mình tập võ hàng ngày nên hormone chưa phát triển nhiều, mới lú lú. Ngẫm lại thì đó là một cái may mắn cho đời mình, nếu không chắc cũng vào buông thượng làm người tình Chapi với sơn nữ Ka Beng sau 75.
Mình không có lưu bút ngày xanh và cũng chả ai kêu mình viết trên vỡ xích lô máy của họ. Ngay anh bạn học cũ, đưa cho mình xem lưu bút ngày xanh của anh ta, không thấy Sơn Đen viết gì trong đó cả cho thấy không ai để ý đến mình thời đó. Mới hiểu là ngày nay khi nói đến Sơn Đen thì đám học chung khi xưa chả nhớ ngoại trừ vài tên. Chỉ biết là CBMT vẫn nhớ đến mình là vui rồi.
Nhân chuyện viết véo mình nhớ hồi nhỏ, đi học bị bà đầm ông tây, đầu năm kêu phải mua porte plume (cán bút) rồi plumier, cái hộp gỗ đựng bút viết, thêm cục tẩy, có đồ gọt viết chì và một phần riêng đựng hủ mực tím. Hết mực thì mua hai viên trong bịt nylon về, bỏ vào bình mực rồi đổ nước vào, xài thoải mái con gà cồ. Hình như có viên mực màu xanh nữa thêm mua ngòi viết lá tre (nhỏ) và ngòi lá mít (to). Viết bằng mực lâu lâu nó toè ra vở, phải thay ngòi mới, lấy giấy chấm màu hồng để chấm không cho mực loen trên vở. Mình hay lấy viết mực để chơi phóng xuống đất với đám hàng xóm nên mua ngòi khá nhiều. Mình nhớ có mua loại thuốc tẩy mực ở nhà sách Khai Trí, dùng để tẩy mực, có hai bình. Bình đầu tiên thì lấy bơm mực lên thoa chỗ mình muốn tẩy rồi đợi cho đều rồi lấy giấy chậm cho khô mới lấy loại nước trắng thoa lên thì mực bị hoà tan, lấy giấy thấm chậm chậm. Xong om.
Lên trung học thì được xài bút Bic, đầu năm có cây viết Bic 4 màu. Lúc đầu làm bằng nhôm, có 4 đầu mầu xanh, đỏ, xanh lá mạ và đen, dùng để lấy notes cho tiện, vẽ véo,… sau thì họ ra loại viết 4 màu làm bằng nhựa. Cái khổ là đeo nơi túi áo ngực thì mực hay bị chảy nên thấm vào áo, loen mệt thở. Thường thường thì sau vài tháng là phải mua thêm cây viết Bic màu xanh để viết vì cây bút 4 màu hết mực. Qua Văn Học, mình được Lá diêu Bông tặng cho cái thước để vẽ hình học.
Anh bạn nói lên youtube xem có ca sĩ Aznavour viết lời cho cuốn phim, vừa qua đời, ca sĩ chắc là vợ ông ta. Thấy trên tờ chương trình cho hay phim nói tiếng pháp, phụ đề anh ngữ, việt ngữ và hoa ngữ làm mình nhớ khi xưa đi xem phim có phụ đề 3 thứ tiếng nên chiếm hết 1/3 màn ảnh. Chữ phụ đề màu vàng nên khi nào có ảnh hình màu vàng là thua non con cà cưỡng.
Anh bạn kêu đọc trên mạng thấy mình có viết về Am Mệ Cai, gần nhà anh ta, hình như cách nhau hai hay 3 căn nhà. Anh ta cho biết là tên cúng cơm của cái am này là Am Bà Cai Thỏ, lúc rước xe hoa thì được gọi là Cung Nghênh Thánh Mẫu vào ngày 3/3/ âm lịch, rước Thánh Mẫu về tổ đình ở đường Ngô Quyền trên Số 4. Mình nhớ tổ đình này nằm phía tay phải nếu chạy từ nhà thờ Vinh Sơn.
Anh bạn này một hôm dỡ chứng hỏi mình về một cô học ban C có đẹp không nhưng vì không học chung nên không biết là ai. Ra chơi, anh ta kêu mình, rồi nhìn về mấy cô đứng trong sân trường rồi kêu đó đó. Mình cận thị, dạo ấy mới tập đeo kính trong lớp nhưng ra sân thì chưa quen nên chả thấy ai. Mình lấy tay chỉ về phía mấy cô xa xa, hỏi anh ta cô nào thì anh ta kêu đừng có chỉ. Có cả chục cô trong sân trường, không chỉ thì làm sao mình biết ai là đối tượng của anh ta. Đến năm 12 thì mới biết cô học ban C vì có học chung giờ các môn phụ như Sử Địa, Vạn Vật,…
Được cái là nhà anh ta làm vườn ở Ấp Hà Đông, anh ta trồng hoa pensées, coquelicots,… trên một vạc đất riêng cho anh ta, rồi ép hoa vào vở hay giấy pelure, làm thiệp Tết, Giáng Sinh chi đó. Hình như mấy cô hay xin hoa của anh ta để ép vào tập vỡ như Hoàng Thị Ngọ ngày xưa. Mình xin hoa về trồng thì anh chàng cho toàn bông vạn thọ còn mấy loại hoa mà con gái thích thì thua non. Được cái là vào ngày rằm, nhà mình không cần mua hoa cắm bàn thờ.
Có một tên khác ở xóm trên đường Thi Sách, gần nhà mình tên PAT, cho mình bông hồng về trồng. Mấy tháng sau, bao nhiêu công lao bồi dưỡng cho hoa, ra được một bông hồng thì có một cô đi ngang nhà, chạy vào xin cái hoa hồng đầu tiên do mình tự trồng. Mình không cho vì cô nàng cực xấu, không xứng đáng cho mình hy sinh một đoá hoa hồng tiểu tư sản thì sáng hôm sau, ra vườn thì hoa hồng đã biến mất nên từ đó không trồng hoa nữa mà chỉ trồng rau, cà chua, bí,… kinh tế là chính còn ba cái hoa thì tốn công chả lợi lộc gì cả, lại bị ăn cắp. Gái đẹp thì nó không vào nhà xin hoa vì mấy thằng mê nó, đem tới nhà cúng dường tam bảo chúng rồi.
Nay lấy vợ thì năn nỉ lắm, mụ vợ cho trồng được một cây Thanh Long sau nhà xa xa trong góc. Người thuê nhà trồng trong chậu rồi trả nhà, bỏ lại nên đem về trồng. Năm nay có 26 trái, mụ vợ lại chụp hình để khoe.
Chán Mớ Đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét