Trang

Chuyện dài nước Mỹ (tiếp)

Cuối tuần, vợ chồng mình và một nhóm bạn hay tụ họp ăn uống, thay phiên nhau. Hôm nay tại nhà người này, tuần sau nhà người kia… tuần nọ. Các cuộc họp mặt này giúp mình cập nhật hoá thêm tin tức về cộng đồng người Việt vì có nhiều người bạn tham gia trong các hội đoàn người Việt tại Bôn Sa. Có người nói đến vài vụ mà mình thấy khá quan trọng nên ghi lại đây.
Trong đám có một chị dược sĩ, chồng chết, con út nhưng mấy ông anh bà chị giao cho việc chăm sóc bà mẹ ở nhà và ông bố trong viện dưỡng lão. Chiều đi làm về, cho mẹ ăn xong lại chạy vào viện dưỡng lão xem ông bố. Lúc đó mới hiểu câu: “cha mẹ sinh con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Có lẻ có bố trong viện dưỡng lão nên chị này hay đi hát trong viện dưỡng lão để giúp người cao niên bớt cô đơn, ít khi gặp con cháu vào thăm.
Lần đầu tiên vào viện dưỡng lão, mình thất kinh. Ở cửa ra vào, có một số người ngồi xe lăn, để đợi con cháu. Điều dưỡng viên đẩy ra đó cho họ ngồi, khỏi kêu ca, mệt óc rồi đến giờ cơm, kéo vào phòng ăn rồi đẩy ra ngay cửa lại. Thương cho kiếp người già.
Theo cuộc thanh tra của chính phủ gần đây cho biết; 87% các viện dưỡng lão trên nước mỹ, cộng tác với Medicare không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của chính phủ đưa ra.
Kinh
Anh em xào xáo vì vụ chăm sóc cha mẹ già. Ai cũng NÍ cho nhau mà bận thì phải mướn người giúp nhưng không ai muốn bỏ tiền, viện cớ này cớ nọ. Thật ra người lớn tuổi ở đây, có chương trình do chính phủ tài trợ, cho người đến nhà chăm sóc mấy tiếng một tuần, chở đi chợ,… nhưng lo nhất là ban đêm. Cho thấy ai còn phước thì được con cháu chăm sóc còn nếu không thì vào viện dưỡng lão, loại tồi tồi vì mấy nơi này đắc lắm. Rẻ cũng $5,000/ tháng xem như gần $200/ đêm. Còn nghèo thì viện tế bần. Kinh
Mình có cô cháu bị bệnh tàng tàng từ bé. Bố mất, bà mẹ không nuôi, có một bà được ông bố trước đây, kiếm đem về nuôi rồi trả tiền thêm ngoài tiền chính phủ trả, khá lâu độ trên 15 năm. Nay chị ta như nhân viên của thành phố, nên có tiền già đủ trò. Còn sướng hơn những người đi làm cả đời, đóng thuế, về già không có chi nhiều.
Vì phúc lợi riêng tư nên người Mỹ bắt đầu chống đối người di dân, trong khi người di dân ngày nay được xem là “Welfare tourism”. Quá cảnh xứ mỹ để hưởng trợ cấp thay vì lo tạo dựng một tương lai sáng sủa, mà họ không thể làm được tại quê hương họ.
Mình gặp rất nhiều người di dân, sang mỹ lâu năm mà không nói được tiếng sở tại, không đi học thêm dù chính phủ có lớp ESL miễn phí, ngồi nhà uống bia, chửi thiên hạ cho qua ngày.
Thật ra hệ thống thuế vụ của Hoa Kỳ làm người ta nản không muốn đi làm. Đi làm mệt nhưng đóng thuế thì còn ít hơn tiền ở nhà lãnh trợ cấp. Mình có viết đâu đó, 1 cặp vợ chồng mà khôn lõi thì sẽ được $75,000/ năm nếu làm theo cách mà thiên hạ chỉ. Hôm nào rảnh lục lại rồi tải lên lại.
Câu chuyện lái sang chuyện con cái bảo lãnh cha mẹ, thân nhân sang Hoa Kỳ rồi không chịu giữ lời hứa khi ký giấy xin bảo lãnh, chăm sóc cha mẹ hay anh em trong gia đình, để họ phải đi xin ơe phe, housing làm tốn tiền chính phủ. Ông thần Trump lên, làm đủ trò, xào xáo mọi việc. Ông ta ký sắc lệnh thi hành luật Welfare năm 1986, do ông tổng thống Clinton ký luật cải tổ vụ ăn trợ cấp.
Memorandum sẽ thi hành 2 đạo luật “Immigration Reform and Immigrant Responsibility Act” và “Personal Responsibility and Work Opportunity Reconciliation Act” đã được ký bởi ông Clinton năm 1986 do đó hạ viện do đảng Dân Chủ chịu trận vì ngay ông Joe Biden đã bỏ phiếu, ủng hộ cho hai đạo luật này được các đại biểu Dân Chủ đề xuất.
Vụ này nếu được thi hành thì khá mệt cho những người bảo lãnh nhất là những người được nhờ đứng tên dùm vì con cháu không đủ lợi tức. Tình ngay lý gian, nếu khai báo là do ai nấy nhờ thì bị tù. Chán Mớ Đời. Có Ông quen kể là muốn bảo lãnh vợ con sang nhưng lợi tức thấp nên nhờ ông anh bảo lãnh dùm nhưng ông anh không chịu nên hai anh em từ nhau từ đó.
Ở Hoa Kỳ, người ta kỵ nhất là ký tên chung (co-sign), ngay cả con cái, họ cũng sợ. Mình hay hỏi những người muốn mướn nhà, hỏi bố mẹ có chịu ký chung không thì đa số không chịu. Con họ mà họ không dám ký nghĩa là con họ có vấn đề tín nhiệm.
Mình có người quen ở Đàlạt, lấy chồng Việt kiều 20 năm nay mà không thấy bảo lãnh sang. Mình đoán là lợi tức thấp nên ông chồng không bảo lãnh được. 10 năm về thăm một lần.
Lấy thí dụ một gia đình bảo lãnh bố mẹ sang, rồi nghe lời luật sư, kêu là con tui nó xù nên bơ vơ, cần sự giúp đỡ của chính phủ. Mỗi tháng lãnh được $1,500 cho 2 vợ chồng, rồi tiền Housing trung bình $1,200/ tháng hay $14,400/ năm chưa kể nhiều cặp vợ chồng ly dị để lãnh trợ cấp nhiều hơn nhưng vẫn sống chung hữu nghị dưới một mái nhà. Thật ra cha mẹ, ai cũng thương con, không muốn con tốn tiền vì mình nên hay nghe lời mấy cò luật Oe phe này lắm.
Có bà khi xưa việc cho mẹ vợ mình kể; con bảo lãnh sang Chicago nhưng lạnh quá, dọn về Cali. Bà đi giúp việc, ông chồng đi lượm ve chai, mỗi ngày được $20, tháng $600, còn bà thì vợ mình trả $1,500/ tháng lại không tốn tiền nhà. Khoẻ re. Không muốn ăn oe phe vì sợ liên hại đến con mình sau này. Hôm trước, đi kỵ gặp lại bà ta kêu hú hồn.
Bà cụ mình gặp bà nào kể là hai vợ chồng ly dị nhưng vẫn sống chung một nhà nên thắc mắc. Mình giải thích là đại khái nếu là vợ chồng thì họ chỉ nhận trợ cấp đâu $1,500 còn ly dị thì mỗi người $950 hay $1,900/ tháng thêm được $400/ tháng hay $4,800/ năm xong om.
$1,500/ tháng xem như 1 năm là $18,000. Tính 20 năm là $360,000 thấy buồn tàn thu của Đặng Thế Phong ngay, chưa kể chuyện y tế đủ trò, thiên hạ ra tiệm thuốc tây, mua thuốc cho nhiều để gửi về Việt Nam cho thân quyến bán cho dân Việt Nam. Thêm tiền housing $14,400 xem như thêm $288,000 cho 20 năm qua. Coi như $648,000 chỉ có nước bán nhà, trở thành vô gia cư vì đã già, khó mà làm lại. Hết dám tính thêm. Chán Mớ Đời
Nếu chính phủ Trump kêu trả nếu không thì sẽ xiếc nhà, trương mục ngân hàng đủ trò. Lúc đó các anh em bảo lãnh cha mẹ sang chắc sẽ “hồn ai nấy giữ” vì khi cha mẹ chết, nội vụ tang phí còn NÍ qua NÍ lại thì số tiền $648,000, chắc không ai muốn lãnh. Tha hồ mà. Kiện cáo, giúp luật sư có tiền thêm. Chán Mớ Đời
Mình biết nhiều gia đình quen, lâm vào vụ cha chung chết không ai khóc. Anh em choảng nhau vì tiền bạc đám tang cho cha mẹ. Ai cũng đòi làm này làm nọ đến khi đưa cái biên lai ra thì ai cũng viện cớ nghèo, khó khăn.
Làm 49 ngày thì muốn mời cho bằng được thầy danh tiếng để tụng kinh, cho bố mẹ lên cõi vĩnh hằng sớm nhưng khi thầy chặc chém $500/ tiếng thêm tiền boa cho mấy đệ tử đi theo thì ai nấy bổng nhiên đi vào nhà tắm. Chán Mớ Đời
Có trường hợp nhiều người ký giấy bảo lãnh dùm để ăn chút tiền như mấy người người ăn welfare, muốn mua nhà nhờ người khác đứng tên, mượn tiền. Rồi họ ở nhà của chính mình mua được housing trả. Xong om
Lại nghe chính phủ rục rịch dẫn độ 1 triệu người di dân lậu về. Mấy người sang đây, con cháu xù, ăn welfare, lạng quạng cũng bị đuổi về vì mang tội khai gian là Chán Mớ Đời. Vụ này mà thi hành trong vòng 1 năm thì ông Trump chắc chắn sẽ hốt hết phiếu người da trắng.
Có mấy người sang đây trẻ nhưng nghe lời luật sư, đúng hơn là các văn phòng pháp lý ở Bôn Sa, xúi xin SSI, kêu bị tàng tàng, điên điên nên nhận tiền này từ mấy chục năm qua độ $750/ tháng là cũng ngọng.
Cho thấy trong cuộc đời, có lẻ tốt nhất là sống bình thường, đừng quá khôn lõi thì về già không sợ bị lộn xộn, những hậu quả của việc làm của mình.
Ngồi nói chuyện với thiên hạ sống vùng Bôn Sa thì khám phá ra nhiều trò được người Việt chơi rất cực giỏi. Chỉ có văn phòng pháp lý mới nghĩ ra cách làm ăn kiểu này vì dân mới sang đâu có hiểu luật lệ chi mô mà rờ. Kinh
Mình bảo đảm kỳ bầu cử tới là dân ở bôn sa sẽ không bầu cho ông Trump nữa. Ông ta lên làm đảo lộn sự trật tự làm ăn của người dân ở Cali quá nhiều. Họ sẽ hoan hô đảng Dân Chủ muôn năm.
Họ đòi tiền con cháu rồi dẫn độ cha mẹ về Việt Nam vì khai man là chấm dứt cái khổ có cha mẹ già. Họ sẽ sử dụng cái cớ này để dẫn độ những người di dân chưa có quốc tịch về quê hương của họ.
Trong thời kỳ Great Depression, Hoa Kỳ dẫn độ 1 triệu người gốc Mễ về nước dù trên nguyên tắc dạo ấy mấy người này là người Mỹ. Thậm chí tổ tiên họ đến cư ngụ tại Hoa Kỳ trước người Mỹ da trắng. Hôm nào rảnh mình kể vụ này khá ly kỳ.
Theo thống kê thì người Mỹ gọi vụ ăn trợ cấp này là “Welfare tourism”. Họ cho biết cứ 78% gia đình không phải công dân Hoa Kỳ, không có trình độ học vấn trên cấp trung học, nhận trợ cấp ít nhất một chương trình phúc lợi và 50% gia đình không có quốc tịch Hoa Kỳ thì có ít nhất 1 người nhận lãnh MediCaid hay Medical. Được biết là Cali có đến 49% dân số hưởng ít nhất 1 trợ cấp.
Lấy thí dụ, một cô di dân lậu sang đây, việc đầu tiên người ta xúi cô ta là kiếm một thằng bồ, sinh cho bằng được một đứa con. Lý do là ai sinh ra tại Hoa Kỳ thì đương nhiên là công dân Hoa Kỳ. Con nhỏ nên người ta không thể dẫn độ người mẹ về nước. Đẻ ra thì đi xin trợ cấp cho con rồi chính phủ cho đâu $400/ tháng để chăm sóc con cái,…nên khi họ kêu 78% là khả tín.
Công quỹ nay cạn nên họ sẽ thanh lọc hết mấy vụ này. Hàng tháng người ta bắt được trên 130 ngàn người di dân lậu ở biên giới, rồi bỏ vào những nơi thấy hàng rào. Thấy tiếc là nên mở công ty cho chính phủ thuê hàng rào là sống thoải mái con gà kê.
Ông bà cụ vợ mình may là có vài người con thành đạt nên nuôi 2 người giúp việc, ngày đêm chăm sóc ông bà cụ, đến khi hai người mãn phần. Bạn bè hay họ hàng kêu răng ngu rứa, sao không đi xin Housing, … có ông anh vợ kêu là hết phước mới đi xin oe phe cho bố mẹ.
Nghĩ đến là Chán Mớ Đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét