Trang

Hiểu biết tài chánh

Mình đọc trên mạng cho biết 70% người Mỹ không hiểu biết gì về tài chánh, ngay cả những người có bằng cấp cao như tiến sĩ vì họ chưa bao giờ được chỉ dạy hay theo học những lớp về tài chánh, kế toán,… mình nhớ khi xưa, đi học, thầy giáo chỉ dạy toán, giúp mình làm tính nhẩm nhanh hay giải những bài toán khó nhưng khi ai nói về tài chánh thì mình cứ như nghỗng ị, đực ra, không dám hỏi, sợ người ta biết mình thuộc dạng ngu lâu dốc sớm.
Lấy vợ thì đồng chí gái lo việc chi tiêu tính toán nên càng ngu thêm đến một hôm, đồng chí gái rũ đi một seminar của một công ty đa hệ, chuyên bán bảo hiểm nhân thọ và mutual funds,…, mới khám phá ra luật 72, “compound interest” (lãi kép) thì mình mới giác ngộ cách mạng tài chánh và cuộc đời mình đã bước sang một trang sử mới.

Bà Anna Lusardi, giáo sư đại học George Washington, cho hay, được trường bổ nhiệm dạy lớp đặc biệt MBA, gọi là STAR (special talent, access, and responsibility) về tài chánh cho các thể tháo gia, phần đông là các cầu thủ banh bầu dục vì người ta khám phá ra những cầu thủ này khi về hưu đa số bị phá sản, sống trong cảnh nghèo đói, mặc dù đã từng lãnh lương mỗi năm bằng nhiều người làm cả đời. Nhiều khi bị chấn thương trong người vì môn thể thao này được xem là dùng bạo lực nhiều nhất.
Giáo sư Lusardi cho biết, đa số những cầu thủ này rất đam mê, kỹ luật,…nhưng thiếu sự hiểu biết tối thiểu về tài chánh vì đa số xuất thân từ những môi trường mà không ai chỉ dạy cho họ về hiểu biết tài chánh. Ngày nay chúng ta lấy quyết định về tài chánh hàng ngày, khác với thế hệ cha ông. Thế hệ ông bà khi xưa không lo về hưu trí vì chết vào khoảng 60 tuổi, hay nợ ngân hàng như chúng ta đối diện ngày nay, với cách mua sắm, vay trước trả sau với những thẻ tín dụng hay Amazon.com, tiện lợi cho việc mua sắm, giúp họ mua đủ thứ những gì không cần thiết.
Nói như đồng chí gái, tui đi làm thì tui có quyền mua cái chi tui ưa nhưng đồng chí vợ không biết chi tiêu hàng tháng trong gia đình là bao nhiêu, chắc chắn là hơn số lương của đồng chí gái mà nếu mình đưa ra thì đồng chí gái lại buồn khổ, tố khổ mình làm cô nàng mất vui. Tỷ lệ ly dị tại Hoa Kỳ cho thấy, nguyên do chính vì tài chánh. Đa số những người về hưu sẽ bị khủng hoảng tinh thần khi khám phá những chi tiêu hàng tháng khi không còn đi làm nữa.
Mình nhớ có bà làm cho công ty Escrow quen, một hôm gặp bà ta, kêu hôm nay là ngày cuối của bà, mai là về hưu, mình hỏi bà sẽ làm gì, thì bà ta kể đi học đánh golf, du lịch,… 3 tháng sau mình trở lại thì thấy bà ta ngồi đó nhưng không dám hỏi. Bác nào muốn về hưu thì nên làm sổ sách tiêu pha bao nhiêu cho một năm rồi xem hưu trí của mình ra sao trước khi về hưu. Có nhiều người quen, nói về hưu muốn về Cali sống, đồ ăn rẻ nhưng khổ nổi là nhà cửa quá đắt hơn nơi họ đang sinh sống. Bán nhà ở tiểu bang khác, sang Cali mua được cái mobile home. Chán Mớ Đời
Các kinh tế gia từ bao năm nay, đinh ninh mọi người đều hiểu biết về quản trị tài chánh nhưng nay họ khám phá ra là ngay tại các nước giàu có tây phương 70% dân số, i tờ về tài chánh khi làm test với 3 câu hỏi của chương trình Health and Retirement 2004, được áp dụng trên 15 quốc gia tây phương khác:
1/ bạn có $100 trong trương mục tiết kiệm với 2% /năm. Sau 5 năm thì trương mục của bạn sẽ có: A) hơn $102. 😎 Đúng $102. C) ít hơn $102. D) không biết.
2/ tiền lời của trương mục tiết kiệm của bạn là 1%, lạm phát mỗi năm là 2%. Sau 1 năm, bạn có thể mua với số tiền của bạn trong trương mục? A) hơn ngày nay. 😎 bằng ngày hôm nay. C) ít hơn hôm nay. D) không biết
3/ mua cổ phiếu một công ty an toàn hơn mua Mutual Funds, đúng hay sai?
Theo giáo sư Lusardi thì chỉ có 30% trả lời đúng, cho thấy có sự khủng hoảng về sự hiểu biết tài chánh, nhất là giới thiểu số gốc da đen, la tinh, nông thôn,… nếu cha mẹ không biết thì làm sao dạy, chỉ bảo mấy người con. Có người cho rằng chúng ta không nên dạy mọi người về tài chánh như dạy ai cũng là bác sĩ của mình vì cần có một tài năng đặc biệt, mới thu nhận được kiến thức này.
30% hiểu về tài chánh thì họ biết quản trị thì tương đối biết lựa cơm gắp mắm trong khi 70% thì i tờ nên khốn đốn về tài chánh, cứ dùng thẻ tín dụng để tiêu xài rồi trả sau cộng thêm tiền lời mà chính cái tiền lời mới là mồ chôn tương lai của họ. Mình quen hai ông bác sĩ, làm bạc triệu mỗi năm khi xưa, đến khi về hưu, mướn căn hộ nghèo nàn, bạn tội nghiệp, tặng cho chiếc xe cũ để chạy.
Giáo sư Lusardi cho biết là các cầu thủ banh bầu dục chơi banh trung bình là 6 năm, họ lãnh lương nhiều hơn lương các cử nhân khác tốt nghiệp cả đời, các cầu thủ này không biết dùng số tiền này để tạo dựng nguồn tài chánh giúp họ sống đến cuối đời. Họ phải đóng thuế, rồi bạn bè đến xin xỏ, ăn có như ông Michael Jackson, nghe nói đám bạn bè đi theo ông ta tốn mỗi đêm ở Las Vegas cả $100,000. Họ nhận thấy sau 12 năm, nghĩ chơi banh, 15% các cầu thủ từng là triệu phú, khai phá sản.
Mình nhớ hồi mới dọn về Quận Cam, mỗi ngày báo chí nói đến ông Dennis Rodman, bị hàng xóm ở Newport Beach than phiền rồi mấy năm về trước, xem truyền hình phỏng vấn ông ta, khai phá sản, ở với bà vợ thứ mấy trong một khu chung cư tồi tàn. Hay ông tài tử da đen, đóng vai Mr. T trong chương trình truyền hình Team A, cũng phá sản hay võ sĩ Mike Tayson. Có một tài tử nổi tiếng kể lương họ $10,000,000 nhưng trả cho Agent của họ 49% rồi đóng thuế 55% nên chẳng còn bao nhiêu. Nhiều tài tử nổi tiếng khai phá sản mệt thở sau khi hết ăn khách, không được mời đóng phim.
Có giáo sư Harold Pollack của đại học Chicago, kể rằng ông ta có bằng tiến sĩ về “public policy” nhưng không biết áp dụng vào tài chánh đến khi mẹ vợ qua đời thì ông ta thừa kế ông em vợ bị khuyết tật. Vợ ông ta phải nghỉ làm để lo cho em và ông ta lo cho tài chánh của gia đình và bắt đầu tìm hiểu về tài chánh và đầu tư.
Ông ta khám phá ra những chuyên gia tài chánh thật sự nói dễ hiểu hơn các người nói trên truyền hình hay các tài liệu của các công ty tài chính. Mình nhớ dạo mới lò mò học mua nhà đầu tư thì gặp mấy người như ông Rich Dad, giải thích về đầu tư dễ hiểu hơn khi nghe nhiều tiến sĩ giải thích như Quantitative Easing, thấy có vẻ cao siêu thật ra là tiền chính phủ in ra để trả nợ hay nhiều trò khác. Nhiều tên nói trên trời nghe hay vv như xem ra thì đói mệt thở.
Ông ta bắt đầu viết blog cho The reality-based community rồi viết cuốn sách chung với bà Helaine Olen, ký giả về tài chánh “Pound Foolish: exposing the Dark Side of the Personal Finance Industry” và nói đến 9 điều răn về tài chánh trên “Index Card”. Tương tự thánh kinh có 10 điều răn nhưng các ông cố đạo lại giảng khác nhau rồi choảng nhau lập ra đủ loại nhà thờ.
1/ tiết kiệm 10-20% lợi tức hàng tháng
2/ trả hết tiền thẻ tín dụng mỗi tháng vì lãi rất cao 22-24%, cẩn thận về chi phí đầu tư hay thẻ tín dụng.
3/ bỏ tiền tối đa vào trương mục 401(k) của công ty, công ty vợ mình cho thêm gấp đôi (match)
4/ đừng bao giờ mua hay bán cổ phiếu của một công ty
5/ mua Index Mutual Funds, ít tiền quản trị như Vanguard Index
6/ bắt buộc người tư vấn về tài chính phải theo “fiduciary standard”, không biết tiếng Việt dịch ra sao, đại khái là những căn bản về sự uỷ thác, ủy quyền khi mình nhờ một chuyên gia thì họ phải làm theo quyền lợi của người tiêu dùng thay vì huê hồng mà họ được trả. Để tránh các chuyên gia bán những sản phẩm, chương trình đầu tư mà họ lãnh được nhiều huê hồng thay vì làm theo quyền lợi của người khách hàng.
7/ mua một căn nhà vì mua nhà là cách đầu tư hay nhất, phải cẩn thận về tiền lãi phải trả, tiền vốn bỏ ra,…như một cách bắt buộc để dành tiền khi mỗi tháng phải đóng tiền nhà cho ngân hàng.
8/ mua bảo hiểm để khi bị hoả hoạn, tai nạn,…
9/ đóng góp vào gầy dựng xã hội. Ông ta nói người em vợ bị tật nguyền, nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ thì gia đình ông ta sẽ bị khó khăn, do đó ông ta muốn đóng góp phần của mình để các chương trình xã hội như an sinh xã hội, Medicare,… có trường học, xa lộ, y tế để giúp những người cần đến.
Ông Bogle, người sáng lập công ty quản trị tài chánh và đầu tư Vanguard khuyên các người tiêu dùng: You want to capitalize on the magic of compounding returns without succumbing to the tyranny of compounding costs.” nhưng khổ một điều là chuyên gia về tài chính rất giỏi bán buôn khi dùng các cụm từ bay bổng khiến người tiêu dùng hoang mang nên giáo sư Pollack khuyên không nên lo ngại về thị trường chứng khoán còn ông Bogle thì khuyên nên áp dụng Diversification, rãi đều.
Có dạo ngồi nói chuyện với ông Rich Dad, ông ta hỏi mình học phổ thông 12 năm rồi 6 năm đại học để có một cái nghề kiếm cơm nhưng muốn học quản trị, đầu tư thì cũng cần phải học thêm. Nhiều người cứ tưởng là tự động trong đầu nẻ ra những ý tưởng đầu tư, quản trị tài chánh. Ông ta phải đi học, dù bận công việc, mỗi tuần đi học thêm ở các hội đầu tư hay các seminar.
Xong om

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét